12 VỊ TRẠNG NGUYÊN QUÊ BẮC NINH
Trạng nguyên là học vị cao nhất, dành cho người đỗ đầu khoa thi Đình. Thi Đình có nghĩa là thi ở sân đình trong cung Vua. Thi Đình, nhà vua trực tiếp ra đầu đề và sau khi hội đồng giám khảo hoàn thành việc chấm bài văn sách, cân nhắc điểm số, chính nhà vua tự tay phê lấy đỗ. Có ba loại học vị trong kết quả thi đình được xếp vào ba cái bảng gọi là giáp (chữ khoa giáp hay khoa bảng từ đó mà ra. Thời Nguyễn còn có học vị Phó bảng).
Nước ta trong suốt thời kỳ lịch sử khoa bảng, đặc biệt là từ khi triều đình phong kiến quy định có học vị Trạng nguyên (1247) đến hết thời Nguyễn, có 47 vị Trạng nguyên. Riêng ở Bắc Ninh hiện nay có 12 vị Trạng nguyên. Họ đều là những vị đại khoa tiêu biểu nhất trong số gần 400 vị đại khoa của tỉnh Bắc Ninh (theo địa lý hành chính hiện nay). Đó là những tấm gương sáng cho thế hệ kế tiếp học tập noi theo:
1. Nguyễn Quán Quang: (1222-?)-người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, nay là thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn. Năm 25 tuổi đỗ Trạng nguyên khoa thi Đại tỉ thủ sĩ, năm 1246. Ông là vị Trạng nguyên khai khoa của nước Việt, làm quan đến chức Bộc xạ, khi mất được tặng Đại tư không. Địa phương Tam Sơn tôn Nguyễn Quán Quang làm thành hoàng làng thờ ở đình, hiện còn bia đá ghi chép về ông và các vị tiến sĩ ở Tam Sơn.
2. Nguyễn Nghiêu Tư: (1383-?)-người xã Phù Lương, huyện Võ Giàng, nay là thôn Hiền Lương, xã Phù Lương (Quế Võ). Năm 1448 đỗ Trạng Nguyên, được bổ chức Hàn lâm Trực học sỹ, rồi đổi làm An phủ sứ lộ Tân Hưng. Ông được cử làm Phó sứ sang nhà Minh năm 1460 khi về được thăng chức Thượng thư, Chưởng Hàn lâm viện. Tác phẩm còn 2 bài thơ chép trong “Toàn việt thi lục”.
3. Vũ Kiệt: (1453-?)-người xã Yên Việt, huyện Siêu Loại, nay là thôn Cửu Yên, xã Ngũ Thái (Thuận Thành). Năm 22 tuổi đỗ Trạng nguyên nổi tiếng với văn “Đối đình sách”. Ông làm quan dến chức Tả thị lang bộ Công, kiêm Đông các hiệu thư (có tài liệu ghi là Đông các học sỹ), làm quan đại thần thanh liêm chính trực trong việc xét xử theo bộ luật “Hồng Đức”, nên được vua tin, dân phục.
4. Nguyễn Quang Bật: (1464-1505)-người xã Bình Ngô, huyện Gia Định, nay là thôn Thượng Vũ, xã An Bình, năm 21 tuổi đỗ Trạng Nguyên, làm quan đến chức Đô ngự sử. Ông cùng Đàm Văn Lễ nhận di mệnh của vua Lê Hiến Tông lập Túc Tông lên ngôi, sau bị Lê Uy Mục thù ghét, biếm chức, đầy đi Quảng Nam, đến sông Châu Phúc thì tuẫn tiết. Ông là thành viên của hội Tao Đàn. Sau con cháu kiêng lời thề của ông, đổi họ Nguyễn thành họ Đỗ dời sang làng Đại Mão, huyện Siêu Loại.
5. Nghiêm Viện: Người xã Bồng Lai, huyện Quế Dương-nay là thôn Cẩm Chàng, xã Bồng Lai (Quế Võ), đỗ Trạng nguyên khoa Bính Thìn (1496) đời Lê Thánh Tông. Trước tên là Nghiêm Viên, sau khi đỗ Trạng Nguyên được vua yêu quý đổi là Nghiêm Viện và gả công chúa cho. Ông được dân Cẩm Chàng thờ làm phúc thần ở đình làng.
6. Nguyễn Giản Thanh: (1483-1552). Húy là Thanh, thụy Hựu An tiên sinh, người xã Ông Mặc, huyện Đông Ngàn-nay là thôn Hương Mạc, xã Hương Mạc (Từ Sơn), con của Tiến sĩ Nguyễn Giản Liêm. Ông đỗ Trạng nguyên năm 1508, làm đến chức Hàn lâm viện thị thư kiêm Đông các đại học sỹ, sau làm quan nhà Mạc, vâng mệnh đi sứ nhà Minh cầu phong cho Mạc Đăng Dung, khi trở về được thăng chức Lễ bộ thượng thư kiêm Hàn lâm viện thị độc, Chưởng viện sự tước Trung Phụ bá, sau khi mất được tặng tước Hầu. Ông tạ thế năm 1552 khi sắp về trí sỹ, thọ 70 tuổi, tác phẩm có “Thượng côn châu ngọc tập” và “Phư ơng thành xuân sắc phú”.
7. Ngỗ Miễn Thiệu: (1499-1556)-người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn-nay là thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn (Từ Sơn) là con trưởng của Ngô Thầm, cháu họ Ngô Luân, cha của Ngô Diễn, Ngô Dịch. Ông đỗ Trạng nguyên năm 20 tuổi năm 1518, làm quan triều Mạc, thăng đến chức Lại bộ Thượng thư kiêm Đô ngự sử, Chưởng Hàn lâm viện sự, nhập thị kinh diên, tước Lý Khê bá. Ông là bậc quan tài năng đức độ, thông minh, từng được Mạc Đăng Dung mời họa thơ. Sau phong đến chức Lễ bộ thượng thư kiêm Đông các đại học sỹ Ngự sử đại đô, Hàn lâm viện thị thư Trình Khê hầu.
8. Hoàng Văn Tán: Người Xuân Lôi, huyện Quế Võ; xuất thân Giám sinh, đỗ Trạng nguyên năm 1523. Sau làm quan đến chức Tả thị lang bộ Lễ, được giao cùng với Nguyễn Văn Thái thảo tờ chiếu của Lê Cung Hoàng nhường ngôi cho Mạc Đăng Dung.
9. Nguyễn Lượng Thái: (1525-1576)-người xã Bình Ngô, huyện Gia Định, trú quán tại xã Trạm Lộ (Thuận Thành), là cháu họ Nguyễn Trùng Quang. Năm ông 29 tuổi đỗ Trạng nguyên, làm quan đến chức Tả thị lang bộ Lễ, tước Định Nham hầu.
10. Vũ Giới: (1541-1593). Hiệu là Hòa An tiên sinh, người xã Lương Xá, huyện Thiện Tài, nay thuộc thôn Lương Xá. Ông là con Tiến sỹ Vũ Kính, cháu Tiến sỹ Vũ Cẩn, con rể Tiến sỹ Hoàng Sỹ Khải. Ông đỗ Trạng nguyên năm 1577, làm quan đến chức Hữu thị lang bộ Hộ kiêm Chưởng Hàn lâm, sau đó được thăng Lại bộ Thượng thư, mất năm Quý Tỵ (có sách chép mất năm 1606).
11. Nguyễn Xuân Chính: (1588-1676)-người xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, nay là thôn Roi Sóc, xã Phù Chẩn (Từ Sơn), ông nội của Nguyễn Xuân Đỉnh. Năm 50 tuổi đỗ Trạng nguyên, ông liên tục đỗ đầu 3 kỳ thi, là người tinh thông binh thư, sách lược. Ông làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang, Nhập thị kinh diên, tước Đạo Ngạn bá. Sau khi mất được tặng Thượng thư bộ Binh, tước Đạo Ngạn hầu, tạ thế năm 1676.
12. Nguyễn Đăng Đạo: (1651-1719)-tự là Chắt, thụy Đôn Ngã, trước húy Đăng Liễn, sau đổi là Đăng Đạo, người xã Hoài Bão, huyện Tiên Du, nay là thôn Hoài Thượng, xã Liên Bão, con trai thứ 2 của Nguyễn Đăng Minh, cháu họ Nguyễn Đăng Cảo, em của Nguyễn Đăng Tuân. Ông đỗ Trạng nguyên năm 1683, năm 1697 được cử đi sứ sang nhà Thanh thương lượng về việc đòi lại đất cho Việt Nam. Ông làm quan trải các chức: Đô ngự sử, Nhập thị kinh diên, tước Thọ Lâm tử, thăng Binh bộ Thượng thư, Tham tụng kiêm Đông các đại học sỹ, tước Bá. Năm 1718 ông về hưu tại quê nhà, tạ thế năm 1719, sau được tặng Lại bộ Thượng thư, tước Thọ quận công, vua nhà Thanh phong tặng là Lưỡng quốc trạng nguyên.
Lê Viết Nga (Bảo tàng Bắc Ninh)