CHI HỌ VÕ VŨ LÀNG DƯƠNG XUÂN
HƯƠNG TRÀ THỪA THIÊN
Nhà giáo: Võ Như Nguyện và Võ Như Vọng
Việt kiều tại Pháp
Nội tổ chúng tôi, ngài Vũ Văn Giáp, hiệu Can Nguyên, sinh ngày 02 tháng 01 năm Giáp Dần, niên hiệu Tự Đức thứ 7 (triều Dực Tông Hoàng đế), dương lịch 1854, tại làng Phong Lâm, huyện Gai Lôc, phủ Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, trưởng nam cụ ông Vũ Hoàng Bỉnh , thuỷ Trực Chính và bà Phạm Thị Trắm, hiệu Từ An.
Buổi chiếu thời, ngài Vũ Văn Giáp thông minh, đĩnh ngộ, theo đòi học Nho và chữ Nôm.
Làng Phong Lâm, tên tục “làng Rồng” cùng với hai làng tiếp gáip Trúc Lâm, Văn Lâm, gọi chung tên là Tam Lâm, tên Nôm là “Ba làng Trắm”. Kế cận là làng Nghĩa Hy, dân số bốn làng khá đông đảo.
Đa số dân chúng là nông gia. Đồng ruộng, ao hồ mênh mông bát ngát. Có kẻ thương mãi. Số khác theo chuyên nghiệp tổ truền: “nghề thuộc da, đóng hia hài, giầy dép” và làm các dụng cụ bằng da súc vật.
Kể từ thế kỷ XII – XIII, có quý ngài chức phận cao cả, lập huân công dưới các triều Lý, Trần có sắc phong của vua:
- Thượng Tể tướng quân
- Hữu Dực tướng quân.
- Tả Dực tướng quân.
Dân làng đúc tượng, dựng đền khắp cả 3 làng Tam Lâm, cung kính phụng thờ. Cũng có quý ngài khoa bảng đề danh. Nho – gia cựu học, làm quan chức hoặc bổ dụng vào các ngành hành chánh đương thời.
Năm Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487), vua Lê Thánh Tông sắc chỉ ba vị: Phạm Đình Chính, Nguyễn Sĩ Bân, Phạm Thuần Chính tháp tùng phái bộ sứ giả do tiến sĩ Nguyễn Thời Trung đặc phái sang Trung Quốc giao hảo với Minh triều.
Lúc bấy giờ, nước ta chưa có “nghề thuộc da”. Ba vị ở lại Trung Quốc cố công tìm tòi học hỏi nghề thuộc da và làm giày dép để trở về nước truyền thụ cho dân chúng.
Thủ công nghiệp này liên tục kế thừa, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Ngài nội tổ chúng tôi cũng theo học rồi truyền lại cho môn đệ. Nghề nghiệp của Ngài theo thời gian mãi ngày một tân tiến vì ngài có óc sáng chế, sản phẩm về thuộc da được tinh xảo và đẹp đẽ hơn. Mọi người khen ngợi những “phát minh” của ngài nên tiếng tốt đồn xa…
Năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Tự Đức thứ 35 (1882), lời ca tụng đến tai triều đình. Vua Tự Đức sắc chiếu tuyên triệu nội tổ chúng tôi, ngài Vũ Văn Giáp vào đất Thần Kinh (Kinh Thành Huế), để truyền thụ công nghệ thuộc da làm giày dép, hia hài cho dân chúng, đồng thời phục vụ hia hài, y quan trong Đại nội.
Hành trình từ Bắc Kỳ đến Thuận Hoá, nhằm thời buổi ly lạon vào những năm Tân tỵ, Nhâm Ngọ (1881 – 1882) trăm phần khổ nhọc nguy nan. Quân Phàp đe doạ Hà Nội. Chủ soái quân Pháp là Henri rivìere từ Nam Kỳ đem quân ra Bắc, lăm le tấn công thành Hà Nội. Tổng đốc Hoàng Diệu đang đốc suất phòng thủ. Tại kinh đô Thuận Hoá thì triều đình gặp nhiều bối rối, bao nhiêu công việc khó khăn phải đối phó với Pháp quốc về các vấn đề chính trị, quân sự, kể cả việc giảng đạo Thiên chúa tại nước ta.
Nhưng vạn bất đắc dĩ , phải tuân hành chiếu chỉ vua ban, nội tổ chúng tôi, buộc lòng để lại vợ và con trai tại quê hương, từ giã Phong Lâm, giữa mùa xuân Nhâm Ngọ. Năm ấy, ngài đúng 28 tuổi, người con trai mới lên 7 tuổi. Đi theo ngài, người em ruột duy nhất, ông Vũ Văn Bính, cùng một nghề nghiệp như ngài. Trèo đèo vượt suối, đầu mùa hạ năm ấy, hai ngài đến Thuận Hoá (Kinh thành Huế - Trung Việt).
Ngài được triều đình tài trợ để mở lớp “`Thủ công nghệ thuộc da và làm giày dép”.. Ngài chọn địa điểm tại xã An Hoà, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, cách kinh đô 5 cây số về phía Tây Bắc, vì tại xã An Hoà có một xóm nhỏ, tục gọi “xóm Trâu”,có lò tể sinh (tức là nhà sát sinh, nơi làm thịt xúc vật). Địa điểm này thuận lợi cho việc mua da trâu bò để chuyển về tận chỗ “chế biến thuộc da” theo phương pháp đương thời. (Da mới mua, tại lò tể sinh là da sống, chế biến rồi là da chín, “thuộc” chữ Hán “thục” có thì nghĩa “chín”.
Môn địa thụ giáo với ngài rất đông. Nhờ có bào đệ Vũ Văn Bính phụ tá giảng dạy và trợ giúp, công việc tiến hành khả quan, mỗi ngày một khai phát.
Năm Quý Mùi (1833),vua Tự Đức băng hà. Nội tổ chúng tôi và bào đệ vẫn tiếp tục truyền nghề cho dân chúng tỉnh Thừa Thiên và các vùng phụ cận. Công cuộc mỹ mãn, dù rằng lúc bấy giờ tại Thuận Hoá gặp thời “Quốc biến”, triều thần chuyên chính. Trong 4 tháng mà 3 vị vua được tôn lên rồi lại truất phế (Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phước). Kế tiếp là phong trào Cần Vương. Vua Hàm Nghi xuất bôn! Dự kiến xôn xao. Lòng dân hồi hộp, lo âu và hy vọmg lẫn lộn….
Đến triều Đồng Khánh thứ 2, năm Đinh Hợi(1887), nội tổ chúng tôi nhận được sắc phong Cửu phẩm Văn giai. Ngành công nghệ thì thuộc võ giai, nhưng nội tổ chúng tôi có trình độ Hán học, lại thông thạo chữ Nôm nên được hoán cải Văn giai.
Chiếu chỉ Hoàng đế chuyển về làng Phong Lâm, quý cụ bô lão và dân chúng Tam Lâm hân hoan đón rước vì có thêm một nhân vật được triều đình ân tứ phẩm hàm, vinh dự cho làng xã. Thời ấy phẩm hàm rất quý, rất hiếm nên được kính trọng, vì chưa có tệ đoan “mua quan, bán tước”.
Năm Mậu Tý, niên hiệu Đồng Khánh thứ 3 (1888), sau khi quốc gia trải qua nhiều biến cố : Áp lực của thực dân Pháp và những hoạt động của phong trào cứu quốc(Cần Vương, Văn Thân, Phan đình Phùng,…), tình hình đất nước tương đối lắng dịu dần dần. Bào đệ của nội tổ chúng tôi, ông Vũ Văn Bính, trở lại quê hương đồng thời nội tổ chúng tôi cũng trở lại làng Phong Lâm đón phu nhân và vị trưởng nam vào đoàn tụ tại xã An Hoà (Thừa Thiên).Vị phu nhân danh Lê Thị Từ Châu năm ấy 33 tuổi, cậu trưởng nam Vũ Bá Hợp 12 tuổi.
Định cư tại An Hoà, nội tổ chúng tôi vẫn tiếp tục hành nghề. Môn dệ ngày càng gia tăng. Ngoài tiểu công nghệ hia hài, giày dép, y mão, ngày một phát triển do những đổi mới (khuôn khổ và hình dáng sản phẩm trang nhã bền chặt hơn), nội tổ chúng tôi còn sáng chế “giày dừa”.thứ giày này có đế làm bằng gỗ dây dừa hay cây vông, mui giày thêu chỉ màu sắc, đính thêm hạt cườm ống ánh,”Giày dừa” nhẹ nhàng đẹp mắt nên rất được ưa chuộng, nhất là các ông ba quan quyền, quý tộc hoạt giàu sang. Cận đại, tại vùng Gia Hội (Thừa Thiên), con cháu môn đệ cựu thời của nội tổ chúng tôi hãy còn giữ nề nếp và thỉnh thoảng sản xuất khi có ngươì cần dùng hỏi mua.
Nội tổ mẫu chúng tôi lo việc nội trợ, kiêm thêm thương mãi.Thân phụ chúng tôi, tên gọi hồi đó là Vũ Bá Hợp, còn nhỏ tuổi, tiếp tục học hành, văn chương xuất sắc, tinh thần tân tiến, giới học thức khen ngợi.
Năm Bính Thân, Thành Thái thứ 7 (1896), tại làng Mỹ Xá, huyện Quảng Điền, cách xã An Hoà chừng 15 cây số, ông bà Nguyễn Văn Tiếp đến gặp nội tổ chúng tôi yêu cầu đón nội tổ chúng tôi về nhà dạy học cho 4 người con trai. Năm ấy phụ thân chúng tôi 20 tuổi. Ông cụ, bà cụ nội tổ chúng tôi chấp thuận vì đã biết rõ 2 ông bà ấy là người đạo đức phúc hậu, làng xã kính yêu.
Làm thầy dạy học, thân phụ chúng tôi được toàn thể đại gia đình họ Nguyễn ái mộ. Đáp lại, thầy giáo có cảm tình mật thiết với học trò và lòng kính trọng gia chủ. Hai bên tương đắc. Một thời gian sau, gia chủ hứa hôn, gả trưởng nữ cho thầy giáo.
Năm kế tiếp, Thành Thái thứ 8, Đinh Dậu (1897), cụ Sào Nam Phan Bội Châu, từ Nghệ Tĩnh vào Thừa Thiên. Nghe tiếng tốt, người đến tìm thân phụ chúng tôi. Hai nhân vật có tinh thần yêu nước gặp nhau, trở nên đồng chí cách mạng. Thân phụ chúng tôi kém cụ Phan mười tuổi, tôn người làm bậc thầy.
Cụ Phan, ngoài việc “tọa giám” (nghe giảng tại trường Quốc Tử Giám), tiếp xúc với tầng lớp sĩ phu, trí thức, khoa bảng để truyền đạt tư tưởng của mình. Ngồi dạy học tại nhà nội tổ chúng tôi ở xã An Hoà, cụ Phan không ngừng giao thiệp với học giả, kỳ lão cũng như thanh niên, âm thầm kết nạp đồng chí, ước mong đạt được hy vọng, vì nước, vì đồng bào, phục hồi độc lập quốc gia.
Từ đó, phụ thân chúng tôi khi cề Mỹ Xá, lúc lên An Hoà đàm đạo với Phan tiên sinh và thảo luận với các đồng chí.
Cụ Ông, cụ Bà nội tổ chúng tôi bẩm sinh tiết tháo, khí khái tán thành công cuộc bí mật ấy nên hết lòng ám trợ về mọi phương diện. Khu nhà riêng tại an Hoà trở thành nơi hội họp của tổ chức vứa mới hình thành…
Cụ Phan Bội Châu, trú tại An Hoà, cổ suý và hoạt động tại kinh đô hơn 2 năm. Sau khi chuẩn bị mọi công việc, người trở về Nghệ An dự kỳ Hương thí tại trường Nghệ An, đỗ giải nguyên (đứng đầu hàng Cử nhân)khoa Canh Tý, dương lịch năm 1900. Năm ấy cụ Phan 34 tuổi.
Tại Thuận Hoá, phụ thân chúng tôi cũng lều chõng đến trường thi Tây Lộc (Thừa Thiên). Thân phụ chúng tôi cũng bảng vàngđề danh khoa Canh Tý, niên hiệu thành Thái thứ 12 (1900) cùng một khoa với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Hai cụ Vũ và Hoàng (chữ Hán “Huỳnh” và “Hoàng” là một) là “đồng canh, ng niên đồng chí”, nghĩa là tuổi ngang nhau (25 tuổi), đỗ đạt cùng một khoa, tâm sự và chí hướng giống nhau.Nhưng có tham khảo “Quốc triều hương khoa lục”sẽ được biết thêm rằng cụ Tây Hồ Phan Châu trinh cũng đỗ khoa này, năm ấy cụ Tây Hồ chỉ mới 19 tuổi.
Từ đây, theo tiếng nói vùng Thừa Thiên, dân chúng gọi cụ Vũ Bá Hợp là cụ Cử nhân Võ Bá Hạp hay là cụ cử Võ. Còn nội tổ chúng tôi trước đó là “cậu cả giày”, nay được tôn xưng là cụ cửu Võ, vì đã được ân tứ phẩm hàm lại có con trai mới thành danh…
(Trong Hán Văn, chữ “Vũ” và “Võ” điều viết cùng một lối, tuy nhiên tuỳ vùng mà cách đọc khác nhau: Miền Bắc đọc “Vũ”, miềnTrung và miền Nam đọc “ Võ”. “Hợp” và “Hạp” cũng vậy ).
Thời xưa, muốn ứng thí một khao thi phải có hồ sơ do làng xã chứng nhận. Nếu phải về tận Phong Lâm để xin chứng nhận thì hành trình quá xa xôi và khó nhọc.Cho nên, một thân hữu của phụ thân chúng tôi đã đề nghị hãy xin chứng nhận của làng Dương Xuân, nơi mà cụ Hoàng Hữu Quý là người có chức sắc cao quý. Làng Dương Xuân tiếp giáp xã An Hoà. Thân phụ chúng tôi nghe lời và cụ Hoàng đã tận tâm giúp đỡ thành tựu. Sau khi thi đậu Cử nhân, làng Dương Xuân đầy đủ nghi thức võng lọng, ngựa xe, cờ xí, trống chiêng, đón rước người vinh quý bái tổ. Thế là làng Dương Xuân đơn nhiên trở thành “chánh quán” của cụ Cử nhân Võ Bá Hạp.
Từ đó phát xuất họ Võ Dương Xuân, tức là họ Võ - Huế (chi phái họ Vũ – Thái Dương).
Sau khi đỗ cử nhân, được triều đình bổ dụng làm quan nhưng thân phụ chúng tôi nhất định khước từ.
Những người trong họ, mặc dù đổi thay chánh quán, thân quyến Phong Lâm và dân chúng Tam Lâm vẫn công nhận là thuộc dòng dõi họ Vũ tộc Hải Dương. Danh sách con cháu sinh trưởng tại Huế hoặc khắp các miền Bắc, Trung, Nam đều được ghi chép vào “Vũ tộc Ngọc phả quê hương Phang lâm”, tình nghĩa huyết thống khong hề phai nhạt.
Năm Thành Thái thứ 15, Giáp Thìn (1903), sau tết Nguyên đán, ông cụ bà cụ nội tổ chúng tôi, theo tục lệ xin làm lễ vấn danh trưởng nữ ông bà Nguyễn Văn Tiếp là cô Nguyễn Thị Cân cho thân phụ của tôi vì trước đó vài năm đã có hứa hôn. Cuới năm ấy cử hành lễ hoàng hôn: Chú rễ 27 tuổi, cô dâu 17 tuổi.
Đến năm Ất Tý (1905), niên hiệu Thành Thái thứ 17, sau khi thành lập xong “Duy Tân Hội” (tháng 7 năm 1903), ngày 20 tháng giêng cụ Phan Bội Châu lên đường ra Bắc. Cụ Tăng bạch Hổ bí mật hướng dẫn cụ Phan sang Trung Quốc.
Được tin này thực dân Pháp ra lệnh bắt giữ người có tên trong sổ den, tình nghi hoạt động chống “bảo hộ”. Thân phụ chúng tôi chung một số phận ấy, bị tra tấn nhiều lần và bị dẫn đi khắp các tỉnh miền Trung rồi cuối cùng phải lãnh án 9 năm khổ sai , biệt giam tại lao xá Quảng Ngãi.
Có người đến chia buồn, Ông cụ nội chúng tôi kghiêm tốn, chỉ lên bức hoành phi có viết hai đại tự “Lạc Lạc”, do ông cụ tự làm lấy treo giữa nhà. “Lạc Lạc”có nghĩa ngầm là “nên vui với sự vui”, vì ông cụ cho rằng việc cụ con trai duy nhất bị lâm vào vòng luỵ tiết là gánh chút trách nhiệm làm quốc dân, và cụ Sào Nam may mắn bị xuất ngoại.
Cụ bà tổ nội chúng tôi, đâu khổ vì thương xót người con trai duy nhất bị hành hạ trong vòng vùng tù tội, đâu buồn rồi sinh trọng bệnh, từ trần vào cuối năm 1906.
Nội tổ mẫu chúng tôi đức hạnh nhân thuần, tách tình hoà ái lại có tinh thần quốc gia chủng tộc cho nên ngài bà con quyến thuộc, bằng hữu hân thích xa gần đều điếu tang và tiễn đưa rất đông đúc. Có người nhắc lại câu chuyện đáng ghi nhớ:
Năm Giáp thìn, niên hiệu Thành Thái thứ 16 (1904), tại Thừa Thiên bão lụt rất lớn, ruộng vừơn, cây cối, súc vật… thiệt hại nặng nề. Cầu Trươùng Tiền do hãng thầu Pháp Eiffel xây cất kiên cố vào nă Đinh Dậu (1897), gió bão thổi mạnh, sụp đỗ chìm xuống sông Hương Giang, chợ Đông Ba cũng bị huỷ hoại hoàn toàn. Một phần dân chúng lâm vào cảnh nghèo nàn đói kém. Nội tổ mẫu chúng tôi đem gạo cơm, thuốc than giúp giùm trong vùng, được đồng bào mến chuộng thương tiếc.
Năm Bính Ngọ (9106), niên hiệu Thành Thái thứ 18, cầu và chợ được kiến thiết lại, ở Huế có câu hò:
“Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại
Cầu trường tiền đúc lại xi – moon
Ơi người lỡ hội chồng con
Về đây gá nghĩa vuông tròn với nhau”.
(“Giại”, tiến Huế là dãy đất cao, dọc theo bờ hồ sâu, bao bộc chung quanh thành nội Huế. “Xi - moon” tức là “Ciment, bê tông”).
Hai câu hò sau, do thời thế lúc ấy, có người sửa lại:
“Hỡi người lỡ vận nước non,
Vần xoay thế cuộc sắc son dặn lòng”.
Cũng trong năm Bính Ngọ (1906), sau khi nội tổ chúng tôi quá vãng và thân phụ chúng tôi vẫn còn bị giam cầm, nhà cửa tại An Hoà trở nên vắng vẻ, đìu hiu, chỉ có lại nội tổ chúng tôi và thân mẫu chúng tôi.
Hai làng Bao Vinh và Mỹ Xá cách nhau chừng 10 cây số, giao thông đường thuỷ thuận tiện. Ngày nào cũng có mấy chiếc đò dọc chở khách khứ hồi từ Sịa đến bến Tượng, dừng ghé rước khách tại Bao Vinh và Mỹ Xá.
Ông bà Nguyễn Văn Tiếp, ngoại tổ của chúng tôi bèn quyết định mau một sở nhà tại làng Bao Vinh ,cách xã An Hoà 6 cây số và yêu cầu nội tổ chúng tôi về cư trú tại nơi ấy. Di cư tới địa điểm này để hai bên thông gia dễ dàng thăm viếng nhau, chia sẻ buồn vui; và thân mẫu chúng tôi thường xuyên đi lại thăm viếng, hầu hạ nhạc gia và song thân. Cảnh tượng hiu quạnh và mối ưu phiền tương đối giảm thiểu.
Thân phụ chúng tôi dù đã bị giam giữ ở Phối Sở, Quãng Ngãi vẫn chưa được yên thân. Mỗi lần xảy ra vài ba cuộc đấu tranh chống chính phủ “bảo hộ” Pháp (như những vụ cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh hô hào canh tân, vụ dân chúng Quãng Nam, Quãng Ngãi chống thuế và phong trào Duy Tân (hô hào đổi mới)…Trong những năm 1907 – 1908 – 1909), thân phụ chúng tôi lại bị dẫn đi các tỉnh miền Trung để tra vấn thêm. Mỗi lần như vậy, thân mẫu chúng tôi phải đi theo thăm viếng, tiếp tế ẩm thực, săn sóc thuốc than,…lúc nào cũng nhờ người em cô cậu là ông Bùi Vượng giúp đỡ trong những hành trình khó nhọc nguy hiểm.
Chúng tôi xin nhắc lại một sự kiện mà gia đình chúng tôi ghi đậm trong đáy lòng.
Cụ Đỗ Đăng Tuyển, biệt hiệu Hy Đào, bí danh Sơn tẩu,cũng gọi là cụ Ô Gia, vì cụ quản làng Ô Gia, tỉnh Quảng Nam là một nhân vật trọng yếu, cơ mưu, mạo hiểm của phong trào “Văn Thân kháng Pháp” và “Cần Vương cứu quốc” trong 2 năm đầu niên hiệu Hàm Nghi và Đồng Kháng âm lịch, Ất dậu (1885) và Bính Tuất (1886).
Giữa năm Mậu Tuất, niên hiệu Thành Thái thứ mười (1898), cụ bí mật liên lạc với phụ thân chúng tôi rồi trở thành đôi bạn đồng chí tâm phúc.
Đến năm Ất Tý niên hiệu Thành Thái thứ 17 (1905), cụ tham gia phong trào Đông Du đo cụ Sào Nam Phan Bội Châu khởi xướng. Năm sau (1906), thân phụ chúng tôi bị sa lưới thực dân Pháp.
Cụ bị bắt năm Canh Tuất, niên hiệu Duy Tân thứ tư (1910) và cũng bị dẫn đi khắp các tỉnh miền Trung để đốI cứu với các nhà Cách mạng chống thực dân đang bị Pháp giam cầm lúc bấy giờ. Khi đến tỉnh Quảng Trị. Cụ và thân phụ chúng tôi bị giam cùng một nơi và đều bị tra khảo cựu hình. Có điều lạ, tuy cả hai đều bị biệt giam, lời khai do hai cụ bày đặt ra, để khỏi liên lụy đến các đồng chí và phương hại đến công việc chung, đều phù hợp với nhau và dù bị tra tấn, cả hai cụ đều kiên quyết trả lời “Không hề biết nhau” nên thực dân không tìm được manh mối nào. Sau cùng thực dân Pháp đành buộc cả hai người cùng chung một tội “giao thông với ngoại quốc” (tức giao thiệp với Trung Hoa và Nhật Bổn) để chống chính phủ “Bảo hộ”.
Sau một thời gian ngắn, cụ Đỗ Đăng Tuyển bị tù đày ở Phối Sở - Lao Bảo, một nhà ngục khắc nghiệt, ác độc, sơn lam chướng khí! Cụ tuyệt thực và từ trần nơi này, ngày 4 tháng tư năm dương lịch (1911), tức là ngày mồng bảy tháng ba năm Tân Hợi, niên hiệu Duy Tân thứ năm.
Lúc khởi hành từ lao xá Quảng Trị, lên đường Lao Bảo, thân phụ chúng tôi có bài thi tống biệt rất thống thiết, được lưu truyền thuở ấy. Tiếc thay vì biến cố quân sự, sách vở, tài liệu thất thoát hết, chúng tôi chỉ nhớ vài câu vảm khái:
Văn chi Lao Bảo ly - mỵ - hương
Ngã vi Lao Bảo du hào Tẩu
Dãn khuynh Hãn thuỷ tác biệt tửu
Cộng tả bình sinh khối lỗi chi hung hoài!
Tạm dịch:
Người ta cho rằng chốn Lao Bảo là làng xóm của ma quỷ,
Tôi bảo rằng đó là nơi tụ họp của các bậc anh hào liệt sĩ…
… …
… …
Tôi xin nghiêng dòng sông Hãn (con sông chảy qua tỉnh Quảng Trị)
Lấy nước đó làm rược tiễn biệt,
Và đồng thời bày tỏ nỗi lòng trong sáng,
Cũng như mối ưu hoài chất chứa suốt đời tôi!
… …
… …
Khoảng thời gian mà thân phụ chúng tôi bị dẫn độ từ tỉnh này qua tỉnh khác, Nam Ngãi đến Nghệ Tĩnh, ngoài được sự săn sóc của thân mẫu chúng tôi, còn có thêm Cô Đốc Lê Thị Đàn, một nữ đồng chí Việt Nam Quang Phục Hội, luôn luôn theo dõi để giúp đỡ những khi bất trắc, vì Cô Đốc thông minh, xuất sắc, tuỳ cơ ứng biến, bổ túc những thiếu sót của thân mẫu chúng tôi vốn là người đàn bà đơn thuần chất phác, không mấy thông thạo giao thiệp.
Nhiều sách báo có ghi chép một cử chỉ táo bạo của Cô Đốc Lê Thị Đàn: Thân phụ chúng tôi bị áp giải đi đường bộ từ Quảng Ngãi đến Quảng Trị. Lúc đến địa phận Thừa Thiên, thân phụ chúng tôi thể chất gầy còm, sức khoẻ kiệt quệ, chân bước không vững nên đi rất chậm. Một tên lính thị oai, dùng roi mây quất mạnh vào lưng thân phụ chúng tôi rồi hét lớn: “đi nhanh lên!” tức thì Cô Đốc chạy gấp đến, giựt lấy roi mây của tên lính, vừa đánh tới tấp vào tên lính vừa dõng dạc mắng nhiếc: “Bọn chúng bây là tay sai hạ đẳng của đám mãi quốc, sao dám hành hung cụ Cử nhân trọng vọng được mọi người tôn kính!”.
Chẳng may khi đến tỉnh Quảng Trị thì hành tung Cô Đốc bị bại lộ. Cô Đốc bị bắt giam và tra tấn cực hình! Tuy nhiên, dạ sắt lòng son, Cô Đốc không hề khuất phục bọn quan lại Việt gian.
Ngày 16 tháng 3 năm Canh Tuất, niên hiệu Duy Tân thứ tư, tức là ngày 25 tháng 4 năm 1910 dương lịch, Cô Đốc tuẫn tiết trong ngục xá Quảng Trị, lưu lại 10 bài tuyệt mệnh thi vừa bi thương vừa khí phách, vừa cổ vũ nhân tâm vừa bài xích thực dân. Lúc này, cụ Đỗ Đăng Tuyển và thân phụ chúng tôi còn có mặt trong nhà giam Quảng Trị.
Mấy bài tuyệt mệnh thi của Cô ĐốcẤu Triệu Lê Thị Đàn còn lưu truyền sáng chói trong sử sách.
Khoảng năm Canh Ngọ, niên hiệu Bảo Đại thứ 5 (1930), Sào Nam Phan Bội Châu tiền bối, lúc này bị an trí tại bến Ngự (Huế) có dựng kỷ niệm đài trong vườn nhà, ghi ân liệt nữ Lê thị Đàn với biệt hiệu Ấu - Triệu.
Đến năm Ất Dậu, niên hiệu Bảo Đại thứ 20 (1945), khoảng tháng 6 âm lịch, các ông Nguyễn Đôn Dư, Nguyễn Đôn Duyến cùng với thân hào nghĩa sĩ và đồng bào xã Thế Lại Thượng (xã này là nguyên quán của bà Lê Thị Đàn) cử hành long trọng lễ an vị bà Ấu Triệu Lê Thị Đàn, phụng thờ tại đình làng. Các giới học sinh, thanh niên, kỳ lão,…, đông đủ thành phần dân chúng xứ Huế tề tựu dự lễ với nhiều hoài niệm, xúc cảm.
Đồng thời dân chúng xã Thế Lại Thượng và các vùng phụ cận cũng đến tụ họp tại nghĩa trang xã này, nơi cá mộ phần của cụ Điền Bát Tử Tăng Bạt Hổ để làm lễ truy điệu nhà Cách mạng Tăng Bạt Hổ. Nhiều khẩu hiệu và biểu ngữ được tung hô: “Việt Nam độc lập” – “Đả đảo thực dân” – “Bài trừ tay sai đế quốc”…
Cuối năm Giáp Dần, niên hiệu Duy Tân thứ 8 (1914), thân phụ chúng tôi mới được ra khỏi nhà tù, đoàn tụ với nội tổ chúng tôi và thân mẫu chúng tôi tại làng Bao Vinh.
Đến năm Khải Định thứ 2, năm Đinh Tỵ (1917), thân phụ chúng tôi được khôi phục Cử nhân, triều đình muốn bổ - dụng vào ngành giáo dục. Thân phụ chúng tôi chọn làm lương y tại gia để giúp đỡ đồng bào mà thôi. Nhiều người cảm phục…
Thời gian cư trú tại làng Bao Vinh từ năm Giáp - Dần đến năm Canh Thân (1914 – 1920) thân mẫu chúng tôi sinh hạ hai chị chúng tôi, Võ Thị Liên và Võ Thị Huệ, nhưng đều bị tảo thế (mất sớm ) và hai anh em chúng tôi Võ Như Nguyện , Võ Như Vọng. Đến năm Ất Sửu, niên hiệu Khải Định thứ 10 (1925), thân mẫu chúng tôi sinh thêm một người con trai là Võ Như Hoài, nhưng chẳng may từ trần sau đó hai năm.
(Viết tại Pháp quốc, thành phố Lons, ngày 02 tháng 02 âm lịch Bính Tý, tiết Xuân Phân, nhằm ngày 20 tháng 03 dương lịch năm 1996. Vũ tộc hậu duệ Võ Như Nguyện và Võ Như Vọng.)
BBT: Trong “Quốc triều hương khoa lục” có ghi: “Vũ Bá Hợp ngườI xã Dương Xuân huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên. Đậu Cử nhân năm 25 tuổi. Can tội”. Đọc bài này ta được rõ cụ can tội đi theo tư tưởng Phan Bội Châu, chống lại chế độ Bảo hộ!