Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 74
Truy cập hôm nay: 639
Lượt truy cập: 11,581,259
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Tên họ người Việt Nam (phần 3)

Tên họ người Việt Nam ( Phần 3)

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy

Mục III : các loại tên của người thuộc một giới đặc biệt

Ngoài các tên dùng cho mọi người, còn có một số tên dành cho những người thuộc một giới đặc biệt như thương gia, nghệ sĩ, văn sĩ, các tín đồ tôn giáo và các nhà vua.

I. thương hiệu.

Thương hiệu là tên mà người trong giới kinh doanh đặt cho cơ sở hoạt động của mình. Nó có thể phát xuất từ tên một địa điểm. Một hiệu ăn ở thủ đô Sài Gòn tọa lạc tại đại lộ Ðồng Khánh đã mang tên là Ðồng Khánh tửu lâu.

Thương hiệu có thể bắt nguồn từ tên một xã: hiệu tương Cự Ðà vốn lấy tên xã Cự Ðà thuộc huyện Thanh Trì tỉnh Hà Ðông. Doanh nhơn cũng có thể lấy tên môt thành phố, một con sông ở nơi sanh quán của mình như Hà Nội, Sài Gòn, sông Hương, Mékong để đặt thương hiệu.

Ngoài ra, doanh nhơn có thể dùng một tên hàm ý hy vọng làm ăn phát đạt như Vĩnh Phát, Hưng Long. Ðặc biệt hơn, thương hiệu biểu lộ một đức tánh như Tín Ðức Thư Xã, Nhơn Ðức Lưu Phương. Thương hiệu đặt cho những cơ sở hoạt động trong một lãnh vực đặc biệt có thể mang một tên có ý nghĩa đặc biệt liên hệ đến lãnh vực này.

Ở Nam Việt trước đây có hai nhà bào chế và phát hành thuốc bắc mang tên hiệu là Nhị Thiên Ðường và Thiên Hòa Ðường dược phòng. Nhị Thiên Ðường nghĩa là ông trời thứ nhì, với tên này dược phòng nói trên đây có ý tự hào là thuốc của mình có khả năng cứu người bị bịnh nặng gần chết được hồi sanh nên đáng được xem như ông trời có ảnh hưởng quyết định đến sự chết sống của con người. Tên Thiên Hòa Ðường cũng có một ý nghĩa tương tự, nó biểu lộ lòng tự hào của một cơ sở y dược họp tác với trời để cứu người bịnh khỏi chết.

Thương hiệu có khi là kết quả của một trò đùa bỡn.

Trước đây, ở Việt Nam, một số đông y sĩ gốc gác ở Trung Việt thường vào Nam Việt để mưu sinh. Họ không phải trú cư một chỗ mà mang các bị nhỏ đựng các thứ thuốc cốt yếu và đi vào các làng xã để xem ai có bị bịnh thì điều trị cho người ta. Khi cần, các vị đông y sĩ đó lại về các thị trấn để bốc thuốc cho thân chủ. Người ở thôn quê Nam Việt trước đây không có ý niệm rõ rệt về địa lý nước mình nên thường gọi chung người từ Trung Việt vào là người Huế.

Một vị phú ông sống ở một làng gần một quận lỵ ở Nam Việt đã nhờ một đông y sĩ gốc Trung Việt đi chữa dạo như vậy trị cho lành bịnh. Do đó, ông có cảm tình với vị đông y sĩ đó và gả con gái cho ông ta, đồng thời bỏ tiền ra lập một tiệm thuốc bắc ở quận lỵ gần xã mình cho người rể đó. Ðể tỏ vẽ tôn trọng và cám ơn ông nhạc phụ của mình đã bỏ một số vốn lớn ra cho mình làm ăn, vị đông y sĩ đã nhờ ông ấy đặt tên cho tiệm thuốc mình làm chủ. Vị phú ông nọ nhận lời và đặt cho tiệm thuốc của rể mình tên Thế Hoằng Ðông Dược Phòng.

Theo lời ông giải thích cho chàng rể thì thế là đời, hoằng là rộng, và thế hoằng hàm ý cứu giúp người một cách có hiệu lực nên đời đời mở rộng thêm ra. Vị đông y sĩ rất hài lòng về tên hiệu do nhạc phụ đặt cho. Nhưng sau đó khi có người khác hỏi về ý nghĩa của tên Thế Hoằng Ðông Dược Phòng, vị phú ông nọ đã cả cười mà bảo rằng: Rể tôi vốn là người Huế nên tôi đặt cho tiệm thuốc của nó cái tên Thế Hoằng để nhắc gốc tích nó là "Thằng Huế".

Nói chung thì các thương hiệu thường có ý nghĩa tốt đẹp và nếu cơ sở kinh doanh thuộc quyền sở hữu của một cá nhơn thì người ta lại dùng thương hiệu để gọi cá nhơn này.

II. nghệ danh.

Nghệ danh là tên dùng để gọi những người trong giới nghệ sĩ, đặc biệt là trong giới ca kịch. Tên này có thể do chính người nghệ sĩ tự chọn lấy, nhưng nó cũng có thể do khán thính giả mộ điệu đặt cho họ.

Nghệ danh thường là những tên có ý nghĩa tốt đẹp như Thái Thanh, Thái Hằng, Hùng Cường. Nó có thể là tên thật của người nghệ sĩ kèm với thứ bậc trong gia đình như Năm Châu, Ba Vân, cô Năm Phỉ. Nó cũng có thể là tên quê quán người nghệ sĩ kèm với thứ bực trong gia đình như Út Trà Ôn.

III. Bút hiệu.

Các nhà văn có thể chỉ dùng tên chánh của mình để ký vào các tác phẩm, nhưng họ cũng có thể tự chọn một bút hiệu để dùng thay hoặc dùng kèm theo tên chánh.

Một người có thể mang nhiều bút hiệu khác nhau theo thời gian hay theo thể tài của loại văn. Bút hiệu của các văn thi sĩ Việt Nam có rất nhiều, nhưng đại khái ta có thể nêu ra mấy lối đặt bút hiệu như sau.

A. Bút hiệu được chọn theo một lối với tên tự.

Một số nhà văn, nhất là trong giới thông thạo Hán văn đã chọn bút hiệu theo lối đặt tên tự.

1. Bút hiệu là một từ ngữ đồng nghĩa hay liên nghĩa với tên chánh.

Ông Ðào Trinh Nhứt (1900-1951) đã có lúc ký các bài báo của mình với bút hiệu Bất Nhị, trong khi đó nhà văn nổi tiếng ở Nam Việt là ông Hồ Văn Trung (1885-1958) đã chọn bút hiệu là Biểu Chánh.

Bất Nhị là không phải hai, còn nhứt thì có nghĩa là một; Biểu Chánh là bày tỏ sự ngay thẳng, còn trung là đức tánh của người lòng dạ ngay thẳng. Vậy trong hai từ ngữ trên đây, bút hiệu với tên chánh là những từ ngữ đồng nghĩa hay liên nghĩa với nhau.

2. Bút hiệu và tên chánh có sự liên hệ qua thành ngữ điển tích.

Nhà học giả Trần Trọng Kim đã chọn bút hiệu Lệ Thần. Lê Dư, học giả ở Bắc Việt trước đây thì ký tên các tác phẩm của mình là Sở Cuồng. Nhà văn viết tiểu thuyết bình dân loại võ hiệp và trinh thám là Nguyễn Ðức Nhuận thì dùng bút hiệu Phú Ðức.

Trong ba trường hợp trên đây, tên chánh và bút hiệu của tác giả có sự liên hệ qua thành ngữ điển tích.

Người Trung Hoa trước đây thường nói "Ngọc ẩn Côn Sơn, kim sanh Lệ Thủy", nghĩa là ngọc ẩn ở non Côn, vàng sanh ở sông Lệ. Do đó, ông Trần Trọng Kim mà tên chánh có nghĩa là vàng đã chọn bút hiệu Lệ Thần có nghĩa là bầy tôi của sông Lệ.

Mặt khác, ở thời Chiến Quốc, nước Sở có một nhà triết học tên là Tiệp Dư thường tự xưng mình là Sở Cuồng, khi lấy bút hiệu Sở Cuồng, ông Lê Dư đã dựa vào điển tích này.

Việc ông Nguyễn Ðức Nhuận lấy bút hiệu là Phú Ðức vốn phát xuất từ câu "Phú nhuận ốc, đức nhuận thân" (sự giàu có làm cho nhà đẹp, đức tốt làm cho thân đẹp).

B. Bút hiệu là kết quả của một trò chơi chữ.

Một số nhà văn đã dùng trò chơi chữ trong việc đặt bút hiệu. Ông Trần Khánh Giư (1896-1947) đã đảo lộn thứ tự các chữ trong tên Khánh Giư để tạo bút hiệu Khái Hưng.

Một hình thức đặc biệt của việc đảo lộn thứ tự các chữ được thể hiện qua cách nói lái. Ðó là trường hợp nhà thơ nổi danh Thế Lữ, vốn tên là Nguyễn Thứ Lễ (1907-?). Khi viết văn phóng sự, ông lại bày một trò chơi chữ khác. Theo chữ Quốc ngữ, chữ Lễ vốn đánh vần là Lê ngã, mà từ ngữ Hán Việt, ngã lại có nghĩa là ta. Do đó, trong các báo phong hóa và ngày nay, nhà thơ của chúng ta đã ký các bài phóng sự của mình với bút hiệu Lê Ta.

Một nhà thơ khác là Lê Văn Bái (1912-?) đã dùng lối đảo lộn các chữ trong tên và họ của mình và biến chữ lót Văn thành tên Pháp là Jean để tạo ra bút hiệu Jean Leiba.

Thời tiền chiến, lại có nhà văn ở Bắc Việt chuyên viết các chuyện rùng rợn ký bút hiệu là Tchya. Có người giải thích rằng bút hiệu này gồm các chữ đầu của một ẩn ngữ "Tôi chẳng hề yêu ai".

C. Bút hiệu gồm một hay nhiều địa danh ở nơi sanh quán của tác giả.

Nhà văn kiêm nhà thơ Lâm Tấn Phác (1906-1969) gốc ở Hà Tiên nên đã lấy một địa danh nổi tiếng của vùng này là Ðông Hồ làm bút hiệu.

Thi hào Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939) thì sanh quán ở làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây nên lấy tên núi Tản và sông Ðà của tỉnh này để tạo ra bút hiệu Tản Ðà.

Gần đây hơn, tướng Ðỗ Mậu tác giả cuốn Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi đã lấy bút hiệu Hoành Linh gồm Hoành Sơn và Linh Giang là một hòn núi và một con sông của nguyên quán ông là Quảng Bình.

Việc dùng địa danh ở nơi sanh quán của mình làm bút hiệu có thể được gói ghém một cách kín đáo như một ẩn ngữ.

Trước khi được biết Bình Nguyên Lộc là bút hiệu của nhà văn Tô Văn Tuấn (1914-1988), chúng tôi đã đoán rằng ông là người tỉnh Biên Hòa, đồng hương với chúng tôi, vì Bình Nguyên có nghĩa là cánh đồng và Lộc có nghĩa là con nai và Bình Nguyên Lộc ghép lại dùng để chỉ đất Ðồng Nai.

D. Bút hiệu có ý nghĩa liên hệ đến lập trường hay hoài bão của tác giả.

Một số bút hiệu có ý nghĩa liên hệ đến lập trường hay hoài bão của tác giả và có khi một bút hiệu có thể mang nhiều ý nghĩa.

Trước đây, chúng tôi đã dùng bút hiệu Hùng Nguyên để ký vào các tác phẩm nghị luận và khảo cứu. Bút hiệu này có hai nghĩa. Nguyên là ngọn suối hay mạch nước và hàm ý nguồn gốc, còn Hùng là mạnh mẽ. Vậy Hùng Nguyên là ngọn suối mạnh mẽ làm nguồn cho một dòng sông lớn nước chảy cuồn cuộn, biểu tượng cho các tác phẩm được sản xuất. Nhưng ngoài ra, Hùng lại còn là danh hiệu mà truyền thuyết gán cho các nhà vua sáng lập quốc gia đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Hiểu theo nghĩa đó thì Hùng Nguyên là bắt nguồn từ các vua Hùng, tức là phát xuất từ nòi giống Việt.

Mặt khác, khi cho ra báo Ðuốc Việt vào khoảng 1947-49, chúng tôi đã cùng các đồng chí chủ trương báo này ước hẹn với nhau rằng bút hiệu mỗi người đều phải có chữ Việt. Do đó, chúng tôi đã dùng bút hiệu Việt Tâm, là lòng người Việt, để ký các bài thơ đăng trên báo ấy.

Sau này, gom góp các bài thơ ấy lại để xuất bản tập thơ Hồn Việt, chúng tôi đã trở lại bút hiệu Ðằng Phương mà chúng tôi đã chọn trước đó cho các thi phẩm của mình. Ðằng có nghĩa là cỡi lên, hay vượt lên trên, còn Phương là mùi thơm. Vậy Ðằng Phương hàm ý cỡi lên ngọn gió thơm để bay khắp thiên hạ.

Loại bút hiệu biểu lộ lập trường hay hoài bảo tác giả rất nhiều nên không thể kể hết. Chúng tôi chỉ xin đơn cử thêm trường hợp ông Ðào Trinh Nhứt, ngoài bút hiệu Bất Nhị, ông còn ký các bài báo của mình với bút hiệu Nam Chúc hay Tinh Vệ. Nam Chúc là ngọn đuốc của phương nam tức là Ðuốc Nhà Nam. Bút hiệu này biểu lộ hoài bão của tác giả muốn làm ngọn đuốc soi sáng nước Nam. Tinh Vệ là tên một loài chim ở bờ biển thường hay ngậm đá hay cành cây thả xuống biển. Theo sách Thuật Dị Ký của Trung Hoa thì chim này vốn là con gái của Viêm Ðế bị chết đuối ở biển Ðông hóa ra. Vì hận biển Ðông làm cho mình chết nên khi đã hóa ra chim, bà này đã ngậm đá hay cành cây để lấp biển này. Lấy bút hiệu Tinh Vệ, ông Ðào Trinh Nhứt bộc lộ ý muốn dùng ngọn bút để lật đổ chánh quyền thuộc địa Pháp, một công việc cũng nặng nhọc khó khăn và gần như vô vọng, nhưng được làm với một quyết tâm sắt đá như việc chim Tinh Vệ ngậm đá lấp biển Ðông.

Một trường hợp đặc biệt trong việc dùng bút hiệu để biểu lộ lập trường là trường hợp ông Nguyễn Tường Long (1907-1948). Lúc mới viết cho các báo Phong Hóa và Ngày Nay, ông đã lấy bút hiệu là Tứ Ly, sau mới đổi lại làm Hoàng Ðạo.

Ð. Bút hiệu các tác giả viết văn trào phúng.

Trong khi các tác giả viết văn nghị luận, khảo cứu, hay viết tiểu thuyết, hoặc làm thơ, chọn lựa các bút hiệu có ý nghĩa trang nghiêm thì các nhà văn trào phúng thường dùng các bút hiệu hóm hỉnh làm cho độc giả tức cười.

Lúc viết cho báo Ðuốc Việt, chúng tôi đã ký các bài trào phúng của mình với bút hiệu Ba Xạo. Sau đó, trong mục Tân Luận Ngữ, dùng những câu Hán Việt phỏng theo các sách của nho gia để chọc quê các chánh khách và ký giả đương thời, chúng tôi lại dùng bút hiệu Tử Xạo.

Ông Hồ Trọng Hiếu (?-?) thì ký các bài thơ trào phúng nổi danh của ông với bút hiệu Tú Mỡ. Trước đây trong văn học sử Việt Nam đã có một nhà thơ trào phúng nổi tiếng là Trần Kế Xương (1869-1907) vì đã đỗ tú tài Hán học nên được gọi là Tú Xương. Nói đến Tú Xương là người Việt Nam nghĩ đến thơ trào phúng. Ông Hồ Trọng Hiếu đã cố ý hiểu nghĩa chữ xương một cách trào phúng là bộ phận cứng rắn trong cơ thể và lấy bút hiệu Tú Mỡ hàm ý đồng loại với Tú Xương.

Sau này, một số nhà trào phúng khác cũng dùng bút hiệu bắt đầu bằng chữ Tú như Tú Kếu, Tú Rua, ... Ta có thể nhận thấy rằng bút hiệu Tú Rua lại còn là một lối chơi chữ vì đồng âm với chữ Pháp toujours là luôn luôn.

IV. các loại tên của tín đồ các tôn giáo.

Ngoài tên họ thường dùng, tín đồ các tôn giáo còn có những tên riêng dùng trong đạo của mình.

A. Tên thánh của người theo Thiên Chúa giáo.

Người theo Thiên Chúa giáo có một tên thánh được đặt lúc chịu phép rửa tội. Tên này dĩ nhiên là được chọn trong danh sách các bực đã được giáo hội tôn làm thánh và vị thánh được chọn như vậy được gọi là vị thánh bổn mạng của người.

Theo tín ngưỡng Thiên Chúa giáo, mỗi vị thánh chủ trì một hay hai ngày trong năm nhưng cũng có khi một ngày có hai vị thánh chủ trì. Thí dụ Thánh An Tôn chủ trì ngày năm tháng bảy; Thánh Gioang chủ trì ngày 27 tháng 12; Thánh Giu Se chủ trì ngày 19 tháng 3 với tư cách là bạn của Ðức Mẹ Maria và ngày 1 tháng năm với tư cách là quan thầy của thợ thuyền; ngoài ra ngày 29 tháng 6 có hai vị thánh chủ trì là Phê Rô và Phao Lồ.

Tên được đặt cho người chịu phép rửa tội có thể là tên của vị thánh chủ trì ngày sanh hoặc ngày chịu phép rửa tội của người đó, hoặc là tên vị thánh bổn mạng của người cha đỡ đầu cho người chịu phép rửa tội. Tuy nhiên, đây không phải là một qui tắc tuyệt đối; và người chịu phép rửa tội, hoặc cha mẹ, hay người trên trước, có thể chọn làm thánh bổn mạng bất cứ vị thánh hay vị tử đạo nào.

Trước đây, các tên thánh được dùng được viết theo chữ La Tinh. Bởi đó, ông Trương Vĩnh Ký đã được gọi là Pétrus Trương Vĩnh Ký hay Pétrus Ký; ông Huỳnh Tịnh Của thì được gọi là Paulus Huỳnh Tịnh Của hay Paulus Của. Ngày nay, các tên thánh đã được Việt hóa và người Việt Nam theo Thiên Chúa giáo được gọi là Phê Rô thay cho Pétrus hay Phao Lồ thay cho Paulus.

B. Tên đặc biệt của các vị trong hàng giáo phẩm của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ tức là Cao Ðài giáo.

Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, tức Cao Ðài giáo, có một qui tắc đặt tên cho hàng giáo phẩm của mình.

1. Qui tắc này trước hết dựa vào hai bài kệ ấn định tịch đạo, một cho nam phái, một cho nữ phái như sau:

- Nam phái:

Thanh đạo tam khai thất ức niên

Thọ như đa huyển thạnh hòa thiên

Vô hư qui phục nhơn sanh khí

Tạo vạn cổ đàn chiếu phật duyên

- Nữ phái:

Hương tâm nhất phiến cận càn khôn

Huệ đức tu chơn độ dẫn hồn

Nhứt niệm quan âm thùy bảo mạng

Thiên niên đẳng phái thủ sanh tồn

Trong hai bài kệ trên đây, chỉ có hai chữ đầu của mỗi bài là được dùng, chữ thứ nhứt trong đời vị Giáo Tông thứ nhứt của Ðạo là Ðức Lý Giáo Tông, chữ thứ nhì trong đời của vị Giáo Tông sẽ kế vị Ngài. Ðến đời Giáo Tông thứ ba sẽ có những bài kệ khác được đưa ra để ấn định tịch đạo.

2. Ngoài ra, Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ còn chia làm ba phái: Phật, Tiên và Thánh.

Phái Phật dùng sắc phục màu vàng và mang tên Thái; phái Tiên dùng sắc phục màu xanh và mang tên Thương; phái Thánh dùng sắc phục màu đỏ và mang tên Ngọc.

Tên một vị trong hàng giáo phẩm thuộc nam giới gồm ba bộ phận: tên phái, tục danh và tịch đạo. Thí dụ hiện nay, một nam tín đồ tên họ là Huỳnh Văn Nam và mang phẩm Giáo Hữu nhưng thuộc phái Phật sẽ được gọi là Giáo Hữu Thái Nam Thanh.

Ðối với các vị thuộc nữ giới thì tên được dùng chia làm hai bộ phận: tịch đạo và tục danh. Thí dụ một nữ tín đồ tên họ là Trần Thị Huệ và mang phẩm Lê Sanh sẽ được gọi là Lê Sanh Hương Huệ.

Ðến đời vị Giáo Tông thứ nhì, những chức sắc đã có tên trong đời vị Giáo Tông thứ nhứt vẫn giữ tên đã được đặt cho mình. Về những vị chức sắc bắt đầu được phong trong đời vị Giáo Tông thứ nhì, họ sẽ có tên theo chữ thứ nhì trong các bài kệ trên đây.

Vậy một vị Giáo Hữu tên họ là Huỳnh Văn Nam và thuộc phái Phật sẽ mang tên là Giáo Hữu Thái Nam Ðạo, và một vị nữ Lê Sanh tên họ là Trần Thị Huệ sẽ được gọi là Lê Sanh Tâm Huệ.

C. Các loại tên được dùng trong Ðạo giáo và Phật giáo.

1. Tên được dùng trong Ðạo giáo và Phật giáo Ðại Thừa.

Trong các bộ truyện võ hiệp của Kim Dung, ta có thể nhận thấy rằng các tu sĩ của Ðạo giáo và Phật giáo đều có những tên đặc biệt, và những người thuộc một thế hệ với nhau có những tên bắt đầu bằng một chữ chung nhau. Chỗ khác nhau là người tu theo Phật giáo Ðại Thừa chỉ được gọi bằng tên như vậy, trong khi Ðạo giáo còn dùng luôn cả họ của mình chung với tên này.

Như trong bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ, đồ đệ của Dư Thương Hải, chưởng môn phái Thanh Thành, đều có tên bắt đầu bằng chữ Nhân như Hầu Nhân Anh, Hồng Nhân Hùng, Vũ Nhân Hào, La Nhân Kiệt, Phương Nhân Trí, Giả Nhân Ðạt, Dư Nhân Ngạn, Thân Nhân Tuấn, Cát Nhân Thông.

Trong phái Hoa Sơn thì trên Nhạc Bất Quần một thế hệ có Phương Thanh Dương. Những người cùng thế hệ với Nhạc Bất Quần đều có tên bắt đầu bằng chữ Bất như Phương Bất Bình, Thành Bất Ưu, Cao Bất Hoặc, Bảo Bất Nhi.

Về phía Phật giáo Ðại Thừa thì trong bộ Cô Gái Ðồ Long, các vị sư vai vế cao nhứt còn sống ở chùa Thiếu Lâm lúc ấy là Ðộ Ách, Ðộ Kiếp, Ðộ Nạn. Dưới họ một thế hệ là các vị sư Không Kiến, Không Trí, Không Tín, Không Vân, Không Tướng, Không Như. Thế hệ kế đó thì có các vị sư Viên Âm, Viên Nghiệp, Viên Chân, Viên Tâm. Thế hệ dưới nữa thì có các vị sư Tuệ Phong, Tuệ Thông, Tuệ Quang, Tuệ Hiền,...

Các vị nữ tu theo Phật giáo của phái Hằng Sơn thì đời trước có chưởng môn Ðịnh Nhân và các vị sư thái Ðịnh Dật, Ðịnh Tĩnh. Ðời kế đó là các vị có tên bắt đầu bằng chữ Nghi như Nghi Thanh, Nghi Hòa, Nghi Chân, Nghi Chất, Nghi Vân, Nghi Quang, Nghi Dung, Nghi Linh, Nghi Lâm.

Phương pháp đặt tên như trên đây gợi cho mọi người biết rõ vai vế của người mang tên trong hệ thống tổ chức của giáo hội mình. Người theo Ðạo giáo và Phật giáo Việt Nam cũng theo lối đặt tên như vậy.

Nói chung thì một tăng sĩ Phật giáo có thể có pháp danh, pháp tự và pháp hiệu. Một vị cao tăng thời cận đại thế danh là Ðoàn Nhược (1840-1919) có pháp danh là Ấn Bổn, pháp tự là Tổ Nguyên và pháp hiệu là Vĩnh Gia; còn vị cao tăng đã bắt đầu chiến dịch tự thiêu để chống lại chánh sách chèn ép Phật giáo của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm thế danh là Lâm Văn Tuất (1897-1963) có pháp danh là Thị Thủy, pháp tự là Hành Pháp và pháp hiệu là Quảng Ðức

Pháp danh là tên được đặt lúc người mới làm lễ qui y làm Phật tử, pháp tự thì được đặt lúc người tu sĩ được ấn chứng làm tỳ kheo hay tỳ kheo ni, còn pháp hiệu thì được đặt lúc vị tăng hay vị ni đã có tên tuổi trong giới tu sĩ.

Pháp danh của các tăng ni và cư sĩ tu theo Phật giáo được đặt theo một bài kệ do vị tổ sáng lập tông phái; như tông phái Lâm Tế được Tổ Minh Hải sáng lập hồi thế kỷ thứ 17 đã đặt pháp danh cho các đệ tử theo bài kệ sau đây:

Minh Thiệt Pháp Toàn

Chương Ấn Chơn Như

Thị Ðồng Chúc Thánh

Thọ Thiên Cửu Kỳ

Quốc Tộ Ðịa Trường

Ðắc Chánh Luật Vi

Tiên Tổ Ðạo Hạnh

Giải Thông Giác Hoa

Bồ Ðề Thọ Sung

Mãn Nhơn Thiên Trung

Vậy, các đồ đệ cúa Tổ Minh Hải đều có pháp danh bắt đầu băng chữ Minh, đệ tử đời thứ ba thì có pháp danh bắt đầu bằng chữ Pháp.

Pháp danh Ấn Bổn của Hòa Thượng Vĩnh Gia đã nói trên đây cho thấy rằng Hòa Thượng là đệ tử đời thứ sáu của phái Lâm Tế. Nên chỉ xét pháp danh của các tăng ni và cư sĩ phật giáo trong một tông phái thì việc ấn định vai vế của họ đối với nhau rất dễ dàng. Nhưng ở Việt Nam có nhiều tông phái, các bài kệ để đặt pháp danh của các tông phái dĩ nhiên là có nhiều chữ trùng với nhau.

Mặt khác, ngoài pháp danh, các tăng ni còn có pháp tự và pháp hiệu; và khi nghe đến tên của một vị cao tăng, người ta thường không biết rõ đó là pháp danh, pháp tự hay pháp hiệu. Do đó, xem tên các vị tăng ni hoạt động cho phật giáo Vệt Nam hiện nay, người ta không thể biết được họ thuộc tông phái nào và vai vế tương đối của họ ra sao.

2. Tên được dùng trong Phật giáo Nguyên thủy (Theravada).

Ðối với các phật tử theo Phật giáo Nguyên Thủy, pháp danh không quan trọng như phật tử theo Phật giáo Ðại Thừa. Người cư sĩ và giáo sĩ cấp sa di của Phật giáo Nguyên Thủy vẫn giữ và dùng tục danh của mình. Chỉ đến lúc thụ giới làm tỳ kheo, giáo sĩ mới được thầy cho pháp danh và việc chọn pháp danh hoàn toàn tùy thuộc nơi vị thầy này.

Bởi đó, trong Phật giáo Nguyên Thủy không có việc phân biệt các thế hệ bằng cách dành cho mỗi thế hệ một chữ dùng làm chữ đầu trong pháp danh.

Trong giáo hội Phật giáo Nguyên Thủy Thái Lan, pháp danh không phải dùng trọn đời như trong Phật giáo Ðại Thừa. Khi một giáo sĩ lên cấp bực và lãnh một nhiệm vụ trong giáo hội, chư tăng có thể trong một phiên họp thường niên, hay một phiên họp khoáng đại tổ chức 2 hay 4 năm một lần, đề nghị một pháp danh mới cho giáo sĩ đó cho thích hợp với chức vụ của ông.

Pháp danh của Phật giáo Nguyên Thủy là tiếng Phạn, nhưng các giáo sĩ Việt Nam tu theo Phật giáo Nguyên Thủy cũng đồng thời mang một pháp danh tiếng Hán Việt đồng nghĩa với pháp danh tiếng Phạn. Như Sư Buddhapala, cũng đồng thời mang pháp danh Hộ Giác; Sư Supanno cũng đồng thời mang pháp danh Bửu Trí hay Thiện Tuệ; Sư Subalo cũng đồng thời mang pháp danh Thiện Dũng.

Vì Phật giáo Nguyên Thủy không có tục dành một chữ làm chữ đầu trong pháp danh một thế hệ nên pháp danh Hán Việt của thầy với trò có thể bắt đầu với một chữ như nhau, đó là trường hợp của các sư Giác Nhiên và Giác Ngỡi.

V. các loại tên đặc biệt của các nhà vua.

Ngoài các loại tên của người thường, các nhà vua ở Trung quốc và ở Việt Nam còn có những tên đặc biệt riêng cho họ là niên hiệu và miếu hiệu.

A. Niên hiệu

1. Ý nghĩa và công dụng của niên hiệu.

Niên hiệu là tên mà triều đình đặt cho một nhà vua khi ông lên ngôi và được dùng để gọi ông khi ông đang trị vì. Tuy nhiên, một nhà vua tại vị có thể thay đổi niên hiệu của mình. Việc này đã xảy ra vì nhiều lý do.

Năm 1042, khi ban hành bộ Hình Thư là bộ luật đầu tiên của nước Việt Nam, vua Lý Thái Tông đã đổi niên hiệu là Minh Ðạo để đánh dấu sự kiện này, mà ông cho là có tầm quan trọng rất lớn trong việc cai trị quốc gia.

Năm 1407, để mở đầu cho một vận hội mới mà ông muốn khai sáng, vua Lê Thánh Tông đã đặt một niên hiệu mới cho mình là Hồng Ðức.

Mặt khác, vua chót nhà Mạc là Mậu Hợp vì nhiều lần thua trận trong việc đánh nhau với nhà Lê Trung Hưng nên nhiều lần đổi niên hiệu với hy vọng rằng niên hiệu mới mang đến cho mình nhiều may mắn hơn.

Khi một nhà vua chết thì người kế vị thường vẫn giữ niên hiệu của ông cho đến cuối năm và chỉ bắt đầu dùng niên hiệu của mình từ đầu năm kế theo đó.

Nếu nhà vua bị mất ngôi trong tay một người lập triều đại khác thì qui tắc trên đây không được áp dụng và nhà vua của triều đại mới thường dùng ngay niên hiệu của mình khi lên ngôi.

Ngoài việc được dùng để gọi nhà vua đang trị vì, niên hiệu còn được dùng để làm niên biểu trong mọi văn tự và trong việc ghi chép các dữ kiện lịch sử.

Như vị vua đầu nhà Nguyễn lên ngôi năm 1802 đã lấy niên hiệu là Gia Long và năm 1802 được gọi là năm Gia Long thứ nhứt, năm kế đó là 1803 thì được gọi là năm Gia Long thứ hai. Một văn tự được thành lập dưới đời vua Gia Long thường phải ghi niên biểu : Gia Long năm thứ ... tháng ... ngày ... Các nhà viết sử khi chép một sự việc thời này cũng ghi là việc ấy xảy ra năm Gia Long thứ....

Việc dùng niên hiệu nhà vua đang trị vì làm niên biểu như vậy rất thuận lợi cho mọi người.

Trong lịch sử Trung quốc và Việt Nam, người ta dùng 12 địa chi là tý sửu dần mẹo thìn tỵ ngọ mùi thân dậu tuất hợi để gọi các năm trong một chu kỳ nhỏ, và dùng 12 địa chi này ghép với 10 thiên can là giáp ất bính đinh mậu kỷ canh tân nhâm quí thành giáp tý, ất sửu, bính dần, đinh mão,...

Trong một thời kỳ lịch sử dài hàng mấy ngàn năm, có rất nhiều chu kỳ 60 năm. Bởi đó, nếu ghi lại một sự việc mà chép là nó xảy ra năm giáp tý thì người đọc không sao có thể đoán được đó là năm giáp tý nào. Trái lại nếu ghi rằng sự việc đó xảy ra vào năm Gia Long thứ ba thì người đọc biết ngay rằng đó là năm giáp tý tương ứng với năm 1804 trong dương lịch.

2. Việc dùng niên hiệu ở Trung quốc.

Ở Trung quốc, việc dùng niên hiệu đã bắt đầu với vua Văn Ðế là nhà vua thứ ba của triều Tây Hán. Ông lên ngôi năm 179 trước Công nguyên, nhưng đến 16 năm sau là năm 163 tr CN, ông mới bắt đầu đặt niên hiệu cho mình là Hậu Nguyên. Từ đó trở đi, các nhà vua Trung quốc đều có niên hiệu từ lúc lên ngôi, ngay cả các nhà vua thuộc các sắc tộc thiểu số khi làm chủ Trung quốc cũng theo tục đặt niên hiệu.

Các nhà vua trong các triều đại đầu của Trung quốc thường hay thay đổi niên hiệu. Vua Hán Vũ Ðế trị vì từ năm 140 đến năm 87 tr CN đã dùng cả thảy 11 niên hiệu mà niên hiệu được dùng tối đa là 6 năm. Vua Ðường Cao Tông trị vì từ năm 650 đến năm 683 đã dùng cả thảy 14 niên hiệu, niên hiệu được dùng lâu nhứt là 6 năm, ngắn nhứt chỉ có 1 năm. Riêng trong 2 triều đại chót của Trung quốc là Minh (1368-1643) và Thanh (1644-1911) thì mỗi nhà vua chỉ có một niên hiệu.

Phần lớn các niên hiệu Trung quốc gồm 2 chữ, chỉ có vua Lương Võ Ðế dùng 2 niên hiệu 3 chữ là Trung Ðại Thông (529-534) và Trung Ðại Ðồng (năm 546); và Bà Võ Hậu đời Ðường dùng 2 niên hiệu 4 chữ là Thiên Sách Vạn Tuế (năm 695) và Vạn Tuế Thông Thiên (năm 696).

Nếu kể cả các triều đại chỉ trị vì trên một phần lãnh thổ Trung quốc thì ở Trung quốc có rất nhiều niên hiệu được dùng. Do đó, đã có sự trùng hợp giữa niên hiệu các nhà vua. Niên hiệu Vĩnh Bình đã được dùng ba lần, đời Ðông Hán từ năm 58 đến năm 75, đời Ðông Tấn năm 291 và đời Bắc Ngụy từ năm 508 đến năm 511. Niên hiệu Vĩnh Hòa cũng được dùng ba lần, đời Ðông Hán từ năm 136 đến năm 141, đời Tây Tấn từ năm 345 đến năm 356 và đời Ðường từ năm 827 đến năm 835.

Có khi sự trùng hợp đã xảy ra ngay bên trong một triều đại. Nhà Tây Hán đã hai lần dùng niên hiệu Hậu Nguyên, lần đầu từ năm 163 đến năm 148 tr CN với vua Văn Ðế; và lần sau từ năm 143 đến năm 141 tr CN với vua Cảnh Ðế.

3. Việc dùng niên hiệu ở Việt Nam.

Vì niên hiệu là tên được dùng để chỉ nhà vua đang trị vì và dùng làm niên biểu cho mọi loại văn tự trong nước nên nó trở thành một dấu hiệu của chủ quyền một nước độc lập. Bởi đó, khi muốn xác nhận quyền tự chủ hoàn toàn của mình, các nhà vua Việt Nam đã dùng niên hiệu riêng cho mình.

Nhà lãnh đạo đầu tiên làm việc này là Lý Nam Ðế, khi đứng lên chống lại chánh quyền Trung quốc thời Bắc thuộc, ông đã đặt niên hiệu cho mình là Thiên Ðức và niên hiệu này đã được dùng trong vùng ông kiểm soát từ năm 544 đến năm 548.

Việc đặt niên hiệu ở Việt Nam đã bắt đầu trở lại với Ðinh Tiên Hoàng. Ông lên ngôi năm 968 và 2 năm sau đã tự đặt niên hiệu cho mình là Thái Bình để dùng trong nước. Từ đó trở đi, các nhà vua Việt Nam đều có niên hiệu từ khi lên ngôi, chỉ có Vua Lê Ngọa Triều sau khi giết anh là Lê Trung Tông để cướp ngôi năm 1005 vẫn tiếp tục dùng niên hiệu Ứng Thiên của cha là Lê Ðại Hành, đến năm 1008 mới đặt riêng cho mình niên hiệu Cảnh Thụy.

Thời đất Việt chia làm hai nước Bắc Hà và Nam Hà, hai Chúa Trịnh và Nguyễn mỗi bên đều hoàn toàn làm chủ nước mình, nhưng bề ngoài vẫn phải chấp nhận nhà vua Hậu Lê Trung Hưng là vua của mình. Bởi đó, họ không có niên hiệu riêng mà vẫn dùng niên hiệu của các vua Hậu Lê Trung Hưng.

Khi nhà Hậu Lê Trung Hưng bị nhà Tây Sơn lật đổ, Nguyễn Vương (tức Nguyễn Phúc-Ánh) không chấp nhận uy quyền nhà Tây Sơn nên không dùng các niên hiệu của triều đại này mà tiếp tục dùng niên hiệu Cảnh Hưng của Vua Hiển Tông nhà Hậu Lê Trung Hưng, mặc dầu nhà vua này đã chết từ năm 1786; chỉ đến năm 1802 ông mới chánh thức làm chủ nước Việt Nam và đặt niên hiệu Gia Long cho mình để nhơn dân trong nước dùng.

Cũng như ở Trung quốc, tại Việt Nam các triều đại đều có nhiều nhà vua thường thay đổi niên hiệu. Vua Lý Thái Tông trị vì từ năm 1028 đến năm 1054 đã có cả thảy 6 niên hiệu, niên hiệu được dùng lâu nhứt là 6 năm, ngắn nhứt là 2 năm. Vua Lý Nhân Tông trị vì từ năm 1072 đến năm 1127 có cả thảy 8 niên hiệu, niên hiệu được dùng lâu nhứt là 10 năm, ngắn nhứt chỉ có một năm. Ngay đến niên hiệu Minh Ðạo đặc biệt được đặt ra để đánh dấu việc ban hành bộ luật Hình Thư cũng chỉ được dùng trong hai năm 1042 và 1043.

Các vua nhà Lý thường dùng niên hiệu gồm 4 chữ: trong số 32 niên hiệu của triều đại này, có đến 18 niên hiệu 4 chữ:

  • Càn Phù Hữu Ðạo (1039-1041), Thiên Cảm Thánh Võ (1044-1048) và Sùng Hưng Ðại Bảo (1049-1054) đời Lý Thái Tông;
  • Long Thụy Thái Bình (1054-1058), Chương Thánh Gia Khánh (1059-1065), Long Chương Thiên Tự (1066-1067) và Thiên Huống Bảo Tượng (1068) đời Lý Thánh Tông;
  • Anh Võ Chiêu Thắng (1076-1084), Hội Tường Ðại Khánh (1110-1119), Thiên Phù Duệ Võ (1120-1126) và Thiên Phù Khánh Thọ (1127) đời Lý Nhân Tông;
  • Thiên Chương Bảo Tự (1133-1138) đời Lý Thần Tông, Chánh Long Bảo Ứng (1163-1173) và Thiên Cảm Chí Bảo (1174-1175) đời Lý Anh Tông;
  • Thiên Tư Gia Thụy (1186-1201), Thiên Gia Bảo Hựu (1202-1204) và Trị Bình Long Ứng (1205-1210) đời Lý Cao Tông và Thiên Chương Hữu Ðạo (1224-1225) đời Lý Chiêu Hoàng.

·  Nhà Trần chỉ có vua Thái Tông dùng một niên hiệu 4 chữ là Thiên Ứng Chánh Bình (1232-1251).

Sau đó, các niên hiệu Việt Nam đều gồm hai chữ.

Một đặc điểm của các niên hiệu Việt Nam là ít có sự trùng hợp. Trường hợp duy nhứt trùng hợp là trường hợp hai nhà vua sáng lập triều Lý và triều Hậu Lê: cả hai đều dùng niên hiệu Thuận Thiên, vua nhà Lý từ năm 1010 đến năm 1028, vua nhà Hậu Lê từ năm 1428 đến năm 1433.

B. Miếu hiệu.

1. Ý nghĩa và công dụng của miếu hiệu.

Niên hiệu chỉ được dùng khi nhà vua còn trị vì, nếu có được tiếp tục dùng sau khi nhà vua chết thì cũng chỉ trong năm chết đó, vì năm sau thì người ta đã bắt đầu dùng niên hiệu của nhà vua kế vị. Chỉ trong trường hợp bất thường như trường hợp vua đầu nhà Tiền Lê và vua chót nhà Hậu Lê, niên hiệu nhà vua đã chết mới được tiếp tục dùng trong nhiều năm về sau.

Ðể gọi một nhà vua vừa chết, người ta dùng tên đại hành, có nghĩa là người đang thực hiện một cuộc du ngoạn lớn, tức là vắng mặt lâu. Sau đó, triều đình đặt một tên khác cho nhà vua đã chết, tên này gọi là miếu hiệu.

Miếu vốn là cái miếu tức là cái đền thờ nhà vua đã chết, nên miếu hiệu hàm ý là nhà vua được chánh thức thờ cúng, nếu không được thờ cúng thì dĩ nhiên là không có miếu hiệu. Bù lại, có những nhà lãnh đạo lúc còn sống chưa từng giữ chức vụ tối cao trong nước nhưng con cháu về sau được làm vua rồi thì truy phong và đặt niên hiệu cho họ như là họ đã từng làm vua.

2. Việc dùng miếu hiệu ở Trung quốc.

Tục đặt miếu hiệu cho một nhà vua đã chết phát xuất từ tục đặt tên thụy cho người chết và đã bắt đầu ở Trung quốc với nhà Châu (1124-249 tr CN).

Dưới triều đại này, tên thụy và miếu hiệu trùng hợp với nhau và nhà vua đã chết được gọi bằng một danh hiệu biểu lộ tánh tình hay công nghiệp nổi bậc nhứt của ông trong lúc trị vì.

Nhà vua triệt hạ Vua Trụ nhà Ân để lập nhà Châu đã được gọi là Võ Vương (t v 1122-1116 tr CN) vì công nghiệp quân sự của ông. Ông đã truy phong cho cha là Văn Vương để biểu lộ khả năng của ông này về mặt xây dựng một nền chánh trị lương hảo và phát huy văn hóa. Con ông về sau được gọi là Thành Vương (t v 1115-1079 tr CN) vì đã củng cố được cơ nghiệp ông xây dựng lên. Nhà vua trị vì từ năm 770 đến năm 720 tr CN đã được gọi là Bình Vương vì đã tái lập được hòa bình trật tự sau một thời kỳ loạn lạc xảy ra trước khi ông lên ngôi.

Trong các tên thụy được dùng làm niên hiệu của đời này ta thấy có những tên rất xấu. Cha của Bình Vương trị vì từ năm 781 đến năm 771 tr CN vì ngu tối mà làm cho quốc gia rối loạn đã được gọi là U Vương. Trước đó, một nhà vua khác của triều đại trị vì từ năm 878 đến năm 828 tr CN vì quá hung ác nên được gọi là Lệ Vương.

Vì tục đặt tên thụy cho phép người cấp dưới lựa một tên xấu để đặt cho một nhà vua đã chết nên vua đầu nhà Tần đã không chấp nhận dùng nó cho triều đại mình.

Nhà Hán (206 tr CN-220 s CN) đã trở lại tục đặt tên thụy cho các nhà vua và đồng thời đặt thêm miếu hiệu và tục này đã được tất cả các triều đại Trung quốc sau đó kể cả các triều đại do người thuộc sắc tộc thiểu số thiết lập tiếp tục noi theo. Trong việc đặt miếu hiệu đời nhà Hán và các đời kế tiếp theo đó, các nhà vua đều được gọi là Ðế.

Từ đời Ðường (618-906), nhà vua sáng lập triều đại được gọi là Cao Tổ hay Thái Tổ, các vua kế vị được gọi với một miếu hiệu hai chữ mà chữ chót là Tông như Thái Tông, Thánh Tông,... Khi nhà vua sáng lập triều đại là người kế nghiệp cho một dòng vua đã có trước nhưng chưa làm chủ thiên hạ thì ông thường được gọi là Thế Tổ.

Nhà Nguyên (1277-1368) đã bắt đầu cơ nghiệp với Thành Cát Tư Hãn, làm vua từ năm 1206 nhưng chưa chinh phục được cả Trung quốc, đến cháu ông là Hốt Tất Liệt mới làm chủ cả Trung quốc. Do đó, triều đại này đã dành miếu hiệu Thái Tổ cho Thành Cát Tư Hãn và gọi Hốt Tất Liệt là Thế Tổ.

Vua đầu nhà Thanh vốn đã làm chủ nước Mãn Châu trước khi chinh phục Trung quốc năm 1644 nên cũng được gọi là Thế Tổ. Ngoài ông ra, người kế vị ông trị vì từ năm 1662 đến năm 1722 cũng được gọi là Thánh Tổ. Các vua sau đó mới có miếu hiệu với chữ Tông. Một đặc điểm khác của triều đại nhà Thanh là các nhà vua đã chết được đồng thời gọi bằng miếu hiệu và tên thụy, miếu hiệu kết thúc bằng chữ Tổ hay chữ Tông, còn tên thụy thì kết thúc với hai chữ Hoàng Ðế như Thế Tổ Chương Hoàng Ðế, Thánh Tổ Nhân Hoàng Ðế, Thế Tông Hiến Hoàng Ðế (t v 1723-1735), Cao Tông Thuần Hoàng Ðế (t v 1736-1795),...

Từ đời Hán đến đời Tùy (581-618), chữ Ðế được dùng cho nhà vua còn trị vì cũng như nhà vua chết được thờ trong miếu của triều đại, nên ta khó phân biệt các nhà vua thật sự có miếu hiệu với các nhà vua vì mất ngôi hay mất nước mà không được thờ trong miếu và không có miếu hiệu.

Từ nhà Ðường trở đi, việc phân biệt các nhà vua có miếu hiệu với các nhà vua không miếu hiệu được dễ dàng hơn, vì các nhà vua được gọi với chữ Tổ hay chữ Tông đều có miếu hiệu, còn các nhà vua không miếu hiệu chỉ được gọi bằng chữ Ðế.

Mặt khác, từ đời Hán trở đi, người ta không còn dùng những tên quá xấu xa hàm ý chê trách như U (ngu tối) hay Lệ (hung ác) để đặt miếu hiệu hay tên thụy cho một nhà vua đã chết. Tuy nhiên, cũng có những tên thụy hay miếu hiệu nói lên những chỗ không tốt hay không hay của một nhà vua. Các tên Ai và Mẫn hàm ý thương xót được dành cho các nhà vua mất ngôi.

Có khi tên được đặt không hàm ý không hay trong ngôn ngữ thông thường nhưng lại ngầm ám chỉ một việc không tốt khi được dùng để đặt tên thụy hay miếu hiệu. Chữ Cung thông thường có nghĩa là giữ lễ phép như trong các từ ngữ cung kính, khiêm cung, chữ Thuận thông thường có nghĩa là xuôi theo một bề như trong các từ ngữ thuận tiện, đồng thuận, nhưng hai chữ này lại được dùng để đặt cho các nhà vua nhỏ tuổi bị ép phải nhường ngôi cho một quần thần. Các vua chót của các triều đại Ðông Tấn (317-420), Tây Ngụy (534-556), Tùy (581-618), Hậu Châu (951-960) đều được gọi là Cung Ðế. Các vua chót của các triều đại Tống (420-479) và Nguyên (1277-1368) đều được gọi là Thuận Ðế. Vua chót nhà Lương (502-557) thì được gọi là Kính Ðế.

Ngoài ra, tên Linh theo nghĩa thông thường là gập ghình không vững nhưng được dùng cho một nhà vua bị quyền thần lấn hiếp như trường hợp Hán Linh Ðế (t v 168-188) là nạn nhơn của Ðổng Trác và Tào Tháo.

Người đăng: admin