CÁC VỊ “TIẾN SĨ VÕ”
Tức TẠO SĨ họ VŨ đời Hậu Lê
(Từ năm Đinh Mùi 1727 đến năm Ất Tị 1785)
VŨ HIỆP sưu khảo-
Người nghiên cứu về gia - tộc - học Việt Nam
Biên soạn năm 1998
Tạo sĩ là học vị cao nhất về Võ khoa đời xưa. Nó là Tiến sĩ Võ và cũng phải trải qua các khoa thi võ nghệ từ thấp lên cao, thường phải đậu Sơ cử (tức là Cử nhân Võ) xong mới được vào thi Bác cử để lấy Tạo sĩ. Kỳ thi Sơ cử (Cử Võ) và Bác cử cũng phải thi viết lý thuyết khá gay go qua các kỳ thi. Do đó Tạo sĩ phải khá giỏi về chữ nghĩa văn hóa mới đọc được binh thư, kinh điển và làm được văn bài sát hạch trong khoa thi Tiến sĩ Võ. Vì thế, Tạo sĩ tuy rất giỏi thập bát ban võ nghệ và trải qua nhiều pha thi đấu các loại binh khí và coi như được xếp vào hàng võ nghệ cao cường rồi. Triều đình và Binh Bộ còn bắt các thí sinh phải lầu thông kinh sử, binh pháp và sách Tứ Thư, Ngũ Kinh, Bắc Sử, Nam Sử nữa, bằng cách trả lời qua văn bài các câu hỏi rất chi tiết về chính trị, quân sự thời xưa và hiệntại khá ngoắt ngoéo để thử tài kiến thức, văn hóa của thí sinh võ. Ai có giỏi chữ nghĩa, thông hiểu các sách Tôn Ngô binh pháp, Hổ Trướng xu cơ, Binh thư yếu lược, Kinh, Sử, Tử, Tập,… mới viết được các bài văn nghị luận có cơ sở võ lược, chính trị quân sự xuất sắc. Như thế Tạo sĩ đời Hậu Lê cũngnhư triều Nguyễn (thế kỷ 18 và 19) là các bậc văn võ kiêm toàn cả. Đậu Tạo sĩ xong thường trở thành các tướng lĩnh và giữ chức vụ quan trọng ngoài biên ải, các Trấn, Doanh hoặc Võ quan cao cấp trong triều đình. Do đó, Tạo sĩ cũng được rước vinh quy bái tổ long trọng không kém gì Tiến sĩ. Tên tuổi cũng được ghi vào sử sách, tạc vào bia đá ở Võ miếu để lưu danh muôn đời sau. Nhưng xưa khia, trong xã hội Nho học, thường có quan niệm và thành kiến “Trọng văn khinh võ” nên đã có câu ca dao như sau :
“Văn thì ngũ phẩm đã sang
Võ thì tam phẩm còn mang gươm hầu”
Vì thế sách vở xưa để lại thường ít quân tâm đến các võ khoa và ít chép lại những danh sách Võ cử, Tạo sĩ, như các bảng sĩ tử trúng cách Hương cống, Cử nhân, Tiến sĩ trong các khoa thi văn (Hương thí, Hội thí, Đình thí). Vì vậy, sưu tầm được danh sách các vị đậu Võ khoa đời xưa cũng rất khó khăn.
May sao, trong các cổ thư chữ Hán để lại còn có một bản nhan đề : “Lê Triều Tạo sĩ Đăng Khoa Lục”, không đề tên tác giả. Nay ở trong kho sách Hán Nôm còn có bản ký hiệu A. 1176, đã cung cấp cho đời sau chúng ta một danh sách gồm hơn 200 vị Tạo sĩ, Đồng Tạo sĩ thuộc đời Hậu Lê, từ năm Thái Bảo thứ 5, khoa Giáp Thìn – 1724 đến khoa Ất Tỵ - 1785 (61 năm) đời vua Cảnh Hưng (Hiển Tông) thứ 46. Sách này ra đời triều Gia Long.
Trong số này chúng tôi đếm được 21 vị Tạo sĩ và Đồng Tạo sĩ họ Vũ. Đặc biệt, dòng họ Vũ (Võ) ở làng Hà Hoàng thuộc huyện Thạch Hà (Nghệ Tĩnh) vốn tổ tiêngốc ở làng Hoa Đường, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, Hải Dương đã đậu Tạo sĩ, Đồng Tạo sĩ tới 16 người. Vì thế mà ở vùng Thanh, Nghệ thời xưa đã ca ngợi họ Vũ (Võ) của làng Hà Hoàng rằng : “NGƯỜI NGHỆ AN, GAN HÀ HOÀNG” và “TRẢO NHA CHI NGÔ, THẠCH HÀ CHI VŨ” (Họ Ngô ở Trảo Nha, họ Vũ ở Thạch Hà có nhiều người tài giỏi) và tônvinh dòng họ Vũ (Võ) đó là “THẠCH HÀ THẾ TƯỚNG” có nghĩa là : “đời đời nối tiếp nhau làm tướng là dân ở xã Hà Hoàng huyện Thạch Hà”. Theo lời truyền tụng và gia phả của họ “VÕ TÁ” xã Hà Hoàng thì đã sản sinh ra hơn 36 võ tướng có công nghiệp hiển hách, trong đó có tới 20 vị là Quận công thời Hậu Lê. Chi họ VÕ TÁ đó có nguồn gốc từ họ “VŨ TÁ” ở xã Hoa Đường và cũng từ ở Mộ Trạch (Hải Dương) mà ra.
Sau đây là danh sách 21 vị đậu Tiến sĩ Võ = Tạo sĩ họ Vũ trong khoảng 58 năm (1729 – 1785) mà sử sách còn chép để lại, đánh dấu một giai đoạn lịch sử huy hoàng võ nghiệp của các vị Tạo sĩ, Đồng Tạo sĩ họ VŨ. Đây là chưa thể thống kê nổi trong mấy trăm năm khoa cử về võ nghệ của nhà Trần, nhà Hồ, nhà Lê, thời Lê Trịnh và Hậu Lê. Nhà Nguyễn (1225 – 1919) có bao nhiêu danh tướng mạng họ Vũ (Võ). Chúng ta lần lượt thống kê các Tạo sĩ họ Vũ, chỉ trong 60 năm theo thứ tự niên đại như sau :
1. VŨ KHÚC LÂM : Đậu Tạo sĩ khoa năm Đinh Mùi 1727, niên hiệu Bảo Thái thứ 8 (đời Vua Lê Dụ Tông 1706 – 1729) thời chúa An Đô Vương Trịnh Cương cầm quyền. Ông Khúc Lâm quê ở xã Vương Xá, huyện Cẩm Giàng, trấn Hải Dương (phủ Thượng Hồng). Chưa rõ sự nghiệp của Ông.
2. VŨ TÁ ĐỨC và VŨ TÁ TỔNG : Thuộc dòng họ Vũ Tá ở xã Hà Hoàng, tổng Thượng Thất, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, trấn Nghệ An (nay thuộc về tỉnh Hà Tĩnh, gần thị xã). Ông Tá Đức đậu Tạo sĩ bậc “trúng Hạng” (thứ ba” khoa thi Võ Tiến sĩ năm Vĩnh Khánh thứ ba (đời vua Lê Duy Phương) tức khoa Tạo sĩ năm Tân Hợi (1731) thời chúa Trịnh Giang. Còn ông Tá Tổng đậu Tạo sĩ bậc “thứ Trúng” (thứ tư” cùng khoa với ông Tá Đức. Sự nghiệp của 2 ông này cũng như tất cả các Tạo sĩ họ “Vũ tá” dưới đây (tiếp theo) phải xem trong “THẠCH HÀ, HÀ HOÀNG VÕ TÁ TỘC PHẢ” mới rõ vậy. Nếu có cơ hội thuận tiện nào, sẽ sưu tầm và nghiên cứu sau?
3. VŨ TÁ TRUNG : Cùng dòng họ Vũ Tá nổi danh như đã chép rõ nguyên quán ở trên. Ông Tá Trung cũng đậu Tạo sĩ bậc “trúng Hạng” (hạng ba) trong khoa thi Tạo sĩ năm Vĩnh Khánh thứ 5, Quý Sửu (1733) đời vua Lê (Duy Tường) Thuần Phong (1732 – 1735) thời chúa Trịnh Giang. Chưa rõ sự nghiệp của ông ra sao?
4. VŨ TÁ TÍN : Đậu Tạo sĩ khoa thi Bính Thìn (1736) đời vua Lê (Duy Thìn) Ý TÔNG (1735 – 1740) niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 thời chúa Trịnh Giang. Chưa rõ sự nghiệp của ông thế nào?
5. VŨ TÁ THỤY và VŨ TÁ CƠ : cả hai ông cùng một dòng họ Vũ xã Hà Hoàng, đậu Tạo sĩ cùng một khoa thi năm Vĩnh Hựu thứ 5 đời vua Lê Ý Tông và Trịnh Giang; Đó là năm Kỷ Mùi (1739). Chưa rõ sự nghiệp của 2 ông Tạo sĩ này.
6. VŨ QUỐC CAN : Nguyên quán làng Đôn Thư, tổng Thì Trung, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng (sau thuộc Hà Đi6ng, Hà Tây) trong một gia đình họ Vũ có truyền thống khoa bảng văn học nổi tiếng. Ông Can đậu Tạo sĩ bậc “trúng Hạng” (thứ ba) khoa thi Tạo sĩ năm Nhâm Thân (1752) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (đời vua Lê Huy Diêu, Hiển Tông) thời chúa Trịnh Doanh cầm quyền (1740 – 1767). Không rõ sự nghiệp của ông Quốc Can ra sao? Có thể tra cứu trong Vũ Tộc phả xã Đôn Thư (Thanh Oai) sẽ biết.
7. VŨ TÁ KIÊN : Đậu Tạo sĩ bậc “trúng Hạng” ở kỳ thi năm Giáp Tuất (1754) đời vua Lê Cảnh Hưng (Hiển Tông – Duy Diêu) năm thứ 15. Ông Tá Kiên đậu thủ khoa kỳ thi này. Sự nghiệp của ông ra sao chưa rõ.
8. VŨ ĐĂNG KHOA : Cũng cùng đậu tạo sĩ đồng hạng 3 (trúng Hạng) với ông Tạo sĩ Tá Kiên, nhưng đứng thứ nhì. Quê của ông Đăng Khoa ở xã Kim Lan, tức xã Kim Quan cũ, thuộc huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương. Chưa rõ sự nghiệp của ông.
9. VŨ TÁ THẠC : Đậu Tạo sĩ hàng nhì bậc thứ tư (thứ Trúng) khoa thi năm Cảnh Hưng thứ 18, Đinh Sửu (1757) đời vua Lê Hiển Tông, thời chúa Trịnh Doanh cầm quyền. Chưa rõ sự nghiệp của ông.
10. VŨ TÁ BẬT : Đây là vị Tạo sĩ họ “Vũ Tá” thứ 9 làng Hà Hoàng. Ông đậu khoa Qúy Mùi (1763) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 24 đời vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786), lúc Trịnh Doanh vẫn cầm quyền. Chưa rõ sự nghiệp của ông, chỉ biết ông đậu tạo sĩ thư 4 bậc bốn (thứ Trúng)
11. VŨ TẤT NHÂM : Cùng đậu một khoa thi với ông Tạo sĩ Tá Bật năm 1763. Nhưng ông Tất Nhậm đậu hạng Đồng tạo sĩ hạng ưu Trúng. Quê quán ở xã My Thử, tổng Tông Tranh, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương. Ông là dòng dõi họ Vũ Tất của vợ chúa Trịnh Cương (Vũ Thái Phi)
12. VŨ TÁ THÌ : Cũng là dòng họ Vũ (Võ) ở Hà Hoàng, ông Tá thì đậu Tạo sĩ loại thư 3 trúng Hạng, khoa Bính Tuất (1766) niên hiệu Cảnh Hưng 27 (đời vua Lê Hiển Tông – chúa Trịnh Doanh).
13. VŨ TÁ KIÊU, VŨ TÁ DAO và VŨ TÁ DỰ : Ba ônghọ Vũ Tá cùng đậu Tạo sĩ một khoa Nhâm Thìn (1772) đời vua Cảnh Hưng – chúa Trịnh Sâm. Khoa này có 23 vị Tạo sĩ đậu thì chi họ Vũ Tá chiếm 3 vị.
14. VŨ ĐÌNH KHANH : Đậu tạo sĩ thư 5 khoa Bính Thân (1776), quê quán làng Tiên Cầu, huyện Kim động, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam Thượng (nay là tỉnh Hưng Yên) năm 1977 ôngbị xóa tên trong bảng đậu Tạo sĩ vì mang sách vào trường thi trong ngày phúc hạch.
15. VŨ TÁ CANH : Đậu Đồng Tạo sĩ khoa Kỷ Hợi (1779) gọi là “Thịnh Khoa” đời vua Lê Cảnh Hưng thứ 40 – chúa Trịnh Sâm. Quê ông Tá Canh ở xã Hoa Đường, huyện Đường An,phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là làng Lương Ngọc, huyện Bình Giang, Hải Dương). Vốn là gốc tích của họ Vũ Tá ở làng Hà Hoàng, huyện Thạch Hà, trấn Nghệ An, nay thuộc Hà Tĩnh. Đấy là nét son cho họ Vũ Tá nói chung, đã hiển danh về võ nghiệp và có truyền thống rất thượng võ, nhiều đời.
16. VŨ TÁ SIÊU và VŨ TÁ VIÊM : Cùng chi họ ở xã Hà Hoàng tại huyện Thạch Hà (Nghệ An). Cả 2 ông Tạo sĩ họ Vũ Tá này đều đậu Tạo sĩ hạng tư khoa thi năm tân Sửu (1781), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 42 (đời vua Lê Hiển Tông : Duy Diêu và chúa Trịnh Sâm.
Xem như thế , đủ thấy họ Vũ (Võ) chẳng những phát về khoa bảng văn học mà còn phát triển cả về võ nghiệp. Đây là chúng ta mới tìm ra tên các vị tạo sĩ họ Vũ trong khoảng 55 năm / đời Hậu Lê (từ năm 1727 – 1781), chỉ tron gphạm vi “xứ Đàng Ngoài” trong hơn nửa thế kỷ. Trong cả một quá trình hơn 500 năm trước đó (từ đời Trần, Hồ, Lê, Mạc) và sau đó là nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn hơn 100 năm nữa, có các kỳ thi võ nghệ, đã phải có đến hàng trăm ông đỗ tương đương Tạo sĩ, Cử võ họ Vũ tham gia việc quốc phòng, an ninh cho các triều đại mà rất tiếc đến nay chưa thể thống kê được đầy đủ! Có lẽ đây là một đề tài nghiên cứu cho một công trình khoa học lịch sử quốc phòng đời xưa ở nước ta nói chung và cho tộc đoàn họ Vũ (Võ) cả nước nói riêng. Hy vọng lớp trẻ tài năng sau này sẽ làm được đề tài trên.