VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM NƠI HỘI TỤ NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA
www.saigonnet.vn
Đúng 60 năm sau ngày vua Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long, vào tháng 8 năm canh tuất (1070), vua Lý Thánh Tông cho dựng văn Miếu ở phía ngoài cửa Tây Nam hoàng thành. Cùng việc thờ Khổng Tử, bốn mùa sai quan đến tế lễ, vua còn chọn thầy giỏi đến nhà học ở phía sau chính điện để dạy cho Hoàng thái tử Lý Càn Đức học tập. Năm 1076, vua Lý Nhân Tông chọn những người biết chữ trong số quan viên văn chức tại triều cho vào dự học. Từ đó, nhà học trong khu Văn Miếu ở Thăng Long được gọi là Quốc Tử giám.
Năm 1253, vua Trần Thánh Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Học viện, đồng thời lấy đây làm nơi giảng dạy cho con em vua quan và những người học giỏi trong cả nước. Dưới triều Trần, trường quốc học Giám được nâng dần tới mức đại học và chính thức được đặt tên là Thái Học viện. Suốt ba thế kỷ Triều Lê, trường Quốc học không hề đổi chỗ, hằng năm đón học sinh khắp nơi vào học. Và cứ mỗi khoa thi, cửa nhà Thái Học lại treo bảng ghi tên những người đậu tiến sĩ. Sau đó, các vị tân khoa, trước khi về vinh quy bái tổ đều được dự nghi lễ bái yết ở Văn Miếu do triều đình tổ chức. Từ năm 1484, vua Lê Thánh Tông cho dựng bia tiến sĩ ở Văn Miếu. Tấm bia đầu tiên khắc tên các vị tiến sĩ tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất (1442). Các đời vua sau tiếp tục dựng bia. Tấm bia cuối cùng dựng năm 1780 khắc tên các tiến sĩ đỗ khoa thi năm Kỷ hợi (1779). Từ năm 1442 đến 1779, nếu tính đủ phải có 117 khoa thi và theo đúng thể lệ triều Lê phải lập đủ 117 tấm bia tiến sĩ. Thế nhưng trải bao cơn binh lửa, loạn ly, số bia ở Văn miếu chỉ còn 82 tấm. Cuối năm 1976, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một con rùa đế bia chìm dưới lòng hồ cạnh khuê Văn Các. Thân bia chưa tìm thấy song con rùa đế bia đã nâng số bia tiến sĩ lên 83.
Không chỉ nhằm tôn vinh đạo học, mỗi tấm bia ở Văn Miếu còn là một tác phẩm điêu khắc, một tác phẩm nghệ thuật thư pháp độc đáo. Văn bia đều do các bậc đại danh nho soạn. Với lời văn hàm súc, ý tứ sâu sa, văn bia đề khoa thi Nhâm Tuất do Hàn lâm viện Thừa chỉ Thân nhân Trung soạn cách đây 517 năm được coi là tuyên ngôn của nền giáo dục nước nhà: " Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Vì vậy các bậc thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên".
Dẫu bể dâu biến đổi nhưng nay mỗi lần vào Văn Miếu, ta vẫn dễ dàng nhận thấy bàn tay chăm chút của người xưa.
Sử cũ ghi rằng: Vị trí của chính điện và Nhà Thái Học vẫn ở vị trí từ khi khởi dựng từ đời Lý nhưng quy mô các công trình kiến trúc được mở rộng thêm nhiều. Năm 1483, vua Lê Thánh Tông cho làm thêm điện Đại Thành, hai nhà giải vũ Đông Tây, nhà chứa ván in sách, kho tế khí, nhà Minh luân. Năm 1716, các công trình trên được Thám hoa Nguyễn Quý Đức tôn tạo lại. Năm 1717, ông đứng ra trông coi dựng 20 tấm bia tiến sĩ từ khoa thi 1656 đến 1715.
Đến thời Nguyễn, Quốc Tử Giám dời vào kinh đô Huế, Văn Miếu Thăng Long đổi gọi là Văn Miếu Bắc thành, nhà Quốc Tử Giám đổi làm đền Khải Thánh, đến thời Thành Thái (1889-1907) kiêm làm Văn chỉ huyện Thọ Xương. Chính vì những thay đổi ấy mà tấm biển lớn ở cổng trước để là Thái Học Môn được thay bằng Văn Miếu Môn.
Trong những năm dưới triều Nguyễn, Thăng Long không còn là kinh đô nhưng Văn miếu - Quốc Tử Giám vẫn được các quan đầu tỉnh chăm sóc, tôn tạo. Khuê Văn Các được dựng năm 1805 đời Gia Long, trước làm bằng gỗ, khoảng niên hiệu Minh Mạng (1820-1840), Tổng đốc Hà Nội Đặng Văn Hòa cho xây dựng lại bằng gạch rỗng, quy cách thanh thoát, rộng đẹp. Năm 1863, Bố chính Hà Nội Lê Hữu Thanh, tổng đốc Hà- Ninh Tôn Thất Hân cùng Án sát Hà Nội Đặng Tá thu nhập các bia tản mát, dựng thành hàng ở hai bên giếng Thiên Quang (mỗi bên hai hàng 41 tấm). Lại làm hai nhà bia, mỗi nhà 11 gian để che mưa nắng, nhưng chỉ được ít năm, hai nhà bia trên đã không còn nữa.
Những năm thực dân Pháp chiếm Hà Nội, hai vườn bia có lúc hoang vắng, cỏ dại mọc cao lút đầu. Năm 1947, quân Pháp bắn đại bác phá hủy hoàn toàn đền Khải Thánh, dấu tích của hai trường đại học đầu tiên chỉ còn nền điện, những bức tường đổ, vài chiếc cổng cuốn lở lói.
Từ ngày giải phóng năm 1954, nhận rõ giá trị đặc biệt của di tích, Sở văn hoá Hà Nội đã liên tục từng bước tu sửa và bảo vệ khu di tích Văn Miếu. Chiều ngày mồng một Tết Nhâm Dần (5-2-1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm Văn Miếu và dự Chương trình ca nhạc "Mừng Đảng mừng Xuân".
Năm 1987, năm đầu tiên của thời kỳ đổi mới toàn diện của đất nước, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã tới thăm Văn Miếu và chỉ ra "những việc cần làm ngay" ở khu di tích này.
Năm 1990, tại Văn Miếu đã thành lập Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Từ đây, vẻ tiềm ẩn của Văn Miếu được khơi dậy và từng ngày được khởi sắc. Năm 1993 có 18 hạng mục công trình được tu bổ. Lại làm nhà che bia tiến sĩ, tổng chi phí hơn 1 tỷ đồng. Công ty American Express thông qua Hội đồng Hoà giải Mỹ - Đông Dương góp 70.000USD. Sáu năm sau , vào ngày 13-7-1999, thành phố tiến hành lễ khởi công xây dựng khu Thái Học trên diện tích 1530 m². Hơn 1 năm sau, đúng dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, nhà Thái Học đã được cất nóc. Trong không khí thiêng liêng của buổi lễ, đồng chí Lê Khả Phiêu, Tổng bí thư của Đảng đã đặt thanh thương lương lên nóc nhà Thái Học. Kiến Trúc nhà Thái Học gồm chính điện, tả vu, hữu vu quy mô bề thế hơn trước. Hai bên chính điện, trước sân rộng, bên phải có lầu trống (treo Trống Sấm trong giàn trống hội Thăng Long) và bên trái có lầu chuông (treo quả chuông 1100 kg do hội bà Mai Quỳ cung tiến).
Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cái nôi của nền giáo dục khoa cử Việt Nam, sau 930 năm chứng kiến bao thăng trầm nay trở lại về với vẻ đẹp xưa. Hình ảnh gác Khuê Văn nay đã trở thành biểu trưng chính thức của Thủ Đô Hà Nội, từ lâu đã in đậm trong tâm khảm của người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước. Không chỉ người Việt Nam, các bạn nước ngoài, ngay cả các vị nguyên thủ các quốc gia, mỗi lần tới thăm Việt Nam, phần lớn đều vào thăm Văn Miếu. Tháng 11-2000, Tổng thống Mỹ Bin Clin-tơn đã đến thăm Văn Miếu. Đứng bên những tấm bia trầm mặc, ông đã sờ vào đầu những con rùa đá đội bia, hy vọng tìm ở đó sự may mắn. Trước nhà Thái Học, ông còn cầm vồ, giơ cao tay đánh vào quả chuông lớn. Tiếng chuông Việt Nam ngân nga, gieo vào không trung như gợi lòng thiện ở mỗi người.
(Mỹ văn - Bài tham gia cuộc thi viết "Cả nước cùng Thủ đô hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội")
www.saigonnet.vn