Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Tên họ người Việt Nam (phần cuối)

Tên họ người Việt Nam ( Phần 7)

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy

Mục II : Ảnh hưởng của tục cữ tên.

Tục cữ tên phát xuất ở Trung quốc từ đời nhà Châu, 12 thế kỷ trước CN, và được người Việt Nam theo từ thời kỳ nội thuộc nhà Hán, hồi thế kỷ thứ 2 trước CN. Nó đã được áp dụng ở cả hai nước cho đến ít nhứt là lúc trận Thế chiến thứ II chấm dứt.

Vậy, đây là một định chế được duy trì hàng mấy ngàn năm. Dĩ nhiên là trong tình trạng đó, nó phải có ảnh hưởng sâu rộng đối với người Trung Hoa và người Việt Nam, đặc biệt là trong các lãnh vực ngôn ngữ văn tự.

Lúc tục cữ tên mới được áp dụng ở Trung quốc, nước này theo chế độ phong kiến. Do đó, người ta chỉ phải cữ tên chánh của các nhà lãnh đạo và chỉ có tên chánh của người lãnh đạo sáng lập một triều đại hoặc một tông phái mới được cữ mãi mãi, còn tên chánh của các nhà lãnh đạo khác thì chỉ được cữ trong một thời gian. Ngoài ra, các hiềm danh, tức là tiếng đồng âm nhưng khác nghĩa với tên chánh nhà lãnh đạo, thì không phải cữ. Do đó, số tên phải cữ còn tương đối hạn chế.

Ðến lúc chế độ quân chủ tập quyền được thiết lập ở Trung quốc và ở Việt Nam, tục cữ tên lan rộng ra cả thiên hạ: người phải cữ tên bực trên trước của mình, dầu cho đó là một người thường dân. Mặt khác, trong chế độ quân chủ tập quyền, sự chuyên chế của các nhà lãnh đạo tối cao cũng như lòng tôn trọng quá đáng của người cấp dưới đối với người cấp trên đã làm cho người ta có khi cữ luôn đến hiềm danh, tên tự hay tên hiệu người cấp trên. Ðã vậy, thường thì các triều đại thời quân chủ tập quyền lại không chánh thức bãi bỏ lịnh cấm cữ tên đối với những nhà lãnh đạo đã chết khá lâu rồi. Vì các lý do trên đây, số tên phải cữ ngày một nhiều thêm và ảnh hưởng của sự cữ tên càng sâu rộng hơn.

I. Ảnh hưởng của tục cữ tên đối với ngôn ngữ.

Vì tên người, tên chức tước, tên đất, ... của người Trung Hoa và người Việt Nam đều được chọn trong các tiếng của ngôn ngữ hàng ngày nên tục cữ tên đã có ảnh hưởng chẳng những đến các từ ngữ thông dụng mà còn đến các chức quan và tước vị, cả họ và tên của người và các địa danh.

A. Ảnh hưởng của tục cữ tên đối với các từ ngữ thông dụng.

Theo phép cữ tên, khi nói đến một chữ húy, người ta phải phát âm nó trại đi. Tiếng mà người phải nói trại đi như vậy có thể là tên một người cấp trên trong gia tộc, trong địa phương người ấy hay là tên một nhà vua mà toàn dân đều phải cữ. Mặt khác, chữ húy có thể chỉ phải cữ trong một thời gian hay phải cữ rất lâu như tên của một nhà lãnh đạo sáng lập một triều đại.

1. Sự thay đổi trong các từ ngữ thông dụng trong phạm vi toàn quốc.

Khi một tên được toàn dân cữ nói đến trong một thời gian lâu dài, tiếng nói trại trở thành tiếng chánh, trong khi tiếng chánh bị nói trại bị người ta quên hẳn đi. Ðó là trường hợp 2 tiếng lị và câm.

Lị vốn là tên vua Lê Thái Tổ và phải húy trong suốt đời Hậu Lê (1428-1788). Vì cữ tên nhà vua này, người ta đã nói trại lị thành lợi trong mấy trăm năm, và hiện nay, chúng ta đã quen dùng tiếng lợi như trong các từ ngữ lợi nhuận, lợi tức, danh lợi, quyền lợi, ... mà quên hẳn tiếng chánh là lị. Các nhà viết sử khi nói đến vua Lê Thái Tổ cũng chép rằng ông húy là Lợi trong khi ta phải nói ông húy là Lị mới đúng.

Việc quên hẳn tiếng lị đưa đến một trở ngại khi các nhà nho Việt Nam dịch lại từ Hán văn các tên Tây phương được người Trung quốc phiên âm trong sách vở báo chí của họ. Ðọc theo người Trung quốc thì tiếng phiên âm của Italia là Ý Tá Lí, Hungary là Hung Chía Lí nghe gần các tiếng của người Tây phương. Người Việt Nam ta phiên dịch lại theo Hán văn và đọc Italia thành Ý Ðại Lợi, Hungary thành Hung Gia Lợi nên xa tiếng gốc hơn. Nếu chúng ta không vì cữ tên vua Lê Thái Tổ mà đọc lị thành lợi thì ta đã phiên dịch Italia thành Ý Ðại Lị, và Hungary thành Hung Gia Lị, nghe gần với tiếng gốc Tây phương hơn.

Ngoài việc phiên âm tiếng Tây phương, lại có việc phiên âm tiếng Phạn trong kinh Phật. Trong số các đại đệ tử của Phật có ông Sariputra, người Trung Hoa phiên âm là Xa Lị Phất, nghe gần giống tên gốc, khi ta đọc lại là Xá Lợi Phất thì xa tiếng gốc hơn.

Câm vốn là tên vị thủy tổ nhà Nguyễn và phải húy ở Nam Hà dưới đời các chúa Nguyễn, rồi húy trong toàn quốc sau khi nhà Nguyễn nhứt thống đất nước. Vì cữ tên ông này, người Việt Nam đã nói trại câm thành kim trong một thời gian rất dài; và hiện nay, chúng ta đã quen dùng tiếng kim trong các từ ngữ kim bản vị, kim hoàn, kim khí, mỹ kim và kim sinh, kim thời, cổ kim, ... mà quên hẳn tiếng chánh là câm, làm cho một số bài thơ Hán văn được phiên âm ra có những câu lạc vận, như 2 bài thơ sau đây của Ðỗ Phủ:

1. Xuân vọng

Quốc phá sơn hà tại

Thành xuân thảo mộc thâm

Cảm thời hoa tiến lệ

Hận biệt tiển kinh tâm

Phong hỏa liên tam nguyệt

Gia thư để vạn "kim"

Bạch đầu tao cánh đoản

Hồn dục bất thông trầm.

(Trần Trọng San, Nhà in Nam Trung Bắc Sài Gòn 1957, tr 108)

2. Ðăng lâu

Hoa cận cao lâu thưởng khách tâm

Vạn phương đa vạn thử đăng lâm

Cảm giang xuân sắc lai thiên địa

Ngọc lũy phù vân biến cổ "kim"

Bắc cực triều đình chung bất cải

Tây sơn phấn dạo mạc tương xâm

Khả liên hậu chủ hoàn từ miếu

Nhật mộ liêu vi lương phụ ngâm.

(tr 134)

Trong 2 bài trên đây, nếu ta âm chữ chót của câu 6 trong bài đầu và của câu 4 trong bài 2 là câm như tiếng chánh không bị nói trại vì cữ tên vị thủy tổ của nhà Nguyễn thì toàn bài đều đúng với vần "âm".

Việc cữ tên có thể đưa đến việc thay đổi hẳn một từ ngữ. Vì vua Thiệu Trị vốn tên là Miên Tông nên thời ông trị vì, người Việt Nam ta phải dùng chữ tôn để thay thế. Do đó, thay vì nói tông giáo, tông thất, Lý Thái Tông, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, người Việt Nam đã nói tôn giáo, tôn thất, Lý Thái Tôn, Trần Nhân Tôn, Lê Thánh Tôn.

Ngày nay, chúng ta không phải cữ chữ tông nữa, và có thể gọi lại các nhà vua đời trước là Lý Thái Tông, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, ... nhưng các từ ngữ tôn giáo và tôn thất đã được dùng quen rồi nên chắc là không ai còn chịu sửa chữa.

2. Sự thay đổi trong các từ ngữ thông dụng ở phạm vi các địa phương.

Trong các trường hợp trên đây, việc cữ tên đã được áp dụng một cách như nhau ở mọi nơi. Ngoài ra, có trường hợp toàn dân cùng cữ một tên mà người mỗi miền lại nói trại đi một lối, do có sự dị biệt trong sự phát âm một tiếng chung ở các địa phương, thành ra 2 tiếng khác nhau.

Ðây là việc xảy ra với bà mẹ vua Thiệu Trị. Bà vốn tên là Hồ Thị Hoa, nhưng khi về làm vợ vua Minh Mạng, bà rất được vua Minh Mạng yêu chuộng vì tánh nết hiền thục. Vua Minh Mạng cho rằng Hoa rất đẹp nhưng không bền, nên đổi tên bà lại là Thật, có nghĩa là trái, hàm ý đạt thành quả tốt đẹp. Vì cữ tên bà, người miền Bắc đã nói trại thật ra thực nhưng người miền Nam lại nói trại thật ra thiệt, thành ra hai miền có hai tiếng khác nhau để chỉ một ý.

Việc nói trại đưa đến những tiếng khác nhau ở các địa phương đã xảy đến nhiều hơn vì việc cữ tên các nhơn vật địa phương. Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, người Bắc Hà phải cữ tên các chúa Trịnh trong khi người Nam Hà phải cữ tên các chúa Nguyễn, và điều này đưa đến những tiếng khác nhau ở hai miền Bắc Nam.

Như miền Bắc cữ tên chúa Trịnh Tùng nên nói trại tùng thành tòng trong khi người miền Nam vẫn dùng tiếng tùng, người miền Nam trái lại cữ tên chúa Nguyễn Hoàng nên nói trại hoàng thành huỳnh trong khi người miền Bắc vẫn dùng tiếng hoàng.

Nói chung thì người miền Nam có lẽ theo tục cữ tên sát hơn người miền Bắc. Do đó, trong ngôn ngữ ngày nay, người miền Nam có nhiều tiếng nói trại hơn người miền Bắc, như duyệt nói trại thành dượt vì cữ tên ông Lê Văn Duyệt (1783-1832) Tổng trấn Gia Ðịnh; cảnh nói trại thành kiểng vì cữ tên hoàng tử Cảnh (1780-1801); kính nói trại thành kiếng vì cữ tên ông Nguyễn Hữu Kính (1650-1700) đã có công lớn trong việc mở mang đất nước vào Nam Việt hiện tại.

B. Ảnh hưởng của tục cữ tên đối với các chức quan và tước vị.

1. Việc đổi chức quan và tước vị trùng với tên các nhà lãnh đạo.

Ngoài sự thay đổi trong các từ ngữ thông dụng, tục cữ tên còn ảnh hưởng đến danh hiệu các chức quan và tước vị.

Ở Trung quốc thời phong kiến, có các chức Tư Ðồ và Tư Không và nước nào cũng dùng các chức vị đó. Nhưng ở nước Tấn, vì Hy Hầu (?-?) có tên là Tư Ðồ nên chức Tư Ðồ ở nước này được đổi lại làm Trung Quân, ở nước Tống, vì Võ Công có tên là Tư Không nên chức Tư Không được đổi lại làm Tư Thành.

Thời quân chủ tập trung, vị vua Quang Võ nhà Ðông Hán (tr v 25-57) tên là Tú nên dưới triều đại này, người đỗ tú tài được gọi là mậu tài. Phần thân phụ vua Tấn Võ Ðế (tr v 265-290) được truy tôn làm Cảnh Ðế, vốn tên là Sư nên đời nhà Tấn, chức Thái Sư đã được đổi lại gọi là Thái Tể (Trần Viên, tr 16).

Ở Việt Nam, cũng có sự thay đổi tương tự. Như đời nhà Trần, vì thân phụ Trần Thái Tông (tr v 1225-1258) được tôn làm Thái thượng hoàng vốn tên là Thừa nên đời nhà Trần, chức Ngự sử trung thừa đã được đổi lại gọi là Ngự sử trung tán.

2. Việc cấm làm việc ở các công sở hay nhận lãnh một chức vụ có tên trùng với tên ông cha.

Danh hiệu các chức quan và tước vị đã bị đổi vì húy tên vua hay người trên trước của vua. Trong trường hợp người thường dân có người trên trước mà tên trùng hợp với danh hiệu một chức quan hay một tước vị thì người đó phải từ khước không nhận chức hay tước ấy.

Theo điều 8 quyển 10 của luật nhà Ðường thì khi tên một công sở hay một chức vụ trùng với tên ông hay cha một người nào mà người ấy vì tham danh vị giấu việc trùng hợp này để làm việc ở công sở đó, hoặc nhận lãnh chức vụ đó, thì phải bị phạt tội đồ 1 năm (Ðồ là bị phạt giam cầm và làm việc nặng nhọc).

Trong phần chú thích điều này, các nhà làm luật đời Ðường đã đưa thí dụ như sau. Như có người cha tên Vệ không được ra làm quan ở các vệ (Vệ là khu quân sự đời Tùy Ðường); người có ông tên An không được làm tri huyện Trường An; người có cha tên Quân không được nhận chức Tướng Quân; người có ông tên Khanh, không được nhận chức Khanh (ÐLSN, Sách II, tr 88-89).

Ðó là vì người làm việc ở một công sở hay nhận một chức vụ phải nêu tên công sở hay chức vụ của mình trong các công văn, nếu tên công sở hay chức vụ này trùng với tên ông hay cha người ấy thì người ấy không thể tránh được tội phạm húy đối với ông hay cha mình.

Việc cấm đoán người làm việc ở một công sở hay nhận lãnh một chức vụ trùng tên với ông hay cha mình chắc chắn có áp dụng dưới đời nhà Ðường và nhà Tống; và phong tục Trung quốc trong thời kỳ này làm cho nhiều người từ cả chức quan có chữ trùng âm dị nghĩa với tên ông hay cha mình.

Như đời Ðường Y Tông (tr v 860-873) có viên Trung Thi Xá Nhơn là Vệ Thù dâng sớ xin miễn nhiệm chức thứ sử Hoạt Châu vì thân phụ ông tên là Thứ. Nhưng nhà vua bác sớ này vì bảo rằng chữ thứ trong chức thứ sử với tên Thứ của ông Vệ Thù đồng âm mà khác nghĩa, nên theo lễ và luật pháp, Vệ Thù không phải phạm húy khi nhận chức thứ sử.

Tuy nhiên, sau đời Tống, việc cấm kỵ trên đây của luật nhà Ðường không còn được áp dụng. Ðiều 18 quyển 12 của luật nhà Minh và điều 180 của luật nhà Thanh tương ứng với điều 8 quyển 10 của luật nhà Ðường đã không ghi lại sự cấm kỵ đó.

Ở Việt Nam thì điều 161 của bộ luật nhà Nguyễn, chép lại luật nhà Thanh không nói đến nó đã đành, đến điều 131 của bộ QTHL, nhà Hậu Lê tuy dựa vào bộ luật nhà Ðường nhiều hơn cũng mượn các khoản khác của điều 8 quyển 10 luật nhà Ðường mà bỏ khoản nói về việc cấm người làm việc ở công sở hay nhận lãnh một chức vụ trùng với tên của ông hay cha mình.

C. Ảnh hưởng của tục cữ tên đối với họ và tên người.

Khi một nhà vua lên ngôi, tên ông thành trọng húy, tên hiệu của ông cũng thuộc vào hàng từ ngữ phải húy. Ngoài ra, còn có những người thân thuộc của ông, nhứt là thân mẫu ông được liệt tên vào các chữ phải húy. Do đó, những người có họ hay tên trùng với các tên mới phải húy kể trên đây phải đổi họ hay tên mình.

1. Việc đổi họ.

Về việc đổi họ, ta có thể kể vài trường hợp ở Trung quốc làm thí dụ:

  • Vì cữ tên vua Hán Minh Ðế (tr v 58-75), họ Trang phải đổi lại làm họ Nghiêm.
  • Vì cữ tên vua Hán An Ðế (tr v 107-125), họ Khánh phải đổi lại làm họ Hạ.
  • Vì cữ tên vua Ðường Huyền Tông tức là Ðường Minh Hoàng (tr v 713-755), họ Cơ phải đổi lại làm họ Châu.

·  Ở Việt Nam thì nhà Trần (1225-1400) đã lấy cớ nguyên tổ của mình là Lý để bắt người họ Lý phải đổi lại làm họ Nguyễn (TT II, tr 12). Ðời Hậu Lê (1428-1788) thì vì tên bà vợ vua Thái Tổ, mẹ vua Thái Tông, và bà nội các vua Nhân Tông và Thánh Tông tên Trần nên người họ Trần phải đổi lại làm họ Trình (TT III, tr 101, 176).

Ngoài việc đổi họ một cách chánh thức lại còn có việc đọc trại, thành ra một họ có thể trở thành hai, nếu việc cữ tên được áp dụng ở một địa phương. Ðó là trường hợp các họ Huỳnh, Châu, Võ ngày nay thành khác với các họ Hoàng, Chu, Vũ, vì người Nam Hà cữ tên các chúa Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Khoát tức Vũ Vương.

2. Việc đổi tên.

Người trùng tên với nhà vua mới lên ngôi hay thân thuộc của nhà vua này mà tên phải húy phải đổi tên mình để tránh các chữ húy đó. Nếu tên phải húy là một tên đôi thì người ta phải tránh cả 2 từ ngữ trong tên đôi đó, mặc dầu là các từ ngữ đó không được dùng liền nhau. Ta có thể kể vài trường hợp sau đây về việc đổi tên ở Trung quốc:

  • Lúc Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán và làm vua từ năm 9 đến năm 23, Khổng Mãng đã phải đổi tên mình lại là Quân.
  • Ðời Nam Bắc Triều, vua Tề Võ Ðế (tr v 479-482) tên là Ðạo Thành nên tên Ðạo Tiên phải đổi tên lại là Cảnh Tiên, còn tên Ðạo Uyên thì bỏ chữ Ðạo trong tên mình và chỉ còn giữ chữ Uyên làm tên.
  • Ðời nhà Ðường, vua Thái Tông (tr v 627-649) tên là Thế Dân nên Tể Tướng Bùi Thế Cư phải bỏ chữ Thế trong tên mình và chỉ còn giữ chữ Cư làm tên.

·  Ở Việt Nam thì đời nhà Hậu Lê, Ông Ðỗ Nhân (1472-1517) vì cữ hiệu của vua Tương Dực Ðế là Nhân Hải mà phải đổi tên lại là Nhạc. Về triều Nguyễn thì ông Hà Tông Quyền (1798-1839) vì cữ tên vua Thiệu Trị mà phải bỏ chữ Tông trong tên mình và được gọi là Hà Quyền. Ngoài ra, vì cữ các tên của vua Tự Ðức là Thì và Hồng Nhậm nên trong KÐVSTGCM (quyển 47), các sử quan triều Nguyễn đã chép tên Võ Văn Nhậm là Võ Văn Sĩ (CM, quyển ?, tr 286) và Ngô Thì Nhậm (Nhiệm) là Ngô Nhâm (tr 31a).

D. Ảnh hưởng của tục cữ tên đối với các địa danh.

Ngoài việc họ và tên người thường phải đổi mỗi khi một nhà vua mới lên ngôi nên có những tên mới cần phải húy, các địa danh có tên trùng với các tên mới phải húy này cũng phải thay đổi.

Ở Trung quốc, việc đổi địa danh vì tỵ húy đã có từ thời Chiến Quốc. Như ta đã thấy, vì cữ tên thân phụ Tần Thủy Hoàng là Trang Tương Vương vốn tên Tử Sở (tr v 249-246 tr CN), nước Sở đã được sử Tần chép lại là nước Kinh. Ðến đời nhà Hán, vì cữ tên Văn Ðế là Hằng nên Hằng Sơn được đổi tên là Thường Sơn. Về tên quận huyện phải đổi vì tục cữ tên thì có rất nhiều.

Ở Việt Nam, cũng có nhiều trường hợp đổi địa danh để tránh tên một nhà vua mới lên ngôi, hay tên một người thân thuộc của nhà vua này, nhứt là mẹ ruột của ông.

Từ đầu đời Hậu Lê, vì cữ tên vua Lê Thái Tổ (tr v 1428-1433), châu Lị (Lợi) Nhân đã được đổi thành lộ Lỵ Nhân, về sau, lộ này trở thành phủ Lỵ Nhân, đến năm 1822 đổi làm phủ Lý Nhân thuộc tỉnh Hà Nam (Ðại Nam nhất thống chí, quyển 27, tỉnh Hà Nội, 1966 tr 18).

Khi Mạc Ðăng Dung cướp ngôi nhà Lê năm 1527, huyện Phù Dung đã đổi thành huyện Phù Hoa; khi nhà Hậu Lê Trung Hưng, tên Phù Dung lại được dùng trở lại, nay là huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên (Ðào Duy Anh, Ðất nước Việt qua các đời, tr 134).

Sau đó, khi Mạc Phúc Nguyên lên ngôi năm 1546, một số địa danh có chữ Nguyên đã phải đổi tên:

  • Châu Thất Nguyên đổi thành Thất Tuyền (nay là huyện Tràng Ðịnh, tỉnh Lạng Sơn (ÐDA, tr 143).
  • Huyện Bình Nguyên đổi thành Bình Tuyền (nay là huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (ÐDA, tr 144).
  • Huyện Phú Nguyên đổi thành Phú Xuyên (tỉnh Hà Ðông) (ÐDA, tr133).
  • Huyện Thanh Nguyên đổi thành Thanh Xuyên, nay thành 2 huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ (ÐDA, tr 146).

·  Ðời Hậu Lê Trung Hưng, nhiều địa danh đã thay đổi vì cữ tên các nhà vua thời này. Vua Trang Tông (tr v 1533-1548) tên là Ninh nên:

  • Phủ Tĩnh Ninh đổi thành Tĩnh Giang, nay là Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa (ÐDA, tr 149).
  • Huyện Phù Ninh đổi thành Phù Khang, nay là huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ (ÐDA, tr 139).
  • Huyện Vĩnh Ninh đổi thành Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa (ÐDA, tr 149).
  • Huyện Võ Ninh đổi thành Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (ÐDA, tr 137).
  • Huyện Yên Ninh đổi thành Yên Khang, nay là huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình (ÐDA, tr 136).
  • Huyện Ninh Hóa đổi thành Yên Hóa, tỉnh Ninh Bình (ÐDA, tr 136 và 167).
  • Huyện Ninh Sơn đổi thành Yên Sơn, nay là huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (ÐDA, tr 138).

·  Vua Anh Tông (tr v 1556-1573) tên Bang nên trấn Yên Bang đổi thành Yên Quảng, tức tỉnh Quảng Yên sau này (ÐDA, tr 142).

Vua Thế Tông (tr v 1573-1599) tên Ðàm nên huyện Thanh Ðàm đổi thành huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Ðông (ÐDA, tr 99).

Vua Kính Tông (tr v 1599-1619) tên Tân nên:

  • Phủ Tân Bình đổi thành Tiên Bình, sau là phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình (ÐDA, tr 153, 162).
  • Phủ Tân Hưng đổi thành Tiên Hưng, phần tây bắc tỉnh Thái Bình ngày nay (ÐDA, tr 135).
  • Châu Tân Yên đổi thành Tiên Yên, sau là huyện Tiên Yên, tỉnh Hải Ninh (ÐDA, tr 142).
  • Huyện Tân Minh đổi thành Tiên Minh, sau là huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An (ÐDA, tr 142).
  • Huyện Tân Phong đổi thành Tiên Phong, sau là huyện Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (ÐDA, tr 140).
  • Huyện Tân Phúc đổi thành Tiên Phúc, sau là huyện Ða Phúc, tỉnh Bắc Giang (ÐDA, tr 137).

·  Vua Chân Tông (tr v 1643-1649) tên Hựu nên huyện Thuần Hựu đổi thành Thuần Lộc, nay là huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa (ÐDA, tr 149).

Mặt khác, chúa Trịnh Tạc có tước Tây Vương, chữ Tây thành ra húy nên huyện Tây Chân được đổi thành Nam Chân, nay là hai huyện Nam Trực và Trực Ninh, tỉnh Nam Ðịnh (ÐDA, tr 134).

Ðời Tây Sơn, vua Quang Trung ngoài tên Huệ còn có tên Quang Bình nên phủ Thái Bình được đổi thành Thái Ninh, đời Nguyễn mới đổi lại là Thái Bình như cũ (ÐDA, tr 135).

Ðời nhà Nguyễn, mẹ vua Thiệu Trị (tr v 1840-1847) tên Hoa nên một số địa danh có chữ Hoa lại phải đổi tên:

  • Tỉnh Thanh Hoa đổi thành Thanh Hóa (ÐDA, tr 162).
  • Phủ Hà Hoa đổi thành Hà Thanh, tỉnh Hà Tĩnh (ÐDA, tr 151, 162).
  •  Phủ Thăng Hoa đổi thành Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam (ÐDA, tr 155, 163).
  • Huyện Hạ Hoa đổi thành Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ (ÐDA, tr 139).
  • Huyện Hoa Khê đổi thành Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ (ÐDA, tr 139).
  • Huyện Hoa Phong đổi thành Nghiêu Phong, sau là huyện Cát Hải, tỉnh Quảng Yên (ÐDA, tr 142, 168).
  • Huyện Hoa Xuyên đổi thành Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh (ÐDA, tr 162).
  • Huyện Kim Hoa đổi thành Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phúc (ÐDA, 137).
  • Huyện Kỳ Hoa đổi thành Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh (ÐDA, tr 151).
  • Ở Huế thì cầu Ðông Hoa đã được gọi là cầu Ðông Ba.

·  Vua Ðồng Khánh (tr v 1885-1888) ngoài tên Ưng Kỵ lại có tên là Chân nên:

  •  Huyện Chân Ðịnh đổi thành Trực Ðịnh, nay là huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình (ÐDA, tr 135).
  • Huyện Nam Chân, vốn là huyện Tây Chân đổi ra vì húy tước của chúa Trịnh Tạc, đổi thành Nam Trực (ÐDA, tr 134).

·  Ngoài ra, đời Ðồng Khánh còn có một chữ húy khác là Ðường nên hai huyện Nam Ðường và Nghĩa Ðường trong tỉnh Nghệ An đã đổi thành Nam Ðàn và Nghĩa Ðàn (ÐDA, tr 150 và 151).

II. Những cái lợi và hại của tục cữ tên.

A. Cái lợi của tục cữ tên - Việc khai thác tục cữ tên trong việc nghiên cứu các tài liệu cổ.

1. Nguyên tắc khai thác các chữ viết theo lối húy khi nghiên cứu các tài liệu cổ.

Vì tục cữ tên đưa đến việc phải tránh một số chữ theo lối trọng húy hay viết một số chữ khác theo lối khinh húy nên nó có thể giúp những người nghiên cứu một tài liệu cổ xác định thời đại sản xuất tài liệu đó. Như thế là vì các chữ húy là tên một nhà vua hay tên một người thân thuộc của một nhà vua. Biết được tên nhà vua đó, tự nhiên ta có thể biết được thời đại của tài liệu có những chữ húy liên hệ đến ông ta.

Như khi đọc trang 21a của KÐVSTGCM ta thấy tên vua Tự Ðức (tr v 1847-1888) được thay thế bằng một chữ khác theo lối trọng húy, trong khi tên vua Thiệu Trị (tr v 1840-1847) được bớt một nét theo lối khinh húy, ta có thể chắc chắn là tài liệu này được viết dưới đời vua Tự Ðức, nghĩa là từ 1847 đến 1883.

Các địa danh bị thay đổi vì phải cữ tên một nhà vua cũng có thể giúp chúng ta ấn định thời đại sản xuất một tài liệu không ghi niên biểu rõ rệt. Chúng ta biết rằng Thanh Hóa là một địa danh đã có từ năm 1029, nhưng đến năm 1469 thì đổi làm Thanh Hoa (ÐDA, tr 148), rồi đến năm 1843 thì thành Thanh Hóa trở lại (ÐDA, tr 148).

Vậy một tài liệu mang địa danh Thanh Hoa chỉ có thể sản xuất trong khoảng thời gian từ năm 1469 đến năm 1843, nếu nó mang địa danh Thanh Hóa thì nó phải có trước năm 1469 hay sau năm 1843.

Như chúng ta đã thấy trên đây, thời đại được ấn định như vậy tự nó hãy còn bao gồm một thời kỳ quá dài, nhưng ghép với nhiều chi tiết khác trong tài liệu được khảo cứu, nó có thể giúp chúng ta đi gần đến niên biểu sản xuất đó. Ðây là trường hợp đã xảy ra đối với bộ luật nhà Hậu Lê là Quốc Triều Hình Luật.

2. Việc áp dụng nguyên tắc khai thác các chữ viết theo lối húy trong việc nghiên cứu bộ QTHL của nhà Hậu Lê.

a. Vấn đề thời điểm soạn thảo và ban hành bộ QTHL.

Hiện nay, chúng ta có 2 bản in mộc bản của bộ QTHL được trường Viễn Ðông bác cổ cho ký hiệu là A 341 và A 1995. Cả hai bản này đều được in từ một mộc bản gốc; mỗi bản có một vài chỗ rách hay thiếu, nhưng kết hợp lại, nó cho chúng ta một bản văn đầy đủ của bộ luật.. Tuy nhiên, không bản nào có ghi niên biểu ấn hành mà các bộ sử chánh thức của nhà Hậu Lê lại không thấy đề cập đến năm ban hành nó. Do đó, đã có những giả thuyết khác nhau về thời điểm soạn thảo và ban hành bộ QTHL.

1/ Giả thuyết của các nhà học giả Pháp.

Bộ QTHL đã được ông Raymond Deloustal dịch ra Pháp ngữ dưới tên là La justice dans l'ancien Annam. Bản dịch này được đăng trong Tập san của trường Viễn Ðông Bác Cổ (BEFEO) từ năm 1908 đến năm 1922 rồi được đóng thành một bộ sách riêng.

Trong bản dịch này, ông Deloustal viện dẫn PHC đã chú thích rằng nó được ấn hành năm Cảnh Hưng thứ 38 (năm 1777).

Trong một bài nghiên cứu về thư tịch Việt Nam, giáo sư Gaspardone (Emile Gaspardone. Bibliographie Annamite, BEFEO, XXXIV, 1934, tr 44) đã chứng minh rằng ông Deloustal có một lầm lộn khi viện dẫn PHC vì đúng theo PHC thì niên biểu của bộ luật là năm Cảnh Hưng thứ 30 (năm 1769).

Mặt khác, ông lại khẳng định rằng chính PHC cũng đã sai khi ghi niên biểu sau này. Ông cho biết rằng theo một bản in mộc bản mà ông đã từng giữ nhưng về sau bị thất lạc thì niên biểu của QTHL là năm Cảnh Hưng thứ 28 (năm 1767) (Gaspardone, tr 44-45, Vũ Văn Mẫu, Cổ Luật Việt Nam lược khảo, 2 quyển, Sài Gòn 1970, quyển 1, tr 132).

Nhưng trong khi ông Deloustal chỉ nói đến việc san định và ấn hành bộ QTHL, ông Gaspardone lại dùng từ ngữ ban hành khi đề cập đến bộ luật này. Các nhận xét của ông Gaspardone đã không được một số học giả Tây phương lưu ý đến.

Bởi đó, trong một bộ sách nghiên cứu về chế độ hôn sản ở vùng Ðông Nam Á châu, giáo sư Robert Lingat khi nói đến bộ luật nhà Hậu Lê đã căn cứ theo lời chú thích của ông Deloustal và bảo rằng nó được ban hành năm 1777 (Robert Lingat, Les régimes matrimonaux dans le Sud Est Asiatique, Essai de droit comparé, Vol I Hà Nội 1952, Vol II Sài Gòn 1955, quyển I, tr 75).

Các nhà học giả Tây phương khác đã bị ảnh hưởng của các học giả Pháp nên đều cho rằng bộ luật nhà Hậu Lê đã được soạn thảo và ban hành vào hậu bán thế kỷ thứ 18, nghĩa là chỉ một thời gian ngắn sau khi triều đại này sụp đổ.

2/ Giả thuyết của các nhà học giả Việt Nam.

Phần các học giả Việt Nam thì phần lớn đều cho rằng bộ luật nhà Hậu Lê đã được soạn tập và ban hành dưới đời vua Lê Thánh Tông (tr v 1460-1497).

Từ lâu, người Việt Nam đã quen gọi bộ luật này là luật Hồng Ðức, theo một niên hiệu mà nhà vua này sử dụng từ năm 1470 đến năm 1497. Khi nói đến luật nhà Hậu Lê, trong bài tựa bộ Hoàng Việt Luật Lệ của nhà Nguyễn, vua Gia Long cũng cho rằng nó thành hoàn bị trong đời Hồng Ðức (P.L.F. Philastre, bản in lần thứ nhì, Vol I và II, Taipei 1967, I, 10).

Nghiên cứu các tài liệu pháp lý đời Hậu Lê, giáo sư Vũ Văn Mẫu khẳng định rằng bộ QTHL đã được ban bố lần đầu tiên trong khoảng niên hiệu Hồng Ðức, lại thêm rằng phần chắc là vào những năm cuối cùng của niên hiệu này (Cổ Luật Việt Nam lược khảo, 2 quyển, Sài Gòn 1970, I, 133-134).

Các tác giả của quyển Lịch Sử Việt Nam xuất bản ở Hà Nội năm 1971 còn nói rõ ràng hơn là luật này được vua Lê Thánh Tông sai thực hiện năm 1483 (Lịch sử Việt Nam, Hà Nội 1971, I, 272-273). Ta có thể nói ngay là khẳng định của các tác giả bộ Lịch Sử Việt Nam đã sai lầm, vì tác phẩm được vua Lê Thánh Tông sai đình thần soạn tập năm 1483 là bộ Thiên Nam Dư Hạ Tập (TT III, 281). Nó bao gồm nhiều đề tài và chỉ có một bộ phận nhỏ liên hệ đến pháp luật, chép lại 141 điều lịnh, lệ và cấm do Lê Thánh Tông ban hành (TNDHT: Tài liệu số A 334 của trường Viễn Ðông bác cổ).

Nhưng ngoài ra, các nhận định về thời điểm soạn thảo và ban hành luật của nhà Hậu Lê của phía các học giả Việt Nam vẫn chưa đủ tánh cách xác quyết, và ta phải nhờ đến các chữ viết theo lối húy của các bản in mộc bản hiện còn tồn tại mới giải quyết vấn đề được.

b. Các chữ viết theo lối húy trong bộ QTHL và vấn đề thời điểm soạn thảo và ban hành bộ luật này.

1/. Các chữ viết theo lối húy trong bộ QTHL.

Trong các bản in mộc bản của bộ QTHL hiện còn tồn tại, có cả thảy 4 chữ viết theo lối húy: trần, tân, trừ và cửu.

  • Chữ Trần được viết theo lối húy trong 18 điều và theo lối thường trong 2 điều. Ðó là tên một bà vợ của vua Lê Thái Tổ. Bà chết năm 1425 trước khi vua Lê Thái Tổ lên ngôi hoàng đế (Phan Huy Lê và Phan Ðại Doãn: Khởi nghĩa Lam Sơn, bản in lần thứ 3, Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội 1977, chú thích 3 tr 108). Nhưng tên bà đã được Lê Thái Tổ ghi vào bảng các chữ húy năm 1428 (TT III, 61) và lịnh này đã được các vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông nhắc lại trong những năm 1435, 1443, 1461 (TT III, 101, 134, 179).
  • Chữ Tân được viết theo lối húy trong 6 điều và theo lối thường trong 2 điều. Ðó là tên vua Lê Thánh Tông lên ngôi năm 1599 và chết năm 1619.
  • Chữ Trừ chỉ được viết theo lối húy trong từ ngữ "hưng lị (lợi) trừ hại" của điều 284, và được viết theo lối thường trong 6 điều khác. Trừ là tên người anh thứ hai của vua Lê Thái Tổ nhưng là thủy tổ của các nhà vua thời Trung Hưng từ Lê Anh Tông (tr v 1556-1572) đến Lê HIến Tông (tr v 1740-1786). Tên này không được vua Lê Thái Tổ ghi vào bảng các chữ húy năm 1428 và chỉ được húy khi hậu duệ ông được lập lên để kế vị con cháu trực tiếp của vua Lê Thái Tổ khi người chót trong số này chết mà không có con nối dõi.
  • Chữ Cửu được viết húy trong 6 điều, và chỗ đáng lưu ý là trong điều 138 có 1 chữ viết theo lối thường cùng với 2 chữ viết theo lối húy. Hiện nay, chúng tôi chưa được biết đây là tên nhơn vật nào. Nhưng cứ xét các văn tự được họp tập trong tài liệu Chúc thư văn khế cựu chí mang ký hiệu A 2917 của trường Viễn Ðông bác cổ, thì các văn tự làm trong đời Cảnh Hưng vua Lê Hiến Tông đều viết chữ Cửu theo lối húy, còn trong các văn tự làm trong đời Tây Sơn và đời Nguyễn thì chữ này được viết một cách bình thường. Ðiều này chứng tỏ rằng chữ cửu chỉ được húy vào đời Hậu Lê Trung Hưng.

·  2/ Các chữ viết theo lối húy trong bộ QTHL và thời điểm tổng quát của việc soạn thảo và ban hành bộ luật này.

Trong 4 chữ viết theo lối húy kể trên, chỉ có chữ Trần là hữu ích cho việc tìm thời điểm soạn thảo và ban hành bộ QTHL. Như ta đã thấy, chữ này đã phải húy từ lúc vua Lê Thái Tổ lên ngôi năm 1428 và tiếp tục được húy ít nhứt là cho đến cuối đời vua Lê Thánh Tông năm 1497.

Sự kiện trong QTHL có những chữ Trần viết theo lối thường chứng tỏ rằng sau này chữ đó không còn phải húy nữa, nhưng chúng ta không biết rõ được là việc chấm dứt lịnh húy về nó bắt đầu từ năm nào. Chúng ta chỉ có thể suy đoán là nó xảy ra trễ lắm là lúc họ Mạc cướp ngôi vua Lê năm 1527.

Như ta đã thấy trong QTHL, chữ Trần được viết theo lối húy trong 18 điều và được viết theo lối thường trong 2 điều. Vậy, phần lớn các điều khoản của bộ luật này phải có trước đời Hậu Lê Trung Hưng, và chúng ta có thể khẳng định là các nhà học giả Pháp đã sai khi cho rằng nó được soạn thảo và ban hành vào hậu bán thế kỷ thứ 18.

Nhờ một số các dữ kiện khác, chúng tôi đã chứng minh rằng thật sự thì bản văn đầu tiên của bộ luật nhà Hậu Lê đã được ông Nguyễn Trãi (1380-1442) san định theo lịnh vua Lê Thái Tông thời niên hiệu Ðại Bảo (t.v. 1440-1442) và mang tên là Luật Thư. Bộ luật này đã được đem ra dùng từ đầu đời vua Lê Nhân Tông (t.v. 1442-1459).

Dưới triều vua này, ông Phan Phu Tiên đã thêm vào phần Thũy tăng điền sản chương, gồm 14 điều được ban hành năm 1449, và có thể bộ luật đã được đổi tên lại là Quốc triều luật lịnh. Vua Lê Thánh Tông đã có sẳn bộ luật này để dùng khi lên ngôi và chỉ tu chính hay thêm vào đó 44 điều.

Có lẽ chính ông đã dùng tên QTHL lần đầu. Nhưng ông không phải là người cho soạn thảo và ban hành nó trước tiên như các học giả Việt Nam trước đây nghĩ (Xem chi tiết trong Nguyễn Ngọc Huy, Tạ Văn Tài, Trần Văn Liêm: The Lê Code: Law in tradit?? VN, 3 quyển, Ohio University Press, 1987; Nguyễn Ngọc Huy: On the process of codification of the national dynasties penal laws, The Vietnam Forum, Yale University South East Asia studies, số 1, Winter - Spring 1983, 34-57; Nguyễn Ngọc Huy: Le Code des Lê, BEFEO, LXVII, 1980, 147-220).

3/ Các chữ viết theo lối húy trong QTHL và thời điểm ban hành các điều khoản của bộ luật này chẳng những giúp chúng ta ấn định thời điểm tổng quát của việc soạn thảo và ban hành bộ QTHL, mà các chữ viết theo lối húy lại còn giúp chúng ta ấn định thời điểm ban hành của một số điều khoản trong đó.

Nói một cách tổng quát thì các điều khoản có chữ Trần viết theo lối húy đều chắc chắn đã được ban hành trong thời kỳ nhà Hậu Lê nắm trọn quyền điều khiển; còn các điều khoản có chữ Trần viết theo lối thường thì được ban hành sau khi nhà Mạc cướp ngôi.

Trái lại, các điều khoản có chữ Tân, chữ Trừ và chữ Cửu viết theo lối húy đã được ban hành đời Hậu Lê Trung Hưng, hoặc ít nhứt cũng được tu chánh lại trong thời kỳ này.

Một trường hợp đáng để ý là trường hợp của điều 1, đoạn nói về phối sở của tội lưu viễn châu có địa danh Tân Bình với chữ Tân viết theo lối húy. Ta đã biết rằng vì húy tên vua Lê Kính Tông là Tân mà Tân Bình đã được đổi thành Tiên Bình từ năm 1600. Nếu điều 1 trên đây được soạn thảo và ban hành đời Lê Trung Hưng thì chắc chắn là nhà làm luật phải dùng tên Tiên bình. Việc dùng tên Tân Bình chứng tỏ rằng điều này đã có trong bộ QTHL từ đầu đời Hậu Lê.

Tuy nhiên, việc chữ Tân được viết theo lối húy chứng tỏ rằng đoạn văn có chữ này đã được tu chánh lại dưới đời Lê Trung Hưng, khi chữ Tân đã trở thành chữ húy.

Tìm trong các sử liệu liên hệ đến tội lưu, chúng ta có thể suy đoán được niên biểu của sự tu chánh này.

Trong điều 1 của QTHL, những người bị tội lưu cận châu hay ngoại châu phải bị đánh 90 gậy, còn những người bị tội lưu viễn châu thì bị đánh 100 gậy. Nhưng trong bộ KÐVSTGCM (quyển 35, tr 34b-35a) thì hình phạt phụ vào các tội lưu là: lưu viễn châu, chặt 2 bàn tay; lưu ngoại châu, chặt 1 bàn tay; lưu cận châu, chặt 2 ngón tay.

Năm 1721, triều đình nhà Hậu Lê Trung Hưng cho rằng việc chặt tay như vậy là quá ác nên đổi lại tội lưu viễn châu và chặt 2 bàn tay thành đồ chung thân; lưu ngoại châu và chặt 1 bàn tay thành đồ 2 năm; lưu cận châu và chặt 2 ngón tay thành đồ 6 năm. Tuy nhiên, việc giảm nhẹ hình phạt này không áp dụng cho người can nhơn bị kết án vì tội trộm cướp.

Chúng ta không có dữ kiện gì khác liên hệ đến các can nhơn loại này. Nhưng chúng ta có thể bảo rằng nguyên tắc chặt tay đã bị bỏ vì bị xem là quá ác. Vậy, có lẽ những người bị kết án lưu về tội trộm cướp vẫn phải thi hành án này nhưng không còn bị chặt tay, nếu không phải ngay trong năm 1721 thì cũng ít lâu sau đó.

Vì thế, ấn bản năm 1767 của bộ QTHL vẫn nói đến tội lưu trong điều 1, nhưng ấn định hình phạt phụ theo tội đó là đánh 90 hay 100 gậy. Ðiều 46 ấn định việc dùng hình phạt đánh bằng gậy đã được thay đổi theo cho phù hợp với điều 1 mới và điều đáng lưu ý là trong cả hai điều 1 và 46, chữ Cửu đều được viết theo lối húy. Như ta đã thấy, chữ Cửu chỉ húy vào đời Hậu Lê Trung Hưng và điều này xác nhận rằng hai điều 1 và 46 đã được tu chánh trong thời kỳ này.

B. Cái hại của việc cữ tên và phản ứng của dân chúng.

1. Các mối hại của việc cữ tên.

Với mục đích tôn kính tổ tiên, tục cữ tên không có gì đáng chê trách. Dưới khía cạnh bắt buộc người cấp dưới tôn trọng người cấp trên, nó đã hàm ý tôn ty quá đáng và đã có thể tạo ra sự bất mãn của người bắt buộc phải áp dụng nó. Mặt khác, khi nó không còn dành riêng cho một thiểu số nhà lãnh đạo mà áp dụng cho cả mọi người, nó đã gây nhiều phiền phức. Ðến lúc nhà cầm quyền đã đi quá xa trong việc bắt nhơn dân tôn sùng mình, thậm chí đến tên cung điện của mình mà cũng không cho nói đến thì sự phiền phức càng có nhiều hơn nữa.

a. Các phiền phức do tục cữ tên gây ra trong đời sống hàng ngày.

Trong đời sống hàng ngày, người lúc nào cũng phải chăm chú để tránh dùng đến tên một người trên trước. Người sắp sanh con phải dò hỏi xem trong thân nhơn và bạn hữu xa gần có ai mang một tên trùng với tên mình chọn cho con mình hay không. Nếu dò hỏi không đúng mức và đặt cho con một tên trùng với tên một người cấp trên trong thân tộc hay trong giới bạn bè hoặc hàng xóm thì bị họ giận hờn, có khi xem là thù địch nữa. Việc cữ tên bằng cách nói trại giọng đi đã làm cho người miền Bắc và miền Nam có những tiếng phát âm khác nhau.

Trong một phạm vi nhỏ hẹp hơn như một xã, việc cữ tên tất cả những người được xem là trên trước cũng đưa đến những câu nói ngô nghê buồn cười. Chúng tôi nhớ hồi lúc nhỏ, có bữa theo thân phụ là một giáo chức đi tỉnh lỵ Biên Hòa, dọc đường gặp hai vị hương chức trong xã chúng tôi. Một ông hỏi: Thầy giếu đi Biên Huề phải không ? Thân phụ tôi đáp là phải và hỏi ông đi đâu thì ông trả lời: Tôi với ông hương hiền đây lên xóm trên thăm ông hương quyển. Thú thật khi nghe nói như vậy, chúng tôi tức cười quá sức và giá như không sợ bị mắng khi về nhà, chúng tôi đã bò lăn ra mà cười rồi.

b. Các phiền phức trong đời sống công cộng.

Trong đời sống công cộng trước đây, người có thể gặp những khó khăn vì tục cữ tên ở các cuộc hội họp từ ấp xã lên đến các đơn vị hành chánh lớn hơn, và trên hết là triều đình, nên trong cuộc thảo luận, người buột miệng nói đến tên một người trên trước thì không khỏi bị phạt, nhẹ lắm thì phải trầu rượu xin lỗi, nhiều hơn thì bị phạt tiền.

Như ta đã thấy trên đây, theo luật pháp thời xưa, người phạm húy đã bị phạt đánh bằng roi hoặc đánh bằng gậy. Khi đi thi, người không thuộc hết các tên húy và vô tình viết nhầm một tên như vậy thì tối thiểu là cũng bị đánh rớt, nhiều hơn thì bị phạt đánh bằng roi hay bằng gậy như các quan phạm tội ở triều đình.

c. Các phiền phức trong việc đọc các tài liệu.

Nếu các chữ viết theo lối húy có thể giúp người đọc ấn định thời đại của một tài liệu không ghi rõ niên biểu. Nhưng chúng ta chỉ có thể khai thác được cái lợi trên đây của tục cữ tên nếu chúng ta nhớ hết các tên phải húy của các triều đại. Nếu không lưu tâm nghiên cứu vấn đề này, chúng ta có thể bị bỡ ngỡ và đọc sai chữ được viết ra.

Khi dịch bộ QTHL ra Việt ngữ, ông Cao Nãi Quang đã không đọc được chữ Tân viết theo lối húy trong các điều 374 và 375 và phiên âm nó là Cấu. Do đó, từ ngữ "tân tạo điền sản" dùng để chỉ phần tài sản mà 2 vợ chồng cùng nhau làm ra sau khi thành hôn, với mục đích phân biệt nó với phu tông điền sản, là phần tài sản do gia đình bên chồng cho và thê tông điền sản, là phần tài sản do gia đình bên vợ cho, đã bị ông gọi là cấu tạo điền sản thành ra không diễn được đúng ý muốn của nhà làm luật (CNQ, Bản dịch QTHL được trường Luật khoa Ðại học Sài Gòn bảo trợ, Sài Gòn, Nhà in Nguyễn Văn Của 1956, tr 150).

2. Phản ứng của dân chúng Việt Nam đối với việc cữ tên.

Sau một thời gian lâu dài theo tục cữ tên, người dân Việt Nam trước đây nói chung đã không có phản ứng gì mạnh mẽ đối với nó. Tuy nhiên, những người bị nó gây phiền phức dĩ nhiên là không thích nó. Như trường hợp các sĩ tử đi thi mà bị hỏng thi vì viết lầm tên một cung vua trong bài chắc không khỏi bực bội.

Nhưng có lẽ hạng người bị gây phiền phức nhiều nhứt vì tục cữ tên là những người trong giới hát xướng xưa kia. Những người này phải học những tuồng tích và thường phải đi từ chỗ này đến chỗ nọ để diễn các tuồng ấy mà độ nhựt. Mỗi lần đi đến một địa phương, họ phải hỏi cho biết tên những người có tai mắt trong địa phương đó để tránh. Ðặc biệt khi được một xã rước đến để hát nhơn lễ kỳ yên, họ thường được hương chức cho biết các tên phải húy trong xã và không được dùng khi diễn tuồng. Các tên người có tai mắt thường là tên tốt và trùng với nhiều từ ngữ được dùng trong tuồng tích, và việc giữ cho đúng phép húy đòi hỏi họ phải nhớ dai. Trong khi đó, việc nói trại các từ ngữ trùng với tên phải húy có thể làm cho câu văn của tuồng hát mất hay. Như vậy, dĩ nhiên là giới hát xướng không thích tục cữ tên và khi có dịp là họ biểu lộ sự không thích đó.

Về phía những người nghe hát, họ cũng nhiều khi thấy mất hứng khi người hát nói trại nhiều tiếng quá. Do đó, có những nơi, người chức sắc địa phương đặc biệt miễn cho gánh hát phải giữ tục cữ tên đối với họ. Ðiều này đã đưa đến những chuyện trào phúng về tục cữ tên.

Theo một câu chuyện được nhiều người kể lại thì khi một gánh hát nọ được mời đến diễn tuồng ở một xã nhơn lễ kỳ yên, các vị hương chức trong xã đó đã bảo họ rằng để cho tuồng khỏi mất hay vì có nhiều tiếng nói trại, ban hội tề đã quyết định cho phép họ khỏi phải theo phép húy đối với tên phần lớn các chức sắc trong xã, trừ ra tên của 2 vị hào mục được tôn trọng nhứt. Hai ông này là anh em ruột, một người tên Hòa, một người tên Hóa và có vẻ hách dịch cấm. Bởi đó, người trong gánh hát mới nhơn dịp diễn tuồng để hạ họ cho bỏ ghét.

Giữa tuồng hát có 2 anh hề xuất hiện, qua câu chuyện đối đáp, người xem hát biết rằng một trong 2 anh hề đóng vai một người đi lính, và khi được hỏi trong cơ ngũ thường ăn uống món gì thì anh ta trả lời: "Hoặc ăn cà, hoặc ăn cá". Những người lanh trí hiểu đó là câu nói lái để móc họng ông Hòa và ông Hóa đều ôm bụng cười trong khi hai ông này giận muốn hộc máu mà không làm gì gánh hát được.

Ngoài ra, lúc chúng tôi còn bé, thân phụ chúng tôi đã kể cho chúng tôi một câu chuyện tương tự xảy ra ở ngay trong làng chúng tôi.

Nguyên tổ quán chúng tôi là xã Mỹ Lộc, thuộc tổng Chánh Mỹ Hạ. Ông Cai tổng của tổng này lúc thân phụ tôi còn trẻ tên là Hiền, người ở làng kế cận làng chúng tôi. Nhơn một lễ kỳ yên ở một xã trong vùng, một gánh hát được mời đến diễn tuồng và hương chức xã đó cũng cho họ biết là miễn việc cữ tên của các chức sắc trừ ra đối với ông cai tổng là bực mà mọi người trong vùng phải kính trọng. Trong khi diễn tuồng, anh hề của gánh hát trên đây đã ra sân khấu để đọc thơ Vân Tiên. Nguyên khúc đầu của tập thơ này có mấy câu nói về thân thế của vai chánh trong cốt chuyện, mà dân miền Nam ai cũng đều biết:

Có người ở quận Ðông Thành

Tu nhơn tích đức sớm sanh con hiền

Ðặt tên là Lục Vân Tiên

Tuổi vừa hai tám nghề chuyên học hành

Theo thầy nấu sử xôi kinh

Tháng ngày bao quản sân Trình lao đao.

Anh hề trong gánh hát đã lấy giọng thật tốt để đọc đoạn thơ này như sau:

Có người ở quận Ðông Thành

Tu nhơn tích đức sớm sanh con ... mèo

Ðặt tên là Lục Vân Miên

Tuổi vừa hai tám nghề chuyên trèo giàn

Theo thầy ăn vụng xôi kinh

Tháng ngày bao quản sân Trình ngao!... ngao!

Nghe 2 tiếng ngao ngao y như con mèo kêu, mọi người đều ôm bụng cười ầm lên thiếu điều vỡ rạp, chỉ có ông cai tổng tên Hiền bị cữ tên phải nói trại đi thành... "mèo"... mặt mày sượng ngắt, không biết làm sao độn thổ để tránh cặp mắt xoi mói của người chung quanh.

Hai câu chuyện trên đây cho thấy một đặc tánh của dân tộc Việt Nam, một dân tộc thông minh gan dạ nhưng thường phải đối phó với nghịch cảnh và có thói quen giải quyết mọi việc phiền phức bằng một chuỗi cười.