Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 57
Truy cập hôm nay: 729
Lượt truy cập: 11,522,720
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
LÀNG ÔNG BẢNG NHÃN CHẾ KHOA ĐỜI VUA TỰ ĐỨC

 

LÀNG ÔNG BẢNG NHÃN CHẾ KHOA ĐỜI VUA TỰ ĐỨC

 

Vũ Duy Thanh  đậu khoa Tân Hợi 1851 ở huyện Yên  Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Kể từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, lúc tôi đang học Đại Học văn Khoa Sài Gòn ở Ban Việt Hán, các ông thầy dạy Hán Văn của chúng tôi đã kể chuyện về “Ông Bảng Bồng” đời Tự Đức giỏi văn chương như thế nào? Vì các ông Thầy tôi đều là những nhà Nho có khoa bảng triều Nguyễn còn sót lại, như cụ Nghè, Nguyễn Sĩ Giác, cụ cử Thẩm Quỳnh, cụ cử Nam Đán, cụ cử Ngô Mạnh Nghênh, cụ cử Bùi Lương, cụ kép Vũ Huy Chiểu, cụ Tú Nhiễm. Các cụ đều biết cụ Bảng Nhãn Vũ Duy Thanh là bậc tiền bối tài năng của các cụ, từng đậu Đệ Nhất Giáp Cát Sĩ Cập Đệ, đệ Nhị Danh (nhà Nguyễn không lấy  học vị Trạng Nguyên, mà cụ là Đình Nguyên Bảng Nhãn, coi như là ông Trạng, nên nhân dân vùng Sơn Nam Hạ (Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình) tôn vinh ông là “ Trạng Bồng”.

Thuở đó, là một sinh viên ngoài 20 tuổi, tôi cũng ngưỡng vọng “Cụ Trạng Bồng” trong sử sách lắm! Vì thấy trong triều Nguyễn tổ chức 38 khoa thi Hội Đình, Cát Sĩ, Nhã Sĩ, chọn được 557 vị Tiến Sĩ, phó Bảng, thuộc hàng đại khoa. Nhưng chỉ có 10 ông trong số đó đậu Đệ Nhất Giáp Cập Đệ (Tiến Sĩ Hạng Nhất). Với 8 ông Thám Hoa, chỉ 2 ông Bảng Nhãn (cùng tên là Thanh và đều đậu năm Tân Hợi 1851). Đó là, cụ Phạm Thanh (sinh năm 1821) quê ở Thanh Hoá và cụ Vũ Duy Thanh (1811-1863). Và lạ hơn, người đậu sau cụ Bảng Thanh họ Vũ, lại là cụ Thám Hoa Vũ Huy Dực (1798 – 1872) cũng là họ Vũ. Triều Nguyễn có 8 Thám Hoa thì họ Vũ chiếm hai  (cụ Thám Dực (quê ở Bắc Ninh) và cụ Vũ Phạm Hàm). Không ngờ 44, 45 năm sau, lúc tuổi tôi đã 67 rồi, lại có dịp đi một chuyến du khảo các thôn xã Miền Bắc và gần một nửa dải đất Miền Trung, để tìm hiểu các làng xã xưa có những dòng họ Vũ, Võ lẫy lừng khoa bảng công danh trong quá khứ thời Nho học.

Chuyến du khảo qua gần 40 làng xã có họ Vũ, nhưng điều làm cho tôi mãn nguyện hơn cả là việc khảo sát các dòng họ Vũ, ở làng Mộ Trạch, Phục Lễ, Thạch Lỗi, Lạc Tràng, Vĩnh Trụ, Hà Hoàng và họ Vũ làng Kim Bồng (nay gọi là Vân Bồng huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình). Vào những ngày cuối tháng 5-2006,  nhóm của chúng tôi có ba người: anh Vũ Huy Thuận, A.Vũ Hữu Chính và tôi, sau khi từ giã thị xã Ninh Bình lúc 8 giờ 30, ngày 26 -5-2006, đi theo đường số 10 về Phát Diệm hỏi thăm mãi, người dân địa phương chỉ đường lung tung. Tội nghiệp anh Thuận lái xe quá vất vả. Cuối cùng, làng Vân Bồng, nay thuộc xã Khánh Hải, chỉ cách thị xã Ninh Bình khoảng 12 km mà mất cả giờ lái xe, do đường làng quê nhỏ hẹp, mấp mô, ổ gà, phân trâu và rơm rạ phơi phủ mặt đường, làm cho xe không dám đi nhanh. Chúng tôi đã tìm được ngôi từ đường họ Vũ thời cụ Bảng Nhãn Vũ Duy Thanh - “quan Trạng Bồng”, bậc đại khoa lỗi lạc, mà bấy lâu tôi cứ ao ước được tới thăm và được đọc cổ phả họ Vũ ở đó.

Tôi có thể tự hào vì những gì chúng tôi đã làm được trong chuyến đi. Ba chúng tôi đã đi thăm và khảo sát quay phim, chụp ảnh, ghi chép tư liệu được gần 40 nhà thờ họ Vũ của gần  thôn xã trong 19 ngày từ Nam ra Bắc, lại quay về Miền Nam. Việc này chúng tôi say mê thật sự. Công đầu là ở anh Huy Thuận tạo điều kiện cho “ba thằng hâm” chúng tôi ròng rã 16 giờ đồng hồ một ngày ngồi xe đi vào các làng xóm xa xôi, đường đi ngoắt nghéo chật hẹp.

Kết quả,  chúng tôi đã chụp được hơn 300 tấm ảnh màu tư liệu, ba bốn cuộn băng thu hình màu hàng chục trang ghi chép và nhận được gần chục tư liệu Gia phả họ Vũ ở một số nơi do chính tay các ông bà Trưởng họ Vũ ở các làng trao tặng ân cần. Khi họ thấy ba chúng tôi đi tìm hiểu thật sự, lại đọc được hoành phi, câu đối, bia đá cổ và bài vị cùng gia phả cũ bằng chữ Nho. Đến đâu cũng nhận được sự quý nể, đón tiếp nhiết tình  và tin cậy. Do biết cách phỏng vấn, nói được đúng tên các cụ Tổ họ Vũ của họ xưa ra sao, nên bà con trong họ vui vẻ, tiếp đón nồng hậu và cảm động, không nghi ngờ là ”cánh nhà báo dỏm” làm việc linh tinh (như bà con cho biết)!

Ông Vũ Tá Lâm và anh Chính, anh Thuận đều phải nói nhỏ với tôi: “có lẽ, từ trước đến nay chưa có một dòng họ nào ở VN đã làm một chuyến du khảo nghiêm túc và tìm hiểu được về làng xã và các dòng họ, nhất là làm riêng cho họ Vũ, Võ như tụi chúng mình”. Có lẽ “ông lão đồng tuế” với tôi là Bác Vũ Tá Lâm, đã chứng kiến chúng tôi làm việc khá vất vả, nhưng có hiệu quả thật sự? Đó là học hỏi, khảo sát được sự thật về tình trạng các chi họ Vũ, Võ ở các làng cổ nổi danh, nay còn gì? mất gì? thực trạng ra sao? Chắc chắn khác xa điều các ông ở trong Ban chấp hành của 2 Ban liên lạc họ Vũ, Võ Hà Nội và Thành Phố HCM từng suy nghĩ. Đây mới chỉ là một chuyến du khảo họ Vũ, Võ đầu tiên thôi. Hy vọng, sau này còn có thể thực hiện các chuyến kế tiếp!

Trở lại câu chuyện về làng Vân Bồng, tôi vô cùng cảm động được một cụ ông già trên 82 tuổi tên  cụ là Vũ Duy Đài người thấp, chân đi khập khiễng rất khó khăn (do bị Pháp tra tấn, đánh gẫy chân), gầy gò, bé nhỏ (chỉ cao chừng 1m 30 nặng khoảng 30 – 35 kí lô). Cụ còn khoẻ mạnh, giọng sang sảng đầy sinh khí, dù rằng cụ đi lại khó khăn. Cụ Hai Đài (cụ còn người anh ruột tên là Vũ Xuân Thuỷ đã 85 tuổi, là Trưởng Họ, đang sống với con cháu cụ ở thị xã Ninh Bình. Cụ Thuỷ hiện giữ các gia phả xưa của họ Vũ ở Vân Bồng) rất nhiệt tình, vui vẻ tiếp chúng tôi và sai con cháu mở cửa Nhà Thờ Họ để chúng tôi thắp hương ghi băng hình, chụp ảnh và chép lại một số chữ thờ trên hoành phi, câu đối …… Qua câu chuyện kể rất rành rọt và không tô vẽ nhiều, chứng tỏ cụ đã từng trải giao tiếp với khách thập phương. Tôi nghe xong, có ghi chép lại những gì chúng tôi cần. Hỏi chuyện hóa ra xưa thời giặc Pháp càn quét, “đốt làng diệt thôn”. Cụ Đài còn là thanh niên yêu nước chống Tây, nên bị giặc Pháp và bọn lính Nhà Thờ của cố đạo Lê Hữu Từ và Hoàng Quỳnh đem lính giáo dân, cùng bọn Tây về phá và đốt nhiều Đền, Chùa, Miếu, Từ Đường cổ kính của nhiều làng bên Lương dân từ tháng 1-1947 đến tháng 1-1954. Cụ kể: “Nhà thờ họ Vũ chúng tôi, ngày xưa nguy nga, to rộng hơn nay nhiều. Dù bị Tây và giặc tàn phá, thế nhưng vẫn còn xót lại nhiều thứ, nhờ họ hàng, con cháu giấu diếm được. Nhưng tàn hại hơn cả là trong đợt cải cách ruộng đất 1954 – 1958 người ta tịch thu nhà ở, nhà Từ Đường, ruộng đất và thiêu huỷ bàn thờ, sách chữ Nho. May lúc đó, tôi là thương binh (bị Tây bắt được, ở tù mãi và bị chúng tra tấn đánh què chân, tàn tật đến nay đã gần 60 năm! Khi hiệp định Ger-nève 1954, tôi được thả), đang làm bí thư xã rồi làm huyện ủy viên. Anh tôi và tôi đã nhặt nhạnh những gì còn lại của Từ Đường Vũ tộc Kim Bồng, cất đi mà ngậm ngùi. Thời thế ác quá! May sao, gia phả còn nguyên vẹn, nay anh tôi giữ ở thị xã Ninh Bình”.

Sau đó, cụ sai người cháu nội (hơn 30 tuổi có vợ con rồi) đem tập Gia Phả họ Vũ Vân Bồng chép bằng quốc ngữ khá rành rọt. Tôi ghi vội các chi tiết cần thiết cho việc nghiên cứu. Trong 15-20 phút cụ cao hứng kể thao thao sự tích cụ Bảng Bồng nhà cụ thời xa xưa,  cách nay đã 150 năm đến gần 200 năm (1811-1863-2006) như thế nào? Gần đây tôi đọc tập  Thông báo hán nôm  của Viện Hán Nôm ở Hà Nội phát hành mỗi năm 1 tập (dày từ 450 trang đến hơn 750 trang), có bài viết về cụ Bảng Bồng rất trân trọng. Nay được nghe cụ kể “người thực, việc thực” tôi thấy thực sự hào hứng, bị cuốn hút theo ngay.

Tôi hỏi cụ Hai Đài:

“ Thưa cụ, từ cụ Bảng Nhãn nhà ta xuống đến đời anh em cụ được mấy đời rồi ạ?”.

Cụ nói oang oang tươi vui (có pha chút hãnh diện):

“ Tôi phải gọi cụ Bảng là ông Tổ Bốn đời”.

“ Thế từ Ngài Thuỷ Tổ họ Vũ ở Kim Bồng đến đời Cụ được bao nhiêu đời”?

“Tới đây đã có bao nhiêu đời ạ?”

 Cụ đáp:

“Đến tôi là đời thứ 12, nhưng đến anh em tôi đã có chắt (cháu cố) thuộc đời thứ 15”!

“Vậy ông tính xem được bao năm?” “Chúng tôi chỉ biết, cha chúng tôi nói là: Cụ tổ họVũ nhà tôi đầu tiên ở đời Cố Lê (tức hậu Lê)”

Tôi thưa:

 “Có lẽ trên dưới ba trăm năm thôi ạ! khoảng năm 1700 gì đó? đời vua Lê Hi Tông, niên hiệu Chính Hòa”

Bỗng mắt cụ tươi sáng lên nói:

“Ồ! ông tài nhỉ ? Tôi nghe năm xưa cha tôi bảo: họ ta về làng Bồng đời Chính Hòa, còn đời vua nào thì cụ tôi không rõ. Nên biết thêm: niên hiệu Chính Hòa là từ năm 1680 – 1705”.

 Trong khoảng hơn một giờ đồng hồ, từ 9g30 - 10g47 phút, nhóm chúng tôi trong tâm trạng rất hưng phấn, làm xong được nét khái quát về họ Vũ ở làng cụ Bảng Nhãn Cát Sĩ Khoa: Vũ Duy Thanh, giữa triều Nguyễn (1851-1863). Vậy nay, tôi xin lần lượt khảo biên như sau:

·        Tiểu sử ông Bảng Nhãn Vũ Duy Thanh .

·        Sơ lược gia thế họ Vũ ở Kim Bồng (Vân Bồng nay).

·        Mô tả nhà thờ họ Vũ ở đây: nét văn hoá Nho học còn lại.

·        Cảm nghĩ của những người đi khảo cứu hôm đó.             

1.Tiểu sử ông Bảng Nhãn Vũ Duy Thanh

Bảng Nhãn Vũ Duy Thanh (1811 – 1863), thọ 53 tuổi. Ông là người xã Kim Bồng, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Sinh năm Tân Mùi, 1811 đời vua Gia Long năm thứ 10. Ông học giỏi, thông minh, và chăm học. Đi thi từ lúc gần 18 tuổi (đời Minh Mạng), nhưng chỉ đậu có Tú Tài và Nhị Trường mấy lần. Năm Quý Mão 1843, lúc đã 34 tuổi thì đậu Cử Nhân thứ 11/ 21 ông Cử cùng đậu ở trường thi Nam Định. Sau đó, được bổ đi làm quan cấp nhỏ và ông đã dự thi Hội ở kinh đô Huế ba lần: 1844, 1847 và 1848, đều hỏng thi ở Đệ Nhị và Đệ Tam trường thôi, không thể trúng cách đại khoa. Hình như năm 1849, ông không dự thi Hội? Đến tháng 9 năm Tân Hợi (tháng 10 – 1851), ông lại nộp quyển thi, lúc đó đã 41 tuổi âm lịch. Nhưng buồn thay, ông chỉ đậu Phó Bảng hạng áp chót 19/ 20 vị đăng khoa. Mà ông Phạm Thanh (gốc Hậu Lộc, Thanh Hóa) đậu thủ khoa: Đình Nguyên Tiến Sĩ Đệ Nhất Giáp Cập Đệ, đệ Nhị Danh tức Bảng Nhãn thật, duy nhất triều Nguyễn.

Khi đó, Vua Tự Đức mới lên ngôi được “4 năm”(1851), tỏ ra quý trọng Nho sĩ và nhân tài. Có lẽ thấy, các ông phó Bảng tuổi đã cao, sức học uyên bác mà lận đận công danh, như Vũ Huy Dực 54 tuổi, Vũ Duy Thanh 41 tuổi, Phạm Huy 41 tuổi …. nên Vua đã hạ chiếu chỉ cho mở một khoa thi đặc biệt giành cho các ông quan giỏi văn chương để kén chọn nhân tài giúp vua và triều đình trị nước chăn dân. Khoa thi này được tổ chức duy nhất có một lần trong 97 năm thi cao cấp đại khoa nhà Nguyễn, được gọi là: “Chế khoa cát sĩ bác học hoành tài" cùng năm Tân Hợi (1851). Đây là một khoa thi đặc biệt mà Vua Tự Đức cho tổ chức qui củ y như thi Hội chính khoa tiến sĩ thường lệ. Cũng tổ chức lễ Truyền Lô và ban Mũ áo, cờ biển như cho Tiến Sĩ đại đang khoa vậy.

Vinh hạnh thay, ông phó Bảng Vũ Duy Thanh vừa mới đăng khoa chưa bao lâu, thì 2 tháng sau, tháng 11 âm, năm Tân Hợi (12-1851) ông trúng luôn Bác Học Hoành Tài, Đệ Nhất Giáp Tiến Sĩ Cập Đệ, đệ Nhị Danh, Đình Nguyên Chế Khoa. Đây là một danh dự hiếm thấy có, độc nhất vô nhị  khoa cử nhà Nguyễn, chỉ tổ chức một lần. Thế là, tháng chạp năm Tân Hợi (khoảng 1-1852) Vua cho ông Tân Khoa Bảng Nhãn Cát Sĩ, kiêm phó Bảng Ất Tiến Sĩ được vinh quy bái tổ vô cùng trọng thể, lúc đó ông đã 41 tuổi. Nếu ông còn dưới tuổi 25, thì thiên hạ đã tranh nhau gả con gái cho ông?

Tương truyền, nhân dân các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, cho đến Hà Tĩnh, Nghệ, Thanh đua nhau ra xem mặt quan Bảng Nhãn kiêm phó Bảng, trên đường các quan cưỡi ngựa và đi cúng vinh qui về huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Theo điển lệ nhà Nguyễn, ai đổ Tiến Sĩ thì cấp phủ sở tại tổ chức đón rước trọng thể. Nhưng trường hợp ông Vũ Duy Thanh đặc biệt hơn. Ông và đoàn tuỳ tùng (đệ tử, anh em, con cháu, họ hàng, lý trưởng Vân Bồng và chánh tổng, tổng Yên Khánh) đi đến tỉnh nào cũng được các quan đầu tỉnh: Tổng Đốc, Tuần Phủ, Ai Sát, Đốc Học đón tiếp đặc biệt, khi ông Tân Khoa triều đình họ Vũ ghé chào xã giao theo phép tắc xưa của Nho gia.

Khi ông Bảng Nhãn Cát Sĩ Vũ Duy Thanh về đến Ninh Bình phải ghé vào chào quan Thần phủ, Án Sát và được tiếp đón linh đình. Vì ông đã mang danh vọng hiếm có cho tỉnh nhà. Các quan phủ Yên Trường và tri huyện Yên Khánh tổ chức võng lọng, nhà nhạc, cờ biển đưa ông và cha mẹ ông bà Vũ Duy Thanh về quê nhà Kim Bồng (vì triều tổ nhà Nguyễn tên Nguyễn Kim, nên khi vào Điện thí, vua Tự Đức bắt đổi tên làng ra Vân Bồng từ đó). Cả tỉnh Ninh Bình từ đầu triều Nguyễn, chưa có ai đậu cao bằng ông, nên toàn huyện Yên Khánh đều hãnh diện có ông Bảng Nhãn đem về tiếng thơm văn học khoa giáp lẫy lừng như thế: “Quan Bảng Bồng” hay “ông Trạng Bồng”.

Đến nay, đã hơn 155 năm (1851 – 2006) mà nhân dân ở huyện Yên Khánh ai cũng ngưỡng mộ và biết đến ông. Nhân dân cả xã Khánh Hải (gồm nhiều thôn, làng) hàng năm, tháng tư vẫn tổ chức tế lễ ông, coi như một danh nhân văn hoá lỗi lạc, và còn thờ ông như một ông Thần Làng. Chúng tôi được người địa phương và con cháu ông Bảng Nhãn, 4, 5 đời sau, kể như thế. Chính tôi còn được thấy một Sắc phong chức Tế Tửu do Vua Tự Đức ban cho ông năm 1855. Và một tấm biển có cán dài, sơn son thiếp vàng khắc nổi 4 chữ danh dự : ÂN TỨ VINH QUI                 ……………. theo chiều dọc trên khung chữ Nhật, lồng kính treo cạnh bàn thờ, và cắm ở giá bát bửu bên gian bái đường. Sẽ mô tả sau.

2.  Sơ lược gia thế họ Vũ ở Kim Bồng (Vân Bồng nay).

Cụ Vũ Xuân Đài, cháu bốn đời cụ Bảng Bồng đã cho phép ba chúng tôi, quay phim, chụp ảnh nhà Từ Đường họ Vũ Vân Bồng và xem bản gia phả nơi đây (bằng quốc ngữ rất sơ lược, riêng cổ bản chữ Nho thì được cụ Trưởng tộc Vũ Xuân Thuỷ giữ cất ở thị xã Ninh Bình, nhà số 22 đường Bắc Giang, phố 3, phường Đông Thành, điện thoại: 030.883550).

Qua tìm hiểu chúng tôi biết đại cương:

Đời I . Ngài thủy Tổ là ông cao cao cao tổ khảo: LÃO CHÍNH Vũ quý công (phủ quân). Không rõ tên thật là gì ? Bà thuỷ tổ: hiệu TỪ AN.

Đời II. Ngài cao cao tổ khảo (không rõ tên), hiệu PHÚC  CHÍNH.

Bà đệ nhị tổ tỉ : hiệu TỪ  CHÍNH (không nhớ họ tên cụ bà).

Đời III - Ngài cao cao tổ khảo, có tên Tự (chữ đẹp) là THUẬN ĐỨC giỗ 16 tháng 11, mộ táng ở Đường găng xứ. Giỗ ba:17 tháng 9 ta. Hai cụ sinh được: ông cả là cụ VŨ LƯƠNG AN (mất sớm) ông thứ là cụ VŨ – TIỆP (đoạt trưởng thay anh) và hai bà con gái: Vũ Thị Thậm và Vũ Thị Đĩnh (tổ cô).

Đời IV . Ngài cao cao tổ khảo: huý VŨ TIệP, chức Phù Nam Vệ – Sĩ. Bà tổ tên BÙI THỊ CHÂM, hiệu TỪ NGHI. Hai cụ sinh được ba trai:

1.    Vũ Đăng Siêu (ông Cả)

2.    Vũ Đăng Phùng (ông Hai)

3.    Vũ Đăng Phiên (ông Ba)

Đời V – Ngài Đăng Phiên, Vũ quý công (ghi không rõ) “cụ bà Phiên có tên Hiệu TRUNG THUẬN” sinh ra cụ Vũ Văn Thai là đời thứ sáu.

Đời VI- Ngài VŨ VĂN THAI (là con cụ tổ thứ ba Vũ Văn Phiên)

Sau cụ Thai đổi tên là CHÂN (nhưng kiêng tên vua Ưng Chân tức là  tức Dục Đức phế đế (1883). Nên phải đọc là CHÔN. Gia phả chép cụ là: Hiển Tằng Tổ Khảo, Cố LÊ, tốn công thứ lang (ông con thứ) Hiệu: CảNH – THUẬN, Huyện Thừa Vũ quý công, hiện Anh- Nghị, Tự: Hùng Đoán (phủ quân) [có lẽ con cháu sau, chép sai về Tự, Hiệu?] cụ sinh năm Tân Dậu (1741), mất năm Quý Mùi (1813) thọ 73 tuổi. Cụ bà tên: Nguyễn Thị Hành, hiệu TỨ HUệ, thọ 72 tuổi. Hai cụ sinh ra 6 con trai: 1.VŨ TRọNG TRÌNH, 2.VŨ VĂN THÔNG, 3. cụ CảNH, 4. cụ TÚC (còn 2 ông Ngó và Sáu chết từ nhỏ).

Đời VII – Cụ Hiển Tổ Khảo VŨ TRọNG TRÌNH (đã thi đậu Tú Tài tức sinh đồ đời Hậu Lê, bị sĩ tử phá trường thi, nên không cho đậu nữa) cụ Trọng Trình sinh ba trai, ba gái: (Hợp, Thơm, Thảo).

Ba trai: 1.Vũ Trọng Thực 2.Vũ Văn Ty (mất sớm) 3- trai út tên lúc trẻ là VŨ VĂN TÂN            (có lẽ đẻ vào năm Tân Mùi mới có tên như thế? Khi lớn lên ông TÂN đổi ra DUY THANH: (tức là  chỉ có một lòng trong sạch, công bằng) chính là ông Bảng Bồng

Đời VIII – Cụ Vũ Văn Tân, đổi tên VŨ DUY THANH (1811 – 1863) Ông Bảng Nhãn kiêm phó Bảng có hai bà vợ. Mỗi bà sinh được một con trai: 1/ trai cả: VŨ VĂN THÂM (chết cùng cha là cụ Bảng Bồng, lúc này mới có 14 tuổi (sinh năm 1850) tên gọi ở nhà là GộC. Hai cha con bị một âm mưu sát hại! 2/ con thứ (út): ông ấm VŨ DUY HÀM (kế trưởng).

Đời IX . ông VŨ DUY HÀM (con trai bà vợ thứ và cụ Bảng) có lẽ sinh năm 1855 gì đó? Vì cha làm quan to, nên ông được ban Ấm Tử (con quan được triều đình phong cho) ông Ấm sinh được 5 trai: Đức Uông, Duy Bật, Duy Khiết, Duy Thiệp và Trọng Nghiêm, cùng 4 bà con gái nữa.

Đời X. ông VŨ ĐỨC UÔNG (ngành Trưởng) [đến đây,không chép về ngành thi vì quá đông đúc.

Đời XI. ông VŨ DỤNG CẤP (ngành Trưởng)

Đời XII. ông cả VŨ XUÂN THỦY (sinh 1922) [hiện còn sống thọ là 2 con của cụ Cấp. ông hai VŨ XUÂN ĐÀI (sinh 1924). Hai cụ Thuỷ và Đài  đã có cháu chắt nhiều, đến đời XV (15). Đây mới chỉ là một CHI THỨ BA (từ đời thứ 4). Thật ra, còn có nhiều CHI PHÁI Họ VŨ ở đây. Nhưng vì có cụ Bát Đại Tổ là Bảng Nhãn VŨ DUY THANH. Nên Chi này nổi trội và có Từ Đường riêng biệt. Chúng tôi xin phép lược thảo 1 phần nhỏ gia phả này, để chỉ bà con họ VŨ, Võ VN ngày nay biết được một phả hệ 12 đời khoảng 300 năm (1700-2000) của một danh nhân khoa bảng lỗi lạc, tổ điểm thêm cho khoa giáp họ Vũ nước Đại Việt- Đại Nam thế kỷ 19 vẻ vang hơn.

3.     Mô tả nhà thờ họ Vũ ở đây: nét văn hoá Nho học còn lại.

 

 

Trước hết, xin độc giả xem hình ảnh chụp ngôi Từ Đường mới trùng tu, không lâu. Vì theo cụ Đài, thời chiến tranh chống Pháp đã suy xụp nhiều. Đến thời cải cách ruộng đất và giai đoạn khắc khe (1954-1990), ngôi từ Đường đã tan hoang, con cháu cố gìn giữ được đến nay là may mắn lắm (giống như toàn nông thôn ta từ Quảng Bình trở ra miền Bắc qua 2 thời kỳ chiến tranh và khó khăn kinh tế, 1947-1990).

Từ Đường này mới trùng tu vài năm nay thôi chứ không nguyên trạng xưa. Đây là một ngôi nhà ngói 5 gian, tường gạch, khung nhà bằng gỗ theo lối xưa. Nền cao hơn sân đến 50cm, có hàng cột lim, mái vẩy, đầu hồi 2 bên xây bít, trên mái xây tam cấp, trông biết ngay là nhà Thờ Tổ. Từ Đường nhìn ra một sân rộng có tới 25x10cm lát gạch. Các cửa gian từ Đường vẫn theo lối xưa: cửa bức bàn, phải bước qua cao 40cm có nhiều cánh cửa phẳng, kín, không chạm trổ hoa văn gì cả, trông đạm bạc, nhưng trang nghiêm.

Chúng tôi đợi người nhà cụ Đài đi lấy chìa khoá. Mở cửa xong, chúng tôi xin thắp nhang lễ Tổ họ Vũ và đây chính là Nhà Thờ cụ Bảng Nhãn. Gian giữa Từ Đường bàn thờ mới tu tạo? Bức chạm cửa võng trên ngoài bàn thờ rõ ràng mới tân trang sơn theo thếp vàng còn khá mới sáng bóng. Nét hoa văn chạm trổ tinh vi, hình “lưỡng long tranh châu” (2 rồng tranh quả cầu lửa). Trên xà nhà, chính giữa phía trên cửa võng (nghi môn) có một bức hoành phi mới “đặt hàng hiệu) ở một làng nghề sơn son, thếp vàng, có bức diềm chạm trổ bao chung quanh khá đẹp. Trên nền bức hoành màu vàng óng, có khắc nổi bốn chữ Nho (viết hơi cẩu thả và xấu, không xứng chữ thờ bậc Đại Khoa, tiếc thay!); LĨNH TỤ QUẦN TIÊN đọc (                                    ) nghĩa là: người lãnh tụ của đám Tiên. Chữ Hán Nôm cổ, từ phải qua trái. Còn hiểu là: người cầm đầu (Tiên- quần- Tụ-Lĩnh ) văn chương khoa bảng trong giới Sĩ phu tài giỏi. Chữ LĨNH (lãnh) ở bảng hoành phi 2mx0.8 viết chữ LệNH (KIM ) thành chữ Kim (KIM ) (mới, nay). Đúng ra phải viết (         ) này. Đặc biệt, có đôi câu đối do Sĩ phu Ninh Bình làm ra chúc mừng ca ngợi ông Bảng Nhãn năm Tân Hợi (1851). Nhưng có lẽ đã bị phá hủy hay mất thời chiến tranh (1946 – 1975). Nay hậu duệ cụ Bảng Bồng thuê thợ “dỏm” phục chế, chữ xấu quá như trẻ mới học tập viết (buồn tiếc thay!) Câu, nghĩa thì hay, nét chữ thì dở do thợ dốt:

Vế phải : BảNG NHÃN THỊ TRạNG NGUYÊN KHOA DANH THUỶ THỬ.

Nghĩa: (đỗ Bảng Nhãn, coi như là đỗ Trạng Nguyên vậy, khoa Bảng và danh tiếng bắt đầu từ đây)

Vế trái :    VĂN CHƯƠNG KIềM HẠNH ĐỨC HọC GIả NGƯỠNG CAO

Nghĩa: (Tài văn chương gồm luôn hạnh kiểm, đức độ, khiến giới có học phải ngưỡng mộ ông ở chổ trên cao).

Lùi vào phía trong, nơi đặt Ngai thờ Bài vị cụ Bảng và song thân, còn một đôi câu đối (như bình mới rượu cũ, tức câu chữ xưa, mới thuê thợ làm lại, tương tự, nét chữ còn vụng về  như câu đối ở phía ngoài). Nội dung như sau :

Vế phải:                SĨ HOẠN HOÀNG LÊ SƠ ĐĂNG PHÚC

Vế trái :                KHOA DANH Đế NGUYỄN KINH THốNG QUANG.

Còn tiếp phần cảm nghĩ????

Bài: Vũ Hiệp sưu khảo

                                                                                        Ảnh: Vũ Hữu Chính

 

Người đăng: admin