Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 54
Truy cập hôm nay: 176
Lượt truy cập: 10,291,218
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
GIỚI THIỆU: MỘT CHI NHÁNH VÕ TỘC (GỐC Ở HUYỆN DUY XUYÊN, QUẢNG NAM) CÓ TỪ ĐƯỜNG Ở KHU BÀU CÁT, QUẬN TÂN BÌNH, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

GIỚI THIỆU: MỘT CHI NHÁNH VÕ TỘC (GỐC Ở HUYỆN DUY XUYÊN, QUẢNG NAM) CÓ TỪ ĐƯỜNG Ở KHU BÀU CÁT, QUẬN TÂN BÌNH, TP.HCM

     

   Nhân ngày Rằm tháng Bảy năm Mậu Tý (Thứ sáu, 15/8/2008) Hội đồng Dòng họ Vũ-Võ Phương Nam, có tổ chức lễ Giỗ cụ bà Nguyễn Thị Đức- Thân mẫu Thuỷ Tổ họ VŨ-VÕ ở VỌNG TỪ ĐƯỜNG VŨ TỘC của phía Nam. Nơi thờ Thủy Tổ VŨ HỒN ( 804 – 853 ) tại khu 13, xã Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Hôm đó, có một phái đoàn gồm 5,6 cụ già và ông có tuổi ( từ 55 – 80 ) đến tham dự. Ban tổ chức tiếp đón phái đoàn này và chào hỏi nhau. Lúc đó mới biết là bà con đại diện cho một dòng VÕ tộc gốc ở thôn Đông Yên, xã Duy Trinh, thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Dòng tộc này di cư vào ở Sài Gòn cách đây đã hơn 50 năm tại khu Bàu Cát, Ngã Tư Bảy Hiền, Q.Tân Bình, đường Phạm Phú Thứ, số 173/34. Đây là 1 chi nhánh VÕ tộc ở xứ Quảng, đã định cư ở thành phố này và phía Nam tới hơn 1200 nhân khẩu. Thật đáng quan tâm.

            Chúng tôi có hẹn sẽ thay mặt HĐDH Vũ-Võ Phương Nam, đến thăm Từ đường Võ tộc Đông Yên ở Bàu Cát, quận Tân Bình, TP.HCM. Sáng thứ tư 27/8/08, ba chúng tôi: Vũ Hiệp, Vũ Hữu Chính và Vũ Huy Thuận lên xe hơi đi tìm khá vất vả, do đường xá hơi rắc rối ở khu phố đó! Mãi gần 11 giờ trưa mới tìm ra, và phải gọi điện thoại cho ông Võ Thiện Hồng trong Ban Đại Diện Chi tộc Võ này, xin lỗi đã tới trễ vì đường phố khó tìm.

            Từ đường “ Tộc Võ Đông Yên, Quảng Nam” khá đẹp và khang trang đã kết hợp vừa làm xưởng sản xuất mành sáo ở tầng trệt, lầu 1. Còn từ đường thờ Tổ và tiền hiền ở lầu 2 trên cùng. Kiến trúc rất phù hợp cho 1 nơi thờ phượng của 1 gia tộc lớn và đông ở thành phố kinh doanh, thương nghiệp, công nghệ, đất chật, người nhiều.

            Từ ngoài đi vào là Tam quan, mái ngói cong, phù điêu rồng, phụng, kỳ lân, long mã sơn màu sặc sỡ đẹp mắt. Nơi thờ ở tầng 3 ( lầu 2 ). Kiến trúc cầu thang 2 bên rất khéo và tiện dụng. Sau Tam quan là một cái sân chừng 10 x 3.5 m, có chậu cây kiểng, sân lót gạch sạch sẽ.

            Chúng tôi lên Từ Đường bằng cầu thang rộng một mét ở bên phải. Tới tầng 3 có một sân 11 x 4 m, vào bái đường và hậu cung 11 x 8 m. Trước sân có 1 tấm bình phong xây gạch, đắp nổi hình Long Mã khá mỹ thuật với nhiều màu xanh, đỏ, vàng, đen, trắng. Mái Từ Đường lợp ngói và đắp nổi rồng, phượng, hoa, lá, mây… Đặc biệt là dàn cửa gỗ nhiều cánh làm giống như các Đình, Miếu, cung điện, từ đường lớn ở ngoài xứ Quảng, xứ Huế. Nhìn đã thấy đẹp, và khen thầm Ban Trị Sự Dòng tộc Võ này có thẩm mỹ và có suy tính giỏi.

            Ba gian thờ, có 3 bàn thờ nghiêm chỉnh : bàn thờ chính ở giữa có 2 chữ Hán (Nho) : TỊ TỔ (ông Tổ đầu tiên) đắp nổi lên trên vách. Bên phải là bàn thờ có 2 chữ Nho : QUANG TIỀN (làm sáng tỏ các đời trước) và bên trái là 2 chữ DỤ HẬU (làm no ấm cho các đời sau). Cả 3 bàn thờ đều có bát nhang và lư, đèn… Hai bên hông Bái đường còn 2 bàn thờ nhỏ ghi nổi bên 2 chữ TÒNG TỰ (được thờ cúng các hương linh trong dòng tộc đã mất).

            Trước bàn thờ chính là một bàn tủ thờ bằng gỗ cẩn trai, màu nâu đen, bày đầy đủ Ngũ sự (5 thứ đồ thờ). Phía trên cao, trước bàn thờ chính (giữa) có 1 bức Hoành phi gỗ đẹp với 4 chữ Nho lớn : NHẤT MẠCH ĐỒNG NGUYÊN : (MỘT DÒNG CÙNG CHUNG NGUỒN), ý nói: “bà con họ Võ này tất cả đều chung một nguồn gốc, dù ở nhánh, phái nào”. Chung quanh tường vách nhiều đôi liễn gỗ mộc, sơn mài, cẩn ốc… với lời ý ca ngợi tổ tiên và dòng tộc.

            Theo lời ông Võ Thiện Hồng dẫn giải: “Tộc Võ chúng tôi vốn quê quán ở làng Đông Yên, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên,tỉnh Quảng Nam đã nhiều đời rồi. Khoảng trên dưới 50 năm trước di cư vào Sài Gòn sinh cơ, lập nghiệp làm ăn. Khi xưa nơi này còn là thôn xóm, hoang địa. Sau, dân cư đông đúc (đa số bà con xứ Quảng vào ở quần tụ nơi đây), trong số đó có tộc Võ chúng tôi”.

            “Dù xa quê hương nhưng không quên gốc cũ, nên giữ gìn tâm linh nhớ ơn Tổ Tiên nơi quê nhà, chúng tôi mua đất từ 1979 xây Từ đường này để cúng giỗ Tiên Nhân Võ tộc này. Mới trùng tu (xây lại năm 2003-2004) được như thế này. Họ tộc bà con ở thành phố này qui tụ về đây rất đông, có đến 1200 người. Riêng ăn cỗ (đám giỗ) phải từ 80 đến 100 bàn (tròn 12 người) một lần. Còn ở ngoài quê Duy Xuyên, cũng đông ngang bà con nơi đây”.

            Sau khi dâng hương các bàn thờ, chúng tôi hỏi về Nguồn gốc  tiên tổ tộc Võ của ông Thiện Hồng ở quê xứ Quảng và tính đến nay (2008) đã được bao nhiêu đời (thế hệ gia phổ). Ông Hồng cho biết sơ lược: “Theo truyền ngôn của các bậc cha, ông xưa nói: Cụ Thủy Tổ họ Võ từ xứ Thanh Hóa di cư vào Quảng Nam khoảng cuối đời Nhà MẠC (khoảng 1570-1592) cách nay hơn 400 năm. Gồm có 2 anh em lúc đầu, nhưng không rõ tên húy các Ngài là gì? Mà chỉ biết gia phổ xưa có ghi chép là: “MẠC TRIỀU Tiến Sĩ Võ Tạ Đại Lang”. Lúc đó chúa Nguyễn Hoàng đang trấn thủ Thuận Hóa và Quảng Nam. Có lẽ Vị Thỉ Tổ di cư bằng thuyền mành (ghe bàu lớn) theo dọc bờ biển miền Trung mà vào Nam? Thời gian này ở Thanh Hóa đang chiến tranh tàn khốc giữa quân nhà Mạc với quân Trịnh-Lê. Sử cũ cho biết: “… vùng Thanh Hóa, Sơn Nam, Hải Dương…binh lửa rất khốc liệt (1570-1599), dân chúng phiêu bạt, bỏ quê hương để thoát nạn binh đao. Nhất là nam giới bị cả 2 bên bắt lính rất khốn đốn…”. Vì thế phải tìm đường ra đi, do đồng ruộng bỏ hoang, nhân dân đói khổ nữa. Chỉ có con đường biển vào Nam tìm lẽ sống. Theo sự nghiên cứu của chúng tôi, đọc cả trăm cuốn gia phổ ở Bình, Trị, Thiên, Nam, Ngãi, Định, Phú trong 50 năm qua. Đã thấy có hàng trăm gia tộc ở miền Bắc, ở vùng Thanh Nghệ di cư vào phía Nam dãy núi Hải Vân, thời MẠC, LÊ TRUNG HƯNG (từ 1540-1627). Lúc đang có trang chấp quyền lực MẠC-LÊ-TRỊNH-NGUYỄN.

       Thật ra dòng tộc “Võ Đông Yên” này đã di cư vào Nam Bộ từ lâu rồi!  Có lẽ trước năm 1945 hoặc 1930 ? Vì thấy ở chợ Cầu đường Quang Trung lên Quán Tre và khu Công viên phần mềm Quang Trung (Quận 12), đã có 1 cụ họ Võ đời 8 sống ở đó từ lâu. Mà đời tôi (ông Hồng) là đời 14, tới nay đầu thế kỷ 21, đã có đời thứ 18 rồi trong dòng tộc Võ chúng tôi.

       Chúng tôi rất ngạc nhiên và thích thú, không ngờ giữa thành phố lớn này, lại có một khu Bàu Cát, quận Tân Bình, qui tụ và xây dựng được hơn 20 Từ đường: tộc , tộc TRẦN, tộc THÂN, tộc , tộc HUỲNH, tộc PHẠM, tộc PHANTRƯƠNGĐOÀNĐỖNGUYỄN, HỒ… v.v mà đa số là bà con Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (Quảng Nam đông nhất) ở khu dân cư trù phú này.

       Phải khâm phục bà con đồng hương Quảng Nam còn giữ được truyền thống văn hóa DÒNG HỌ rất đậm đà tình nghĩa quê hương và tinh thần lễ giáo thờ kính Tổ tiên trong thời buổi suy đồi đạo lý gia tộc cả nước nói chung. Dân thành phố cứ xuống khu Bàu Cát từ Tết âm lịch tới tháng ba âm lịch, sẽ thấy bà con xứ Quảng cư trú ở đây tấp nập đi dự Lễ Hội Dòng Tộc. Và nếu quan sát sẽ thấy rải rác đó đây các Từ Đường, Nhà Thờ gia tộc nhiều Họ của người Quảng, trên đường phố và ngõ hẻm được xây dựng lớn, nhỏ ở khu Bàu Cát này.

 

       Khoảng 12 giờ trưa, chúng tôi chào ông Võ Thiện Hồng, cảm ơn và ra về, hẹn có dịp sẽ đến thăm. Không ngờ có một chi nhánh Võ tộc ở Duy Xuyên sống ở thành phố này đông như thế và có một Từ  đường đẹp to là thế?  Bà con họ Vũ-Võ nào yêu thích văn hóa dòng họ Võ, muốn quan sát Từ Đường này, liên lạc ông Võ Thiện Chúc ( 0903202113) hoặc ông Võ Thiện Hồng, điện thoại ( 0903.329.403). Nhất là ngày lễ Tổ riêng tộc Võ này vào 21 tháng Hai, Âm lịch hàng năm, sẽ thấy thật đông vui.

BÀI: Nhà Nghiên cứu VŨ HIỆP (CỰ VŨ)

ẢNH: VŨ HỮU CHÍNH

Người đăng: admin