Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 88
Truy cập hôm nay: 2,959
Lượt truy cập: 10,311,259
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Sự thâm nhập của nho giáo vào làng xã Việt Nam qua tư liệu hương ước

SỰ THÂM NHẬP CỦA NHO GIÁO VÀO LÀNG XÃ VIỆT NAM QUA TƯ LIỆU HƯƠNG ƯỚC

 (Số 6(30)/2004)

Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo- 23/02/2005

Nho giáo là hệ tư tưởng được triều đình sử dụng để cai quản đất nước. Song, việc thâm nhập của Nho giáo vào làng xã không phải không có rào cản lớn, bởi làng xã người Việt cổ truyền là cụm dân cư khép kín với phong tục tập quán riêng, được bao bọc bởi luỹ tre làng, với các hoạt động kinh tế cơ bản là tự cung tự cấp, có bộ máy lí dịch điều hành riêng, nên thường được gọi là “tiểu triều đình” đối diện với nhà nước phong kiến. Tuy nhiên, quá trình san định và thực thi hương ước do các Nho sĩ đảm trách là cầu nối cho sự thâm nhập của Nho giáo với làng xã.

 

1. Hương ước là tên gọi chung chỉ quy ước của làng xã. Những quy ước này của làng xã được tuân thủ từ lâu đời và được văn bản hoá từ giữa thế kỉ XV trở đi, khi xã trở thành đơn vị hành chính cơ sở và làng xã được tổ chức ngày càng chặt chẽ. Nhà nước phong kiến ban hành chính sách quân điền, quy chế hoá việc chia cấp phần ruộng đất thuộc quyền sở hữu tối cao của nhà nước nằm trong các làng xã, nhằm can thiệp sâu vào từng đơn vị tụ cư đó. Tuy vậy, làng nào cũng có lệ chia cấp riêng. Bởi thế, nhà nước có luật nước thì làng xã có lệ làng. Điều này thường được ghi trong các bài tựa của mỗi hương ước, như hương ước xã Mộ Trạch (Hải Dương) cho biết: “Nhà nước giữ đạo trị bình ắt phải nêu rõ kỉ cương, xóm làng giữ tục thuần hậu cần phải làm rõ quy ước, theo khuôn mẫu một điều mà lập ra các điều”.

 

Tuy nhiên, các điều ước này trở thành lệ làng, đôi khi đối lập với luật nước. Vì vậy, nhà nước phong kiến thời Lê sơ đã hạn chế dân gian thiết lập tư ước. Đạo dụ của Lê Thánh Tông khuyên các làng xã không nên có khoán ước riêng chứng tỏ rằng từ giữa thế kỉ XV trở đi, hương ước đã tồn tại song song và phần nào mâu thuẫn với luật pháp nhà nước, làm cho luật nước ít nhiều bị giảm hiệu lực trong từng luỹ tre xanh. Trải qua thế kỉ XVI, Nho giáo phần nào nhường chỗ cho Phật giáo và Đạo giáo, song sang thế kỉ XVII, Nho giáo lại được đề cao. Bên cạnh các đạo luật có từ thời Hồng Đức được bổ sung sử dụng rộng rãi, nhà nước phong kiến thời Lê - Trịnh thế kỉ XVII còn ban bố 47 điều giáo hoá theo khuôn mẫu kinh điển Nho gia. Chính vì vậy, hương ước ở làng quê được tái biên một cách phổ biến. Số lượng hương ước cổ hiện biết chủ yếu là các văn bản biên soạn từ đầu thế kỉ XVII đến thế kỉ XIX (đầu thế kỉ XX là hương ước cải lương).

 

Nội dung chính của các hương ước người Việt cổ truyền thường tập trung ở một số điều khoản liên quan đến việc tế tự, cúng lễ trong làng và xác định rõ tôn ti trật tự; ngoài ra là các điều khoản về bảo vệ nông nghiệp, ruộng đồng, đóng góp với làng xóm, vấn đề khuyến khích học tập, tinh thần trọng lão... Tuy nhiên, đối với làng nghề hay làng khoa bảng thì hầu như không có các điều khoản liên quan đến sản xuất nông nghiệp mà thay vào đó là các điều ước về nghề thủ công, về khuyến học. Nội dung hương ước khá phong phú phản ánh nét đặc thù về phong tục tập quán của từng làng, của từng thời kì lịch sử khác nhau, đồng thời cùng mang dấu ấn khá rõ nét của tư tưởng Nho giáo.

 

Hơn nữa, hương ước được biên soạn bởi các bậc Nho học với các kinh điển Nho gia như sách Chu Lễ, Lễ Kí, Kinh Thi, Luận Ngữ, Lam Điền, Lã Thị Hương Ước làm nền tảng lí luận, đạo lí, chỗ dựa tinh thần để xây dựng nên quy ước. Hương ước làng Đồng Lương, xã Thanh Bạn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá (soạn năm 1868) dẫn sách Lễ Kí rằng: “Lễ theo nghi thức là khiến cho nó theo về điều mà mình mong muốn là có nguyên nhân vậy. Nếu bất cập thì tăng thêm, nếu thái quá thì bớt đi để cho cái đức của dân trở nên đầy đặn”. Hương ước xã Phù Lưu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh ghi: “Sách Lễ Kí có các thiên hương sạ, hương ẩm tửu đều là để phân biệt trưởng ấu, định ra tôn ti rõ ràng để phong tục nhân luân được đầy đặn. Vậy nên, Phu Tử ta quan sát hương đảng mà biết vương đạo để đổi thay, tin chắc có điều đó. Nay các vị  trưởng lão trí thức, kính lễ nghĩa tiếng tăm, nắm chắc kỉ cương, dạy bảo người ta hướng về nơi sáng sủa, khiến cho dân trí được mở mang, dân đức được đầy đặn. Đó là lí do đặt ra lệ này”.

 

Như vậy, hương ước do các bậc Nho gia trong làng biên soạn, cho dù chỉ văn bản hoá các phong tục tập quán vốn có của làng thì cũng đều thổi vào đó tư tưởng Nho gia luôn thường trực trong tầng lớp Nho sĩ này. Do đó, các điều ước đều gián tiếp hoặc trực tiếp thấm nhuần giáo lí Nho gia. Mặt khác, hương ước của làng thường được đọc trước toàn dân vào dịp lễ hội đầu xuân của làng và được duy trì thường ngày, vì vậy các điều khoản liên quan đến giáo lí Nho gia này được thâm nhập ngày một sâu rộng trong cộng đồng làng xã.

 

2. Nho giáo thâm nhập vào làng xã trước hết qua các điều lệ trong khoán ước của làng liên quan đến răn bảo, thưởng phạt hành vi đạo đức. Những hành vi đạo đức này lại hoàn toàn dựa theo khuôn mẫu giáo lí Nho giáo, như khuyên răn trung hiếu, lễ nghĩa, phẩm hạnh. Hương ước làng Quỳnh Đôi, xã Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An soạn năm 1638 có điều ước sau: “Người ta lấy luân lí làm trọng, nghĩa là người làm cha thì tính nết hiền lành, phận làm con thì thờ cha mẹ cho có hiếu, làm anh thì ăn ở với em cho thuận hoà, làm em thì cung kính với anh, chồng nói thì vợ nghe. Làm người cần cư xử là thế, nếu không chẳng khác gì loài cầm thú”.

 

Hầu như hương ước nào cũng có điều khoản về hành vi đạo đức theo giáo lí Nho học như vậy, trong đó nổi bật là đạo hiếu đễ. Nhiều hương ước quy định mức phạt rất nặng với người bất hiếu (có cha mẹ mà bỏ bê không cung kính phụng dưỡng và chửi bới cha mẹ), bất uyên (chỉ người vợ có lỗi lăng nhục bất kính đối với cha mẹ chồng), bất mục (không hoà mục trong cửu tộc), bất thuận (không hoà thuận với xóm giềng). Điều ước thứ 15 làng Hoàng, xã Cổ Mộc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá (năm 1898) quy định: “Đàn bà chửa hoang, nếu phạm vào luân thường và người đàn bà đang có tang hoặc có chồng thì phạt 12 quan tiền”.

 

Người xưa coi trọng đạo hiếu, coi trọng sự báo hiếu, nên cũng hết sức coi trọng việc tang lễ. Vì vậy, trong các hương ước xuất hiện khá nhiều điều ước về việc tang ma. Lễ tang phải đảm bảo đúng quy ước, từ việc để tang, đến các nghi thức cúng lễ, mai táng, chịu tang... Có khá nhiều điều khoản phạt nặng người đang chịu tang cha mẹ mà phạm tội như gian dâm, trộm cắp, ca hát. Tuy nhiên, việc báo hiếu đó đôi khi thái quá, dẫn đến tốn kém, phiền phức. Do vậy, đã có không ít điều khoản quy định cụ thể việc tang ma nhằm hạn chế sự thái quá này. Hương ước làng Phù Lưu Thượng, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh năm 1854 quy định: “Người chết ở giáp nào thì giáp đó đến viếng và đi đưa. Nếu nhà nghèo thì chỉ mời trầu, rượu tại chỗ, không ai được hạch hỏi. Nhiều đám tang bày cỗ linh đình mời người đến phúng viếng ăn uống. Tiếng là báo hiếu ông bà, cha mẹ, nhưng thực chất là trả nợ miệng. Một người chết mà muôn người say, gây tiếng xấu làm bại hoại phong tục”. Việc duy trì luân thường đạo lí theo khuôn mẫu lễ giáo Nho gia như vậy luôn được làng xã coi trọng và được định thành lệ làng.

 

Ngoài việc đề cao đạo hiếu, luân thường theo Nho giáo, hương ước còn phản ánh khá đậm nét về ngôi thứ ở đình trung, nơi tập trung quyền uy lớn nhất của làng. Đình làng là sản phẩm của Nho giáo xuất hiện từ khi Nho giáo trở thành độc tôn từ thế kỉ XV, vừa là nơi thờ phụng vừa là nơi phán quyết của chức sắc trong làng. Nói một cách cụ thể hơn, đình là nơi thực thi các nghi thức cúng rước thần, tổ chức lễ hội, hát xướng, hương ẩm cỗ bàn trong ngày hội hay ăn khao, ăn khoán, hội họp của chức sắc trong làng. Vì thế, thứ bậc ở đình trung hết sức quan trọng. Thứ bậc này thường được quy ước như sau:

 

Gian giữa đình là chiếu ngồi của chủ tế và các trợ tế (bao gồm các vị độc chúc, độc văn, đông tây xướng, hai vị phụ hoạ vị độc văn, bốn vị tiến tửu).

 

Gian bên phải là chiếu ngồi của các vị khoa trường đỗ đạt.

 

Gian bên trái là chiếu ngồi của các cụ thượng thọ từ tuổi cao đến thấp, cùng các chức dịch hàng xã, các vị chức dịch binh lính mãn nhiệm và các trai đinh (từ 18 tuổi đến 37 tuổi). Nếu đình nào hẹp thì trai đinh phải đứng phía ngoài đình phục dịch việc tế lễ.

 

Một số làng phân định chỗ ngồi ở chốn đình trung bằng ranh giới hai bên tả hữu đình cho quan văn ở bên phải, gồm các vị tiến sĩ, quan văn có phẩm tước từ nhất phẩm đến cửu phẩm; quan võ ở bên trái gồm các vị tạo sĩ, các võ quan có phẩm hàm từ nhất phẩm đến các chức chánh đội, suất đội.

 

Cách sắp xếp này tương tự cách sắp đặt buổi thiết triều trong triều đình. Điều đó cho thấy tính tự trị nơi làng xã càng được định hình, như câu cửa miệng trong dân gian là “Hương đảng tiểu triều đình”.

 

3. Mối liên hệ chặt chẽ của tầng lớp Nho sĩ với làng xã là cầu nối giúp Nho giáo thâm nhập vào làng xã. Thực tế, Nho sĩ Việt Nam luôn gắn bó mật thiết với làng xã và với sản xuất nông nghiệp hơn là gắn với đô thị và thương mại như phần đông Nho sĩ Trung Quốc. Dân cư người Việt trước đây tuyệt đại đa số sống ở làng xã. Những người có học trong làng đỗ đạt thì làm quan, nếu không thì trở thành hương sư dạy học ở làng, hoặc làm nghề thuốc, thầy địa lí... Số lượng người có học sống ở làng ngày một đông. Hơn thế nữa, ngay cả những người đỗ đạt làm quan thì khi trí sĩ cũng lại trở về sống với dòng họ, làng xóm. Thậm chí, khi đương chức, dù ở đâu thì họ đều có mối liên hệ thường ngày với làng xã, đều có quyền lợi và nghĩa vụ với làng xã và đương nhiên có vị trí nhất định nơi làng xã. Chẳng vậy mà trước đây những người thành đạt rất coi trọng việc vinh quy bái tổ (tức là khi vinh hiển thì phải về làng bái tạ tổ tiên), lệ làng luôn coi trọng việc khao vọng, như khoán ước năm Cảnh Hưng 33 (năm 1772) làng Mộ Trạch quy định: Ai ứng thí khoa bác cử mà đỗ Tạo sĩ, ngày vinh quy làng cũng làm lễ đón rước chúc mừng và đáp lễ giống như Tiến sĩ. Còn các chức Cai cơ, Thủ hiệu, Tạo sĩ thoát thủ kính cẩn nhận sắc mệnh thì cũng đón rước và đáp lễ như các quan lại khi được thăng chức.

 

Trong tổ chức làng xã có hai thiết chế, một là chức dịch, hai là kì mục. Chức dịch là đại diện của chính quyền nhà nước phong kiến ở làng xã, còn Kì mục hay Hội đồng kì mục bao gồm các quan lại các cấp về hưu, đứng đầu là một vị Tiên chỉ. Ngoài ra, còn có các vị đương triều, quan viên, tư văn tham gia vào các hoạt động chung của làng nhất là lễ hội, thờ cúng. Trong hầu hết các hương ước đều thấy ghi rõ họ tên các vị chức sắc này. Chẳng hạn, hương ước làng Mộ Trạch năm Cảnh Trị 3 (năm 1665) kê các vị triều quan gồm Bồi tụng Binh bộ Thượng thư Phượng Lĩnh hầu họ Vũ, Hưng Hoá xứ Thừa Chánh sứ Vũ Lương, Thái bộc tự khanh Vũ Phương Trượng, Giám sát ngự sử Thanh Hoa xứ Vũ Duy Đoán, Hiến sát sứ Thanh Hoa xứ Lê Công Triều, Hiến sát sứ Sơn Tây xứ Vũ Bật Hài, Hình khoa Cấp sự trung Vũ Công Lượng, Giám sát ngự sử Thái Nguyên xứ Vũ Trác Oánh;  Quan viên gồm Huyện thừa Phương Nhã Vũ Hạo, Đồng Tri phủ Khoái Châu Vũ Xuyền, Huyện thừa Thanh Lan Vũ Triệt, Huyện thừa Tân Minh Vũ Quyện; Văn thuộc gồm: Vũ Đức Thắng, Vũ Đăng Tiến; xã thôn trưởng gồm: Vũ Đình Sách, Lê Tiến Vinh, Nhữ Thế Lộc...

 

Những chức quan trên đều có mặt trong các kì lễ lớn của làng và được định vị thứ bậc nơi đình trung, chốn linh thiêng trang trọng nhất của làng xã.

 

Thiết chế như vậy của làng xã khiến cho mối liên hệ giữa các Nho sĩ với làng xã ngày càng gắn bó chặt chẽ.

 

4. Hương ước thực chất là công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng làng xã, công cụ quản lí làng xã. Mặt khác, hương ước cũng lại trở thành công cụ để nhà nước can thiệp vào làng xã và quản lí làng xã, điều hoà lợi ích giữa làng xã với nhà nước.

 

Chính vị trí của con người trong làng xã được xác định bởi các mối quan hệ xã hội dựa trên nền tảng tư tưởng là ý thức hệ Nho giáo mà hương ước chính thức hoá và cụ thể hoá. Đó là quan hệ trong gia đình (dòng họ) và quan hệ cộng đồng. Trong quan hệ gia đình, làng xã khẳng định quyền của nam giới, quyền của người cha trong gia đình. Nam giới mới là thành viên chính thức đại biểu cho quyền thừa kế, thừa tự, và chỉ có người cha mới có quyền cao nhất trong quản lí gia đình. Bởi thế, con cái phải có trách nhiệm vâng lời, nuôi dưỡng, hiếu thảo cha mẹ, ông bà. Các quan hệ gia đình này mở rộng ra dòng họ, chỉ có nam giới mới được vào giáp, được ra đình trung, được chia ruộng và chịu nghĩa vụ nhà nước. Trong làng có một thành viên nào đó phạm tội thì cả dòng họ, thậm chí cả làng phải chịu phạt. Trong quan hệ cộng đồng, vị trí con người được phân định theo tuổi tác và chức vị. Quan hệ theo tuổi tác xác định vị trí của người hơn tuổi và người già, tuy nhiên quan hệ này luôn phải nhường bước cho các quan hệ theo bằng cấp, phẩm hàm và chức tước của nhà nước. Mỗi thành viên trong làng, tuỳ theo bằng cấp, phẩm hàm, chức tước, tài sản và tuổi tác, mà được phân định vào một cấp bậc riêng trong hệ thống ngôi thứ của làng. Từ đó được hưởng những quyền lợi riêng về khẩu phần ruộng công, phần chia đồ biếu, chỗ ngồi ở đình, có chức năng, quyền hạn riêng trong tế lễ, trong khi bàn bạc cũng như khi điều hành việc làng. Hệ thống thang bậc xã hội làng xã này theo mô hình dựa trên ý thức hệ Nho giáo càng củng cố thêm thế kiểm soát chặt chẽ của làng xã với con người.

 

Như vậy, làng xã tuy là một đơn vị tụ cư khép kín tự cung tự cấp, được xem như một “tiểu triều đình” đối lập với hệ thống tư tưởng chính thống, trong đó tư tưởng Nho giáo là chủ đạo, song vẫn bị tư tưởng Nho giáo thâm nhập và thâm nhập khá sâu. Sự thâm nhập đó bằng chính việc văn bản hoá các tục lệ để làm thành hương ước thực thi phổ biến ở mỗi làng xã. Trong đó có vai trò hàng đầu và mối liên hệ mật thiết với gia đình, dòng tộc, cũng như làng xã của các Nho sĩ đương triều và các bậc Nho học sinh sống ở địa phương. Tuy nhiên, với việc kế thừa những tập tục dựa trên nền đạo đức và tín ngưỡng truyền thống, hương ước vẫn luôn đi vào lòng người và được duy trì như một truyền thống nghìn xưa./.

 

Đinh Khắc Thuân (*)

 

________________________________

*. TS., Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Người đăng: admin