VŨ UY VÀ DÒNG HỌ VŨ Ở THANH HOÁ
Võ Quang Phúc
Vũ Uy và dòng họ Vũ ở Thanh Hoá là vấn đề được nhiều người quan tâm; là khâu quan trọng trong hoạt động liên lạc, chắp nối dòng họ Vũ – Võ ở Việt Nam. Người đã cống hiến nhiều tâm trí và sức lực cho việc giải quyết vấn đề này trong hơn 10 năm qua là cụ Lương y Vũ Duy Chức quê làng Đồng Minh (ngày xưa là trang Lễ Động), xã Thái Hoà. Cụ bền bỉ làm việc này với lòng mong mỏi đền đáp… món “nợ” thiêng liêng đối với tổ tiên, dòng họ:
“Ngồi buồn ngẫm nghĩ đạo cháu con
Sưu tầm, đền đáp - nợ chưa tròn…”
Đó là hai câu thơ được trích ra từ bản báo cáo “Thân thế và sự nghiệp Vũ Uy” mà cụ đã gửi đến cuộc hội thảo về Đại tộc Vũ – Võ được tổ chức tại Hà Nội năm 1995 và đúng như dự đoán của nhà lương y, năm 2000 giữa lúc “nợ chưa tròn”, cụ đã vĩnh viễn ra đi theo tổ tiên ở tuổi 77, để lại lòng thương nhớ, nuối tiếc cho con cháu, họ hàng.
Trong kết quả nghiên cứucủa mính, bằng nhiều tư liệu lịch sử, cụ Vũ Duy Chức đã làm sáng tỏ sự nghiệp cứu dân giúp nước và công ơn phát triển dòng họ của Vũ Uy, người mà cụ đã trịnh trọngdặt lên hàng “ Cao Cao Tổ Khảo” của dòng họ vũ ở Thanh Hoá.
1.Về sự nghiệp giúp dân cứu nước :
a-Vũ Uy là danh tướngcủa Lê Lợi; có mặt ngay trong những ngày đầu trong hàng ngũ những người kháng chiến chống giặc Minh xâm lược và đã dự Hội Thề Lũng Nhai ( huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá ) cùng với Lê Lợi và 17 vị tướng khác vào đầu năm 1416
b-Là tướng phụ trách hậu cần, nhưng Vũ Uy cũng trực tiếp tham gia trận mạc. Năm 1424, ông chỉ huy trận đánh ở Trấn Năng và đã hy sinh ngoài trận tiền, ngày 16 tháng 2 năm Giáp Dần.
c-Vũ Uy được vua ghi nhậncông lao, tặng sắc phong và ban Quốc tính
-Trong bản “Ngự Danh”, Lê Lợi tự ghi tên Vũ Uy vào hàng thứ 11
-Vũ Uy được xác nhận là 1 trong 12 công thần chết trận
-Sau khi Vũ Uy mất, Lê Lợi lập bàn thờ Lam Sơn và đặt bàn thờ Vũ Uy ngang bàn thờ Lê Lai
-Sắc phong “ Bình Ngô Khai Quốc Công Thần, Đặc tiến phụ Quốc công, Thượng tướng Quân, Thiếu uý Tuy Quốc Công Vũ Uy, phong Tứ Quốc tính Lê Uy
2.Về công ơn phát triển dòng họ :
Căn cứ vào các tư liệu thu được tư bia Đa Căng ( Thanh Ban, xã vạn Hoà, huyện Nông Cống ngày nay ) và những tư liệu được ghi trong một số gia phả còn lại ở các trang thuộc dòng Vũ Uy, cụ Vũ Duy Chức đã nêu lênh sự phát triển của con cháu Vũ Uy như sau :
“…Con cháu Vũ Uy từ thời Lên Thánh Tông đã khai hoang, lập trang trại, hiện còn tên các trang trại, tên các trưởng trang và cả mức thuế của các trang hàng năm phải đóng góp. Về sau này, do loạn lạc, hoặc do quy tụ theo sự phân chi, nên tại Thanh Hóa lúc bấy giờ con cháu Vũ Uy chỉ còn cư trú tại 11 huyện với 47 trang trại, sau còn 45 trang.
Ngày nay, ở các nơi này vẫn còn di tích hoặc gia phả, hoặc đền thờ, miếu mạo. Cụ thể là:
a.Huyện Ngọc Sơn (Tĩnh Gia) – 7 trang.
b.Huyện Hậu Lộc – 5 trang.
c.Huyện Thuỵ Nguyên (Thọ Xuân) – 2 trang.
d.Huyện Đông Sơn – 1 trang.
e.Huyện Lôi Dương (Thọ Xuân) – 2 trang.
f.Huyện Tống Sơn (gồm Hà Trung và Bỉm Sơn) – 5 trang.
g. Huyện Vĩnh Lộc – 4 trang.
h.Huyện Hoằng Hoá – 1 trang.
i.Huyện Nga Sơn – 1 trang.
j.Huyện Nông Cống – 14 trang.
k.Huyện Yên Định – 5 trang.
Bởi thế, tại nhà thờ cụ Vũ Uy ở Đa Căng có đố còn lưu lại:
“Tứ thập dư trang mông quốc dũng
Tài dư thập huyện chấn gia thanh”
Dịch:
“Hơn bốn mươi trang ơn nước trọng
Ngoài mười huyện giỏi tiếng nhà vinh”
Về thân thế Vũ Uy, cụ Vũ Duy Chức cung cấp cho chúng ta một số thông tin sau đâu:
Vũ Uy sinh năm 1390 (Tân Dậu), kém Lê Lợi 5 tuổi. Sau khi “từ Chiêm Thành về”, năm 1408 ông đến ở làng Cao Mật (nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá). Tại đây, ông vừa chăn voi thuê, vừa khai hoang, vừa tập hợp các bậc hào kiệt, những người dân yêu nước để luyện võ nghệ, rèn đúc khí giới, chuẩn bị chống giặc Minh xâm lược.
Cụ Vũ Duy Chức không ghi rõ nguồn của các thông tin này. Là người chân thành và cẩn trọng, cụ bộc lộ băn khoăn trong lòng mình khi chưa tìm được các tư liệu về mối quan hệ huyết thống Vũ Uy và cái nôi dòng họ Vũ – Võ ở Mộ Trạch (Hải Dương). Trong một lá thư gửi ông V.T, người đồng hương Thanh Hoá nhỏ tuổi hơn, cụ viết: “…xin khẳng định với chú là ông Tổ họ Vũ ở Thanh Hoá là Vũ Uy. Song có một vấn đề là tư liệu từ Thanh Hoá đến Mộ Trạch thì tôi chưa tìm kiếm được, kể cả ở thư viện Hán Nôm Trung ương (…). Hiện nay, trong tay tôi có nhiều tư liệu về các trang trại trong tỉnh, nhưng không có gì từ Vũ Uy Thanh Hoá đến Mộ Trạch và các nơi cả (…). Có thể thành lập một ban liên lạc Thanh Hoá để lập gia phả họ Vũ Thanh Hoá” (30)
Chép lại ra đây những dòng này khi cụ Lương y không còn nữa, tôi miên man nghĩ về những điều tâm huyết mà cụ chưa kịp làm, nhất là đối với một số tư liệu còn mập mờ, cần làm sáng tỏ, ví như chi tiết nói rằng Vũ Uy “gốc ở Chiêm Thành” được ghi trong “Vũ thị gia phả” (ký hiệu A2941, viện Hán Nôm, Hà Nội); hay ví như chi tiết cho rằng “Vũ Uy dòng dõi Chiêm Thành” được ghi trong gia phả họ Trịnh…
(30) Tư liệu của Ban liện lạc dòng họ Vũ – Võ - Đặng Vũ TP.HCM.