NHỮNG KỶ LỤC TRONG LỊCH SỬ KHOA BẢNG VIỆT NAM
Nguyễn văn Huyên (Tạp chí Văn hiến Việt Nam)
Địa phương có nhiều người đỗ đại khoa nhất là trấn Kinh Bắc xưa (chủ yếu là tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang ngày nay, thêm một phần các huyện Gia Lâm, Đông Anh (Hà Nội), Vĩnh Phúc và Văn Giang (Hưng Yên ngày nay). Kể từ khoa thi đầu tiên thời Lý Nhân Tông năm 1075 đến khoa thi chữ Hán cuối cùng năm 1919, cả thảy có 843 khoa thi, lấy đỗ 2.991 tiến sĩ và 47 trạng nguyên, thì Kinh Bắc có 645 tiến sĩ (chiếm gần 1/3 cả nước) và 17 trạng nguyên (chiếm 1/3 cả nước).
Trong Hội Tao Đàn (Tao Đàn nhị thập bát tú, 28 ngôi sao văn học) thời Lê Thánh Tông thì Kinh Bắc chiếm một nửa: 14 người, Lê Thánh Tông là Chánh nguyên suý. Còn những phó nguyên sứ như: Thận Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Thái Thuận đều là người Kinh Bắc. Trên 82 tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu (Hà Nội) ghi số tiến sĩ từ niên hiệu Đại Bảo thứ ba đời Lê Thánh Tông khoa Nhâm Tuất (1442) đến niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40 đời Lê Hiển Tông khoa Kỷ Hợi (1779) tất cả có 1,111 ông nghè thì một nửa là người Kinh Bắc. Đây là đất văn hiến.
Phủ Từ Sơn cũng là nơi có số người đỗ đạt khoa đứng đầu các phủ huyện trong cả nước. Từ năm 1442 đến năm 1779, phủ Từ Sơn có 271 tiến sĩ, trong đó huyện Võ Giang 30, huyện Quế Dương 29, huyện Tiên Du 42, huyện Yên Phong 40, huyện Đông Ngàn 130. Phan Huy Chú trong sách "Lịch triều hiến chương loại chí" nhận xét: "về văn học phủ Từ Sơn hơn cả bốn thừa tuyên (tỉnh lớn) và đứng đầu cả nước".
Làng có số tiến sĩ nhiều nhất nước là làng Mộ Trạch (còn gọi là làng trầm) thuộc xã Tân Hồng huyện Cẩm Bình tỉnh Hải Dương. Tự Đức, một ông vua hay chữ nổi tiếng, từng ghi: "Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ" (nghĩa là riêng làng Mộ Trạch tài năng bằng nửa thiên hạ). Trong dân gian Việt Nam có câu: An Nam tứ trạng. Mộ Trạch kiêm chi (nghĩa là nước Nam có bốn ông trạng thì đều là người Mộ Trạch): trạng cờ Vũ Huyến, trạng chữ Lê Đĩnh, trạng vật Vũ Phong, trạng toán Vũ Hưu. Mộ Trạch được gọi là "tiến sĩ sào" (tổ tiến sĩ) chiếm kỷ lục: 36 người đỗ đại khoa (gồm 1 trạng nguyên, 10 hoàng giáp, 25 đồng tiến sĩ). Dòng họ có số tiến sĩ cao nhất là họ Vũ làng Mộ Trạch: gần 30 người. Có những khoa thi 2 anh em cùng đỗ, ba người trong họ cùng đỗ, cha con, ông cháu cùng đỗ, anh em chú cháu làm quan đầy triều.
Một nhà năm anh em ruột đều đỗ tiến sĩ chỉ trong vòng chín năm. Đặc biệt họ đều đỗ tiến sĩ dưới 20 tuổi. Đó là dòng họ Nguyễn ở Kim Đôi huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh. Từ khóa 1466 đến 1475 cả năm người đều đỗ là Nguyễn Nhân Thiếp (hay Tiếp) đỗ lúc 15 tuổi cùng đỗ với người anh ruột là Nguyễn Nhân Bạ lúc 19 tuổi. Nguyễn Nhân Phùng (tức Trọng ý hay Trọng Xác) đỗ lúc 19 tuổi. Nguyễn Nhân Dư đỗ lúc 17 tuổi. Nguyễn Nhân Dịch đỗ lúc 18 tuổi.
Dòng họ Ngô ở Tam Sơn có đủ tam khôi, một nhà ba đời đỗ trạng nguyên. Đây cũng là trường hợp độc nhất vô nhị trong lịch sử khoa bảng nước ta. Đó cũng là trường hợp dòng dõi họ Hồ ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, một dòng họ nổi tiếng hiếu học và thành đạt ở Nghệ Tĩnh. Hồ Tông Thốc đỗ Trạng Nguyên niên hiệu Thiêu Khánh (1370 - 1372) đời Trần Nghệ Tông. Con là Hồ Tông Đốn cũng đậu trạng nguyên. Cháu ông Thốc, con ông Đốn là Hồ Tông Thành cũngđậu trạng nguyên. Thật là "hổ phụ sinh hổ tử".
Ông nghè trẻ tuổi nhất là Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370) người Hưng Yên đỗ tiến sĩ khi mới 12 tuổi, đỗ hoàng giáp (đứng thứ tư thi đình sau hàng tam khôi: trạng nguyên bảng nhãn, thám hoa) lúc mới 16 tuổi. Nguyễn Hiền người làng Dương A huyện Thượng Hiền phủ Thiên Trường đỗ trạng nguyên năm 1247 mới 13 tuổi. Ông nghè già nhất trong các vị tiến sĩ, cũng là người già nhất trong số các vị đỗ đại khoa ở nước ta là Quách Đồng Dần, người Phù Khê (Từ Sơn - Bắc Ninh) đỗ năm 1634 lúc đã 68 tuổi.
Người lận đận trong đường thi cử là Đặng Viết Hòe (tức mền Hòe): Tú Mền (1807 - 1877) người làng Hành Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, bảy lần thi chỉ đỗ tú tài. Tú Xương (Nam Định) tám lần thi chỉ đỗ Tú Tài.
Sĩ tử cao tuổi nhất cũng là người sống lâu nhất trong hàng khoa bảng nước ta là Đoàn Tử Quang (1818 - 1925) quê làng Phụng Công, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đỗ cử nhân năm Canh Tý đời Thành Thái 12 (1900) lúc 82 tuổi. Ông sống rất lâu, trải 11 triều vua thời Nguyễn (từ Gia Long tới Khải Định). Ông mất năm 1925 (năm Giáp Tý, triều Khải Định thứ 9). Thọ 107 tuổi. Ông nghè Nguyễn Cảnh Thuận dòng dõi họ Nguyễn Kim Đôi viết sách "thọ Đinh Thuyết", sách dưỡng sinh cổ nhất nước ta cũng thọ 107 tuổi vào thế kỷ 15.