Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 847
Truy cập hôm nay: 6,084
Lượt truy cập: 11,643,782
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Văn hóa thông tin dưới triều đại phong kiến

VĂN HOÁ - THÔNG TIN DƯỚI TRIỀU ĐẠI PHONG KIẾN

Trên địa bàn Hải Dương đã phát hiện những di chỉ cuối thời đại đồ đá mới và sơ kỳ đồ đồng. Gần đây phát hiện di cốt vượn người (Pongo), động vật và một vài công cụ thô sơ trong hang Thánh Hoá tại núi Nhẫm Dương (Kinh Môn) có niên đaị trên 3 vạn năm đã báo hiệu một thời đại đồ đá cũ có thể đã tồn tại ở nơi đây.

Vào thời đại đồ đồng, trên đất Hải Dương đã tìm được nhiều di chỉ và di vật có giá trị tại Đồi Thông, Nhẫm Dương (Kinh Môn), Hữu Chung (Tứ Kỳ), làng Gọp (Thanh Hà), Vạn Yên (chí Linh)...và nhiều mộ táng đương thời, chứng minh cho nền văn hoá thời đại đồ đồng phát triển và phân bố trên một diện rộng với mật độ cao.

Năm 905, Khúc Thừa Dụ, một hào trưởng ở Hồng Châu, nay thuộc Ninh Giang, Hải Dương, đứng lên giành quyền tự chủ, chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, nền văn hoá dân tộc được bảo tồn và phát huy.

Dưới thời đại phong kiến, Bộ Lễ đảm nhiệm các chức năng: Giáo dục, văn hoá, ngoại giao, tôn giáo. Chức năng và nhiệm vụ to lớn như vậy nên nó được xếp thứ 3 trong lục bộ, sau Bộ Lại và Bộ Hộ. Bộ Lễ chỉ đạo các vấn đề về văn hoá từ trung ương đến các làng xã như các hình thức ban thưởng, soạn thần tích, cấp sắc phong, định các lễ tiết, y phục, tế lễ... các vấn đề về giáo dục, ngoại giao, tôn giáo.

Cơ sở vật chất của thiết chế văn hoá thời đại phong kiến tồn tại đến năm 1945, trong đó còn một bộ phận bảo lưu đến ngày nay.

1-Đình: Là trung tâm chính trị, văn hoá và tín ngưỡng, là ngôi nhà chung của một làng xã người Việt. Có thể nói ở đâu có người Việt ở đấy có đình. Đình được lịch sử ghi nhận từ thế kỷ XIII, nhưng phải đến thế kỷ XV, đình mới được xây dựng với quy mô lớn và kiên cố. Ngoài chức năng hành chính và văn hoá, đình còn là trung tâm tín ngưỡng, nơi thờ Thành hoàng. Thành hoàng có thể là một nhân vật lịch sử có công với làng với nước được nhân dân suy tôn, Nhà nước thừa nhận và phong sắc; nhưng cũng không ít Thành hoàng là những nhân vật huyền thoại. Một đình có thể thờ từ một đến năm, bảy vị Thành hoàng. Thần vị của Thành hoàng còn được thờ ở nghè và miếu, đến ngày lễ trọng mới rước về đình, xong kỳ lễ lại rước về miếu. Những nhân vật lịch sử được tôn vinh thành Thành hoàng là những người đã qua đời, đức tài đã được xác định. Tuy thế, cá biệt có người được sinh phong Thành hoàng, tức là được tôn làm Thành hoàng khi còn đang sống, ví dụ như danh tướng Đinh Văn Tả. Những ngôi đình to, đẹp phần lớn được xây dựng vào đời Chính Hoà, triều Lê (cuối thế kỷ XVII).

2- Đền: Là nơi thờ thánh, những nhân vật lịch sử có công lao to lớn với dân tộc hoặc những nhân vật huyền thoại danh tiếng lẫy lừng đã đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ. Trong số những ngôi đền hiện còn ở Hải Dương, nổi tiếng nhất vẫn là đền Kiếp Bạc, nơi thờ Trần Hưng Đạo.

3- Miếu: Nơi thờ các vị thần có công với nước, với làng. Đôi khi còn thờ những nhân vật mang tính huyền thoại, những vật thiêng liêng theo quan niệm của người nguyên thuỷ. Miếu ra đời rất sớm, có trước đình hàng thiên niên kỷ. Trong nhiều trường hợp,  miếu (nghè) được xây dựng ngay trên phần mộ của những nhân vật được thờ. Miếu tuy nhỏ nhưng có giá trị đặc biệt về lịch sử, giữ vai trò tâm linh quan trọng trong mối quan hệ đình  - miếu.

4- Chùa: Nơi thờ Phật và là nơi hành đạo của tôn giáo này. Chùa là loại hình kiến trúc phổ biến tại các làng xã Việt Nam. Phật giáo nguyên gốc từ ấn Độ vào nước ta từ những thế kỷ đầu công nguyên, nhưng phải đến thế kỷ X mới thực sự phát triển. Trước khi bước vào kháng chiến chống Pháp, mỗi làng xã Hải Dương đều có chùa, như vậy số lượng chùa cũng phải có con số hàng nghìn, nhưng nay phần nhiều đã trở thành phế tích. Một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Hải Dương còn đến hôm nay và có niên đại tuyệt đối là chùa Động Ngọ (Thanh Hà). Chùa do Khuông Việt thiền sư xây dựng vào năm Thái Bình thứ 4 (971). Hai ngôi chùa có quy mô lớn nhất, khoảng trên dưới 100 gian là chùa Quang Khánh (Kim Thành) và An Ninh (Nam Sách). Chùa thờ Phật, song thảng hoặc có những ngôi chùa phối thờ cả thánh thần và thờ Mẫu. Kiến trúc phổ biến của những ngôi chùa ở Hải Dương nếu đi từ cổng vào là tam quan, sân, tiền đường, tam bảo, cách một sân nhỏ đến nhà tổ. Nối nhà tổ với tiền đường là hai dãy hành lang. Ngoài ra còn có nhà tăng, nhà Mẫu...và một vườn tháp ở sau chùa. Một số chùa có cửu phẩm liên hoa thì công trình này đặt ở trước nhà tổ, sau tam bảo. Cửu phẩm có thể xây dựng bằng đá, bằng gạch hoặc bằng gỗ sơn. Đây là những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo.

Hiện nay số chùa còn cửu phẩm liên hoa bằng gỗ như chùa Giám (Cẩm Giàng), Đồng Ngọ (Thanh Hà), Cửu phẩm liên hoa xây bằng đá ở chùa Gạo (Kim Thành), Hoàng Gia (Cẩm Giàng), xây bằng gạch ở Kim Lương (Kim Thành), Quang Minh (Gia Lộc)...

5- Văn Miếu, văn chỉ: Nơi thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền đại diện cho Nho giáo. Khổng Tử là một học giả vĩ đại của nhân loại thời cổ đại, người khởi xướng học thuyết Nho giáo, quê Khúc Phụ, Sơn Đông, Trung Quốc, sinh năm 551 TCN, mất 479 TCN. Nho giáo vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu công nguyên nhưng phải đến thời Trần mới thực sự phát triển. Nơi thờ Khổng Tử ở kinh đô và các trấn, lộ, sau này là tỉnh gọi là Văn miếu; ở huyện , xã gọi là Văn chỉ. Bên cạnh văn miếu là trường học và thi, ở đây thường có bia khắc tên các cử nhân, tiến sĩ đỗ đạt vào thứ hạng nào và khoa nào, nhằm mục đích khuyến học. Trước năm 1945 các xã, huyện đều có văn chỉ .

Tỉnh Hải Dương có một văn miếu ở Mao Điền (Cẩm Giàng). Loại hình di tích này hầu hết đã trở thành phế tích. Văn miếu và trường thi Mao Điền đã đào tạo hàng trăm cử nhân, tiến sĩ cho đất nước,  nhiều người trong số đó đã làm nên sự nghiệp lớn trở thành danh nhân của dân tộc. Văn miếu Hải Dương đang được trùng tu và tôn tạo, nhưng phải nhiều năm nữa mới đạt được quy mô và hình thức như đầu thế kỷ này và tương lai sẽ trở thành một bảo tàng về giáo dục của tỉnh nhà.

6- Đạo quán: Nơi thờ Lão Trang, người sáng lập ra Lão giáo (Đạo giáo) và là nơi hành đạo của tôn giáo này. Lão Trang người Trung Quốc, sống khoảng thế kỷ thứ IV TCN. Lão giáo vào Việt Nam sớm nhưng phát triển chậm vì nó mang nhiều yếu tố mê tín dị đoan. Số đạo quán ở Hải Dương không nhiều. Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo tồn tại ở Việt Nam cũng như ở Hải Dương khá sớm nhưng không mâu thuẫn nhau đến mức cực đoan mà tìm cách hoà nhập  trong lịch sử văn hoá tư tưởng và tôn giáo ở Việt Nam mà các nhà nghiên cứu gọi là Tam giáo đồng nguyên. Vì vậy, trong một số đình, chùa,đền, miếu thấy những yếu tố đan xen của các tôn giáo này.

7- Nhà thờ Thiên chúa giáo: Nơi thờ Giê- su. Người xác lập đạo Gia -tô đồng thời là nơi hành đạo của tôn giáo này. Giê- su sinh khoảng năm thứ 8 TCN tại Palestine, mất khoảng năm 30 sau CN. Đạo Gia- tô vào Hải Dương khoảng đầu thế kỷ 16, nhưng phải đến cuối thế kỷ 19 mới phát triển. Hiện nay ở Hải Dương còn 101 nhà thờ lớn nhỏ, phần lớn được xây dựng vào vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Những di tích này hiện đã được kiểm kê và đăng ký.

8- Nhà thờ họ: Nơi thờ tổ tiên của các dòng họ. Nhà thờ thường xây hình chữ nhị, hai toà song song, do trưởng tộc quản lý. Vào ngày giỗ tổ, các thành viên trong họ tập trung về nhà thờ làm cỗ, thắp hương, lễ tổ, tìm hiểu gia phả. Đây là một truyền thống văn hoá quý báu của Việt Nam.

Trong hệ thống cơ sở vật chất của thiết chế văn hoá dưới thời đại phong kiến Việt Nam, đình làng giữ vai trò chủ thể, vì thế mà ngôi đình trở thành một công trình văn hoá khang trang, vững chãi ở vị trí tốt nhất của làng xã. Nhân dân dành cho đình những hiện vật quý giá. Những người dân dù xa quê đã nhiều năm, thậm chí nhiều đời vẫn không quên đình làng. Mỗi khi về thăm quê đều nhớ đến đình, thắp hương tỏ lòng tôn kính Thành hoàng, người đại diện cho trăm họ, có công xây dựng và bảo vệ làng xã, đồng thời góp phần công đức tôn tạo cho đình làng ngày càng bền vững. Để duy trì các hoạt động của cộng đồng cư dân ở các làng xã, ngoài việc thực hiện phép nước còn có lệ làng và được cụ thể hoá bằng hương ước. Hương ước làng nào cũng có, bản hương ước khá hoàn chỉnh và ra đời sớm (1679) còn giữ được đến nay là hương ước làng Mộ Trạch (Bình Giang).

Ngoài hương ước, ở làng xã còn những phong tục tập quán được mọi gia đình thực hiện một cách tự nguyện như trong việc cưới, việc tang, lễ tết, hội làng... Vào những ngày tiết lệ, các cụ ông thường tập trung ở đình, các cụ bà tập trung ở chùa làng. Trừ những người chủ sự không thể vắng mặt, còn lại không nhất thiết các thành viên phải đến đầy đủ, đây là những sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tự nguyện. Tuy vậy, nó đã được bảo tồn qua hàng ngàn năm tạo nên bản sắc văn hoá cộng đồng của người Việt.

Hoạt động văn hoá dưới thời đại phong kiến chủ yếu diễn ra ở làng xã. Đô thị ở Hải Dương ra đời muộn và nhỏ nên các hoạt động văn hoá ở đây không khác biệt mấy so với ở nông thôn. Hoạt động văn hoá sôi nổi nhất diễn ra vào mùa xuân và mùa thu, hai mùa nông nhàn, người nông dân có thể tham gia. Đây là mùa lễ hội. Nguồn gốc các lễ hội của người Việt cũng như của cư dân Hải Dương bắt nguồn từ những ngày kỷ niệm danh nhân, những người được thờ và từ các nghi lễ sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp.

Trong các ngày hội, có các trò diễn dân gian như hát chèo, hát ả đào, hát đối, múa rối, đua thuyền, đấu vật, chọi gà, nấu cơm thi...

Báo chí ở Hải Dương ra đời muộn nhưng sự nghiệp sáng tác xuất bản được xác lập sớm. Hải Dương là tỉnh có số lượng ông nghè, ông cống nho học lớn vào bậc nhất của cả nước, tính theo đơn vị tỉnh. Vì vậy lực lượng sáng tác khá hùng hậu. Hàng vạn tác phẩm văn học đủ các loại hình đã ra đời, trong đó có nhiều tác phẩm xuất sắc được khắc in thành sách hoặc khắc trên bia đá còn lưu đến ngày nay.

Ngót 100 làng nghề thủ công không chỉ thoả mãn nhu cầu sinh hoạt của nhân dân địa phương và xuất khẩu mà còn tạo nên các tác phẩm nghệ thuật vô giá.

Hồng Lục, Liễu Tràng là trung tâm khắc ván in và khắc tranh của cả nước, tương tự như  nhà in quốc gia đặt ở đây.

Thợ đá Kính Chủ đã khắc hàng vạn văn bia và các tác phẩm bằng đá cho địa phương và đất nước.

Thợ mộc Cúc Bồ đã tạo dựng hàng nghìn công trình kiến trúc hoành tráng, nhiều nhất là kiến trúc đình chùa nay đã trở thành di sản văn hoá của dân tộc.

Đặc biệt nghề làm gốm- sứ ở Hải Dương không những thoả mãn nhu cầu sinh hoạt mà đã tao nên hàng triệu sản phẩm mỹ nghệ để xuất khẩu, nay trở thành những cổ vật nổi tiếng thế giới, điển hình là gốm Chu Đậu (Nam Sách)...

Những hoạt động và thành tựu văn hoá ở Hải Dương dưới thời đại phong kiến đã để lại cho đất nước một di sản vật chất và tinh thần to lớn, tạo nên bản sắc văn hoá của một vùng mà ngày nay nhà nước và nhân dân đang trân trọng, bảo tồn, thừa kế và phát huy.

Thông tin: Dưới chế độ phong kiến, bộ máy thông tin chính thống do nhà nước Trung ương thiết lập, chỉ đạo qua hệ thống trạm dịch và đội ngũ phu trạm. Người ta có thể thông tin cho nhau bằng cách đốt lửa, đánh chiêng, trống, thổi tù và, gọi loa, gõ mõ hoặc thông tin bằng cách truyền khẩu. Các văn bản, thư từ do phu trạm chuyển bằng đường bộ. Nếu chuyển văn bản, công văn thư từ bằng đường bộ thì trung bình khoảng 30 dặm có một trạm dịch. Người phu trạm có thể phi ngựa hoặc chạy bộ. Qua mỗi trạm người ta có thể thay cả người và ngựa để đảm bảo tốc độ nhanh nhất tới nơi nhận tin và bưu phẩm. Người phu trạm được ưu tiên đặc biệt khi đi đường. Ví dụ đò đã ra giữa sông mà thấy cờ lệnh của phu trạm là phải quay lại đón ngay, nếu không lái đò sẽ bị trị tội. Đầu thế kỷ thứ XIX ở Hải Dương có 3 trạm dịch.

Trạm Đông Mai ở xã Song Mai, huyện Thuỷ Đường, nay thuộc Thuỷ Nguyên, Hải Phòng.

Trạm Đông Thượng ở xã Hàm Thượng, huyện Cẩm Giàng, nay thuộc thành phố Hải Dương.

Trạm Đông Bổng ở xã Hậu Bổng, huyện Gia Lộc, nay thuộc xã Quang Minh, Gia Lộc.

Ở cấp xã mọi thông tin do lý trưởng quyết định. Những thông báo thông lệ thường được ghi trong hương ước. Điều 27 hương ước làng Mộ Trạch ghi: Mỗi khi có việc cần, chỉ nghe 3 hồi trống, hoặc chuông là các quan viên văn thuộc, xã trưởng, trưởng lão trên dưới đều phải đến đình để họp bàn. Qua một lúc lại đánh 3 hồi trống hoặc chuông nữa để điểm mục. Nếu ai vắng mặt là phải nộp tiền phạt, nặng nhẹ khác nhau, hẹn một ngày phải thu đủ để thi hành khoán ước được nghiêm.

Người trực tiếp truyền tin trong xã là mõ, người làm mõ có trách nhiệm thông báo mọi tin tức, chiếu chỉ của Nhà nước tới toàn dân trong xã, những việc cần thông báo thường được gõ mõ rồi rao lớn lên cho mọi người cùng biết . Vai trò của anh mõ rất quan trọng trong việc thông tin của làng xã, nhưng do quan niệm sai lệch mà người làm mõ bị đối xử như giai tầng cuối cùng của làng xã.

Sự nghiệp thông tin dưới thời đại phong kiến ở Hải Dương tuy còn thô sơ, giản dị, nhưng đội ngũ những người thi hành công vụ rất cần mẫn và nghiêm luật nên đã phục vụ đắc lực cho hoạt động thông tin của Nhà nước phong kiến, thông suốt từ kinh đô đến các làng xã, đặc biệt là nhu cầu bảo vệ đất nước và an ninh chính trị ở các địa phương.

Sưu tầm từ internet

Người đăng: admin