Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 248
Truy cập hôm nay: 8,501
Lượt truy cập: 11,792,176
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Tên họ người Việt Nam

Hiện nay, chúng ta không có tài liệu gì chính xác để biết rõ trước thời Bắc thuộc tổ tiên chúng ta đặt tên như thế nào. Chúng ta chỉ có thể suy đoán là họ tất phải có tên để dễ xưng hô và có thể các tên đều có ý nghĩa.

Sau thời Bắc thuộc hơn 1000 năm, dân Việt đã theo nền văn hóa Trung quốc. Việc đặt tên là một lãnh vực trong đó người Việt Nam chúng ta đã bị ảnh hưởng của nền văn hóa này. Tuy nhiên, cũng như trong các lãnh vực khác, người Việt Nam vẫn giữ vài chỗ khác người Trung Hoa.

Nói chung thì trước đây, người Việt Nam cũng như người Trung Hoa đã có nhiều loại tên, và cho đến hiện nay, các tên của người Việt Nam cũng như của người Trung Hoa đều có ý nghĩa theo ngôn ngữ thông thường.

Chương I

mục i : Tên chánh tức là danh theo từ ngữ hán Việt

 

I. thời kỳ đặt tên chánh cho người.

Hiện nay, theo luật pháp, người sanh con ra thì phải đặt tên và khai vào hộ tịch ngay.

Thời trước, người Trung Hoa và người Việt Nam không phải sanh con là đặt tên chánh ngay, như vậy là theo Kinh Lễ, thiên Ðàn cung sơ thì trẻ con sanh ra 3 tháng mới được đặt tên. Có lẽ người thời đó phải đợi một thời gian xem đứa trẻ có nuôi được hay không rồi mới đặt tên cho nó.

Mặt khác, cho đến đời Xuân Thu tên này được dùng luôn cho đến khi lớn.

Từ đời Tần, Hán về sau tên chánh phân biệt với tiểu danh hay nhũ danh được đặt lúc người còn bé và có thể đặt một lượt với tên này, hoặc đặt ra khi người đã lớn.

Người Việt Nam thời trước không phải theo đúng Kinh Lễ và đặt tên cho con lúc nó vừa được ba tháng. Nhưng dù sao, việc đặt tên như vậy cũng chỉ được thực hiện một thời gian sau khi đứa bé sanh ra, khi cha mẹ đã chắc là nuôi được nó.

Về vấn đề phân biệt tên chánh với tiểu danh và nhũ danh, người Việt Nam vốn bị ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa từ đời nhà Hán nên cũng theo phong tục Trung Hoa.

II. việc đặt tên chánh.

Tên chánh của mỗi người đều do cha mẹ ông bà hoặc người cấp trên khác trong gia tộc đặt cho mình. Trên nguyên tắc, tên này được dùng cho đến mãn đời. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp tên chánh của người được thay đổi khi người lớn lên.

Ngày nay, muốn đổi tên, người phải xin phép chánh quyền và sự thay đổi này thường được xác nhận bằng một án lịnh của cơ quan tư pháp, rồi được ghi vào hộ tịch. Thời trước, việc đổi tên chánh giản dị hơn nhiều.

A. Việc tự nguyện đổi tên.

Những người bị chánh quyền truy nã, hay bị một kẻ địch đáng sợ, tìm cách giết hại, thì thường tự nguyện đổi tên, và có khi đổi luôn cả họ, để dễ bề trốn lánh. Những người dấn thân vào một cuộc tranh đấu cách mạng gay go cũng thường lấy tên hoặc lấy cả họ khác, và việc lấy tên họ khác này có thể thực hiện nhiều lần. Trong lịch sử cận đại, có nhiều nhơn vật Việt Nam đã từng đổi tên và đồng thời đổi cả họ.

Ông Nguyễn Ngọc Nhân đã đổi tên họ thành Vũ Tam Anh; ông Nguyễn Văn Giảng, một lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Ðảng đã đổi tên họ thành Vũ Hồng Khanh; ông Vũ Hải Thần, một nhà cách mạng lãnh đạo Việt Nam Cách Mạng Ðồng Minh Hội, đã đổi tên họ thành Nguyễn Hải Thần.

Về phía Cộng Sản, Nguyễn Sinh Cung đã đổi tên là Nguyễn Tất Thành, rồi Nguyễn Ái Quốc, về sau lại đổi luôn tên họ thành Lý Thụy và cuối cùng thành Hồ Chí Minh.

Cũng có những người tự nguyện đổi tên vì cho rằng điều này có thể mang đến cho mình một vận hội mới tốt đẹp hơn. Trường hợp được biết nhiều nhất là trường hợp một danh sĩ nổi tiếng vốn tên là Nguyễn Văn Thắng và về sau đổi tên thành Nguyễn Khuyến (1848-1904), theo Dương Quảng Hàm (1898-1946).

Phần ông Trần Tế Xương (1870-1907) thì vốn tên là Trần Duy Yên, sau khi thi hỏng đổi lại là Trần Kế Xương, rồi lại đổi tên là Trần Cao Xương, nhưng rồi cũng hỏng, chớ không được may mắn như ông Nguyễn Khuyến.

B. Việc đổi tên do người cấp trên hay người có quyền thế.

Việc đổi tên có thể thực hiện do người cấp trên hay người có quyền thế.

Ngày trước, khi một cậu bé bắt đầu nhập học, thầy cậu có thể cho là tên cha mẹ cậu đặt ra không thanh nhã nên đổi lại một tên khác tốt hơn.

Ngoài ra, người còn bị bắt buộc phải đổi tên vì tỵ húy. Khi một nhà vua lên ngôi, những người trùng tên hoặc trùng hiệu với nhà vua phải lập tức đổi tên khác để khỏi phạm húy.

Cũng có khi nhà vua thấy tên một bầy tôi không làm đẹp ý mình, hoặc có hàm ý bất lợi cho triều đại mình, hay trùng với tên một thân nhơn mà mình kính trọng, nên ban cho tên khác.

Ðời nhà Trần, vua Minh Tông (t.v. 1314-1329) đã vì tôn trọng một số người trong hoàng tộc mà đổi những người tên Ðộ thành Sư Mạnh, và những người tên T?... thành Thúc Cao.

Ðời nhà Lê, ông Ðỗ Nhân (1472-1517) phải đổi tên lại là Ðỗ Nhạc khi vua Tương Dực (t.v. 1509-1516) lấy hiệu là Nhân Hải Ðộng Chủ.

Ðời nhà Nguyễn thì ông Hà Tông Quyền (1798-1839) phải đổi lại là Hà Quyền để tránh tên vua Thiệu Trị (t.v. 1840-1848) vốn tên là Miên Tông.

Ngoài ra, còn có trường hợp ông Phí Mộc Lạc được Thượng hoàng Nhân Tông nhà Trần đổi tên họ thành Bùi Mộc Ðạc vì cho rằng họ Phí xưa không nghe có, còn tên Mộc Lạc thì không tốt.

Phần vua Lê Thánh Tông (1460-1497) thì đổi tên ông Ðỗ Viễn (thế kỷ 15) đỗ Tiến sĩ năm 1478 thành Ðỗ Cận và đổi tên ông Vũ Nghĩa Chí đỗ Hoàng giáp năm 1490 thành Vũ Duệ. Ðối với ông Dương Bang Bản (1451-?), đỗ Hoàng giáp năm 1484 thì nhà vua không những cho quốc tánh là họ Lê của nhà vua mà còn ban cho tên mới tức là Lê-Tung.

Ðời nhà Nguyễn, vua Tự Ðức đã đổi tên ông Trần Bích San (1839-1874) thành Trần Hy Tăng để ví với Vương Tăng đời nhà Tống (960-1276); lại đổi tên ông Trần Thời Mẫn thành Tiễn Thành.

Mặt khác, nhà vua có thể đặt cho người dưới quyền mình một tên xấu để hạ nhục. Như ở Trung quốc, đời Võ Hậu (684-704) có hai ông Ly Tân Trung và Tôn Vạn Vinh chống lại triều đình, nên Võ Hậu đã đổi tên Trung thành Diệt và tên Vinh thành Trảm để bêu xấu.

Ngoài việc đổi tên người chống báng mình, nhà cầm quyền Trung quốc thời xưa còn dùng lối giữ âm của tên người ấy nhưng viết ra thành một chữ khác có ý nghĩa xấu xa. Nhà Thanh (1644-1911) muốn bêu xấu ông Tôn Văn nên đổi chữ Văn ( ) hàm ý có học thức và thanh nhã thành chữ Văn ( ) là mờ tối dơ dáy.

Trong lịch sử Việt Nam, cũng có những trường hợp tương tự. Cứ theo một học giả cận đại, hai vị nữ anh thư họ Trưng của chúng ta là người sống trong một vùng có trồng dâu nuôi tằm và vùng đó phân biệt hai loại kén: kén lớn gọi là kén chắc, kén nhỏ hơn gọi là kén nhì. Có thể hai chị em Bà Trưng vốn tên là Chắc và Nhì, nhưng quan lại Trung Hoa vì ghét hai Bà chống lại họ nên đã âm chữ Chắc thành Trắc ( ) và chữ Nhì thành Nhị ( ). Trong ngôn ngữ Trung Hoa, hai chữ Trắc và Nhị đều hàm ý xấu: Trắc là nghiêng lệch tà vạy như trong ngôn ngữ phản trắc, Nhị là hai, hàm ý ăn ở hai lòng, tức là không trung thành. Giả thuyết này có thể đúng sự thật, nên các sử gia Việt Nam cận đại theo sử Trung quốc chép tên hai Bà là Trưng Trắc và Trưng Nhị đã vô tình phạm tội bất kính đối với hai Bà.

III. phép đặt tên chánh.

A. Tên và con số.

Ở Trung quốc đời nhà Nguyên (1277-1368), chỉ những người có chức vụ mới được có tên chánh, người không chức vụ thì gọi bằng một con số tính theo tuổi của cha mẹ. Như người cha 24 tuổi, người mẹ 22 tuổi, hai tuổi cộng lại là 46 thì đứa con được gọi là Tứ Lục (bốn sáu); người cha 23 tuổi, người mẹ 22 tuổi, hai tuổi cộng lại là 45 thì đứa con được gọi là Ngũ Cửu (năm chín) vì năm lần chín là 45.

Trong lịch sử Việt Nam, không lúc nào có việc hạn chế về việc đặt tên như vậy. Nếu có người đặt tên con là Hai, Ba, Năm, Bảy,... thì các con số này chỉ được dùng như là một chữ có nghĩa thông thường và cốt để biểu lộ thứ tự của đứa trẻ đối với anh chị em trong gia đình.

B. Tên Nôm và tên Hán Việt.

Người bình dân ít học thường đặt cho con một tên Nôm mà họ biết rõ ý nghĩa như Chắc, Bền, Bông, Dạn, ... Người có học cũng có khi đặt tên Nôm như vậy cho con, nhưng thường thì họ chọn một tên Hán Việt có ý nghĩa tốt như Hùng, Dũng, Nhơn, Nghĩa,...

C. Tên đơn và tên đôi.

Ngoài ra, tên mà người Trung Hoa và người Việt Nam đặt cho con có thể là một tên đơn, chỉ gồm một chữ, hay một tên đôi gồm hai chữ.

1. Ở Trung quốc, khi giữ chức vụ Phụ chánh vào cuối đời Tiền Hán (206 tr. CN - 7 s. CN), Vương Mãng đã ra lịnh cấm đặt tên đôi. Do đó, cháu ông ta là Vương Hội-Tông phải đổi tên lại là Tông. Về sau Tông phạm tội phải tự sát. Vương Mãng ra lịnh gọi lại tên anh ta là Hội-Tông để biếm nhục.

Do đó, từ đời Hậu Hán (25-220) cho đến đời Ngụy (220-265) và Tấn (265-420), người Trung Hoa xem việc có tên đôi là xấu và phần lớn người có địa vị xã hội đều có tên đơn.

Ta có thể nhận thấy riêng trong bộ Tam quốc chí diễn nghĩa, hầu hết các nhơn vật đều có tên đơn như Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Quyền, Lữ Bố, Viên Thiệu, ... Những người tên họ gồm ba chữ như Tư-Mã Ý, Gia-Cát Lượng, Hạ-Hầu Ðôn, Công-Tôn Toản, Thái-Sử Từ, ... đều là những người có họ đôi: Tư-Mã, Gia-Cát, Hạ-Hầu, Công-Tôn, Thái-Sử.

Ở Việt Nam từ thời độc lập không có tục như thế, và việc đặt tên đơn hay tên đôi hoàn toàn do cha mẹ hay bậc trên trước của người quyết định chớ không có một sự khiên chế pháp lý hay xã hội nào.

2. Tên đôi của người Việt Nam thường là tên Hán Việt và được chọn lựa theo nhiều cách khác nhau.

a. Nó có thể gồm hai từ ngữ bổ túc cho nhau. Hai từ ngữ này có thể đều là danh từ như Xuân-Hương, Kim-Khánh, hoặc một tĩnh từ với một danh từ như Bội-Châu, Thượng-Hiền, hoặc một động từ như Tấn-Phát, hoặc một trạng từ với một tĩnh từ như Thường-Kiệt, hoặc một giới từ với một danh từ như Tự-Ðạo, Như-Hổ, ...

b. Tên đôi cũng có thể gồm hai từ ngữ đồng loại có ý nghĩa khác nhau, nhưng chỉ những ý niệm có giá trị tương đương, và thường đi chung nhau như Phú-Thứ là giàu và đông, hai tình trạng tốt của nhơn dân một nước theo lý tưởng Nho gia; hay Thanh-Giản là trong sạch và bình dị là hai đức tánh của một cá nhơn thời trước.

D. Tên con trai và tên con gái.

Trên nguyên tắc, cha mẹ sanh con thì muốn đặt tên thế nào cũng được.

Ngày trước người ta chỉ cần giữ đúng phép tỵ húy, tức là không lấy tên người trên trước của mình mà đặt tên cho con mình là đủ rồi.

Tuy nhiên, một số người cố ý đặt tên cho con trai và con gái khác nhau, để nghe tên thì phân biệt được người mang tên đó thuộc phái nam hay phái nữ.

Nói chung thì người thuộc phái nam được đặt cho một tên biểu lộ sự mạnh mẽ cứng rắn như Hùng, Dũng, Cương, ... hay tên một mãnh thú như Hổ, Báo, ...

Người thuộc phái nữ thì thường được đặt cho một tên biểu lộ sự đẹp đẽ khả ái như Diễm-Lệ, Phương-Dung; hoặc một tên chỉ một vật trong phòng khuê, tức là phòng của phụ nữ, như Thoa, Xuyến; hoặc một tên hoa hay tên chim như Lan, Huệ, Phụng, Oanh; hoặc một tên chỉ vật trân bảo như Châu, Ngọc,...

Nhưng, thật ra, sự phân biệt giữa tên con trai và con gái nhiều khi rất khó, vì người ta cũng dùng các tên hoa, tên chim, hay tên chỉ một vật trân bảo, để đặt cho con trai.

Ð. Chữ lót.

Người có thể chỉ có họ và tên, nhưng cũng có thể giữa họ và tên một người còn có một chữ lót. Việc phân biệt giữa chữ lót và họ với tên thật sự không phải lúc nào cũng giản dị.

1. Ðối với những người có một họ đơn và một tên đơn như Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng thì dĩ nhiên là không có vấn đề gì khó khăn.

2. Nhưng có thể tên và họ của một người gồm ba hay bốn chữ như Hồ Xuân-Hương, Tôn-Thất Thuyết, Nguyễn Ðình Chiểu, Trần Văn Giáp, Âu-Dương Tùng-Thiện, Nguyễn-Khoa Diệu Liễu, Lê Thanh Minh-Châu,... thì vấn đề phân biệt họ tên và chữ lót có phần khó khăn hơn.

Trong các tên họ trên đây, có cái gồm một họ đơn và một tên đôi như Hồ Xuân-Hương, có cái gồm một họ đôi và một tên đơn như Tôn-Thất Thuyết, có cái gồm một họ đôi và một tên đôi như Âu-Dương Tùng-Thiện.

Trong trường hợp Nguyễn Ðình ChiểuTrần Văn Giáp, ta có một họ đơn, một tên đơn và một chữ lót; với Nguyễn-Khoa Diệu Liễu, ta có một họ đôi, một tên đơn và một chữ lót, còn với Lê Thanh Minh-Châu, ta lại có một họ đơn, một tên đôi và một chữ lót.

3. Việc phân biệt chữ lót với họ tên trong các họ tên gồm ba chữ trở lên dựa vào các nguyên tắc sau đây :

a. Các họ đôi của Trung quốc đã được liệt kê đầy đủ trong các từ điển và tự vựng đặc biệt về các họ. Trong số này, chỉ có một vài họ như Âu-Dương, Gia-Cát, Hạ-Hầu, Hoàng-Phủ, Mộ-Dung, Tư-Mã được du nhập vào Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn có họ Tôn-Thất do vua Minh Mạng đặt ra.

b. Tên đôi gồm hai chữ ghép lại nhau và mang một ý nghĩa do cả hai hợp lại mà có như Xuân-Hương là mùi thơm của mùa xuân hay Thanh-Giản là trong sạch và bình dị.

Trái lại, chữ lót không ghép với tên để trở thành từ ngữ có ý nghĩa rộng thêm như Ðình trong Nguyễn Ðình Chiểu, Văn trong Trần Văn Giáp không ghép được với Chiểu và Giáp, và bổ túc ý nghĩa của Chiểu và Giáp.

Tuy nhiên, việc áp dụng các nguyên tắc trên đây cũng có thể gặp trở ngại.

1/ Có những gia tộc dùng một chữ lót trong nhiều đời và chữ lót được xem như là gắn liền với họ thành một họ đôi mặc dầu họ đôi này không được các từ điển công khai nhìn nhận.

Như có người họ Vũ vì làm con nuôi một người họ Ðặng mà không muốn bỏ luôn họ gốc của mình và lấy nó làm chữ lót. Con cháu vị này về sau cứ dùng chữ Vũ làm chữ lót thành ra gần như một họ đôi là Ðặng-Vũ.

Ngoài ra, có người họ Ðỗ vì mến phục ông thầy học họ Phạm mà theo họ Phạm của thầy rồi dùng họ gốc của mình làm chữ lót, con cháu về sau cứ dùng chữ Ðỗ làm chữ lót thành ra gần như một họ đôi là Phạm-Ðỗ.

2/ Có khi chữ lót và tên ghép lại vẫn có nghĩa như trong tên Trần Văn Minh, Huỳnh Ngọc Diệp; Văn Minh có nghĩa là tình trạng tiến hóa khá cao của một cộng đồng loài người về các mặt nghệ thuật, khoa học, xã hội, chánh trị; Ngọc Diệp có nghĩa là cái lá bằng ngọc. Ðọc các tên họ trên đây, người ta rất khó đoán biết chữ Văn và Ngọc là chữ lót hay là một thành phần của một tên đôi.

3/ Các chữ lót thường được dùng là Bá, Công, Danh, Duy, Ðẳng, Ðình, Huy, Hữu, Minh, Ngọc, Như, Quang, Quí, Thanh, Thành, Xuân, ... nhưng được dùng nhiều nhứt là Văn đối với phái nam Thị đối với phái nữ.

a/ Ở Trung quốc, chữ Văn không phải dành riêng cho phái nam. Một phụ nữ nổi tiếng của Trung quốc mang tên là Trác Văn Quân, đó là người tình của Tư Mã Tương Như, tác giả bản nhạc trứ danh Phụng Cầu Hoàng.

Riêng ở Việt Nam thì đại đa số người phái nam đều lót chữ Văn, không những người ít học mà người có học cũng dùng chữ lót này khi đặt tên con.

b/ Chữ Thị vốn có nghĩa là họ và người Trung quốc không dùng nó để đặt tên cho người phái nữ.

Trong ngôn ngữ Trung quốc, người ta gọi người vợ bằng họ của chồng kèm theo hai chữ phu nhơn. Nhưng vì tục đa thê nên một người đàn ông có thể có nhiều vợ. Một ông họ Trần có thể cưới ba bà vợ, một người họ Vương, một người họ Lê, một người họ Phạm. Tất cả các bà này đều được gọi là Trần phu nhơn. Khi muốn phân biệt các bà phu nhơn đó với nhau, người Trung quốc lại dùng họ của mỗi bà kèm theo chữ Thị, thành ra Vương Thị phu nhơn, Lê Thị phu nhơn, Phạm Thị phu nhơn.

Có lẽ người Việt Nam chúng ta trước đây cũng bắt đầu dùng chữ Thị y như người Trung quốc, nhưng sau đó vì chữ Thị thường được dùng cho phụ nữ nên người Việt Nam lại lấy nó làm biểu hiệu cho phái nữ và cuối cùng dùng nó làm chữ lót cho con gái mình.

E. Sự biểu lộ mối liên hệ giữa những người trong một gia tộc qua cách đặt tên chánh.

Cũng như người Trung Hoa, người Việt Nam có nhiều cách biểu lộ mối liên hệ giữa những người trong một gia tộc qua cách đặt tên chánh.

1. Sự biểu lộ liên hệ qua tên chánh.

a. Mối liên hệ cha con, anh chị em có thể được biểu lộ bằng cách có những tên chánh dùng chung nhau trong ngôn ngữ thông thường, như cha tên Khôn thì con tên Khéo, cha tên Nhân thì con tên Nghĩa, anh tên Dạn thì em tên Dĩ, anh tên Hùng thì em tên Cường.

Ngoài ra, nó có thể được biểu lộ qua các tên chánh cùng thuộc một nhóm nhiều từ ngữ chỉ những sự vật hay ý tưởng đồng loại. Các anh em có thể cùng mang tên mãnh thú như Hổ, Báo, ... hoặc cùng mang tên các đức tánh căn bản của đạo Nho như Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín.

Một phương thức khác thường được áp dụng là cha với con, hoặc anh với em, hay chị với em, đều mang tên đôi với một chữ chung nhau, thí dụ như Quốc-Ân, Quốc-Long, Phương-Dung, Phương-Mai,...

Chữ chung nhau trong các tên đôi này có thể là chữ thứ nhì chớ không phải là chữ thứ nhứt. Như trong gia đình họ Tống nổi tiếng ở Trung quốc có 4 chị em : Khánh-Linh (tức là bà Tôn Văn), Mỹ-Linh (tức bà Tưởng Giới-Thạch), Diệu-Linh và Ái-Linh. Ông Tưởng Giới-Thạch có hai con trai là Kinh-Quốc và Vĩ-Quốc.

Ở Việt Nam, có một gia đình học giả có tên đôi với chữ sau trong tên đôi này là Chi, như Nguyễn Ðổng-Chi, Nguyễn Việt-Chi,...

b. Mọi liên hệ giữa cha con, anh chị em cũng có thể được biểu lộ qua cách viết tên chánh bằng chữ Quốc ngữ hay bằng Hán tự.

Thân phụ và thân mẫu chúng tôi đều có tên bắt đầu bằng chữ H nên các con do hai cụ sanh ra đều được đặt những tên bắt đầu bằng chữ H. Tiện nội vốn tên là Thu nên chúng tôi ghép hai tên Huy và Thu lại rồi dùng chữ Thụy để đặt cho con trai và Thúy để đặt cho con gái.

Thời người Việt Nam còn dùng Hán tự làm chữ viết chánh thức thì mối liên hệ gia đình được biểu lộ qua những tên thuộc một bộ như nhau.

Tên các vua nhà Hậu Lê Trung Hưng từ đời Thần Tông (t.v. 1619-1643 và 1649-1662), Kỳ, Hữu, Vũ, Hội, Hợp, Ðường, Phương, Tường, Thìn, Diêu đều thuộc bộ kỳ ( ).

Tên các chúa Trịnh: Kiểm, Tùng, Tráng, Tạc, Căn, Cương, Giang, Doanh, Sâm, Cán, Khải đều thuộc bộ mộc ( ).Tên các chúa Nguyễn: Cam, Hoàng, Nguyên, Lan, Tần, Trăn, Chu, Trú, Khoát, Thuần đều thuộc bộ thủy ( ).

2. Sự biểu lộ liên hệ giữa những người trong một gia tộc qua chữ lót.

Mối liên hệ giữa cha con và anh chị em cũng có thể được biểu lộ bằng cách có một chữ lót chung nhau. Chữ lót này có thể có nhiều nguồn gốc khác nhau:

a. Chữ lót có thể là một chữ lót thông thường.

Các hoàng tử nhà Hậu Lê Trung Hưng bắt đầu từ vua Trang Tông Duy Ninh đều lót chữ Duy như Lê Duy Ninh, Lê Duy Huyên, Lê Duy Bang, Lê Duy Ðàm, Lê Duy Tân, Lê Duy Kỳ, Lê Duy Hữu, Lê Duy Vũ, Lê Duy Hội, Lê Duy Hợp, Lê Duy Ðường, Lê Duy Phương, Lê Duy Tường, Lê Duy Thìn, Lê Duy Thao(?),...

Ngày nay, con cháu nhà văn nổi tiếng Hồ Biểu Chánh vốn mang tên chánh là Hồ Văn Trung đều lót chữ Văn và có tên đôi như Hồ Văn Kỳ-Trân, Hồ Văn Di-Hinh, Hồ Văn Kỳ-Thoại, Hồ Văn Di-Hấn,...

b. Chữ lót biểu lộ mối liên hệ thân thuộc có thể vốn là một họ.

Có những người vì một lý do nào đó mà đổi họ nhưng vẫn muốn giữ gốc tích mình nên lấy họ cũ làm chữ lót và con cháu đời đời vẫn noi theo lệ đó. Trên đây, chúng tôi đã kể trường hợp những người họ Ðặng đời đời lấy họ Vũ làm chữ lót và những người họ Phạm đời đời lấy họ Ðỗ làm chữ lót.

c. Chữ lót biểu lộ mối liên hệ thân thuộc có thể là một chữ được chọn một cách đặc biệt do quyết định của một cá nhơn quan trọng.

Theo truyền thuyết thì khi có thai, bà vợ của chúa Nguyễn Hoàng đã nằm chiêm bao thấy thần cho mình chữ Phúc, khi thức dậy bà đã nói cho chúa biết và chúa nghĩ rằng nên lấy chữ Phúc làm tên chánh cho đứa con sẽ được sanh ra. Nhưng bà vợ của chúa Nguyễn Hoàng bàn rằng làm như vậy thì chỉ có đứa con đó được hưởng phúc, còn nếu dùng chữ Phúc làm chữ lót thì con cháu nhiều đời về sau cũng được hưởng. Chúa Nguyễn Hoàng đã theo ý kiến của bà nên con cháu của ông về sau đều dùng chữ Phúc làm chữ lót như Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Trân, Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Trú, Nguyễn Phúc Khoát, Nguyễn Phúc Thuần, ...

d. Chữ lót được dùng biểu lộ mối liên hệ thân thuộc giữa cha con và anh chị em có thể vốn là chữ đầu của một tên đôi.

Như ông Phạm Phú-Thứ vốn mang tên đôi, nhưng về sau con cháu ông được đặt cho một tên chánh trong đó chữ Phú làm chữ đầu thành ra chữ này trở thành một chữ lót.

Dầu nguồn gốc thế nào thì một chữ lót được một gia tộc dùng nhiều đời cũng biểu lộ được sự liên hệ giữa những người thuộc gia tộc đó, và họp với họ thành ra gần như một họ đôi.

3. Vài trường hợp đặc biệt trong lịch sử Việt Nam về việc biểu lộ mối thân thuộc qua cách đặt tên chánh.

Trong lịch sử Việt Nam, có những trường hợp đặc biệt về việc biểu lộ mối thân thuộc qua cách đặt tên chánh.

a. Khi ông Mạc Cửu đem đất Hà Tiên sáp nhập vào lãnh thổ của chúa Nguyễn, chúa Nguyễn rất tin yêu ông. Ðể biểu thị sự tin yêu này, chúa Nguyễn Phúc Chu (t.v. 1691-1725) đã thêm bộ ấp vào chữ Mạc để chỉ họ của người bầy tôi này, tuy cũng đọc là Mạc, nhưng viết khác với họ Mạc của Mạc Ðăng Dung là một bầy tôi phản loạn.

Ngoài ra, chúa còn ban cho gia đình Mạc Cửu một phương pháp đặt tên chánh cho con cháu gọi là "Thất diệp phiên hàn".

Theo phương pháp này, con cháu Mạc Cửu sẽ lần lượt lấy làm chữ lót 7 chữ chỉ định các chức vụ tôn quí sau đây : thiên, tử, công, hầu, bá, tử, nam; cứ mỗi thế hệ dùng một chữ và khi đến chữ chót thì đời sau đó sẽ trở lại chữ đầu.

Về tên chánh thì con cháu Mạc Cửu sẽ mang những tên mà chữ viết ra Hán tự thuộc các bộ chỉ ngũ hành, cứ mỗi đời dùng một bộ theo thứ tự ngũ hành tương sinh kim thủy mộc hỏa thổ và bắt đầu với bộ kim.

Nói cách khác, thế hệ đầu mang những tên chánh có bộ kim, thế hệ kế đó mang những tên chánh có bộ thủy, ... và sau thế hệ mang những tên chánh có bộ thổ lại đến thế hệ mang những tên chánh có bộ kim trở lại.

Trước khi được chúa Nguyễn ban cho phương pháp đặt tên trên đây, ông Mạc Cửu đã có một đứa con trai tên là Mạc Tứ. Chữ Tứ viết theo Hán tự ( ) gồm bộ bối ( ) và chữ dịch ( ). Áp dụng "Thất diệp phiên hàn", ông Mạc Cửu đã dùng chữ Thiên làm chữ lót cho con, và đem bộ kim ( ) thay bộ bối ( ) trong tên chánh người con này. Do đó, tên họ người con ông Mạc Cửu từ Mạc Tứ ( ) đã trở thành ra Mạc Thiên Tích ( ).

Cũng do chỗ áp dụng phương pháp "Thất diệp phiên hàn" được chúa Nguyễn ban cho trong việc đặt tên con cháu, nên đời con Mạc Thiên Tích lót chữ Tử và có tên chánh thuộc bộ thủy ( ) như Mạc Tử Thiêm ( ), Mạc Tử Duyên ( ); đến đời cháu Mạc Thiên Tích thì lót chữ Công và có tên chánh thuộc bộ mộc ( ) như Mạc Công Tài ( ).

b. Năm 1823, vua Minh Mạng đã có một quyết định liên hệ đến tên họ những người thuộc gia tộc nhà Nguyễn đang trị vì trên đất Việt Nam.

Gia tộc này vốn ở làng Gia Miêu Ngoại Trang, tổng Thượng Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Năm 1803, vua Gia Long đã đổi tên Gia Miêu Ngoại Trang thành Quí Hương và Tống Sơn thành Quí Huyện.

Cứ theo quyết định của vua Minh Mạng thì con cháu những người theo chúa Nguyễn Hoàng vào nam thì mang họ Tông Thất Nguyễn Phúc, còn con cháu những người vẫn ở lại Bắc Hà thì mang họ Công Tánh Nguyễn Hựu.

Tông Thất Nguyễn Phúc đã được đổi lại thành Tôn Thất Nguyễn Phúc vì cữ tên vua Thiệu Trị.

Mặt khác, trong thực tế thì về sau hai họ được dùng cho những người nói trên đây được thâu gọn thành Nguyễn HựuTôn Thất.

Ðối với con cháu vua Gia Long (t.v. 1802-1819) vua Minh Mạng đã ấn định cách đặt tên chánh theo một số nguyên tắc.

Nói chung thì các tên chánh này đều là tên đôi. Về chữ đầu của tên đôi này, vua Minh Mạng đặt ra những bài thơ, mỗi bài gồm 20 chữ, và dành cho mình và các anh cùng em trai của mình.

Vua Gia Long vốn có 13 người con trai, nhưng hai người mất sớm, còn lại 11 người có con cháu, nên vua Minh Mạng đã đặt ra cả thảy 11 bài thơ gồm 1 bài Ðế-hệ thi và 10 bài Phiên-hệ thi (Xin xem nguyên tác chữ Hán các bài thi này ở phần Phụ-lục). Chữ đầu của mỗi bài thơ này được dùng cho các cháu nội của vua Gia Long, và sau đó, cứ mỗi thế hệ lại dùng một chữ, sau thế hệ dùng chữ chót của bài thơ thì đến thế hệ dùng lại chữ đầu.

Bài thơ dành cho con cháu vua Minh Mạng được gọi là "Ðế hệ thi" như sau:

Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh

Bảo Quí Ðịnh Long Trường

Hiền Năng Kham Kế Thuật

Thế Thoại Quốc Gia Xương

Ngoài ra, lại còn mười bài dành cho con cháu những người anh em trai của vua Minh Mạng và được gọi là "Phiên hệ thi" :

- Bài dành cho Tăng Duệ hoàng thái tử tức là Ðông Cung Cảnh, anh ruột vua Minh Mạng như sau :

Mỹ Duệ Tăng Cường Tráng

Liên Huy Phát Bội Hương

Linh Nghi Hàm Tốn Thuận

Vĩ Vọng Biểu Khôn Quang

- Bài dành cho Kiến An vương, hoàng tử thứ 5 của vua Gia Long, em vua Minh Mạng, như sau :

Lương Kiến Ninh Hòa Thuật

Du Hành Suất Nghĩa Phương

Dưỡng Di Tương Thực Hảo

Cao Túc Thể Vi Tường

- Bài dành cho Ðịnh Viễn quận vương, hoàng tử thứ 6 của vua Gia Long như sau :

Tịnh Hoài Chiêm Viễn Ái

Cảnh Ngưỡng Mậu Thanh Kha

Nghiễm Khác Do Trung Ðạt

Liên Trung Tập Cát Ða

- Bài dành cho Diên Khánh vương, hoàng tử thứ 7 của vua Gia Long như sau :

Diên Hội Phong Hanh Hiệp

Trùng Phùng Tuấn Lãng Nghi

Hậu Lưu Thành Tú Diệu

Diễn Khánh Thích Phương Huy

- Bài dành cho Ðiện Bàn công, hoàng tử thứ 8 của vua Gia Long như sau:

Tín Diện Tư Duy Chánh

Thành Tồn Lợi Thỏa Trinh

Túc Cung Thừa Hữu Nghị

Vinh Hiển Tập Khanh Danh

- Bài dành cho Thiệu Hóa quận vương, hoàng tử thứ 9 của vua Gia Long như sau :

Thiện Thiệu Kỳ Tuấn Lý

Văn Tri Tại Mẫn Du

Ngưng Lân Tài Chí Lạc

Ðịch Ðạo Doãn Phu Hưu

- Bài dành cho Quảng Oai công, hoàng tử thứ 10 của vua Gia Long như sau :

Phụng Phù Trưng Khải Quảng

Kim Ngọc Trác Tiêu Kỳ

Ðiển Học Kỳ Gia Chí

Ðôn Di Khắc Tự Trì

- Bài dành cho Thường Tín quận vương, hoàng tử thứ 11 của vua Gia Long như sau :

Thường Cát Tuân Gia Huấn

Lâm Trang Túy Thạnh Cung

Thận Tu Di Tấn Ðức

Thọ Ích Mậu Tân Công

- Bài dành cho An Khánh vương, hoàng tử thứ 12 của vua Gia Long như sau:

Khâm Tùng Xưng Ý Phạm

Nhã Chánh Thủy Hoằng Qui

Khải Dễ Ðang Cần Dự

Quyến Ninh Cộng Tráp Hy

- Bài dành cho Từ Sơn công, hoàng tử thứ 13 của vua Gia Long như sau:

 

Từ Thể Dương Quỳnh Cẩm

Phu Văn Ái Diệu Dương

Bách Chi Quân Phụ Dực

Vạn Diệp Hiệu Khuông Tương

Chúng ta có thể nhận thấy rằng trong 11 bài thơ trên đây, có những chữ giống nhau như Thuật (Ðế hệ thi và Phiên hệ thi Kiến An vương), Gia (Ðế hệ thi và Phiên hệ thi Quảng Oai công, Thường Tín quận vương) nhưng đó là vì ta đã phiên âm các chữ ấy ra chữ Quốc ngữ chớ viết ra Hán tự thì các chữ ấy đều khác nhau (Xem nguyên tác Hán văn các bài thi này trong phần Phụ-lục).

Về chữ thứ nhì trong tên đôi của những người con cháu vua Gia Long, vua Minh Mạng cũng ấn định là mỗi đời phải dùng tên thuộc một bộ.

Theo Nguyễn-Phước tộc lược biên, năm 1823, vua Minh-Mạng có lựa sẵn 20 chữ (toàn bộ Nhật) để đặt tên cho các vị vua kế thống sau này. Ngài lại làm bài thơ Ngự-chế Mạng danh thi gồm 20 bộ, các vua triều sau cứ noi theo thế thứ mà đặt tên cho các hoàng-tử (Xem nguyên tác Hán văn bài này trong phần Phụ-lục).

Sau đây là phiên âm các bài Ngự-chế Mạng danh thi:

Miên Nhơn Kỳ Sơn Ngọc

Phụ Nhơn Ngôn Tài Hòa

Bối Lực Tài Ngôn Tâm

Ngọc Thạch Hỏa Hòa Tiểu

Ta nhận thấy rằng trong bài thơ này, có những bộ được dùng hai lần như Nhơn, TàiNgọc.

Con cháu của những người anh và em trai của vua Minh Mạng thì chọn chữ thứ nhì trong tên đôi thuộc các bộ chỉ ngũ hành, cứ mỗi đời một bộ, bắt đầu với bộ thổ và kế tiếp nhau theo thứ tự ngũ hành tương sanh thổ kim thủy mộc hỏa.

Với quyết định của vua Minh Mạng năm 1823, việc nhận vai vế những người thuộc hoàng tộc rất dễ. Những người mang họ Nguyễn Hựu là bà con rất xa đối với vua nhà Nguyễn, những người mang họ Tôn Thất gần hơn nhưng không phải là con cháu vua Gia Long.

Về con cháu vua Gia Long thì những người thuộc dòng vua Minh Mạng được biết nhiều nhứt, những người thuộc dòng Ðông Cung Cảnh được biết ít hơn, còn những người thuộc dòng các người em trai của vua Minh Mạng thì có lẽ không mấy ai được biết.

Về dòng vua Minh Mạng thì ta biết rằng con ông có tên bắt đầu bằng chữ Miên và tiếp theo đó là một chữ thuộc bộ Miên như Miên Tông (vua Thiệu Trị), Miên Thẩm (Tùng Thiện vương), Miên Trinh (Tuy Lý vương).

Ðời cháu nội vua Minh Mạng thì có tên bắt đầu bằng chữ Hồng và tiếp theo đó là một chữ thuộc bộ Nhơn như Hồng Nhậm (vua Tự Ðức), Hồng Bảo,...

Nhờ bài Ðế hệ thi, ta biết rằng các vua Thành Thái (tên Bửu Lân) và Khải Ðịnh (tên Bửu Ðảo) thuộc một thế hệ với nhau, và các vua Duy Tân (tên Vĩnh San) và Bảo Ðại (tên Vĩnh Thụy) thuộc một thế hệ sau đó.

Nhờ bài đầu của Phiên hệ thi, ta biết rằng ông Cường Ðể là dòng dõi Ðông Cung Cảnh. Ðối chiếu với Ðế hệ thi thì những người mang tên bắt đầu bằng chữ Cường trong dòng Ðông Cung Cảnh tương ứng với những người mang tên bắt đầu bằng chữ Bửu trong dòng vua Minh Mạng. Vậy ông Cường Ðể là vai anh các vua Thành Thái và Khải Ðịnh và con ông là Tráng Liệt và Tráng Cử là vai anh các vua Duy Tân và Bảo Ðại.

Những người thuộc dòng dõi vua Gia Long đã áp dụng các bài thơ do vua Minh Mạng đặt ra năm 1823 để đặt tên con cháu.

Nhưng riêng vua Duy Tân ở vào một trường hợp đặc biệt. Như trên đây đã nói, nhà vua này vốn tên là Vĩnh San và sau khi bị người Pháp truất phế rồi đem đi an trí ở đảo Réunion, ông mang tên là hoàng tử Vĩnh San. Khi sanh con trai tại đây, ông muốn theo nguyên tắc của hoàng tộc đặt những tên bắt đầu bằng chữ Bảo. Các viên chức Pháp coi hộ tịch tại đảo Réunion tưởng rằng hai chữ Vĩnh San gồm cả tên lẫn họ nên không thể chấp nhận để cho trong tên con ông Vĩnh San không có chữ nào liên hệ đến hai chữ Vĩnh và San và không chịu ghi vào hộ tịch tên đứa con trai ông đưa cho họ.

Giá như vua Duy Tân chịu khó giải thích cho họ biết rằng họ ông là Nguyễn Phúc và Vĩnh San chỉ là tên, và khai tên họ con trai mình là Nguyễn Phúc Bảo ... thì vấn đề đã giải quyết được ổn thỏa. Nhưng có lẽ lúc ấy nhà vua bực bội với người Pháp nên không chịu giải thích, thành ra trong sổ hộ tịch các viên chức Pháp đã kể Vĩnh San là họ của vua Duy Tân và thêm vào một tên Pháp thông thường cho con ông thành ra Georges Vĩnh San.

Trên đây là nói về tên đặt cho các hoàng tử của nhà Nguyễn từ đời vua Minh Mạng trở đi.

Ngoài ra, năm 1823 vua Minh Mạng lại còn làm một bài thơ 20 chữ thuộc bộ nhựt để đặt cho những người được kế vị làm vua. Do đó, các nhà vua triều Nguyễn từ đời vua Thiệu Trị (1820-1848) đều có hai tên chánh, một tên lúc còn là hoàng tử, một tên từ lúc lên ngôi. Như vua Tự Ðức lúc còn là hoàng tử đã mang tên là Hồng Nhậm và khi lên ngôi lại mang tên là Thì.

c. Triều vua Tự Ðức, gia đình của hai ông Dương Khuê và Dương Lâm được nhà vua trọng vọng là gia đình khoa bảng lớn, và ban cho bài thơ 16 chữ sau đây dùng để làm chữ lót:

Tự Thiệu Hồng Nghiệp

Vi Bang Gia Cơ

Tế Thế Kỳ Mỹ

Phú Khánh Du Chi

Từ khi được bài thơ này, thế hệ con của hai vị khoa bảng trên đây lấy chữ Tự làm chữ lót, thế hệ kế đó thì dùng chữ Thiệu, như các ông Dương Thiệu Tước, Dương Thiệu Ðệ (?), thế hệ sau nữa thì dùng chữ Hồng như các ông Dương Hồng Văn, Dương Hồng Võ, v.v...

Với bài thơ do vua Tự Ðức ban cho, những người trong gia tộc họ Dương nói trên đây chẳng những có thể nhận ra được mối liên hệ họ hàng với nhau mà còn biết được vai vế của mỗi người trên trong gia tộc.

Người đăng: admin