MỘT LÀNG NGƯỜI VIỆT TRÊN ĐẤT TRUNG HOA: VẪN TIỀM ẨN MỘT CĂN CỐT VIỆT NAM
Nguyễn Vinh Phúc
Ở Trung Quốc có 56 dân tộc, trong đó có một dân tộc ít người được gọi là người Kinh. Dân tộc ấy chính là người Kinh ở Việt Nam sang, ở rải rác vùng biên giới Việt Trung, có khi quần tụ thành một làng, ít nhiều còn bảo lưu thiết chế làng xã cổ truyền của người Kinh Việt Nam. Có thể nêu một thí dụ: Làng Vạn Vỹ ở khu vực Kinh Đảo thuộc thị trấn Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây. Kinh Đảo vốn là một hòn đảo, dân trú ngụ ban đầu là người Kinh nên có tên gọi như vậy. Cách đây khoảng trăm năm do cát bồi, đảo trở thành một bán đảo.
Từ trung tâm thị xã Móng Cái địa đầu nước ta đi bộ khoảng ngàn thước, qua cầu biên giới Bắc Luân là đã sang trị trấn Đông Hưng. Từ Đông Hưng theo đường hàng tỉnh đi về hướng thị trấn Giang Bình. Đông Hưng - Giang Bình 18km, nhưng chỉ tới km16 thì rẽ phải, đi theo 6km đường bờ biển là tới Kinh Đảo. Tỉnh Quảng Tây có chủ trương xây dựng Kinh Đảo thành một khu nghỉ mát (vì từ Nam Ninh về đây, đường tốt, chỉ khoảng 220km). Cho nên tại đây đã có khách sạn 3 sao mang tên “Kinh Đảo tửu điếm” sát kề bờ biển. Từ khách sạn Kinh Đảo đi tới làng Vạn Vỹ chỉ non một nghìn thước. Bên đó làng gọi là thôn. Thực ra, trên Kinh Đảo có nhiều thôn như Vu Đầu, Lê Ôậc, Hoàng Ôậc, Sơn Tâm, Sa Vỹ... nhưng chỉ có thôn Vạn Vỹ là hoàn toàn người Kinh. Tổ tiên họ ở Đồ Sơn, di cư sang khoảng trên ba trăm năm. Thôn này nay nhìn đại thể cũng như những làng quê Trung Quốc: Nhà tường gạch to bản màu xám, lợp ngói âm dương, bếp liền một khu với nhà ở. Chỉ ở dãy phố chính đi qua giữa thôn là có nhà xây theo kiến trúc mới, hai ba tầng, mái bằng (trong thôn cũng lỗ chỗ có nhà cao tầng, kiến trúc mới, đó là những hộ mới giàu lên). Có điều là khi đi vào sâu trong thôn, lọt giữa những lùm tre và ao chuôm có một ngôi đình, đình xây kiểu chuôi vồ, dáng dấp kiến trúc Trung Quốc - vì đình đã qua nhiều lần tu sửa theo kỹ thuật Trung Quốc - song đi vào trong đình thì tính chất đình Việt khá rõ. Trước hết, ở nhà tiền tế vẫn có cửa võng bằng nỉ đỏ (các cụ già cho biết xưa bằng gỗ nhưng sau bị hỏng phải thay bằng nỉ) bên trên có 4 chữ Thánh cung vạn tuế. Đây đúng là căn cốt ngôi đình làng người Việt. ở Trung Quốc thực ra không có đình làng, đành rằng chữ “đình” là một chữ Trung Quốc song có một hàm nghĩa khác hẳn “đình làng” người Việt. Tại đình có thờ thành hoàng, những 5 bài vị: Chính giữa là Bạch Long Vĩ trấn hải đại vương, hai bên là Cao Sơn đại vương và Điểm Tước đại vương, ngoài cùng là Trần triều Hưng Đạo đại vương và Thái Tổ thánh ứng quảng đạt đại vương. Các vị thành hoàng này phần lớn khá quen thuộc ở Việt Nam. Trần Hưng Đạo thì mọi người đều biết. Cao Sơn chưa rõ là vị nào trong số bốn vị cùng tên là Cao Sơn được thờ phổ biến ở Việt Nam, chỉ có đọc thần tích thì mới rõ là vị nào (ở Vạn Vỹ không còn thần tích). Bạch Long Vĩ trấn hải đại vương thì hẳn là Rồng thần trấn ngự đảo cùng tên, cửa ngõ đi vào vùng biển Đông. Còn Điểm Tước thì quá rõ, sự thờ phụng vị thần này đã nói lên một cách chắc chắn gốc rễ Đồ Sơn của cư dân Vạn Vỹ. Vì thành hoàng Đồ Sơn chính là thần Điểm Tước.
Như vậy, cách đây ba bốn trăm năm khi người Đồ Sơn sang lập nghiệp định cư ở Vạn Vỹ, họ đem theo cả tín ngưỡng thành hoàng của làng quê gốc. Cộng vào đấy là bên cạnh niềm tự hào về vị anh hùng được thần linh hoá là Trần Hưng Đạo, còn có cả sự nương tựa tinh thần vào uy linh và cầu mong sự che chở của vị thần này nên họ đưa luôn “đức thánh Trần” vào thần điện. Nay ở hai cây cột chính của hậu cung còn đôi câu đối đắp nổi có từ lâu đời:
Xã tắc lưỡng hồi, thanh sử biên trung thuỳ hoả liệt
Phong vân nhất biến, Bạch Đằng giang thượng tiếp uy linh.
Nghĩa là:
Xã tắc hai phen (thắng giặc Nguyên) bên trong sử xanh còn rực ánh lửa hào hùng.
Gió mây một trận, trên sông Bạch Đằng uy linh vẫn tiếp nối.
Thôn Vạn Vỹ còn có một số tục lệ cổ được bảo lưu như tại đây cũng có phe giáp, bốn giáp cả thảy, mang tên Đông, Tây, Thượng, Hạ. Thôn mở hội ngày 9 tháng 6 âm lịch. Trước đó, mỗi giáp cử ra hai ông đám, tất cả 8 ông đám phải nuôi 8 con lợn để làm lễ. Khi tế cũng có chủ tế, bồi tế, đặc biệt chúc văn viết theo lối cổ và đọc theo âm Hán-Việt. Sau khi tế có hát cửa đình. Cúng tế xong, mọi nam giới cũng thụ lộc ở trong đình, ngồi theo giáp, trừ 4 vị cao tuổi nhất được ngồi mỗi vị một mâm. Ngoài ra trong ngày hội, nam nữ vẫn có tục hát đúm. Những bài hát này, nay vẫn có người thuộc và xem ra thì chưa hề được in trong các sách sưu tầm dân ca của ta hiện nay, tức đây là những bài hát cổ theo người di cư mà tồn tại bên trời Bắc.
***
Dân số người Kinh ở Vạn Vỹ nay có chừng 1.700 nhân khẩu, phần lớn làm nghề chài lưới, còn lại thì làm ruộng. Số ít làm cán bộ viên chức ở huyện, tỉnh. Như vậy, đây nguyên là một vạn chài. Tất cả có 6 họ: Đỗ, Lê, Hoàng, Tô, Nguyễn, Vũ. Tương truyền ban đầu từ Đồ Sơn sang có những 12 họ, sau 6 họ quay trở về. Nhiều người vẫn nhớ là cả vạn chài di cư sang đây đã được 12, 13 đời. Tên tuổi các ông cao tằng tổ khảo vẫn được con cháu bây giờ ghi nhớ, (ông Tô Minh Tân - bác sĩ của làng - trong một lúc đọc ngay được tên của 10 đời ngày trước). Họ vẫn nói tiếng Kinh, nhưng đối với thế hệ trẻ thì giọng lơ lớ đi nhiều và vốn từ ngữ cũng mỏng đi. Vì ở đây tiểu học và trung học toàn học bằng chữ Trung Quốc và tiếng Bắc Kinh.
Điều ghi nhận cuối cùng là thế hệ ngày nay hầu như chưa một lần về Đồ Sơn - kể cả các ông bà già bảy tám chục tuổi - mà vẫn giữ được tiếng nói cùng những phong tục của dân tộc. Phải chăng vì ở đấy vẫn tiềm ẩn một căn cốt Việt Nam.
Theo website:www.ilr-moj.ac.vn