SÁCH MỚI: TỘC PHẢ HỌ VŨ (VÕ)
Sách do Ban liên lạc họ Vũ biên soạn, dày 565 trang khổ 19x27cm, chia thành 2 phần. Phần I in bản dịch Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích do Vũ Phương Lan, Vũ Thế Nho, Vũ Tông Hải biên soạn năm 1769, nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi dịch và chú giải năm 2004. Cùng với chính phả, sách in bài lược khảo, phả đồ 5 chi 8 phái họ Vũ ở Mộ Trạch của Vũ Thế Khôi. Phần thứ II có một số bài nghiên cứu về thủy tổ Vũ Hồn và họ Vũ (Võ) Việt Nam của TS Vũ Duy Mền, thạc sĩ Nguyễn Hữu Tâm, PGS-TS Nguyễn Tá Nhí, TS Đặng Phương Nghi...
Làng Mộ Trạch (Bình Giang - Hải Dương) là đất phát tích của họ Vũ. Chỉ tính từ thế kỷ IX đến nay, họ này đã có hơn 1.200 năm tồn tại và phát triển. Từ năm 1995 đến năm 2003, có 120 chi họ Vũ ở 20 tỉnh, thành phố về Mộ Trạch nhận họ. Theo sách Đăng khoa lục, dưới thời thi cử bằng chữ Hán, làng có 33 tiến sĩ, riêng họ Vũ chiếm 23 người. Từ cái nôi văn hiến này, họ Vũ sản sinh cho đất nước nhiều nhà văn hóa lớn. Đó là nhà toán học Vũ Hữu, người đã tính toán chính xác việc trùng tu thành Thăng Long đời Lê sơ (thế kỷ XV); Hoàng giáp Vũ Quỳnh, tác giả bộ Đại Việt thông giám thông khảo và truyện ký Lĩnh Nam chích quái; Hoàng giáp Vũ Cán giỏi thơ văn, từng xướng họa với Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trạng nguyên Giáp Hải; danh sĩ Vũ Phương Đề, tác giả sách Công dư tiệp ký...
Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích cung cấp thông tin cụ thể về một dòng họ lớn trên đất Hải Dương. Theo phả này, tổng số nhân khẩu dòng họ Vũ qua 18-19 đời là 1.764 người, trong đó có 469 người đảm đương chức vụ từ xã trưởng đến Tể tướng, chiếm 26,51%. Họ Vũ có những cặp vợ chồng cùng dạy học, có bà được phong là Nữ học sĩ. Trải 6 thế kỷ, họ Vũ có hơn 40 người mở trường tư thục, trường đông có đến 800-1.000 môn đồ, đào tạo hàng chục tiến sĩ. Thống kê số khoa danh từ đời Trần đến cuối đời Lê, dòng họ Vũ có 25 người đỗ thái học sinh và tiến sĩ, 135 cử nhân, 106 tú tài.
Phả họ Vũ ở Mộ Trạch còn chứa đựng tư liệu sinh động về văn hóa làng xã, là pho từ điển cổ ghi nhiều địa danh trong nước. Riêng ở Thăng Long, phả có nhắc đến phường Phục Cổ ở khu vực Hàng Ngang - Đồng Xuân với những tên phố lần đầu chúng ta được biết như Dịch Tiền (đổi tiền), Hàng Yếm. Phả còn có hơn 150 bài thơ, 64 câu đối, 13 bài văn (bi ký, văn tế, bài minh khắc trên chuông khánh) viết bằng chữ Hán. Riêng thơ của Hoàng giáp Vũ Cán về cảnh quan và nhân vật làng Mộ Trạch đầu thế kỷ XVI cũng có thể coi là tài liệu địa chí bằng thơ quý hiếm.
Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích in trong sách Tộc phả họ Vũ (Võ) có ưu điểm nổi bật là: “Chú trọng tính chính xác và nguyên tắc trung thành với nguyên tác. Tất cả các đính chính, chú giải, bình luận dựa trên cơ sở đối chiếu với sử liệu, bi ký và thơ văn liên quan đều đưa xuống phần chú thích ở cuối trang. Dịch giả không thêm bớt bất kỳ điều gì vào văn bản” (lời GS Vũ Khiêu). Về sự nghiệp của vị thủy tổ họ Vũ, lâu nay còn có những tồn nghi trong giới sử học. Phả ghi: “Đức tổ sáng nghiệp họ Vũ người huyện Long Khê tỉnh Phúc Kiến, năm 843 được thăng làm An Nam Đô hộ sứ; sau vì tuổi già, bệnh tật trả thẻ từ quan”. Chú thích ở trang 37 dẫn các nguồn sử liệu: “Năm 843, Kinh lược sứ Vũ Hồn bắt tướng sĩ đắp phủ thành, tướng sĩ làm loạn đốt lầu cửa thành, cướp kho phủ. Hồn chạy sang Quảng Châu. Giám quân là Đoàn Sĩ Tắc dẹp yên được bọn làm loạn. Chưa thấy một sử liệu nào ghi chép về số phận Vũ Hồn sau đó ra sao”. Phả ghi tiếp, sau khi từ quan, “Ngài chỉ yêu mến độc có làng ta là nơi mạch đất kết thành loa tràng (hình xoắn ốc) có đủ ngũ khí bao quanh - một kiểu đất phát danh khôi, bèn lập ấp ở lại, nhân đấy đặt tên là huyện Đường An, tên xã là Khả Mộ. Chú thích ở trang 38 ghi: “1 - Đường An (huyện). Trong sách Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ căn cứ sách Đường kỷ, cho rằng tên huyện Đường An có lẽ có sớm hơn, từ đời Đường Đức Tông (780 - 805)”.
Sách gợi cho người đọc suy nghĩ về cách chép phả của người xưa, cung cấp nhiều tư liệu bổ ích.
HNM