Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 610
Truy cập hôm nay: 4,496
Lượt truy cập: 10,290,245
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Lược khảo về bộ tộc phả của họ Vũ làng Mộ Trạch

LƯỢC KHẢO VỀ BỘ TỘC PHẢ CỦA HỌ VŨ LÀNG MỘ TRẠCH

(Trích từ Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích)

       Họ Vũ ở làng Mộ Trạch huyện Đường An xưa, nay là thôn Mộ Trạch xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương đã được sử sách ghi nhận là một hiện tượng văn hoá độc đáo: trong một làng, dưới thời khoa cử Nho học (1070-1919), căn cứ con số chính thức trong các sách Đăng khoa lục có 33 Tiến sĩ, thì riêng dóng họ Vũ này đã chiếm 23 ngườI (kể cả 2 Thái học sinh đời Trần là 25); dòng họ này đã cống hiến cho đất nước nhiều nhà hoạt động lỗi lạc mà sử sách nhiều lần nhắc tới như các Tể tướng Vũ Nghiêu Tá, Vũ Nông, Vũ Duy Chí, các Thượng thư Vũ Hữu, Vũ Quỳnh, Vũ Cán, Vũ Duy Đoán, Vũ Công Đạo v.v… Từ cái nôi văn hiến này cũng đã xuất hiện nhiều nhà văn hoá lớn của dân tộc như nhà toán học Hoàng giáp 1463 Vũ Hữu, người đã tính toán chính xác việc trùng tu thành Thăng Long trong đời Lê sơ (thế kỷ XV), sử gia kiêm văn gia Hoàng giáp 1478 Vũ Quỳnh, tác giả bộ sử Đại Việt thông giám thông khảo và truyện ký Lĩnh Nam chích quái, thi sĩ Tùng Hiên (Hoàng giáp 1502 Vũ Cán), bạn xướng hoạ với các Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và Giáp Hải , danh sĩ Vũ Phương Đề với sách Công du tiệp ký nổi tiếng…

       Vì những  lẽ đó bộ tộc phả của họ Vũ làng Mộ Trạch, dày đến bốn trăm rưởi trang chũ Hán, từ lâu đã thu hút sự quan tâm của các giới học giả trong, ngoài nước. Mới đây, trong một công trình hợp tác quốc tế nghiên cứu về làng xã châu thổ sông Hồng, nhiều nhà khoa học cũng đã căn cứ bộ phả này như một tài liệu cơ bản để khảo sát về kinh tế, xã hội và văn hoá làng Việt.1

       Tuy nhiên, cho đến nay, bản tộc phả của họ Vũ làng Mộ Trạch vẫn chưa hề được khảo cứu về mặt văn bản học. Cũng chưa có được một bản dịch mang tính chuyên nghiệp sang tiếng Việt. Điều này hạn chế rất nhiều sự phổ biến rộng rãi tài liệu quý hiếm này về văn hoá dòng họ và làng xã, đồng thời cũng khiến cho các nhà nghiên cứu, đặc biệt là số ngườI phải dựa vào một số bản dịch của những người tuy tâm huyết với gia phả nhưng không chuyên về khảo đính và biên dịch thư tịch cổ, hoặc chưa thông thạo Hán tự, gặp không ít khó khăn trong việc khai thác thông tin cần thiết, khó tránh khỏi những ngộ nhận đáng tiếc trong nghiên cứu khoa học và tìm hiểu lịch sử dòng họ.[1]

       Đó là lý do khiến chúng tôi, dẫu hiểu biết còn nông cạn và năng lực chữ Hán còn hạn chế, thử cố gắng vận dụng các phương pháp khoa học để xử lý thư tịch cổ này.

       Quá trình hình thành

       Bộ tộc phả của dòng họ Vũ Mộ Trạch có lời Tựa  do chính một trong các đồng tác giả là Vũ Phương Lan viết vào tháng giữa Thu năm Kỷ Sửu niên hiệu Cảnh Hưng thứ 30 [1769], trình bày rõ ràng về  tác giả, quá trình biên soạn và các tài liệu căn cứ.

       Các tác giả bộ phả này gồm:

-         Vũ Phương Lan, hiệu là Lan Am, thuộc đời 15 chi III, sinh năm 1714, đỗ Hương cống năm 1735, làm quan đến Lang trung bộ Hình;

-         Vũ Thế Nho, hiệu là Hằng Hiên, thuộc đời 15 chi V, sinh năm 1730, đỗ Hương cống năm 1753, làm quan đến Tri huyện;

-         Vũ Tông Hải, thuộc đời 10 phái Kỷ, thi Hương trúng tam trường, làm Nho sinh (tương đương Sinh đồ, tức như Tú tài triều Nguyễn).

       Người nhuận sắc toàn bộ sau khi hoàn thành là Vũ Huy Đĩnh, tên hiệu là Di Hiên, thuộc đời 10 phái Kỷ, sinh năm 1730, đỗ Tiến sĩ năm 1754 - vị Tiến sĩ nho học cuối cùng của làng Mộ Trạch2, làm quan đến Đông các đại học sĩ, năm 1772 được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh.

       Như vậy, những người biên soạn bộ phả của dòng họ Vũ Mộ Trạch đều là các nhà nho có khoa danh và ở trong nội tộc, lại có những quan hệ thân thích và thông gia, chẳng hạn: vợ của Vũ Tông Hải là con gái chú họ Vũ Phương Lan là Vũ Đình Vị thuộc đời 14 chi III; vợ của Vũ Huy Đĩnh là con gái ông Vũ Công Trong thuộc đời 10 phái Đinh v.v…Do đó, các tác giả bộ phả này có trình độ và có điều kiện sưu tầm các tài liệu liên quan, như trong lời Tựa dã chỉ rõ, là (xin xếp theo trình tự thời gian xuất hiện của tài liệu):

       1.Văn tế nhạc phụ Thượng thư Vũ Quỳnh của con rể là Trạng nguyên 1505 Lê Nại – Vũ Quỳnh “khấu nạn” (bị giặc hại) vào cuối năm 1511; thơ và ký của Hoàng giáp 1502 Vũ Cán về cảnh quan và nhân vật làng Mộ Trạch; tập thơ Tư hương vận lục (những vần thơ nhớ quê) do Hoàng giáp 1526 Lê Quang Bí cảm tác trong thờI gian ông sang sứ nhà Minh bị họ kiếm cớ giam cầm suốt 18 năm, từ 1548 đến 1566 mới thả cho về. Đây có lẽ là những tài liệu sớm nhất (nửa đầu thế kỷ XVI) còn lưu truyền trong dòng họ khi các tác giả bắt tay vào việc biên soạn bộ phả này,bởi vì trong lời Tựa Vũ Phương Lan không hề nhắc đến và trong chính phả cũng không ghi gì về việc hai anh em Vũ Nghiêu Tá và Vũ Hán Bi (tức Vũ Nông) sau khi đỗ Thái học sinh năm 1304 và làm đến Tể tướng năm 1329, đã biên soạn gia phả, như Vũ Phương Đề viết trong sách Công dư tiệp ký. Có lẽ nguyên bản của tài liệu phả đời Trần này đã thất truyền, chỉ còn lại những thể hiện trong các tài liệu muộn hơn như thơ văn của Lê Nại, Vũ Cán và Lê Quang Bí về quê hương và dòng họ tuy nội dung chủ yếu ca ngợi quê hương, tán tụng công tích của quê hương, nhưng cũng chứa đựng những thông tin nhất định, quan yếu đối với phả (như về vụ “khấu nạn” của Vũ Quỳnh, một trụ cột của triều đình Lê Tương Dực mà sử sách không ghi). Rất đáng chú ý chùm thơ ngâm vịnh liệt tổ, liệt tông các đờI trên trong dòng họ nội (Lê) và ngoại (Vũ) của Lê Quang Bí, vì mẹ của ông Bí là con gái của Hoàng giáp Vũ Quỳnh và vợ ông Quỳnh, tức bà ngoại của Quang Bí lại là bà Lê Thục Đức, bác gái họ của ông. Các bài thơ này, tất nhiên, như chính Vũ Phương Lan nhận định trong lời Tựa, “chưa hệ thống tông tộc, sắp xếp lại họ hàng”, song chúng cũng cung cấp cho các tác giả đôi điều về “sự tích Cụ này Cụ nọ” thuộc các đời trên (chẳng hạn, xin so sánh nội dung các bài thơ với phần ghi chép về Vũ Bá Khiêm - đời thứ 4, Vũ Tuỳ - đời thứ 5 chi I, Vũ Quỳnh - đời 2 phái Giáp, Ông Bô - đời 2 phái Bính  v.v…),đồng thời cũng chứng tỏ mối quan hệ thân tộc của các chi phái họ Vũ Mộ Trạch đã có từ lâu đời và chắc hẳn có được ghi chép và truyền lại đến đầu thế kỷ XVI.

       2. Suy đoán của chúng tôi có căn cứ là bức thư của Viên ngoại lang bộ Hình Vũ Đoan Biểu, thuộc đời 7 chi V, gửi cho anh họ là Tả Đô đốc Tri Lễ bá Vũ Dự thuộc đời 7 chi III, cháu nội Hoàng giáp Vũ Hữu (1441 – 1510). Trong bức thư này, được chép lại trong phả ở phụ lục, ông Biểu có viết: “Nay ngồi lo nghĩ rằng Tông dẫn đồ phả của nhà thờ ta tiền nhân từng soạn, thế thứ, danh hiệu, tước trật và công lao có thể thấy rõ ràng; song bình lửa can qua chợt đến1, khiến thư tịch thành tro bụi, đồ phả của tiền nhân bọn hậu sinh không biết được nữa”. Bản Tông dẫn đồ phả đã “thành tro bụi” đó phải chăng chính là bản “ liệt kê thế thứ, khoa danh và tước trật” của anh em Tể tướng Vũ Nghiêu Tá và Vũ Nông mà Vũ Phương Đề nhắc tới trong Công dư tiệp ký? Nếu không phải là là bản cổ đồ phả từ đời Trần ấy thì cũng là một bản sao và theo truyền thống viết phả xưa, được tục biên vào thế kỷ XV là thời họ Vũ Mộ Trạch bắt đầu “đồng phát khoa hoạn” vớI Vũ Hữu đỗ Hoàng giáp năm 1463 và làm đến Thượng thư, Vũ Quỳnh đỗ Hoàng giáp năm 1478 và cũng kinh qua Thượng thư bộ Hộ, bộ Lại, bộ Binh lại còn kiêm Tổng tài Quốc sử quán, Vũ Đông đỗ Hoàng giáp năm 1487, ham đọc sách, không thích bon chen, tụ tập môn đồ dạy học. Một dòng họ thành đạt như vậy, theo truyền thống, tất phải nghĩ đến báo đáp tổ tiên mà những việc đầu tiên là làm gia phả, tu tạo từ đường và mộ phần. Có thế thì Đoan Biểu mới chẳng những được biết đến bản Tông dẫn đồ phả đã thành tro bụi mà còn “được nghe rằng Tỵ tổ ta là người thời Lý Đường, sang làm Thứ sử Giao Châu, họ Vũ huý Hồn, Thuỷ tổ phát tích là Tăng thống triều Trần [ Vũ Nạp], Cao cao tổ [ngũ đại tổ] là Nhập nội hành khiển [ Vũ Nghiêu Tá] v.v…”. Kế thừa những thông tin đó về các bậc tiên tổ, Đoan Biểu trình huynh trưởng Vũ Dự những ghi chép về phả của mình và đề nghị: “Dám xin huynh vì Biểu tôi mà soạn một bản tông dẫn đồ phả hệ của nhà thờ ta, trên từ Tỵ tổ, dưới đến huyền tôn, nhất nhất rõ ràng, cứ thực tình ghi chép, để ngu đệ được biết mà làm phận sự”. Chính phả ghi ông Dự soạn bản Vũ tộc đồ dẫn này sau khi về hưu năm 70 tuổi. Phả không ghi rõ năm sinh năm mất của Vũ Dự, nhưng theo phép lập bảng niên đại tương đối của các thế hệ trong phả1, căn cứ năm sinh của ông nội là Hoàng giáp Vũ Hữu = năm 1441, có thể xác định Vũ Dự sinh vào thập kỷ cuối của thế kỷ XV, và như vậy niên đại của bản Vũ tộc đồ dẫn là 1441+25 (= năm sinh của cha Vũ Dự) + 25 (= năm sinh của Vũ Dự) + 70 = 1561 ±  5. Văn Tự thuật do Tể tướng Vũ Duy Chí đích thân soạn năm 1676, sau khi đã 72 tuổi mới được chúa Trịnh ưng thuận cho về trí sĩ, con cháu khắc vào bia đá năm 1681 và hiện vẫn còn ở làng Mộ Trạch, cũng xác nhận có bản đồ phả này. Ngoài ra có lẽ các tác giả cũng có trong tay những bản phản cổ của một số dòng họ trong làng Mộ Trạch có quan hệ thông gia với họ Vũ này như Lê, Nguyễn, Nhữ, kể cả của vài dòng họ Vũ khác, không được các tác giả liệt vào phả hệ Vũ Hồn. Ví dụ: về bà chính thất của tiên tổ đời 3 Vũ Như Mai là Vũ Thị Tất Giới, ở cuối phần viết về ông Mai các tác giả ghi tại Phụ lục được những 5 đời tiên tổ của bà, như vậy là đến ngang hoặc trên đời vị tiên tổ thứ  nhất thuộc phả hệ Vũ Hồn là Vũ Nạp; hoặc như về bà Vũ Thị Mụ, chính thất của Vũ công, khởi tổ phái Ất trong bát phái – trong khi về chồng bà các tác giả không có căn cứ để ghi dù chỉ là cái tên hiệu thường khắc trên mộ chí, chỉ còn biết (có lẽ theo thực địa và thực tế) là nhà ông ở ngõ Nam, chỗ ngồi ở đình là giáp Xuân Chính, thì về bà vợ của ông các tác giả ghi được đầy đủ tên họ liệt tổ của bà ngược lên đến 6 đời, cho đến khởI tổ Vũ Lao. Với truyền thống sinh hoạt tiểu gia đình (gia đình hạt nhân) của người Việt trồng lúa nước, thờ cúng tổ tiên chỉ đến tứ đại, ngũ đại mai thần chủ, không có phả trong tay không thể ghi được xa như vậy. Tóm lại, nhóm tác giả của Vũ Phương Lan đã được kế thừa những tài liệu phả có cả một quá trình biên soạn khá liên tục, do đó đáng tin cậy.

          3. Độ tin cậy của những tài liệu phả lưu truyền lại từ xưa càng trở nên vững chắc khi những thông tin chủ yếu được khắc vào các tấm bia  nhà thờ. Tại làng Mộ Trạch hiện nay vẫn còn hơn hai chục tấm bia đá các loại dựng ở đình, chùa, miếu và từ đường các chi phái họ Vũ và họ Lê. Trong loại bia từ đường, có niên đại sớm ngất là bia Trung Hiếu đường, văn bia do Đông các học sĩ Tả thị lang bộ Công Bảng nhãn Đỗ Uông soạn năm 1578, tuy chủ yếu viết về họ Lê, nhưng do quan hệ thông gia cũng chứa đựng một số thông tin về họ Vũ. Phần lớn các bia còn lại có niên đại của thế kỷ tiếp theo - thế kỷ XVII: Thế Trạch đường (phái Đinh) – năm 1762, văn bia do Bồi tụng Tả thị lang bộ Lễ Trạng nguyên Nguyễn Quốc Khôi1 soạn; Thế Khoa đường (chi II trong Hậu ngũ chi) – năm 1676, văn bia do Bồi tụng Ngự sử Hoàng giáp Nguyễn Viết Thứ soạn; Quang Chấn đường (chi III trong Hậu ngũ chi) – 1681, văn bia do Đông các học sĩ Tham tụng Thượng thư bộ Hình Tiến sĩ  Hồ Sĩ Dương soạn… Những  tấm bia từ đường này, lập ngay khi nhân vật còn sống hoạc chỉ vài năm sau khi qua đời, cho biết chi tiết và chính xác về thân thế, hành tích và công trạng của nhân vật có danh vọng, như bia Trung Hiếu đường thuật về Tô quận công Hoàng giáp Lê Quang Bí, bia Thế Trạch đường về hai anh em tiến sĩ Vũ Công Đạo và Vũ Công Lượng, bia Quang Chấn đường về Tể tướng Vũ Duy Chí. Đồng thờI những tấm bia này, do quan niệm thành đạt phải báo đáp tổ tiên, cũng khắc ghi về các đời tiên tổ của ngườI thành đạt một số thông tin đã được dòng họ công nhận. Quan Chấn đường còn khắc bài văn Tự  thuật do chính Vũ Duy Chí soạn trong khoản 1676 (được về trí sĩ) – 1679 (mất), chẳng những kể lại hành trạng của riêng ông mà cũng liệt kê 9 đời tổ tiên trên ông  cho đến Khởi tổ Vũ Nạp, Tăng thống triều Trần (khoảng giữa thế kỷ XIII). Đặc biệt đáng chú ý là nếu như văn bia Thế Khoa đường (1676), do người ngoài tộc chấp bút, còn diễn đạt một cách thận trọng về sự “kế thế đăng khoa” (đời nối đời đỗ đạt) là do dòng họ Vũ này “há chẳng phải từ Mân Hoa Trung2 dẫn đến đó sao?”, thì đến bài Tự thuật của mình Vũ Duy Chí, hẳn kế thừa phả ký của tằng tổ Vũ Đoan Biểu đã phát biểu khẳng định: “Xưa, Tỵ tổ họ Vũ húy Hồn, đời nhà Đường làm Giao châu Thứ sử, đến ở ấp trong huyện có tên Đường An”. Như vậy, về mặt văn bản, lờI truyền về việc Tỵ tổ của họ Vũ Mộ Trạch là nhân vật lịch sử Vũ Hồn, do Tông dẫn đồ phả đã “thành tro bụi” từ khoảng đầu thế kỷ XVI, chúng tôi, cho đến thời điểm này, chỉ có thể khẳng định rằng lần đầu tiên là do anh em Vũ Dự và Vũ Đoan Biểu “được nghe” rồI ghi lạI trên giấy vào khoảng 1561  ± 5 (thư của ông Biểu và Đồ dẫn biên của ông Dự); tiếp theo Vũ Duy Chí ghi trong Tự thuật trong khoảng 1676 (được hưu trí) – 1679 (mất), truyền cho cháu nội là Hương cống Vũ Duy Mô với tên gọi được Vũ Phương Lan nhắc tới trong lời TựaBiệt đồ ký (ghi riêng phả đồ [chi III trong Hậu ngũ chi] ) và đến 1681 lần đầu tiên được khắc vào đá ở Quang Chấn đường.

       4.Thư tịch cuối cùng mà nhóm tác giả của Vũ Phương Lan dùng làm căn cứ biên soạn bộ phả mới là những “ký tải” của Vũ Phương Đề. Đối chiếu những sự tích nhóm tác giả chép trong bộ phả họ Vũ Mộ Trạch do họ biên soạn vớI những truyện ký về họ Vũ trong sách Công dư tiệp ký nổI tiếng của Vũ Phương Đề thì thấy về cơ bản đều trùng khớp, như những sự tích về Vũ Hữu, Vũ Quỳnh, Vũ Cán, Vũ Công Đạo, về Trạng Vật Vũ Phong, về Trạng Cờ Vũ Huyên v.v… Điều này có thể giải thích vì 2 lý do:

       - Một là, Vũ Phương Đề (sinh 1698), tuy thuộc đời 13 chi V, đối với Vũ Phương Lan (sinh1714), đời 15 chi III là trên hai hàng, nhưng 2 ông là anh em cùng mẹ khác cha do bà Vũ Thị Đại, con gái Giải nguyên Vũ Đăng Hiển ở đời 12 chi II, mới đầu được gả cho ông Vũ Phương Nhạc ở đời 12 chi V, sinh ra Vũ Phương Đề; sau lại được gả cho ông Vũ Hiệu ở đời 14 chi III, sinh ra 3 con trai, út chính là Vũ phương Lan. Hai ông thực chất là những người cùng thời, quan hệ lại ruột thịt (anh em “đồng bào”), nên tất biết rõ và rất có thể đã cùng nhau sưu tầm các sự tích trong dòng họ, nhưng cách sử dụng khác nhau do mục tiêu khác nhau: Phương Đề viết truyện ký, Phương Lan viết phả. Tác phẩm của Phương Đề ra đời trước 14 năm (1755), nên việc Phương Lan cùng các đồng tác giả sử dụng nó như nguồn tư liệu là tất yếu. Tuy nhiên, phải ghi nhận là nhóm nhà nho khoa bảng này tỏ ra rất cẩn trọng đối với việc viết phả như gia sử, phân định được ranh giới giữa truyện và sử : họ không đưa vào phả những sự tích, dẫu vẻ vang, nhưng rõ ràng phi lý từ góc độ phả hệ như sự tích về việc Vũ Dự tham gia vụ truất Nghi Dân và đưa Lê Thánh Tông lên ngôi vào năm 14601. Cũng cần ghi nhận là nhóm tác giả không hề sử dụng thần tích ở Mộ Trạch làm tài liệu, không đưa những điều thần tích này thêm thắt (các thần tích đều làm như vậy) về cha mẹ, vợ con, học vị, quan danh của Vũ Hồn ở bên Trung Hoa cũng như trên đất Giao Châu, hẳn là vì họ (đến nay cũng vậy) đã không có bất cứ căn cứ xác thực nào.

       Tóm lại, nhóm tác giả của Vũ Phương Lan bắt tay vào làm bộ phả họ Vũ Mộ Trạch không phải từ số không, mà đã được thừa kế những tài liệu gia phả, hoặc có tính phả (thơ văn về tổ tiên), được biên soạn khá liên tục và lưu truyền trong vọng tộc này chí ít từ đầu thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVIII. Theo Vũ Phưong Lan viết trong lời Tựa, họ đã “xem xét lược đồ tộc phả, tham khảo ghi chép đời xưa mà dựng thành một bộ gia phả, dẫn giải tường tận thế thứ, sự tích, ngày kỵ giỗ, nơi để mộ; lại khảo chứng bằng chính văn và tiểu chú trong thơ ca cổ, không gì không làm minh bạch, các bài văn tế, văn bia, thơ phú đều phụ lục ở cuối sách, chia thành 2 quyển Thượng và Hạ. Khai bút từ Xuân Đinh Hợi [1767] đến Thu Kỷ Sửu [1769] mới hoàn thành”.

          Hiện trạng văn bản

       Vậy là tính từ ngày ra đời đến nay bộ phả của họ Vũ Mộ Trạch đã được 235 tuổi.

       Trong suốt thời gian ấy, trong đất nước ta luôn luôn xảy ra thiên tai, địch hoạ nên nguyên bản bộ phả chắc không còn. Vả lại theo truyền thống viết phả ở Việt Nam, dù bản gốc có thoát nạn binh lửa thì sau một số đời giấy tờ mủn nát, con cháu sinh sôi, người ta lại “phụng sao” phần cũ và “tục biên” phần mới, sau đó bản cũ, do sợ vô tình để ô uế chữ Thánh hiền, thường đốt đi.

       Kho phả liệu hiện thời của viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội đang lưu trữ 17 đơn vị phả hệ Vũ (Võ) có con dấu “E.F.E.O” của Trường Viễn Đông


 

Bác Cổ cũ,2 trong số đó riêng các quyển cổ phả của họ Vũ làng Mộ Trạch đã chiếm đến 9 đơn vị, bởi vậy chắc chắn đây mới chỉ là một số lượng rất khiêm tốn trong kho tàng phả liệu chữ Hán hiện còn cất giữ trong các dòng họ Vũ (Võ) khác nhau ở Việt Nam. Một là về địa bàn, số đơn vị phả trên đây mới chỉ đại diện cho một số dòng họ Vũ (Võ) từ một số tỉnh từ Thanh Hoá trở ra; mà ngay tại các địa phương này, căn cứ những lần đi điền dã của chúng tôi, cũng còn nhiều họ Vũ khác giữ được phả cổ, kể cả các dòng họ Vũ ở Mộ Trạch (xin xem dưới đây). Hai là về niên đại, trong 17 đơn vị phả nói trên chỉ có vài quyển được biên soạn cuối triều Lê như bộ phả của họ Vũ Mộ Trạch, hay Hải Bối Vũ công tộc phả (200 trang), ký hiệu A.800/1-2, do Thám hoa Vũ Công Tể khởi soạn năm 1720, trước bộ phả của họ Vũ Mộ Trạch ngót nửa thế kỷ, nhưng chỉ ghi ngược lên được có 5 đời, đến giữa thế kỷ XVII; các quyển phả còn lại đều mới được biên soạn dưới triều Nguyễn. Vậy mà có không ít họ Vũ “ phát tích” ở các địa phương khác như trấn Sơn Tây xưa có Trạng nguyên Vũ Duệ, tử tiết năm 1527 vì chống Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê; ở xứ Nghệ có họ Võ “Thạch Hà thế tướng” với 15 người đỗ Tiến sĩ võ trong vòng sáu chục năm từ 1724 đến 1783. Bởi vậy, việc tiếp tục sưu tầm loại thư tịch này của họ Vũ (Võ) còn đang tản mát khắp các làng quê từ Bắc chí Nam , vẫn là một việc cấp thiết trong sự nghiệp bảo tồn thư tịch cổ và nghiên cứu lịch sử cùng văn hoá dòng họ ở Việt Nam.

          Xin trở lại với việc điểm 9 đơn vị phả chữ Hán của họ Vũ Mộ Trạch hiện lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội. Đó là:

          1.Bản nhan đề Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích (202 trang), ký hiệu A. 6132, đóng dấu bầu dục của Thư viện E.F.E.O., đưa làm microfilm No554, trả lạI ngày 6 – 9 – 1955; nộI dung gồm:

       -Bài Tựa của Vũ Phương Lan;

       -Bài phả ký, viết về Vũ Hồn và làng Mộ Trạch; ở trang phả ký đầu tiên, sát gáy sách có dòng chữ “Đường Trạch Vũ tộc phả hệ tục biên quyển nhất” (tục biên phả hệ họ Vũ ở Mộ Trạch Đường An, quyển thứ I); tiếp theo là họ tên và thế hệ của 3 tác giả và người nhuận sắc, ghi thành 4 cột, ví dụ: Đệ tam chi thập ngũ đại tôn Lan Am Vũ Phương Lan.

       -Chính phả, viết về Tiền ngũ chi và Hậu ngũ chi, chép từ thời Tiên tổ thứ nhất là Vũ Nạp, sinh sống khoảng giữa thế kỷ XIII, do nuôi dạy được 2 con là Nghêu Tá và Hán Bi (Vũ Nông) đỗ Thái học sinh năm 1305, sau đều làm đến Tể tướng, nên theo chế độ ấm phong được triều đình nhà Trần tặng Tăng thống (có hàm tam phẩm); phả hệ các chi đều được chép liên tục đến giữa thế kỷ XIX, tức khoảng 600 năm.

 

       2.Bản nhan đề Mộ Trạch Vũ tộc bát phái phả (246 trang), ký hiệu A.660, có dấu Thư viện E.F.E.O, microfilm No599, trả lạI ngày 6 – 10 – 1955; nội dung gồm:

       -Trang đầu tiên sau trang nhan đề, ở sát gáy sách có dòng chữ: “Đường An huyện Thì Cử tổng Mộ Trạch xã Thượng thôn Vũ tộc thế hệ sự tích ký Hạ quyển Bát phái phả”, tiếp là dòng chữ nhỏ hơn: “Liên đính Lê thị gia phả sự tích ký”; tiếp theo cũng là 4 cột ghi tên họ thế thứ của 3 tác giả và người nhuận sắc, y như ở quyển thứ nhất, ngay sau đó chép phả hệ tuần tự từ phái thứ nhất đến thứ tám, không có Tựa và phả ký riêng, tức coi như tiếp tục quyển trước. Như vậy “quyển nhất” chính lả quyển Thượng, theo sự phân chia và cách gọi của chính các tác giả trong lời Tựa. Xin lưu ý tên tổng Thì Cử là địa danh đời Lê và đầu đời Nguyễn. Về sự không nhất quán trong cách gọi số hiệu bản A.6132 (quyển nhất) và A.660 (hạ quyển), chúng tôi sẽ lý giải dướI đây. MỗI phái chép được từ 9 đến 13 đời và vì đời thứ nhất tương đương với đời 6 hoặc 5 của ngũ chi (khoảng nửa sau thế kỷ XV), nên phả hệ cũng được đưa đến giữa thế kỷ XIX;

 

       3.Bản nhan đề Mộ Trạch Vũ tộc ngũ chi phả (166 trang), ký hiệu A.659, có đóng dấu Thư viện E.F.E.O., làm microfilm No617, trả lại ngày 22 – 10 – 1955; nội dung và bố cục hoàn toàn trùng khớp với bản A.3132, chỉ có vài xuất nhập không đáng kể do lỗi sao chép;

       4.Bản nhan đề Vũ tộcbát phái đồ phả (166 trang), ký hiệu A.3137, có đóng dấu Thư viện E.F.E.O., đưa làm microfilm No553, trả lại ngày 6 – 9 – 1953; nội dung cũng là sự tích và thế thứ của bát phái họ Vũ làng Mộ Trạch, nhưng có một số khác biệt so với bản A.660:

       -Nhan đề không có tên làng Mộ Trạch và dòng sát gáy ở trang đầu không tên huyện, tổng, làng, chỉ đề “Bát phái thế thứ đồ”;

       -Không có 4 cột ghi tên họ và thế thứ của nhóm tác giả Vũ Phương Lan;

       -Các phái Đinh, Mậu, Kỷ, Canh chép được nhiều đời hơn: 14/15 đời (A.660 tương ứng: 13, 11, 12, 13 đời); số lượng nhân khẩu những đời sau cũng thường đông đảo hơn, chẳng hạn so với A.660 thì ở phái Đinh đời 12 thêm 7 người, đời 13 thêm 9 người;

       -Sự tích một số nhân vật cũng không hoàn toàn trùng khớp với nhân vật tương ứng ở A.660, ví dụ chuyện 4 hào kiệt trong làng trị thói hống hách của Quốc cữu họ Mạc chép ở phần viết về đời thứ nhất – ông Huyền Ân, chứ không ở phần viết về ông Cương Trực, đời thứ 2, như bản A.660.

       Những điều trên chứng tỏ đây là bản sao và tục biên bản A.660, cần có thời gian và diều kiện thẩm định kỹ hơn.

       5.Bản kkhông đề, đóng thành 3 tập (tổng số 448 trang), ký hiệu VHv. 1342/1-3, không có dấu của Thư viện E.F.E.O. (chỉ thấy các dấu chữ nhật ghi năm, sớm nhất là 1967), không rõ có microfilm hay không; quyển 1 và 2 nội dung là quyển thứ nhất, tức phả Tiền ngũ chi và Hậu ngũ chi, trùng khớp hoàn toàn với bản A.3132; quyển 3 ở bên gáy tờ 1a đề Mộ Trạch Vũ tộc Thế Trạch đường thế hệ sự tích, tức là phả của phái Đinh (phái thứ 4 trong bát phái); số đời trùng khớp với A.3137, nhưng sự tích chi tiết hơn; đặc biệt bố cục phần phả hệ khác hẳn: không nhất quán theo” hệ thống ngang” như A.3132, A.659, A.660 và A.3137 mà lại kết  hợp miêu tả các thế hệ theo “hệ thống ngang”- 5 đời trên cùng, với “hệ thống dọc”- từ đời thứ 6 cũng phân thành ngành trưởng, ngành thứ, rồi mỗi ngành từ đời thứ 7 lại chia thành đệ nhất chi, đệ nhị chi v.v… để miêu tả dứt điểm từng chi. Bản phả này cũng cần tìm hiểu kỹ hơn…;thơ văn của các tổ tiên trong phái chép riêng thành một phần sau phần phả hệ; thế thứ và sự tích nhân vật không phải hoàn toàn trùng khớp với A.660.

       6.Bản Mộ Trạch Vũ tộc Thế Trạch đường gia phả (108 trang), ký hiệu A.3136, không có dấu Thư viện E.F.E.O, không rõ có mocrofilm hay không; là một bản thừa sao và tục biên riêng phái Đinh (phái thứ 4 trong bát phái): cuối lạc khoản lời Tựa của Vũ Phương Lan có đề tên hiệu người sao là “Hậu duệ Vũ Hoa Phong phủ thừa sao”; cuối phần phả hệ lại có đề rõ niên đại và họ tên người sao: “Hoàng triều Khải Định ngũ niên Canh Thân tức Tây lịch nhất thiên cửu bách nhị thập niên [1920]. Thanh Miện huyện Thừa dịch viễn tôn Vũ Xuân Phổ thừa sao nguyên bản”.

       Cuối phần thứ hai là phần sao bi ký và thơ văn của các tiên tổ trong phái cũng có niên đại và họ tên người sao: “ Minh Mệnh lục niên thất nguyệt sơ tam nhật [ 1825]. tự tôn Vũ Trọng Liên thừa sao”.

       Như vậy phần phả hệ là một bản sao khá muộn – năm 1920, có lẽ ông Vũ Xuân Phổ sao từ quyển 3 của VHv. 1342/1-3 (?) bởi vì cách lập phả hệ cũng như vậy, tức kết hợp hệ thống  ngang với dọc .

       7.Bản Mộ Trạch Vũ tộc Tích Thiện đường phả ký (142 trang), ký hiệu A.661, là bản sao và tục biên phả của phái Kỷ (phái thứ 6 trong bát phái ), có lời Tựa do Lương Đường Độn Tẩu Vũ Văn Tài soạn năm Minh Mệnh thứ 14 [1833 ]. Tên hiệu Lương Đường chứng tỏ tuy Vũ Văn Tài viết lời Tựa này năm 1833, nhưng người sao chép thực hiện sau 1841- trước 1886, vì chỉ vì từ năm 1841 tên làng Hoa Đường, do ký huý thân mẫu của vua Thiệu Trị, mới bị đổi thành Lương Đường, rồi đến 1886 do kỵ huý vua Đồng Khánh lại phải đổi thành Lương Ngọc.

       8 & 9.Vũ tộc khoa hoạn phả ký (48 trang ), ký hiệu A.662 và Mộ Trạch thế phả (14 trang ) về thực chất không phải là gia phả mà là 2 bản trích lục những người đỗ Tiến sĩ trong họ.

       Qua sơ bộ tìm hiểu, các bản phả Tiền ngũ chi và Hậu ngũ chi (quyển I ) A. 3132, A. 659 và VHv. 1342 về thực chất như nhau, nên việc chọn quyển nào để xử lý điều không thành vấn đề. Chúng tôi chọn bản A. 3132 Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích làm quyển I trong bộ phả để xử lý và giới thiệu, vì nó được sao chép rõ ràng, không có sai sót. Hai bản phả bát phái đòi hỏi có sự cân nhắc. Bản A. 3137 Mộ Trạch vũ tộc bát phả đồ phả, tuy ở một số phái được ghi được nhiều đời hơn, nhân khẩu dường như đầy đủ hơn, nhưng xuất xứ văn bản chưa chính xác được: không đầu đề, không tên người soạn, cách viết lại khác biệt với quyển i : sự tích nhân vật vắn tắt, không xen kẻ văn thơ minh hoạ, sự tích một số nhân vật có những mâu thuẫn. Những bản phả chép riêng từng phái, tục biên chi tiết hơn thì chỉ có 2 phái Định (Thế Trạch đường) và Kỷ (Tích Thiện đường ), cách viết lại hoàn toàn khác nhau như đã phân tích ở trên. Do đó chúng tôi đã chọn bản A. 660 Mộ Trạch Vũ tộc bát phái phả làm quyền II để hợp với bản A.3132 thành một bộ, vì những lẽ:

       -Có xuất xứ rõ ràng, về đầu đề, tên tác giả đồng nhất với quyển I, hơn nữa là bản duy nhất có cách gọi địa danh của tổng – Thì Cử - như đời Lê (từ 1848 đã phải đổi thành Tuyển Cử do kỵ huý vua Tự Đức) và số hiệu như trong lời Tựa  của tác giả Vũ Phương Lan - Hạ quyển, chứng tỏ nó là một bản sao và tục biên gần với nguyên bản hơn.

       -Có cách viết thống nhất với A.3132 (quyển I, hay Thượng quyển theo cách gọi của Vũ Phương Lan): lập phả hệ  nhất quán theo hệ thống ngang, miêu tả sự tích nhân vật xen kẽ thơ văn.

Người đăng: admin