Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 98
Truy cập hôm nay: 103
Lượt truy cập: 11,684,967
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Văn hóa Mường Đòn, Thạch Thành, Thanh Hóa

VĂN HOÁ MƯỜNG ĐÒN, THẠCH THÀNH, THANH HOÁ

Từ thị trấn Kim Tân, thủ phủ huyện Thạch Thành, bon theo tỉnh lộ 516 qua các xã Thành Trực, Thành Vinh chừng 20 km đường nhựa, thêm gần chục km đường đất đỏ bụi mù là lọt vào đất xã Thành Mỹ, nơi có địa danh Mường Đòn, vốn được giới quản lý văn hóa Xứ Thanh liệt vào danh mục một trong những vùng đất còn lưu giữ đôi chút văn hóa cổ truyền đáng quý cần quan tâm bảo tồn và phát triển.

Nằm ở phía chính Tây của huyện Thạch Thành, chỉ cách đường mòn Hồ Chí Minh hơn 2 cây số, vùng đất Thành Mỹ chớm lọt vào thềm thượng du của miền bán sơn địa với những dãy đồi núi thấp thoải, ngắt quãng vồng lượn cao dần để rồi  trùng điệp theo dải Trường Sơn hùng vĩ, xa tắp, trở thành nhịp nối giữa vùng cao của các xã Thành Yên, Thạch Lâm với vùng đồng bằng phía hạ lưu sông Bưởi.

Thành Mỹ là một trong những xã có diện tích lớn nhất của huyện Thạch Thành, bao gồm 9 làng: Đồng Luật, Vân Phú, Vân Phong, Vân Đình, Vân Tiến, Tây Hương, Tân Hương, Lệ Cẩm 1 và Lệ Cẩm 2 với diện tích 2775 ha thổ cư, canh tác và rừng núi, cùng dân số 3761 người (95% là người Mường). Tuy đất rộng, người thưa nhưng đã nhiều chục năm qua, người dân nơi đây luôn quẩn quanh cuộc sống đói nghèo, lam lũ vất vả. Cả một vùng đất Mường trải dài phía tả ngạn sông Bưởi chỉ quen gắn chặt đời người cùng cây lúa nước. Vào mùa nước lũ, người dân lại lần tìm lên đồi, núi, trồng sắn trồng ngô và săn lùng muông thú. Vài chục năm về trước, vào thời kỳ vãn vụ, những người khỏe mạnh quanh vùng thường ngược đường vào rừng đốn rễ chay, gồng gánh theo đường về qua Thành Yên, Phố Cát, ngược ra Nho Quan hoặc những huyện miền xuôi, bán cho người dân làm vỏ ăn trầu.

Văn hóa vật chất được coi là cổ xưa còn hiện diện ở đất Thành Mỹ nổi nhất là ngôi đình  tọa lạc ngay khoảnh đất cao thoáng nhất làng (Mường Đòn) Vân Đình, kề bên hương lộ. Các cụ kể lại: Cách đây khoảng trên dưới trăm năm, cả vùng đất này còn hoang vu, heo hút, rừng rậm bạt ngàn, lan tận về xuôi. Khi đó, trên khoảnh đất cao ráo và thế đất phong thủy đẹp mắt, khoảng trên dưới hai chục gia đình người Mường có quan hệ ruột thịt, gần gũi với nhau, chủ yếu người của một dòng họ, về đây dựng nhà làm ăn, sinh sống, tạo lập ra Mường Đòn hay còn gọi là Mường Đón (Có lẽ do thế đất lưng chừng, mang tính "trung gian" về giao lưu, quan hệ  và án ngữ trên trục giao thông khi đó mà sinh ra tên gọi vậy chăng?!). Ngay sau khi tạo lập ra làng, mọi người lại cùng nhau góp công, góp sức dựng một ngôi đình mang dáng dấp như căn nhà sàn theo hình chữ nhất, quay hướng chính Nam, có gác cao để tránh thú dữ và rắn rết, nên còn gọi là đình gác. Vào ngày 18 tháng Giêng là ngày khánh thành đình, hơn hai chục gia đình họp mặt ăn mừng và cùng nhau đặt tên làng, tên đình là Mường Đòn, rồi bốc bát hương thờ cụ Tổ, nguyên là một danh tướng thời Lê Trang Tông (1533-1548) làm Thành hoàng. Từ đấy, hàng năm, ngày 18 tháng Giêng được coi là ngày đại lễ của làng, con cháu dù gần dù xa đều kéo nhau châu tuần mở hội. Đến giữa những năm hai mươi của thế kỷ trước, đình Mường Đòn được dân làng xoay hướng Đông - Nam và tôn tạo như diện mạo hiện tồn. Điều đặc biệt là, đình được dựng theo dáng dấp ngôi đình của người Việt nhưng không có tường hoa chắn mái hay đầu đao, góc mái uốn lượn hình rồng phượng...Nhìn vào diện mạo, vẫn thấy hơi hướng của ngôi nhà sàn khổng lồ, xung quanh để thông tuông, không có tường vách bao bọc, sàn đình lát gạch bát, có thể ngồi tụ hàng trăm người. Theo anh Lưu Khắc Vân, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Thạch Thành thì đây là ngôi đình cổ duy nhất còn nguyên vẹn của huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Đình được dựng trên khoảnh đất đồi khá rộng, cao chừng hơn chục mét so với mặt đường đi. Bên khu đất rộng làm sân diện tích khoảng 200m2, ngôi đình bề thế 5 gian dài 20m, rộng 8m, có 24 cột cái tròn bằng gỗ lim đỡ các xà ngang kề tường, mái vốn lợp lá gồi nay được thay bằng ngói ta hình lá đề.

Áp từ phía sau là nhà thờ tự nhỏ ba gian, nằm độc lập, kề sát vào gian giữa của đình, bên trong chỉ còn một ban thờ xây cao gian chính giữa, một bài vị, một mâm bồng, 3 bát hương và một con ngựa trắng (Bạch Mã) tạc bằng gỗ, kích cỡ như thật (phỏng theo con ngựa trắng được truyền rằng ngày xưa tướng Vũ Duy Dương thường cưỡi để xung trận). Gian bên phải có bát hương nhỏ thờ các quan âm binh, gian bên trái thờ Bà Chúa Thượng ngàn. Hệ thống đồ thờ cúng trước đây, theo các cụ, vốn rất phong phú,  cổ kính nhưng đã bị hư hỏng và mất mát nhiều. Một số đồ thờ quan trọng, do sợ mất mát nên làng đem gửi tại nhà cụ thủ từ, người đang kiêm nhiệm trông coi đền thờ  danh tướng họ Vũ  đặt tại làng Vân Phong kề bên và chỉ được đón ra dùng vào các ngày húy kỵ hoặc ngày hội làng. Cả nền đình rộng ngót 200m2 gần như  thông tuông, chỉ có hai mặt tường bao phía đông bắc để tránh giá rét.

Về danh tướng Vũ Duy Dương, thư tịch, sử sách quốc gia không thấy (hay chưa thấy!) ghi chép gì về công trạng đặc biệt của ông. Những người cao tuổi trong làng gần như chỉ còn căn cứ vào sự ghi chép trong 12 bức sắc phong cho Ông (4 đạo sắc do các triều Lê phong và 8 do triều Nguyễn phong), trong đó nhắc rằng: Ông là người quê đất Yên Mô, thời Hậu Lê thuộc trấn Sơn Nam Hạ, thời Tây Sơn thuộc Thanh Hóa ngoại trấn, năm thứ 3 đời Minh Mạng đổi làm Ninh Bình đạo. Thời vua Lê Trang  Tông, Vũ Duy Dương là một tướng tài, được sai giữ chức Bang biện tòng thất phẩm văn giai quận công đô đốc, Tổng trấn vùng đất phía tây Thanh Hóa (bao gồm các huyện miên núi xứ Thanh kéo từ giáp ranh Tam Điệp trở vào. Ông là người phò Lê diệt Mạc, lập được nhiều công trạng cùng với 10 bộ tướng của mình, trong số đó có 2 võ tướng là Quản Luận và Quản Diệu đều là người Mường, Hòa Bình. Trong một trận giao tranh ác liệt cùng binh tướng nhà Mạc, tướng họ Vũ bị chém giữa đám hỗn quân, đầu lìa khỏi cổ vẫn bám chặt mình ngựa về đến đất Mường Đòn mới anh dũng hy sinh! Tưởng nhớ công lao to lớn của ông, vua Lê Trang Tông ban cho sắc phong là Bạch Mã Linh Lang thượng thượng đẳng thần (?)và được dân làng lập đền thờ cúng ở đất làng Vân Phong, sau dựng thêm đình để hương khói ở vị trí hiện nay, tôn làm Thành hoàng của làng đồng thời coi như cụ Tổ của dòng họ mình.

Bên cạnh đền thờ Vũ Duy Dương còn một ngôi đền được dựng sau đó, thờ bà Vũ Thị Cao, em ruột Ông. Dân gian lưu truyền rằng, khi biết anh trai mình dụng binh phò Lê diệt Mạc ở vùng đất miền núi xứ Thanh, bà Vũ Thị Cao từ đất Yên Mô khăn gói đóng giả ăn mày,lần tìm để những mong sát cánh cùng anh thỏa chí phò vua giữ nghiệp. Tiếc thay, khi bà vào đến đất Vân Phong thì biết tin anh mình đã hy sinh oanh liệt. Bà phẫn uất, quyết chí tuẫn tiết để tránh rơi vào tay quân tướng nhà Mạc. Cảm phục ý chí của Bà, nhà vua đã truy phong tước danh Quế Hoa Nương vô phu quân thường tòng huynh bình tặc và được dân làng lập đền thờ cúng ngay cạnh đền thờ Võ tướng với niềm kính trọng sâu sắc. Có điều lạ là, dân làng Vân Đình chủ yếu mang danh họ Trương (có người cho là trước đây vốn mang họ Khương!) nhưng trải bao đời, mọi người đều công nhận danh tướng Vũ Duy Dương là cụ Tổ của mình. Đã nhiều năm, các cụ cao niên của dòng họ cử người lặn lội khắp đất Hòa Bình, Ninh Bình dò tìm tung tích gốc gác quê hương cụ. Năm 1993, cụ Trương Đức Khuyến (68 tuổi - năm 2003) đã tìm ra làng Phượng Trì, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, đến nhà trưởng tộc là ông Vũ Xuân Trạch làm lễ nhận anh em và thắp nhang bái Tổ.

Ngày hội làng 18 tháng Giêng hàng năm, dù thực chất khởi phát là ngày kỷ niệm khai sinh của Mường Đòn và lễ giỗ Thành hoàng Vũ tướng quân nhưng đã nhiều chục năm qua đã trở thành thời khắc thu hút đông đảo dân chúng quanh vùng bằng không khí lễ hội sinh động và độc đáo. Ngay khi đất trời dường như chưa kịp chớm tiết xuân, những ngày cuối tháng Chạp (tháng Mười hai âm lịch), không khí hội hè của Mường Đòn đã có phần nhộn nhịp. Ngày 25, toàn bộ dân làng tập trung tại sân đình để nghe phổ biến của tộc trưởng và già làng về lịch trình chuẩn bị cho ngày lễ hội rồi tỏa ra các lối xóm dọn dẹp vệ sinh. Bộ phận trai làng khỏe mạnh, khéo tay đứng ra dựng dậu, làm cây nêu  và trồng cây đu ngay sân trước của đình làng. Từ ngày 27 trở đi, các gia đình chuẩn bị gạo, thịt và bánh trái phục vụ cho ngày Tết Nguyên Đán và cho ngày hội làng. Bắt đầu từ ngày này, theo luật tục của cả Mường qui định, nghiêm cấm mọi người vào rừng khai thác lâm thổ sản, mục đích chủ yếu là tránh cho các thành viên khỏi mọi rủi ro vì nạn thú dữ hoặc tai nạn lao động. Nếu vi phạm, dễ mang những điều đen đủi cho dòng họ và gia đình, sẽ bị Hội đồng dòng tộc và già làng chiểu theo luật tục tuyên phạt: Với tội nhẹ (cố tình vào rừng, dù không xảy ra tai họa), bị phạt 3 chai rượu nộp cho làng. Người cố ý vào rừng để gây ra sự cố, dù chưa gây tổn hại sinh mạng, được coi là tội nặng, ngoài nộp phạt rượu còn bị nọc ra sân đình và bị tộc trưởng đánh 3 roi. Người vào rừng, bị thú dữ gây tổn hại sinh mạng thì không được dân làng tổ chức tang lễ. Người vào rừng gây ra thương tổn cho người khác và dân làng thì bị đuổi khỏi làng...

Vào ngày Mồng một Tết, tất cả đàn ông tuổi từ 52 trở lên (được coi là các lão Mường) tập trung tại nhà trưởng tộc cùng nhau làm cỗ để mang sang lễ ở Đền Ông, thờ Vũ tướng quân và Đền Bà, thờ em Vũ tướng quân. Điều đặc biệt là, trên mâm cỗ bắt buộc phải có một chiếc bánh chưng được gói từ 10 đấu gạo nếp thơm. Khi gói, nghiêm cấm để bất kỳ hạt gạo nào vỡ, bánh phải có bề dầy 10 phân. Hội đồng già làng theo dõi chặt chẽ từ các khâu chọn lá, chọn gạo, làm khuôn và kích cỡ cho đến khi bánh được vớt ra khỏi nồi. Lễ ngày Tết chủ yếu chỉ khấn cầu Thành hoàng phù hộ độ trì cho con cháu trong làng năm mới làm ăn phát đạt, tránh mọi bệnh tật, gặp nhiều may mắn,... Ngày mồng Bảy Tết được gọi là ngày khai hạ, dân làng tổ chức làm Lễ ăn thề. Vào ngày này, dưới sự chỉ đạo của các già làng và tộc trưởng, mọi người góp gạo thịt làm lễ cúng Thánh và mang ra đặt trên ban thờ của đình. Giữa sàn đình đặt một hũ rượu lớn. Dân làng tụ tập ngồi quây xung quanh. Đến giờ khai lễ, cụ Tiên chỉ của làng (người cao tuổi nhất) cầm dao cắt tiết một con gà trống, cho tiết vào thẳng hũ rượu. Năm người được làng cử ra làm ban chủ tế chứng kiến Lễ ăn thề. Mọi người lần lượt nối nhau nâng chén rượu thề trước mặt cả làng: Không đánh lộn lẫn nhau, không quan hệ trai gái bất chính, không trộm cắp phá phách gây rối trong làng, làng có công có việc tất cả phải cùng nhau gánh vác,... Sau lễ ăn thề này trở đi cho đến cuối năm, người nào vi phạm lời thề thì bị xử theo luật tục, các cấp hình phạt giống như xử ở tội vi phạm luật vào rừng. Ngày xử phạt sẽ do Hội đồng tộc biểu của làng qui định và chỉ có chủ các gia đình mới được tham gia.

Ngày 18 tháng Giêng là ngày hội lớn nhất trong năm của làng. Tham gia Hội làng còn có đông đảo dân của các làng kết chạ xung quanh cũng về dự, như các làng Vân Phong, Vân Phú, Tây Hương trong xã và các làng Thành Yên, Thạch Cẩm bên kia sông Bưởi,... Ngay từ sáng sớm, dân làng đã tổ chức Hội thi làm cỗ. Các gia đình tùy theo khả năng kinh tế của mình mà đăng ký dự thi. Có thể hai ba gia đình hợp sức làm cỗ dự thi cũng được. Với mỗi mâm cỗ, ngoài những vật lễ phải có như xôi nếp nương, mâm ngũ quả, rượu gạo, bắt buộc phải có một con cá chép gói lá chuối tươi đem hấp hoặc rán. Cá tối thiểu phải nặng từ 3 cân trở lên. Khi đặt cá lên mâm, cá không được rơi vẩy, xước vẩy, cháy vẩy. Ban giám khảo do làng cử ra sẽ theo dõi về thời gian làm cỗ, số lượng đồ tế lễ, chất lượng của vật lễ và chủ yếu tập trung vào chấm các mâm bầy cá thờ. Gia đình nào giành giải nhất được coi như niềm vinh hạnh, được nhận phần thưởng của làng và dân làng kéo đến uống rượu chia vui.

Cũng sáng ngày 18, vào trước giờ Hoàng đạo, dân làng cử ra một đội hành lễ, trong đó có một đội trai tráng khỏe mạnh tập trung tại nhà cụ Thủ từ làng Vân Phong, để lấy bát đĩa, đồ nghi trượng, tráp đựng sắc phong đưa ra nơi trung tâm của làng (gia đình được chọn đặt bản doanh làm cỗ và tập kết của làng) rồi cùng nhau rước kiệu (một kiệu đặt lô nhang thờ Thành hoàng Vũ tướng quân, một kiệu đặt tráp đựng các sắc phong) và lễ, nghênh ra Đền Ông khấn tế, sau đó mới rước về đình. Hai kiệu được đặt song song giữa đình, cỗ đặt hai bên theo thứ tự các nghạch, các chi và vai vế chức sắc trong làng. Có điều lạ là, tuy Đền Ông và Đền Bà đều được đặt trên đất làng Vân Phong và xuất hiện trước đình Mường Đòn, vào Mồng một, ngày Rằm, dân làng Vân Phong đều đặn mang lễ cúng bái theo sự chỉ dẫn của cụ Thủ từ 2 đền (đồng thời kiêm nhiệm làm thủ từ cho cả Đình Mường Đòn), nhưng vào ngày 18 tháng Giêng, người Vân Phong chỉ được phép tham gia dâng lễ và nhập hội chứ không được đứng ra làm chủ tế hay giữ vai vế của người đồng tổ chức (!?).

Buổi chiều tối của ngày hội, các bước tế lễ được cử hành trang nghiêm và trọng thể. Một đội tế được làng cử ra, do một thày cúng chuyên nghiệp (giữ chức Tộc biểu, chuyên phụ trách việc cúng bái được làng tin cẩn ủy thác) điều hành. Người đương nhiệm chức Tộc biểu vài chục năm nay của làng là cụ Trương Công Khắc, 75 tuổi (năm 2004) kiêm nhiệm luôn việc theo dõi tông tích dòng họ và quán xuyến các công việc hiếu hỷ của làng. Vào kỳ đại lễ, cụ Khắc luôn luôn giữ vai Chủ tế. Cụ Khắc kể lại: Cụ là đệ tử của phái Pháp môn, truy về ngọn nguồn thì cách thức tế lễ của phái này vốn được một pháp sư nguyên là đệ tử chân truyền của dòng Nội Đạo thỉnh từ mạn Hàm Rồng đưa vào và lưu giữ thực hành qua các đời cho đến nay. Khi xưa, thuở thiếu thời, cụ còn được chứng kiến nhiều cung cách hành lễ cầu kỳ và rất linh. Nhưng chục năm gần đây, các phép tắc hành lễ đã bị giản lược đi nhiều. Cho nên, trong các buổi hành lễ hiện nay, cụ và đội hành lễ chỉ còn thực hiện một vài cách thức cơ bản đủ để các chư vị thánh thần nhận biết mà phù hộ độ trì cho con cháu làm ăn, sinh sống. Theo lịch trình buổi hành lễ cho ngày Hội làng và Đại kỵ Võ tướng quân, cụ Trương Công Khắc chỉ đạo tiến hành như sau: Đồ hành lễ bao gồm một trống cái, một trống con, một cồng cỡ vừa phải, một đĩa men cổ đựng hai đồng tiền âm dương. Ngày xưa, khi mới vào nghề, đồ hành lễ của cụ còn bao gồm thêm cây Thần xích, tệp giấy sớ có viết chữ, vừa Hán tự vừa chữ Mường(!). Thời gian hành lễ khi xưa có khi kéo dài vài ba giờ đồng hồ, với đủ các phép tắc: làm phép, bắt quyết, phù chú, lên đồng nhập hồn thần cô thánh cậu, người chủ tế xưng Đức Thánh Trần, Đức Thánh Quan (Thánh Quan Công của Trung Hoa hay Đức Tiền Quan trong Tam Thánh của dòng Nội Đạo Tràng ở đất Yên Đông, Quảng Xuơng, Thanh Hóa!?!), Đức Thánh Độc (Thánh Độc Cước). Sớ cúng xong được hòa vào nước cho con cháu uống để làm phúc, cầu may hoặc giải oan và chữa bệnh... Hiện nay, vào kỳ đại lễ, việc thực hành cúng tế đã giản lược gần hết, chủ yếu chỉ dành thỉnh bái Vũ tướng quân và Thổ Địa, Thổ Thần. Sau khi họ tộc Trương và dân làng rước kiệu có đặt lô nhang  và đặt cỗ bàn giữa đình, đội tế cứ theo bài bản đã thống nhất mà hành sự. Tham dự cuộc lễ chủ yếu là người già cả và chức sắc của làng sở tại và các làng kết chạ quanh xã hoặc bên sông Bưởi. Vào buổi lễ, chủ tế khấn thỉnh Ngài (Vũ tướng quân) rồi đọc bài văn tế, ca ngợi công trạng của vị Thành hoàng làng Mường Đòn, đề đạt ước vọng mưa thuận gió hòa, dân làng làm ăn no đủ và cầu mong được Ngài che chở, phù hộ độ trì. Sau đó, đội tế dâng rượu vòng quanh các kiệu bái lễ vong linh Thánh-Thần. Kết thúc buổi lễ, chủ tế niệm chú, xin âm dương để xem vận hạn của làng trong năm. Ngoài sân đình, dân làng và tứ xứ tham gia náo nhiệt vào các trò lễ hội như chơi đu, kéo co, chọi gà, đấu vật, đấu võ...

Không khí hội làng Mường Đòn hấp dẫn nhất và làm mọi người say mê nhất có lẽ là chương trình sinh hoạt văn nghệ từ chập tối kéo dài đến sáng hôm sau. Đây là hình thức sinh hoạt lễ hội độc đáo của Mường Đòn từ nhiều chục năm nay. Điều độc đáo thể hiện ở chính nội dung sinh hoạt của cả cộng đồng tham gia lễ hội. Với thời gian dài như vậy, mọi người chỉ say mê nghe hát tuồng là chính, đôi khi có hát Thường Rang và xen kẽ các tiết mục văn nghệ của thanh niên. Theo các nghệ nhân hát Tuồng của làng (Trương Viết Bảo, 63 tuổi, nghệ nhân đánh trống, Trương Văn Tâm, 55 tuổi, nghệ nhân hát,...), kể lại: Thời vua Lê Trang Tông (Niên hiệu Nguyên Hòa), khi tướng Vũ Duy Dương được cử lên trấn thủ xứ Mường này, có đem theo đội Tuồng từ đất Sơn Nam Hạ vào hát để mua vui cho binh sĩ và dân chúng, dù đêm đêm, hai bộ tướng tâm phúc người Mường của ông (Quản Luận, Quản Diệu) vẫn thường tổ chức hát Thường Rang, Xéc bùa tại các làng bản. Bởi vậy, từ đó, dân Mường vùng này yêu thích cả hai hình thức nghệ thuật đó. Và có lẽ, hát Tuồng là thứ nghệ thuật được Vũ Tướng quân đề cao, tôn vinh nên vì yêu mến, kính trọng Ông, người dân mê theo (hay bắt buộc phải mê theo do vị trí xã hội của Danh tướng họ Vũ tạo lập!), lâu dần trở thành niềm say mê truyền thống của con cháu đời sau. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân giải thích cho thực trạng lấn át, chiếm thế vượt trội của văn hóa Việt với văn hóa Mường bản địa ở vùng giáp ranh tộc người!

Cũng có nguồn truyền khẩu khác (cụ Trương Đức Khuyến, 68 tuổi, nghệ nhân hát và đàn), cho rằng: Dân Mường Đòn và ngay cả vùng này, ngày xưa vốn không biết gì về hát tuồng, dù xứ Thanh là nơi sinh ra nghệ nhân lừng danh hát Tuồng Đàng Ngoài và là cụ tổ của nghề hát Tuồng Đàng Trong (Tuồng Nam) - danh thần Đào Duy Từ (1572-1634). Đầu thế kỷ XX (khoảng trước năm Đinh Mão), có một gánh hát của ông Hai Hoạt từ Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình kéo lên đất này. Hàng ngày, gánh hát Hai Hoạt đi hết làng nọ sang làng kia biểu diễn và chỉ hát một thể loại Tuồng. Vốn là đất của con cháu võ quan Vũ Duy Dương có truyền thống say mê võ nghệ, lại thấy các nội dung tích Tuồng thường dựng lại chân dung các anh hùng hào kiệt, lời hát sảng khoái hào hùng, động tác oai phong lẫm liệt nên dân làng say mê nghe hát thâu đêm và suốt ngày truyền khẩu hát theo. Nhiều người vì thế đã thuộc không ít tích Tuồng và truyền dạy lại cho con cháu đời sau. Từ đó, sinh hoạt hát Tuồng và nghe Tuồng của người dân Mường Đòn dần dần trở thành nhu cầu thường nhật truyền nối các đời. Có người đã trở thành nghệ sĩ hát Tuồng chuyên nghiệp như ông Trương Đức Khuyến, nguyên là diễn viên của đoàn Tuồng Bắc Trung ương. Trong dịp hội làng, mặc dù kéo dài thâu đêm, già trẻ, lớn bé của Mường Đòn vẫn đam mê nằm lòng các làn điệu tuồng Nam Bình, Nam Ai, Tẩu Mã, Hát Khách,... trong hàng loạt các vở diễn của làng như Tam Cầm Tam Phóng, Tam khí Chu Du, San Hậu đệ nhị, Chinh Lưu địch Thanh, Chinh Tây,...

Ngoài ra, để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt văn hóa hàng ngày, các nghệ sỹ Tuồng của làng còn sáng tác kịp thời nhiều vở tuồng mang hơi thở nhịp sống đương đại. Hiện nay, trong khi các vùng quê khác đã và đang tràn ngập không khí của sinh hoạt âm nhạc hiện đại hoặc sự biến tướng vô lối của nghệ thuật truyền thống, thì trên đất Mường Đòn, các chàng trai cô gái  vẫn chân chất trong bộ trang phục Mường, say mê tiếp thu, học hỏi cha ông những tích tuồng cổ xưa và tự tạo ra hàng loạt đạo cụ để tham gia sinh hoạt, biểu diễn Tuồng vào các kỳ hội hè đình đám. Đó là một nguồn sinh hoạt có đặc trưng văn hóa dân gian quý báu và hiếm có. Với gần 30 nghệ sỹ hát Tuồng ở nhiều lứa tuổi khác nhau đang nối đời làm ăn và sinh sống tại bản quán Mường Đòn hôm nay (với 86 hộ dân, 436 nhân khẩu), nghệ thuật hát tuồng mang dư vị truyền thống của người Việt đã và đang được bảo lưu một cách hồn nhiên, để lại không ít giá trị và ý nghĩa nhân sinh trong mối quan hệ vốn có tính dòng tộc cổ xưa của cư dân Mường - Việt.

Đôi nét của thực trạng sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo của một vùng quê người Mường nằm ở chính Tây xứ Thanh, cận kề những vùng đất người Việt, thiết nghĩ, đã gợi mở cho chúng ta một số chứng cứ có ích cho việc tìm hiểu vốn di sản văn hóa truyền thống tộc người và xem xét các bước tiếp biến, hội nhập trên trục vận động sinh hoạt văn hóa - xã hội của mối giao lưu văn hóa giữ hai dân tộc Mường - Việt. Dưới góc độ tìm hiểu và nghiên cứu di sản văn hóa vật thể, ngôi đình Mường Đòn - vốn cổ duy nhất trong hệ thống các đình làng của người Việt và người Mường ở huyện Thạch Thành, Thanh Hóa còn hiện hữu, ở những chừng mực nhất định, chắc hẳn đang lưu giữ những vết tích giao lưu văn hóa tộc người độc đáo hàng thế kỷ qua.

Lấn theo và lan tỏa từ đường biên giáp ranh của nơi cư trú xa xưa giữa hai dân tộc Việt - Mường, văn hóa đình làng người Việt đã tỏ rõ sức át trội trong tiến trình hội nhập và đồng hóa trung tâm cộng cảm đối với tộc người mang bản sắc của văn hóa nhà sàn nhờ sợi dây ràng buộc chung là số phận lịch sử và nguồn văn minh lúa nước. Thêm nữa, tính vượt trội qua thực trạng giao lưu văn hóa này đã góp phần tạo ra không gian dinh dưỡng cho thiết chế tôn giáo tâm linh và thiết chế xã hội bản địa như chúng ta còn thấy vết tích khá rõ hôm nay. Và điều đặc biệt có giá trị không chỉ cho các nhà nghiên cứu mà còn giúp ích ứng xử và gợi mở cung cách điều hành cho những người làm công tác quản lý văn hóa các cấp đương thời chính là nguồn văn hóa phi vật thể, hiện đang tồn tại sinh động ở Mường Đòn. Chỉ dừng lại quan sát một vài nét sinh hoạt trong ngày hội làng ở Mường Đòn, cũng có thể nhận ra một số điều cần được xem xét một cách nghiêm túc và khoa học.

1. Người  Mường Đòn thực tế không còn thuần túy  là tộc Mường bản địa mang đậm đà bản sắc khu biệt của một thứ Mường cội nguồn như phần lớn các mường cư trú xa về không gian với người Việt (các mường của các huyện Mường Lát, Bá Thước, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy chẳng hạn). Người Mường của xã Thành Mỹ, mà cụ thể là người Mường Đòn, vốn có thể là một bộ phận Mường - Kinh, Thái - Kinh xen kẽ và hòa đồng lâu ngày mà thành người Mường chăng ! Và bởi thế mà dễ dàng có sự liên kết về nhiều mặt với mọi điều kiện sinh hoạt văn hóa xã hội của cư dân người Việt sống liền kề. Mối quan hệ sâu sắc đến mức đã thấm cả vào phong tục, tập quán, tín ngưỡng của tập thể cộng đồng. Sinh hoạt hội làng và tập tục thờ cúng Thành hoàng vốn là nét sinh hoạt văn hóa cổ truyền của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Bóng dáng của những nét văn hóa truyền thống ấy lại dễ dàng bắt gặp ở một cộng đồng của tộc người Mường cư trú liền kề và có người Việt xen kẽ (5% ở Mường Đòn) và được biểu hiện gần như trong các lĩnh vực của văn hóa sản xuất, văn hóa bảo đảm đời sống, văn hóa chuẩn mực xã hội, văn hóa nhận thức,... Và cố nhiên, các mối quan hệ giữa Quan Lang - Người bình dân vốn là đặc trưng dễ thấy của tộc Mường, cùng với vô vàn các luật tục khác đã phai nhạt dần để rồi nhường chỗ cho (hoặc bị chinh phục, đồng hóa) những cung cách quan hệ, sinh hoạt cộng đồng và các thể chế hành chính của người Việt theo từng giai đoạn lịch sử nhất định (nhờ công khai phá hoặc vị thế nắm quyền điều hành xã hội của người Việt chăng!). Nhìn vào sự tiếp biến văn hóa này, các nhà quản lý văn hóa nói riêng và chính quyền địa phương nói chung có thể định hướng được cách thức (giải pháp cụ thể) đưa các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào đời sống sinh hoạt xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi hiện nay thông qua các sinh hoạt nghi lễ độc đáo và sinh động.

2.  Qua biểu hiện thực hành nghi lễ trong ngày hội làng ở Mường Đòn, chúng ta dễ nhận ra những dấu vết nghi lễ dòng Nội Đạo Tràng của người Việt  vùng Quảng Xương, Thanh Hóa. Sự kết hợp giữa tín ngưỡng dân gian và đạo giáo Trung Hoa, lại được bản địa hóa qua lăng kính của những điều kiện sinh hoạt xã hội và lịch sử ở một vùng quê cụ thể, dòng Nội Đạo Tràng cách đây trên dưới 5 thế kỷ, đã có dáng dấp của một tôn giáo bản địa đủ sức lan tỏa ra nhiều vùng từ đồng bằng Bắc Bộ (Ninh Bình, Hà Nam, Hải Dương, Hà Tây, Hà Nội) đến Bắc Trung Bộ (Nghệ An,Hà Tĩnh) và ở một bộ phận cư dân người Mường Thanh Hóa, từ Cẩm Thủy, Ngọc Lặc đến Thạch Thành, Bá Thước,... Điều này sẽ có giá trị góp thêm những cứ liệu thực tế cho giới nghiên cứu đi sâu tìm hiểu về một cơ sở tôn giáo bản địa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam hiện nay, góp phần trả lời cho câu hỏi: Việt Nam có tôn giáo bản địa hay không !?!

3.  Người Mường Thanh Hóa mang đậm nét khu biệt của Mường Trong (Món Hạ) và cư trú chủ yếu trên thềm đất trung du và miền núi nhưng đời sống của một bộ phận dân cư vẫn gắn chặt với nền văn minh lúa nước như người Việt. Những hội lễ ăn thề và hội thi làm cỗ trong sinh hoạt lễ hội của Mường Đòn là một minh chứng cụ thể cho sự gắn kết đó. Thêm nữa, cơ cấu tổ chức bản mường của một tộc người (bản địa) vốn đã có bản sắc riêng, ở trường hợp cụ thể này, lại thể hiện một cách mờ nhạt và nhường chỗ hoặc thu nạp cách thức tổ chức hành chính và sinh hoạt xã hội của làng Việt cổ truyền. Ngoài ra,trong các nghi thức tín ngưỡng vốn có chiều sâu lịch sử của việc thờ Theng Voang (cách phát âm khi đọc từ Thành hoàng) tại “Quạn” của từng làng (giống như "Quán" của Đạo giáo hay đạo quán ở hầu khắp các Mường, vốn chỉ xoay quanh việc thờ cúng Đức Thánh Tản Viên, thờ các vị tổ tiên xưa của dòng “Lang” địa phương và thờ những người sớm đến địa phương trực tiếp bỏ sức ra khai phá đất đai; thì tại một làng cụ thể là Mường Đòn lại thờ một vị Thành hoàng là người Việt chính hiệu và tôn làm ông tổ của một dòng họ Mường và dường như hoàn toàn chiếm ưu thế trong mọi lễ tục, lấn át các danh hiệu thần điện khác. Dấu hiệu này hình như không phải là cá biệt ở các mường cư trú sát với người Việt và đáng được lưu ý xem xét.

4. Đã một thời, đến bất kỳ làng quê người Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, cũng có thể bắt gặp sự say mê một loại hình nghệ thuật nào đó của dân tình mọi lứa tuổi như hát Chèo, hát Tuồng, hát Ca trù, hát Chầu văn ở Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, hát Quan họ ở Bắc Ninh,... Đến thời đương đại, niềm say mê hồn nhiên ấy đã và đang dường như phai nhạt, nhường chỗ cho sự lấn át, ồn ã của các loại hình văn nghệ hiện đại hoặc bị biến tướng bởi cung cách cải biên tạp dụng, có nguy cơ làm hỏng vốn di sản văn hóa truyền thống của quê hương. ấy vậy mà, giữa một không gian từng thấm đẫm màu sắc văn hóa của tộc người Mường là Mường Đòn, lại đã hàng chục năm qua, lớp lớp thế hệ người dân say mê cùng nhau hát và nghe hát Tuồng một cách hồn nhiên thâu đêm không chán. Có được các chính sách, chế độ hợp lý để nuôi dưỡng các nghệ sỹ chân đất của làng quê Mường này duy trì hình thức sinh hoạt văn nghệ hát Tuồng giữa một không gian dân dã độc đáo, chính là giải pháp hữu hiệu nhất để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của tộc người và cộng đồng dân tộc. Đó không chỉ là nhiệm vụ cụ thể của một ngành, một cấp mà là của toàn xã hội với những thể chế sát thực và phù hợp.

Hiện trạng sinh động đó cũng cho thấy, muốn xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, việc bảo vệ những sắc thái văn hóa truyền thống luôn luôn phải gắn chặt với phong tục, tập quán và tín ngưỡng dân gian đích thực của một vùng quê cụ thể, ứng xử linh hoạt với mọi biến động của môi trường sinh hoạt xã hội và sự vận động của lịch sử đương đại.

5.  Sinh hoạt hội làng, hiện nay, ở không ít làng quê đã và đang có sự chỉ đạo chặt chẽ trong khâu biên soạn kịch bản cho lễ hội dân gian của các cấp quản lý văn hóa từ xã đến huyện. Nhiều hiện tượng sinh hoạt xã hội đương đại đã được chen vào một cách chắp vá và khiên cưỡng, thậm chí vô lý đến khôi hài. Và do vậy, tính sinh động, hồn nhiên pha chút linh thiêng, nghiêm ngặt của nhiều biểu tượng lễ hội truyền thống vốn qua trường kỳ thời gian và không gian tạo nên đặc trưng hấp dẫn, cuốn hút của lễ hội, thì giờ đây hoặc là bị xé nát hoặc bị gạt bỏ và triệt tiêu. May mắn và đáng quý biết bao, lễ hội Mường Đòn (và có thể còn ở khá nhiều vùng, miền khuất nẻo khác của các dân tộc miền núi) vẫn còn giữ được bản sắc vốn có từ xa xưa và đang được thực hành sinh động bởi con người hiện đại. Trong không gian văn hóa cổ truyền ấy, vô hình chung, người Mường Đòn đã và đang lưu giữ nhiều nét độc đáo của hình thức sinh hoạt hội làng được du nhập và bản địa hóa từ người Việt, hoặc chí ít, cũng giữ được những biểu hiện thực hành, mà qua đó, giới quản lý và nghiên cứu di sản văn hóa cổ truyền có được cứ liệu tin cậy để nhìn nhận mối gắn kết văn hóa Việt - Mường trong lịch sử sinh tồn và phát triển.

Bùi Quang Thanh

Theo vanhoanghethuat.org.vn

Người đăng: admin