Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 17
Truy cập hôm nay: 5
Lượt truy cập: 11,684,869
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
VĂN MIẾU BẮC NINH LƯU DANH 677 Vị TIẾN SĨ - VŨ NGỌC

 

VĂN MIẾU BẮC NINH LƯU DANH 677 Vị TIẾN SĨ

VŨ NGỌC

Ngoài Văn Miếu ở Hà Nội và Huế, nơi ghi danh, thờ phụng các vị khoa bảng trong các triều đại phong kiến Việt Nam, nước ta còn có 26 Văn Miếu hàng tỉnh, trong đó Văn Miếu Bắc Ninh nổi tiếng nhất với 677 vị tiến sĩ của xứ Kinh Bắc (chiếm gần một phần tư tổng số tiến sĩ cả nước) được ghi danh. Văn Miếu Bắc Ninh là di tích lịch sử văn hóa phản ánh rõ nét nhất về lịch sử khoa bảng vẻ vang của quê hương Kinh Bắc.

Nếu như Văn Miếu Hà Nội chỉ ghi danh các vị đại khoa thời Lý đến thời Lê, Văn Miếu Huế ghi danh các vị đại khoa thời Nguyễn thì Văn Miếu Bắc Ninh ghi khắc tên tuổi khoa danh của 677 vị tiến sĩ  từ thời Lý đến hết thời Nguyễn xuất thân từ mảnh đất văn hiến này. Văn Miếu được xây dựng từ thời Lê ở sườn phía tây bắc núi Châu Sơn, huyện Thị Cầu. Năm 1820 đã phải đại tu, năm 1826 xây thêm  đền Khải Thánh ở phía tây bắc, năm 1884 phải làm lại, năm 1889 dựng khắc các bia đá Kim bảng lưu phương ở Bi Đình, năm 1893 chuyển về vị trí hiện nay, xóm 10, xã Đại Phúc, thị xã Bắc Ninh. Tổng thể công trình Văn Miếu gồm: Tiền Tế (5 gian), Hậu đường (5 gian) hai bên hồi Hậu Đường là Bi Đình (3 gian), hai bên hồi Tiền Đường là Hội Đồng trị sự và Tạo Soạn; hai bên sân trước Tiền Tế là nhà Tả Vu, Hữu Vu; chính diện có bia bình phong “Bắc Ninh tỉnh trùng tu Văn Miếu bi ký” khắc dựng năm 1928. Toàn bộ công trình được xây dựng bằng gỗ lim được bào trơn đóng bén. Tại đây thờ Khổng Tử, Tứ Phối và 12 tấm bia lưu danh 677 vị tiến sĩ quê hương Kinh Bắc (bao gồm cả Bắc Ninh, Bắc Giang và một số xã sau này nhập về huyện Gia Lâm, Đông Anh thuộc Hà Nội và Văn Giang thuộc Hưng Yên).

 

Trải qua một thời gian dài đất nước triền miên trong chiến tranh, Văn Miếu không được quan tâm đầu tư tôn tạo nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống các đồ nội thất như Đại tự, Hoành phi, câu đối, đồ thờ tự bị mất hoàn toàn những gì thuộc về Văn Miếu xưa chỉ còn lại hệ thống bia đá. Đến năm 2002, UBND tỉnh Bắc Ninh đầu tư kinh phí trên 10 tỷ đồng để tiến hành đại tu Văn Miếu, các hạng mục công trình đều được xây dựng lại bằng gỗ lim và các chất liệu truyền thống theo lối cổ truyền mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt; tạo tác một khánh đá, tượng Khổng Tử, các ngai thờ, bài vị và đồ thờ tự khác; làm 14 con rùa đá để dựng đặt 12 tấm bia Kim bảng lưu phương, một bia phụ chép, một bia tu bổ Văn Miếu và đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng xung quanh khu di tích.

 

Bên làn điệu quan họ mang đậm tính trữ tình, người Bắc Ninh còn tự hào với truyền thống hiếu học qua bao đời nay. Văn Miếu Bắc Ninh được coi là trung tâm nghiên cứu giáo dục truyền thống hiếu học của Bắc Ninh - Kinh Bắc. Những năm gần đây, phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, Hội những người học trên  đại học của tỉnh Bắc Ninh đã được thành lập. Ngày rằm tháng giêng hàng năm, Hội tổ chức sinh hoạt khoa học tại Văn Miếu, thắp hương tưởng niệm các nhà khoa bảng được tôn thờ ở di tích tiêu biểu này.

Gửi bởi: VŨ NGỌC

Theo www.baocongantphcm.com.vn

Người đăng: huythuan