CẦN LÀM SÁNG TỎ DANH TÍNH ÔNG TỔ HỌ VŨ MỘ TRẠCH VŨ NẠP, VŨ VỊ PHỤ NGƯỜI HỒNG CHÂU VÀ VŨ TƯỚNG QUÂN ĐỒNG GIANG HẦU Ở TRÀNG KÊNH QUA SỬ SÁCH VÀ GIA PHẢ HỌ VŨ LÀNG MỘ TRẠCH.
Cự Vũ ( Vũ Hiệp)
Là những người dạy học, đã làm công việc dạy Sử và nghiên cứu Sử học cổ đại Việt Nam, cũng như sưu khảo về gia phả học nước ngoài. Nhiều năm chuyên khảo về họ Vũ, Võ nói chung và dòng họ Vũ làng Mộ Trạch nói riêng, chúng tôi đã thắc mắc và băn khoăn nhiều về một số danh tính nhân vật được coi là khai tổ họ Vũ ở làng Chằm (Mộ Trạch), Hồng Châu (tức Hải Dương xa xưa). Đó là ông Vũ Nạp (là khởi tổ thứ nhất dòng họ Vũ lớn nhất và cũng danh giá nhất trong số các dòng họ Vũ khác làng Mộ Trạch). Theo “Mộ Trạch Vũ tộc Thế Hệ Sự Tích” ông Vũ Nạp được ấm phong hàm Tăng Thống, trong “Đinh Từ Tự Điển” được thờ hàng đầu trong số 179 vị truyền giáo hữu công, do cụ dạy con đỗ đại khoa. Trong “Xuân Diên Tử Điển” làng Mộ Trạch, ông Nạp cũng được thờ ở hàng thứ 7 trong tổng số 366 vị được thờ ở đình làng. Vậy mà bên cạnh danh tính Vũ Nạp, ông còn được một số vị nghiên cứu cho là ông chính là Vũ Vị, đỗ Ất khoa, khoa thi thông tam giáo tháng 8 năm 1247 triều Trần; Rồi ông Nạp cũng chính là Vũ Tướng Quân, tước Đồng Giang Hầu, phó tướng của Hoàng Tôn Trần Quốc Bảo, tham gia đánh quân Nguyên trên sông Bạch Đằng năm 1288, sau đó cụ lấy vợ lần thứ hai, và lập ra hai chi Họ Vũ ở Tràng Kênh và Dưỡng Động Hải Phòng ngày nay?
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, nước ta bị đô hộ, với âm mưu đồng hóa Việt tộc với Phương Bắc, sử sách đã bị tịch thu, dân Việt bị đồng hóa với người Hán. Quốc Sử, gia phả các họ tộc thường bị thất lạc, rồi thì “tam sao thất bản”. Ngay chính bộ cổ phả “Mộ Trạch Vũ tộc Thế Hệ Sự Tích” của làng Mộ Trạch được nhóm các vị Nho gia Vũ Phương Lan, Vũ Tông Hải và Vũ Thế Nho viết năm 1677-1679 cũng chỉ dựa trên các tư liệu, mà theo lời cụ Vũ Phương Lan là “…nhờ ơn các bậc tiền nhân truyền lại thủ bút, nay chỉ còn thấy có Đồ dẫn biên của tướng công Hằng Trai (Vũ Dự), Biệt đồ ký của tướng công Phác Trai (Vũ Duy Chí), những điều truyền lại của Viên ngoại lang Thức Trai (Vũ Hiệu), những ghi chép của Thự Tham chính Xuân Trạch hầu (Phương Đề), cùng các văn bia ở nhà thờ các chi, nhưng thảy đều sơ lược, hoặc thiên lệch.”Ngoài ra các vị này còn phải dựa cả vào các bài thơ ca ngợi quê hương của các bậc tiền nhân nên “… phần nhiều chỉ miêu tả sự tích cụ này cụ nọ, cố nhiên chưa hệ thống được tông tộc, sắp xếp lại họ hàng”. Mặc dù rất cố gắng nhưng các vị Nho Gia trên cũng phải thừa nhận việc biên soạn gia phả không thể tránh được nhưng sơ xuất, lầm lẫn: “..Tuy nhiên, sau bao cuộc tao loạn binh đao, sách hư phả nát, tránh sao khỏi mất mát, sai lầm. Cả phần đầu từ Đường mạt [cuối thế kỷ IX] đến Nguyên sơ [đầu thế kỷ XIII] đã thất truyền…”(trích từ “Mộ Trạch Vũ tộc Thế Hệ Sự Tích” NXB thế giới 2004 -trang 56).
Những năm gần đây, Hán học lại suy đồi, số người hiểu biết chữ Hán Nho cổ không còn mấy? Nên lớp tân học, một phần do không đọc được chữ Hán ở các tư liệu, sử sách, cổ phả để lại, một phần khác hiểu chữ Hán không sâu sắc hoặc không có phương pháp nghiên cứu gia phả, nhất là phương pháp tính theo niên đại. Thành thử có hiện tượng “tam sao thất bản” và đọc lầm lẫn, dịch chữ nghĩa xưa sai! Bởi thế, đã có trường hợp hiểu lầm giữa các nhân vật lịch sử, hiểu sai giữa các bậc tiên tổ trong một dòng họ mình? Sự nhầm lẫn này dẫn tới việc các bậc tiên tổ trong dòng họ bị gán ghép sai danh tính, niên đại, thành tích quả khoa bảng và tước vị được tấn phong. Bà con trong họ, con cháu sau này cứ dựa vào những thông tin trên sẽ hiểu sai về dòng họ. Nếu có tìm hiểu kỹ sẽ thấy có nhưng bất hợp lý, từ đó có thể hoàn nghi cả lịch sử cũng như truyền thông vẻ vang của dòng họ Vũ. Thậm chí đã có những sử gia nước ngoài (điển hình là ông Alain Fiorucci) khi phát hiện nhưng bất hợp lý trên đã không thừa nhận gia sử dòng họ Vũ có thực trong lịch sử, mà chỉ coi đó là các …truyền thuyết.
Điều đáng nói nhất là những sơ xuất này càng có hậu quả nặng nề hơn khi đã được “hợp thức hóa” bởi các “thẩm định” của các cơ quan quản lý văn hóa địa phương và đã khắc bia đá để …lưu danh muôn thủa! Tấm bia chữ Quốc ngữ trong đền thờ Đồng Giang hầu ở thị trấn Minh Đức là một ví dụ khá điển hình về tình trạng trên. Trong khi cổ phả “Mộ Trạch Vũ tộc Thế Hệ Sự Tích” không hề có việc cụ Vũ Nạp bỏ làng đi, “Đinh Tự từ điển” và “Xuân Diên từ điển” của làng Mộ Trạch vẫn thờ ông là bậc Truyền Giáo Hữu Công tại Văn Chỉ và Đình làng thì bia thờ cụ Vũ Tướng Quân, Đồng Giang Hầu này lại viết:
“Tên ông là Nạp họ Vũ sinh ra ở làng Mộ Trạch, huyện Đường An, phủ Hồng Châu, trấn Hải Dương (nay là làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Cẩm Bình (Bình Giang), tỉnh Hải Dương).
Vũ Nạp có 2 vợ sinh 4 người con trai.
Người vợ thứ nhất ở làng Mộ Trạch, sinh được 2 con trai là Vũ Nghiêu Tá, Vũ Hán Bi cả hai đều đỗ Tiến sĩ đồng khoa năm Giáp Thìn (1304) và được bổ làm quan trong triều đình dưới triều vua Trần Anh Tông (1293-1314).
Người vợ thứ hai Ngô Thị Ngại người làng Tràng Kênh, cũng sinh được 2 người con trai là Vũ Đại và Huệ An. Ông vũ Huệ An ở làng Dưỡng Động, Minh Tân thuộc Thuỷ Nguyên, Hải Phòng.
Vì thế con cháu họ Vũ ở làng Mộ Trạch, Minh Đức, Minh Tân ngày nay đều chung một thuỷ tổ Vũ Nạp”.
Ở đoạn sau cụ Vũ Nạp nghiễm nhiên trở thành Vũ Tướng Quân, tước Đồng Giang hầu tham gia đánh quân Nguyên cùng tướng quân Trần Quốc Bảo:
Thủa nhỏ Vũ Nạp ham học hỏi nên tinh thông cả đạo Nho lẫn đạo Phật. Năm Đinh Thìn (Đinh Mùi- 1247) thời vua Trần Thái Tông thứ 19 mở khoa thi Tam giáo, ông đỗ Ất khoa với tên gọi "Vũ Vị Phủ", ông được bổ nhiệm làm quan với chức Tăng thống Hàn lâm viện (1247-1258).
Được vua giao cùng với tướng quân Trần Quốc Bảo làm nhiệm vụ phòng thủ ven biển hướng Đông Bắc khu trú quân áng Lạc, áng Hồ, dãy núi Gia Minh và Tràng Kênh với chức Phó tướng là người giúp việc đắc lực cho Trần Quốc Bảo.
Tháng 2 năm 1288 Trần Quốc bảo và Vũ Nạp kéo quân sang Yên Hưng ứng viện cho Trần Khánh Dư đang giao chiến quyết liệt với Ô Mã Nhi, trong trận đánh này Trần Quốc Bảo bị thương nặng và mất ngày 7 tháng Giêng năm Mậu Tý. Được vua giao thay Trần Quốc Bảo chỉ huy quân sĩ và nhân dân tiếp tục chiến đấu và đắp đường từ làng Giang Minh về Tràng Kênh để mai táng Trần Quốc Bảo tại chân núi Phượng Hoàng.
Đặc biệt vào ngày 9. 4. 1288 (tức ngày 8.3 năm Mậu Tý) Vũ Nạp đã chỉ huy quân sĩ tổ chức tập kích, đón thời cơ tiêu diệt giặc. Ông chỉ huy đạo quân của mình tham gia vào trận đánh thuỷ công hoả chiến trên sông Bạch Đằng lịch sử như Trương Hán Siêu đã mô tả trong bài Bạch Đằng giang phú. Toàn bộ chiến thuyền giặc bị tiêu diệt và thu được hơn 400 chiếc, bắt sống nhiều tù binh trong đó có hai danh tướng Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp. Sau chiến công ông được vua phong với tước "Đồng Giang hầu Vũ tướng quân". Được vua cho gọi về kinh đô, nhưng ông đã làm sớ trình tâu, xin vua cho ở lại đất Tràng Kênh và mất tại đó (ngày 4 tháng Giêng âm lịch). Nhân dân địa phương chôn cất ông ở gò đất ven sông Thải làng Tràng Kênh và lập miếu thờ ngay gò mộ để tưởng nhớ công lao to lớn của ông
Hải Phòng ngày 6 tháng 1 năm 1990. Sở VHTT Hải Phòng.Ban di tích lịch sử danh lam thắng cảnh. (Đã ký) Trịnh Minh Hiên.
"Bia do Vũ Phiến ở Minh Đức, hậu duệ đời thứ 14 cung tiến.””
Khi khảo sát tấm bia này, Tiến sĩ sử học Vũ Duy Mền –viện Sử học đã không khỏi băn khoăn:"Song điều khiến chúng tôi rất băn khoăn và hồ nghi không rõ người soạn Bia kỷ niệm dựa vào đâu để ghi ra tường tận về gia tộc, quê quán, tính danh cùng sự nghiệp của Đồng Giang hầu?”.(Tộc Phả Họ Vũ Võ, NXB thế giới 2005 trang 418-419 ).
Cũng có thể do thiếu tính thận trọng, dựa trên các nguồn sử liệu không chính xác rồi suy diễn, việc ông Vũ Nạp được ghép với ông Vũ Vị Phủ đã được xuất hiện trong nhiều tài liệu khác nữa. Cụ thể là có sách đã chép: “Cụ Vũ Nạp là cụ Vũ Vị Phủ…” Rồi thậm chí còn giải thích cặn kẽ rằng: “…Năm Đinh Mùi, 1247, triều đình mở khoa thi Tam Giáo, ông đi thi với tính danh Vũ Vị Phủ…” (trong tập “Lược Sử họ Vũ Việt Nam”, trang 31, Vũ Thúy soạn, Vũ Mạnh Hà chủ biên, Hà Nội 1997 rồi được in lại trong bài “Thân Thế và Sự Nghiệp Viễn Tổ Vũ Nạp” của Vũ Thúy in trong cuốn Dòng họ Vũ – Võ ở Việt Nam xưa và nay, trang 48, do Vũ Đình Đức chủ biên, năm 2002.). Rồi còn viết tiếp: Ông được cử làm quan triều Vua Trần Thái Tôn với chức năng Tăng Thống, Hàn Lâm Viện (1247 – 48)…”?
Kế thừa những thông tin trên, có người đã viết thành sách, đưa lên mạng internet có nguồn gốc ở hải ngoại. Kết quả là nhiều người trên khắp nước Việt Nam (người tâm huyết đi tìm nguồn gốc họ Vũ làng Mộ Trạch, cũng tiếp tục lầm lẫn do tin theo bài viết kể trên) đã tin rằng ba nhân vật Vũ Nạp, Vũ Vị Phủ và Vũ Tướng Quân Đồng Giang hầu trên chỉ là một người! Để làm rõ các thông tin trên chúng tôi xin phân tích, giải thích từng chi tiết cụ thể.
Vũ Nạp và Vũ Vị Phủ
Để giải đáp những băn khoăn trên, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu các tài liệu có liên quan. Tài liệu quan trọng nhất là bản cổ phả: “Mộ Trạch Vũ tộc Thế Hệ Sự Tích” bằng chữ Hán được lưu trữ tại viện Hán Nôm –Hà Nội. Tài liệu này đã được nhà giáo Vũ Thế Khôi (Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội, nhà biên khảo các văn bản Hán tự và tiểu sử nhân vật, địa danh, con trai cụ Luật sư Vũ Đình Hòe) dịch theo chương trình nghiên cứu gia phả Việt Nam năm 2004. Ông Vũ Thế Khôi cũng đã viết thư riêng cho tôi phân trần các tình trạng sai lầm về tư liệu sử học! Trong đó, ông xác minh bản cổ phả: “Mộ Trạch Vũ tộc Thế Hệ Sự Tích” đã chép rõ: “Vũ Vị (Phụ) ngờ là ông nội của Vũ Nạp”. Ông Khôi còn trích dẫn đoạn Hán tự trong cuốn cổ phả nói trên của ông Vũ Phương Lan soạn, năm 1769: “…hữu Hồng Châu nhân, Vũ Vị, trúng Ất khoa, ý kỳ tổ phụ dã” : (có người quê ở Hồng Châu, tên là Vũ Vị đã đậu Ất Khoa, ngờ là ông Nội của ông (Nạp) vậy). Ông Khôi đồng ý với tôi: cả hai 2 dịch giả đã dịch cuốn cổ phả những năm trước đây là : Vũ Huy Phú và Võ Văn Sổ (Tp.HCM, 1997) đã đã có những sơ xuất nhất định khi dịch đoạn cổ phả này. Cụ thể là:
1/ Ông Vũ Huy Phú (nhà giáo, ở Hải Dương, gốc Mộ Trạch) khi dịch đời thứ nhất họ Vũ Mộ Trạch đã không bám theo nguyên tác Hán văn, lại “bổ sung thêm” thêm một đoạn (chữ đậm in nghiêng) như sau: “Trần Thái Tôn thứ chín, khoa Đinh Mùi, tức năm 1247 triều đình mở khoa thi Tam Giáo “Vũ Nạp lấy tên là Vũ Vị Phủ dự thi Đỗ Ất khoa, cắm lá cờ tư văn của họ Vũ Mộ Trạch và cả làng Mộ Trạch…(xem cuốn: Sự tích Thế Hệ họ Vũ làng Mộ Trạch [STTHVMT] bản dịch viết tay, trang 13).
2/ Theo bản dịch của ông Võ Văn Sổ (gốc quê ở Hóc Môn), tuy dịch sát nghĩa hơn, nhưng lại dịch: “…Thiên Ứng nguyên niên, mở khoa thi Tam Giáo, có người Hồng Châu là Vũ Vị Phụ trúng khoa Ất, ấy là Tổ phụ này vậy” (sách đã dẫn, trang 36). Câu: “ấy là tổ phụ này vậy” khó hiểu, không thoát nghĩa! Có lẽ chính tác giả cũng nhận thấy chưa ổn nên đã bổ sung phần “chú thích”. Tiếc rằng phần chú thích này không ăn nhập gì với chữ “là tổ phụ…”: “Ông Vũ Nạp tức Vũ Vị Phụ… sanh năm 1226, phó tướng của Trần Quốc Bảo, thay Trần Quốc Bảo đánh trận Bạch Đằng, bắt tướng Nguyên là Phàm Tiếp và Ô Mã Nhi, được phong Đồng Giang hầu, Tả Tướng Quân. Mất và mộ ở Tràng Kênh, Hải Phòng” (tr.36) (Đoạn chú thích này, có lẽ ông Sổ lấy từ tư liệu của ông Phú và ông Thúy).
3/ Trong khi đó, cổ phả “Mộ Trạch Vũ tộc Thế Hệ Sự Tích” của soạn giả Vũ Phương Lan, viết bằng chữ Hán, mà chúng tôi có trong tay (do ông Vũ Đình Triều cung cấp bản chụp vi – film của Trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO)). Ở trang 33 đã viết như sau:
Phiên âm: Đệ Nhất Đại Vũ Công (húy Nạp, Nghiêu Tá, Hán Bi chi phụ) Công tự thiếu tòng họ Nho môn, bác thông Thiền điển, dĩ đức hành giáo phương nghĩa tử. Nhị tử tương tục đăng khoa, dĩ ấm tặng Tăng Thống (Trần triều tam phẩm quan). Sinh nhị nam, trưởng: Nghiêu Tá, thứ Hán Bi. Hán Bi hậu sử danh Nông (quốc sử Trần Thái Tông Thiên ứng nguyên niên, thi Tam Giáo Khoa, hữu Hồng Châu nhân, Vũ Vị trúng Ất Khoa. Ý kỳ tổ phụ dã”.
Dịch nghĩa: “đời thứ nhất là ông họ Vũ (tên húy là Nạp, ông là cha của 2 ông Nghiêu Tá và Hán Bi). Ông (Nạp) từ lúc nhỏ theo học nhà Nho, hiểu biết rộng cả các kinh điển đạo Thiền [tức Phật học]. Ông (Nạp) lấy đạo đức dạy con theo đường nghĩa lý. Hai con ông nối tiếp nhau thi đậu. Ông đã lấy ấm (phong) tặng của ông cha để lại là chức hàm Tăng Thống (hàng quan Tam phẩm triều Trần). Ông (Nạp) sinh được 2 con trai, con trưởng là Nghiêu Tá, con thứ là Hán Bi. Hán Bi, sau dùng tên là Nông? (Sách sử nước ta đời Trần Thái Tông, năm hiệu Thiên Ứng thứ nhất đã chép: Vua mở khoa thi Tam Giáo, có người ở Hồng Châu, tên là Vũ Vị (không có chữ Phụ) đậu Ất Khoa (hạng 2). Ngờ là ông Nội của ông (Nạp) đó vậy)”. Chúng tôi dẫn chứng và dịch trung thực từng câu, chữ.
Gần đây, ông Vũ Huy Thuận người họ Vũ làng Mộ Trạch, Phái Kỷ, đời thứ 16, có cho tôi biết: Ông có tìm lại được bản dịch “Mộ Trạch Vũ Tộc Thế Hệ Sự Tích” của ông Vũ Hoàng Nghị người họ Vũ làng Mộ Trạch, Phái Kỷ, đời thứ 16 (ông nội ông Thuận). Ông Nghị là một trong nhưng người chép nhiều cổ phả nhất, khi Nhà sử học Trần Văn Giáp (cũng gốc họ Vũ) về làng thu thập các gia phả và các tài liệu Hán văn cho viện Đông Bác Cổ năm 1935. Sau đó, ông Nghị đã dịch toàn bộ nhưng tư liệu trên ra chữ Quốc ngữ. Có lẽ đây là bản dịch sớm nhất, vào khoảng thời gian 1950-1953. Sách đã mờ rất khó đọc. Nhưng riêng phần viết về ông Vũ Nạp thì còn khá rõ. Cụm từ “ý kỳ tổ phụ dã”cũng được ông dịch là: “chừng là ông nội cụ Nghiêu Tá và cụ Hán Bi vậy”.
Trước tôi hàng vài chục năm, đã có cụ Giáo Vũ Huy Chân và cụ Giáo Vũ Đình Liên (nhà thơ) từng soạn tư liệu gia phả họ Vũ ở Mộ Trạch (làng Thủy Tổ). Cả hai cụ là bậc học rộng, biết nhiều, tinh thông chữ Hán, dạy học nhiều thế hệ cha, anh lớp chúng tôi. Hai cụ này rất quan tâm tới lịch sử họ Vũ thời kỳ đầu nên đã soạn tư liệu rất công phu và đều cho hai nhân vật Vũ Vị Phụ và Vũ Nạp là hai ông cháu một nhà. Đúng như cụ Vũ Phương Lan đã chú thích rõ ràng: 意 = ý kỳ tổ phụ dã: “ấy là ông nội của ông ta vậy”. [tư liệu của Cụ Huy Chân in, phổ biến ở Sài Sòn trước năm 1975].
Như vậy, khi thu thập tư liệu viết phả “Mộ Trạch Vũ Tộc Thế Hệ Sự Tích”, nhóm các vị Nho gia tìm thấy tên ông Vũ Vị, nhưng không có cơ sở để khảng định là người làng Mộ Trạch (chỉ biết là người Hông Châu), cũng không có cơ sở để nói rằng ông có quan hệ huyết thống với ông Vũ Nạp, nhưng căn cứ theo niên đại,tuổi tác thì ông Vũ Vị đáng bậc ông nội ông Vũ Nạp. Chính vì vậy khi viết phả, các tác giả “ngờ (chừng)[意]là tổ phụ ông Nạp vậy”. Thậm chí, trong một bản sao lại cổ phả này (cùng tồn tại song hành với bản phả đã được dịch nêu trên), có người còn chép là: “Ý bản ấp chi tiên tổ dã”, nghĩa là ngờ là một vị tiên tổ trong ấp (trích từ “Mộ Trạch Vũ tộc Thế Hệ Sự Tích” NXB thế giới 2004 -trang 100). Chi tiết này cũng không được đưa vào chính phả mà chỉ là phần phụ chú, dè dặt để đời sau biết mà tìm hiểu thêm cho rõ ràng hơn về ông Vũ Vị.
Cũng có một chi tiết khác trong Cổ Phả này cần phân tích thêm là khoa thi Tam giáo mà ông Vũ Vị thi đỗ là “Năm Thiên Ứng (Chính Bình) nguyên niên”:
- Năm Thiên Ứng (Chính Bình) nguyên niên phải là là năm 1232 đời Vua Trần Thái Tông. Không rõ “quốc sử” mà tác giả cổ phả này nhắc tới là quốc sử nào (có lẽ nhầm), vì theo Chính sử “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” của Sử Thần Ngô Sĩ Liên soạn cho triều đình nhà Lê từ nửa đầu thế kỷ 15 đã chép như sau: “Năm Đinh Mùi, Thiên Ứng Chính Bình 16 (1247)… Mùa thu, tháng 8, thi các khoa thông tam giáo. Ngô Tần (người Trà Lỗ đỗ giáp khoa, Đào Diễn, Hoàng Hoan (người Thanh Hóa) và Vũ Vị PHụ (người Hồng Châu) đỗ Ất khoa” (bản dịch, tập II, trang 22 và 23/ NXB. KHXH, Hà Nội – 1971, do Cao Huy Giu dịch)”. Sách “Đại Việt Lịch Triều Đăng Khoa” được soạn vào năm 1779 (tức soạn sau gia phả là 10 năm) cũng chép tên ông này là Vũ Vị PHụ thi đậu năm “Thiên Ứng Chính Bình 16”, tức năm 1247. Như thế đã rõ, năm thi Thông Tam Giáo đúng là 1247! Nhưng tên người được cho có thể là ông nội của Vũ Nạp là Vũ Vị (theo cổ phả) hay Vũ Vị Phủ thì chúng tôi chưa xác định tên nào mới đúng đây?
- Theo thiển ý, có lẽ ông đậu Ất Khoa Thông Tam Giáo phải là Vũ Vị hợp lý hơn? Bởi các hậu duệ dòng Thủy Tổ Vũ Hồn, đa số đều không có chữ đệm lót. Như: Vũ Đái, Vũ Nhị, Vũ Cao, Vũ Hốt (theo Việt Sử Lược và ĐVSKTT) và Vũ Mưu, Vũ Việt, Vũ Hiện, Vũ Ân, Vũ Chinh là 5 vị cha, ông, tổ tiên của bà Vũ Thị Tất Giới (Vợ ông Vũ Nhữ Mai (đời thứ 3) cháu nội cụ Vũ Nạp, con cụ Vũ Nghiêu Tá (theo cổ phả “Mộ Trạch Vũ Tộc Thế Hệ Sự Tích”). Rồi đời sau là 5 anh em Vũ Tùy, Vũ Tấn, Vũ Hữu, Vũ Tráng, và Vũ Phong là 5 con trai cụ Vũ Bá Khiêm? Là khai Tổ của Ngũ Chi ở Mộ Trạch (đời thứ 5) và vài đời sau nữa, phần lớn đều có tên và họ chỉ 2 chữ. Chính bản phả cổ đã chép tên, họ Vũ Vị thôi, chứ không có chữ “Phủ”.
Vũ Nạp và Vũ Tướng Quân, tước Đồng Giang Hầu
Về danh hai tính Vũ Nạp và Vũ Tướng Quân, tước Đồng Giang Hầu đã được các sử gia và học giả họ Vũ nghiên cứu từ nhiều năm trước. Nhiều người đã rất băn khoăn về nguồn gốc tư liệu trên tấm bia Quốc ngữ dựng năm 1990 như đã nêu ở trên. Nay khảo cứu lại, có thể thấy rõ thêm một số chi tiết:
-Trước khi có tấm bia trên, tại Minh Tân,Thủy Nguyên Hải Phòng đã có bia họ Vũ bằng chữ Hán Nôm lập ngày mồng 6 tháng 2 năm 1953 , xem bài “Bia họ Vũ ở Minh Tân,Thủy Nguyên Hải Phòng” ?”(Tộc Phả Họ Vũ Võ, NXB thế giới 2005 trang 408-419 ). Nội dung của bai là bản ghi tộc phả tóm tắt trên đá về Đồng Giang Hầu, Vũ Tướng Quân- Thủy tổ chi họ Vũ và con cháu bốn đời của ông ở Tràng Kênh, Thủy Nguyên Hải Phòng. Trên bia này không có một chữ nào nói về ông Vũ Nạp.
- Bản sao Vũ tộc gia phả (Bản chữ Hán Nôm) đề ngày 18 tháng 12 năm Ất hợi, Bảo Đại thứ 10 (1935). Bản phả này cũng không có một chữ nào nói về ông Vũ Nạp.
- Bản dịch của ông Vũ Hoàng Nghị cũng hoàn toàn có thông tin về ông Vũ Nạp liên quan đến Vũ Tướng quân, Đồng giang hầu và họ Vũ Tràng Kênh Hải Phòng.
- Bản dịch của ông Vũ Thế Khôi “Mộ Trạch Vũ tộc Thế Hệ Sự Tích” NXB thế giới 2004) theo chương trình nghiên cứu gia phả cũng tương tự.
Như vậy, có thể khảng định là: Các chi tiết “bổ sung” danh tính của Ông tổ họ Vũ Tràng kênh, Vũ Tướng Quân Đồng Giang Hầu trên bia quốc ngữ dựng năm 1990 như đã nêu ở trên là chưa có cơ sở tin cậy.
Cố gắng tìm hiểu đến cội nguồn sự sơ xuất nói trên, chúng tôi được biết, tất cả suất phát từ nghiên cứu của ông Vũ Huy Phú người làng Mộ trạch, họ Vũ thuộc phái Kỷ đời thứ 16. Những thông tin trên được thể hiện trong nhiều tài liệu, nhưng rõ nhất, tập trung nhật là trong cuốn: “Mộ trạch làng tiến sĩ” trang 35-36 Bảo tàng Hải Dương năm 1997. Sự thật là ông đã viết xong tác phẩm này vào những năm 80. Nhiều người, trong số đó có Sở văn hóa thông tin Hải Phòng, Ông Vũ Thúy, Vũ Mạnh Hà, Vũ Thế Khôi và cả ông Võ Văn Sổ cũng đã sử dụng những tài liệu này, cũng như nhiều công trình nghiên cứu khác của ông Phú như “cẩm nang” về dòng họ Vũ Mộ Trạch. Ông Vũ Huy Phú từng được coi là “Từ Điển Sống” về làng cổ Mộ Trạch và họ Vũ Mộ Trạch.
Ông Phú bắt đầu nghiên cứu dòng họ Vũ Mộ Trạch từ đầu những năm 1980 sau khi nghỉ hưu và đã có nhiều công trình rất có giá trị đối với dòng họ Vũ Mộ Trạch cũng như với văn hóa tỉnh Hải Dương. Ông từng dạy học chữ Nho (Hương sư), tiếng Pháp, sau này tốt nghiệp đại học kinh tế quốc dân khóa đầu tiên. Nhưng hơn hết là ông rất có tâm huyết với dòng họ Vũ Mộ Trạch và văn hóa cổ Làng Mộ Trạch. Ông đã dành hơn 20 năm cuối đời để sưu tầm, nghiên cứu về Văn hóa Mộ Trạch và để lại nhiều công trình có giá trị.
Tuy nhiên trong hoàn cảnh lúc đó rất khó khăn, những người tâm huyết trong lĩnh vực này không nhiều, không hề có hội thảo khoa học về lĩnh vực này…nên những thiếu sót, sơ xuất là hoàn toàn có thể. Hơn nữa, cũng phải thừa nhận là “Nhân vô thập toàn”.
Thông qua một sồ bài viết nghiên cứu và một đôi lần trực tiếp trao đổi với ông Phú (nay đã hơn 91 tuổi rồi). Ông Phú ghi nhận nhưng không có ý kiến gì. Sau đó, ngày 28/12/2006 ông Vũ Huy Thuận (người làng Mộ Trạch, Phái Kỷ đời thứ 16, cùng phái cùng đời với ông Phú) đang sống ở TP.HCM nhận được bản sao bức thư của ông vũ Huy Phú gửi cho ông Vũ Thúy (cũng người làng Mộ Trạch, chi Ba đời thứ 22). Trong thư ông Phú có xác nhận là những thông tin trên ông dựa trên dã sử của bà con Tràng kênh để viết lại và có một phần suy diễn thêm. Ông kết luận : “ta có quyền nghiên cứu thêm”. Xin sao trích nguyên bản một phần bức thư đó để mọi người cùng tham khảo:
Trích bản sao bức thư ngày 28/12/2006 của ông vũ Huy Phú gửi cho ông Vũ Thúy (người làng Mộ Trạch, chi ba đời thứ 22). Sau đó, ông Vũ Thúy sao lại gửi cho ông Vũ Huy Thuận (người làng Mộ Trạch, Phái Kỷ đời thứ 16, cùng phái cùng đời với ông Phú) đang sống ở TP.HCM.
|
Tạm chép lại ( xin mọi người xem và góp ý):
“2/Họ Vũ ở Tràng kênh Dưỡng Động. Tôi nghe ông Vũ Đình Việt Trưởng ty thương nghiệp Hải Dương kể và tự nhận gốc tích ở tổ Vũ Hồn làng Mộ Trạch. Tới đấy, thật mắt thấy đền tướng trần Quốc Bảo lộng lẫy. Truyện kể ở trận Bạch Đằng,Quốc Bảo cầm một đạo quân, có tả tướng quân, có hữu tướng quân. Trong khi giao chiến thì chủ tướng và tả hữu tướng quân đều hy sinh. Trần Quốc Bảo táng trên mũi Kỳ Lân??? Còn tả tướng quân táng bên tả, hữu tướng quân táng bên hữu sông. Tôi vào thăm mộ Tả Tướng Quân Đồng Giang Hầu ở ngay ven sông có một miếu nhỏ, ngoài đề “khắc tổ Vũ” ( đây là tổ họ Vũ). Rồi cánh Tràng Kênh lên thăm Mộ Trạch, Mộ Trạch xuống đáp lễ với đôi câu đối. Trong sử triều Trần, không chép truyện Trần Quốc Bảo cùng tả hữu tướng quân của ông.Tôi nghe đây là dã sử được nhân dân kể, thờ cúng, cho nên không nên bỏ qua, mà ghi nhớ, liền nối với sự tích cụ Vũ Nạp, Đời thứ nhất họ Vũ Mộ Trạch, đầu triều Trần, thi đỗ khoa Tam Giáo, ngang với tiến sĩ cuối triều Trần sang triều Lê. Còn ở đây sao không nói Vũ Nạp, lại nói tên khác. Nghiên cứu lịch sử thì các quan đời xưa sửa tên nhiều lắm! Ta có quyền nghiên cứu thêm.”
Thế là đã rõ: Các dẫn chứng từ các bậc học giả đời trước (ông Vũ Hoàng Nghị, Ông Vũ Huy Chân…), kết quả nghiên cứu của chúng tôi, Tiến Sĩ Vũ Duy Mền, ông Vũ Thế Khôi, các tài liệu và bức thư ông Vũ Huy Phú đã làm sáng tỏ băn khoăn của tôi và nhiều bà con họ Vũ: Ông Vũ Nạp không phải là cụ Vũ Vị (Phủ) và cũng không phải là Vũ Tướng quân tước Đồng Giang Hầu ở Tràng Kênh – Hải Phòng. Các vị này sống ở ba thời kỳ khác nhau và cùng có những đóng góp to lớn vào truyền thống vẻ vang của dòng họ Vũ. Mong rằng từ nay về sau nếu có ai hỏi hay con băn khoăn, khi đọc qua bài viết này hẳn sẽ rõ.
Bài này, tôi đã thực hiện từ năm 2001 sau khi tôi đi tham quan chiêm bái di tích Tràng Kênh – Dưỡng Động (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) cùng phái đoàn Ban liên lạc họ vũ, Võ phía Nam cuối năm 2000. Viết rồi nhưng chưa đăng. Từ năm 2000-2007 chúng tôi đã có thêm nhiều cuộc du khảo về làng Mộ Trạch,Tràng Kênh và nhiều địa danh có các danh nhân họ Vũ thời trước. Chúng tôi cũng đã gặp gỡ trao đổi với Ông Phú, Ông Thúy, ông Hà…Kết quả chúng tôi đã thu thập được nhiều tư liệu quý giá. Nay khi có thêm một số thông tin cần thiết, tôi đã bổ sung chỉnh sửa bài viết này và nhờ Ban Biên Tập “THÔNG TIN DÒNG HỌ VŨ VÕ VN” cho đăng để thông tin đến bà con trong họ và các Nhà Nghiên Cứu Sử Học VN góp ý. Cảm ơn.
CV - 2008