Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 62
Truy cập hôm nay: 61
Lượt truy cập: 11,684,925
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
ĐI TÌM DÒNG HỌ VŨ KHOA BẢNG XƯA Ở LÀNG CỔ LA MẠT


ĐI TÌM DÒNG HỌ VŨ KHOA BẢNG XƯA

 Ở LÀNG CỔ LA MẠT

(Gần làng Phù Ủng xưa, thuộc huyện Đường Hào cũ)

Nơi đây có hai Tiến sỹ đậu cao thời Nhà Mạc (1568 và 1583)

 

  Nhân dịp chuyến ra Hà Nội họp Hội nghị BCH Dòng họ Vũ-Võ lần thứ 2 khóa VI, ngày chủ nhật 13-11-2011. Chúng tôi, Vũ Hiệp và ông Vũ Hữu Chính tranh thủ ngày 14-11 rủ nhau đi du khảo làng cổ: La Mạt  thuộc Tổng Chiêu Lai, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương cũ. Nay đổi tên là thôn La Mạt, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

 

Tại sao lại có tên làng là La Mạt? Theo các từ điển chũ Hán cho biết: La là loại vải mỏng mịn như lưới. Còn chữ Mạt  có nghĩa là bọt nước, hay bọc lấy tinh chất như cái rây dùng để lọc bột hay thực phẩm xay nhuyễn ra. La Mạt còn có nghĩa là cái lưới, cái lọc rây bằng vải thưa mỏng. Có lẽ là lọc lựa tinh hoa về văn chương và nhân tài. Nhưng vì ngôn ngữ dân gian chỉ hiểu tiếng Nôm âm “Mạt” là suy tàn, tàn mạt         , mang ý xấu. Nên đã từ vài trăm năm qua, dân làng này và dân ở địa phương đã gọi chệch thành “Mát”. Còn địa danh của làng cổ có từ bảy tám trăm năm xưa, gọi đúng là “làng La Mạt”. Nếu đọc là “Mát”, sự thật không có nghĩa gì nữa. Tra cứu sách địa lý cũ, Tổng Chiêu Lai xưa có 13 xã, thôn, giáp…, và “La Mạt” vốn là một xã lớn (ngang với các xã Phù Ủng, Chiêu Lai, Bối Đôi,…) đã có 2 thôn Thượng và thôn Đổng Xá. Theo địa bạ xưa, xã La Mạt khá rộng lớn, có 600 mẫu Bắc Bộ (3.600m 2 x 600 = 2.160.000m2, hơn 2 cây số vuông).

 

  Chúng tôi đi quốc lộ 5, đi Như Quỳnh, qua chợ Đường Cái, trực chỉ đi xuống Quán Gỏi rẽ vào làng Kẻ Sặt (đi lòng vòng xem một số nhà thờ Thiên chúa giáo cũ mới trong các làng xóm “Đạo”) giữa trưa nên vắng vẻ. Vừa đi vừa hỏi đường về huyện Ân Thi có thôn La Mát.

 

  Mãi đến trưa, khoảng hơn 13 giờ, đi hết đường đất, qua đường bê tông liên xã, liên huyện, chúng tôi nhìn cảnh quan thấy quen quen, chợt nhớ ra năm 2006, đã cùng ông Thuận, ông Ái, ông  Lâm, ông Chính đã đi qua con đường nhựa liên tỉnh, qua cầu, từ Mộ Trạch đi tìm làng Phù Ủng có nhiều chi họ Vũ (Văn, Đình, Duy, Huy, Đức…) mà nổi tiếng xưa có Tiến sĩ Vũ Vinh Tiến (đỗ năm 1640) đời Hậu Lê ở đó.

 

  Theo vài người ở dọc con đường vắng vẻ đã chỉ dẫn lối vào làng La Mát. Chúng tôi hỏi thăm “nhà của người họ Vũ”, thì được chỉ đến nhà anh Vũ Hữu Hùng bán tạp hóa ở đầu xóm, bên tay phải có cổng với một bảng treo cao, ghi hàng chữ: “THÔN VĂN HÓA LA MÁT…” Chúng tôi vào nhà hỏi thăm dòng họ “Vũ Hữu”, thì gặp cụ ông là cha của anh Hùng, cụ này bị tật ở chân, đi lại khó khăn,  tuổi hơn 75 nhưng mặt mũi sáng sủa, trẻ hơn tuổi ngồi tiếp tôi. Tỏ rõ là người hiểu biết về họ Vũ trong làng này (hình như cụ là giáo viên cấp 1 về hưu ?) Nhưng khi chúng tôi hỏi thăm dòng họ “Vũ Hữu”, thì cụ xác nhận đúng là nhà cụ họ Vũ Hữu ở thôn La Mát, đã trải qua 12-13 đời rồi đều mang dòng Vũ Hữu. Nhưng cụ “ngớ người ra”, lắc đầu khi tôi hỏi về cụ Nghè Thám Hoa đời Mạc, tên Vũ Hữu Chính, sống trước đây 450 năm! Cụ thành thật nói là cụ chưa hề biết đến danh nhân khoa bảng lẫy lừng có tên đó ở làng cụ. Tôi chợt hiểu ra là thời Mạc (1527-1592) làng La Mạt này là một làng có văn học cao, không kém các làng Mộ Trạch, Ngọc Cục, Phù Ủng gần đó? Vì chỉ trong có 15 năm, mà ở làng La Mạt này, từ 1568 đến 1583 đã có đến hai nhà Nho học lỗi lạc, đậu rất cao họ Vũ. Đó là ngài Thám Hoa Vũ Hữu Chính (sinh 1534) đậu đầu Đại khoa năm Mậu Thìn (1568), đứng đầu bảng “họ tên 17 Tiến sĩ” năm đó. Sau 15 năm lại có ngài Vũ Thanh (sinh 1541) cũng trong họ Vũ làng này đã đỗ Hoàng Giáp Tiến sĩ (thứ 5/18 ông Nghè khoa thi Quý Mùi 1583).

 

  Chúng tôi còn biết thời Nhà Lê (1426-1527) và thời Mạc, thời Hậu Lê (1593-1788), làng cổ văn hóa này còn có một số cụ họ Vũ đậu Hương Cống, Sinh Đồ nữa (xem sách Liệt Truyện Đăng Khoa và Đương Hào Khoa mục lịch Đại Chí sẽ rõ).

 

  Theo ông cụ họ Vũ Hữu ở La Mát cho chúng tôi biết: -Trong 70 năm qua, làng cổ này đã thấy có 4 chi họ Vũ Hữu, Vũ Văn, Vũ Đình, Vũ Khắc có Tổ và nhà thờ khác nhau, đều tương truyền có gốc ở làng Mộ Trạch từ xa xưa đến La Mát lập nghiệp. Hiện làng cổ này có 8 -9 họ khác nhau: Phạm, Nguyễn, Lê...Nhưng họ Vũ và Phạm là đông nhất và lâu đời nhất làng. Rất tiếc các cụ họ Vũ ở nơi đây không còn giữ được cổ phả chữ Nho xưa.

 

  Chúng tôi còn được gia đình họ Vũ Hữu này cho đi tham quan và thắp hương ở nhà thờ họ Vũ Hữu: “VŨ TỘC TỪ ĐƯỜNG”, Tuy nhỏ về diện tích và xây dựng khiêm tốn. Cũng 3 gian thờ và hoành phi câu đối, mới mua sắm “hàng chợ”. Chữ nét không được đẹp, nhưng tỏ ra thành tâm với Tiên tổ, dòng họ như thế ở một nông thôn chất phác, cũng rất đáng trân trọng về đạo lý. Tiếc thay, vì lý do sức khỏe và nắng nóng, hai anh em tôi còn luyến tiếc không hỏi han thêm bà con 3 chi họ Vũ kia và ghé vãn cảnh đình, chùa, miếu Thành Hòang làng La Mạt thờ vị Thành Hoàng nào? Và có còn di tích gì về hai vị Đại Khoa họ Vũ đời Mạc không?

 

  Rõ ràng, văn hóa làng này suy giảm từ thời “Vua Lê, Chúa Trịnh” (1593-1788) và còn tệ hại hơn là ở triều Nguyễn (1802-1945). Có thể, khi nhà Mạc suy tàn, con cháu hai ông Nghè họ Vũ đó sợ liên lụy lý lịch, có vấn đề với nhà Mạc cũ, thời Lê-Trịnh đã phân biệt đồi xử chăng? Nên bỏ làng đi xa sinh sống? Hoặc mai danh ẩn tích nguồn gốc cụ Tổ đỗ Thám Hoa Nhà Mạc, để tránh thời thế ganh ghét nhà Mạc thời Lê-Trịnh.

 

  Để bà con họ Vũ-Võ trong nước và hải ngoại biết thêm về tiểu sử và sự nghiệp của hai danh nhân khoa bảng họ Vũ ở làng La Mạt cổ. Chúng tôi xin trích dẫn tiểu truyện (lý lịch) hai ngài như sau, từ các sách “Lịch triều đăng khoa” thời Lê, viết về các ông Nghè.

 

  1- Thám Hoa Đình Nguyên (thủ khoa) VŨ HỮU CHÍNH  (                       )

 

  Người làng La Mạt, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (có một thời trước đây thuộc xã Đô Lương, nay thuộc xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho nghèo họ Vũ, có gốc xưa từ đời nhà Trần, từ làng Mộ Trạch di cư đến La Mạt, đến đời ông đã 6 thế hệ. Ông sinh năm Giáp Ngọ (1534) đời vua Mạc Thái Tông Đăng Doanh, niên hiệu Đại Chính thứ 5. Thuở trẻ nổi tiếng thông minh, học giỏi, hay chữ. Hơn 20 tuổi đã đỗ Hương Cống và lận đận đến 35 tuổi mới thi đỗ Đệ Nhất Giáp Tiến sĩ cập Đệ Đệ Tam Danh, tức Thám Hoa. Nhưng khoa thi này (1568) Mậu Thìn, đời vua Mạc Mậu Hợp, niên hiệu Sùng Khang 3 không lập Trạng và Bảng nhãn. Khoa này Chánh chủ khảo là Trạng nguyên Giáp Hải duyệt xét, có sự tham vấn quan Trạng Trình đang làm Thượng Thư Bộ Lễ. Nên lấy ông đỗ đầu khoa này gồm 17 Tiến sĩ ba cấp, mà ông là Thủ khoa. Đường công danh làm quan của ông chỉ làm đến chức Đông Các Hiệu Thư, chuyên về soạn các công văn triều đình như Chế, Chiếu, Biểu. Chức quan đó không là lớn và vài năm sau ông mất, thọ hơn 50 tuổi, không rõ về con, cháu ông.

 

  2- Hoàng Giáp Tiến sĩ: VŨ THANH (                          ).

 

  Quê quán ở làng La Mạt, huyện Đường Hào, trấn Hải Dương. Cùng làng với ông Thám Hoa VŨ HỮU CHÍNH. Chắc chắn có huyết thống với nhau xa gần nào đó? Tuổi ông Vũ Thanh chỉ kém ông “Thám Chính” có 7 tuổi (1534-1546). Ông Vũ Thanh sinh năm Tân Sửu (1541) đời vua Mạc Hiến Tông Phúc Hải (1541-1546).

 

  Tuy ông học giỏi có tiếng, nhưng thi cử lận đận mãi! Khoảng hơn 30 tuổi mới đỗ Hương Cống và đến năm 43 tuổi (1583) năm Quý Mùi, ông đỗ Hoàng Giáp (Nhị Giáp)  Tiến sĩ thứ 5/18 người đăng khoa thời vua Mạc Mậu Hợp. Ông ra làm quan đến chức Tham Chính. Sau khi Trịnh Tùng ra Bắc đánh tan Nhà Mạc năm 1593, đã kêu gọi các quan nhà Mạc ra hợp tác quy thuận Nhà Lê Trung Hưng. Ông đã ra làm quan cho thời Lê-Trịnh trong khoảng 10 năm (1593-1604). Không rõ được chức tước, thọ hơn 60 tuổi. Ông sống trước ông Thám Hoa Vũ Thạnh (1685) khoảng 120 năm ở làng Đan Loan gần đó (La Mạt). Do chữ Quốc ngữ viết tên hai ông chỉ khác có một dấu chấm. Nên có người thời nay dễ bị nhầm 2 ông khoa bảng này.

 

  Như vậy, xét ngọn nguồn ra mới hiểu, vì hai ông đại khoa họ Vũ ở làng La Mạt đỗ và làm quan cho nhà Mạc. Nên về sau, thời Hậu Lê, con cháu và hậu duệ bị kỳ thị, trù dập, không cho thi cử và làm quan, nên  họ Vũ ở làng đó suy mạt về công danh là như thế. Cứ xem làng Mộ Trạch có hai ông Tiến sĩ nhà Mạc là cụ Vũ Tĩnh (1562) và cụ Vũ Đường (1565) con cháu phải bỏ làng, di cư nơi khác sinh sống. Trong sách phả “MỘ TRẠCH VŨ TỘC THẾ HỆ SỰ TÍCH” soạn năm 1769, không chép về chi phái của Tiến sĩ Vũ Đường thuộc hệ nào được, vì con cháu đã đi xa cả rồi. Làng La Mạt sau thời Mạc cũng thế! Nên chi họ Vũ (Hữu) ở La Mát nay chưa chắc là hậu duệ của cụ Thám Hoa Vũ Hữu Chính thời Mạc? Vì con cháu gì mà không biết đến một ông tổ lừng danh như thế? Vả lại, nếu tính từ cụ Thám Hoa đến nay phải gần 20 đời, mà chi Vũ (Hữu) ở đó chỉ có 12-13 đời!

 

  Tôi còn hẹn ông Chính, có dịp nào nữa, đến làng Trương Xá, huyện Đường Hào, Hải Dương (cũ), dưới triều vua Tự Đức, khoa thi Canh Tuất (1850) có ông Giải Nguyên trường thi Nam Định, cũng tên là Vũ Hữu Chính như ở La Mạt xưa. Họ Vũ ở làng Trương Xá có nhiều Nho sĩ, anh em ông Thủ khoa này đậu Cử nhân hạng cao.

                                                                                                                       Bài:  Vũ Hiệp (14/11/2011)

   Ảnh: Vũ Hữu Chính

 

Người đăng: admin