Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 74
Truy cập hôm nay: 2,843
Lượt truy cập: 10,311,143
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
PHỤC CHẾ VĂN CHỈ VÀ CÁC DI SẢN VĂN HOÁ CỔ MỘ TRẠCH Thư Ông Vũ Hiệp

 

PHỤC CHẾ VĂN CHỈ VÀ CÁC DI SẢN VĂN HOÁ CỔ MỘ TRẠCH

Thư Ông Vũ Hiệp
 gửi các vị quản lý di tích văn hoá Mộ Trạch

Văn tế tại miếu, đình những năm có lễ Đại Kỳ Phúc mồng 8 tháng giêng, ngày hội làng Mộ Trạch. Ngoài việc thờ phụng Ngài Thần Tổ ở miếu làng Chằm Thượng, còn khấn thờ 360 vị Nho học có học từ Đại Khoa, xuống Trung Khoa (Hương Cống, Cử Nhân), Tiểu Khoa (Sinh Đồ, Tú Tài, Tường Sinh, Nho Sinh, trúng thức [ông Khoá]…) đã có làm quan, lại lại (giúp việc quan) được triều đình ban chức tước phẩm hàm… Tất cả đều được thờ phối hưởng ở Văn chỉ làng ta.

-Cứ xem bài VĂN KHẤN (xưa nay thường gọi là Tế văn) đọc to lên do ông phụ trách ĐỘC CHÚC, tốt giọng ngân nga nêu chức vụ từng vị khoa hoạn (khoa là có thi đỗ , hoạn là làm quan chức) mà tôn vinh ở buổi tế lễ ở đại đình cho quan viên trong làng cùng biết.

-Đây là một làng có văn học xưa (nay nói là làng văn hoá cổ) nên độc đáo hơn các làng khoa bảng khác ở chỗ trọng người có học thức có phẩm chức triều đình nên trong tế Văn ở Đình hàng năm, nếu tổ chức Đại Đán. Ban nghi lễ của làng, đều có đọc tế văn này. Trước nhất là nêu ngài Thành Hoàng THẦN TỔ được chức tước phẩm hàm của Triều Đình xưa, các Vua bao – phong (chỉ có các vị Thành Hoàng Phúc Thần mới được dùng  chữ ghép: “bao phong”). Còn các quan chức thì dùng chữ “phong”, hay gia phong  (ban thêm cho). Nhưng vị nào có chữ TẶNG, hay TRUY TẶNG ở trước phẩm hàm là đã chết rồi mới được ban chức tước thì gọi là TẶNG. Vì thế, thời xưa có câu khuôn mẫu chỉ dẫn là: Sinh Phong, Tử Tặng. Sống được phong, chết được tặng. Nên trong 360 cụ được tôn vinh trong Tế Văn, có một số Cụ có công trạng, nhưng có cụ chì có công nuôi dạy con cháu làm quan lớn, nên các Cụ đó được TẶNG phẩm hàm để thờ thôi, chứ lúc sống không hề có chức tước gì cả. Đó là hư danh có tính chất khen thưởng công lao nuôi dạy con cháu nên người. Theo điển lệ xưa, khi con cháu có làm quan to, cha mẹ được TẶNG chức tước kém con một bậc, ông bà kém cháu 2 bậc. Như cụ Tể Tướng Duy Chí, được Vua Lê Chúa Trịnh truy TẶNG bốn đời trực tiếp trên đời Cụ. Thực chất, có Cụ làm quan to, mà cha mẹ, ông bà, cụ kỵ, là nông dân thuần phác, không có học hành chữ nghĩa gì cả. Nhưng theo cổ lệ điển chế (tục xưa qui định) cũng được tặng “hàm Thượng Thư, Kim Tử Vinh, Lộc Đại Phu hay Thị Độc Học Sĩ, Thị Lang, Hàn Lâm đãi chiếu, Biên Tu…v.v.Việc TẶNG này chỉ là để động viên, an ủi, cho con cháu, cho thấy Vua và triều đình có quan tâm đến cha ông mình. Đó là đôi điều xin được chú giải cho người chưa biết, nhất là các thế hệ sau.

Theo sự nhận định hiểu biết của tôi là người nghiên cứu Cổ Sử  và Gia phả, thì làng Mộ Trạch đã bị huỷ hoại, tàn phá Văn Chỉ làng từ sau 30 năm chiến tranh và thời thế (1946 – 1975) nhất là thời “cải cách ruộng đất”.

Ngày nay, thế kỷ 21 đã bước vào sắp được 1 thập niên đầu. Miếu, Đình và 1 số Từ Đường chi, phái, cổng Bắc của làng này  đã trùng tu rất khang trang. Dân làng tự hào là làng Văn Hoá, làng Tiến Sĩ xưa, được Nhà Nước công nhận, được nhân dân ngưỡng mộ. Vậy mà làng không hề phục chế được VĂN CHỈ? Xưa kia, đại đa số làng xã ta trong toàn quốc, nhất là từ Bắc đến Trung Bộ đều có Văn Chỉ lớn, nhỏ tuỳ theo làng đó có người học giỏi, đỗ đạt, ra làm quan lớn bé (cứ được chức tước gì của triều đình, kể cả phẩm hàm mua, đều được thờ phối hưởng có bài vị bia đá ghi tên họ, chức vụ, học vị ở Văn Chỉ làng (1 loại Văn Miếu cỡ nhỏ chỉ thờ các vị Hương Nho, Tiên Hiền, Hậu Hiền của phạm vi 1 thôn, xã thôi).

Làng Mộ Trạch ngày nay thiếu sót mất cái Văn Chỉ, là “linh hồn văn hoá cổ truyền” của làng xưa nay trọng việc học. Hiện nay nhiều làng đã phá bỏ mất Văn Chỉ, do quá khích và ngu dốt văn hoá và ý thức hệ một thời sai lệch đã qua. Văn Chỉ thật ra là nơi tập trung tinh hoa nhân tài văn hoá xưa của làng đâu phải là “tàn dư phong kiến, cường hào ác bá”? như người ta hiểu sai lệch. Đã “bắn súng lục vào quá khứ, nên bị bắn đại bác lại vào hiện tại và tương lai” (cách ngôn Nga). Hãy chấn hưng, trùng tu Văn Chỉ Mộ Trạch ngay. Đã có Miếu Thờ thần Tổ nguy nga, có cổng làng “cách tân” vĩ đại. Mà làng văn hoá xưa số một không dựng lại Văn Chỉ? Tại sao?

Tôi là người cũng là người họ Vũ, nhưng ở làng khác, đã 4, 5 lần về Mộ Trạch chiêm bái Vũ Thần Tổ và khảo sát di tích văn hoá xưa của làng. Ngòai việc sùng kính ngưỡng mộ, tôi vẫn hơi buồn vì ngoài Miếu, Đình và vài Từ Đường chi phái được trùng tu. Nhưng Lăng Thần Tổ khá hoang sơ, tuy đã được trùng tu, nhưng lại trông như ngôi mộ liệt sĩ hơn là một chốn tâm linh thật sự có hài cốt vị Vũ Thần Tổ và phu nhân an nghỉ 1150 năm trước. Khu Mả Thần đó, vẫn chưa được tôn tạo thêm. Du khách về tham quan, có rất nhiều người hiểu lầm tưởng là mộ người công đức xây lại Lăng đó! Vì tên họ người công quả đó rõ hơn, nổi bật hơn? Lăng Mộ một nhân vật có thật trong quốc sử, là Thành Hoàng làng, là vị sáng lập làng, lại còn là Thuỷ Tổ họ Vũ lớn lao, không chỉ của bà con họ Vũ ở Mộ Trạch mà hầu như của tất cả các dòng họ Vũ – Võ cả nước Việt, có chiều dài lịch sử đến 12 thế kỷ! Vậy mà Lăng Mộ Ngài trông thiếu mỹ quan, kém phần cổ kính. Nhất là, quê hương của 360 Vị đại Nho, của gần 40 Vị Đại Khoa Nho Học trong đó có 36 Tiến Sĩ, Thái Học Sinh thời Trần, Lê, Mạc, Hậu Lê. Vậy mà Lăng Ngài toàn ghi quốc ngữ.

Cách đây hai tuần lễ, tôi gặp ông giáo sư Vũ Hữu Nho, quê cũ ở làng Cửu Cao, huyện Gia Lâm. Ông là Việt Kiều từng có điều khiển trường Đại Học Cộng Đồng ở Thành Phố Houston, Texas, Hoa Kỳ. Ông cùng một đoàn hơn 10 ông bà Tiến Sĩ các ngành từ Mỹ về miền Bắc tham quan. Các du khách Việt Kiều đó (có quá nửa họ Vũ, Võ) đã nhận xét: “làng Mộ Trạch là một địa điểm hấp dẫn du khách quốc tế và bà con người Việt trong nước và nước ngoài. Nhưng làng nghèo và chưa năng động về kết hợp Văn Hoá và kinh doanh du lịch? Giá như, chí ít cũng làm lấy 1 tập hướng dẫn viết bằng hai thứ chữ Việt, Anh (trong tương lai phải in bằng 5, 6 thứ chữ Anh, Hoa, Nhật, Tây Ban Nha, Pháp) phát không hoặc bán cho du khách. Để giải thích cho khách tham quan hiểu rõ và là 1 tư liệu văn hoá nữa”.

Ngay như các câu đối thờ, hoành phi, các câu đối ở cổng Miếu, trụ gạch và tường của ngôi cổ miếu (không dưới 20 đối liễn). Nhiều bức Hoành Đại Tự ở Miếu, Đình, ngay bà con trong làng (lớp trẻ, phụ nữ, tráng niên) trừ cụ Trứ, cụ Tình, cụ Phu, cụ Phú…ra mấy ai đọc hiểu nỗi chữ nghĩa gì? Ngay cả 2 ông trên 50 tuổi làm Trưởng Ban, Phó Ban Di Tích cũng rất có lòng với lịch sử, văn hoá làng, nhưng đâu có đọc nổi  hết các chữ nghĩa trong Đình, Miếu, Chùa. Nếu có ai nhờ giải thích thì các ông trẻ đành cười trừ, phải mời các cụ như cụ Trứ trong làng ra…phiền lắm!

Tại sao không đánh máy vi tính, thứ tự lớp lang các câu chữ từ nóc cổng Miếu, cho đến các câu đối trái, phải cổng Miếu. Rồi trên các trụ Hoa Biểu ở Sân trước Miếu và cột Miếu và các bức Hoành các câu đối có giá trị (Vì nhiều bức hoành gần đây cung tiến chế tác sai sót nhiều). Du khách, bà con họ Vũ Võ thập phương có đọc được mới hiểu được về Văn Hoá Miếu Đình Mộ Trạch, chữ nghĩa nói lên điều gì? Văn Hoá tinh tuý xưa của làng Mộ Trạch là chữ nghĩa đó! Chứ không phải cổng cao, nhà đẹp bê tông nhiều, sơn đỏ, sơn vàng màu mè là văn hoá đâu!

Xin mạn phép nhắc các Cụ Mộ Trạch và ông Căn, ông Ái: Làng quê Bắc Bộ xưa nay, cổng Đình là các cột trụ Hoa Biểu vuông 4 cạnh, không có Mái. Đình không làm cổng Tam Quan, không có cánh cổng để lúc rước xách Ngai Thờ kiệu Loan bát cống và vác cờ quạt, tàn, lọng bát bửu lộ bộ từ Miếu ra đình không bị vướng nóc cổng. Làng Phù Ủng, làng Vạc, làng Thạch Lỗi và các làng quanh đó còn mô thức cổng đình xưa, mà chúng tôi đi tham quan khảo cứu gần đây (nhiều Đình trong cả nước), chẳng làng nào cổng Đình lại Tam quan cả!

Cổng làng chỉ có một cửa ra vào thôi, chứ không làm cổng Tam quan. Cổng Miếu, Cổng Chùa, theo Nho giáo, Phật giáo, Nam Nữ đi cổng riêng (Nam Tả, Nữ Hữu) vì phân biệt giới tính “ nam nữ thụ thụ bất thân”. Cổng giữa chỉ để Đại lễ hay dành cho các quan chức triều đình ra vào.

Hướng Bắc, ngày xưa là lối sau làng, thuộc hướng phong thuỷ xấu, không có cổng, chỉ mở lối đi ngày rước Thành Hòang về Miếu thôi. Nhưng nay, tiện đường nhựa ôtô ra vào lối này nhiều. Xây cổng hướng này là tiện cho lối mới thôi.

Khi nào các ông Mộ Trạch xây Cổng Nam là Cổng xưa đúng phong thuỷ tốt, cố hữu cả ngàn năm của làng này, thì nhớ xây to hơn và đúng kiểu xưa nhé (một cổng ra vào thôi, trên có gác, mái cong, cửa tò vò, để mưa nắng, đêm hôm, ngồi canh gác người ra vào làng).

Ở trong Sài Gòn, tôi góp ý với ông Thuận, cụ Triều, cụ Chung là những người con em của làng ta đi xa lập nghiệp. Ba ông này rất tâm huyết tha thiết yêu quí làng xưa, xóm cũ. Mới đây lại nghe ông Thuận kể là sẽ tôn tạo lại: quán Kỳ Anh Hội, Văn Chỉ, cầu Ông Trạng, Lăng Thần Tổ, cổng phía thôn Tây (có chỗ đón gió mát Huân Phong).

Trước mắt, theo lời ông Thuận, phải tôn tạo Văn Chỉ đầu tiên vì đó là biểu tượng Văn Hoá Mộ Trạch. Nên ra Hà Nội, nhờ các ông họ Vũ ở Hội Sử học và Viện Sử học, Khảo Cổ, mở sách cũ từ trước 1945, xem hình ảnh Văn Chỉ các làng Đại khoa Nho học. Tả Thanh Oai (gần Hà Đông), Đông Ngạc (Kẻ Vẽ, gần Hà Nội, ngay chân cầu Thăng Long, Từ Liêm) là 2 làng khoa bảng lâu đời hơn Mộ Trạch. Hãy xin chụp ảnh Văn Chỉ 2 làng lớn về Văn Hoá Khoa Hoạn Nho học xưa mà trùng tu lại ở chỗ Đình Đông cũ 1 Văn Chỉ Mộ Trạch qui mô cổ kính, đẹp mắt.

Khi thiết kế bàn thờ, tôi sẽ bàn thảo với Cụ Trứ và các cụ trên 75 tuổi mới hiểu Văn Chỉ thờ ra sao? thờ ai? Nhưng chắc chắn có bia đá hay bảng danh sách 360 vị Tiên Nho Mộ Trạch được chép trong CỔ LỆ THAM ĐỊNH THƯỢNG THÔN (MỘ TRẠCH xã) để thờ phối hưởng trong Văn Chỉ.

Sau đây, tôi chép rõ 360 Vị Tiên Nho, Tiên Hiền làng Mộ Trạch Nhưng không thể chép nguyên bản do cụ Vũ Hải chép lại sai sót một số chỗ. Tôi nghe anh Thuận kể, cụ Trứ có thể cung cấp cho 1 bản Cổ Lệ chính xác hơn? phải có chữ Hán để cùng cụ tham khảo, tra cứu. Vì lẽ, nhiều cụ chỉ có tên Hiệu (như Hằng Trai, Mông Trai, Toàn Trai, Thân Trai, Húc Trai…) và kèm theo Thai Công (đúng âm là phải đọc là Đài Công) Vũ Công, Lê Công. Nay phải chú giải tên thật các cụ là gì? ở chi phái nào? Để thế hệ nay mai đọc, biết ngay câu đó nêu tên cụ nào? Không thể theo lối xưa, kiêng kỵ tên Huý không dám đọc ra! Không viết rõ thì làm sao biết các Cụ là ai?

Điều làm nhiều người đọc và tôi lưu ý: trong Tế văn, tên họ, chức tước của cụ Vũ Hán Bi là con cụ Vũ Nạp, em ruột cụ Vũ Nghiêu Tá lại được tuyên dương trước nhất vì cụ Hán Bi (Nông) làm quan to nhất, sớm nhất. Thứ 2 là cụ Tạ Tướng Công. Thứ 3 mới đến cụ Nghiêu Tá. Thứ tư mới đến cụ Vũ Nạp ?.

Tôi đang cố gắng biên khảo làm Văn Bia thờ ở Văn Chỉ, nhờ Cụ Trứ duyệt lại sửa chữa cho. Một là cụ cao niên biết chữ Nho, nét chữ đẹp, hai là cụ là người làng Mộ Trạch. Còn tôi là hậu học, quê quán ở Hà Đông, không thể rành rẽ bằng cụ trong làng được.

Việc này còn lâu dài, cụ và tôi đã có tuổi. Quỹ thời gian không còn nhiều? Cố viết đến đâu được đến đó. Chứ đâu còn dài năm như anh Căn, Ái, Thuận. Cụ Triều từ ngày bệnh giảm trí nhớ, đến nay ngơ ngác và quên trước quên sau. Có lúc tỉnh, có lúc hơi lẩn thẩn, tội nghiệp lắm! Tôi rất mến cụ Triều và cụ Trứ là 2 ông già Mộ Trạch hiền từ, cổ giả. Quí lắm. Hơn nữa 2 ông lại còn có tâm học với học vị khá nữa. Nên hiểu biết nhiều.

Nếu Cụ Trứ nhớ lại được Văn Chỉ xưa ở quê ta hồi trước 1946 thì Cụ vẽ phác ra cho a. Thuận, Căn, Ái cùng tham khảo. Các di tích cổ ở đâu? Cánh đồng làng hay ven rìa làng? Cụ vẽ ra cho a. Thuận biết. Vấn đề này thì tôi mù tịt, vì có là người Mộ Trạch đâu mà biết rõ!

Khi làng có các di tích Văn hoá ngoài Cụm Miếu Đình, Chùa, còn phải có Lăng Mộ Thần Tổ, cổ mộ ngài Vũ Nạp ở đâu? Mộ cụ Vũ Hữu còn không? Mộ cụ Lê Nại, Lê Đỉnh, Lê Quang Bí, Nhữ Mậu Tổ, Nguyễn Thường Thịnh, cụ Tể Tướng Duy Chí, cụ Vũ Phong, cụ Duy Đoán, Công Bình, Công Đạo, Trác Lạc, Trác Kỳ. Cả mộ các cụ bà Thị Nương, Thị Vàng, Nhữ Thị Thuận, Bà Lê Thị… mở trường dạy học, có Nho sĩ đậu Hương Cống, đại khoa. Một nữ giáo sư Nho học ở Mộ Trạch xưa (đọc các tư liệu gia phả họ Vũ, họ Lê sẽ rõ).

Du khách được thấy nhiều di tích, nhiều biết nhiều sự tích, như cụ Vũ Hiệu xưa thành giai thoại phải viết ra và in quốc ngữ rồi dịch ra Anh, Pháp ngữ mà phổ biến cho du khách tham quan. Nên thấy hoa ở chùa, sân đình, Lăng Thần Tổ cho đẹp mắt, dù là hoa giấy, râm bụt, hoa đơn (trang) vàng, đỏ. Nên gây trồng cây Gạo hoa đỏ ở đầu làng và các cây hoa phượng ở 2 bên đường vào làng lấy bóng mát và hoa đẹp mắt du khách . Đó là làm văn hoá, kết hợp với các công ty du lịch có tuyến xe ca tham quan. Cho thầu quán nước giải khát và ăn phở, bún và các quà quê vệ sinh thực phẩm sạch sẽ. Đó là lấy di lịch nuôi di tích và quảng bá Văn hoá quê ta.

Mong cụ Trứ và ông Căn cho ý kiến hồi âm.

Cảm ơn và kính chào cụ Trứ và các ông trong ban Di tích.

Chúc quí vị sức khoẻ.

 

Vũ Hiệp 15/4/07

Người đăng: huythuan