“Vũ thị gia phả này do cụ Vũ Huy Quang (1828-1883) thuộc đời thứ 9, soạn ra khá công phu và rất chi tiết. Chứng tỏ người viết đã có một trình độ rất khá về chữ Hán vào năm Ất Sửu (1865), đời vua Tự Đức năm thứ 8”. Nhưng theo cụ Vũ Hữu Cảnh (thế hệ 12, sinh năm 1920, hiện còn sống khỏe, minh mẫn đang thường trú ở quận 12, TP. HCM đã cho biết, trước năm 1975, cụ còn thấy cuốn gia phả chữ Hán này. Nhưng sau năm 1975, thì cụ không thấy còn, có lẽ đã thất lạc).
Tình cờ, TS.Vũ Huy Thuận thấy trên mạng có nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Nhuận ở Viện Hán Nôm đã đăng một bài: “Cuốn gia phả họ Vũ ở Đường Xuyên, Hà Tây…” trong tập thông báo Hán Nôm Học, năm 2003, trang 421-429 mà tác giả có nói rõ : “ Đầu năm 2003, tôi được một người bạn cũ cho đọc cuốn gia phả họ Vũ ở thôn Thượng…”. Như thế, cách đây 5 năm , cuốn phả cổ bằng chữ Hán mà cụ Cảnh đi tìm bấy lâu nay, tưởng mất hóa ra còn ở Hà Nội, do một người họ Vũ này đang cất giữ. Thật là mừng và đáng quý! Mong cụ Cảnh và ông Vũ Hữu Chính hãy liên hệ với Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi hoặc Tiến sĩ Vũ Duy Mền giúp cho xin photocoppy 1 bản để làm tư liệu nghiên cứu, đồng thời làm gia bảo. Xin mừng cho dòng họ Vũ thuộc Quang Đại Đường, khởi tổ là cụ Vũ Phúc Nhẫn ở tổng Đường Xuyên, nay là làng Thường Xuyên, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội và sau đây chúng tôi xin được trích đăng một phần cuốn phả được tác giả ghi lại tỉ mỉ những quy ước của dòng họ, để bà con dòng tộc tham khảo.
VŨ HIỆP
Nhà nghiên cứu sử phả Việt Nam
Tháng 10 -2008.
Ảnh: Vũ Hữu Chính chụp lại một số trang gia phả cổ cùng chụp chung với tác giả : TS. Nguyễn Ngọc Nhuận.
CUỐN GIA PHẢ HỌ VŨ Ở ĐƯỜNG XUYÊN - HÀ TÂY
NGUYỄN NGỌC NHUẬN
Tiến sĩ. Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Đầu năm 2003, tôi được một người bạn cũ cho đọc cuốn gia phả của dòng họ Vũ ở thôn Thượng, xã Đường Xuyên, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Từ tập tư liệu 80 trang viết bằng chữ Hán cẩn trọng, người đọc được biết thêm cách thức viết gia phả và những giá trị rút ra từ nội dung.
Cuốn phả được cụ Vũ Huy Quang đời thứ 9 dòng đích biên soạn xong ngày 19 tháng 8 năm thứ 8, niên hiệu Tự Đức (năm 1865). Trong bài tựa đặt ở phần đầu cuốn sách tác giả ghi: "Vũ Thị gia phả, đó chính là sách phả. Trước tiên ghi quê quán, địa chỉ, tên họ, tên tự, tên hiệu; thứ đến hành trạng, ngày giỗ, phần mộ, chi nào sinh ra ở đâu cùng số ruộng đất, từ đường, tế đường, đồ tế khí to nhỏ đều ghi tường tận, trên là để thuật lại chí khí tổ tiên, dưới là để răn dạy con cháu. Từ nay về sau, có khảo chứng gì thì đời đời ghi lại để không quên được cội nguồn... Phả hệ ghi rằng: Nguyên trước kia là họ Vũ ở thôn Thượng, xã Đường Xuyên, tổng Đường Xuyên, huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội(1), các chi phái đông đúc, nhiều đời xa rồi nên không thể ghi hết được"(2) (Vũ Thị gia phả, thị phả dã, tiên tự quán chỉ tính tự thụy, hiệu, thứ cập hành trạng kỵ húy mộ tẩm, mỗ chi sinh xuất mỗ chi, dữ điền thổ từ đường, tế đường tế khí khí mãnh các hạng đại tiểu, phi bất tường thư, thượng dĩ thuật hồ tiên chí, hạ dĩ thị chư tử tôn. Tỷ nhị kim nhi hậu đấc hữu khảo chứng, thế thế tục biên dĩ bất vong kỳ bản thủy vân nhĩ... Phả hệ ký nguyên Vũ Thị quán Hà Nội tỉnh, Thường Tín phủ, Phú Xuyên huyện, Đường Xuyên tổng, Đường Xuyên xã, Thượng thôn; tông phái chi diệp phồn đa thế viễn tích yên bất năng tận ký).
Sau bài tựa là phần ghi chép thế thứ các đời từ đời thứ nhất đến đời thứ 10 của dòng đích, ngoài ra còn ghi thêm dòng thứ. Tiếp theo cuốn phả ghi các hạng về hương hỏa: các khu đất hương hoả, nhà thờ, các đồ tế khí trong nhà thờ, ruộng hương đèn. Ở cuối cuốn phả có một phần đáng lưu ý, phần này đã ghi lại những quy ước trong dòng tộc họ Vũ về ruộng thờ, ruộng học, về việc con gái trong họ đi lấy chồng, việc lên lão 70 tuổi của người trong họ, đối với việc hiếu hỉ... Sau đó là bản liệt kê tên huý, hiệu, tự của chư vị tiên tổ khảo tỉ, cùng chữ ký của tác giả và người trong họ đến chứng kiến.
Những nội dung đáng chú ý
* Trong khi ghi chép thế thứ các đời, tác giả cuốn phả đã dành một phần biểu dương những hành trạng tốt đẹp của một số vị thuộc dòng đích như:
Ghi chép đời thứ 7: "Ông Vũ quý công, tự là Đăng Khoa, thụy là Chính trực. Cụ sinh năm Mậu Tý, hưởng thọ 36 tuổi, mất ngày 27 tháng 4... ông nguyên là Cai tổng (Chánh tổng) trong làng kiêm Trùm trưởng Hội tư văn. Ông là người giữ lòng công minh nghiêm chính không xâm hại mảy may chút tiền của dân. Ông nghiêm cấm dân trong thôn uống rượu. Nếu như trong lễ cầu phúc thì cho phép uống 1 nai, ngày giỗ tết chỉ cho uống một vò. Trong vòng 3 năm, trong thôn không có người say rượu...".
(Vũ quý công tự Đăng Khoa, thụy Chính trực. Công nguyên mệnh Mậu Tý hưởng linh tam thập hữu lục huý tứ nguyệt nhị thập thất nhật... Án công tiền hương trung thập lý hầu kiêm tư văn hội trùm trưởng, kỳ vi nhân dã trì tâm công chính, hào vô xâm nhiễu dân tài gian giả, nghiêm cấm thôn dân ẩm tửu, như hữu kỳ phúc chỉ hứa nhất nai, kỵ nạp chỉ đắc nhất hồ. Chu tam niên gian dân vô tuý tửu chi thanh).
Ghi chép đời thứ 8: "Ông là Vũ quý công tự là Huy Trác, thụy là Hữu Lập. Ông sinh giờ Hợi ngày mồng 6 tháng 9, hưởng thọ 49 tuổi... Ông nguyên là Cai tổng kiêm Trùm trưởng Hội tư văn trong làng. Phàm là Nho, y, lý số không gì ông không biết. Khi thì mở lớp dạy học cho các đệ tử gồm 40, 50 người; khi thì ruộng vườn vui vẻ cùng vợ con có đến hơn mười mẫu ruộng; khi thì đem y thuật Hiên Kỳ(3) chữa bệnh cho dân thôn; khi thì mang chí của Quách Phác(4) tự vui với sông núi. Kẻ nào đói thì cho ăn, người nào bệnh thì chữa thuốc. Những kẻ theo ông được hơn 1 năm, ông lấy tiền của nhà đem nộp thuế cho, một mảy may không sách nhiễu dân".
(Vũ quý công tự Huy Trác thụy Hữu Lập. Công sinh vu Tân Dậu niên cửu nguyệt sơ lục nhật Hợi bài hưởng linh tứ thập hữu cửu... Án công nguyên hương trung thập lý hầu kiêm tư văn hội trùm trưởng kiêm nho y lý số vô sở bất tri thời hoặc chiên đường tứ tập nhật dữ đệ tử tứ ngũ thập nhân, thời hoặc nông phố nhàn du lạc dữ thê noa nhất thập dư mẫu, hoặc dĩ Hiên Kỳ chi đạo dược dữ hương thôn, thời hoặc dĩ Quách Phác chi hoài tự ngu sơn thuỷ. Cơ giả tắc thực chi, bệnh giả tắc dược chi, kỳ tòng công dã kinh nhất niên dư, thủ gia tư nhi cung tố thuế, hào vô tư nhiễu ư dân).
* Phần cuối cuốn phả được tác giả ghi lại tỉ mỉ những quy ước của dòng họ, những điều mục này sẽ giúp chúng ta hiểu thêm mối quan hệ dòng tộc đặt trong khung cảnh thôn xã vào thời Nguyễn, những điều mục đó thể hiện khá sâu sắc về mối quan hệ giữa cha con, vợ chồng, nội ngoại trong dòng tộc, quan hệ về tuổi tác trong dòng tộc, quan hệ giữa người trong dòng tộc với người ngoài; cách ứng xử với con gái trong họ đi lấy chồng, với những người đỗ đạt, với việc cưới xin phúng điếu, đối với những gia đình hoàn cảnh khó khăn... Bên cạnh những điểm hạn chế của quy ước ghi trong cuốn phả người đọc còn tìm được những ý nghĩa tốt đẹp tích cực ở đó. Sau đây, chúng tôi xin trích dịch một phần bản quy ước để bạn đọc tham khảo:
"Ngày, tháng năm Tân Mão tu tạo từ đường, phí tổn khá nhiều. Bản tộc cùng thuận tình đem bán những số ruộng đã mua để chi dùng cho việc công. Chỉ còn lại 2 sào, lại [bán](5) tiếp 4 sào.
Số ruộng tổng cộng là bao nhiêu thước, sào, mẫu cứ chiếu theo những người trong họ mà luân phiên nhau cày cấy. Hàng năm, thu hoạch xong, bản tộc sẽ chiếu thu mỗi mẫu 300 đấu thóc, đong thành 2 vụ phơi khô sạch sẽ. Việc thuế đê điều các hạng, bản tộc sẽ cùng chịu.
- Tế tiên tổ cùng với các tiên linh của bản tộc, các lễ vật cần dùng ứng với số tiền là trên dưới 20 quan, rượu chỉ cho phép dùng 6 mạch, không được quá nhiều. Nếu người nào thiếu sẽ định lệ tróc thu số tiền là 6 mạch, lại phải biện trầu cau để lễ tạ tiên tổ.
- Phàm số thuế ruộng, thuế lúa thu được bao nhiêu, số đó sẽ đem bán, để sắm biện lễ kính tế. Số còn lại đặt hai gian ở bên phải nhà tế đường hoặc lập riêng một kho chứa, hễ thấy giá thóc cao thì bán, giá thấp thì mua vào. Hễ nhà Tế đường, các đồ tế khí và đồ khí huyết bị đổ, hỏng thì sẽ bỏ số tiền công, thóc công này để tu bổ. Đời đời các trưởng nam phải giữ gìn cẩn thận để phụng thờ. Mà số tiền công này chỉ được dùng để tu bổ từ đường, tế đường, sửa chữa các đồ tế khí và mua đất, về sau mới được nhận. Số tiền công này hoặc nhân khi đói kém thì mang ra cấp phát chi mọi người trong họ tộc, đợi sau sẽ bổ sung số đó, không được để thiếu. Giữ mình trang nghiêm, không tiêu hoang xa xỉ. Tất cả số tiền thóc ghi thành 2 bản, trong họ giữ 1 bản, giao cho trưởng nam giữ cẩn thận 1 bản. Chọn trong họ ai là người liêm khiết công minh chính trực thì cử làm Điển bạ. Cửa giả, chìa khoá thì chọn trong họ một trưởng đáng tin cậy để giữ gìn. Nếu như có sự bán trác, tiêu dùng việc gì, phải trình bày rõ ràng cùng trưởng tôn và mọi người trong họ. Các cụ thọ lão chức dịch sẽ cùng đến họp bàn phạt hay tha thứ cho sự phiền nhiễu này. Nếu người nào nhân cơ hội mà chiếm đoạt của chung cho vào túi riêng thì sẽ định vào tội bất hiếu.
- Bản tộc đặt ruộng công là 1 mẫu để làm ruộng học điền, mọi người cùng luân phiên nhau cày cấy, chiếu thu thuế lúa để trả công cho thầy đến dạy cho con em trong họ. Trong họ có người nào trúng Đệ tam giáp Tiến sĩ trở lên, bản tộc sẽ lấy số ruộng công điền đó biếu cho 5 sào. Nếu trúng Cử nhân, biếu cho 3 sào. Trúng Tú tài biếu cho 2 sào. Số ruộng biếu đó cứ theo thứ tự cao thấp của khoa bảng mà biếu. Nếu chưa có các hạng cao mà trong họ có ai có năng lực đọc thông văn tự mà có khả năng dạy dỗ những người trong họ thì cũng sẽ được giao cho số ruộng cày cấy để dùng trong những ngày cúng lễ.
- Trong họ có người nào lên thọ lão từ 70 tuổi trở lên thì sẽ được ban tặng 1 đôi câu đối lụa đỏ, 5 quan thanh tiền. Tất cả lớn bé trong bản tộc vào ngày mồng 3 Tết Nguyên đán phải tề tựu ở nhà ấy để lễ bái chúc thọ. Từ 50 tuổi trở lên được ban tặng 3 quan thanh tiền. Người nào trúng Tiến sĩ trở lên sẽ được ban tặng 1 bức trướng văn cùng 20 quan thanh tiền. Trúng cử nhân được ban tặng 1 bức trướng văn vung 10 quan thanh tiền. Trúng tú tài được ban tặng 1 đôi câu đối lụa đỏ và 5 quan thanh tiền. Nếu như làm các chức tạp dịch như Võ từ Suất đội hoặc Cai phó tổng cũng sẽ được ban tặng như lệ cho Tú tài. Người nào được đặc ân có sắc thụ Bá hộ hoặc Võ từ Chánh phó quản cơ trở lên sẽ được ban tặng như lệ với Cử nhân, một mặt để thể hiện nghĩa lý tôn ti một mặt để thể hiện tình tương thân tương ái.
- Sau khi làm lễ tế xong, các lễ vật, thủ lợn chia đều làm 2 phần. Một phần đem biếu các vị khoa mục từ Tú tài trở lên, những người ưu tú thì biếu; một phần đem biếu những người từ 50 tuổi trở lên cùng với các viên chức dịch, biếu trưởng nam, biếu điển bạ. Cỗ còn lại chia đều để chia cho mọi người từ lớn đến bé tất cả một cỗ như nhau gồm 3 mâm.
Khi ngồi trong chiếu phải chiếu theo tuổi tác mà ngồi, không được ngồi lung tung. Nếu như người đến dự có chức sắc thì trong ngày tế tổ phải chỉnh biện trầu rượu và thanh tiền 3 quan rước về từ đường bái yết, không phân biệt tuổi tác cao thấp đều cho phép ngồi cùng với những người 50 tuổi để phân biệt tôn ti.
- Phàm con cháu các đời người nào có lòng nhớ nguồn cội mà cung tiến ruộng bao nhiêu mẫu, bao nhiêu sào, thước, mét và các đồ tế khí đều ghi vào phả để làm gương. Hễ đến ngày tế tổ, sẽ đem biếu người đó thịt 1 miếng (giá 1 mạch 30 văn), trầu cau 3 quả để ngợi khen lòng nhớ về cội ấy.
- Trong họ hễ con gái đi lấy chồng, bản tộc sẽ chiếu thu tiền lan giai là 1 quan 2 mạch, rượu 1 be, trầu cau lễ 12 quả, trầu cau lệ 100 quả. Con rể sẽ chỉnh biện trầu cau đem đến từ đường bái yết để làm rõ sự thờ cúng tổ tông.
- Trong họ có đàn ông, đàn bà nào bất hạnh qua đời, bản tộc lớn bé sẽ đến và lo chu toàn đưa đến mộ. Hễ người nào tuổi từ 40 trở lên, bản tộc sẽ chỉnh biện gà xôi, trầu rượu giá tiền là 2 quan mang đến miếu đường làm lễ viếng để tỏ sự tôn trọng hiếu đạo.
- Người nào cúng tiến ruộng và ruộng mới mua và ruộng gửi giỗ được bao nhiêu mẫu, sào, thước, tấc và cúng tiến các đồ tế khí, bản tộc cũng sẽ ghi vào phả của các chi họ tên, ở xứ nào, không được ghi sai. Văn khế của số ruộng mới mua đó sẽ giao cho trưởng nam giữ gìn cẩn thận.
- Số tiền chung có được bao nhiêu, nếu trong họ có người nào cần để mưu cầu công danh, hoặc gặp sự nguy hiểm hoặc gia đình thiếu thốn không đủ để lấy vợ thì những trường hợp trên suy xét hành trạng, bản tộc sẽ ứng xuất tiền chung từ 2-30 đồng đến 1-2 trăm quan trên dưới tuỳ theo gia cảnh từng nhà mà bỏ ra ít hay nhiều để chi cấp cho mà lo chạy vạy công việc để biểu thị nghĩa tương chế tương duy. Sau khi công việc hoàn thành phải hoàn trả lại họ tộc y như số tiền lúc đầu. Nếu như trưởng nam là người cần mẫn việc nhà, chuyên chú nho nghiệp, không chơi bời lêu lổng, không phạm vào cờ bạc rượu chè mà hàng ngày vẫn không đủ chi dùng thì bản tộc sẽ có một số ruộng nhất định ứng cấp cho để cày cấy 2 vụ. Hễ đến ngày tế tổ, phải chỉnh biện lễ vật ứng với các khoản tô thuế các vụ. Xong xuôi hoàn trả lại cho bản tộc. Còn thuế thóc bản tộc đã miễn cho, đã giúp cho lúc hoạn nạn mà còn ăn chơi lêu lổng, cờ bạc rượu chè thì bản tộc chẳng cấp cho nữa.
- Ngày kính tế, người nào uống rươụ quá nhiều, nói năng thất lễ hoặc hai bên đấu khẩu, phải người từ 40 tuổi trở lên tróc khoán tiến 1 quan 2 mạch. Nếu chưa đến 40 tuổi, sẽ đánh đòn đau 30 roi để trừng trị răn dạy, lại biện trầu rượu đến để lễ tạ tiên tổ.
- Trong họ người nào được đặc ân ở ngôi cao phẩm trọng, có xe ngựa, võng lọng thì đến bái yết từ đường, các loại xa mã phải để ở ngoài. Không được đem phú quý kiêu ngạo với cha mẹ, anh em tông tộc, để thể hiện người biết tôn ti trật tự. Nếu trái sẽ tróc phạt không tha.
- Trong họ ai có điều gì khúc mắc hoặc hai bên lăng mạ đánh nhau thì trước tiên phải mang trầu cau tường trình với trưởng nam để thông báo với những người cao tuổi trong họ cùng đến để phán xét làm rõ những uẩn khúc đó; Đánh đòn 30 roi để răn dạy và tróc phạt 1 quan 2 mạch cùng biện trầu rượu để tạ lỗi. Nếu đã phân xử xong mà không chịu nhận, lại tường trình lên lý trưởng trong làng hoặc đến công sở cũng xử như thế thì bản tộc sẽ tróc phạt tiền là 3 quan 6 mạch, lại phải chỉnh biện trầu rượu để tạ lỗi với tiên tổ. Hoặc như có chuyện gì chưa minh bạch chưa tường trình với bản tộc mà đã đi cáo với quan trên hoặc hương lý thì cũng bị tróc phạt như thế.
- Trong làng có đàn ông, đàn bà tuổi đã già mà chưa có con trai muốn gửi giỗ cho bản tộc thì trước tiên phải có trầu cau trình bày rõ với các bậc cao tuổi, chức sắc. Đến ngày tế tổ, phải bỏ tiền riêng là 10 quan, đất tốt 5 sào và trầu cau mang đến từ đường lễ bái, tường trình với các chi trong bản tộc, đem phả ra ghi tất cả vào phả. Hàng năm đến ngày giỗ sẽ giao cho trưởng nam chỉnh biện gà, xôi, trầu, rượu và cơm ngon cùng tiền vàng, giá tiền là 3 quan đặt ở bên phải của từ đường. Bản tộc sẽ cung kính hành lễ cúng tế để tỏ lòng tôn trọng đạo hiếu và cũng là ngày tế tổ cùng về phối hưởng.
- Những người (những linh hồn) không có con thừa tự, hàng năm đến ngày 15 tháng 7, bản tộc sẽ chỉnh biện 3 quan tiền công mang đến giao cho người coi chùa chỉnh biện mua lễ vật và ghi tên hiệu của các chư linh lên sớ cúng để phù hợp với lẽ sống chết, mất còn.
- Trong họ có người nào nghèo túng khốn khó, không đủ tiêu dùng thì bản tộc sẽ giúp đỡ để cho không đến nỗi phải ly tán mất nơi ở để thể hiện lòng bảo vệ tương trợ lẫn nhau.
Các tiết lễ trên đây, tôi là kẻ hèn mọn, học vấn còn thô kệch, chỉ biết được 1, 2 điều ghi lại để con cháu soi vào, đợi sau này đời sau học hành tấn tới, khoa mục đăng cao thì hãy châm chước cho. Nếu như có tổn hại hay ích lợi gì, năm tháng lâu ngày có gì hỏng nát hoặc thất lạc thì hãy xem những gì đã ghi, đưa bản tộc ký nhận để truyền lại cho con cháu mai sau.
Ngày 15 tháng 8 năm Canh Dần, bản tộc định lệ người nào ở ngoại tộc mà muốn nhập vào họ thì phải nộp 2 đồng, rượu 1 be, trầu cau 100 quả, cho ngồi ở vị trí từ bàn thứ tư trở xuống. Nay lệ.
Nếu là con nuôi, nộp 1 đồng; trong họ nộp 5 hào, rượu ngon như lệ cũ.
Chú thích:
(1) Vào thời Tự Đức (Nguyễn ) Hà Tây thuộc tỉnh Hà Nội.
(2)Phần dịch nghĩa trong bài viết chúng tôi tham khảo bản Đỗ Bích Tuyển dich, Nguyễn Ngọc Nhuận hiệu đính.
(3) Hiên Kỳ tức là Hiên Viên (Hoàng đế) với Kỳ Bá là hai ông tổ y thuật của Trung Quốc.
(4) Quách Phác, người đời Tây Hán, giỏi từ phú, thuật số bói toán.
(5) Chỗ này phải ghi là mua mới đúng. ở đây chúng tôi dịch theo nguyên bản.
Thông báo Hán Nôm học 2003, tr. 421-429