Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 461
Truy cập hôm nay: 4,051
Lượt truy cập: 10,272,160
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Trường thi Hương Nam Định và các khoa thi Hương

TRƯỜNG THI HƯƠNG NAM ĐỊNH VÀ CÁC KHOA THI HƯƠNG

Trường thi Hương có từ đời Lê, mỗi khoa một lần chỉ có nhà gianh và rào nứa. Bốn phía ngoài cùng trường  thì rào tre nứa thật kín. Trong trường chia làm 4 phần: Phần thứ nhất ở trong cùng là nơi các quan đồng khảo, phúc khảo và giám khảo ở, phần giữa là nơi các đề điệu, giám thị và các quan dự vào việc thi. Hai phần này đều rào phên tre thật kín. Hai phần ngoài là chỗ cho học sinh vào thi, phần nọ cách phần kia chỉ bằng một hàng rào thưa . Giữa con đường chữ thập, có một nhà tre ở giữa để thu quyển gọi là nhà Thập đạo. Đến đời Nguyễn chỉ có 6 trường: Nghệ An, Thanh Hoá, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam. Năm Gia Long thứ 18 là khoa Kỷ Mão trường thi đặt ở Vị Hoang, gọi là trường Vị Hoàng. Năm Minh Mạng thứ sáu (1825) khoa Ất Dậu, năm bắt đầu có học vị cử nhân, tú tài  và đặt  tên trường này là Nam Định thì trường thi cũng gọi là trường thi Nam Định. Trường thi vẫn là nhà  gianh rào nứa,  thi song là phá bỏ đi. Đến năm Thiệu Trị thứ ba, nhà  vua cho xây dựng trường và chỉnh đốn thể chế. Trường thi ở Huế được xây đầu tiên. Trường Nam Định cũng như trường Gia Định, Nghệ An, Hà Nội được xây lại theo mẫu trường Huế. Trường Nam Định được xây dựng vào năm Thiệu Trị thứ năm (1845) ở làng Năng Tĩnh. Trường có tường gạch bao quanh dài 214 trượng (353m)  cao năm thước ta (2m). Trong trường có 21 toà nhà lợp ngói để các quan ở. Trường chia làm 3 ngăn: Ngăn trong là nội trường, giữa là ngoại trường, ngoài cùng là nơi học trò làm bài thi.

Nội trường ở giữa có nhà giám viện là nhà các quan nội trường họp hội đồng, hai bên có hai nhà quan phúc khảo, sau hai nhà phúc khảo hai bên có hai nhà quan sơ khảo, sau nhà sơ khảo có nhà quan giám sát để coi các quan nội trường.

Ngoại trường, ở giữa thí viện là nhà các quan ngoại trường họp hội đồng. Bên trái là nhà quan chánh khảo, bên phải là nhà quan phó khảo. Ngoài nhà các quan chánh, phó khảo, mỗi bên còn có một nhà quan chánh phân khảo và phó phân khảo. Sau nhà chánh, phó phân khảo có nhà quan giám sát rồi phòng nha lại, sau nhà  hai quan phó cũng có . Trong ngăn ngoại trường về phía giáp nội trường lại có một nhà xây kín bốn mặt là nhà các quan tuyên giữ quyển thi và khớp phách. Ở giữa có dinh Đề tuyên, sau có nhà : Hai bên là nhà quan Chánh đề tuyên và Phó đề tuyên. Ngăn ngoài là trường thi-chia làm tám vi, có một con đường chữ thập ngăn cách tám vi, giữa đường có nhà chữ thập gọi là thập đạo. Thẳng nhà thập đạo ra đằng trước có một cửa gọi là cửa tiền. Cửa này để riêng cho thí sinh làm bài song ở trong trường đi ra. Bốn vi đằng trước gọi là Giáp nhất, Giáp nhì, Ất nhất, Ất nhì. Bốn vi đằng sau gọi là Tả nhất, Tả nhì, Hữu nhất, Hữu nhì. Mỗi vi có một cửa ra ngoài để học trò vào một cửa và một cửa đi lên nhà Thập đạo để đến trưa, thí sinh lên xin dấu nhật ấn vào quyển thi. Ở tám cửa, mỗi cửa treo bảng ghi danh sách để trước hôm thi, thí sinh đến xem mình vào vi nào. Hôm sau thí sinh vào xong thì các cửa ấy đóng lại. Trong trường có ba chòi, ở giữa cạnh nhà Thập đạo để các quan ngoại trường coi thí sinh làm bài, hai cái hai bên ở giữa con đường từ bên trái sang bên phải tám vi có nhà quan ngự ngoại trường và nội trường để giám sát các quan trường và thí sinh.  

Trường thi như vậy chia rõ làm hai khu vực: Khu vực bên trong để các quan chấm thi. Khu vực bên ngoài dành cho các quan trông coi việc thi. Trong ngày thi, việc canh phòng trường giao cho tám người trong đội thể sát dưới quyền quan Ngự Sử.

Trong tám người ấy: Bốn người theo dõi việc gian lận, còn bốn người giữ trật tự. Suốt cả kỳ thi, quan Đề Đốc và  Lãnh bình tỉnh Nam Định đem quân diễu ở ngoại trường để canh phòng.

Kể từ năm 1884, nhà Nguyễn ký hiệp ước Patenôtre với nước Pháp, học sinh đi thi phải học thêm chữ Quốc ngữ và chữ Pháp, toán Pháp và cách trí. Học sinh ở trường thi Hà Nam hay còn gọi là Nam Định ngoài hai kỳ nhất nhì thi văn sách và luận chữ Hán và một bài luận Quốc ngữ. Học sinh nào muốn thi chữ Pháp thì thi một kỳ nữa. Sau này việc học tiếng Pháp và thi tiếng Pháp là bắt buộc. Khoa thi Hương cuối cùng ở Nam Định (miền Bắc) vào năm Ất Mão (1915). Sau đó học chế thay đổi và nền học Pháp Việt được áp dụng theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 21-12-1917. Việc cải cách học chế của Pháp được áp dụng từ từ. Đầu tiên việc học được chia làm ba bậc: Bậc Ấu học, tiểu học, trung học. Huyện mới có hai bậc: Ấu học và tiểu học. Thành phố đã có bậc cao đẳng tiểu học (primaire Supérieur).

Các trường ấu học dạy chữ Hán thêm chữ Quốc ngữ. Hết ba năm, học sinh phải đi thi lấy bằng tuyển sinh.

Các trường tiểu học này dạy các lớp tuyển sinh.

Chương trình vẫn dạy Hán văn và Quốc ngữ nhưng học rộng hơn. Ngoài tứ thư, ngũ kinh, học sinh phải học thêm Nam Sử và được tình nguyện học thêm tiếng Pháp. Hết bậc tiểu học, học sinh phải qua một kỳ thi, văn bằng là khoá sinh. Bậc trung học cho khoá sinh vẫn học chữ Hán và chữ Quốc ngữ, thêm chữ Pháp bắt buộc. Học hết bậc này các khoá sinh phải thi kỳ thi thí sinh. Cùng với các trường dạy Hán học theo bậc trung học này, về sau thành phố có các trường tiểu học Pháp Việt, các học sinh các trường này phải qua kỳ thi bằng cơ thuỷ. Tốt nghiệp bằng cơ thuỷ, học sinh được theo học trường Bảo Hộ ở Hà Nội. Hán học và Pháp Việt cứ song song cùng đi như vậy cho đến khi nền học cũ tàn hẳn. Riêng Nam Định có một trường tú sĩ để đào tạo một lớp học sinh tiếng Pháp đủ làm thông ngôn. Số người đi thi, mỗi ngày một nhiều. Lấy vài con số sau đây làm dẫn chứng: năm 1886 có 6.750 thí sinh, năm 1888: 6.690, năm 1891: 7.230, năm 1894: 9.321, năm 1897: 10.053, năm 1900: 13.250…Người muốn đi thi Hương phải đạt một trình độ nhất định. Học quan nào cho một người học kém đi thi, làm văn được coi là “bất thành văn lý” sẽ có lỗi. Vì thế người đi thi phải qua các kỳ thi khảo hạch ở huyện, ở tỉnh.

Hàng năm, tại các phủ, huyện, các giáo thụ, huấn đạo có các kỳ thi khảo hạch. Đề thi theo chương trình ấn định để luyện tập việc thi Hương. Người đỗ kỳ thi này được cấp bằng tuyển sinh, và được dự kỳ thi khoá sinh mở tại tỉnh do Đốc học đảm nhiệm. Kỳ thi này quan trọng vì phải tuyển sinh cho kỳ thi Hương. Tất cả các Đốc học, giáo thụ huấn đạo phải chịu trách nhiệm và tham ra chấm thi. Các bài thi không rọc phách mà để trình Hội đồng giám khảo với nguyên tên họ thí sinh. Các học sinh đều là học trò của một trường tại phủ, huyện hoặc tỉnh do triều đình thiết lập. Các học quan dễ nhận biết được học lực của học trò mình, thí sinh không thể gian lận. Người trúng tuyển kỳ phúc hạch này được gọi là thí sinh, được cấp bằng khoá sinh. Người đỗ đầu gọi là Đầu Xứ. Vài tháng trước kỳ thi Hương, hàng tỉnh mở một kỳ sát hạch thứ hai để cho những người vắng mặt kỳ trước được tham dự.

Chỉ được dự khoa thi Hương những chân Thí sinh, Tú tài, Ấm sinh. Ấm sinh là con nhà hàng quan và được triều đình cho tập ấm.

Thi Hương gồm 4 kỳ:

1. Kỳ thi Kinh nghĩa có 7 đề-Thí sinh có thể làm tất cả hoặc chỉ làm một số đề nhưng bắt buộc phải làm một đề thi kinh nghĩa, một đề về truyện. Thí sinh nào hỏng kỳ này gọi là bay kinh nghĩa. Người nào qua được, gọi là trúng nhất trường và được thi kỳ thứ hai.

2. Kỳ hai thi Thơ phú gồm một bài đường luật bảy chữ tám câu và một bài phú độ 6-7 vần. Người qua kỳ thi này được gọi là trúng nhị trường.

3. Kỳ thi văn sách gồm 5-6 câu hỏi về cô thư và một câu về tân thư, lúc làm bài cần có bình giải và nghị luận.

Từ năm Nhâm Tý (1852) vua Tự Đức ấn định phép phê quyển: ưu binh, thứ và liệt. Học sinh nào được một điểm ưu hoặc binh cả ba kỳ thi trên được dự kỳ thi phúc hạch. Kỳ phúc hạch này gồm một bài kinh nghĩa, một bài phú gồm 2-3 vần, và một vài câu văn sách. Cứ 7 ngày thi  một kỳ.

Như vậy là thí sinh thi suốt một tháng. Thí sinh đỗ 3 trường gọi là Sinh đồ, thí sinh đỗ 4 trường gọi là Hương cống, từ năm Mậu Tý (1898), các Sinh đồ đổi là Tú tài, các Hương cống đổi là Cử nhân.

Người đậu Tú tài cứ mỗi khoa thi Hương lại đi thi cho đến khi đậu Cử nhân mới được vào thi Hội. Nhiều người đỗ Tú tài đến 3, 4 lần. Tú tài gọi là ông Mền, đậu đến lần thứ tư gọi là ông Đụp.

Từ khi Pháp thuộc (1884), lệ thi đổi khác- 4 trường miền Trung thi 4 kỳ: Kỳ I thi văn sách, kỳ II thi thơ phú, kỳ III thi luận (một bài Hán văn, một bài Quốc ngữ), kỳ IV một bài dịch Pháp văn ra Quốc văn. Thể lệ ở trường Hà Nam (Nam Định) có khác: Kỳ I thi văn sách- kỳ II thi luận chữ Hán-kỳ III thi luận Quốc ngữ, kỳ IV một bài luận chữ Hán và một bài luận chữ Quốc ngữ. Đến những kỳ thi cuối cùng, kỳ II, kỳ III thay bằng các đề thi về Sử ký, địa lý, cách trí, 2 bài tính đố về đo lường. Cách chấm điểm theo lối mới cho từ 0 đến 20.  Thí sinh nào mà các bài thi đạt trên 40 điểm mới được vào kỳ thi phúc hạch này, học sinh đạt 47 điểm đậu Cử nhân. Thí sinh nào đạt 30-39 điểm đậu Tú tài. Sau này còn bài thi chữ Pháp, thí sinh nào muốn thi thì qua một kỳ nữa. Lúc đầu, bài thi tiếng Pháp còn tự nguyện, đến khoa cuối cùng bắt buộc. Đến thời Pháp thuộc cứ ba Tù tài lấy một Cử nhân. Hàng năm số Cử nhân, Tú tài ấn định cho hai trường Bắc Thành (Hà Nội) và Nam Định là 150 Tú tài.  

Những thí sinh phải nộp tại văn phòng Đốc học ba tập quyển  trước ngày thi cho ba kỳ thi. Những người nào được dự kỳ thi phúc hạch sẽ nộp thêm một quyển thứ tư nữa. Trên trang nhất của tập quyển phải ghi rõ tên, họ, tuổi, nơi trú ngụ, họ tên bố mẹ và ông bà, cho đến tam đại. Cần khai đến tam đại vì con cháu những kẻ trọng tội, các phản thần cũng như những người làm nghề xướng không được thi.

Những lễ sinh tại văn phòng Đốc học thu quyển, lập bảng danh sách thí sinh rồi gửi quyển lên Hội đồng giám khảo. Hội đồng gồm có Chánh chủ khảo (hàm nhị phẩm), Phó chủ khảo (hàm tam phẩm)  một hay nhiều giám sát Ngự sử, Đề điếu ngự sử (từ ngũ phẩm) còn gọi là Đề tuyên, ngũ phẩm, bát phẩm. Chánh phó chủ khảo có  nhiệm vụ ra đề thi, chấm bài thi lần cuối cùng và quyết định số người trúng tuyển. 

 

Các vị giám sát Ngự sử giám thị việc làm của các quan chấm thi. Các vị Đề điếu ngự sử coi thí sinh, thu quyển, rọc phách, giúp việc có những nhân viên làm việc công khai gọi là thể sát.

Các vị sơ khảo chấm bài lượt đầu (cho điểm bằng son ta, đỏ nhạt). Các vị phúc khảo chấm bài vòng hai (cho điểm bằng mực màu lơ) các giám khảo chấm bài lượt ba  (cho điểm bằng màu xanh thẫm) tuyệt đối không được ai mang mực đen vào phòng chấm. Các vị phân khảo soát lại các bài bị đánh hỏng bởi các quan sơ khảo để vớt những sĩ tử xứng đáng. Chánh phó chủ khảo giám định lại bài thi và phê bằng son tầu đỏ thắm.

Hội đồng giám khảo có một số nhân viên văn phòng độ 40 người, vốn là thông lại, đề lại phục vụ gọi là . Bên ngoài có lính cơ, lính lệ, giữ gìn trật tự. Suốt thời gian thi, quan đề đốc và lãnh binh tỉnh Nam phải đem quân điều quanh việc bên trong, một viên trưởng ấn đốc xuất tám viên để sát khám xét ở ngoài trường: 4 người dõi việc gian lận-cả quan trường và học trò, 4 người trật tự. Các khoa thi Hương thường tổ chức vào tháng 10 âm lịch để sau đó các ông Cử nhân mới có đủ thì giờ đi vào kinh thi Hội, tổ chức vào mùa xuân.

Sang đầu tháng 8, nhà vua đã ra chiếu chỉ thành lập Hội đồng giám khảo. Vào khoảng thánh 9, các quan trong Ban giám khảo tập trung về Nam Định. Giữa tháng 9, Hội đồng giám khảo phải chọn một ngày tốt lành làm lễ Tiến trường.

Lễ Tiến trường tổ chức rất trọng thể. Hôm đó tất cả Hội đồng Giám khảo mặc triều phục từ dinh Tổng đốc đến Vọng Cung làm lễ Bái Mạng, các quan trong Hội đồng Giám khảo quì trước sân, thứ tự tuỳ theo phẩm trật, hướng về phía Nam phục lạy trước một ngai vàng tượng trưng cho nhà vua ở kinh đô- rồi nhận cờ quạt, lệnh chỉ và ấn tượng trưng cho các chức vụ. Hội đồng giám khảo được rước ra trường thi. Cờ quạt, lệnh chỉ, ấn nhà vua dẫn đầu. Bát âm, nhã nhạc vang lừng, tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã. Các quan tùy theo phẩm trật, người ngồi kiệu, người ngồi võng có cờ biển, có tàn che, long rủ. Hai bên là hai hàng lính túc vệ, gươm giáo tuốt trần, oai phong lẫm liệt. Hai thớt voi đủ yên bệ đi sau, cùng thêm vẻ trang trọng cho lễ rước.

Các quan tỉnh cũng đi đến cổng trường thi, vị truyền lệnh sử bắc loa gọi.

Người không có phận sự gì trong trường đến lúc đó rút hết.

Từ đây, cửa trường khoá chặt, canh gác cẩn mật, trong ngoài không được liên lạc với nhau. Hàng ngày chỉ còn một số lính lệ mang thực phẩm  tiếp tế nhưng cũng bị khám xét gắt gao.

Trong khi đó thí sinh lều chõng lên đường. Phải có lều chõng vì trường thi chỉ là một bãi đất không nhà cửa- mỗi kỳ thi phải làm bài suốt một ngày. Đi thi, sĩ tử phải mang lều, đi che mưa nắng, mang chõng đi để nằm viết, mang chiếu đi để trải. Lều thường làm bằng khung tre, mái bằng giấy phết cậy, một thứ nhựa quả, làm cho giấy không thấm nước. Ngoài ra phải có đủ giấy bút, nghiên mực, cơm ăn, nước uống và những người nghiện thuốc lào thường mang theo ống điếu. Điều quan trọng là phải có một ống quyển để sử dụng quyển thi.

Sĩ tử từ các tỉnh thường về Nam Định trước hàng tháng, để gặp ban bè trao đổi, học hỏi thêm, để xem lễ Tiến trường, để mua sắm những sách vở giấy bút cần thiết, để đọc trường qui.

Trước khi lên đường, người đi thi đã làm lễ cáo gia tiên, cúng thổ công. Thành hoàng làng trong làng xin sự phù hộ, và nhất thiết phải tới lễ tại Văn chỉ, nơi thờ Khổng tử để tỏ lòng trọng đạo.

Thành Nam vào những ngày này được đón hàng vạn sĩ tử. Thực ra, hàng mấy tháng trước, thành phố đã rạo rực thuyền xe tấp nập, người đi cất hàng, người đến bán hàng. Quanh trường thi, càng tới gần ngày thi, các quán hàng mọc lên la liệt, bán đủ mọi thứ: Thức ăn, thức uống, sách vở, giấy bút, các tạp vật. Chợ Rồng, chợ Phượng sĩ tử Hàng Giấy. Các cô hàng sách phần nhiều là con các cụ Cừ, cụ Tú, cụ Phủ, cụ Án xưa nay dịu dàng kín đáo nhưng bây giờ tươi cười cởi mở, duyên dáng, giới thiệu với các văn nhân đủ loại Tứ thư, Ngũ kinh, truyện sử-in thạch bản, chữ con kiến, loại đẹp nhất, giấy tốt nhất-các truyện nôm: Kim Vân Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán. Sau khi mua nhanh những tập giấy bản giấy moi, các thầy khoá nâng niu xem từng loại giấy lệnh, giấy xuyến, giấy bội, giấy kỳ lân, giấy hoa tiên….nghiêng nghiêng nâng cán bút Ô long thuỷ, Tuý mặc thiên, Lan đình….cố chọn một ngọn bút toàn lông, chấm thì đậm mực, ngòi thì nhỏ kéo rê trên giấy nét bút vẫn thanh mà tròn, khi khảo thì lướt nhanh tạo ra cái thế rồng bay, phượng múa…Có người  tỏ ra sành cổ đòi một thỏi mực Quốc Bảo mình mang hình rồng vàng, đầu là một con sấu, hoặc một thỏi Kim bất hoán, một thỏi  Chu vĩnh phu chính hiệu.

Một số sĩ tử con nhà giàu, lên trường thi cũng là tìm một dịp ăn chơi- Những tửu quán, nhà hát nổi tiếng suốt ngày đêm chật ních khách. Vừa chập tối, những nhà hát ở Hàng Thao, Ngã Sáu đã đóng cửa, vẳng trong nhà ra tiếng  hát, tiếng trống cầm chầu. Khách làng chơi đông đến nỗi có nhiều nhà hát ả đào từ huyện xa kéo về tạm dựng lều quanh trường thi để đón “văn nhân, tài tử”. Nhưng số đông các sỉ tử vẫn là những người cầu học. Các làng sát nội thành như Vị Xuyên, Đông Mặc, Năng Tĩnh đến các làng hơi xa  như: Tức Mặc, Vĩnh Trường, Thượng Lỗi, Tiểu Tức, Vị Dương, Mai Xá, An Duyên, Cầu Gia, Trình Xuyên và ở các làng bên kia sông: Giang Tả, Vạn Diệp, Đồng Phù đều đông khách trọ. Ánh đèn sáng gần hết đêm. Tiếng học, tiếng đọc sách, bình văn văng vẳng trong đêm khuya thanh vắng.

Ăn chơi gì thì ăn chơi, mọi người ai cũng lo thi cử trước đã. Trước ngày vào thi, họ phải đến cống trường thi xem kỹ những bảng giấy vàng ghi những Huý tự, nghĩa là những chữ cấm không được viết bài có chữ trùng tên với các vua chúa ngành trực thống đương triều, đọc những trường quy nghĩa là những lệ luật của kỳ thi niêm yết trên bảng giấy vẽ hoa mai. Các sĩ tử phải thuộc hết những điều đó để tránh phạm trường quy, phạm huý khi làm bài. Đến sát ngày thi, sĩ tử lại đến xem danh sách mình ở vi nào. Sĩ tử ở vi nào phải thi ở nơi đó. Bảng treo ở cửa vi gọi là bảng cửa.

Tới ngày nhập trường, ngay từ nửa đêm, sĩ tử đã đứng lớp lớp trước cửa trường với lều võng kèm bên, với ống quyển trước ngực, bình nước, ống điếu ở cạnh sườn.

Tại mỗi cửa trường, hai ngọn đình liệu cháy ngùn ngụt soi sáng cả một vùng. Tám quan trường mặc Đại Triều phục ngồi trên tám ghế chéo ở tám cửa, đốc thúc lại phòng soạn quyển, xướng tên, phát quyển cho học trò vào thi. Quan Chánh Chủ khảo ngồi ở cửa Giáp Nhất, quan phó ở cửa Ất Nhất phía mặt tiền hai quan giám khảo: Giáp Nhị, Ất Nhị, hai quan Đề tuyển: Tả nhất hữa nhất, hai quan phân khảo: Tả nhì hữu nhì.

Giữa đêm khuya, trong ánh lửa rừng rực, ba hồi trống giục. Truyền lệnh sứ lại gọi loa “ Báo oán giả tiền nhập, báo đức giả thứ nhập. Sĩ tử giả thứ thứ nhập…” Không khí thiêng liêng, huyền bí, phảng phất như thấy hồn ma, bóng quỷ kéo vào báo ân, trả oán. Tên sĩ tử lần lượt vang lên theo thứ tự trên bảng đã niêm yết. Mỗi khi gọi đúng tên, thí sinh “dạ” to một tiếng, lồng cồng lều chõng lách qua đám đông vào trường. Vừa qua cổng, thí sinh bị ngay đội thề sát giữ lại cho lính xem xét hành lý vì cấm không cho ai đem sách vở, bài mẫu vào trường. Không có chuyện gì lúc đó   mới trao quyển cho đương sự để làm bài thi. Người nào mang sách vở hay bài văn cũ vào bị đuổi ra ngay, suốt đời không được thi nữa, còn bị phạt giam 3 ngày. Còn thí sinh được vào trường theo chính lệ tìm chỗ đóng lều cho nghiêm chỉnh, không đựơc đi lại hỏi han, chờ tiếng trống báo hiệu có đầu bài. Khi học trò vào xong, các quan Hội đồng ở nhà Thập đạo ra đầu bài, niêm yết ở bảng dựng trong từng vi về phía nhà  Thập đạo. Tiếng trống hiệu nổi lên, các thí sinh ra chép đầu bài về làm. Sĩ tử làm bài thi nhưng đến giữa trưa thì phải tới nhà Thập đạo để xin  đóng dấu Nhật trung vào quyển của mình ở nơi bài đang làm dở. Việc đóng dấu “Nhật trung” cốt để tránh việc thay quyển. Nếu lỡ làm tì ố hoặc dập xóa trong giờ thì thí sinh có thể xin thay quyển. Phải sẵn một quyển mới để đóng dấu kiểm soát. Những quyển có vết tì ố, dập xóa thì đương nhiên bị loại. Phải tránh phạm huý. Phạm huý sẽ bị loại và còn bị tội nữa.

Từ trên lều canh ở đường Thập đạo,  các vị giám sát luôn luôn để mắt tới các lều, ngăn các sĩ tử  thông đồng với nhau hoặc tìm cách gian lận .

Khi sắp đến giờ nộp bài, ba hồi trống báo hiệu nổi lên giục giã. Hết hồi trống thứ ba, hòm quyển khoá và đóng dấu lại. Những quyển nộp sau để ở ngoài hòm gọi là ngoại hàm và đương nhiên những quyển này bị loại.

Dù làm bài không xong, tất cả các sĩ tử buộc phải nộp quyển để Hội đồng giám khảo xem xét sĩ tử có phạm trường qui hoặc hành văn có “bất thành văn lý” hay không. Những quyển ngoại hàm cũng phải xem, có những nỗi trên không, vi phạm những nỗi này, thí sinh bị rớt đã đành còn bị tội nữa.

Sau mỗi kỳ thi, các quan trường lo việc chấm bài.

Dưới sự giám sát của các vị Đề tuyên ngự sử,  tháo xi mở hòm, rọc phách. Các quyển chia cho các vị sơ khảo chấm rồi đến các vị phúc khảo, sau cùng đến các  giám khảo. Các khảo quan cho điểm theo ưu, đại bình, tiểu bình, thứ mạc, thứ tép và liệt. Bài bị phê liệt là hỏng. Các phân khảo xem lại các bài này để vớt các thí sinh xứng đáng mà điểm cho quá nghiệt. Các Chánh, Phó chủ khảo xem lại các quyển đã chấm và cho điểm cuối cùng. Đó là điểm quyểt định, không bị thay đổi cho dù có bị nhầm lẫn bị phát giác, nên khi cho điểm, các vị này rất thận trọng.

Các vị Ngự sử canh chừng các giám quan trong trường từ Chánh chủ khảo trở xuống, ai có sự gì làm trái phép hoặc tình tiết gì không công thì Ngự sử và Chưởng ấn đều phải kê tội và tâu về triều.

Kết quả của kỳ Kinh nghĩa được yết trên những tấm bảng lớn cho những người qua được kỳ thi này vào thi các kỳ sau. Những người phạm trường quy hay phạm huý bị ghi tên trên tấm bảng nhỏ quét vôi trắng.

Qua kỳ thi Kinh nghĩa, sĩ tử lại theo từng vi vào thi các kỳ sau,  với các thể lệ như kỳ thi Kinh nghĩa. Sau ba kỳ thi, ai được một ưu hay một bình ở cả ba quyển thì các quan Đề tuyên soạn những quyển đó đóng thành một tệp đem kê quyển ấy tên họ là gì, trình quan Ngoại trường, chiếu tên ra bảng Phúc hạch. Mỗi khoa có trung bình có từ 8.000 đến 10.000 người thi. Độ 2.000 người qua được  trường nhất. Đến trường nhì còn hơn còn hơn 1.000,  sang trường ba còn độ  hơn 300. Trong 300 quyển, giám khảo chọn lấy 30 quyển bài hay nhất, được ưu, bình như kể trên để cho thi kỳ thi phúc hạch.

Ai được vào phúc hạch, trước một hôm phải đóng một quyển thi, cách thức như đã kể, đem nộp cùng với lều chiếu ở nhà Thập đạo. Quan trường sai lính thu lấy đem chia ở tám vi, mỗi cửa lều có biển mang tên người thi. Mỗi lều cách nhau độ 20 thước để thí sinh không hỏi nhau được. Sáng sớm ngày thi phúc hạch, các thí sinh đợi ở cửa trường  đợi xướng tên và lãnh quyển. Lính đưa từng người vào vi nhận lấy tên vào ngồi trong lều làm bài vì mỗi lều đã có tên đầu bài để sẵn. Khi phúc hạch, không ai được ra khỏi lều, nếu ai trái phép thì phải đuổi ra ngay. Bài  thi chấm xong, ai giỏi thì vào hạng Cử nhân, ai trung bình vào hạng Tú tài. Như vậy đã lấy được 25 Cử nhân, 45 Tú tài, còn phải lấy thêm 50 người đứng trên 230 người còn lại nữa cho đủ 75 Tú tài. Các vị Chánh Phó chủ khảo ấn định người trúng tuyển và chuẩn bị để xướng danh.

Chính vua Lê Thánh Tông đặt ra lệ gọi loa xướng danh và lệ Vinh quy cho các vị tân khoa từ năm Tân Sửu (1481) để khuyến khích và biểu dương sự học. Chỉ những người đỗ Cử nhân mới được xướng danh. Những người đỗ Tú tài chỉ được ghi trên bảng.

Lễ xướng danh rất long trọng. Tới dự lễ, ngoài các quan trường còn có tất cả các đại quan trong vùng tới dự. Hội đồng giám khảo mặc đại Triều phục ngồi trên khán đài.

Trong không khí trang nghiêm, sĩ tử hồi hộp đợi chờ xem nợ sách đèn đã trả xong chưa. Liệu Phen này đã được hưởng phấn vua , lộc nước hay số phận còn long đong : “Hổ bút, hổ nghiên, hỗ lều, hổ chõng”.

Truyền lệnh Sứ bắc loa gọi: “Làng…Tổng…Huyện…Phủ…Tỉnh…thí sinh  mỗ đỗ Cử nhân”.Tất nhiên người ta xướng danh người đỗ đầu trước  nhất . Những người đỗ thủ khoa thường không ra mặt ngay khi gọi tên. Người ta gọi loa ở bốn cửa hàng giờ liền. Thủ khoa chưa muốn xuất đầu lộ diện ngay vì muốn “Cả thiên hạ” biết tên mình.

Tiếng xướng danh vang xa. Mỗi tên được nhắc lại mấy lần rồi có tiếng “Dạ” vang lên. Các vị tân khoa ra mắt trước Hội đồng giám khảo, được vua ban lọng, mũ áo và giầy văn hài. Tân khoa lạy hai lạy các phòng sứ nghĩa là những ông thầy đã chấm mình đỗ, hiểu tài năng rồi đứng vào hàng riêng.

Sau lễ xướng danh,  bảng danh sách cử nhân được niêm yết tại cửa Giáp. Bảng bằng gỗ, có vẽ hình con hổ. Bảng danh sách tú tài được niêm yết tại cửa ất, bảng bằng phên tre, Tú tài vẫn là đậu. Tuy chẳng được ban mũ áo, những ông Tú dù sao cũng vui bụng vì dù sao cũng là chân khoa bảng, nợ sách trả đèn cũng phần nào trả được, không để hổ bút nghiên.

Sau ngày lễ xướng danh,  các vị tân khoa Cử nhân theo các quan trường tới Vọng  cung làm lễ bái mạng tức là lễ nhà vua, dù vua ở mãi Huế. Sau đó, vị Tổng đốc đại thần, tỉnh trưởng đặt yến tiệc mời cả Hội đồng giám khảo và các vị tân khoa. Trong bữa tiệc này, không còn nghi lễ nhưng các quan đầu tỉnh, các khảo quan lại có thêm một dịp thử tài thi phú của các vị tân khoa.

Thi xong, các quan trường soạn những quyển đậu và những quyển vào lần thứ ba đóng cả vào hòm, đệ về kinh giao cho Bộ Lễ. Hội đồng tam nha là Bộ Lễ, nội các và các Khoa đạo xét lại tâu vua y cho. Cũng có thể còn những quyển phạm trường quy, pham huý, viết nhầm lẫn phải đánh hỏng, có những quyển văn giỏi quan trường trót đánh hỏng được lấy đậu. Có ông Cử vào thi Hội, văn kém quá, mất cả Cử nhân. Các tân khoa Cử nhân qua thi Hội, thi Đình mới khẳng định được tài học của mình.

Người xưa kén chọn người tài qua khoa cử. Cửa trường thi lồng lộng mấy chữ đại tự “Thiên tử cầu hiền” chứng tỏ điều đó. Và người đỗ đạt thật sự được nhân dân quý trọng. Một nhà nho hôm trước nghèo hôm sau đỗ đại khoa, được hưởng phấn vua, lộc nước, được chăn dắt dân, làm rạng rỡ cho làng nước. Người ta không giám gọi  chính, lấy tên làng thay như: Cụ Hoàng Tam Đăng (chỉ cụ Phạm Văn Nghị đỗ Hoàng Giáp người làng Tam Đăng), cụ Tam Nguyên Vị Xuyên (cụ Trần Bích San), cụ Tam Nguyên Yên Đổ (cụ Nguyễn khuyến). Chính vì vậy các ông Tân khoa vinh quy bái tổ được đón rước linh đình. Đám rước Vị tân khoa ở đầu làng, đầu tổng, hay đầu huyện tuỳ theo sự đỗ đạt của vị này. Ông Tú được xã, ông Cử được tổng, vị đỗ đại khoa được huyện đón rước, giấy sức về tận làng. Hương chức trong làng  cử người đến gặp vị Tân khoa xin ấn định ngày vinh quy. Đậu đại khoa, đám rước được cả huyện  tổ chức trọng thể, người xưa gọi là đám rước ông Nghè. Đám rước ông Nghè có cờ biển vua ban, có võng lọng cho thầy học, cha mẹ. Còn ông Nghè, bà Nghè thì “Võng anh đi trước, võng nàng theo sau”. Kết quả bao năm đèn sách khó nhọc để có một ngày “Dương thanh danh, hiển phụ mẫu” là như thế.

Về tới nhà, Tân khoa lễ tổ tiên và lễ Khổng Tử-sau đó là tiệc khao hàng huyện, hàng tổng, hàng xã tuỳ trường hợp. Họ hàng, bạn bè, làng nước tới mừng, vui lòng đóng góp cho việc khao.

Chỉ tính triều Nguyễn, từ đời Gia Long năm thứ sáu mở khoa thi (1807) đến năm Thành Thái thứ ba (1915) trường Nam đã có 35 kỳ thi Hương: Gia Long 3; Minh Mạng 7; Thiệu Trị 5; Tự Đức 14; Kiến Phúc 1; Đồng Khánh 2; Thành Thái 3: Cộng tổng là 35.

Từ 35 kỳ thi Hương ấy đã có 1.645 Cử nhân, trong đó có 175 thi Hội đỗ tiến sĩ. Nhà Nguyễn không lấy Trạng Nguyên, chỉ có bảng Nhãn  Thám Hoa, Hoàng Giáp, Tiến sĩ, Phó bảng. Từ những khoa thi này, quê hương Nam Hà đã có những người con cự phách: Hoàng Giáp Phạm Văn Nghị ở Tam Đăng (Ý Yên-Nam Định), Tam Nguyên Vị Xuyên Trần Bích San

Người đăng: admin