Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 18
Truy cập hôm nay: 11
Lượt truy cập: 11,684,875
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Đình làng Việt Nam

ĐÌNH LÀNG VIỆT NAM

Các làng quê ở Việt Nam thì làng nào cũng có một ngôi đình. Đình là ngôi nhà công cộng của làng quê thời xưa, dùng làm nơi thờ Thành Hoàng - một vị thần của làng (thường là các nhân vật lịch sử có công với nước hoặc những người có công dựng làng phát triển sản xuất) và họp việc làng. Đó là ngôi nhà to, cao rộng trong làng được dựng bằng những cây cột tròn to thẳng tắp đặt trên những hòn đá tảng lớn. Vì, kèo, xà ngang, xà dọc của đình cũng làm toàn bằng những gỗ quý. Đình có tường xây bằng gạch, cũng có khi không xây tường, mái đình lợp ngói mũi hài, bốn góc có bốn đầu đao cong vút như hình đôi chim phượng uốn cong. Trên nóc đình là hai con rồng chầu mặt nguyệt (lưỡng long chầu nguyệt). Mái đình như ôm ấp cả làng quê thân yêu.

Sân đình được lát gạch, trước đình có hai cột trụ cao vút, trên đỉnh được tạc hình con nghê lúc nào cũng như nhe răng cười.

Trong đình, gian giữa có hương án để thờ Thành Hoàng. Một chiếc trống cái cũng được đặt trong đình để đánh theo nhịp ngũ liên, thúc dục dân làng về đình tụ họp bàn tính công việc của làng, của nước.

Vào những ngày lễ, Tết, dân làng thường đến đình thắp hương tế lễ nhộn nhịp, cầu mong Thành Hoàng và trời đất giúp cho mưa thuận gió hòa, cày cấy, làm ăn thuận tiện và có nhiều phúc lành. Ngôi đình làng đã là nhân chứng, chứng kiến biết bao sự thăng trầm của lịch sử dân tộc và làng quê.

Trước đây và ngay cả bây giờ, vào mùa xuân, sân đình đã trở thành sân khấu nghệ thuật. Đó là những ngày mở Hội đình - một nét đẹp của làng quê Việt Nam. Già, trẻ, gái, trai trong những ngày hội ăn mặc những bộ quần áo đẹp nhất tụ tập ở sân đình xem hát chèo, hát tuồng, xiếc, dân ca, dân vũ... Hội đình trở thành hội diễn ca múa nhạc dân gian, sân khấu dân gian như một "nhà hát nhân dân" nho nhỏ giữa làng quê. Giữa cảnh trí thiên nhiên thoáng đãng, ấm áp và thân thuộc ấy, dân làng còn được xem đấu vật, chọi gà, đánh đu, kéo co, thi thổi cơm... Bóng đa râm mát che rợp một khoảng sân đình, như một biểu tượng thiêng liêng của sức sống vững bền che chở cho dân làng.

"Cây đa rụng lá đầy đình

Bao nhiêu lá rụng thương mình bấy nhiêu"

(Ca dao)

Trước đình thường có một hồ nước trồng sen hương thơm ngào ngạt. Ai trong đời, chả một lần, ở tuổi ấu thơ, ra hồ sen lấy lá sen làm nón che đầu...

Đình làng còn là nơi trai thanh gái lịch ngày xưa hẹn hò tình duyên lứa đôi nồng thắm, tình tứ:

"Hôm qua tát nước đầu đình

Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen..."

(Ca dao)

Thế mới biết, ngôi đình làng thể hiện tinh thần cộng đồng, tình yêu thiên nhiên, tình yêu nghệ thuật, lòng sùng bái anh hùng, ý hướng trữ tình, là chứng tích tâm hồn và nhân chứng lịch sử đã gắn bó mật thiết với đời sống vật chất và tinh thần của làng quê Việt Nam

Sưu tầm từ www.hanoi.vnn.vn

Người đăng: admin