VIỆC HỌC THỜI XƯA
Từ thời Đinh, Lê Nho học chưa phát triển vì tình hình trong nước chưa ổn định. Đến thời Lý Hán học đã thịnh. Trong dân gian, việc học được phổ biến. Dân ta có chính thức ông đồ dạy học. Việc học của Thành Nam xưa có thể nói bắt đầu từ đây. Lúc đó nho học lên cao nhưng Phật giáo và Lão giáo cũng đồng hành. Đời nhà Trần Thành Nam đã có trường Văn Hưng. Đời nhà Lê, Lê Thái Tổ mở học hiệu ở các lộ. Học hiệu lộ Thiên Trường đặt ngay ở Thành Nam. Việc học định theo một chương trình đủ tứ thư, ngũ kinh, chế, biểu, thi văn và toán pháp. Thành Nam xưa có nhiều người đậu đại khoa như: Trần Đạo Tái (Tức Mặc ) thời Trần; Trần Xuân Vinh (Năng Lự hay Năng Tĩnh) đỗ tiến sĩ năm Cảnh Hưng thứ hai nhà Lê, làm quan đến cấp sử trung, Đào Đăng Quỹ (Đệ nhị ) đỗ tiến sĩ đời Lê, làm quan thượng thư coi cả việc quân quốc trong ngoài, tước Tê mỹ hầu; Trần Đăng Huỳnh (Vị Dương) đỗ tam giáp thời Lê, làm quan đến Tam giáp Đô ngự Sử-Hà Nhân Giả người làng Lựu phố đỗ thám hoa triều Lê; Trần Công Mai người làng Vị Hoàng đỗ tiến sĩ năm Bảo Thái Triều Lê làm quan thị lang; Vũ Công Độ người làng Vị Hoàng đỗ tiến sĩ đời vua Minh Mạng làm quan Bố chính Thái Nguyên; Trần Doãn Đạt, người làng Vị Hoàng đỗ phó bảng đời vua Tự Đức làm quan Án sát Hưng Yên; Trần Bích San, người làng Vị Hoàng sau đổi là Vị Xuyên, liên trung tam nguyên làm quan Tuần phủ Hà Nội; Trần Dương Quang, người làng Vị Xuyên đỗ cử nhân làm Án sát An Giang; Vũ Hoành Phát, người làng Vị Xuyên đỗ cử nhân làm Án sát Quảng An; Trần Đôn Phục, người làng Tức Mặc, đỗ cử nhân làm Bố Chánh Cao Bằng; Trần Dư người làng Phương Bông, đỗ Hương Công triều Lê làm quan Kiên mãnh dực đường quân, tước Hương phong hầu.
Trong khoảng gần 800 năm, từ đời Lý Trần đến triều Nguyễn, phần lớn danh nhân Việt Nam từ các bậc tướng tài, những người trị nước giỏi đến các nhà văn nhà thơ nổi tiếng đều xuất thân từ khoa cử. Khoa cử đã là lò nung đúc nhân tài của xứ mình và vấn đề khoa cử là thiên trọng yếu trong văn học sử và văn hoá sử nước Việt Nam ta. Nghiên cứu về khoa cử không thể không hiểu rõ cách tổ chức thi ra sao? Nam Định có trường thi Hương cửa ngõ đầu tiên để các danh nhân đi vào sự nghiệp. Nghiên cứu về thi Hương là tìm hiểu bước đi ban đầu ấy. Nay căn cứ theo điều lệ triều Nguyễn, chúng ta có thể có khái niệm về các kỳ thi trước vì lệ tuy có thay đổi đôi chút nhưng sự khác biệt cũng không nhiều.
Năm 1075, Lý Nhân Tông tổ chức khoa thi đầu tiên để kén chọn nhân tài. Mãi tới năm 1438, vua Lý Thái Tông mới ấn định khoa thi có 3 kỳ: Thi Hương, Thi Hội , Thi Đình. Lệ thi này giữ mãi cho đến kỳ thi Hương cuối cùng năm Ất Mão (1915) ở trường Hà Nam (tức trường Nam Định hợp nhất với trường Hà Nội theo quyết định của vua Đồng khánh khi mới lên ngôi 1855). Ở Trung kỳ, kỳ thi Hương cuối cùng ở trường Nghệ Tĩnh và Bình Định vào năm 1918. Trường Gia Định không còn nữa vì xứ Nam đã thuộc Pháp.
(Nguồn: Thành Nam Xưa - Vũ Ngọc Lý)