NHỚ VỀ XỨ HUẾ VÀ BÀ CON HỌ VŨ - VÕ
Cách đây gần một năm, nhóm đại diện Hội đồng Vũ-Võ TP.Hồ Chí Minh, gồm ông: Đại tá Võ Văn Hiến, Phó Chủ tịch (79 tuổi), ông Đặng Vũ Bổng (85 tuổi), ông Vũ Hiệp (72 tuổi) và ông Vũ Hữu Chính (62 tuổi) cùng ra “xứ mưa nhiều và lạnh rét” mùa đông Tân Mão (31-12-2011) để dự Đại hội Dòng họ Vũ-Võ Thừa Thiên -Huế, tại một Nhà văn hóa bên bờ sông Hương thơ mộng.
Ban tổ chức và cá nhân ông Võ Văn Thành rất chu đáo đón tiếp đại biểu từ các nơi về dự đại hội. Đúng là những ngày đêm mưa lạnh đáng nhớ cho các vị cao niên từ phía Nam ra. Trời lạnh đến nỗi ông trưởng đoàn Hà Nội và Trung ương đã nói: “Sáng nay lạnh quá, lạnh hơn Hà Nội đấy”. Chúng tôi được hưởng một “Tết Tây” ở Huế nhiều thú vị, đặc biệt đi tham quan hai Từ đường Vũ tộc tiêu biểu của Thừa Thiên-Huế. Đó là Từ đường dòng họ Võ ở làng Thần Phù và làng An Nông.
Nếu trời chiều ngày họp Đại hội (31-12-2011) không mưa lạnh thì Ban tổ chức sẽ đưa tiếp đến bốn năm Từ đường Võ tộc khác ở các làng An Ninh Hạ, Thai Dương, Nam Phổ, Vân Quật Đông, Cao Đôi Xá. Nhưng vì trời tối sớm, đường vào các làng nói trên lầy lội, khó đi nên đành phải quay về TP. Huế.
Từ lâu, (1990- 2011) tôi đã rất quan tâm đến các dòng họ Võ có khoa bảng và hiển đạt ở Thừa Thiên- Thuận Hóa mà sử sách cũ có nhắc đến. Chúng tôi rất ao ước được ra “Xứ Huế” để khảo cứu về các chi họ Võ ở làng Thần Phù, làng La Khê, làng Niêm Phò, làng Trúc lâm, làng Minh An Nông, làng An Ninh Hạ, là sáu làng cổ ở Thừa Thiên có 9 vị đã đậu Cử nhân, Phó Bảng, Tiến sĩ triều Nguyễn (1807-1918). Còn 2 ông cử Võ Văn Thuật (1891), Võ Bá Hạp (1900) quê ở làng Dưỡng Mông và Dương Xuân đều đậu Cử nhân, không làm quan, ít hiển đạt. Cộng lại có 11 vị họ Võ có khoa bảng ở Thừa Thiên.
Nhưng, riêng ở làng Thần Phủ (nay thuộc phường Thuỷ Châu, thị xã Hương Thuỷ, gần phi trường Nội Bài) đã có đến 4 ông cử nhân hiển danh. Chuyến đi Huế cuối năm 2011, tôi may mắn và toại lòng khi được đến tham quan, chiêm bái Từ đường Võ tộc ở Thần Phù. Đây là một nhà thờ cổ kính và trang nhã ở quanh vùng Huế. Một ông họ Võ đã cho chúng tôi biết thêm: Thời các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong (1600-1775) ở làng này có một danh nhân là Võ Phi Thừa, coi như Thủy Tổ dòng họ Võ ở làng Thần Phù, khai canh, khai cư ra làng này, lập nên dòng Vũ tộc ở đây từ thế kỷ 16-17. Tuy nhiên, các ông họ Võ ờ làng Thần Phù này cũng không biết ngài Võ Phi Thừa là ai. Chỉ biết cổ phả nhắc tên ngài là một bậc “mở đầu dòng họ Võ”, có công lập ra làng Thần Phù cùng với 5 họ chính, sau này mới có 36 họ tộc khác từ các nơi đến.
Sách Đại Nam Liệt chuyện tiền biên do Quốc sử giám triều Nguyễn soạn từ năm Tự Đức 5, Nhâm Tí (1852), có chép về tiểu chuyện ngài Võ Phi Thừa như sau: “Không rõ quê quán cũ ở đâu. Đời Thái Tông (Nguyễn Phúc Tần 1648-1687, tức chúa Hiền) ông làm chức Ký Lục (một chức lớn như chức Bố Chánh một tỉnh thời các vua Nguyễn thế kỷ 19- TG). Võ Phi Thừa thấy dân gian hay chiếm ruộng lậu, không nộp tô thuế. Ông bèn tâu với chúa Hiền :”Quân sự và tài chính là việc lớn của Quốc gia. Kho tàng đầy thì của cải đủ dùng, mà của đủ dùng thì binh lực mạnh lên. Nay xin chúa sai các quan đi đo đạc những đất cày cấy được, bắt nộp thuế lệ, để giúp cho nhà nước tiêu dùng. Thế là nhà
-2-
nông làm ra lúa gạo để nuôi binh lính đem sức ra bảo vệ nghề nông và đất nước, là phép tắc đời xưa đã có vậy. Chúa Hiền nghe theo. Từ đó, việc dân tranh chiếm ruộng đất yên ổn và có kỷ cương. Mùa hạ năm Nhâm Tí (1672), quân của chúa Trịnh vào đánh cướp Đàng Trong lần cuối. Chúa sai Hoàng tử Nguyễn Phúc Hiệp làm nguyên soái. Chúa Hiền cử Võ Phi Thừa làm chức Tham mưu sự vụ cơ mật. Ông đã bày ra nhiều mưu kế hay giúp cho Nguyên soái Hiệp thắng lợi. Sau đó vài năm, ông được phong chức Nha uý suất lệnh sử ty (như tư lệnh ban hành quân). Sau khi ông chết, được truy tặng chức Tham Nghị (cố vấn cho Chúa) không rõ năm nào?” (quyển 5).
Nhưng theo sự tìm hiểu, ờ làng Thần Phù này có 2 chi phái họ Võ khác nhau. Chi họ ngài Võ Phi Thừa có thể là một chi lớn. Thời Nguyễn có ông Võ Đức Tân, cử nhân khoa Mâu Thìn (1868) làm chức Tư Vụ, Thừa Chỉ trong Sử bộ sang tiến cống Nhà Thanh năm 1874. Có lẽ là cháu xa đời ông? Còn nghành của ba cha con ông cử nhân Võ Khoa (tổ 1852) làm đến chức Tổng đốc lãnh Tuần phủ Hà Tĩnh, rồi về hưu. Hai con của ông là Võ Liêm (1894) đậu cử nhân lúc 22 tuổi, thứ 5/33. Sau làm quan Tổng đốc Bình Phú. Anh của ông là Võ Thái (đỗ 1906), 39 tuổi mới đậu. Sau làm quan Chưởng Ấn và Tuần Phủ. Cháu nội cụ Võ Khoa là ông Võ Chuẩn, làm võ quan Thống chế, thượng thư bộ binh triều Khải Định (1916-1025). Chắt cụ Khoa là ông Võ Sum, nhân sĩ thời Bảo Đại và em gái là nhà văn Võ Hoài Trinh. Cháu 5 đời là tiến sĩ Võ Tá Hân (nhà tài chính, nhạc sĩ ở Singapore gần đây), cùng nhiều anh chị em đã đỗ bằng cao ở Pháp, Mỹ... Dòng này gốc từ “họ Thạch Hà thế tướng Võ Tá đại tộc ở Hà Tĩnh di cư vào Thần Phù khoảng năm 1700? Không là con cháu ngài Võ Phi Thừa, làng Thần Phù xa xưa ở Tổng Cao Lộc, huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa, chứ không phải ở Hà Tĩnh, di cư vào Thuận Hóa (không như ông Võ Trọng Thưởng đã viết sai). Tôi đã ghi chép các bức hoành phi, các câu đối chữ Hán ở từ đường Võ tộc này để làm tư liệu.
Còn nhà thờ họ Võ ở làng An Nông (tên Cũ Minh Nông, vì tránh huý vua Hàm Nghi, nên đổi ra An Nông năm 1885), xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, phủ Triệu Phong, Hóa Châu. Chúng tôi đã có một bản sao gia phả dòng “Võ Đại” bằng chữ Hán xưa, do ông Võ Đại Mau (một hậu duệ tặng cho cụ Vũ Đình Triều). Dòng họ này là con cháu ngài Chánh Đề đốc, Đạt lễ hầu Võ Đại Nho, sống đời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687). Ngài Võ Đại Nho là đời thứ 8, sống cách nay 400 năm, là cháu 4 đời cụ Tổ Võ Tộ, gốc ở làng Am Khê, huyện Lôi Dương, phủ Thọ Xương, xứ Thanh Hoa, đời nhà Trần-Hồ. Năm 1402, vua Hồ Hán Thương đem quân chinh phạt Chiêm Thành, có cụ sơ Tổ tên là Võ Thế Trung, huý; Lão, sau đổi là Võ Thời Trung, sinh năm Kỷ Mùi (1379) đời vua Trần Thuận Tông. Sau một thời làm quan, ngài bỏ về Thanh Hoa ẩn dật, đến năm Nhâm Ngọ (1402) cụ và con cháu vào sống ở Châu Ô (Thuận Hóa), không rõ tên thôn xã, huyện nào. Đến nay đã xa hơn 600 năm, không truy tìm được nữa. Thấy gia phả cổ chép có một người em ngài là tên là Võ Di. Ngài mất năm Tân Tỵ (1461), thọ 82 tuổi, mộ phần không rõ. Cháu 4 đời của ngài là Võ Tộ (1501), cùng vợ, 4 con di vào Châu Hóa, thôn cổ Nông Thượng, xứ Minh Nông lập nghiệp cùng một cụ tổ họ Nguyễn lập ra làng này đã trên 500 năm. Xem trong gia phả Võ đại tộc thấy họ này, thời Nguyễn Đồng Khánh, năm Đinh Hợi (1887) có một ông đậu cử nhân thứ 21/ 29, tên là Vũ Xuân Phán, không rõ làm chức gì. Đây là người duy nhất có cử nhân nho học. Còn võ quan thì có ngài cháu Đề
-3-
Đốc, Đạt Lễ hầu Võ Đại Nho sống khoảng đời chua Hiền. Ngài đánh trận bị thương nặng, năm 1657 và đã mất ngay sau đó, thọ 38 tuổi (1620- 1657), được phong thần, thờ ở miếu
thờ sát quốc lộ 1 ngày nay. Đến đời Gia Long (1802-1819), ngài được “Bao phong” làm Phúc Thần, được sắc phong là Dực Bảo Trung Hưng Linh phò tôn Thần. Sau vua Tự Đức gia tặng Đoan Trúc Đôn Ngân thượng đẳng Thần. Từ năm 1948 đến nay (2010), dòng họ Võ Đại đã phát triển đông vài ngàn nhân khẩu, đã di cư sống ở các tỉnh thành trong cả nước và nước ngoài. Có nhiều người thành đạt.
Vì trời mưa lạnh, chúng tôi không đến được làng Trúc Lâm, nơi có vị tiến sĩ họ Võ duy nhất ở Thừa Thiên: Ngài Võ Nhị Cát, đỗ năm 1918, đời Duy Tân 7 (Quý Sửu). Ông Vũ Hữu Chính và tôi thuê xe gắn máy chở nhau trong mưa gió, đi lên làng “Bàu Đoong” tên chữ là Triều Sơn Trung, ở cách phía Tây bắc TP Huế khoảng 13 km, thuộc huyện Hương Trà. Đây là một làng quê chơ vơ 3 thôn ở giữa cánh đồng, giáp đồi núi bát ngát. Là quê hương của ông Võ Quang Phúc (80 tuổi), Chủ Tịch hội đồng Dòng họ Vũ-Võ Phương Nam. Chúng tôi vào làng, hỏi thăm từ đường họ Võ thì gặp được một ông họ Võ hơn 75 tuổi, có bà con với ông Phúc. Ông cụ đưa chúng tôi ra sau làng thăm mộ Tổ họ Võ để thắp nhang và tham quan. Cảnh quan làng hoang vắng, buồn tẻ.
Sau đó chúng tôi hỏi thăm đến làng Niêm Phò ở huyện Quảng Điền để thăm từ đường họ Võ của ngài Phó bảng duy nhất của họ này là cụ Võ Sĩ (+), làm quan tri huyện, tri phủ cuối thế kỷ 19. Cụ đậu cử nhân khoa Mậu Tý (1888) và Phó bảng năm sau, lúc đã 41tuổi. Cảnh quan làng đẹp, tiếc là trời mưa to, từ đường Võ tộc đóng cửa không vào được để nghiên cứu. Làng Niêm Phò , dưới triều Nguyễn là một làng nổi tiếng.
Tóm lại, Đại hội họ Vũ-Võ ở Thừa Thiên- Huế tổ chức tương đối tốt và chu đáo. Chuyến du khảo của chúng tôi thật đáng nhớ mãi, vừa vất vã, vừa thích thú.
TP.Hồ Chí Minh, 01-12-2012.
Bài: Vũ Hiệp
Ảnh: Vũ Hữu Chính