Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 66
Truy cập hôm nay: 3,246
Lượt truy cập: 11,624,227
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Làng Tiến Sĩ

LÀNG TIẾN SĨ

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

Từ quốc lộ 5 Hà Nội đi Hải Phòng, lần lượt qua các thị trấn Bần Yên Nhân, Mỹ Hào của tỉnh Hưng Yên rồi vượt ranh giới sang tỉnh Hải Dương, xuyên qua huyện Cẩm Giàng để đến tỉnh lị. Dọc theo con đường ấy, trong địa phận Hải Dương về phía Nam có con sông Đình Đào chảy vòng ra hướng đông rồi quặt xuống nam, phân ra một vùng đất có bốn mặt sông. Đó là huyện Đường An thuộc phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, gồm 10 tổng chia ra 66 làng, trong đó có làng Mộ Trạch thuộc tổng Thì Cử. Ngày nay, thôn Mộ Trạch thuộc xã Tân Hồng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Theo Đại Nam nhất thống chí, vào đời Hùng Vương, đất Mộ Trạch thuộc bộ Thang Tuyền; đời Tấn thuộc Tượng Quận; đời Hán thuộc quận Giao Chỉ. Đến đời Đường Hội Xương có Vũ Hồn sang làm Thứ sử Giao Châu, tinh thông khoa địa lý, thấy cuộc đất vùng này rất tốt, bèn lập nghiệp luôn và dặn con cháu phải giữ làng này làm nguyên quán thì đời đời sẽ tiến phát về đường khoa bảng. Bèn đặt tên huyện là Đường An, làng là Khả Mộ, sau đổi là Lạp Trạch, sau nữa lại ghép thành Mộ Trạch, tên nôm là làng Chằm và giữ mãi hai tên ấy cho đến ngày nay. Vũ Hồn cho rằng cả vùng Hải Dương là một đại cuộc, huyện Đường An là huyệt trường và làng Mộ Trạch là huyệt kết.

Lịch sử đã chứng minh cả vùng này rất phát về văn, có nhiều dòng họ được truyền tụng là thế khoa như họ Vũ, họ Lê, họ Nhử..., ca dao còn lưu lại:

Bút nghiên, đèn sách, văn phòng

Hồng Châu, Nam Sách nhiều dòng thi thơ.

Hồng Châu, Nam Sách đều là phủ thuộc trấn Hải Dương (1). Tên đất Hồng Châu có từ xa xưa, đến đời Trần chia làm hai châu Thượng Hồng và Hạ Hồng. Từ đời Lê Thánh Tông, niên hiệu Quang Thuận (1460 - 1469) đổi hai châu này thành hai phủ. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), đổi tên Thượng Hồng thành phủ Bình Giang lãnh ba huyện Cẩm Giàng, Đường An và Đường Hào. Năm Tự Đức thứ 5 (1852) lãnh thêm huyện Thanh Miện, nâng phủ này gồm bốn huyện.

Nếu tính riêng huyện Đường An từ năm 1075 đến năm 1919 đã thấy 23 trên 66 làng có người đậu đại khoa với 85 vị, vượt hẳn các huyện lân cận. Căn cứ vào Các nhà khoa bảng Việt Nam của Ngô Đức Thọ và các tài liệu khác (2) có thể tổng kết như sau:

Làng Ngọc Cục: 5 Tiến sĩ, 2 Hoàng giáp.

Làng Hoạch Trạch: 3 Tiến sĩ, 1 Bảng nhãn và 1 Hoàng giáp. Tuy số người đậu ít hơn làng Ngọc Cục nhưng vị thứ cao hơn nên vẫn được coi “Hoạch Trạch khí tàng, anh hùng xuất thế”.

Làng Hoa Đường:3 Tiến sĩ, 1 Hoàng giáp.

Làng Thì Cử: 2 Tiến sĩ, 1 Bảng nhãn.

Làng Đan Luân: 2 Tiến sĩ, 1 Thám hoa.

Các làng Đào Xá, Tuy Lai mỗi làng có 1 Hoàng giáp và 2 Tiến sĩ.

Làng Lỗi Dương:2 Hoàng giáp.

Các làng Hương Giản, Nhử Xá mỗi làng có 1 Hoàng giáp và 1 Tiến sĩ.

Các làng Đình Tổ, Tông Thanh mỗi làng có 2 Tiến sĩ.

Làng An Đê: 1 Thám hoa

Làng Châu Khê:1 Hoàng giáp

Các làng Bì Đổ, Lôi Khê, Mỹ Thự, Phù Vân, Phúc Khê, Triều Đông, Tuấn Kiệt: mỗi làng có 1 Tiến sĩ.

Ngoài ra còn có hai vị Tiến sĩ thời Lê Thánh Tông người huyện Đường An nhưng không rõ tên làng. Đó là Đỗ Chính Lạc đậu khoa Ất Mùi (1475) và Vũ Nguyên Trinh đậu khoa Tân Sửu (1481).

Nhưng so với làng Mộ Trạch thì các thành tích trên chưa thấm vào đâu, vì Mộ Trạch có đến 35 vị đại khoa gồm 1 Trạng nguyên, 11 Hoàng giáp và 22 Tiến sĩ, đạt kỷ lục là 41, 18% toàn huyện. Tiếng tăm khoa bảng Mộ Trạch tức làng Chằm, đời đời đã khẳng định qua câu phương ngôn:

Thóc làng Nhữ, chữ làng Chằm.

Có thể nói đây là lò đúc Tiến sĩ, tiếng đồn lan rộng sang Trung Hoa, người Tàu gọi làng này là Tiến Sĩ Sào, tức là ổ Tiến sĩ của nước Nam.

Căn cứ vào các tài liệu trên, tính từ khoa Nho học đầu tiên của nước ta có tên là khoa Tuyển Minh kinh Bác học cập Nho học Tam trường, gọi tắt là khoa Minh kinh Bác học mở vào tháng 2 năm Ất Mão (1075) niên hiệu Thái Ninh thứ 4 đời Lý Nhân Tông, đến khoa thi Hội cuối cùng vào năm Mậu Ngọ (1919) Khải Định thứ 3 đời Nguyễn Hoằng Tông thì làng Mộ Trạch đã cống hiến cho đất nước một danh sách Tiến sĩ sau đây:

1. Vũ Đức Lâm: Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân (gọi tắt là Tiến sĩ) khoa Mậu Thìn (1448), niên hiệu Thái Hòa thứ 6 đời Lê Nhân Tông. Ông là vị Tiến sĩ đầu tiên của làng Mộ Trạch và cả huyện Đường An, làm quan đến Thượng thư.

2. Vũ Hữu (1444 - 1530) tự Ước Trai, đậu Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp) lúc 20 tuổi, khoa Quý Mùi (1463), niên hiệu Quang Thuận thứ 4 đời Lê Thánh Tông. Ông nổi tiếng thanh liêm, làm quan đến chức Thượng thư trải 5 bộ, tước Tùng Dương hầu (có sách chép là Dương Tùng hầu). Ông viết Lập thành toán pháp chỉ dẫn cách đo ruộng đất, xây nhà cửa và thành lũy. Có thể nói Vũ Hữu và Lương Thế Vinh (sinh năm 1441, tác giả quyển Đại thành toán pháp) là hai nhà toán học đầu tiên của nước ta. Thời ấy, thành Thăng Long xây dựng từ niên hiệu Thuận Thiên thứ 1 (1010) đời Lý Thái Tổ, lâu ngày các cửa thành đổ nát, Lê Thánh Tông giao cho Vũ Hữu tính toán vật liệu cần dùng vào việc trùng tu thành quách. Ông đã áp dụng hình học vào việc chiết tính, đưa ra con số chính xác vật liệu xây dựng, nhất là gạch không dư không thiếu một viên, được vua khen là Thần toán và ban thưởng 100 mẫu ruộng.

3. Vũ Ứng Khang đậu Hoàng giáp khoa Nhâm Thìn (1472), niên hiệu Hồng Đức thứ 3 đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Hộ khoa Đô cấp sự trung.

4. Vũ Quỳnh (1453 - 1497) tự Thư Phác, Viên Ôn; hiệu Đốc Trai, Yến Xương. Ông đậu Hoàng giáp lúc 26 tuổi, khoa Mậu Tuất (1478), niên hiệu Hồng Đức thứ 9 đời Lê Thánh Tông, làm quan đến Thượng thư bộ Lễ, bộ Công, bộ Binh. Là một sử gia, năm 1510 ông vâng mệnh Lê Tương Dực soạn bộ Đại Việt thông giám thông khảo, gọi tắt là Việt giám thông khảo, gồm 26 quyển, chia thành Ngoại kỷ chép từ Hồng Bàng đến hết nhà Ngô, Bản kỷ từ Đinh Tiên Hoàng đến đầu thời Lê Thái Tổ. Theo Phan Huy Chú, bộ sách này được Lê Nại đánh giá là quy mô và đúng với kinh, trúng với sử. Ông còn hiệu đính và đề tựa (1492) sách Lĩnh Nam chính quái và soạn Tố cầm tập, Phan Huy Chú khen là lời thơ thanh thoát. Hiện còn ba bài thơ của ông được chép trong Hoàng Việt thi tuyển do Bùi Huy Bích (1744 - 1818) sưu tầm và biên soạn.

5. Vũ Đôn: cháu của Vũ Hữu, đậu Hoàng giáp khoa Đinh Mùi (1487) niên hiệu Hồng Đức thứ 18, đời Lê Thánh Tông.

6. Vũ Tụ (1466 - ?) 28 tuổi đậu Hoàng giáp khoa Quý Sửu (1493) niên hiệu Hồng Đức thứ 24 đời Lê Thánh Tông. Theo Lịch triều hiến chương (Nhân vật chí, bản dịch, trang 372) Vũ Tụ người làng Mộ Trạch, làm quan đến chức Tả thị lang bộ Hình. Lúc bấy giờ vua Lê Thánh Tông muốn thử lòng các quan, mật sai người cải trang làm thường dân đem lụa đến biếu, các quan đều nhận cả, chỉ có ông là cự tuyệt. Người biếu cố nài nỉ:

- Tập tục lễ vật bây giờ đã thành thói quen, chút lễ mọn này có đáng là bao, không thể hại đến đức liêm, xin ngài chớ nỡ từ chối.

Ông nghiêm nét mặt nói:

- Người đời đục cả, chỉ mình ta trong. Nay mày lại tìm lời ngon ngọt xúi ta đánh mất tiết tháo ư? Nói xong, ông đuổi ra.

Sự việc trình lên, vua khen ông là người tiết tháo, ban cho hai chữ “Liêm Tiết” gắn trên cổ áo mỗi khi vào chầu.

7. Vũ Thuận Trinh (1464 - ?), đậu Hoàng giáp lúc 36 tuổi khoa Kỷ Mùi (1499), niên hiệu Cảnh Thống thứ 2 đời Lê Hiến Tông.

8. Vũ Cán (1475 - ?) tự Tùng Hiên, đậu Hoàng giáp năm 28 tuổi khoa Nhâm Tuất (1502), niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 đời Lê Hiến Tông. Ông là cháu ngoại của Tiến Sĩ Nhử Mậu Tổ và là con của Hoàng giáp Vũ Quỳnh, làm quan đến Thượng thư bộ Lễ, năm Canh Ngọ (1510) đi sứ Trung Quốc. Tác phẩm có Tùng Hiên thi tập (5 quyển) và Tùng Hiên văn tập (12 quyển) gồm đủ thể loại: ký, thuyết linh, luận, truyện, biện ... bàn về sử, địa, sinh hoạt xã hội. Ông còn sưu tập các bài tứ lục thành quyển Tứ lục bị lãm và làm thơ xướng họa với Trạng Trình.

9. Lê Nại (1479 - ?): Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên) năm 27 tuổi, khoa Ất Sửu (1505) niên hiệu Đoan Khánh thứ 1 đời Lê Uy Mục. Ông là con rể của Hoàng giáp Vũ Quỳnh và cháu nội của danh thần Lê Cảnh Tuân đã tuẫn quốc dưới thời Minh thuộc. Ông có tiếng hay chữ, thi Hương, thi Đình đều đỗ đầu, làm quan tới chức Hữu thị lang bộ Hộ.

10. Lê Tư đậu Hoàng giáp khoa Tân Mùi (1511), niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 đời Lê Tương Dực, làm quan tới chức Đoán sự. Ông là bào đệ của Trạng nguyên Lê Nại.

11. Vũ Lân Chỉ đậu Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1520), niên hiệu Quang Thuận thứ 5 đời Lê Chiêu Tông, làm quan đến chức Công khoa Đô cấp sự trung.

12. Lê Quang Bí (1504 - ?) tự Thuần Phu, hiệu Hối Trai. Đậu Hoàng giáp lúc 23 tuổi khoa Bính Tuất (1526), niên hiệu Thống Nguyên thứ 5 đời Lê Cung Hoàng. Ông là con trai trưởng của Trạng nguyên Lê Nại, cháu bốn đời của danh thần Lê Cảnh Tuân và cháu ngoại của Hoàng giáp Vũ Quỳnh. Năm Mậu Thân (1548) ông vâng mệnh Mạc Phúc Nguyên cầm đầu sứ bộ sang Tàu, bị vua Minh Thế Tông bắt giam vào ngục ở Nam Ninh suốt 19 năm, đến năm Đinh Mão (1567) mới được tha về. Mạc Mậu Hợp đón ông rất trọng vọng, khen là công thần tiết nghĩa, ví ông như Tô Vũ đời Hán đi sứ Hung Nô, cũng bị đày suốt 19 năm mới được trở về nước. Làm quan đến chức Lại bộ Thượng thư, truy tặng tước Tô quận công. Tác phẩm để lại có Tư hương vận lục, gồm nhiều bài thơ vịnh sử và danh nhân.

13.Nhử Mậu Tổ: Tiến sĩ khoa Bính Thân (1526) niên hiệu Thống Nguyên thứ 5 đời Lê Cung Hoàng, làm quan với họ Mạc đến chức Lễ bộ Tả thị lang. Hoàng giáp Vũ Quỳnh là con rể, Hoàng giáp Vũ Cán là cháu ngoại của ông.

14. Vũ Tĩnh (1525 - ?): 38 tuổi đậu Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1562), niên hiệu Quang Bảo thứ 9 đời Mạc Phúc Nguyên. Được cử đi sứ nhà Minh, làm quan đến chức Tả thị lang, khi mất được truy tặng Thượng thư.

15. Vũ Đường (1528 - 1592), đậu Tiến sĩ lúc 38 tuổi, khoa Ất Sửu (1565), niên hiệu Thuần Phúc thứ 4 đời Mạc Mậu Hợp, làm quan tới chức Lễ bộ Hữu thị lang.

16. Vũ Bạt Tụy (1602 - ?) đậu Đình nguyên và lãnh học vị Hoàng giáp lúc 33 tuổi, khoa Giáp Tuất (1634) niên hiệu Đức Long thứ 6 đời Lê Thần Tông, làm quan tới chức Lại khoa Đô cấp sự trung.

17. Vũ Lương (1606 - 1676) đậu Tiến sĩ lúc 38 tuổi, khoa Giáp Mùi (1643), niên hiệu Phúc Thái thứ 1 đời Lê Chân Tông, làm quan tới chức Hình bộ Hữu thị lang, là cháu nhiều đời của Hoàng giáp Vũ Hữu.

18. Vũ Trác Oánh (1635 - ?), năm 22 tuổi đậu Tiến sĩ khoa Bính Thân (1656), niên hiệu Thịnh Đức thứ 4 đời Lê Thần Tông, làm quan tới chức Tham chính, tước Nam.

19. Vũ Đăng Long (1635 - ?) cũng đậu Tiến sĩ lúc 22 tuổi, cùng năm với Vũ Trác Oánh, làm quan đến chức Giám sát.

20. Vũ Công Lượng (1624 - ?), đậu Tiến sĩ năm 33 tuổi, cùng khoa với hai người trên, làm quan đến chức Hình khoa Đô cấp sự trung.

21. Vũ Cầu Hối (1618 - ?), đậu Tiến sĩ lúc 42 tuổi khoa Kỷ Hợi (1659), niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2 đời Lê Thần Tông, làm quan đến chức Tham chính. Ông là em út của Hoàng giáp Vũ Bạt Tụy.

22. Vũ Bật Hài (1629 - ?), năm 31 tuổi đậu Tiến sĩ khoa Kỷ Hợi (1659), niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2 đời Lê Thần Tông. Năm 1673, đi sứ sang triều Thanh Thánh Tổ, làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang, có tác phẩm Vũ tộc khoa hoạn phả. Ông là cháu của Hoàng giáp Vũ Bạt Tụy và Hoàng giáp Vũ Cầu Hối.

23. Vũ Công Đạo (1629 - 1714), đậu Tiến sĩ lúc 31 tuổi, khoa Kỷ Hợi (1659), niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2 đời Lê Thần Tông. Là một Ngự sử cương trực, hạch tội lộng thần nhưng không được vua chúa nghe theo, ông đập đầu vào cột giữa triều để tỏ khí tiết. Làm quan đến chức Thượng thư bộ Công, xin về trí sĩ mở trường dạy học, có tiếng dạy giỏi đào tạo nhiều nhân tài như Bảng nhãn Phạm Quang Trạch, Thám hoa Vũ Thạnh và Hội nguyên Tiến sĩ Nguyễn Danh Dự. Ông là anh của Tiến sĩ Vũ Công Lượng. Thơ ông hiện còn 3 bài chép trong Toàn Việt thi lục.

24. Lê Công Triều (1630 - ?), đậu Tiến sĩ lúc 30 tuổi, khoa Kỷ Hợi (1659) niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2 đời Lê Thần Tông, làm quan đến chức Tham chính. Ông thuộc dòng dõi của Hoàng giáp Lê Quang Bí, Trạng nguyên Lê Nại, Hoàng giáp Lê Tư.

25. Vũ Duy Đoán (1621 - 1684), đậu Hương nguyên, Hội nguyên, lãnh học vị Tiến sĩ lúc 21 tuổi khoa Giáp Thìn (1664), niên hiệu Cảnh Trị thứ 2 đời Lê Huyền Tông. Làm quan tới chức Công bộ Thượng thư. Vì nói thẳng, trái ý chúa Trịnh Tạc nên bị bãi chức. Về quê mở trường dạy học và sáng tác. Là con của Hoàng giáp Vũ Bạt Tụy, cháu của Tiến sĩ Vũ Cầu Hối và em họ của Tiến sĩ Vũ Bật Hài. Ông lấy hiệu Quế Am, nổi tiếng văn chương, tác phầm có: Kim gián lục (khuyên Chúa Trịnh lúc ông còn tại chức), các bài phú như Phạm Lãi du Ngũ hồ, Hàn Tín điếu thành hạ, Dị văn ký, Mộ Trạch thôn phong cảnh và Nông gia khảo lịch. Người đời khen : “Trước đời Trung Hưng có Vịnh Kiều Hầu (tức Hoàng Sĩ Khải, người Bắc Ninh), sau đời Trung Hưng có Đường Xuyên Tử (tức Vũ Duy Đoán.)

26. Vũ Công Bình (1640 - ?) đậu Tiến sĩ lúc 25 tuổi khoa Giáp Thìn (1664), niên hiệu Cảnh Trị thứ 3 đời Lê Huyền Tông, làm quan đến chức Hiến sứ.

27. Vũ Đình Lâm (1640 - 1707), đậu Hoàng giáp năm 31 tuổi khoa Canh Tuất (1670), niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 đời Lê Huyền Tông, làm quan đến Lễ khoa Đô cấp sự trung. Ông là con của Tiến sĩ Vũ Lương, dòng dõi của Hoàng giáp Vũ Hữu.

28. Vũ Duy Khuông (1644 - ?) tự là Bách Am, đậu Tiến sĩ năm 27 tuổi khoa Canh Tuất (1670), niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 đời Lê Huyền Tông, làm quan đến Lễ khoa Đô cấp sự trung. Ông là cháu nội Hoàng giáp Vũ Bạt Tụy và con của Tiến sĩ Vũ Duy Đoán. Tác phẩm lưu lại là 8 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục.

29. Vũ Đình Thiều (1658 - 1727), đậu Tiến sĩ lúc 23 tuổi khoa Canh Thân (1680), niên hiệu Vĩnh Trị thứ 5 đời Lê Huy Tông, làm quan đến chức Công bộ Cấp sự trung. Ông là cháu nội Tiến sĩ Vũ Lượng, cháu họ của Hoàng Giáp Vũ Đình Lâm.

30.Vũ Trọng Trình (1639 - ?) đậu Tiến sĩ khoa Sĩ vọng lúc 47 tuổi năm Ất Sửu (1685), niên hiệu Chính Hòa thứ 6 đời Lê Hy Tông, làm quan đến chức Hiến sát.

31. Nguyễn Thường Thịnh ( 1676 - ?), đậu Tiến sĩ năm 28 tuổi khoa Quý Mùi (1703), niên hiệu Chính Hòa thứ 24 đời Lê Hy Tông, làm quan đến chức Cấp sự trung.

32. Vũ Đình Ân (1680 - 1747), đậu Tiến sĩ lúc 33 tuổi khoa Nhâm Thìn (1712), niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8 đời Lê Dụ Tông. Ông được giao trọng trách xác định các cột mốc biên giới với nhà Thanh. Chức vụ sau cùng là Lễ bộ Thượng thư, khi mất được tặng hàm Thái Bảo. Ông là con Tiến sĩ Vũ Đình Thiều, dòng dõi Hoàng giáp Vũ Hữu và Tiến sĩ Vũ Lương.

33. Vũ Huyên (1670 - ?) thi Hương đậu Giải nguyên, 43 tuổi đậu Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1712), niên hiệu Vĩnh Trị thứ 8 đời Lê Dụ Tông. Làm quan đến chức Đông các hiệu thư. Thuộc dòng dõi Hoàng giáp Vũ Đôn, nguyên quán làng Mộ Trạch, trú quán làng Đan Luân cùng huyện. Ông có tiếng về thi văn và xuất chúng về môn cờ tướng.

Tương truyền sứ nhà Thanh sang nước ta quen thói hống hách, lại tự phụ giỏi cờ, thách đấu với vua nước ta. Vua theo kế của Vũ Huyên, hẹn với sứ giả đấu cờ tại sân rồng vào đầu giờ ngọ, mỗi bên chỉ để một tên lính cầm lọng đứng hầu. Vũ Huyên giả làm tên lính đứng hầu nhà vua, trên tàn lọng xoi một lỗ rất nhỏ đủ cho tia nắng xuyên qua làm hiệu, lựa lúc chiếu vào các quân cờ để mách nước cho vua. Nhờ kế ấy, vua nước ta thắng ba ván liên tiếp, sứ Tàu rất khâm phục và không dám hống hách nữa. Nhờ công lao ấy, ông được vua ban cho danh hiệu “Đấu kỳ Trạng nguyên” và trong dân gian còn có câu ca dao truyền tụng:

Trạng cờ Mộ Trạch càng ghê

Sứ Yên thua cuộc rút xe về thành.

34. Vũ Phương Đề (1698 - ?) đậu Tiến sĩ năm 39 tuổi khoa Bính Thìn (1736), niên hiệu Vĩnh Hựu 2 đời Lê Ý Tông, làm quan đến Đông các Học sĩ, dòng dõi Vũ Hữu. Ông là tác giả Công dư tiệp ký (1775) gồm 43 truyện ghi chép các chuyện mắt thấy tai nghe, chia làm 12 mục: Thế gia, danh thần, danh nho, tiết nghĩa, chí khí, báo ác, tiết phụ, ca nữ, thần quái, âm phần, danh thắng, thú loại.

35. Vũ Huy Đỉnh (1730 - 1789) tự Ôn Kỳ, hiệu Di Hiên, đậu Tiến sĩ lúc 25 tuổi khoa Giáp Tuất (1754), niên hiệu Cảnh Hưng 15 đời Lê Hiển Tông. Ông có tài về văn thơ, chính trị và ngoại giao. Năm 1772 đi sứ nhà Thanh, làm quan đến Lễ bộ Hữu thị lang, tước Hồng Trạch hầu.

Tác phẩm của ông gồm: Bách đài tập, Hoa trình tạp thi, Kỷ thắng tập, Nam trung tập, Quang thương tiền tập, Sơn Tây tập, Trình tuyết tập, Thanh Hóa tiền hậu tập, Tùng vịnh tập, Tuyên Quang tập.

Trong số 35 vị đại khoa của làng Mộ Trạch, họ Vũ chiếm đa số tuyệt đối với 9 Hoàng giáp và 20 Tiến sĩ. Trong lúc họ Lê có 1 Trạng nguyên, 2 Hoàng giáp và 1 Tiến sĩ.

Cùng lập nghiệp tại một làng có huyệt chính của cuộc đất phát văn, nhưng họ Vũ hầu như trọn hưởng cái tinh hoa của vùng đất, tương truyền vì có ngôi mộ tổ được táng treo ngay trong làng. Con cháu họ Vũ đã bốc hài cốt vị tổ vào một cái quách nhỏ bằng sành, khằn kín kỹ lưỡng rồi treo lơ lửng dưới một cành đa cổ thụ, dùng rễ đa bó chung quanh. Chùm rễ này ăn sâu xuống đất, lớn dần thành một thân cây khổng lồ ôm chặt hài cốt ở giữa.

Thành tích khoa bảng huy hoàng nhất của làng Mộ Trạch nói chung và họ Vũ nói riêng là khoa Bính Thân (1656) niên hiệu Thịnh Đức 4 đời Lê Thần Tông có 3 vị tân khoa Tiến sĩ là Vũ Trác Oánh, Vũ Đăng Long và Vũ Công Lượng. Tiếp đến khoa Kỷ Hợi (1659) niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2 đời Lê Thần Tông, Mộ Trạch lại một lần nữa chiếm kỷ lục. Khoa ấy cả nước lấy đậu đại khoa 20 vị thì riêng làng Mộ Trạch đã có 4 Tiến sĩ: Vũ Cầu Hối, Vũ Bật Hài, Vũ Công Đạo và Lê Công Triều.

Mộ Trạch còn có Trạng vật Vũ Phong, em ruột Hoàng giáp Vũ Hữu. Ông tướng ngũ đoản, có biệt tài về đô vật, đã quật ngã các đô lực sĩ hộ vệ vua Lê Thánh Tông trong một cuộc thử sức, lại có tiếng chính trực và tháo vát, được vua tin dùng, cho làm Chỉ huy sứ Cẩm y thị vệ. Có lần ông được sung vào sứ bộ sang nhà Minh biểu diễn tài đô vật. Ông đã thắng các tay đô vật nổi tiếng của Tàu, đem lại vẻ vang cho dân tộc, khiến vua Minh Hiến Tông phải khen ngợi, gọi ông là “Lý Tôn Hiến An Nam”, ý sánh ông với danh tướng họ Lý đời Đường Hy Tông, cũng vóc người nhỏ bé nhưng giỏi võ và sức mạnh phi thường, có công dẹp yên loạn Hoàng Sào. Người đương thời tôn xưng Võ Phong là Trạng Vật. Còn Hoàng giáp Lê Quang Bí liệt ông vào các nhân vật lịch sử và có thơ vịnh:

Ngũ đoản tằng xưng tướng mạo kỳ,

Tang bồng hồ thỉ hảo nam nhi.

Nhất môn bá trọng quang tiên nghiệp

Thiên tải minh lương kết chủ tri

Ứng biến đạt tài thi hữu chính,

Xứng bình lịnh dữ bá vu thì.

Tử tôn vinh thịnh đoan phi ngẫu,

Chủng đức cao dao thị ngã si (sư).

Bản dịch trong Tự điển Nhân vật lịch sử Việt Nam:

Tướng xem ngũ đoản thật phi thường

Hồ thỉ làm trai chí bốn phương

Nếp cũ thêm tươi hàng bá trọng,

Ngàn xưa được gặp chúa minh lương.

Khen tay chính trị tài thông biến,

Giữ mực công minh tiếng chẳng thường.

Con cháu vinh hoa âu cũng bởi,

Ai trồng cây đức để làm gương.

Mộ Trạch còn đóng góp cho triều đại Lê sơ một vị tướng can trường, trung hậu. Đó là Vũ Dự, cùng họ hàng với Hoàng giáp Vũ Hữu. Theo Đại Nam nhất thống chí, Vũ Dự cùng với Cương quốc công Nguyễn Xí lật đổ Nghi Dân, dẹp xong bọn phản loạn Phạm Đồn, Phan Ban, Trần Lăng, Lê Đắc Minh; rồi tôn Bình Nguyên Vương Tư Thành lên ngôi vua, lập ra một triều đại cực thịnh trong lịch sử nước ta. Ông được vua Lê Thánh Tông phong làm Minh Nghĩa công thần, Tả Phủ Đô đốc, tước Tri Lê bá.

Mộ Trạch cũng sản sinh một danh thần tuy không xuất thân từ hàng khoa bảng mà vẫn được nể trọng. Đó là Vũ Duy Chí (1604 - 1678). Theo Lịch triều hiến chương (Nhân vật chí, bản dịch, trang 277) nhờ ân đức của người mẹ trả lụa cho người bỏ quên mà năm anh em ông đều rạng danh với đời. Vũ Tự Khoái (con trưởng) là công thần đời chúa Trịnh Tráng (1623 -1657), Vũ Bạt Tụy (con thứ) đậu Hoàng giáp, Vũ Đức Chí là công thần dưới thời chúa Trịnh Tạc (1657 - 1682), Vũ Phương Trượng làm đến Thượng thư, tước Quận công, Vũ Cầu Hối (con út) đậu Tiến sĩ.

Khoảng niên hiệu Cảnh Trị đời Lê Huyền Tông (1663 - 1671) Vũ Duy Chí được thăng Lễ bộ Thượng thư, tước Phương quận công. Khi làm Tể tướng, trong triều có người chê ông xuất thân từ chân lại, Dương vương Trịnh Tạc đã đem các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa như Tiêu Hà, Tào Tham (đời Hán Cao Tổ), Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối (đời Đường Thái Tông) cũng từng làm lại để biện hộ cho ông. Tuy được nhà Chúa tin dùng, ông vẫn giữ lòng ngay thẳng, tôn trọng lẽ phải và trung hậu khiến Chúa rất nể trọng.

Nhân ngày Nguyên Đán, Chúa truyền các quan văn võ sau khi chầu Vua thì vẫn giữ nguyên phẩm phục sang phủ lạy mừng Chúa. Ông bèn nói ngay: “Nhà Chúa từ xưa tới nay vẫn một niềm tôn phù hoàng gia. Vậy lễ ngày hôm nay chỉ nên mặc áo thanh cát, không nên dùng triều phục, sợ trái với lệ cũ.” Chúa cho là phải và bỏ việc ấy. Tận tụy với việc nước đến năm 73 tuổi (1676) ông mới về hưu, được gia thăng Lại bộ Thượng thư, Quốc lão Thiếu phó. Chúa tặng ông lá cờ có thêu câu đối:

Nhất đại tông thần Tiêu tướng quốc;

Lưỡng triều nguyên lão Triệu Hàn vương.

Bản dịch Lịch triều hiến chương loại chí:

Làm quan đầu triều một đời, như tướng quốc Tiêu Hà

Trải làm nguyên lão hai triều, như Hàn vương Triệu Phổ.

Ông mất năm Mậu Ngọ (1678) thọ 75 tuổi. Được truy tặng Thái phó.

Mộ Trạch còn cống hiến cho đất nước một nhà ngoại giao tài ba Vũ Huy Tấn (1749 - 1800). Ông là con của Tiến sĩ Vũ Huy Đỉnh, đậu Giải nguyên khoa Mậu Tý (1768) niên hiệu Cảnh Hưng 29 đời Lê Hiển Tông, được bổ làm Thị nội ở viện Hàn lâm. Khi vua Quang Trung ra Bắc, ông theo giúp, làm quan đến Công bộ Thượng thư. Hai lần được cử đi sứ sang Tàu, ông tỏ ra là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp và có khí phách, bảo toàn được danh dự quốc gia. Trong lần đi sứ cùng giả vương Phạm Công Trị, quan nhà Thanh gọi đoàn sứ giả ta là “di quan”, ông đã khẳng khái phản đối đúng nguyên tắc bình đẳng ngoại giao, khiến họ phải nể trọng. Vì thế Vũ Huy Tấn và Phan Huy Ích được đặc cách đến gần vua Càn Long (Thanh Cao Tông) và chính tay nhà vua rót rượu mời; một sự kiện hiếm có đối với sứ giả các nước. Ngoài sở trường về ngoại giao, ông còn sáng tác nhiều thơ văn đề cao lòng tự hào dân tộc, với bút hiệu Nhất Thủy, ông có tác phẩm Hoa nguyên tùy bộ tập.

Nhưng trên hết, Mộ Trạch là đất địa linh nhân kiệt, cống hiến cho tổ quốc những con người kiên trung. Chí sĩ Lê Cảnh Tuân, thân phụ của tướng Lê Thiếu Dĩnh trong hàng ngũ chống Minh của Bình Định Vương, là nội tổ Trạng nguyên Lê Nại và Hoàng giáp Lê Tư, là tằng tổ của Hoàng giáp Lê Quang Bí. Theo Lịch triều hiến chương loại chí, Lê Cảnh Tuân đậu cử nhân khoảng niên hiệu Xương Phù (1377 - 1388) đời Trần Phế Đế; còn theo Đại Nam nhất thống chí thì ông đậu Thái học sinh đời Trần. Dù với học vị nào, ông vẫn là người khai khoa của làng Mộ Trạch. Khi quân Minh sang chiếm nước ta, ông viết Vạn ngôn thư (bức thư vạn chữ) khuyên người bạn cũ là Bùi Bá Kỳ đang làm Tham nghị cho giặc, nên đòi họ giữ lời hứa lập lại nhà Trần. Bức thư có đoạn: “Nhà Minh đã sắc phong cho Ngài (Bùi Bá Kỳ) theo quân họ sang đánh, chờ bắt được nhà Hồ, chọn lập con cháu họ Trần, gia thêm tước để giúp nước. Thế mà nay chỉ thấy họ lập ty Bố chánh, phong Ngài tước cao, còn nhà Trần thì chỉ cho người quét dọn miếu thờ. Vậy nếu Ngài có thể lại tâu lên, xét lời nói của các quan lại, kỳ lại bày tỏ việc con cháu họ Trần chưa tuyệt, để họ tuyên chiếu khác sắc phong cho họ Trần. Đấy là thượng sách. Không thể thì Ngài xin thôi chức, chỉ xin làm viên quan coi miếu nhà Trần, đấy là trung sách. Còn nếu Ngài nhận chức quan cao, ăn lộc nhiều, thì là hạ sách vậy. Như Ngài theo thượng sách, thì tôi xin làm các vị nhân sâm, cam thảo, chỉ xác, trần bì sung vào giỏ thuốc để cho Ngài dùng. Theo trung sách thì tôi xin bưng khay chén đi lại trong miếu cũng để ngài sai bảo. Còn nếu theo hạ sách thì tôi sẽ đi cày ruộng nơi tịch mịch, nhàn hạ, để cho trọn những năm sống thừa mà thôi.”

Sau đó Bùi Bá Kỳ bị một tội khác, quân Minh xét nhà thấy có Vạn ngôn thư, ra lệnh tầm nã ông. Lê Cảnh Tuân phải cải dạng đổi tên đi trốn. Nhưng năm 1411 quân Minh lập Giao Châu học hiệu tại Thăng Long ông giả làm khách ra kinh đô nhận chức dạy học để có dịp kết nạp sĩ phu ngầm việc cứu nước. Bởi tiếng tăm ông nhiều người biết nên các con ông hết sức khuyên can nhưng ông quả quyết; “Nhà ta đời đời ăn lộc. Một bức thư vạn ngôn đã bị tiết lộ, không thành. Nay ta hết lòng báo ơn nước, dù chết còn vinh, ta có sợ gì!”

Can ngăn không được, người con trưởng là Lê Thái Diên phải theo cha hầu hạ phòng việc bất rắc. Quả nhiên ông bị bắt giải về Yên Kinh cùng với người con. Vua Minh Thánh Tổ hỏi:

- Mày khuyên Bá Kỳ âm mưu làm phản, vì sao vậy?

Lê Cảnh Tuân khẳng khái đáp:

- Người Nam thì mong nước Nam còn. Chó của ông Trích thì cắn người không phải chủ nó. Hỏi làm gì!

Vua Minh giận lắm, ra lệnh giam cha con ông vào ngục tối ở Kim Lăng. Ngày Tết nhớ về cố hương, Lê Cảnh Tuân gửi nỗi lòng mình trong bài Nguyên Nhật (Ngày đầu năm), Bùi Huy Bích (1744 - 1818) sưu tầm, chép vào Hoàng Việt thi tuyển:

Lữ quán khách nhưng tại

Khứ niên xuân phục lai

Quy kỳ hà nhật thị,

Lão tận cố hương mai.

Đinh Văn Chấp dịch (Nam Phong tạp chí, 1927):

Đất khách ngày bao trải

Trời xuân năm thứ hai

Kỳ về còn chưa định,

Quê cũ đã chồi mai.

Nhưng ngày về không còn! Năm năm sau, ông và người con trưởng chết trong ngục tối.

Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú đã trân trọng xếp ông vào 7 người bề tôi tiết nghĩa đời Trần, và Đại Nam nhất thống chí thì liệt ông vào 13 nhân vật lịch sử nổi tiếng của tỉnh Hải Dương dưới thời Trần.

*

Tóm lại, Mộ Trạch chỉ là một làng quê nhỏ bé nhưng có cả một đội ngũ nhân tài đồ sộ tầm cỡ quốc gia.

Ngày xưa, Lê Thiếu Dĩnh tự là Tử Kỳ theo Lê Thái Tổ khởi nghĩa, làm đến Thiêm tri Viện sự, để lại tập thơ Tiết Trai được Phan Huy Chú khen là giản dị, cổ kính. Trong đó có bài Trạch thôn cố viên, tả làng Mộ Trạch khi làng này chưa xuất hiện những vị khoa giáp và nhân tài:

Mỗ khâu mỗ thủy cựu hương lư,

Tiên trủng quy lai bái tảo sơ

Tang tử niên thâm do ốc nhược,

Tùng thu thụ lão dĩ sâm như...

Bản dịch Hoàng Việt thi tuyển:

Khe kia cồn nọ, cảnh hương quê

Viếng mộ cha ông mới trở về

Tang tử năm xưa còn tốt đẹp

Tùng thu gốc lão vẫn sum sê...

Với cảnh sắc ấy, Mộ Trạch đã là chiếc nôi nuôi dưỡng nhân tài Việt Nam suốt thời đại nhà Lê (1428- 1788). Có điều đáng suy ngẫm, từ năm 1822 đến năm 1919 nhà Nguyễn mở 39 khoa tiến sĩ (không kể khoa Ất Dậu 1885, chưa kịp truyền lô thì kinh đô thất thủ), lấy đậu 558 lượt người, gồm 292 trúng cách Chính bảng và 266 trúng cách Phó bảng. Thế nhưng, làng Mộ Trạch không một ai đỗ đại khoa và cả huyện Đường An chỉ có Vũ Đức Khuê người xã Hoa Đường đậu Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân.

Vấn đề đặt ra, Mộ Trạch có mãi còn là đất phát văn? Và bây giờ, nhân tài Mộ Trạch nơi đâu?

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

 

CHÚ THÍCH

(1) Năm Tân Mão (1831) Minh Mạng thứ 12, đổi trấn thành tỉnh, từ ấy trấn Hải Dương gọi là tỉnh Hải Dương.

(2) Các sách tham khảo:

- Các nhà khoa bảng Việt Nam, Ngô Đức Thọ chủ biên, nxb Văn Học, Hà Nội 1993.

- Quốc triều khoa bảng lục của Cao Xuân Dục, người dịch Lê Mạnh Liêu, nxb Văn Học, 2001.

- Trạng nguyên, Tiến sĩ, Hương cống Việt Nam; nhóm biên soạn Bùi Hạnh Cẩn, Minh nghĩa, Việt Anh, nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2002.

-Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, nhóm Đỗ Mộng Khương dịch, nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1992.

- Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, Phạm Trọng Điềm dịch, nxb Thuận Hóa, Huế 1992.

- Việt Nam Danh nhân từ điển của Nguyễn Huyền Anh, nhà sách Khai Trí tái bản và phát hành, Sài Gòn 1972.

- Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Bá Thế, nxb Khoa học Xã hội, Sài Gòn 1992.

- Thành ngữ điển tích Danh nhân từ điển của Trịnh Vân Thanh, Sài Gòn 1966, Đại Nam tái bản tại California.

- Từ điển Văn học của nhóm biên tập Đỗ Đức Hiếu, nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1883.

- Văn hóa Việt Nam tổng hợp, Trần Độ chủ biên, Hà Nội 1989.

- Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch của Ngô Đức Thọ, nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1993.

- Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, Dương Thị The và Phạm Thị Thoa dịch và biên soạn, nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1981.

- Văn học từ điển của Thanh Tùng, Khai Trí phát hành, Sài Gòn 1973; Xuân Thu tái bản, California 1990.

Người đăng: admin