VĂN THÁNH MIẾU VĨNH LONG
--- Vũ Thanh ---
Được khởi công xây dựng từ năm 1864 với sự chủ trì của đại thần Phan Thanh Giản và Đề học Nguyễn Thông, Văn Thánh Miếu bao gồm hai công trình quan trọng là Khổng Thánh Miếu và Văn Xương Các, nằm ở thị xã Vĩnh Long. Văn Thánh Miếu được trùng tu sửa chữa nhiều lần và hiện đang được quy hoạch tôn tạo để trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn.
Trên đường từ TP Hồ Chí Minh về miền Tây Nam Bộ, qua cầu Mỹ Thuận là địa phận tỉnh Vĩnh Long. Tại phường 4 thị xã Vĩnh Long có một khu di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng là Văn Thánh Miếu. Công trình này được xây dựng từ năm 1864, hoàn thành cuối năm 1866 với sự chủ trì của Kinh lược đại thần Phan Thanh Giản, Đề học Nguyễn Thông, sự đóng góp của nhiều đại thần cựu trào cùng sĩ phu và nhân dân ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Từ đó tới nay, Văn Thánh Miếu đã nhiều lần được trùng tu tôn tạo để giữ được vẻ đẹp tôn quý thanh cao. Cổng Tam quan của Văn Thánh Miếu uy nghi trên đường Trần Phú bên dòng sông yên tĩnh. Năm 1928, cổng làm bằng cột gỗ mái ngói, năm 1936 được xây hai trụ cổng với đôi liễn mang những hình ảnh thơ mộng:
Liễu phố tân sào nha tháo nguyệt
Hạnh đàn cửu chỉ mã tê phong
(Nơi bờ sông, trên cây liễu bầy quạ thấy trăng kêu rộ.
Chốn sân hạnh, nhớ chuồng cũ lũ ngựa nghe gió thổi hí vang).
Tới năm 1964, được thay bằng đôi liễn mới:
Khổng môn truyền đạo thiên ban thượng
Thánh Miếu sùng văn vạn đại tôn
(Đạo truyền của Khổng Thánh trên nghìn bực,
Miếu Thánh sùng văn cả vạn năm).
Hai hàng cây cao thẳng tắp tạo cho khuôn viên vườn cảnh và khu di tích một bề sâu và không khí uy nghi trầm mặc lạ lùng. Con đường nhỏ dưới hai hàng cây dẫn tới Khổng Thánh Miếu - đền thờ Đức Khổng Tử. Trên con đường đó giữa hoa lá đan xen, khách có thế chiêm ngưỡng ba tấm bia đá đã phôi pha với thời gian. Trước cổng đền là tấm bia ghi văn tài của cụ Phan Thanh Giản, mặt trước nêu lý do dựng miếu, xưng tụng công đức Thánh Nhân và triều đình, mặt sau dương danh những người có công. Hai bia khác đứng gần nhau ở phía ngoài nói về những nhân sĩ, thân hào và người có công trùng tu, cúng hiến cho Văn Thánh Miếu. Hai công trình quan trọng ở khu di tích này là Khổng Thánh Miếu và Văn Xương Các.
Khổng Thánh Miếu trước kia đơn sơ, cột cây mái ngói trên nền đất, năm 1903 mới được thay bằng cột gỗ căm xe, lót gạch tàu, lợp ngói đại và ngói ống. Trong đền, ở gian chính giữa, trong cùng là bàn thờ Đức Khổng Tử - vị tổ của đạo Nho. Tư tưởng Nho giáo được truyền sang nước ta đã góp phần không nhỏ cho nền văn hóa và học thuật, các vị vua nhà Lý, nhà Trần cũng lập miếu thờ Đức Thánh Văn. Học trò của Khổng Tử có trên 3.000 người, những người vượt trội cũng được thờ trong đền này: Trước bàn thờ Khổng Tử là bài vị bốn học trò giỏi nhất (Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử và Nhan Tử), hai bên là bài vị 12 học trò giỏi và hai bên phía ngoài sân đền thờ 72 đệ tử đắc ý của ngài. Còn Văn Xương Các nằm ngay bên phải lối vào khu di tích, hai bên có hai khẩu thần công. Những khẩu súng cổ này từ năm 1921 đã được đặt tại cầu tàu (trước viện Bảo tàng Vĩnh Long hiện nay), năm 1937 mới mang tới Văn Thánh Miếu và năm 1960 được đặt uy nghi trên bệ xây. Văn Xương Các trước kia là Thơ lầu, chỉ với nền đất, cột gỗ mái ngói nhưng có hai tầng. Tầng trên để tàng trữ văn thơ, chính giữa là bàn thờ ba vị thiên đế trông coi về văn học. Tầng dưới là nơi nghỉ ngơi cho khách đến cúng tế Khổng Tử, và nơi bình văn luận võ của các quan đại thần. Năm 1914 Thơ lầu được trùng tu với nền gạch, cột gỗ căm xe, mái lợp ngói ống, tầng trên treo biển Văn Xương Các (Gác thờ ba vị Văn Xương đế quân), tầng dưới treo biển Tụy Văn Lâu (Lầu nhóm văn nhân). Văn tài của cụ Phan Thanh Giản dồi dào và đa dạng, còn lưu truyền nhiều tác phẩm giá trị như Lương Khê thi thảo, Lương Khê văn thảo, Thanh thi tập, Tây Phù nhựt ký, ước Phu thi tập, Minh Mạng chí yếu, Việt sử thông giám cương mục... Sinh thời cụ là vị quan đại thần khiêm tốn, cương trực, hiếu nghĩa, liêm khiết và thương dân. Tháng 6-1867, Pháp tấn công ba tỉnh miền Tây Nam Bộ, tình thế bắt buộc phải giao thành, cụ đã nhịn đói 17 ngày rồi uống thuốc độc tuẫn tiết sau khi dặn dò con cháu không hợp tác với Pháp. Nhân dân nhiều nơi từ Bến Tre tới Vĩnh Long, Gia Định, Biên Hòa, Sông Bé... lập miếu thờ cụ. Đồng liêu và chí sĩ khắp ba miền đều có thơ văn phúng điếu. Đặc biệt, bài thơ Khóc cụ Phan của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã nói lên lòng trung hiếu và tâm sự u uất của cụ. Năm 1929, vua Khải Định ban sắc phong thần cho cụ tại Thủ Dầu Một, Sông Bé.
Năm 1933, sau khi vua Bảo Đại ban sắc tái phong cho cụ là Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần thì ở tầng dưới Thơ lầu đặt thêm biển đề Phan Thanh Giản thần miếu bằng chữ quốc ngữ. Từ đó tới nay, trên lầu vẫn thờ ba vị Văn xương đế quân và tầng dưới có 5 bàn thờ. Chính giữa, trong cùng là bàn thờ cụ Phan hai bên có hai câu liễn:
Công cái tam triều cảnh cảnh điển mô chiêu á thánh
Đức thùy bách tánh dương dương tiết liệt sắc phong thần
(Công khó khắp ba trào chói chói điển mô so bậc thánh.
Đức dày gieo trăm họ hây hây tiết liệt đáng phong thần).
Trước mặt cụ Phan là bàn thờ cụ Võ Trường Toản. Gian trái thờ các đại thần cựu trào, gian phải thờ các minh bang, tổng xã, gian sau thờ các hiền nhân, hương chức và từ có công với hai ngôi đền. Kế bên Văn Xương Các là khu nhà trù, nhà tiệc. Được công nhận là di tích lịch sử văn hóa từ tháng 3-1991, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long, đang được quy hoạch bảo vệ, trùng tụ, tôn tạo để trở thành một địa chỉ hấp dẫn của ngành du lịch Vĩnh Long cũng như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn: Phụ nữ Việt Nam