Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 403
Truy cập hôm nay: 4,073
Lượt truy cập: 11,629,155
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Phát hiện mới về kiến trúc thành nhà Tây Sơn

PHÁT HIỆN MỚI VỀ
KIẾN TRÚC HOÀNG THÀNH NHÀ TÂY SƠN

Sau 22 ngày (2-9 đến 21-9-2004) tiến hành khai quật trên diện tích 200m2 tại xã Nhơn Hậu (huyện An Nhơn, Bình Định), các nhà khảo cổ học đã phát hiện những dấu tích đầu tiên của thành Hoàng Đế.

Đó là Thủy Hồ, nền điện Thái miếu và hàng ngàn hiện vật quí giá góp phần làm sáng tỏ kiến trúc cung đình nhà Tây Sơn...

Các nhà khảo cổ đã khai quật hai hố trên nền của khu vực được xem là khu Tử Cấm thành của vương triều Thái Đức Nguyễn Nhạc. Ở hố đầu, chỉ dưới lớp đất vài phân, Thủy Hồ lộ rõ hình vành trăng khuyết, dài hơn 17m, sâu 1,6m, vách hồ có trang trí san hô trắng và một số bệ đá tạo cảnh. Đáy hồ được lèn chặt bằng gạch, sau đó nén lên trên một lớp đất sét. Thành Thủy Hồ chủ yếu được xây bằng đá ong, vật liệu của Champa - lấy từ thành Đồ Bàn cũ đã hoang phế cách đấy chừng hai thế kỷ. Cách đó vài chục mét khi khai quật hố thứ hai, các nhà khảo cổ phát hiện nền của một công trình khác, được xác định là Thái miếu.

Tiến sĩ Đinh Bá Hòa - phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định - cho biết hàng ngàn hiện vật được phát hiện và tạm chia bốn nhóm: vật liệu kiến trúc, vũ khí, tiền - đá quí và đồ sứ men lam. Nhóm vật liệu kiến trúc khá sinh động bởi đã phát hiện đa dạng vật liệu. Ngoài đá ong còn có nhiều loại gạch, ngói, gốm trang trí khá tinh xảo. Đáng chú ý là tại hoàng thành Thái Đức Nguyễn Nhạc đã phát hiện nhiều mẫu cổ vật là đồ sứ men lam (thời nhà Minh - Trung Hoa). Nhóm vũ khí có các loại đạn đá nhiều kích cỡ, đạn chì và nhiều loại vũ khí bằng sắt (mũi tên, mũi giáo bốn cạnh). Các nhà khảo cổ đã phát hiện một số tiền đồng nhưng hầu hết đã gỉ sét, chưa xác định được liệu đây có phải loại tiền “Quang Trung thông bảo”. Đặc biệt, TS Đinh Bá Hòa cho biết đã phát hiện một vài mảnh đá ngọc tại hố khai quật.

Đối chiếu các tài liệu lịch sử với hiện trường khai quật cho thấy: vùng đất này là kinh thành Vijaya (của vương triều Champa), sau hai thế kỷ phế tích. Sách Lê Quý dật sự chép rằng: Nguyễn Nhạc “nhân đất cũ của Chiêm Thành, sửa đắp thành Đồ Bàn, đào lấy đá ong xây dựng thành lũy, mở rộng cung điện”. Sự kiện ấy được ghi lại vào năm 1776. Đến năm 1778 Nguyễn Nhạc cho đổi tên là thành Hoàng Đế.

Trong suốt thời gian dài từ 1776 - 1793 tòa thành này là đại bản doanh của quân Tây Sơn và năm đó là kinh đô của chính quyền trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Từ năm 1793 cho đến khi nhà Tây Sơn thất bại hoàn toàn, tại nơi đây đã diễn ra những trận chiến đấu vô cùng quyết liệt giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh. Về sau Gia Long đã cho dựng ngay chính điện hoàng thành đền thờ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu. Thực tế khai quật cho thấy dấu tích của thành Hoàng Đế đã bị chôn vùi, và ngay trên Thủy Hồ là dãy tường đá ong. Các nhà khảo cổ nhận xét có thể đây là một phần công trình lăng tẩm của Võ Tánh.

Tiến sĩ Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học) nhận xét: “Vương triều Tây Sơn chỉ tồn tại trong vòng 25 năm, song với những di vật phát hiện được tại hố khai quật chừng 200m2 ở Tử Cấm thành cho thấy nhà Tây Sơn đã có những đóng góp đáng kể về mảng kiến trúc văn hóa - một lĩnh vực lâu nay ít được đề cập và đầu tư nghiên cứu có hệ thống hoàn chỉnh. Đó cũng là ý nghĩa lớn lao của cuộc khai quật lần này.

Cụ thể, từ Thủy Hồ chúng ta có thể định vị tìm hiểu những hoạch định trong mặt bằng kiến trúc cung đình hoàng thành của Thái Đức Nguyễn Nhạc nói riêng, nhà Tây Sơn nói chung. Chẳng hạn, bên kia Thủy Hồ là một công trình đối xứng, rồi các công trình chính điện. Chúng ta đã tìm ra được dấu vết nhà thờ tổ của ba anh em Tây Sơn ngay trong hoàng thành...

Nếu điều kiện thuận lợi, cần tiếp tục khai quật khảo cổ qui mô hơn để tái hiện đầy đủ thành Hoàng Đế - chắc chắn các hiện vật thu được từ đây sẽ làm sáng tỏ và bổ sung tư liệu cho các công trình nghiên cứu về vương triều Tây Sơn. Bởi so với những công trình kiến trúc mà Nhà Tây Sơn đã từng tu tạo và xây dựng như thành Phú Xuân ở Huế, Phượng Hoàng trung đô ở Nghệ An và các thành lũy khác trên đất Bình Định thì thành Hoàng Đế có qui mô lớn nhất. Nó giữ một vai trò quan trọng của một giai đoạn hoàng kim và cũng đã chứng kiến những sự kiện bi tráng trong những năm tháng cuối cùng của phong trào áo vải cờ đào trên đất Bình Định...

Bảo Trung - Duy Thông

Người đăng: admin