Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Làng Cáo - Xuân Tảo

LÀNG CÁO – XUÂN TẢO

‘’Cáo’’ là tên Nôm của làng Xuân Tảo, nay thuộc xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm. Xa xưa, làng có tên chữ là Quả Động, thời Lê gọi là Minh Cảo, đến giữa thế kỷ XIX mới đổi thành Minh Tảo, rồi Xuân Tảo.

Xuân Tảo là một làng lớn. Dân cư chia thành bốn khu: khu Nhang và khu Trung vốn là hai xóm cổ, phát triển thành nhiều xóm, gọi là khu, các di tích chính của làng đều nằm ở khu Nhang; khu Đông và khu Lộc hình thành muộn hơn. Cuối thế kỷ XIX, làng có đến 1045 mẫu ruộng, trong đó có đến 529 mẫu ruộng công, nên xưa kia, mỗi gia đình trong làng được chia năm sào, cày cấy trong ba năm. Ngoài trồng lúa, dân làng còn giỏi trồng cà, bí, hồng xiêm, vải thiều và làm một số nghề thủ công như, đan lát, xeo giấy.. Hồng Xiêm Xuân Tảo (sau này quen gọi là Xuân Đỉnh) nổi tiếng từ xưa.

Làng Cáo có nhiều di tích lịch sử. Đầu làng, về phía Đông; giáp Quán La có đền Sóc được dựng từ thế kỷ X, thờ Phù Đổng thiên vương. Tục truyền, khi Thánh Gióng đi đánh giặc đã qua đây, nghỉ chân trên gò Con Phuợng, được dân làng dâng cơm với cá Cáo, nên về sau, khi Thánh Gióng về trời, làng lập đền thờ. Vào thời chúa Trịnh Tạc (1657 - 1682), bà Vũ Thị Ngọc Xuyến là vợ chúa đã bỏ tiền tu sửa đền nên bà cũng được thờ tại đây. Trong đền có quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ sáu (1798) và một số bia đá thời Lê.

Khu Nhang có miếu Vũ, tuơng truyền được xây từ thời Lý để thờ Vũ Phục,  quê ở làng Đông Ba (xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm), trong khi đi buôn dầu đã hy sinh thân mình để giúp dân đắp đoạn đê sông Thiên Phù - Tô Lịch ở Bưởi (có thuyết nói để cứu vua khỏi bị bệnh đau mắt) nên được dân lập miếu thờ tại xóm Dầu.

Gỗn miếu Vũ có nhà thờ Cảo Quận công Nguyễn Công Cơ (1676 - 1733). Ông là người làng Cáo, đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Sửu niên hiệu Chính Hoà (1697), nên dân gian gọi ông là Nghè Cáo. Sau ông làm quan đến Tham tụng (Tê tướng) kiêm Binh bộ Thượng thư, từng được cử đi sứ sang nhà Thanh. Ông nổi tiếng là người cương trực, thanh bần, làm quan to nhưng không lập sản nghiệp. Năm 1726, ông đã dũng cảm tố cáo nhiều quan đại thần có sai phạm trong kỳ thi Hương, buộc chúa Trịnh Cương phải cho tổ chức lại kỳ thi này ở lầu Ngũ Long. Kết quả, 28 người bị đánh hỏng, trong đó có cả con em của nhiều Tham tụng (Tể tướng) và nhiều vị quận công.  Ông còn có công cho đào con mương tiêu nước ra sông Nhuệ cho cánh đồng trũng của làng, nên được dân làng thờ.

Năm 1938, tại Xuân Tảo, thực dân Pháp lập một trận địa pháo, gọi là pháo đài Xuân Tảo, rộng chừng 8 mẫu, có 3 khẩu pháo 75 ly, một đại đội lính khố đỏ để bảo vệ Hà Nội.

Xuân Tảo sớm có truyền thống cách mạng. Từ 1936, một số thanh niên người làng làm thợ ở nội thành đã giác ngộ cách mạng. Năm 1938, Xuân Tảo là nơi đóng của cơ quan Tỉnh uỷ Hà Đông. Từ giữa năm 1941, Xuân Tảo là cơ sở của các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ và một điểm quan trọng trong An toàn khu của Trung ương ở bờ Nam sông Hồng, phía Bắc Hà Nội.

Tối 19  - 12 - 1946, cùng với các pháo đài Láng, Xuân Canh, bộ đội ta ở pháo đài Xuân Tảo đã nổ những phát đạn đầu tiên giáng vào bọn thực dân Pháp ở nội thành, mở đầu cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của nhân dân ta.

Ngày nay, Xuân Tảo đang chuyển mạnh trên con đường công nghiệpo hóa và đô thị hóa. Trên địa bàn làng có nhiều xí nghiệp của Trung ương và Thành phố đóng. Dân làng ngoài làm ruộng, trồng cây ăn quả, còn có nghề trồng hoa, làm các loại bánh.

Tiến sĩ Bùi Xuân Đính