Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 375
Truy cập hôm nay: 3,678
Lượt truy cập: 11,628,760
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Đền diện thời Võ Văn Khiết - Huyện đảo Lý Sơn

VÕ VĂN KHIẾT- CHÙM BÀI VỀ MỘ GIÓ
VÀ ĐỀN THỜ VÕ VĂN KHIẾT

 

XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ
TẠI HUYỆN ĐẢO LÝ SƠN

Tiếp theo các di tích lịch sử ở huyện Sơn Tịnh là Trường Trung học Rừng Xanh tại xã Tịnh Hà, căn cứ Núi Đá Ngựa tại xã Tịnh Bình và địa điểm vụ thảm sát An Nhơn, xã Tịnh An, trong tháng 01 năm 2006 này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đã quyết định xếp hạng các di tích lịch sử văn hoá tại huyện đảo Lý Sơn, bao gồm: Lân Chánh, mộ và đền thờ Võ Văn Khiết, nhà thờ Phạm Quang Ảnh tại xã An Vĩnh; dinh Tam Toà và đền thờ Thiên Y A Na tại xã An Hải. 

 

Để bảo vệ di tích này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực bảo vệ của di tích đã khoanh vùng; trường hợp đặc biệt sử dụng đất ở di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh phải được phép của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Theo website:quangngai.gov.vn

 

MỘ GIÓ

TTCN - Những nấm mộ hoang, im lìm trên cát cháy, ngả bóng dài trong ánh chiều vàng vọt… Người ngư dân trẻ vái lạy bãi tha ma rồi dõi mắt ra đại dương. Trên đầu sóng ngọn gió, bao lớp người đã đi mà không trở về. Bí ẩn của những bãi tha ma bên triền biển kia là hàng hàng mộ gió nhưng không có hài cốt con người bên dưới. Đó là câu chuyện bi hùng trải dài theo lịch sử của con người trước biển...

Tôi ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) mùa biển động. Cảm giác say sóng vật vã. Cụ già hốc hác ngồi bên cạnh tôi mắt nhắm nghiền, tay khư khư ôm chặt tấm di ảnh người con trai 30 tuổi, một thủy thủ vừa mới bị bão tố nhấn chìm. Cụ lặn lội ra đảo để nhờ người hướng dẫn làm một nấm mộ gió cho con. “Ngần này tuổi đầu, tôi

chỉ có một đứa con duy nhất. Tôi không nỡ sinh nó ra trong trời đất, rồi lại để nó đi không một dấu vết gì!”. Và đó cũng là lý giải sự ra đời của mộ gió.

Quá khứ

Những ngày ở Lý Sơn,  tôi đã được người dân đảo dẫn đi thăm nhiều bãi mộ gió cô. Gần bờ biển ngày đêm rì rào sóng vỗ, nấm mộ gió của cai đội Phạm Quang Ảnh và lính hải đội Hoàng Sa từ thời vua Gia Long vẫn còn lại với thời gian. Ngày xưa, các chiến binh của biển này đã theo lệnh vua ra đi bảo vệ chủ quyền biển và tìm sản vật nhưng không trở về được. Người thân ở nhà gạt nước mắt, làm đám tang theo nghi lễ chiêu hồn và an táng tượng trưng trong mộ gió để vong linh họ có thể an nghỉ nơi quê nhà.

Trong bóng chiều chập choạng, nấm đất dài khoảng 2m, ngang hơn 6m lơ thơ cỏ hoang nằm lọt thỏm phía sau ngôi miếu cổ An Hòa. Người địa phương kể trước đây đó là mười nấm mộ rời, quay đầu cùng phía, sau này được vun lại thành một nấm mồ chung. Ngoài phần mộ của Phạm Quang Ảnh và binh lính, còn có mộ gió của ông Võ Văn Khiết, cũng là một cai đội Hoàng Sa xưa, được người dân thôn Tây, Lý Sơn xem như Thành hoàng và tương truyền đã được phong Thượng đẳng thần. Tộc họ hai ông vẫn làm nhà thờ cúng tôn nghiêm đến tận ngày nay.

Lý Sơn là hải đảo tập trung nhiều mộ gió nhất  miền Trung. Ngày xưa, đây là nơi ra đi không trở về của nhiều chuyến thuyền thuộc hải đội Hoàng Sa. Hải đội này có nhiệm vụ trấn giữ biển Đông và tìm kiếm sản vật. Đội này mỗi năm lại được bổ sung cho đủ 70 suất lính, đến tháng ba giong thuyền buồm khoảng ba ngày ba đêm ra khu vực Hoàng Sa để đo đạc thủy trình và tìm kiếm các sản vật quí của biển. Khi đi, họ mang theo lương thực và nước uống đủ dùng trong sáu tháng. Mỗi người lính được cấp phát một tấm chiếu, bảy đòn nẹp tre, bảy dây mây buộc và thẻ bài ghi rõ danh tánh, bản quán, phiên hiệu. Nếu có chết thì đồng đội lấy chiếu bó, tre nẹp, dây mây buộc xác lại để thả xuống biển. Người ta tin rằng hồn sẽ tìm về nhà, xác thân sẽ trôi về đảo.

Phương tiện hải hành lúc bấy giờ chỉ là ghe bầu mỏng manh. Do sóng to gió lớn, lại thường xuyên gặp giặc biển, nhiều chuyến thuyền đã mãi mãi ra đi không một người trở về. Xác thân cũng không còn. Mỗi năm đến tháng hai âm lịch, người ta tổ chức lễ khao lề, tế lính Hoàng Sa kéo dài suốt mấy ngày với thuyền cúng, cờ, linh vị, và các hình nhân bằng bẹ chuối, bột gạo, rơm rạ hoặc giấy điều.

Trong thuyền có đủ cả: củi, muối, gạo, khô mắm - những thứ mà người lính Hoàng Sa thường mang theo trong chuyến đi biển. Sau đó, thuyền được đưa ra khơi cho trôi tự do trên biển Đông.

Riêng các gia đình có người chết mất xác trên biển còn tiến hành một lễ chiêu hồn khác để người thân được một nấm mộ như bình thường. Thi hài thật được thay bằng một tượng đất sét. Lịch sử xuất hiện mộ gió bắt đầu từ đó. Về sau, mộ cũng được làm nơi yên nghỉ vong linh của ngư dân, khách đi biển gặp bão tố, không tìm được thi hài...

Người chết trở về

Tìm đến nhà người đã tiến hành nhiều lễ an táng mộ gió trên đảo này. Tôi gặp ông Võ Toại, 66 tuổi, mới từ một đám tang trở về. Từng là chủ tế hàng trăm lễ an táng mộ gió. Ông cho biết để thay thi hài người mất, ông lên miệng núi lửa trên đảo moi đất sét về và theo mô tả của gia đình người chết, ông nắn thành hình nhân. Đàn ông thì có bảy nhánh xương sườn, đàn bà thì có chín nhánh. Kích thước hình nhân bằng kích thước người chết, được mặc đồ liệm giống như người thật...

Trong ký ức của ông Toại, sau những trận bão lớn, có khi phải làm lễ an táng một lúc cho cả chục ngư dân ra đi không trở về. Người ta dựng trại lớn bên triền biển, xắp dãy cả chục quan tài bên dưới, khói nhang nghi ngút cả vùng. Các hình nhân nắn xong được đặt nằm cạnh nhau với những linh vị úp trên mặt.

Xong phần chiêu hồn, mọi người tin rằng người chết mất xác đã trở về, vong hồn an nghỉ dưới nấm mộ gió.

Ở Lý Sơn đến bãi tha ma nào cũng thấy mộ gió. Thậm chí vì đất chật, người ta còn đắp mộ cả trong vườn tỏi, góc sân nhà. Hàng hàng lớp lớp mộ cũ xen lẫn mộ mới. Đảo giữa đại dương nên hầu hết mộ gió được đắp bằng cát biển.

Chiều cuối cùng ở Lý Sơn, tôi được một gia đình mời dự đám giỗ. Những người con trai tuổi 20 tưới rượu trắng lên nấm mồ không có thi hài cha để cầu vong hồn ông phù hộ cho những chuyến đi biển...

Bài và ảnh QUỐC VIỆT

Theo website:tuoitre.com.vn

THEO DẤU VẾT "ĐỘI HOÀNG SA - TRƯỜNG SA"

Ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) rất nhiều lần nhưng lần nào cũng bị cây tỏi, cây hành nó "hành" nên tôi quên mất rằng, ngay tại hòn đảo xinh đẹp này, từ mấy trăm năm trước đã là nơi xuất phát của một đội quân, gọi là "Đội Hoàng Sa - Trường Sa" để bảo vệ vùng lãnh hải thân yêu của Tổ quốc. Ngày 20 tháng 2 âm lịch (10-3-2004) vừa rồi, tình cờ đi ngang qua nhà thờ họ Võ ở thôn Đông xã An Vĩnh - Lý Sơn, nghe vọng một câu ca, tôi mới vỡ lẽ bao điều.

 

Câu ca ấy được cất lên từ một người mẹ trẻ - điều hiếm thấy ở những vùng quê khác. Bây giờ các bà mẹ trẻ thường hát nhạc pop, nhạc rock chứ mấy khi hát ru. Hát rằng:

Hoàng Sa trời nước mênh mông

 Người đi thì có mà không thấy về

 Hoàng Sa mây nước bốn bề

 Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa.

Giọng ca buồn như một góc biển đảo lúc hoàng hôn. Nếu chỉ nghe 3 câu đầu, người ta dễ lầm tưởng rằng người đàn bà ấy đang ký thác một lời an ủi đến những người đàn ông xấu số đang đánh cá ngoài quần đảo Hoàng Sa chẳng may bị tử nạn. Nhưng nghe đến câu thứ 4, ý nghĩa của bài ca đã khác đi rồi. "Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa". Tôi định thắc mắc về câu hát này thì anh Nguyễn Đăng Vũ, Chủ tịch Hội nhà báo Quảng Ngãi, vỗ vào vai: "Im lặng! Sẽ được nghe tiếp hàng chục câu như thế!". Thoáng thấy chúng tôi, người mẹ trẻ ngừng hát. Nguyễn Đăng Vũ vừa bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ với đề tài văn hóa miền biển hồi cuối năm ngoái ở Hà Nội nên anh không lạ gì các bài hát này. Và anh đã vô tình thành cái "phao" để tôi bám víu nhằm lý giải ngọn nguồn của bài ca.

* Nơi xuất phát của đội Hoàng Sa

Trong các sách cổ như Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Hoàng Việt dư địa chí của Phan Huy Chú hoặc Đại Nam nhất thống chí… đều viết khá rõ về đội quân làm nhiệm vụ canh giữ vùng lãnh hải duy nhất ở phía nam này. Lúc làm Hiệp trấn Thuận Hóa (1776), Lê Quý Đôn đề cập đến đội Hoàng Sa như sau: "Trước Họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu tư mà ra biển, 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy (…) Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo đến thành Phú Xuân để nộp (các sản vật lấy được từ Hoàng Sa), cân và định hạng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm rồi lĩnh bằng trở về". "Lĩnh bằng" ở đây có thể hiểu như là "huân, huy chương" hoặc "giấy chứng nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự" như ngày nay.

Ngay từ lúc trấn nhậm phương Nam, Chúa Nguyễn đã ý thức rằng, Hoàng Sa không chỉ là nơi có nhiều loại báu vật mà còn là cửa ngõ có tính chiến lược để trấn giữ phần đất liền. Do Hoàng Sa là hòn đảo quá khắc nghiệt nên con người chỉ có thể ở được vào những tháng mùa hè. Vì vậy, hàng năm, cứ sau Tết âm lịch, những trai tráng khỏe nhất trong vùng Sa Kỳ (sau này chủ yếu là dân đảo Lý Sơn khi hòn đảo này tách thành 2 xã riêng biệt dưới thời Gia Long), lại lên đường ra Hoàng Sa. Ở cửa biển Sa Kỳ cũng như hai làng An Vĩnh, An Hải trên đảo Lý Sơn còn lưu giữ nhiều di tích liên quan đến những cuộc ra đi của đội Hoàng Sa cách đây đã trên 300 năm. Một Vườn Đồn - nơi đội Hoàng Sa đóng doanh trại, một miếu Hoàng Sa rồi đình làng An Vĩnh (Tịnh Kỳ) - những nơi mà đội quân làm lễ tế thần trước khi lên đường vẫn còn đó dấu vết của một thời.

Đó là các di tích trong đất liền, riêng trên đảo Lý Sơn, các dấu tích về đội quân này vẫn còn khá đậm đặc ở hầu khắp xã An Vĩnh: Âm linh tự - nơi có đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong, các miếu thờ một số cai đội từng dẫn quân ra Hoàng Sa, rồi khu mộ gió - nơi người dân trên đảo xây các ngôi mộ giả để tưởng nhớ những người lính "một đi không trở lại". Sở dĩ các chúa Nguyễn trước đây và sau này là nhà Nguyễn chọn Sa Kỳ rồi đảo Lý Sơn làm nơi xuất phát của đội "thủy quân" này có lẽ đây là nơi ra Hoàng Sa (sau này có thêm Trường Sa) được thuận lợi hơn cả. Trai tráng của vùng đất này lại là những tay từng trải sóng gió, có kinh nghiệm trận mạc. Họ đã ra đi, nhiều người trong số ấy đã không trở lại. Lưu giữ hình ảnh của các cuộc ra đi với chiều dài suốt mấy trăm năm ấy không chỉ là các di tích còn lại như đã nói mà người dân trên đảo đã tạc vào lòng mình hình bóng của những chàng "Kinh Kha" qua hàng loạt các nghi lễ cùng những bài ca. Những nghi lễ ấy, những bài ca ấy, mỗi khi cất lên, người ta thấy cả một sự hy sinh lớn lao của những người lính đã xả thân mình cho bờ cõi của Tổ quốc được bình yên trọn vẹn. Cho đến nay, chưa có một sử sách nào xác định rõ ngày tháng thành lập của đội quân này, chỉ biết rằng, từ khi biên giới của nước ta mở về vùng đất phương nam thì cũng là lúc đội Hoàng Sa được thành lập. Đội quân này đã tồn tại xuyên suốt cuộc hành trình mở đất và giữ nước của cha ông từ thời Chúa Nguyễn đến thời nhà Nguyễn và có lẽ chấm dứt khi thực dân Pháp xâm lược nước ta.

* Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa

Cứ vào khoảng nửa cuối tháng 2 âm lịch hàng năm, là lúc các đợt gió mùa đông bắc bắt đầu thưa dần trên biển Đông, các tộc họ trên đảo Lý Sơn tiến hành các nghi lễ, gọi là "lễ khao lề thế lính Hoàng Sa" hoặc "tế lính Hoàng Sa". Nếu là "tế lính" thì buổi lễ chỉ có phần "tế". Đây là sự tưởng vọng của con cháu đối với các thế hệ cha ông trong dòng tộc đã hy sinh ngoài đảo Hoàng Sa (sau này có thêm Trường Sa trong "Đội Bắc Hải) trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Còn "thế lính" thì mang tính quy mô hơn. Lễ diễn ra trong 3 ngày, có mời cả thầy pháp về điều hành buổi lễ. Những hình nhân thế mạng làm bằng rơm hoặc bột gạo, những chiếc thuyền tượng trưng được kết bằng bè chuối được thả xuống biển. Bao nhiêu thuyền cùng số lính ra đi là bấy nhiêu thuyền giấy và hình nhân thế mạng.

Ông Nguyễn Tịnh ở thôn Đông, An Vĩnh, có 5 đời trong họ tộc làm nghề thầy pháp, lý giải về các vật "thế lính" cùng hành trang của người lính khi đi Hoàng Sa như sau: "Thời cha ông mình đi Hoàng Sa - Trường Sa bằng thuyền chèo hoặc dùng buồm nên chuyện chết giữa biển vẫn thường xảy ra. Hành trang của mỗi người lính (thường là con thứ, con cả không phải đi lính) mang theo, ngoài lương thảo đủ ăn trong 6 tháng còn có một đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi mây cùng chiếc thẻ bài có ghi tên tuổi, quê quán. Những vật tùy thân này dùng để bó xác những người lính chẳng may chết giữa biển. Họ hy vọng, xác của những người lính xấu số ấy dạt vào bờ thì còn biết danh tính và quê quán.

Chính vì chuyện chết sống quá tơ tóc như vậy nên những người ở lại mới "bày" ra việc "thế lính" bằng các con thuyền giấy và những hình nhân này. Thầy pháp có nhiệm vụ "yểm" vào đó. Những người lính ra đi sẽ thanh thản hơn vì nghĩ rằng thuyền mình, con người mình đã được thế mạng. Cũng là biện pháp tâm lý thế thôi, chứ có mấy người quay trở lại". Những bài văn tế khá não ruột vẫn được cử hành trong các buổi lễ "tế lính", nghe đến tái lòng. Khu mộ gió hiện vẫn còn trên đảo Lý Sơn đã nói với người đời sau rằng, những người lính đi Hoàng Sa - Trường Sa ngày trước vẫn còn hiện hữu trong đời sống của cả cộng đồng trên đất đảo.

Lý Sơn đất chật người đông, thế mà người dân vẫn dành riêng một khu mộ gió (không có xác người ở dưới) cho những người lính thuộc đội Hoàng Sa, đủ biết sự tưởng vọng ấy thiêng liêng biết nhường nào! Những cái tên cai đội như Phạm Hữu Nhật, Võ Văn Khiết, Nguyễn Quang Tám - có người bỏ mạng ngoài đảo Hoàng Sa, có người may mắn trở lại - đã trở thành các "tượng đài" của người dân trên đảo Lý Sơn. Những chức tước, phẩm hàm mà triều đình ban tặng từng được con cháu trong tộc họ gìn giữ và cũng đã bị thất lạc theo thời gian. Nhưng tên tuổi của họ cùng danh tiếng của đội quân được mệnh danh là "hùng binh Hoàng Sa" thì được người dân trên đảo ký gửi vào những bài ca được lưu truyền hết đời này sang đời khác. Bởi chính những bậc tiền hiền ấy đã đặt những cột mốc đầu tiên, khẳng định chủ quyền của nước ta từ 300-400 năm trước. Họ đã hóa thân thành bài ca và những cột mốc biên cương từ thuở nào rồi.

Trần Đăng

Người đăng: admin