Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 393
Truy cập hôm nay: 9,578
Lượt truy cập: 11,647,276
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Tình cảm của những người con trong đồng tộc luôn hướng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tình cảm của những người con trong đồng tộc luôn hướng về

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Kể từ khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, không ít người dân đất Việt, kể cả ở trong nước và nước ngoài, người nước ngoài tại Việt Nam, bạn bè quốc tế. Đặc biệt là con cháu trong dòng họ Vũ - Võ toàn quốc vẫn chưa hết bàng hoàng, đau đớn trước sự mất mát to lớn này…Có thể dễ dàng nhận thấy từ những người công nhân, các bạn học sinh, sinh viên, cho đến những người dân lao động, các bác chạy xe ôm... có những người may mắn được gặp vị Đại tướng kính yêu ở ngoài đời, nhưng phần lớn trong số họ mới chỉ biết đến Người qua sách, báo, truyền hình, những câu chuyện của người trước kể lại. Nhưng một điều dễ nhận ra nhất là khi nhắc đến vị Đại tướng kính yêu của cả dân tộc thì mới thấy rằng tình cảm của nhân dân luôn hướng về Đại tướng một cách thân thiết, trân trọng với lòng thành kính sâu sắc.

Dẫu biết rằng sinh tử là quy luật của muôn đời, khi đã ngoài trăm tuổi đã là người của trời đất, nhưng lúc nhận được tin Đại tướng về với tiên tổ; tôi và tất cả các anh, chị em, bà, con, cô, bác trong dòng họ Vũ - Võ Việt Nam đều không khỏi bàng hoàng, nghẹn ngào…Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi, đất nước ta, dân tộc ta và thế giới mất đi một vị tướng tài, vị tướng danh tiếng lừng lẫy thế giới, một nhà giáo, một nhà văn hóa lớn…

Từng là người có may mắn được gặp gỡ, nhìn thấy Đại tướng ngoài đời, ấn tượng của tôi về vị Tổng Tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam là người rất vui tính, đôn hậu, chân thành giản dị. Bản thân tôi cũng từng có những kỷ niệm không thể nào quên đối với Đại tướng: “Năm 1995 khi tôi còn đang học năm thứ nhất tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bác Võ Nguyên Giáp lúc đó, với cương vị là Chủ tịch Danh dự Hội sử học Việt Nam đã về thăm, làm việc với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Khoa Lịch sử  (1955-1995) cùng Giáo sư Đặng Bích Hà phu nhân Đại tướng (con gái của cố Giáo sư Đặng Thai Mai, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Khi được mời lên phát biểu, Đại tướng chỉ nói vo, không cần đọc văn bản đã chuẩn bị sẵn. Ông có nói về niềm tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam, cũng như trách nhiệm của chúng ta phải giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc cho thế hệ mai sau; về nhiệm vụ của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong việc đào tạo, bồi dưỡng những nhà giáo dục, nhà khoa học trong tương lai… Với giọng Quảng Bình trầm ấm, trong khi Đại tướng phát biểu tôi còn nhớ rõ ông hỏi về phía dưới Hội trường lớn Đại học Sư phạm “Tôi nói các anh (chị) có nghe rõ không”

Cũng nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Khoa Lịch sử, Hội trường lúc đó có hàng nghìn người là sinh viên, cựu sinh viên, khách mời, lâu ngày gặp nhau nên hơi ồn ào…Đại tướng nhắc khẽ: “Tôi nói chuyện đề nghị các đồng chí phải tôn trọng tôi, không nên ồn ào”…Đó là sự nghiêm nghị một cách giản đơn, chân thành mà tôi còn nhớ mãi đến ngày hôm nay.

Được biết, trước khi là vị tướng tài của quân đội nhân dân Việt Nam, ông cũng là giáo viên giảng dạy bộ môn lịch sử tại một số trường học ở Huế và Hà Nội…Ông đã từng nói: “Nếu không có chiến tranh, tôi đã an tâm với nghề dạy học”“Nếu cuộc sống có khó khăn, gia đình mình vẫn có thể đi dạy học và dịch sách”.

Qua một số hình ảnh và tư liệu, một hình ảnh bình dị và cao quý nhất đối với tôi đó là vị Đại tướng tài ba, thư thái và thanh thảnh thư giãn bên phím đàn piano; chăm sóc hoa, cây cảnh, hay đi bộ tập thể dục và vui đùa cùng con, cháu trong vườn nhà. Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên cho ông là “ chú Văn”.

Ngôi nhà của Đại tướng nằm tại số 30 đường Hoàng Diệu, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội (cách quảng trường Ba Đình và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khoảng 700 mét rợp bóng cây xanh). Trước đây, thời sinh viên, hàng tuần tôi đều đạp xe đi dạo trên con đường thơ mộng này và lần nào cũng vậy, tôi không thể không ngắm nhìn qua hàng rào ngôi biệt thự cổ kính, giản dị của gia đình Đại tướng…

Đối với quê hương và dòng họ Vũ - Võ Việt Nam, ông đều dành nhiều sự quan tâm với tình cảm thương mến, quý trọng. Tôi còn nhớ, năm 2012 khi tham dự Lễ Giỗ tổ dòng học Vũ - Võ Việt Nam tại từ đường dòng họ tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, Đại tướng đã dành tặng hộp sâm quý cho người cao tuổi nhất trong dòng họ tại phương Nam. Được biết, các con trai, gái, dâu, dể, cháu, chắt của ông cũng luôn hướng về các hoạt động của dòng họ Vũ - Võ Việt Nam.

Ước nguyện của ông được về với tiên tổ tại chính quê hương miền Trung, tỉnh Quảng Bình của mình khi đã đi qua 103 tuổi đời đã trở thành hiện thực. Được biết, nơi ông an giấc ngàn thu nằm tại  khu Danh thắng Vũng Chùa - Đảo Yến, vịnh Hòn La thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cách (Đèo Ngang) 10 km và Quốc lộ 1 khoảng 4 km (giáp ranh tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình và huyện Lệ Thủy quê hương ông khoảng 60 km). Đây là địa thế đẹp, yên bình, thanh tịnh, điều này sẽ thuận tiện và phù hợp để nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế và những người con trong đồng tộc họ Vũ - Võ Việt Nam trên mọi miền tổ quốc đến thăm, viếng và tưởng niệm ông, một nhà giáo, một người con ưu tú nhất của dòng họ Vũ - Võ Việt Nam, một nhà quân sự lỗi lạc  trong thế kỷ 20.

Xin kính cẩn nghiêng mình trước sự ra đi của ông!

         Cầu chúc cho linh hồn ông sớm bay về miền cực lạc!

                                                                        Vũ Thành Trung

               

 

 

Người đăng: admin