Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 302
Truy cập hôm nay: 480
Lượt truy cập: 10,286,229
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Văn Miếu Bình Định ngôi đền bồi đắp truyền thống trọng chữ

VĂN MIẾU BÌNH ĐỊNH NGÔI ĐỀN BỒI ĐẮP TRUYỀN THỐNG TRỌNG CHỮ

Văn chỉ Tuy Phước (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Nền văn hóa nước ta dưới các triều đại phong kiến chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo.

Tuy có những triều đại chủ trương tự chủ, sáng tạo ra chữ Nôm để làm văn tự riêng cho người trong nước (nhà Lê, nhà Hồ, nhà Tây Sơn) nhưng lề lối chính trị, giáo hóa, lễ nghi đều không khỏi dựa vào Nho học làm căn bản.

Đến khi Gia Long lên ngôi, triều Nguyễn quay lại lấy chữ Nho làm văn tự chính thức, lệnh cho các tỉnh thành trong nước lập văn thánh miếu để thờ Khổng Tử, chấn hưng Nho học. Ngay trong năm Gia Long thứ nhất (1802) văn thánh miếu tỉnh Bình Định đã được xây dựng tại thôn Vĩnh Lại, huyện Tuy Viễn, thuộc xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn ngày nay. Dân gian thường gọi là Văn Thánh hoặc Văn Miếu.

Theo các nhà nghiên cứu địa phương học, thì khuôn viên Văn Miếu xưa được bao bọc bởi bốn bức tường đá ong. Cổng tam quan văn miếu gồm bốn trụ biểu xây gạch vữa, hai trụ hai bên thấp hơn hai trụ giữa. Các trụ nối nhau bằng các cầu bảng trang trí pháp lam và cuốn thư. Cầu bảng trên hai trụ giữa gắn một biển hình chữ nhật, đề ba chữ VĂN THÁNH MIẾU. Mặt ngoài hai trụ biểu một bên đề Đạo tại lưỡng gian - đạo giữa trời đất (hai bên), bên kia đề Trác việt thiên cổ - giỏi vượt nghìn đời), những lời lẽ cao đẹp này nhằm tôn xưng đạo Nho và những tài năng vượt trội trong bể học.

Trên khoảng đất rộng ngày xưa Văn Miếu Bình Định từng tọa lạc, nay chỉ còn lại hai tấm bia đá Khuynh cái hạ mã (nghiêng lọng xuống ngựa) cách cổng tam quan chừng vài chục thước và bức bình phong Long mã phù đồ trước chính điện. Thật ra xưa kia trước cổng Văn Miếu có đến hai gian nhà bia (bi đình), nhưng về sau một nhà bị sập, có người dời thớt bia về nhà định dùng việc riêng, mấy hôm sau bỗng dưng ngã bệnh, cho là bị "trên trước" quở phạt vì tội bất kính, bèn khiêng bia trả về chỗ cũ. Những chữ Hán Khuynh cái hạ mã khắc trên mặt bia là một cách lưu ý quan khách, dù là kẻ sang người hèn đến đây đều phải dọn mình để bước vào cõi thiêng.

Giữa những tán xoài cổ thụ, Văn Miếu quay mặt về hướng nam. Phần chính của Văn Miếu là ngôi chính điện được dựng trên một nền đất cao ở trung tâm vườn miếu, dài chừng 30m, rộng chừng 20m; kết cấu nhà hai nóc kiểu trùng thiềm điệp ốc, tiền đường năm gian, chính đường năm gian hai chái. Trước miếu về bên trái và bên phải dựng hai căn nhà đối diện nhau là Tả vu và Hữu vu.

Sau Chính điện, phía đông và phía tây có hai tòa nhà, mỗi tòa một gian hai chái. Đó là Hữu Văn đường và Dị Lễ đường, dùng làm chỗ các quan nghỉ chân, sửa soạn lễ phục trước khi vào tế ở Chính điện. Cạnh Hữu văn đường có một ngôi nhà vuông thờ Thổ công. Ở phía bắc Chính điện có Thần khố (nhà kho) cất các đồ tế tự, Thần trù (nhà bếp) là chỗ nấu nướng phục vụ việc tế lễ và quan quân về dự tế. Thần khố và Thần trù hằng năm chỉ mở cửa vài lần khi có tế lễ.

Việc thờ phụng được bài thiết trong Chính điện cùng Tả vu, Hữu vu. Theo quy định của triều Nguyễn, tại Văn Miếu không thiết tượng thánh mà chỉ lập mộc chủ để thờ. Gian giữa Chính điện thờ Khổng Tử với thần vị "Chí thánh tiên sư Khổng Tử", gian kề phía đông thờ thần vị của Nhan Tử, Tăng Tử, gian kề phía tây thờ thần vị Mạnh Tử và Tử Tư, gọi chung là Tứ phối. Hai gian ngoài thờ Thập nhị triết (12 vị hiền triết). Tả vu, Hữu vu thờ chư vị Tiên nho, Tiên hiền. Hai chái bên của Chính điện đặt chuông trống nhã nhạc. Các ca sinh tập trung ở chái Tây, các vũ sinh tập trung ở chái đông. Các gian tiền đường trước chính điện để trống, vào ngày tế lễ, dùng làm chỗ trải chiếu hành lễ. Việc tế lễ ở Văn Miếu được tiến hành cẩn trọng. Khổng Tử sinh vào tháng tám, còn Mạnh Tử sinh vào tháng hai, Văn Vương - một vị thần trông coi việc học cũng sinh vào tháng hai. Các nhà đặt ra lịch pháp xưa dựa vào thiên can để chọn ngày, thì Đinh thuộc âm hỏa là lửa đèn, tượng trưng cho việc học, do vậy đã thống nhất chọn ngày tế Văn Miếu là ngày Đinh vào tháng hai và tháng tám. Đến năm 1886, vua Đồng Khánh chủ trương tiết kiệm, lễ tế Văn Miếu giảm còn một lần vào tháng hai hằng năm.

Lễ tế Văn Miếu rất quan trọng. Ở kinh đô, thường thì vua đích thân đến tế. Còn ở hàng tỉnh, quan tổng đốc đứng chủ tế và rất đông các quan viên lớn nhỏ tập trung về hành lễ. Trước lễ ba ngày, các quan phải trai giới (ăn chay). Chỗ chủ tế đứng làm lễ ở trước hương án của gian chính giữa miếu, gọi là hành lễ vị, bên trái hành lễ vị là chúc án (án đặt chúc văn). Đối diện với chúc án là lập vị (chỗ đứng). Ngoài kề hành lễ vị là bái vị, tức chỗ lạy. Chỉ có vị chủ tế mới lạy ở chiếu bái vị; còn chiếu lạy của các quan viên, bô lão được trải ở các gian tiền đường và trước hai vu. Các quan lớn quỳ lạy ở lớp chiếu trong, các bô lão quỳ lạy ở lớp chiếu ngoài. Từ cổng vào đến thềm tiền đường cũng có trải chiếu để các sinh đồ bái vọng.

Truyền rằng, vào những dịp tế lễ, trẻ già trai gái đứng chật hai bên đường suốt một chặng dài để đón mừng quan viên và xem hội lễ. Xa giá quan viên nườm nượp đổ về, diễu chầm chậm qua hai hàng dân chúng, đến trước hai nhà bia thì dừng lại. Các quan ngồi ngựa thì xuống ngựa, ngồi kiệu thì hạ kiệu, mũ cao áo dài đi bộ chỉnh tề vào cổng miếu, vào trong thì tới nghỉ ở Hữu Văn đường. Ở ngoài, các chú lính dắt ngựa, khiêng kiệu vòng qua hai bên tìm những gốc cây to tán rộng buộc ngựa, cất kiệu.

Trong buổi sáng trước ngày tế, quan viên địa phương đã cùng các bô lão đảm trách việc coi miếu lo bày các khí tự, đặt chúc án, trải chiếu lập bái vị trong Chính điện và tiền đường, trước hai vu. Chuông trống cũng được bày biện ở hai chái tây đông. Chiều đến, từ quan chủ tế trở xuống tập nghi lễ ở Dị Lễ đường. Trong đêm, tới giờ sửu lễ vật phải được bày biện đầy đủ, những người dự lễ vào vị trí đã phân định. Sau hồi chuông báo canh năm, quan chủ tế mặc áo mãng bào đi xem xét một vòng rồi về chỗ lập vị đứng chờ vào lễ.

Khởi đầu buổi lễ, chuông trống nổi lên, các nhạc sinh vào chỗ và ban tế lễ ai lo việc nấy. Các vị bồi tự, phân hiến cũng vào vị trí, quan chủ tế từ từ tiến vào bái vị, rửa tay xong, tới trước hương án hành lễ. Thủ tục hành lễ nhất nhất tuân theo bài xướng do một vị lễ quan tuyên đọc. Đó là các bước dâng hương, dâng rượu, dâng lụa, dâng nhạc, dâng vũ khúc. Dâng hương dâng rượu ứng với các nhạc khúc khác nhau. Dâng hương nghênh thần ứng với khúc Cảnh Văn; tuần rượu thứ nhất ứng với khúc Chiêu Văn; tuần rượu thứ hai ứng với khúc Ý Văn; tuần rượu thứ ba ứng với khúc Hiển Văn; khi tấu khúc Bính Văn thì hạ thức ăn trên bàn thờ xuống; khi tấu khúc Huy Văn thì mang lụa và chúc văn đi đốt làm lễ tống thần…

Đến năm 1853, triều Tự Đức phân ra lễ tế ở án chính gọi là Chính hiến, còn lễ tế ở các án Tứ phối, Thập nhị triết, Tiên hiền, Tiên nho gọi là Phân hiến. Cũng từ đó quy định sau lễ Sơ hiến và đọc chúc văn ở án chính xong, mới làm lễ Phân hiến.

Phẩm vật tế ở án thờ chính gồm bò, heo, dê mỗi thứ một con, một mâm xôi, ba mâm bánh trái. Ở án thờ Tứ phối và Thập nhị triết mỗi án một con heo, một mâm xôi, một mâm bánh trái. Ở án thờ Tiên nho, Tiên hiền thì vật tế không cần nguyên con mà chỉ dâng một mâm thịt xôi, bánh trái. Riêng tại gian thờ Thổ Công thì dâng cúng chè xôi.

Sở dĩ việc tế lễ ở Văn Miếu được tiến hành một cách chu đáo trọng thị như vậy là vì các quan triều Nguyễn đều xuất thân Nho học. Duy trì sự tôn nghiêm của Văn miếu cũng là một cách khẳng định tầm quan trọng của việc dùng người hiền tài trị nước. Chính điều này cho thấy Văn Miếu ngoài ý nghĩa là đền văn, là điểm khuyến học, còn ảnh hưởng tích cực đến chính sự.

Ở Bình Định, mỗi dịp lễ tế Văn Miếu đều có hát bội cúng thần. Bầu gánh nào được lãnh tờ (ký hợp đồng) phải đi mời các danh ca thượng thặng trong tỉnh để khép vai. Các vở hát cúng là những vở cổ điển như Sơn hậu, Ngũ hổ bình Tây, Cổ Thành, Huê Dung lộ… Những đêm hát Văn Thánh (hay hát Văn Miếu) là dịp thi thố tài năng của đào kép trong tỉnh. Các danh hiệu chỉ thứ bậc tài năng trong nghiệp hát như Nhưn, Phó ca, Chánh ca được chọn phong chính là từ các đêm hát này.

Như các công trình Văn Miếu khác, Văn Miếu Bình Định ngoài ý nghĩa là nơi thờ phụng Khổng Tử và các vị Thánh triết, Tiên nho, Tiên hiền; còn là chốn vinh danh cho kẻ sĩ bằng việc tuyên dương các nhà khoa bảng địa phương. Trước Văn miếu Huế có hai dãy bia tiến sĩ, còn ở Văn miếu Bình Định không có bia tiến sĩ mà chỉ có bảng sơn son thếp vàng đề danh những người trong tỉnh đỗ đạt qua khoa cử được gắn trên vách trong gian Tiền đường. Cách lưu danh này vừa ghi nhận thành tựu của nền giáo dục đương thời, khuyến khích việc học; vừa nêu gương tốt của những người học hành đỗ đạt, khơi dậy niềm ngưỡng mộ và kích thích chí tiến thủ bằng con đường học vấn trong các thế hệ sau. Nói như Thân Nhân Trung, một tiến sĩ đời Lê, thì việc lập bia, yết bảng đề danh "một mặt rèn dũa khí tiết cho kẻ sĩ, một mặt trợ giúp vững bền vận mệnh nước nhà".

Người trong nước coi Bình Định là một vùng đất chuộng nghĩa khí và trọng chữ. Có lẽ Văn Miếu tỉnh Bình Định trong quá trình tồn tại của nó đã có vai trò nhất định trong việc bồi đắp những truyền thống tốt đẹp này.

 

Trần Thị Huyền Trang

Sưu tầm từ  www.vo-thuat.net

Người đăng: admin