Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 66
Truy cập hôm nay: 10,826
Lượt truy cập: 11,648,524
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
"Hiệp sĩ" của người nghèo

Phóng Sự - Ký Sự của VŨ BÌNH

TT - Ông là người đầu tiên thành lập tổ chức nhân đạo tư nhân cưu mang gần 700 trẻ lang thang không nhà, và cũng là người tự nguyện trải lòng giúp những người lao động nghèo nhập cư vướng phải những oan sai, khó khăn trong cuộc sống. 

Bố của 700 đứa trẻ

Ông Vũ Tiến vẫn còn nhớ như in ngày nào đứng ra cưu mang những đứa trẻ lang thang trên hè phố gần 20 năm trước. Lúc đó, sau khi xuất ngũ ngành công an, ông cùng vợ là bà Vũ Ngọc Oanh, vốn là giáo viên, đứng ra thành lập tổ ấm Xa Mẹ là một trong những tổ chức nhân đạo tư nhân đầu tiên ở Hà Nội.

Ông Tiến kể “cơ duyên” gắn bó với những đứa trẻ lang thang bắt đầu từ khi hai vợ chồng ông thuê nhà, mở quán ăn ở gần ga Hà Nội để trang trải cuộc sống gia đình. Tối tối có những đứa trẻ bán báo, đánh giày, trẻ lang thang đói khát cứ lảng vảng trước quán. Vợ chồng ông thấy tội nghiệp nên gọi các em vào ăn bữa tối miễn phí.

Vậy là bọn trẻ hè phố kéo đến ngày một đông, vợ chồng ông phải nghĩ ra cách để các em kiếm sống một cách đàng hoàng. Ông bỏ vốn ra liên hệ với các tòa soạn, đại lý báo để giao báo cho bọn trẻ đi bán. Những đứa trẻ lớn nhất trong nhóm đi nhận báo về phân phát lại cho bọn trẻ nhỏ rồi tự thu chi với nhau. Nếu bán có lãi thì chỉ cần trả lại cho ông phần vốn, nếu thiếu ông bỏ tiền bù thêm vào. Cơm nước ông vẫn lo ngày hai bữa. Ban ngày bán báo, đêm học chữ. Công việc trôi chảy, gần cả trăm trẻ lang thang bụi đời ở khắp nơi đã tụ về mái ấm tự phát này.

Đến năm 1991, tổ chức Đất Lành của Thụy Sĩ tặng mái ấm căn nhà ở số 13 Ngô Văn Sở (Hà Nội) làm nơi trú ngụ cho những đứa trẻ không nơi nương tựa. Mái ấm Xa Mẹ chính thức được thành lập, mở rộng cửa đón nhận tất cả trẻ lang thang, cơ nhỡ từ khắp nơi tìm đến. Trẻ ở mái ấm từ hai, ba tuổi đầu cho đến gần tuổi trưởng thành đến từ nhiều tỉnh, thành như Nghệ An, Thanh Hóa, Cao Bằng, Vĩnh Phúc...

Có nhiều trẻ tự lần mò đón xe ôm tìm đến, cũng có trường hợp do người trong xóm, chính quyền địa phương giới thiệu. Tất cả đều được “bố Tiến” mở rộng vòng tay đón nhận. Những đứa trẻ trộm cắp, móc túi... đã được “bố Tiến” cảm hóa bằng tình thương và sự chở che, đùm bọc.

Đến năm 1995, vợ chồng ông Tiến chuyển sang làm dịch vụ du lịch nên kinh tế ổn định hơn trước. Ông quyết định không để cho trẻ đi bán báo dạo nữa mà lo luôn cái ăn cho các em, học miễn phí hoàn toàn. Tất cả các em đều được xóa mù chữ. Các em lớn thì được bố Tiến đóng học phí, gửi đi học văn hóa ở Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, về mái ấm còn được học thêm các môn năng khiếu như đàn, vẽ...

Sau khi tốt nghiệp THPT, các em gái được đi học hướng dẫn du lịch, sư phạm; các em trai học lái xe, sửa chữa ôtô, điện tử... Rồi cũng chính “bố Tiến” và “mẹ Oanh” đứng ra dựng vợ, gả chồng cho những đứa con nuôi mà mình cưu mang từ bé đến lúc trưởng thành.

Bây giờ, ngôi nhà ở số 13 Ngô Văn Sở đang là “đại bản doanh” của Chương trình chăm sóc giáo dục trẻ em Xa Mẹ, cũng là mái ấm của trên 30 đứa trẻ lang thang đang trú ngụ, học tập. Đã có gần 700 lượt trẻ từ mái ấm này được đùm bọc, nuôi dưỡng, trong đó có trên 200 em đã trưởng thành, có công việc ổn định. Ông Tiến nói đó là hạnh phúc lớn nhất đời ông.

Trả nợ tấm lòng

Ông Tiến bảo: “Tôi làm những điều đó cũng chỉ vì muốn góp chút gì đó hữu ích cho đời. Nhiều người nói rằng tôi làm chuyện bao đồng vì đi làm cực khổ, lấy tiền nhà để nuôi con thiên hạ, nhưng thử hỏi nếu ai cũng nghĩ như thế thì cuộc sống này sẽ ra sao?”.

Ông Tiến kể rằng ông mồ côi bố từ năm 7 tuổi, 13 tuổi đã ra đường phố, lên rừng kiếm sống nuôi thân, từng làm đủ công việc như rửa bát, nấu cơm, đội cát, kéo thuyền... trên bước đường tự mưu sinh. Cũng nhờ tấm lòng cưu mang của nhiều người tốt mà ông mới sống và có được ngày hôm nay. “Tôi làm việc thiện cũng một phần tiếp nối trả nợ những tấm lòng, cảm ơn cuộc đời đã nuôi sống mình” - ông Tiến tâm tình.

Không chỉ với trẻ lang thang, mồ côi, nghèo khó, ông Tiến còn được nhiều người lao động, buôn thúng bán bưng kiếm sống trên đường phố Hà Nội tìm đến như một chỗ dựa khi gặp bất trắc trong cuộc sống.

Mấy năm nay, người ta lại thấy ông Tiến thường xuyên có mặt ở các vỉa hè, gầm cầu, những khu nhà trọ ổ chuột để thăm hỏi, giúp đỡ những người lao động nghèo khó. Có khi thấy ông tất bật, đôn đáo có mặt ở đồn công an này, trạm công an nọ để đứng ra bảo lãnh cho những người lao động nghèo bị tạm giữ vì không có đầy đủ giấy tờ tùy thân, vi phạm hành chính chỉ vì không hiểu luật. Có lúc lại thấy ông có mặt ở tòa làm nhân chứng cho những người nghèo bị vướng oan sai.

Ông Tiến khoe bản thảo cuốn sách Người ngoại tỉnh nghèo bán sức lao động, hàng rong trên địa bàn thủ đô cần biết của ông đang chuẩn bị xuất bản. Mấy năm qua, ông đã cất công soạn thảo từ các bộ luật và các văn bản hành chính của Nhà nước cũng như kinh nghiệm bản thân ứng xử trong cuộc sống của ông.

Ông bảo cuốn sách này dễ đọc, dễ hiểu, nó như một cẩm nang bỏ túi để những người lao động nhập cư nghèo tham khảo. Đọc cẩm nang này, người nghèo có cơ hội hiểu biết thêm về luật, các qui định hành chính, những điều cần thiết cho bản thân họ khi mưu sinh ở đô thị để tránh vi phạm các qui định, tránh gặp rắc rối chỉ vì không biết luật.

Ông dự định chi cả trăm triệu đồng tiền túi để in 1.000-2.000 cuốn, phát miễn phí cho người lao động nhập cư ở Hà Nội. “Đây cũng là chút tình cảm của tôi chia sẻ với họ. Có rất nhiều người tha phương kiếm sống, trải qua nhiều gian nan. Họ cần sự sẻ chia và tôi muốn sẻ chia cùng họ” - ông Tiến tâm sự.

V B

Vũ Trần Đức sưu tầm

Người đăng: admin