Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 46
Truy cập hôm nay: 640
Lượt truy cập: 10,291,682
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Tên họ người Việt Nam (phần 4)

Tên họ người Việt Nam ( Phần 4)

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy

CHƯƠNG II : Họ và tên của người Việt Nam so với người Trung Hoa và người các nước Tây phương gốc Âu.

Như chúng tôi đã trình bày trong chương trước, dân tộc Việt Nam đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Trung Hoa, và một trong những biểu lộ của ảnh hưởng này đã thể hiện trong họ và tên của người Việt Nam. Tuy nhiên về mặt này, người Việt Nam vẫn giữ một số đặc điểm của mình.

Về sau, người Việt Nam lại tiếp xúc với người các nước Tây phương gốc Âu, nhứt là Pháp và Hoa Kỳ, nên việc đặt tên họ cho những người Việt lưu cư ở hải ngoại trong giai đoạn này cũng có thêm ít nhiều phức tạp.

Từ năm 1975, hàng triệu người Việt Nam đã đến các nước Tây phương gốc Âu để tỵ nạn và đã phải rất bỡ ngỡ khi phải ghi tên họ mình trong một văn kiện. Do đó, chúng tôi thiết tưởng cũng nên dành một chương của quyển sách này để nêu ra những điểm dị đồng giữa việc dùng họ và tên của người Việt Nam so với người ngoại quốc.

Mục I : Tên họ người tây phương gốc âu.

Hiện nay, từ ngữ người Tây phương nói chung dùng để chỉ các dân tộc theo chế độ dân chủ tự do về mặt chánh trị và được kỹ nghệ hóa về mặt kinh tế. Hiểu như vậy thì nó bao gồm các dân tộc Tây Âu, Mỹ, Gia Nã Ðại, Úc Ðại Lợi, Tân Tây Lan và Nhựt. Trừ Nhựt ra, các dân tộc khác đều phát xuất từ Âu châu. Do đó, chúng tôi dùng từ ngữ người Tây phương gốc Âu để chỉ các dân tộc này.

Tuy hiện nay họ phân ra thành nhiều dân tộc sống ở nhiều nước và mỗi dân tộc như vậy đều mang những nét đặc thù, tất cả đều có một nền văn hóa chung. Do đó, trong việc đặt tên họ, các dân tộc Tây phương gốc Âu đều theo những qui tắc như nhau, và ta chỉ cần nghiên cứu tên họ của vài dân tộc trong số này là có thể hiểu được trong đại khái việc đặt tên họ của người Tây phương gốc Âu nói chung.

Trong phần nghiên cứu về tên họ các dân tộc Tây phương gốc Âu, chúng tôi đã dựa nhiều nhứt vào hai quyển sách, một là quyển Noms et prénoms de France (Họ và tên ở Pháp) cũng được gọi là Dictionnaire étymologique des noms de famille et prénoms de France (Từ điển ngữ nguyên các họ và tên ở Pháp) của giáo sư Albert Dauzat, hai là quyển The book of names (Sách về các loại tên và họ) của giáo sư J.N. Hook.

I. Nhận xét chung về tên họ người Tây phương gốc Âu.

A. Lịch trình diễn tiến của nền văn hóa Tây phương gốc Âu

So với văn hóa Trung Hoa, nền văn hóa Tây phương gốc Âu có tánh cách đa phương và có một lịch trình diễn tiến phức tạp hơn.

Ở Trung Hoa, nền văn hóa phôi thai dưới đời nhà Hạ (2201-1766 tr CN) và nhà Thương Ân (1766-1123 tr CN) đã trở thành tinh thục dưới đời nhà Châu (1122-249 tr CN) rồi sau đó đã phát triển một cách liên tục.

Dân Trung Hoa thực ra cũng đã từng bị các sắc tộc thiểu số chinh phục và cai trị. Tuy nhiên, người của các sắc tộc này ngay trong lúc đã làm chủ cả Trung quốc như dưới đời nhà Nguyên (1277-1368) và nhà Thanh (1644-1911) đều lần lượt bị dân Trung Hoa đồng hóa và các cống hiến của họ vào nền văn hóa Trung Hoa không làm thay đổi được nền văn hóa này trong nét chánh.

Nền văn hóa Tây phương gốc Âu trái lại đã trải qua nhiều biến chuyển sâu rộng hơn theo dòng lịch sử.

Thời cổ, các giống dân ở Âu châu đều có nền văn hóa riêng của mình. Ðến thế kỷ thứ ?, người La Mã trở thành cường thạnh rồi lần lượt chinh phục các dân tộc khác và xây dựng một đế quốc rộng lớn được duy trì cho đến thế kỷ thứ ?.

Trong thời kỳ ngự trị trên các giống dân Âu châu khác, người La Mã đã phổ biến văn hóa của mình khắp nơi. Nhưng ngược lại, họ cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng các giống dân đã có một trình độ phát triển cao như dân Hy Lạp chẳng hạn.

Lúc đế quốc La mã sụp đổ, các dân tộc Âu Châu đã thành lập những quốc gia riêng biệt. Một số trong các dân tộc này, trong đó có dân tộc Pháp, đã bị những người thuộc tộc Nhựt Nhĩ Man chinh phục. Ðồng thời, Thiên Chúa giáo phát xuất từ đất Do Thái vào đầu công nguyên, và được đế quốc La Mã thờ làm quốc giáo từ thế kỷ thứ ?, đã được các nhà cầm quyền gốc Nhựt Nhĩ Man tôn sùng và phổ biến phắp các nước Âu Châu. Vì có một giáo hội chung lãnh đạo các tín đồ ở các nước khác nhau, đạo này duy trì được sự đồng nhứt của các dân tộc Âu Châu về mặt văn hóa.

Từ thế kỷ XV, người Âu Châu lại tràn sang chinh phục Mỹ Châu và Úc Châu. Ðến lúc đã phát triển, các nước Úc Ðại Lợi, Tân Tây Lan, Gia Nã Ðại và nhứt là Hoa Kỳ đã trở thành những đất nhập cư tiếp nhận người của nhiều dân tộc khác ngoài các dân tộc Âu Châu. Các dữ kiện lịch sử nói trên đây liên hệ đến nền văn hóa các dân tộc ấy.

B. Việc đặt tên họ ở Pháp.

1. Lịch trình diễn tiến tổng quát của việc đặt tên và họ ở Pháp.

Nói chung thì đời cổ, mỗi dân tộc Âu Châu đều có tên, và nhiều dân tộc còn có cả họ nữa. Khi các dân tộc ấy bị người La Mã chinh phục, một số họ và tên La Mã đã được người của các dân tộc ấy thâu dụng trong khi một số tên và họ cũ bị loại bỏ. Nhưng sau khi Ðế quốc La Mã sụp đổ, các tên họ phát xuất từ Ðế quốc ấy lại bị Thiên Chúa giáo đánh bạt đi.

Ở Pháp thì từ thời đó, chỉ có một số ít người có họ. Trước hết là các nhà quí tộc lấy tên nước hoặc tên lãnh địa của mình hay của ông cha mình làm họ. Ngoài ra, còn một số người tuy là thường dân nhưng nhờ được hưởng một vị thế đặc biệt mà có nhiều tiền của hay thế lực, những người này cũng có họ cho gia tộc mình.

Ðại đa số người thường dân thì không có họ mà chỉ có tên được đặt khi làm lễ rửa tội. Tên này thay đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Số tên rửa tội được dùng để đặt cho người thường dân như vậy có tánh cách hạn chế nên ở mỗi địa phương thường có nhiều người cùng mang một tên rửa tội như nhau. Trong số này có kẻ khi nói tên ra thì mọi người đều biết, còn phần lớn thì không được như vậy.

Muốn phân biệt những người thuộc hạng sau này, người ta phải đặt thêm cho họ một tên hiệu. Như trong một xã có hàng chục người tên Paul, trong đó có một người thế lực lớn gọi là ông Paul thì ai cũng biết và nhiều người khác cùng tên Paul. Muốn phân biệt các anh Paul sau này, người ta đã gọi họ là anh Paul ở gần cầu, anh Paul con ông Jean, anh Paul tóc hung, anh Paul da sậm, v.v...

Từ thế kỷ thứ 12, ở thị xã Anas, và từ thế kỷ thứ 13 ở các địa phương khác của Pháp, người ta có xu hướng chuyển các biệt hiệu của mình cho con cháu và biệt hiệu này trở thành ra họ.

Vào thế kỷ thứ 15 thì việc đặt họ ở Pháp đã thành nền nếp.

Ðến năm 1539, vua Fran ois I lại ban hành Chỉ dụ Villers-Cotterets để tổ chức sổ hộ tịch của người theo công giáo, các sổ này do các vị Cha sở quản trị. Từ đó, các họ đã có của người Pháp được chánh thức công nhận và duy trì. Năm 1598, vua Henri IV ban hành Chỉ dụ Nantes cho người theo đạo Tin Lành được tự do hành đạo, đồng thời giao cho các Mục sư làm sổ hộ tịch cho họ.

Về phần người theo Do Thái giáo thì việc bắt buộc phải làm sổ hộ tịch chỉ được áp dụng khi chánh phủ Pháp ban bố Sắc lịnh ngày 20 tháng 7 năm 1808.

Từ cuối đời Trung cổ, tổng số các họ ở Pháp đã lần lượt tăng thêm với họ của những người ngoại quốc nhập cư rồi thành người Pháp; và họ mà viên chức hộ tịch tạo ra để đặt cho những đứa trẻ bị bỏ rơi hay những đứa con tư sinh không được cha thừa nhận.

2. Các biến chuyển về hình thức các tên và họ ở Pháp.

Các từ ngữ gốc được người Pháp chọn làm tên và họ cách đây nhiều thế kỷ có thể bị biến đổi vì nhiều lý do.

a. Sự biến đổi vì sự phát âm khác nhau ở các địa phương.

1/ Dân Pháp vốn gồm nhiều bộ tộc khác nhau trước đây dùng nhiều thổ ngữ khác nhau.

Trong nét chánh, người ta phân biệt hai thổ ngữ "oil" ở miền Bắc Pháp và thổ ngữ "oc" ở miền Nam Pháp. Người nói hai thổ ngữ này đã dùng những tiếng khác nhau để biểu lộ một ý tưởng như nhau. Như ý tưởng "Trời cho" được người nói tiếng "oil" gọi là "Dieudonné" và người nói tiếng "oc" gọi là "Deodat"; để biểu lộ ý tưởng "rừng", người nói tiếng "oil" dùng từ ngữ "Bois" còn người nói tiếng "oc" thì dùng từ ngữ "Boic".

2/ Bên trong các miền nói tiếng "oil" và tiếng "oc" lại có sự phát âm khác nhau giữa vùng này với vùng khác. Như từ ngữ Guillaume chung cho miền nói tiếng oil lại được phát âm là Guillerme ở xứ Bretagne và trong tỉnh Ain. Còn ở mạn đông nước Pháp và ở xứ Normandie, nó lại được phát âm là Villaume.

3/ Một số từ ngữ được phát âm khác nhau ở các địa phương về sau lại bị Pháp hóa. Trong xứ Franche-Comté, từ ngữ Vautier đã bị pháp hóa thành Gautier. Do sự Pháp hóa này mà ở xứ Normandie, từ ngữ Villaume nay đã ít hơn so với trước đây.

4/ Một số địa phương của Pháp thích dùng một âm chót đặc biệt cho mình. Các xứ Bourgogne, Franche-Comté và Lorraine thường có các tên họ và âm chót "ot", ở mạn tây nước Pháp, đặc biệt là ở Poiton, các tên họ thường có âm chót là "eau". Các tên họ có âm chót "uc" hay "ic" thì thường được gặp ở vùng núi Pyrénées.

b. Sự biến đổi vì chánh tả thay đổi.

1/ Từ thế kỷ thứ 16 đến thế kỷ thứ 18, người Pháp chưa giải quyết dứt khoát vấn đề chánh tả cho các họ. Do đó, trong một quyển sổ hộ tịch, một họ có thể được ghi lại dưới nhiều hình thức khác nhau, mặc dầu phát âm vẫn như nhau. Ta có thể kể làm thí dụ trường hợp họ Fresney cũng được viết thành Fresnet hay Frenet.

2/ Mặt khác, mỗi địa phương lại có thể có lối riêng của mình để viết âm cuối của một từ ngữ. Vùng bắc núi Ardennes thường đổi "er" thành "ez". Do đó các từ ngữ Boucher, Bonnet đã biến thành Bouchez và Bonnez tại địa phương này. Từ ngữ Renault ở vùng trung lưu sông Loire đã trở thành Renaut ở mạn bắc nước Pháp và Renaud ở vùng thủ đô Paris và ở phần lớn các địa phương khác.

3/ Khi Hàn lâm viện Pháp bắt đầu làm tự điển và do đó mà ấn định chánh tả cho ngôn ngữ Pháp vào cuối thế kỷ thứ 17, các tên và họ đã không theo thông lệ chung. Bởi đó, danh từ amy đã được viết thành ami, nhưng từ ngữ lamy do amy mà ra vẫn được viết như cũ.

Một số họ phát xuất từ tên người hay từ một danh từ chung đã duy trì lối viết cũ để cho khác với các tên và các danh từ này, như họ Anthonce phân biệt với tên Antoine, họ Henry phân biệt với tên Henri, họ Margueritte phân biệt với tên Marguerite, họ Chastellain phân biệt với tên Châtelain.

4/ Vào thời Phục hưng, người ta lại sính viết tên người theo lề lối La Tinh, nhứt là ở mạn đông nam nước Pháp và ở các vùng bị ảnh hưỡng văn hóa Nhựt Nhĩ Man. Do đó, có khi Giraud biến thành Giraudy, Caulia biến thành Caullery Caussidère biến thành Caussidery.

5/ Sau hết, có khi người ta đọc lầm một chữ trong tên hay họ và viết lại sai, rồi tên hay họ viết sai này được dùng luôn song song với tên hay họ cũ. Ðó là trường hợp của các họ LefebureLefebvre: trước đây có người đã đọc lộn chữ "u" trong Lefebure thàng chữ "v" và viết thành LefebvreLefebvre trở thành một họ mới.

c. Việc biến một tên hay họ đã có thành tên hay họ mới bằng cách thêm bớt hay thay đổi một bộ phận trong tên hay họ đó.

Người Tây phương gốc Âu nói chung, và người Pháp nói riêng, thường thêm một bộ phận vào một từ ngữ gốc, hoặc trái lại bớt một bộ phận hay thay đổi một bộ phận của từ ngữ gốc đó để làm cho ý nghĩa của nó biến đổi chút ít.

Phương thức này cũng được áp dụng đối với các tên và họ thành ra một tên hay họ gốc có thể cho ra nhiều biến thể khác nhau. Ta có thể lấy làm thí dụ trường hợp của từ ngữ Jean là một tên thông dụng về sau lại được đồng thời dùng làm họ.

1/ Tên Jean vốn là tên dùng cho nam giới, và người Pháp đã thêm cho nó tiếp vĩ ngữ "ne" thành tên Jeanne dùng cho phụ nữ.

Ngoài ra, để biểu lộ lòng thương yêu đứa bé họ sắp đặt tên, họ thêm tiếp vĩ ngữ "et, ette, in, ine", hay "ot" vào Jean thành các tên Jeannet, Jeannin, Jeannot cho con trai và Jeannette hay Jeannine cho con gái. Các tên mới này đều hàm ý bé bỏng hay nhỏ nhít.

Ðối với con gái, sự biểu lộ lòng thương yêu lại đưa đến việc cắt bỏ đoạn đầu của tên Jeannine và thay đổi đoạn sau của nó thành ra cuối cùng đứa bé gái mang tên là Nina hay Ninon.

2/ Khi Jean thành họ, người ta lại ghép thêm một bộ phận vào nó để đặt ra họ mới như Jeanblanc (Jean trắng), Jeanbrun (Jean da sậm), Petitjean (Jean nhỏ) hay Grandjean (Jean lớn).

C. Việc đặt tên họ ở các nước Tây phương gốc Âu khác.

Nói chung thì họ và tên các dân Âu Châu khác cũng có một lịch trình tiến hóa tương tự với họ và tên của dân Pháp.

Các hiện tượng về sự biến hình của các tên họ đã có vì lối phát âm khác nhau, vì sự thay đổi trong phép chánh tả hay vì việc thêm bớt hoặc thay đổi một bộ phận của tên họ mà chúng ta đã thấy ở Pháp cũng đã xuất hiện ở các nước Âu Châu khác.

Khi sang ở Mỹ Châu và Úc Châu, người Âu Châu đã tiếp tục theo lề lối đặt tên của tổ tiên họ. Do sự phát âm khác nhau và do các thay đổi trong phép chánh tả, cùng các sự thêm bớt hay thay đổi một bộ phận của tên họ, rất nhiều tên và họ Âu Châu có nguồn gốc và ý nghĩa nguyên thủy như nhau đã trở thành khác nhau, tùy quốc gia, hoặc tùy mỗi địa phương trong một quốc gia.

Phần nước Hoa Kỳ thì đã tiếp nhận người của nhiều nước Âu Châu đến cư ngụ nên đã dùng hết các tên và rất nhiều họ Âu Châu. Ngoài ra họ có thể tự đặt ra tên họ mới.

Ðã vậy, ở Hoa Kỳ lại có những người thổ dân da đỏ vốn đã ở trên lãnh thổ nước ấy từ trước, rồi sau này Hoa Kỳ còn tiếp nhận nhiều giống dân ngoài Âu Châu.

Người thổ dân cũng như người thuộc các giống dân ngoài Âu Châu phần lớn đã giữ nguyên lối đặt tên và họ cổ truyền của họ. Do đó họ và tên của Hoa Kỳ nói chung đặc biệt phong phú hơn họ và tên của các dân tộc Tây phương gốc Âu Châu khác.

II. Tên của người Tây phương gốc Âu.

A. Tên của người Pháp.

1. Nguồn gốc các tên được dùng ở Pháp.

Người Âu Châu nói chung vốn theo Thiên Chúa giáo nên thường lấy tên các vị Thánh hay các vị tử đạo của tôn giáo này để làm tên đặt cho con cháu mình. Người Pháp dĩ nhiên là theo thông lệ chung của người Âu Châu.

Trước đây, họ còn bị bắt buộc phải chọn tên một vị Thánh được chánh thức ghi trong dương lịch và tư cách là vị chủ trì một ngày trong năm; nếu không như vậy, họ cũng phải chọn một tên được thông dụng.

Sau này, sự hạn chế trên đây được bãi bỏ và người Pháp được tự do hơn trong sự chọn tên. Số tên được họ dùng thêm vào các tên đã thông dụng có thể là tên của người ngoại quốc nhập cư hoặc tên của một danh nhơn, một nhơn vật trong Thánh kinh hay trong thần thoại.

Thánh kinh vốn phát xuất từ dân Do Thái, các thần thoại lưu hành ở Âu Châu phần lớn phát xuất từ dân Hy Lạp và dân La Mã. Về các vị Thánh và các vị tử đạo của Thiên Chúa giáo, họ thuộc nhiều chủng tộc khác nhau. Do đó, các tên lưu hành ở Pháp hiện nay có rất nhiều nguồn gốc khác nhau.

2. Số lượng các tên lưu hành ở Pháp.

Như trên đây đã nói, phần lớn các tên lưu hành ở Pháp là tên các vị Thánh được chánh thức ghi trong dương lịch. Xét một quyển lịch hiện tại ở Pháp ghi tên các Thánh nam nữ được xem là chủ trì một ngày trong năm, ta có thể nhận thấy mấy điểm sau đây:

a. Một số ngày được xem là thánh lễ lớn hay quốc lễ không có tên vị Thánh chủ trì.

b. Có khi một vị Thánh chủ trì hai ngày khác nhau, như Thánh Augustin chủ trì hai ngày 7 tháng 5 và 28 tháng 8; Thánh Jacques chủ trì hai ngày 3 tháng 5 và 25 tháng 7; Thánh Paul chủ trì hai ngày 25 tháng 1 và 29 tháng 6.

c. Bù lại cũng có ngày được hai vị Thánh chủ trì, như ngày 3 tháng 5 là ngày của hai vị Thánh Philippe và Jacques; ngày 29 tháng 6 là ngày của hai Thánh Pierre và Paul; ngày 13 tháng 7 là ngày của hai Thánh Henri và Joel.

d. Phần lớn các Thánh chỉ được dương lịch ghi tên, nhưng cũng có một vài vị Thánh được ghi thêm gốc tích như Thánh Fran ois d'Assise, Thánh Fran ois de Sales và Thánh Vincent de Paul.

Khi đặt tên cho một đứa bé mới sanh, người Pháp chỉ dùng tên chớ không dùng luôn cả phần nói về gốc tích của vị Thánh.

đ. Một số tên các vị Thánh ghi trong dương lịch là tên đôi như Jean-Baptiste, Jean-Fran ois, Marie-Madeleine.

e. Trong số tên các vị Thánh được dùng trong dương lịch có những tên ít khi được người ta dùng như Gael, Gatien, Gildas, Gwladys, Paterne, Sidoine,... về phía nam giới; và Eloche, Nadeze, Pélagie, Thède,... về phía nữ thánh.

g. Bù lại cũng có tên thông dụng nhưng không được ghi trong dương lịch như Alfred, Auguste, Camille, Ernest, Jules, Théophile,...

h. Một số tên Thánh ghi trong dương lịch là biến thể của một tên gốc và có liên hệ rõ rệt với nhau, như Bernard với Bernadette và Bernadin; Jean với Jeanne; Nina và Ninon; hay Fleur với Flora, Florenca, Florent, Florentin.

Tuy nhiên, không phải tên gốc nào cũng có biến thể được cùng ghi trong dương lịch; và đối với các tên gốc có biến thể được cùng ghi, không phải tất cả các biến thể của nó đều được ghi cả.

Nếu chỉ tính các tên gốc thì trong dương lịch số tên chưa đến 300, trong đó 2/3 là tên cho nam giới và 1/3 cho phụ nữ. Kể luôn cả các tên gốc thông dụng không được ghi trong dương lịch thì số tên gốc lưu hành ở Pháp cũng chỉ vào khoảng trên 300. Cộng thêm vào các biến thể được dùng thì tổng số tên của Pháp có thể lên đến vài ngàn.

3. Ý nghĩa các tên được dùng ở Pháp.

Như trên đây đã nói, tên được dùng ở Pháp có nhiều nguồn gốc chủng tộc khác nhau. Chủng tộc nào cũng dùng những tên có ý nghĩa để đặt cho người của mình. Nhưng khi mượn một tên của chủng tộc khác để dùng, người ta chỉ lấy âm chớ không lấy cả nghĩa. Do đó, đại đa số các tên gốc được dùng ở Pháp không có ý nghĩa trong ngôn ngữ Pháp thông thường.

Ngày nay, các học giả đã tìm ra được nguồn gốc và ý nghĩa các tên đó, chỉ còn một vài tên mà người ta chỉ được biết nguồn gốc nhưng chưa hiểu rõ được ý nghĩa nguyên thủy.

Trong việc nghiên cứu về ý nghĩa các tên gốc được dùng ở Pháp, chúng tôi dựa vào quyển từ điển của giáo sư Albert Dauzat. Các tên chúng tôi đưa ra làm thí dụ đều là tên các vị Thánh được chánh thức được ghi trong dương lịch. Ðể cho độc giả dễ tra cứu, chúng tôi ghi sau mỗi tên được nói đến ngày chủ trì của vị Thánh mang tên ấy.

a. Các tên Pháp có ý nghĩa trong ngôn ngữ thông thường.

1/ Một số tên của Pháp vẫn còn giữ được ý nghĩa trong ngôn ngữ thông thường. Các tên này có thể:

  • Biểu lộ tình cảm của kẻ khác đối với một người như Aimé (13 tháng 9) cho nam giới và Aimée (20 tháng 2) cho phụ nữ là "được thương yêu", hay Honoré (16 tháng 5) là "được tôn trọng".
  • Mô tả một đặc tánh thể chất hay tinh thần của người như Claire (11 tháng 8) là "nước da trắng trẻo", Clément (23 tháng 11) là có tinh thần "khoan hòa, bao dung", Fidèle (24 tháng 4) là "trung thành", Martial (30 tháng 6) là "dáng điệu hùng dũng".
  • Liên hệ đến tổ quán hay nguyên gốc chủng tộc của người như Romain (28 tháng 2) là "người dân của đất La Mã", Germaine (15 tháng 6) là "người thuộc tộc Nhựt Nhĩ Man".
  • Chỉ một nghề nghiệp như Olive (5 tháng 3) vốn là "trái cảm lãm" nhưng ỡ đây lại được dùng để chỉ "người sản xuất hay bán trái cảm lãm".
  • Nêu ra một lý tưởng như Olivier (12 tháng 7) vốn là "cây cảm lãm" nhưng ở đây lại được dùng để "biểu hiệu cho hòa bình".

2/ Một số tên được viết hơi khác với từ ngữ thông thường hiện được dùng, nhưng người ta còn dễ dàng nhận ra nó được. Ðó là trường hợp của các tên:

  • Bruno (6 tháng 10) viết cũng gần như tĩnh từ "brun" là "màu nâu" tức là "màu da sậm",
  • Fran oise (9 tháng 3) viết cũng gần như Fran aise là "người đàn bà gốc Franc" hay là "người đàn bà Pháp",
  • Prosper (25 tháng 6) viết cũng gần y như tĩnh từ "prospère" là "thạnh vượng".

3/ Bù lại, một số tên có ý nghĩa trong ngôn ngữ Pháp thông thường thật sự đã có một ý nghĩa nguyên thủy khác với nghĩa thông thường hiện tại:

  • Marguerite (16 tháng 11) trong ngôn ngữ thông thường là tên một thứ hoa thuộc loại cúc, nhưng thật sự là tên phát xuất từ một tiếng La Tinh và có nghĩa là "trân châu".
  • Richard (3 tháng 4) trong ngôn ngữ thông thường là "đại phú gia", nhưng thật sự là tên phát xuất từ hai tiếng Nhựt Nhĩ Man, "ric" có nghĩa là mạnh và "hard" có nghĩa là cứng rắn.

b. Các tên Pháp không có ý nghĩa trong ngôn ngữ thông thường.

Các tên Pháp không có ý nghĩa trong ngôn ngữ thông thường phát xuất từ nhiều nguồn gốc khác nhau:

1/ Có những tên phát xuất từ các địa phương trong nước Pháp hay ngoài nước Pháp. Trong loại tên này, ta có thể kể:

  • Tên phát xuất từ vùng Basque ở tây nam nước Pháp và đông bắc nước Tây Ban Nha như Xavier (3 tháng 12) do tên đất Etchaberri mà ra và có nghĩa là "nhà mới".
  • Tên phát xuất từ vùng Bretagne ở tây bắc nước Pháp như Hervé (17 tháng 6) do thổ ngữ Haerven mà ra và có nghĩa là "tích cực chiến đấu".
  • Tên phát xuất từ vùng Savoie và Corse như Amédée (30 tháng 3) thường được dùng trong dòng họ lãnh đạo đất Savoie và có nghĩa là "yêu Thượng Ðế".
  • Tên phát xuất từ nước Ba Lan như Stanislas (11 tháng 4) gồm hai từ ngữ Stan là "đứng dậy" và Slav là "vinh quang".

2/ Có những tên phát xuất từ tiếng Do Thái cổ như:

  • Abraham (20 tháng 12) vốn là tên một nhơn vật trong Thánh kinh và có nghĩa là "Cha ở bên trên".
  • Jacques (3 tháng 5) và Jacqueline (8 tháng 2) do tên Jacob cũng là một nhơn vật trong Thánh kinh mà ra và có nghĩa là "Thượng Ðế thay thế".
  • Jean (27 tháng 12) do tên Johannes mà ra và có nghĩa là "Thượng Ðế ban cho".
  • Thomas (27 tháng 12) có nghĩa là "song sinh".

3/ Có những tên phát xuất từ tiếng Hy Lạp cổ như:

  • Alexandre (22 tháng 4) và Alexis (17 tháng 2) do tiếng Alexein mà ra và có nghĩa là "đánh đuổi (giặc)".
  • Diane (9 tháng 6) là tên một nữ thần chủ về mặt trăng trong thần thoại Hy Lạp.
  • Georges (23 tháng 4) do tên Georgices mà ra và có nghĩa là "người làm ruộng".
  • Philippe (3 tháng 3) do tên Philippos mà ra và có nghĩa là "ngựa".

4/ Có những tên phát xuất từ tiếng La Tinh như:

  • Benoit (16 tháng 4 và 11 tháng 7) do tiếng Benedictus mà ra và có nghĩa là "ban phép lành".
  • Claude ( 15 tháng 2) do tiếng Claudius mà ra và có nghĩa là "quê".
  • Didier (23 tháng 5) do tiếng Desiderius mà ra và có nghĩa là "nguyện vọng".
  • Lucien (8 tháng 1) và Lucie (13 tháng 12) do các tiếng Lux và Lucis mà ra và có nghĩa là "ánh sáng".

5/ Có những tên phát xuất từ cả hai thứ tiếng Hy Lạp và La Tinh như:

  • Agnès (21 tháng 1) gốc tiếng Hy Lạp Agné thì có nghĩa là "tinh túy, trong sạch" và trong tiếng La Tinh thì thêm ý, phát xuất từ tiếng Agnus là "con chiên con" tượng trưng sự trong sạch ngây thơ.
  • Léon (10 tháng 11) và Léonce (18 tháng 6) do một tiếng vừa Hy Lạp vừa La Tinh mà ra và có nghĩa là "con sư tử".

6/ Có những tên phát xuất từ tiếng Nhựt Nhĩ Man như:

  • Alphonse (1 tháng 8) do các tiếng Adal là quí tộc và funs là nhanh chóng ghép lại mà ra.
  • Charles (4 tháng 11) và Charlotte (17 tháng 7) do tiếng Carl mà ra và có nghĩa là "con người".
  • Louis (28 tháng 8) và Louise (15 tháng 3) do các tiếng hlod là vinh quang và vig là chiến đấu ghép lại mà ra.
  • Robert (30 tháng 4) do các tiếng hlod là vinh quang và berht là nổi tiếng, sáng chói ghép lại mà ra.

B. Tên của người Tây phương gốc Âu Châu khác, đặc biệt là người Hoa Kỳ.

1. Tên của người Tây phương gốc Âu Châu khác ngoài Hoa Kỳ.

Về mặt số lượng và nguồn gốc các tên được dùng để đặt cho người, tình trạng các dân tộc Tây phương gốc Âu Châu ngoài Hoa Kỳ cũng không khác tình trạng Pháp bao nhiêu. Nhiều tên thông dụng ở Pháp đã được các dân tộc ấy dùng với một vài thay đổi trong phát âm và trong tự dạng.

Ngoài ra, cũng như ở Pháp, một tên gốc lại còn có thể làm phát sanh nhiều tên phụ thuộc. Ta có thể lấy làm thí dụ các tên sau đây:

  • Tên Jacques của Pháp đã trở thành Jaime hay Jayme ở Tây Ban Nha; Jack, Jame hay James ở Bỉ và Anh, Jacobi ở Ðức, Giaccobi hay Giacomo ở Ý.
  • Tên Jean của Pháp đã trở thành Gioan, Giannetti, Giovanni ở Ý, Jans ở Hòa Lan, Johanne, Hans hay Hanns ở Ðức, John ở Anh.

2. Tên của người Hoa Kỳ.

Tên của người Hoa Kỳ so với tên của người Tây phương gốc Âu Châu nói chung có nhiều đặc điểm đáng lưu ý. Trong việc nghiên cứu về các tên này, chúng tôi đã dựa vào quyển The book of names của giáo sư J. N. Hook.

a. Nguồn gốc các tên được dùng ở Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ đã thâu nhận người của tất cả các dân tộc Âu Châu. Ngoài ra, tại Hoa Kỳ còn có người thổ dân da đỏ đã định cư tại đó trước khi người Âu Châu đến ở Mỹ Châu, rồi sau này lại còn có những người thuộc các dân tộc khác ngoài Âu Châu nhập cư. Vậy, nguồn gốc chủng tộc của người Hoa Kỳ rất phức tạp.

Mặt khác, chánh quyền Hoa Kỳ từ trước đến nay vẫn để cho mọi người tự do chọn tên để dùng hay để đặt cho con cháu. Phần lớn người của mỗi chủng tộc thường giữ lề lối đặt tên của mình nên tên thông dụng ở Hoa Kỳ có nhiều nguồn gốc khác nhau hơn bất cứ ở nước nào khác trên thế giới.

b. Số lượng các tên được dùng ở Hoa Kỳ.

Một số dân tộc Á Châu có người nhập cư Hoa Kỳ như người Ðại Hàn, người Nhựt, người Trung Hoa và người Việt Nam chúng ta vốn có thể chọn bất cứ từ ngữ nào trong ngôn ngữ thông thường của mình để đặt tên cho con cháu, nên số lượng các tên này có thể khá cao. Tuy nhiên, số lượng người Á Châu ở Hoa Kỳ chỉ chiếm 2% trong tổng số quốc dân Hoa Kỳ (N. Y. Times: 31- 8- 1985).

Mặt khác, một số không nhỏ đã chọn những tên thông dụng ở Hoa Kỳ mà tên thông dụng này phần lớn lại là tên của người Tây phương gốc Âu. Việc đặt tên của những người Tây phương gốc Âu hiện nay được tự do hơn trước, nhưng nói chung, các tên gốc thường được họ dùng vẫn tương đối hạn chế. Dầu vậy, số tên gốc này cũng cao hơn ở các nước Tây phương gốc Âu khác.

Giáo sư J. N. Hook đã thành lập hai bản danh sách các tên thông dụng, một cho nam giới, một cho phụ nữ ở Hoa Kỳ, mỗi danh sách gồm 250 tên. Ông cho biết rằng trong các danh sách này ông không ghi các tên gốc thông dụng nhứt như John, William, Jason hay Christophe cho nam giới và Elizabeth, Mary, Jennifer hay Karen cho phụ nữ. Vậy tổng số các tên gốc thông dụng ở Hoa Kỳ đã trên 500.

Cũng như ở các nước Tây phương gốc Âu Châu khác, một số các tên gốc thông dụng ở Hoa Kỳ đã có nhiều biến thể, và vì Hoa kỳ thâu nhận người của tất cả các dân tộc Tây phương gốc Âu Châu khác nên số biến thể chung cho một tên gốc gồm các biến thể của tên ấy ở nhiều nước Tây phương gốc Âu, thành ra tổng số rất cao.

Một tài liệu của Sở di trú Hoa Kỳ cho biết rằng tên John, tương ứng với tên Jean của Pháp, có đến khoảng 125 biến thể phát xuất từ 18 ngôn ngữ khác nhau. Trong số các biến thể này có những tên tương đối kỳ lạ như Zane, Janko hay Janicko, Janeczek hay Jankielek, Joannix, Giannes, Juhani, Hannu, Ansis, Ivashka và Ivasenko, Vanechka và Vanyushko, Jovan, Jochanan và Juanitocho. Ðược biết nhiều hơn là các tên Evan, Jan, Johann hay Johannes, Jean, Hans, Janos, Giovanni, Jonas, Juan, Vanya và Ivan.

Ngoài ra, các tên gốc Alexander, Andrew, Anton, August, Basil, Francis hay Frank, Georges, Gregory, Jacob, Joseph, Michael, Paul, Peter, Stephen, Walter và William, mỗi cái có độ từ 90 đến 100 biến thể.

Về phía phụ nữ thì tên Mary hay Maria có trên 200 biến thể. Có số biến thể gần bằng như vậy là các tên Ann và Anna. Các tên Anastasia, Barbara, Catherine hay Katherine, Dorothy, Eleanor hay Ellen và Helen, Elizabeth, Irene, Jane hay Joan hay Jeanne (tương ứng với John phía nam giới), Josephine, Lilian, Margaret, Rosa hay Rose, Sophia, Stephanie và Therese, mỗi cái đều có trên 60 biến thể khác nhau.

Với thực thể nêu ra trên đây, tổng số các tên lưu hành ở Hoa Kỳ phải có nhiều ngàn và có thể lên đến số muôn.

c. Ý nghĩa các tên được dùng ở Hoa Kỳ.

Cũng như ở Pháp, một số các tên được dùng ở Hoa Kỳ có một ý nghĩa trong ngôn ngữ thông thường, đại đa số không có ý nghĩa thông thường nhưng có ý nghĩa trong ngôn ngữ gốc của nó.

1/ Tên có ý nghĩa trong ngôn ngữ thông thường.

Vì được tự do đặt tên nên một số người Hoa Kỳ đã lấy các từ ngữ trong ngôn ngữ thông thường để làm tên cho con cháu. Bởi đó, ta có thể gặp những tên như Charon là ?, Diamond là Kim cương, Honey là mật ong, Pheasant là ?, Summer là Mùa hè. Một vài tên hơi kỳ lạ như Candy là Kẹo, Acid là Chua cũng đã được dùng.

2/ Tên không có ý nghĩa trong ngôn ngữ thông thường nhưng có ý nghĩa trong ngôn ngữ gốc của nó.

Ðại đa số các tên được dùng ở Hoa Kỳ không có ý nghĩa trong tiếng Anh thường dùng, nhưng có ý nghĩa trong ngôn ngữ gốc của nó. Vì số ngôn ngữ này có quá nhiều nên ở đây chúng ta chỉ nêu một vài thí dụ.

  • Tên gốc Do Thái có Livana nghĩa là Mặt trăng hay Màu trắng dùng cho phụ nữ và Raphael nghĩa là Trời chữa lành bịnh dùng cho nam giới.
  • Tên gốc La Tinh có Melina là Ngọt như mật dùng cho phụ nữ và Alban là Trắng hay Ánh sáng lúc bình minh dùng cho nam giới.
  • Tên gốc Hy Lạp có Irena là Hòa bình dùng cho phụ nữ và Zale là Thế lực của biển dùng cho nam giới.
  • Tên gốc ? có Kalila là Thành nhơn dùng cho phụ nữ và Hanan là Ðẹp trai dùng cho nam giới.
  • Tên gốc Ấn độ có Chandra là Mặt trăng dùng cho phụ nữ.

Một số tên phát xuất từ những ngôn ngữ khác nhau nhưng có một ý nghĩa như nhau. Ta có thể kể:

  • Tên Nigel dùng cho nam giới và có nghĩa là "đen, sậm" phát xuất từ hai ngôn ngữ La Tinh và Hy Lạp.
  • Tên Ardinon dùng cho nam giới và có nghĩa là "nhiệt thành hơn" phát xuất từ cả hai ngôn ngữ La Tnh và Nhựt Nhĩ Man.
  • Tên Amata dùng cho phụ nữ và có nghĩa là "tình nhơn" phát xuất từ cả hai ngôn ngữ La Tinh và Tây Ban Nha.
  • Tên Ramona dùng cho phụ nữ và có nghĩa là "người bảo trợ" phát xuất từ cả hai ngôn ngữ Tây Ban Nha và Nhựt Nhĩ Man.
  • Tên Orlando dùng cho nam giới và có nghĩa là "người của đất trứ danh" phát xuất từ cả hai ngôn ngữ Ý và Tây Ban Nha.
  • Tên Wanda dùng cho phụ nữ và có nghĩa là ? phát xuất từ cả hai ngôn ngữ Nhựt Nhĩ Man và Tư Lạp Phu.
  • Tên ? dùng cho nam giới và có nghĩa là "anh hùng" phát xuất từ cả hai ngôn ngữ Bắc Âu và Tư Lạp Phu.
  • Ðặc biệt tên Alicia dùng cho phụ nữ và có nghĩa là "sự thật" phát xuất từ nhiều ngôn ngữ khác nhau: Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Ðiển và Hawai.

Ngoài ra, lại có một số tên dùng cho phụ nữ có những nguồn gốc và ý nghĩa khác nhau.

  • Tên Adora theo ngôn ngữ La Tinh thì có nghĩa là "được tôn thờ" nhưng theo ngôn ngữ Hy Lạp lại có nghĩa là "tặng phẩm".
  • Tên Alameda theo ngôn ngữ thổ dân da đỏ ở Bắc Mỹ thì có nghĩa là "vườn trồng cây bông vải" còn theo ngôn ngữ Tây Ban Nha lại có nghĩa là "diễn hành" hay "du hành".
  • Tên Alana theo ngôn ngữ người Celt thì có nghĩa là "nhịp nhàng" còn theo ngôn ngữ người Hawai thì có nghĩa là "nhẹ nhàng".
  • Tên Amber theo ngôn ngữ người Á Rập thì có nghĩa là "vật quí để trang sức" còn theo ngôn ngữ Gaelic thì có nghĩa là ?.
  • Tên Esmeralda theo ngôn ngữ La Tinh thì có nghĩa là ? còn theo ngôn ngữ Tây Ban Nha lại có nghĩa là ngọc emerald.
  • Tên Ilona ? theo ngôn ngữ Hy Lạp thì có nghĩa là "sáng" còn theo ngôn ngữ Hung thì có nghĩa là "đẹp".
  • Tên Milicent theo ngôn ngữ Nga thì có nghĩa là "hy vọng" còn theo ngôn ngữ Hy Lạp lại có nghĩa là "khả ái".

Ðặc biệt có hai tên Lila và Mona mang ba ý nghĩa khác nhau tùy theo ngôn ngữ gốc:

  • Lila theo ngôn ngữ Ấn Ðộ là "sự vô thường của số phận", theo ngôn ngữ Ba Tư là hoa lilac (theo tiếng Anh) hay lilas (theo tiếng Pháp), một thứ hoa nhỏ màu trắng hay màu tím mọc thành chùm, còn theo ngôn ngữ Ba Lan là một biến thể của tên Leopoldine là "kẻ bảo vệ nhơn dân".
  • Tên Mona theo ngôn ngữ La Tinh là "cô đơn", theo ngôn ngữ Nhựt Nhĩ Man là "xa cách" còn theo ngôn ngữ người thổ dân da đỏ ở Bắc Mỹ lại có nghĩa là "thâu nhặt hạt giống".

III. Họ của người Tây phương gốc Âu.

Họ của tất cả những người Tây phương gốc Âu có những tánh cách như nhau, nhưng Hoa kỳ lại có một số đặc điểm đáng lưu ý. Do đó, chúng tôi sẽ trình bày trước hết về họ của người Tây phương gốc Âu nói chung và sau đó, sẽ đề cập riêng đến họ của người Hoa kỳ.

Trong phần trình bày về họ của người Tây phương gốc Âu nói chung, chúng tôi sẽ đặt trọng tâm vào người Pháp vì hiện nay đã có những tài liệu cần thiết về vấn đề này.

A. Họ của người Tây phương gốc Âu nói chung.

1. Số lượng các họ lưu hành ở các nước Tây phương gốc Âu nói chung.

So với số tên, số họ lưu hành ở các nước Tây phương gốc Âu nói chung rất cao. Tuy nhiên, ở phần lớn các nước này chưa có những cuộc nghiên cứu sâu rộng để biết số lượng họ ở mỗi nước một cách chính xác.

Riêng ở Pháp thì giáo sư Albert Dauzat cho biết rằng cứ theo một loạt công trình thăm dò do một sinh viên của ông thực hiện thì chỉ trong vùng nói tiếng Roman tức là nói tiếng Pháp chánh gốc đã có khoảng 80.000 họ. Nếu kể thêm các vùng Basque, Flandre, Alsace, Lorraine thì tổng số họ ở Pháp có thể lên đến gấp đôi số này.

Các nước Tây phương gốc Âu khác có lẽ cũng có một số lượng họ tương ứng với tổng số dân của họ so với nước Pháp.

2. Ý nghĩa và nguồn gốc các họ lưu hành ở các nước Tây phương gốc Âu.

Cũng như tên của người thuộc các dân tộc Tây phương gốc Âu nói chung, họ của những người này có thể có ý nghĩa trong ngôn ngữ thông thường và viết ra y như những từ ngữ trong ngôn ngữ thông thường. Nhưng đây là trường hợp của một số nhỏ.

Phần lớn các họ lưu hành ở các nước Tây phương gốc Âu nói chung bắt nguồn từ những thổ ngữ cổ, hay từ một ngôn ngữ ngoại quốc nên không có ý nghĩa trong ngôn ngữ thông thường hiện tại, mặc dầu vẫn có một ý nghĩa nguyên thủy mà các học giả ngày nay đã tìm ra được gần hết.

Xét về mặt nguồn gốc, họ của người thuộc các dân tộc Tây phương gốc Âu có thể phân ra làm nhiều loại khác nhau.

a. Các họ cổ phần lớn là của các nhà quí tộc.

Một số ít họ đang được lưu hành là họ rất cổ và thường là của các nhà quí tộc. Trong số này ta có thể phân biệt hai loại:

1/ Một vài họ vốn bắt nguồn từ tên bộ lạc, có khi là tên một vật tổ.

Ta có thể kể làm thí dụ họ của ông Yves-Léo van Onsem là Tổng thơ ký và Ủy viên thường vụ của Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do. Van Onsem theo nghĩa cổ của thổ ngữ vùng Flandre là "thuộc bộ lạc thờ con chó làm vật tổ".

2/ Một số họ quí tộc khác bắt nguồn từ tên nước hay tên lãnh địa.

Thời phong kiến, các người thuộc dòng hoàng tộc hay gia tộc quí phái làm chủ một nước hay một lãnh địa đã lấy tên nước hay tên lãnh địa này làm họ.

Trước khi làm vua nước Pháp, vua Henri IV đã là vua nước Navarre nên được gọi là Henri de Navarre.

Trước khi chinh phục nước Anh vua Guillaume là công tước xứ Normandie nên được gọi là Guillaume de Normandie.

Nhà quí tộc đã tuân lịnh vua Louis thứ 16 ra lịnh cho Quốc hội Pháp thời Cách mạng Pháp giải tán nhưng không được các đại biểu nhơn dân nghe theo là Hầu tước Dreux-Brézé, làm chủ lãnh địa Dreux trong tỉnh Eure et Loir và lãnh địa Brézé trong tỉnh Maine et Loire hiện nay.

Ðến nay, một số họ quí tộc như vậy vẫn còn được dùng. Tổng thống Tây Ðức hiện nay là Freiherr von Weizsacken, tức là Nam tước đất Weizsacken.

b. Họ người thường dân bắt đầu được dùng từ thế kỷ thứ 12, 13.

Phần lớn các họ lưu hành ở các nước Tây phương, đặc biệt là ở Pháp, đã được đặt và dùng cho người thường dân từ thế kỷ thứ 12, 13 trở đi.

1/ Các phương pháp chánh được dùng để đặt cho người thường dân.

Như chúng tôi đã trình bày trước đây, sau khi Ðế quốc La Mã sụp đổ, người thường dân ở các nước Tây phương gốc Âu chỉ có tên chớ không có họ. Tên được dùng ở các nước này thường lại phải là tên các vị Thánh hay các vị tử đạo nên tổng số rất ít. Kết quả là trong một cộng đồng có nhiều người cùng mang một tên và người trong cộng đồng có nhu cầu phải phân biệt những người đó. Ðể thỏa mãn nhu cầu này, họ thường phải thêm một biệt hiệu vào tên người được nói đến và biệt hiệu này về sau trở thành họ của người.

Nói chung, phép đặt biệt hiệu của người Tây phương gốc Âu dựa vào bốn yếu tố chánh:

  • Ðịa điểm cư trú hay nguồn gốc chủng tộc,
  • Nghề nghiệp hay chức vụ,
  • Tên rửa tội của người hay của một thân nhơn và
  • Ðặc điểm tốt hay xấu của người về mặt thể chất hay tinh thần.

Các họ của người thường dân lưu hành ở các nước Tây phương gốc Âu từ thế kỷ thứ 12, 13 phần lớn có sự liên hệ với bốn yếu tố này.

a/ Họ liên hệ đến địa điểm cư trú hay nguồn gốc chủng tộc của người.

Về mặt này, thông thường nhứt là các họ phát xuất từ những biệt hiệu chỉ vị trí nơi cư trú của người trong xã hay trong thị xã. Ta có thể kể làm thí dụ:

  • Các họ Bois, Dubois, Desbois, Bosc, Bosq, Delbosq, Dubosc, Delbos, Dubos, Bost, Dubost, Wood', Wald ở Pháp, Bỉ, Ðức, Anh hàm ý "rừng" hay "bìa rừng".
  • Các họ Mont, Demont, Dumont, Desmons, Des?mont, Desmonts ở Pháp, Bergh, Van den Bergh, Berg, Vandeberg ở Ðức, Bỉ, Hòa Lan hàm ý "núi" hay "ở gần núi".
  • Họ Dumas của nhà văn hào Pháp Alexandre Dumas (?) và các biến thể của nó là Delmas, Dumat, Dumay, Dumaz, Dume, Dumée, Dumeix, Dumes, Dumet và Dumetz phát xuất từ từ ngữ miền nam nước Pháp "mas" do tiếng La Tinh mansus mà ra và có nghĩa là "cái nhà cô lập ở thôn quê".

Ngoài ra, còn có những họ của người thường dân phát xuất từ tên một địa danh. Ta có thể kể làm thí dụ:

  • Họ Bordeaux của nhà văn sĩ Henri Bordeaux là tên một thị xã lớn ở tây nam nước Pháp.
  • Họ Chirac của một cựu Thủ tướng Pháp là tên của một số địa phương trong các tỉnh Charente, Correge, Lozere hiện tại.
  • Họ Navarre của viên tướng Tổng tư lịnh quân lực viễn chinh Pháp ở Ðông Dương năm 1954 là tên của một xứ trước đây là một nước ở vùng tây nam nước Pháp hiện nay.

Ta có thể nhận thấy rằng ở Pháp các họ bắt đầu bằng chữ Saint (ông Thánh) hay Sainte (bà Thánh) hầu hết là tên các địa phương. Trong số này, một số ít là tên các lãnh địa và dùng làm họ cho các nhà quí tộc, như de Saint Agnan, de Saint Gilles, de Saint Aulaire ?,... còn phần lớn là họ của người thường dân.

Họ liên hệ đến địa điểm cư trú của người có thể chỉ một phương hướng tổng quát. Ta có thể kể làm thí dụ:

  • Họ Nordmann và Nordman phổ biến ở xứ Alsace, Lorraine ở Pháp có nghĩa là "người phương bắc".
  • Họ West là "phương tây" và Westlynck là "người phương tây" phổ biến ở các nước Pháp, Bỉ, Anh và Ðức.

Sau hết, có một số họ phát xuất từ tên người dân một nước hay một địa phương. Ta có thể kể làm thí dụ:

  • Họ Allemand hay Lallemand và các biến thể của nó Lallemant, Lallement có nghĩa là người Ðức.
  • Họ Danois hay Danay có nghĩa là người Ðan Mạch.
  • Họ Espagnol hay Lespagnol và các biến thể của nó Lepagneux, Lepagnol, Lespagnon có nghĩa là người "Tây Ban Nha".
  • Họ Langlais và các biến thể Lenglais, Lengh, Lenglet có nghĩa là "người Anh".

Các họ trên đây là những họ lưu hành ở Pháp.

Ở Anh thì có họ French (họ của viên tướng chỉ huy quân lực Anh ở Pháp thời thế chiến thứ nhứt) có nghĩa là người Pháp. Về họ phát xuất từ tên người một địa phương, ta có thể kể làm thí dụ:

  • Họ Lebreton chỉ người gốc xứ Bretagne của Pháp.
  • Họ Lecossais và các biến thể Lescot, Lescaut, Lecot chỉ người xứ Ecosse của nước Anh.

b/ Họ liên hệ đến nghề nghiệp hay chức vụ của người.

Một số họ của người Tây phương gốc Âu phát xuất từ những tên nghề nghiệp hiện nay vẫn còn giữ được ý nghĩa trong ngôn ngữ thông thường.

  • Ở Pháp có họ Charpentier và Le Charpentier với các biến thể của nó là Carpentier, Carpentié, Carpent? (họ của viên tướng đã làm Tổng tư lịnh lực lượng viễn chinh Pháp ở Ðông Dương năm, Le Carpentier).
  • Ở Anh có họ Carpenter và ở vùng Alsace-lorraine thuộc Pháp và
  • Ở Ðức có họ Zimmerman (họ của ông Tổng trưởng Nội vụ Ðức hiện nay).

Các họ trên đây đều phát xuất từ danh từ chỉ "người thợ làm sườn nhà".

  • Ở Pháp có họ Charretier với các biến thể của nó là Cartier (họ của nhà ký giả nổi tiếng Raymond Cartier trước đây viết cho tuần báo Paris-Match), Carretier, Carreton, Carton, Charreton, Chartier, Charton.
  • Ở Anh và Hoa Kỳ có họ Carter (họ của vị Tổng thống Hoa Kỳ từ năm 1976 đến năm 1980).

Các họ trên đây đều phát xuất từ một danh từ chỉ "người đánh xe".

Ngoài ra, lại có những họ phát xuất từ các tên nghề nghiệp, nhưng các tên này vốn là thổ ngữ của một địa phương hay là tiếng cổ nên không còn được hiểu theo nghĩa thông thường nữa. Ta có thể kể làm thí dụ các họ sau đây của người Pháp:

  • Họ Fournier, Lefournier và Panetier và các biến thể của nó là Fourneret, Fournegnon, Fournié, Pannetier, Pannetros phát xuất từ một danh từ cổ chỉ "người thợ làm bánh mì".
  • Họ Corbisier hay Corbusier hay Le Corbusier (họ của một kiến trúc sư nổi tiếng sau thế chiến thứ nhì) phát xuất từ một danh từ trong thổ ngữ miền bắc nước Pháp chỉ "người bán giỏ".
  • Họ Mittier phát xuất từ một danh từ cổ dùng để chỉ một "dụng cụ đo lường mễ cốc" và sau đó chỉ "người đặc trách đo lường mễ cốc". Họ của đương kim Tổng thống Pháp Mitterand là một biến thể của họ này.

Một số họ khác phát xuất từ tên chức vụ. Ta có thể kể làm thí dụ:

  • Họ Chambellan và các biến thể của nó là Camberlin, Cambreleng, Chamberland, Chamberlant, Chamberlin, Chambrelend lưu hành ở Pháp vốn chỉ một viên "quan hầu cận vua"; ở Bỉ, họ Chambellan này trở thành Camerlynck; ở Ðức nó thành Kammerling; và ở Anh nó thành Chamberlain (họ của viên Thủ tướng đã ký Hiệp ước Munich năm 1939).
  • Họ Maire ở Pháp có nghĩa là một "viên chức của thị xã" và cho ra thêm các biến thể Maireau, Mairel, Mairesse, Mairot, Meyre.
  • Họ Mage theo từ ngữ cổ của Pháp cũng có nghĩa là "người ? trên hay thẩm phán" và chỉ một viên chức thường làm việc ở thị xã. Nó cho thêm các biến thể Magel, Maget, Major, Majour, Mayou, Mayoux ở Pháp; Mayeun, Mayeux, Mayon, Mayond, Mayoux ở Bỉ; và Maya ở Tây Ban Nha.
  • Họ Payeur với các biến thể Payer, Payet, Payon, Payot có nghĩa là "người thủ quỹ có nhiệm vụ chi tiền".

Xã hội quân chủ Pháp trước đây có rất nhiều thứ thuế và tên dùng để chỉ các viên chức có nhiệm vụ thâu thuế về sau đã trở thành họ. Sau đây là một vài thí dụ đáng lưu ý nhứt:

  • Các họ Collecter, Dacier, Levadoux ? và Recipon phát xuất từ những tên dùng để chỉ các "viên chức thâu thuế nói chung".
  • Họ Dimier phát xuất từ tên dùng để chỉ viên chức thâu thuế 1/10 lợi tức mà người Pháp thời xưa phải nộp cho Giáo hội Công giáo.
  • Các họ Dutordoir và Divinage phát xuất từ các tên chỉ viên chức thâu thuế người dùng máy ép của vị lãnh chúa để ép trái nho ra nước mà nấu rượu.
  • Họ Halbique phát xuất từ tên dùng để chỉ viên chức thâu thuế tôm cá biển mà ngư phủ đánh lên được.
  • Họ Requet hay Reiquet phát xuất từ tên dùng để chỉ viên chức thâu thuế trả bằng mễ cốc ở xứ Normandie.
  • Họ Zoller phát xuất từ tên dùng để chỉ viên chức quan thuế ở xứ Alsace-Lorraine.

c/ Họ liên hệ đến tên rửa tội.

Một số tên rửa tội của người đã trở thành ra họ vì hai lý do.

Trước hết có những người có một vị thế quan trọng trong một cộng đồng nên khi nói đến tên là mọi người đều biết và tên này đã được dùng để gọi luôn con cháu người ấy.

Ngoài ra, tên của người cha có thể được dùng làm biệt hiệu cho người con để phân biệt người con này với người khác cùng chung một tên rửa tội. Như trong một cộng đồng có ba ông Paul và người ta đã gọi họ là ông Paul con ông Jacques, ông Paul con ông Jean và ông Paul con ông Richard. Lúc đặt họ cho người thường dân các biệt hiệu "con ông Jacques", "con ông Jean" và "con ông Richard" đã trở thành ra họ.

Ta có thể kể làm thí dụ các họ sau đây phát xuất từ các tên rửa tội của người Tây phương gốc Âu:

  • Tên Clément đã trở thành một họ rất thông dụng và còn cho ra hàng chục biến thể cũng dùng làm họ như Clémence, Clémentel, Clémentin, .... Họ của vị Thủ tướng Pháp nổi danh thời thế chiến thứ nhứt là Clémenceau vốn do tên Clément mà ra.
  • Tên Jacques cũng trở thành một họ thông dụng và cho ra khoảng 70 biến thể dùng làm họ như Jacquard, Jacquemart, Cotin, Cotot, Queneau, Quenel, ... Họ của văn hào Pháp Edgard Quinet vốn do tên Jacques mà ra. Ở Anh, các tên Jack, James thông với tên Jacques của Pháp cũng cho ra nhiều biến thể đặc biệt là Jamesson (con ông James) và Jackson (con ông Jack).
  • Tên Jean, một tên trở thành một họ thông dụng khác đã cho ra khoảng 40 biến thể như Jeannot, Jeannemy, ... và Dejean (nghĩa là con ông Jean). Ở các nước Anh, Ðức, Hòa Lan, các tên thông với tên Jean của Pháp cũng cho ra nhiều biến thể đặc biệt là Johnson, Johanson, Jansens, Jansen, Jaussen, Jones, Evans (đều có nghĩa là con ông John, Johan hay Jans).
  • Tên Richard cũng là một tên trở thành một họ thông dụng và hàng chục biến thể như Cardet, Chardin, Chardot, Ricardet, Ricardin, Richareau, Richardin. Họ của hai doanh nhơn nổi tiếng ở Pháp, một là Ricard chuyên nấu và bán rượu nấu với hoa hồi, hai là Cardin chuyên bán các hóa phẩm trang sức chánh do tên Richard mà ra. Ở Anh, Richard cũng trở thành ra họ với một số biến thể như Richards, Richardson có nghĩa là "con ông Richard".

d/ Họ liên hệ đến một đặc điểm tốt hay xấu của người về mặt thể chất hay tinh thần.

Một số họ bình dân khác phát xuất từ một biệt hiệu mô tả đặc điểm tốt hay xấu của người về mặt thể chất hay tinh thần.

Về dóc dáng người, ta có thể kể làm thí dụ:

  • Các họ Grand và Legrand với các biến thể của nó như Grandi, Grandet lưu hành ở Pháp và các họ Long của Anh, Lang của Ðức đều phát xuất từ những tĩnh từ có nghĩa là "cao lớn".
  • Các họ Gros và Legros cùng các biến thể của nó như Grosso, Grousson, Groussu lưu hành ở Pháp và họ Gross của Ðức, họ của thể tháo gia Michael Gross, vô địch thế giới về bơi lội năm 1984 đều phát xuất từ những tĩnh từ có nghĩa là "to béo".

Về màu da hay màu tóc của người, ta có thể kể:

  • Các họ Blanc, Blanche và Leblanc, Lablanche với các biến thể của nó như Blanchet, Blanchon lưu hành ở Pháp và các họ Bianchi của Ý, White của Anh, Weiss của Ðức đều phát xuất từ một tĩnh từ có nghĩa là "màu trắng".
  • Các họ Brun, Brune, Lebrun (họ của vị Tổng thống cuối cùng của đệ tam cộng hòa Pháp Albert Lebrun 1932-1940) cùng các biến thể của nó như Bruneau, Brunel lưu hành ở Pháp và họ Brown và Lloyd của Anh, họ Braun ở Ðức đều phát xuất từ một tĩnh từ có nghĩa là "màu nâu".
  • Họ Jaune và các biến thể của nó như Jauneau, Jaunel lưu hành ở Pháp phát xuất từ một tĩnh từ có nghĩa là "màu vàng".

Về một đặc điểm trong châu thân, ta có thể kể làm thí dụ:

  • Họ Poincaré của ông Raymond Poincaré, một chánh khách Pháp đã làm Tổng thống từ năm 1913 đến năm 1920 hàm ý "người có nắm tay vuông".
  • Họ Gambetta của ông Léon Gambetta, một chánh khách Pháp nổi tiếng thời sơ khai của Ðệ tam Cộng hòa hàm ý "người chơn nhỏ".

Về một tật thể chất, ta có thể kể làm thí dụ:

  • Họ Bègue và Lebègue và các biến thể của nó như Begard, Begon, ... Hàm ý "người cà lâm".
  • Họ Bosse và các biến thể của nó như Bossu, Bossuet,... hàm ý "người lưng gù".

Về tánh tình hay khả năng tinh thần của người, ta có thể kể làm thí dụ:

  • Các họ Bon, Bonne, Lebon, Labonne hàm ý "người tốt bụng".
  • Các họ Cointe, Lecointe và các biến thể của nó như Cointre, Cointreau (họ của một nhà sản xuất rượu mạnh nổi tiếng ở Pháp) hàm ý "người xinh đẹp và khôn ngoan".
  • Họ (Legorec hay Le Govrec theo ngô ngữ xứ Bretagne ở Pháp hàm ý "người chậm chạp".

Ngoài ra, còn có những biệt hiệu hàm ý chỉ trích hay chế nhạo nhưng cũng được dùng làm họ cho con cháu người bị chỉ trích hay chế nhạo đó. Trong loại biệt hiệu này, đặc biệt là các biệt hiệu liên hệ đến người hà tiện và người có vợ ngoại tình.

Về trường hợp trên, ta có thể kể làm thí dụ:

  • Họ Crochu phát xuất từ một tĩnh từ có nghĩa là "người có ngón tay cong như những cái móc" và hàm ý "moi móc hết tiền của người khác".
  • Họ Prentout phát xuất từ một tiếng ở xứ Normandie có nghĩa là "tóm thâu hết mọi vật".
  • Họ Pelabon hàm ý "bóc lột kỹ", còn họ Pellevillain thì hàm ý "bóc lột người nghèo", trong khi các họ Pelcat, Pelcer và Pelloie chỉ việc "lột da mèo, da nai và da ngỗng" là các thứ da rẻ tiền.
  • Các họ Relocquin và Ecachemaille hàm ý "bóc lột vơ vét đến những đồng tiền nhỏ vụn vặt".

Về trường hợp thứ nhì, ta có thể kể làm thí dụ:

  • Họ Corne phát xuất từ một tiếng có nghĩa là "người có vợ ngoại tình".
  • Các họ Corne, Lacorne, Cornu, Lecornu với các biến thể của nó như Cornard, Cornaud, Cornut, ... phát xuất từ những tiếng có nghĩa là "sừng" và "bị mọc sừng".
  • Các họ Troché, Trochu và các biến thể của nó là Trochard, Trochet, Trochon phát xuất từ một thổ ngữ vùng Vosges của Pháp có nghĩa là "sừng nai" và dùng để chỉ "người bị mọc sừng".

2/ Một số phương pháp khác được dùng để đặt họ cho người thường dân.

Ngoài các họ được đặt theo các phương pháp thông thường kể trên đây, ở các nước Tây phương gốc Âu nói chung còn có một số họ khác có tánh cách đặc biệt hơn được dùng để đặt cho người thường dân.

a/ Họ có những ý nghĩa đặc biệt.

Trong số các họ của người Tây phương gốc Âu nói chung, có những họ mang một ý nghĩa đặc biệt. Ta có thể kể làm thí dụ:

  • Họ Aron của nhà học giả kiêm ký giả Pháp nổi tiếng Raymond Aron phát xuất từ một tiếng Do Thái cổ có nghĩa là arche d'alliana; họ này cũng được viết là Aaron.
  • Họ Blum của nhà lãnh tụ đảng Xã hội Pháp Léon Blum đã từng làm Thủ tướng Pháp trong nhiều năm vốn phát xuất từ một tiếng vùng Alsace-Lorraine và có nghĩa là "các hoa". Họ này đã cho ra nhiều họ khác ở các nước Âu châu như Blumenfield là cánh đồng hoa, Blumenthal là thung lũng hoa, Blumenstein là tảng đá có hoa và Blumenkranz là trăng hoa.
  • Họ Flaubert của văn hào Pháp Gustave Flaubert phát xuất từ các tiếng Nhựt Nhĩ Man hlod có nghĩa là "vinh quang" và berht có nghĩa là "sáng chói, nổi tiếng".
  • Họ Pasquier của viên chức Pháp làm Toàn quyền Ðông Dương từ năm phát xuất từ một thổ ngữ miền nam nước Pháp và có nghĩa là "đồng cỏ". Họ này cho ra nhiều biến thể như Dupasquier, Dupasqua, Paquereau, Pascarel, Pasquerault, Pasquereau.
  • Họ Rothschild của một gia đình tài phiệt có chi nhánh ở nhiều nước Âu châu và Mỹ châu phát xuất từ một tiếng thổ ngữ trong vùng Alsace-Lorraine có nghĩa là "cái thuẫn hay cái écu màu đỏ". Họ này sở dĩ có là vì vị sơ tổ của nó là một người làm nghề đổi tiền và cho vay đã mở một cửa hàng làm trụ sở cho dịch vụ mình và cửa hàng này có mang một cái thuẫn màu đỏ làm bảng hiệu.

b/ Họ phát xuất từ tên cầm thú.

Việc ông sơ tổ họ Rothschild dùng cái thuẫn màu đỏ làm bảng hiệu cho thấy rằng thời trước ở Âu châu số người biết chữ rất ít và các doanh nhơn phải dùng một hình vẽ để làm bảng hiệu cho cửa hàng mình. Một số người đã dùng hình cầm thú làm bảng hiệu nên một số tên cầm thú đã trở thành họ.

Ngoài ra, lại còn trường hợp những người bị kẻ khác dùng một tên cầm thú để đặt biệt hiệu cho, vì những người ấy có những tánh tình hay đức tốt, tật xấu mà thiên hạ thường gán cho con chim hay con thú dùng làm biệt hiệu, hoặc vì họ chuyên môn nuôi các loại thú ấy. Ta có thể kể các họ sau đây phát xuất từ tên cầm thú:

  • Agace, Pie, Lapie và các biến thể của nó là Agache, Agasse, Ajasse, Lagache, Lagasse, Dupielles, Piel, Piellet, Piellard phát xuất từ danh từ chỉ con chim pie và có thể dùng để ám chỉ người hay nói.
  • Họ Corbeau và các biến thể của nó là Corbau, Corbault, Corbel, Corbin, Courbet (họ của viên Ðô đốc Amédée Anatole Prosper Courbet đã đem binh Pháp đến đánh Việt Nam năm ? phát xuất từ tên con quạ và có thể dùng để ám chỉ người ăn nói rổn rảng. Các họ Corbett và Corbin ở Anh cũng có nghĩa là con quạ như họ Corbeau của Pháp.
  • Họ Loriot hay Auriol (họ của ông Vincent Auriol làm Tổng thống Pháp với các biến thể của nó như Aurion, Auriot, Loriol, Lorieu,... phát xuất từ tên chim hoàng oanh và có thể dùng để ám chỉ người có vợ ngoại tình vì chim hoàng oanh màu vàng, mà màu này lại là màu của người có vợ ngoại tình theo phong tục Tây phương.
  • Các họ Cerf và Lecerf với biến thể Cerfon phát xuất từ danh từ chỉ con nai và có thể dùng để ám chỉ người có vợ ngoại tình vì con nai có bộ sừng to lớn kình càng, tượng trưng cho người bị mọc sừng. Các họ Deer, Hur? hay Hurt, Pritchett, Doe, Roe và Roebuck ở Anh, Hersh và Hirsh ở Ðức, Reno ở Tây Ban Nha, Sarna ở Ba Lan, Jelinek ở Tiệp Khắc cũng đều có nghĩa là con nai như các họ Cerf và Lecerf của Pháp.
  • Các họ Boeuf và Leboeuf phát xuất từ danh từ chỉ con bò và có thể dùng để ám chỉ người to lớn mạnh mẽ hay người có nuôi nhiều bò. Các họ Bull, Bullock, Steer, Steere và Farr ở Anh, Ochs ở Ðức, Bicek ở Ba Lan, Buhajecko ở Ukraine cũng đều có nghĩa là con bò như các họ Boeuf và Leboeuf của Pháp.
  • Các họ Bouc và Lebouc với các biến thể của nó như Bochet, Boquet, Bouchet, Bouquet, Bouquieu, ... phát xuất từ danh từ chỉ con dê và ám chỉ người hoang dâm.
  • Họ Cheval với các biến thể Caval, Chavan, Chevan, Queval,... của nó phát xuất từ danh từ chỉ con ngựa và ám chỉ người mạnh mẽ hay người làm chủ nhiều ngựa. Các họ Steed, Stedman, Stott ở Anh, Chevallo, Cavallo ở Ý, Siwek và Konicki ở Ba Lan, Kolybecki ở Ba Lan và Ukraine cũng đều có nghĩa là con ngựa như họ Cheval của Pháp.
  • Các họ Loup, Leloup, Len, Lelen và các biến thể của nó như Louvel, Louvet, Louvetot,... phát xuất từ danh từ chỉ con chó sói và ám chỉ người farouche hay rừng rú. Các họ Wolf, Wolff và Wolffe ở Anh và Ðức, các họ Wulf và Wulff ở Ðức, họ Lycos ở Hy Lạp, họ Volkow ở Ba Lan, các họ Welk và Vek ở Tiệp Khắc, họ Farkos ở Hung, họ Volf ở Lithuania, họ Volkov ở Nga, họ Vovcenko ở Ukraine cũng đều có nghĩa là chó sói như các họ Loup, Leloup, Len, Lelen của Pháp.

c/ Họ phát xuất từ tên một giống dân hay tên chức tước nhưng thật sự chỉ là những biệt hiệu.

Các họ phát xuất từ tên cầm thú cho thấy rằng nguồn gốc của một số họ ở các nước Tây phương gốc Âu nhiều khi rất phức tạp. Họ Boeuf hay Leboeuf có thể đã được dùng vì ông tổ của họ đó đã làm chủ một cửa hàng có bảng hiệu vẽ hình con bò, nhưng cũng có thể đã được người đồng thời đặt cho biệt hiệu là ông Bò vì ông to lớn mạnh mẽ hay vì ông có nuôi nhiều bò.

Về các họ phát xuất từ tên một giống dân cũng thế. Như họ Langlais chẳng hạn, nó có thể phát xuất từ chỗ ông tổ họ đó là người gốc Anh đến cư ngụ tại Pháp, nhưng cũng có thể vốn là một biệt hiệu người ta đặt cho ông tổ này vì ông tuy là người Pháp nhưng lại có dáng dấp và điệu bộ của một người Anh.

Nhưng trường hợp đáng lưu ý hơn hết là trường hợp các họ phát xuất từ tên các chức tước, nhưng thật sự chỉ là những biệt hiệu dùng để nói đến một thành tích của người, hoặc thường hơn, dùng để ám chỉ là người mang biệt hiệu có dáng dấp phong độ của một nhơn vật có chức tước cao quí. Ta có thể thấy trong loại này:

  • Các họ Empereur và Lempereur có nghĩa là hoàng đế, và các họ Roy và Leroy có nghĩa là quốc vương, lưu hành ở nước Pháp. Các họ này có thể phát xuất từ các cuộc thi bắn cung hàng năm ở các địa phương. Người đoạt giải nhứt ở địa phương được mang biệt hiệu là "quốc vương", và riêng ở Dijon (một thị xã ở nước Pháp), người đoạt giải nhứt ba năm liền được mang biệt hiệu là "hoàng đế". Ngoài ra biệt hiệu "quốc vương" hay "hoàng đế" còn có thể được dùng để gọi đùa những người có dáng dấp oai nghi như một vị hoàng đế hay quốc vương hoặc đã đóng vai hoàng đế hay quốc vương trên sân khấu. Ở Anh cũng có họ King và ở Tây Ban Nha có họ Rey có nghĩa là quốc vương, ở Ðức có họ Kaisir có nghĩa là hoàng đế. Ngoài ra, ở Ðức và ở Pháp, có họ Koenig phát xuất từ một tiếng Ðức có nghĩa là quốc vương, đây là họ của viên tướng Pháp Pierre Koenig.
  • Các họ Prince và Leprince có nghĩa là hoàng tử, các họ Duc và Leduc có nghĩa là công tước, các họ Marquis và Lemarquis có nghĩa là hầu tước, các họ Comte và Lecomte có nghĩa là bá tước lưu hành ở Pháp. Các họ trên đây phát xuất từ những biệt hiệu dùng để gọi những người có dáng dấp của một hoàng tử, một công tước, một hầu tước hay một bá tước hay đã đóng các vai trên trên sân khấu. Ở Ðức cũng có họ Herzog có nghĩa là công tước và họ của cô Graft, một nữ tranh thủ viên quần vợt quốc tế nổi tiếng, có nghĩa là bá tước theo tiếng Ðức. Ở Tây Ban Nha có các họ Duque là công tước, Marques là hầu tước, Conde là bá tước.
  • Họ Gouverneur mà biến thể là Gouvermane, Gouvernet vốn có nghĩa là thống đốc, các họ Admiral và Ladmiral mà biến thể là Admira, Admiran, Admirand, Ladmirault, Lanirault vốn có nghĩa là thủy sư đô đốc. Các họ này đều phát xuất từ những biệt hiệu đặt cho những người có dáng dấp hay phong độ của một thống đốc hay một thủy sư đô đốc hoặc đã đóng vai thống đốc hay thủy sư đô đốc trên sân khấu.
  • Họ Cardinal mà biến thể là Cardenal, Cardenas, Cardinan, Cardinaux vốn có nghĩa là Hồng y Giáo chủ, các họ Evêque, Levêque mà biến thể là Evesque, Levecque, Levesque vốn có nghĩa là Giám mục cũng đều phát xuất từ những biệt hiệu dùng để chỉ những người có dáng dấp phong độ như một hàng giáo phẩm cao cấp của Giáo hội Công giáo.

d/ Họ của trẻ con bị bỏ hoang hay con tư sinh không được cha thừa nhận.

Ðối với trẻ con bị bỏ hoang hay con tư sinh không được cha thừa nhận nên không thể theo họ cha, các viên chức hộ tịch đã tự động đặt họ cho nó. Các họ thông dụng về mặt này có thể phát xuất từ:

  • Tên của một ngày trong tuần như các họ Montag là ngày thứ hai theo thổ ngữ vùng Alsace-Lorraine, Jeudy và biến thể Jeudon của nó là ngày thứ năm, Samedi hay Samtag theo thổ ngữ vùng Alsace-Lorraine là ngày thứ bảy.
  • Tên của một ngày trong tháng như các họ Trois là mồng ba, Cinq là mồng năm, Dix là mồng mười, Dix-Neuf là mười chín.
  • Tên của một tháng trong năm như các họ Avril, Davril và các biến thể Abrial, Abrieu, Abril, Abriou, ... của nó là tháng tư, Laoust, Daoust và các biến thể Daout, Davoust, Davout của nó là tháng tám. Họ của thống chế Pháp nổi tiếng sau thế chiến thứ hai là Juin vốn thuộc loại này, nó có nghĩa là tháng sáu.

e/ Họ bắt đầu với một bà tổ.

Người Tây phương gốc Âu đã theo chế độ phụ hệ từ lâu nên đại đa số các họ đều phát xuất từ tên một ông tổ. Nhưng việc nghiên cứu về nguồn gốc và ý nghĩa các họ của Pháp cho thấy rằng một số họ đã bắt đầu với tên một bà tổ. Theo giáo sư Albert Dauzat, ta có thể phân biệt ba trường hợp về mặt này.

  1. Các họ xuất hiện gần đây nhứt và dựa vào một tên tân tạo hay một tên không biến hình như Isabelle, Marguerite, Suzanne, ... vốn là tên một bà mẹ chửa hoang hay một đứa con gái tư sinh không được cha thừa nhận. Vào các thế kỷ thứ 17 và 18, các cha sở ở vùng Calvados của Pháp đã nhứt luật dùng lối đặt họ này để áp dụng cho các đứa con gái bị bỏ hoang hay không được cha thừa nhận.
  2. Ðối với những họ cổ hơn, nó có thể bắt đầu với một quả phụ sống nhiều năm sau khi chồng chết. Trong trường hợp này, người ta có thể dùng tên rửa tội của quả phụ đó hay của ông chồng đã chết để làm họ cho gia tộc. Họ của thi hào Lamartine (1790-1869) có thể phát xuất từ một bà tổ mang tên rửa tội Martine hay là quả phụ của một ông chồng tên Martin. Biệt hiệu của một người đàn bà cũng có thể dùng làm họ cho con cháu về sau. Họ Larousse của một nhà làm từ điển nổi tiếng có lẽ đã bắt đầu với một bà tổ tóc đỏ hung và được người ta gọi đùa là "bà tóc đỏ hung".
  3. Giáo sư Albert Dauzat cũng cho biết là ở một vài vùng, đặc biệt là vùng Wallonie, tức là vùng nói tiếng Pháp ở nước Bỉ, người ta đã dùng các tên biến thể dùng cho đàn bà để đặt cho đàn ông và các tên này về sau đã trở thành họ.

3/ Việc truyền họ và đổi họ.

Dầu họ bắt đầu từ một ông tổ hay một bà tổ, nó cũng truyền lại cho con cháu qua ngã con trai và được dùng mãi mãi từ đời này sang đời khác.

Một số người sau này rất bực bội vì họ mình có một ý nghĩa xấu xa trong ngôn ngữ thông thường bởi lẽ nó phát xuất từ một biệt danh hàm ý châm biếm. Như những người mang họ Cochon là con heo hay Cocu là mọc sừng chẳng hạn, họ rất thường bị người khác chế giễu. Do đó, có khi họ đã ra Tòa để xin một bản án đổi họ.

Nói chung thì khi người xin có lý do chánh đáng, Tòa án thường dễ dàng chấp nhận lời xin của họ.

Tra quyển từ điển của giáo sư Albert Dauzat, ta thấy rất nhiều gia đình đã được đổi họ Cochon thành Aubry, Cardeur, Creton, Cochois,...

Về họ Cocu thì năm 1789 đã có 17 người được đổi lại thành Agathon, ?, Boisson, Carlot, Clerval. Một số người khác đã xin đổi họ Cocu thành Cou hay Cossu.

Do các sự thay đổi này mà số người mang các họ Cochon và Cocu ngày nay không còn nhiều như trước.

B. Họ của người Hoa Kỳ.

1. Số lượng các họ lưu hành ở Hoa Kỳ.

Năm 1974, Nha an ninh xã hội của Chánh phủ Hoa kỳ đã thực hiện một kế hoạch nghiên cứu về họ của người Hoa Kỳ có hồ sơ trong văn khố của mình. Nó đã ghi nhận được trong lúc ấy 1.286.556 họ khác nhau.

Con số này chắc chắn không phải cố định, vì mỗi ngày có họ bị mất đi vì người cuối cùng mang họ đó chết mà không có con nối dõi, trong khi nhiều người có họ chưa được ghi trong danh sách đã có năm 1974 được nhập cư Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, nó cho ta một ý niệm tổng quát về vấn đề này và cho thấy sự cách biệt lớn lao giữa tổng số họ lưu hành ở Hoa Kỳ và ở các nước khác, đặc biệt là ở Việt Nam.

Cũng trong kế hoạch nghiên cứu trên đây, Nha an ninh xã hội của Chánh phủ Hoa Kỳ tìm ra được rằng họ thông dụng nhứt ở Hoa Kỳ là họ Smith với 2.382.509 người trong tổng số trên 260 triệu dân. Vậy họ này chiếm 0,91% của nhơn dân Hoa Kỳ.

Ngoài ra, còn 7 họ khác có trên 1 triệu người. Theo thứ tự cao thấp, đó là các họ Johnson, Williamson, Brown, Jones, Miller, David và Martinez.

Cả 8 họ đông người nhứt nói trên đây họp lại thì được 11.678.236 người, nghĩa là 4,47% tổng số dân. Nếu lấy 100 họ có đông người nhứt thì tổng số người của các họ này chiếm 1/6 tức là 16,6% tổng số dân. Trong văn khố của Nha an ninh xã hội Chánh phủ Hoa Kỳ năm 1974, có cả thảy 3.169 họ có trên 10.000 người và tổng số người mang các họ này chiếm khỏang 56% tổng số dân chúng.

2. Ðặc điểm các họ lưu hành ở Hoa Kỳ.

a. Nguồn gốc và ý nghĩa các họ lưu hành ở Hoa Kỳ.

Trên thế giới, Hoa Kỳ là nước có những họ nguồn gốc phức tạp nhứt, vì Hoa Kỳ là nước có sẵn thổ dân ở trên lãnh thổ mình từ ngàn xưa, rồi sau đó là đất nhập cư của hầu hết mọi giống dân trên thế giới.

Tuy nhiên, đại đa số các họ này là họ phát xuất từ các giống dân Tây phương gốc Âu, chỉ có khoảng 2% là họ phát xuất từ các giống dân khác.

1/ Thành phần của đại đa số các họ phát xuất từ các giống dân Tây phương gốc Âu.

Ðại đa số các họ Hoa Kỳ phát xuất từ các giống dân Tây phương gốc Âu đã được đặt ra theo 4 phương pháp chánh đã được nói đến trên đây. Theo giáo sư Hook, trong các họ lưu hành ở Hoa Kỳ:

  • Số họ được đặt ra theo địa điểm cư trú của người như Hill (đồi), Wood (rừng) chiếm trên 40%.
  • Số họ được đặt ra theo một tên rửa tội như Johnson và Jones (con ông John), Williams hay Williamson (con ông William) hay theo tên một danh nhơn như Alexandre (tên của một nhà vua) chiếm khoảng 30%.
  • Số họ được đặt ra theo chức vụ hay nghề nghiệp của người như Smith (thợ rèn), Taylor (thợ may), Carter (người đánh xe), Shultz (họ của một ngoại trưởng Hoa Kỳ) vốn là tiếng Ðức và có nghĩa là ông trùm họ đạo hay viên chức quản trị chiếm khoảng 16%.
  • Số họ được đặt ra theo một đặc điểm của người như Brown (người da sậm hay tóc nâu), White (người da trắng hay tóc bạc), Long (người cao) chiếm khoảng từ 11 đến 12%.

2/ Các họ có tánh cách đặc thù.

Vì trong thực tế, người nhập tịch dân Hoa Kỳ có thể lựa chọn bất cứ từ ngữ nào làm họ cho mình nên ở Hoa Kỳ có những họ rất đặc biệt. Trong hồ sơ của Nha an ninh xã hội Chánh phủ Hoa Kỳ năm 1974 có 448.663 họ chỉ có một gia đình có. Tiêu biểu là họ Kwasimady.

Tuy cũng đặc biệt, nhưng không phải độc nhứt cho một gia đình, đó là 26 họ chỉ gồm có 1 trong 26 chữ cái của mẫu tự La Tinh A, B, C, D, ... Trong số này, họ A với 24 người là họ có đông người nhứt, hai họ có ít người nhứt là N và Q, mỗi họ chỉ có 2 người.

3/ Họ của người gốc Á Ðông theo văn hóa Trung Hoa.

Ở Á Ðông có bốn dân tộc cùng theo văn hóa Trung Hoa. Ðó là các dân tộc Trung Hoa, Nhựt, Ðại Hàn và Việt Nam; và cả bốn dân tộc đều có nhiều người hiện ở Hoa Kỳ mà đại đa số những người này đều giữ họ gốc của mình.

Trong bốn dân tộc kể trên đây thì dân tộc Nhựt có những họ riêng cho mình, trong khi hai dân tộc Ðại Hàn và Việt Nam thì dùng họ của người Trung Hoa.

  • Về họ của người Nhựt ở Hoa Kỳ, ta có thể kể Yamashita (Sơn Hạ nghĩa là dưới núi), Matsumoto (Tùng Bổn nghĩa là gốc thông), Tanaka (Ðiền Trung nghĩa là trong ruộng), Kawashiwa (Xuyên Ðảo nghĩa là cù lao trên sông). Các họ này cho thấy rằng, cũng như nhiều giống dân khác, dân Nhựt đã dùng làm họ một từ ngữ liên hệ đến địa điểm cư trú của người.
  • Phần người Trung Hoa, Ðại Hàn và người Việt Nam chúng ta thì đều dùng các họ phát xuất từ Trung quốc; nhưng mỗi giống dân lại có lối phát âm của mình thành ra một họ có thể được viết ra bằng nhiều lối khác nhau; thỉnh thoảng mới có trường hợp một họ cùng được hai dân tộc phiên âm như nhau. Như họ Kim chẳng hạn, nó được cả người Việt Nam lẫn người Ðại Hàn phát âm và viết ra là Kim, nhưng người Trung Hoa thì phát âm và viết ra là Chin. Họ Lý của Việt Nam thì được người Trung Hoa phát âm và viết ra thành Li, trong khi người Ðại Hàn phát âm và viết ra thành Lee hay Rhee. Họ mà người Ðại Hàn phiên âm là Chung thì được người Trung Hoa phiên âm là ?, còn đối với người Việt Nam chúng ta thì đó là họ Trịnh.

b. Vấn đề đổi họ ở Hoa Kỳ.

1/ Lý do đổi họ.

Một số khá đông người nước khác khi đến ở Hoa Kỳ đã đổi họ của mình. Lý do của sự đổi họ này có rất nhiều, và sau đây là các lý do chánh yếu:

  • Một số người vốn đã sống một cuộc đời cơ cực, hay bị hiếp đáp, ở một nước khác; và khi đến Hoa Kỳ, họ muốn đổi tên họ để bắt đầu một cuộc đời mới với một cơ vận mới. Trường hợp này thường là trường hợp của người Do Thái bị bắt buộc phải mang một họ mà họ không thích ở Âu châu. Như một người mang họ Ochsenchwantz (một danh từ Ðức có nghĩa là đuôi bò) đã đổi họ là Freedman (một danh từ Anh có nghĩa là người được giải phóng) khi nhập cư Hoa Kỳ.
  • Một số người khác vốn thuộc một dân tộc có ngôn ngữ đặc biệt khó được các dân tộc khác bắt chước nói theo. Do đó, họ đã đổi họ để cho các đồng bào mới của họ ở Hoa Kỳ dễ dàng gọi họ. Trường hợp này thường là trường hợp của người gốc Ba Lan và người gốc Tiệp Khắc. Một người gốc Ba Lan mang họ Czajkow(?) (tiếng Ba Lan có nghĩa là chỗ có chim gull) đã đổi họ mình là Gull (tiếng Anh có nghĩa là chim?). Người Tiệp Khắc có thể có những họ âm ra toàn bằng tử âm chớ không có mẫu âm nào như Chrt, Krch, Swrz,... nên người nước khác không biết đọc ra sao, thành ra họ phải lấy họ khác để người ta có thể gọi được. Có thể vì lý do này mà một số người Việt Nam ta vốn họ Nguyễn đã đổi họ mình thành Nugen khi nhập tịch làm dân Hoa Kỳ.
  • Cũng có những người có họ dễ đọc nhưng khi viết ra thì có tánh cách khác với họ người Mỹ thông thường. Do đó, họ sửa nó chút ít để họ của mình giống như một họ Mỹ thông thường. Như người Việt Nam họ Lê có thể đổi thành ra Lee vì Lee cũng đọc như Lê mà lại là một họ thông dụng ở Hoa Kỳ.
  • Sau hết, cũng có những người đổi họ vì sợ sự kỳ thị hay chống báng của người chung quanh. Lúc Hoa Kỳ tham dự Thế chiến I và đánh nhau với nước Ðức, nhiều người Hoa Kỳ đã xem Ðức là một dân tộc thù địch và có ác cảm với dân tộc Ðức đến mức ném đá hay trứng vào nhà họ, hay ngược đãi con cháu họ ở trường học. Vì đó, nhiều người Hoa Kỳ gốc Ðức đã đổi họ bằng cách dùng từ ngữ Anh tương ứng thay vào từ ngữ Ðức làm họ cho mình, như đổi Schmidt thành Smith, Weiss thành White, Braun thành Brown, Koenig thành King.

2/ Phương pháp đổi họ.

Ở Hoa Kỳ vốn không có số và thẻ căn cước và luật pháp Hoa Kỳ không đòi hỏi một thủ tục nào mà người dân phải theo khi đổi họ tên mình. Do đó, trên nguyên tắc người Hoa Kỳ có thể tự quyết định đổi lấy tên họ mình rồi đem nó ra dùng.

Tuy nhiên, trong đời sống phức tạp hiện nay, tên họ một người có thể được ghi chép trong nhiều hồ sơ tài liệu như hồ sơ tín dụng, hồ sơ quân đội, hồ sơ chánh phủ,... Người đổi họ tên mà không làm thủ tục sẽ có thể gặp khó khăn khi muốn cho các hồ sơ khác nhau liên hệ đến mình phù hợp với nhau, đặc biệt là khi có việc phải kêu nài khiếu nại, hay khi có quyền lợi gì được hưởng như trường hợp có thân nhơn chết và để di sản lại cho mình.

Bởi đó, ngày nay người Hoa Kỳ thường xin một tòa án công khai thừa nhận việc công khai đổi họ của mình. Ở Hoa Kỳ, một vị thẩm phán ở tòa địa phương đã có thể làm được việc này và thủ tục phải theo thường giản dị, không gây phiền toái gì cho người xin.

Người đăng: admin