Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 77
Truy cập hôm nay: 1,921
Lượt truy cập: 10,986,388
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Các loại tên khác nhau của một cá nhân thời trướng

CÁC LOẠI TÊN KHÁC NHAU CỦA
MỘT CÁ NHÂN THỜI TRƯỚC.

Không rõ tác giả

Ngoài tên chánh tức là danh, người Việt Nam thời trước còn có nhiều loại tên khác, trong số này hiện nay có cái vẫn còn, nhưng có cái không còn được dùng nữa.

I. Tiểu danh hay nhũ danh.

A. Ý nghĩa của tiểu danh hay nhũ danh.

Hiện nay người Việt Nam thường dùng từ ngữ nhũ danh với một ý nghĩa đặc biệt là tên người đàn bà lúc chưa có chồng. Như khi nói đến bà vợ của ông Ngô Đình Nhu, người ta thường gọi là bà Ngô Đình Nhu nhũ danh Trần Thị Lệ Xuân.

Từ ngữ nhũ danh theo nghĩa nói trên đây thật ra không đúng với gốc chữ, và đáng lẽ thay vào đó ta phải dùng chữ bản danh hay nguyên danh tức là tên gốc của một người phụ nữ.

Chữ nhũ vốn có nghĩa là vú nên theo nghĩa gốc nhũ danh là tên người mang khi còn bú mẹ. Nó đồng một ý với tiểu danh, và chỉ cái tên của đứa trẻ còn bé bỏng.

B. Tiểu danh hay nhũ danh so với tên chánh.

Ở Trung quốc thì đời Xuân Thu trở về trước, tiểu danh hay nhũ danh không phân biệt với tên chánh. Tên này được đặt từ lúc đứa bé được ba tháng và được giữ luôn khi lớn.

Từ đời Tần (221-207 tr CN), Hán (206 tr CN-220 s CN) về sau, người Trung Hoa mới được đặt cho tên chánh phân biệt với tiểu danh, và khi tên chánh được dùng thì người ta thường giấu biệt tiểu danh không cho ai biết.

Tuy nhiên, trong thời kỳ này cũng có người giữ tiểu danh hay nhũ danh làm tên chánh luôn, như bà Lữ Hậu (t.v. 187-179 tr CN) giữ tiểu danh Nga Chước ( ) làm tên chánh; vua Quang Võ (t.v. 25-58) giữ tiểu danh Tú làm tên chánh.

Việc nhà vua này giữ tiểu danh làm tên chánh có tánh cách đặc biệt, là vì thời ông lớn lên, có câu sấm nói rằng Lưu Tú sẽ làm vua, nên khi mưu đồ tái lập nhà Hán, ông giữ tiểu danh Tú làm tên chánh cho phù hợp với lời sấm này.

Ngoài ra, ở Trung quốc, còn có những người lớn tuổi và thường dùng tên chánh, nhưng vẫn còn được gọi với tiểu danh. Đó là trường hợp Tào Tháo còn được gọi bằng tiểu danh là A Man và Lưu Thiện còn được gọi bằng tiểu danh là A Đẩu.

C. Cách thức đặt tiểu danh hay nhũ danh.

Nói chung thì nhũ danh hay tiểu danh biểu lộ lòng yêu mến hết mực của ông bà cha mẹ đối với đứa con trong thời kỳ thơ ấu.

1. Lòng yêu mến này có thể được thể hiện một cách giản dị bằng những tên chỉ vị trí của đứa con trong gia đình như Năm, Bảy, Út,... hoặc chỉ tánh cách bé bỏng của đứa con như Bé Em, Tý Hon, hoặc chỉ một đặc tánh của đứa con như Lanh, Liến,...

2. Nó cũng có thể được thể hiện bằng những tên chỉ vật trân bảo như Ngọc, Châu; hay những tên chỉ vật tốt lành, sang trọng, như Phước, Đức, Quyền, Quý. Với các tên này, ông bà cha mẹ đứa trẻ xem nó là bậc phi thường và hy vọng sau này nó sẽ làm nên danh phận.

3. Nhưng, mặt khác, lòng yêu mến hết mực của ông bà cha mẹ đối với đứa bé cũng có thể được thể hiện bằng những tên xấu xí.

Người ta có thể dùng tên một con vật thân thuộc như chó nhỏ, mèo con; hoặc những tên chỉ một tánh thật sự không tốt đối với người lớn, nhưng đối với trẻ con thì được dễ dàng dung nạp như xạo, điếm,... Ngoài ra , còn có những tiểu danh rất tục như thằng cu, con hĩm được dùng để gọi những đứa trẻ được thương yêu.

Một trong những lý do đặt tên xấu cho đứa bé là lòng e sợ rằng mang tên tốt nó có thể bị người khuất mặt dòm ngó khuấy phá và nuôi không được. Với một tiểu danh xấu, ông bà cha mẹ hy vọng rằng đứa bé sẽ được sờn sơ và trưởng thành một cách yên ổn.

Có những gia đình sanh ra con trai không nuôi được; lúc sanh được đứa con trai khác, ông bà cha mẹ đặt cho nó cái tên dùng để chỉ phụ nữ như xẩm (từ ngữ dùng để chỉ người đàn bà Trung Hoa).

Các tiểu danh xấu xí dĩ nhiên là không còn được dùng khi người đã thành nhân. Nếu nó còn được nói đến thì đó là do những kẻ ghen ghét đã mang tên đó nhắc lại để bêu xấu người ấy, như trường hợp Tào Tháo còn bị gán là A Man vì chữ Man có nghĩa xấu là xảo trá, gian giảo.

II. tên tự.

Nếu tục đặt tiểu danh hay nhũ danh phân biệt với tên chánh ngày nay vẫn còn tồn tại ở Trung quốc và Việt Nam thì tục đặt tên tự hiện tại gần như mất hẳn.

Thật sự thì lúc tục này còn thạnh hành, nó cũng chỉ dành cho những gia đình có học, chớ không phải phổ biến cho mọi hạng người như tiểu danh hay nhũ danh.

A. Lý do đặt tên tự.

Sở dĩ người Trung Hoa và người Việt Nam trước đây có tên tự là vì họ theo tục cữ tên chánh. Tục này đã có ở Trung quốc từ đời nhà Châu (1122-249 tr CN) và được người Trung Hoa các triều đại sau noi theo.

Phần người Việt Nam thì từ khi bị người Trung Hoa chinh phục và đô hộ rồi chấp nhận ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa thì giới Nho sĩ đã theo tục này.

Cứ theo tục cữ tên thì chỉ có những người trên trước như ông bà cha mẹ anh chị, thầy, vua và các quan cấp cao hơn người, mới được gọi người bằng tên chánh. Những người khác không được dùng tên chánh của người để gọi người. Những kẻ đồng hàng với nhau chỉ dùng tên chánh để gọi nhau trong trường hợp hai bên rất thân với nhau và có thể đùa bỡn nhau một cách suồng sã.

Thời trước, việc dùng tên chánh để gọi nhau giữa người đồng hàng như vậy cũng giống như ngày nay, hai người đồng hàng thân thiết với nhau dùng các đại danh từ mày tao để đối thoại với nhau. Về phần người vai vế hay địa vị xã hội thấp hơn thì tuyệt đối không được gọi người trên trước mình bằng tên chánh.

Chính vì tục cữ tên này mà tên chánh một người cũng được gọi là tên húy, và một trong những phép xử thế của người thời trước là "nhập gia vấn húy", nghĩa là khi vào nhà người nào thì phải kín đáo dò hỏi xem người trong nhà đó cữ những tên gì, để tránh không nói đến những tên phải cữ đó trong khi đàm thoại.

Tên đặt cho một người là để cho kẻ khác dùng để gọi người đó, nhưng một số người lại phải cữ tên đó không được dùng. Tên tự được đặt ra để giải quyết vấn đề này, nó được mọi người dùng để gọi một người khác mà tên chánh cần phải cữ.

Theo sách Lễ Ký thì tên tự được đặt lúc người 20 tuổi. Ở Trung quốc thời cổ, con trai bắt đầu đội mão và có thể nhận lãnh một chức vụ, con gái bắt đầu cài trâm và có thể gả chồng; do đó họ phải có tên tự để người khác gọi họ.

B. Phương pháp đặt tên tự.

1. Việc đặt tên tự ở Trung quốc.

a. Các nguyên tắc căn bản.

Vì tên tự được đặt ra để gọi thay tên chánh, nên nguyên tắc căn bản lúc khởi thủy là tên tự và tên chánh phải có mối liên hệ với nhau, thành ra như sách Bạch Hổ Thông đã nói "Hễ nghe tên chánh thì biết tên tự và nghe tên tự thì biết tên chánh" (Vấn danh tức tri kỳ tự vấn tự tức tri kỳ danh).

Tuy nhiên, nguyên tắc này thật sự đã không được áp dụng một cách nghiêm chỉnh, nên có nhiều xuất lệ.

Người Trung quốc bắt đầu áp dụng tục cữ tên và đặt tên tự từ đời nhà Châu. Lúc ấy, các tên chánh và tên tự phần lớn có sự liên hệ với nhau, và xuất lệ tương đối hiếm có. Trái lại, từ đời Hán về sau, xuất lệ có nhiều hơn, thành ra ngày nay, căn cứ vào tên tự chúng ta có khi rất khó biết được tên chánh của một người.

Về mặt hình thức thì cho đến đời Tây Hán (206-7 tr CN) tên tự có thể là một tên đơn, một tên đôi hay một tên ba chữ. Từ đời Đông Hán (25-220) trở đi, phần lớn các tên tự là tên đôi, nhưng đời nhà Đường (618-907) lại có nhiều người mang tên tự một chữ(75). Trong các tên tự nhiều chữ, có thể có một chữ dùng để biểu lộ vai vế trong gia tộc, để tỏ ý tôn trọng, hoặc để cho tên được đẹp hơn.

1/ Từ đời Châu, người Trung Hoa đã có nhiều chữ dùng trong tên tự để biểu lộ vai vế lớn nhỏ của người trong gia tộc. Trong các chữ này, hai chữ Bá và Mạnh đều được dùng để chỉ vai anh, nhưng Bá dành cho dòng đích còn Mạnh thì dành cho dòng thứ.

Từ đời Hán trở đi, người ta không còn áp dụng qui tắc này một cách nghiêm chỉnh nữa, lại đặt thêm một số chữ mới để biểu lộ vai vế lớn nhỏ của người trong gia tộc.

Nói chung thì người anh cả có tên tự mang một trong các chữ Bá, Mạnh, Nguyên, Trưởng; người em kế đó có tên tự mang một trong các chữ Thúc, Trọng, Thứ, các em nhỏ hơn có tên mang một trong các chữ Quý, Ấu, Trĩ.

2/ Về mục đích biểu lộ sự tôn trọng, ta thường gặp trong tên tự các chữ Công, Ông, Phủ, Phụ, Quản, Tử, Thúc, ...

3/ Việc dùng chữ làm cho tên tự được hoa mỹ đã bắt đầu với đời Hán (206 tr CN-220 s CN) và từ đời Đường (618-907) lại còn được thạnh hành hơn. Các chữ này có thể chỉ thân phận người mang tên tự như Sĩ, Dân; hoặc mô tả hành động người như Khổng, Đại, Cự, Vĩ, Mậu, Huyền; hoặc chỉ một đặc tánh của người như Đức, Thánh, Nghĩa, Huệ, Hiến, Cung, Chánh, v..v...

Đời nhà Đường, mỹ từ có thể là chữ chỉ người ở ngôi thứ nhất như Dư, Thần (đều có nghĩa là tôi) hoặc ở ngôi thứ hai như Nhữ (anh), Hữu (bạn).

b. Phép đặt tên tự theo cổ tục.

Theo cổ tục thì tên tự và tên chánh phải có ý nghĩa liên hệ với nhau. Sự liên hệ này có thể được thể hiện theo 5 cách thức sau đây:

1/ Tên tự là chữ đồng nghĩa với tên chánh.

Đời Xuân Thu Chiến Quốc có các ông Tệ Dư (môn đệ Khổng Tử) tự Tử Ngã; Tiểu Hoạch tự Tử Cầm; Công tử Khứ Tật tự Lương; Nhan Hồi tự Uyên. Đời Tam Quốc, có ông Gia Cát Lượng tự Khổng Minh.

Trong các trường hợp trên đây, tên tự và tên chánh đồng nghĩa với nhau: Dư với Ngã đều có nghĩa là ta hay tôi; Hoạch và Cầm đều có nghĩa là bắt giữ; Khứ Tật là trừ bỏ tật xấu, bịnh hoạn, nên đồng nghĩa với Lương là tốt đẹp lành mạnh; Hồi có nghĩa là nước sâu như Uyên; Lượng với Minh đều có nghĩa là sáng. Các chữ Tử và Khổng được thêm vào chữ đồng nghĩa với tên chánh để tỏ ý tôn trọng hoặc để cho tên tự được hoa mỹ.

2/ Tên tự là chữ phản nghĩa với tên chánh.

Đời Xuân Thu Chiến Quốc có các ông Đoan Mộc Tứ (môn đệ Khổng Tử) tự Tử Cống; Triệu Thôi tự Tử Dư; Bốc Thương (môn đệ Khổng Tử) tự Tử Hạ. Đời Đường có ông Hàn Dũ tự Thoái Chi.

Cống là kẻ dưới đem dâng lên cho người trên, trái nghĩa với Tứ là người trên ban cho kẻ dưới; Dư hàm ý thêm hay thừa, trái nghĩa với Thôi hàm ý giảm thiểu; Hạ là triều đại đối chọi với Nhà Thương; Thoái là lui bước trái nghĩa với Dũ là tiến lên. Các chữ Tử và Chi dùng để tỏ ý tôn trọng hoặc cho tên tự được hoa mỹ.

3/ Tên tự và tên chánh có ý liên nghĩa với nhau thành ra dựa vào chữ này, ta có thể suy ra chữ kia.

Đời Xuân Thu Chiến Quốc có ông Nam Cung Quát tự Tử Dung; các ông Công Tử Qui Sanh, Công Tôn Qui Phụ và Công Tôn Qui Sanh đều tự Tử Gia; ông Bá Lý Thị tự Mạnh Minh. Đời Tam Quốc có các ông Quan Võ tự Vân Trường; Châu Du tự Công Cẩn; và Gia Cát Cẩn tự Tử Du.

Chữ Dung hàm ý dung nạp nên liên nghĩa với Quát hàm ý bao gồm; Gia là nhà nên liên nghĩa với Qui là về; Minh là sáng nên liên nghĩa với Thị là xem; Vân là mây nên liên nghĩa với Võ là cánh chim, Cẩn với Du là hai loại ngọc giống nhau nên người tên Du có tên tự là Cẩn và người tên Cẩn có tên tự là Du. Các chữ Tử, Công thêm trong tên tự dùng để tỏ ý tôn trọng, chữ Mạnh để cho thấy rằng người mang tên tự là người anh cả trong gia đình, chữ Trường dùng để cho tên tự được hoa mỹ.

Một trường hợp đặc biệt là trường hợp Khổng Tử, ông vốn tên là Khâu, và có tự là Trọng Ni. Chữ Trọng dùng để cho biết rằng ông là người con thứ trong gia đình, chữ Ni cùng với chữ Khâu họp lại làm tên núi Ni Khâu, nơi cha mẹ Khổng Tử cầu đảo mà sanh ra ông, thành ra chữ Khâu được dùng làm tên chánh còn chữ Ni được dùng làm tên tự.

4/ Tên tự và tên chánh chỉ hai vật, hoặc hai việc, hoặc một vật và một việc, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nên nghe chữ này thì ta liên tưởng ngay đến chữ kia.

Đời Xuân Thu Chiến Quốc có các ông Nhiên Đơn tự Tử Cách; Chu Trương tự Tử Cung; Tư Mã Canh tự Tử Ngưu; Nhiêu Canh tự Bá Ngưu; Biện Trọng Do (môn đệ Khổng Tử) tự Tử Lộ. Đời Tam Quốc có các ông Triệu Vân tự Tử Long; Tôn Sách tự Bá Phù; Tôn Quyền tự Trọng Mưu.

Cách là tấm da trâu nhuộm màu đỏ để dùng làm giáp, còn đơn là màu đỏ nên nghe chữ Cách người ta liên tưởng đến chữ Đơn; muốn dùng cung phải giương nó lên nên nghe đến Cung thì người ta liên tưởng đến Trương; Ngưu là con bò hay trâu còn Canh là cày và khi nói đến bò hay trâu thì người ta liên tưởng đến việc cày; Lộ là đường đi, Do là chỗ xuất phát, hễ nói đến đường đi thì người ta nghĩ đến chỗ xuất phát; Long là rồng, Vân là mây và rồng thường ẩn trong mây nên khi nghe chữ Long người ta liên tưởng đến Vân; Phù là cái thẻ tre dùng để làm tín hiệu còn Sách là thẻ tre dùng để ghi chép sự việc, thành ra khi nói đến Phù thì người ta liên tưởng đến Sách; Mưu là kế hoạch bày ra để làm cho công việc thành tựu, Quyền nghĩa đen là trái cân, nghĩa bóng là cân nhắc tính toán, nên khi nghe chữ Mưu thì người ta liên tưởng đến chữ Quyền. Chữ Tử dùng để biểu lộ sự tôn trọng, còn Bá dùng để chỉ vai anh, và Trọng dùng để chỉ vai em.

5/ Tên tự chỉ loại vật chung trong đó tên chánh thuộc vào.

Đời Xuân Thu Chiến Quốc, các ông Lương (?) Chiên, Dương Thiệt (?) Phụ đều tự Thúc Ngư; ông Khổng (?) Lý (con Khổng Tử) tự là Bá Ngư; các ông Công Tử (?) Phường, Chúc (?) Đà đều tự Tử Ngư; ông Từ (?) Viện tự là Bá Ngọc; ông Trần (?) Quán tự là Tử Ngọc.

Chiên, Phụ, Lý, Phường, Đà đều là loài cá nên những người mang tên ấy đều dùng chữ Ngư là cá làm tên tự; Viện và Quán đều là ngọc nên những người mang tên ấy đều dùng chữ Ngọc làm tên tự; Hành là tên ngọn núi, nên người mang tên ấy dùng chữ Sơn làm tên tự; Diệm là một loại ngọc, nên người mang tên ấy dùng chữ Trân là vật quý làm tên tự. Chữ Tử dùng để biểu lộ sự tôn trọng, các chữ Bá và Thúc dùng để biểu lộ vai vế trong gia đình của người mang tên tự, còn chữ Tòng và Cảnh dùng để làm cho tên tự được hoa mỹ.

c. Phép đặt tên tự theo một số lề lối mới.

Ngoài các phép đặt tên tự theo cổ tộc như trên đây, người ta còn có những lối đặt tên tự được thêm vào sau này.

1/ Từ nhà Hán trở đi, người Trung Hoa đã dùng phép lấy các thành phần của chữ Hán dùng làm tên chánh để đặt tên tự.

Đời (?) có Tống Mai tự Vân Ngọc và Mai Kỳ Linh tự Đại Khả. Chữ Mai ( ) vốn gồm hai chữ Vân ( ) và Ngọc ( ) hợp lại, nên người tên Mai có tự là Vân Ngọc; trong Mai Kỳ Linh, chữ Kỳ ( ) là tên chánh gồm hai chữ Đại ( ) và chữ Khả ( ) hợp lại, nên Mai Kỳ Linh lấy hai chữ Đại Khả làm tên tự.

Chữ dùng làm tên tự của một người có thể chỉ là một thành phần của chữ dùng làm tên chánh. Như đời nhà Tống có Tần Cối tự Hội Chi, chữ Cối ( ) vốn gồm hai chữ Mộc ( ) và Hội ( ) hợp lại, và chữ Hội dùng làm tên tự chỉ gồm một thành phần của chữ Cối.

Trong các tên kể ra trên đây, Linh trong Mai Kỳ Linh và Chi trong Hội Chi là những chữ đệm thêm vào cho tên được hoa mỹ,

2/ Cũng từ nhà Hán trở đi, người ta dùng làm tên tự những chữ có liên hệ với chữ dùng làm tên chánh qua một thành ngữ hay điển tích.

Đời nhà Hán có Ngụy Triết tự Tri Nhân; Lộc Long tự Tại Điền; Phan Nhạc tự An Nhân.

Thành ngữ Trung Hoa có câu "Tri nhân tức triết" (Biết người là triết) nên người tên Triết lấy hai chữ Tri Nhân làm tự. Hào Cửu Nhị của quẻ Càn trong kinh Dịch có câu "Hiện long tại điền" nên người tên Long lấy hai chữ Tại Điền làm tên tự. Nhạc có nghĩa là hòn núi lớn mà trong sách Luận Ngữ (Ung Dã VI) có câu "Nhân giả nhao sơn" (Người có lòng nhân thì thích núi) nên người có tên Nhạc lấy hai chữ An Nhân làm tên tự(80).

3/ Có khi tên chánh của người giống họ, tên chánh, hay tên tự của một danh nhân, và tên tự của người cũng liên hệ với họ tên chánh hay tên tự của danh nhân đó.

Như đời Xuân-Thu có ông Diên Bình Trọng tự Hy Yến; Đời Tống có ông Tống Học Chu tự Dụng Hối.

Thời Xuân Thu có ông Yến Anh tự Bình Trọng làm Tể tướng nước Tề và có tiếng là một người thanh liêm, trung trực, mẫn cán, lại có tài hùng biện nên rất được mọi người khâm phục. Ông Diên Bình Trọng có tên chánh trùng với tên tự của ông Yến Anh nên lấy tên tự là Hy Yến hàm ý hy vọng sẽ noi được gương của ông Yến Anh.

Đời nhà Tống có nhà học giả phái Lý Học là Chu Hy tự Nguyên Hối, sau đổi lại làm Hối Trọng. Tên chánh và tên tự của ông Tống Ngọc Chu đều liên hệ đến nhà học giả này; tên chánh có nghĩa là học theo ông ấy và tên tự hàm ý lấy ông ấy làm gương mẫu.

4/ Với lối đặt tên tự trên đây, tên chánh và tên tự của người có sự liên hệ chặt chẽ với nhau, và nghe tên tự người ta có thể suy đoán ra tên chánh được.

Đến như lối dùng can chi ngũ hành để đặt tên tự, sự liên hệ giữa tên tự và tên chánh vẫn còn, nhưng khó nhận thấy hơn.

Từ đời cổ, người Trung Hoa đã đặt ra 10 Thiên can là Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý; và 12 Địa chi là Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Các yếu tố này được dùng để chỉ ngày, giờ, tháng, năm. Ngoài ra, người Trung Hoa còn có quan niệm về ngũ hành là Kim Thủy Mộc Hỏa Thổ nếu sắp theo thứ tự tương sanh; hay Kim Mộc Thổ Thủy Hỏa nếu sắp theo thứ tự tương khắc. Giữa can, chi, ngũ hành có sự liên hệ mật thiết với nhau.

Đời Thương Ân, người ta thường lấy can chi của ngày sanh để đặt tên chánh như sanh ngày Giáp Tý thì đặt tên Giáp, sanh ngày Mậu Thìn thì đặt tên Mậu. Sang đời Xuân Thu Chiến Quốc người ta mới dùng can chi để đặt cả tên chánh và tên tự.

Mặt khác, việc áp dụng nguyên tắc can chi ngũ hành vào việc đặt tên chánh và tên tự trở thành phức tạp hơn. Lúc này Âm Dương gia có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng người Trung Hoa, nên việc dùng can chi làm tên chánh và tên tự có khi họ phải tính như thế nào cho hợp với nguyên tắc tương sanh, tránh sự tương khắc, cốt để cho âm dương điều hòa cũng như trợ giúp cho nhau.

Nói chung, thì người Trung Hoa thời này có thể lấy can của ngày sanh làm tên chánh và chi của ngày sanh làm tên tự. Họ cũng có thể lấy thiên can phối hợp nhau hay thiên can cùng địa chi phối hợp nhau để đặt tên và tự. Trong sự phối hợp này, họ phải tính toán như thế nào cho tên chánh và tên tự thuộc những can có thể cứu giúp nhau.

Đời Xuân Thu Chiến Quốc có các ông Bạch Bính tự Ất; Thạch Quí tự Giáp Phụ; Công Tri Nhâm Phu tự Tri Tân; Hạ Mậu tự Đinh; Công Tử Giáp tự Quí Phu.

Hai can Giáp và Ất đều thuộc hành Mộc, nhưng Giáp tánh cương và Ất tánh nhu; hai can Bính và Đinh đều thuộc hành Hỏa nhưng Bính tánh cương còn Đinh tánh nhu; can Mậu thuộc hành Thổ và tánh cương; can Tân thuộc hành Kim và tánh nhu; hai can Nhâm và Quí đều thuộc hành Thủy nhưng Nhâm tánh cương mà Quí tánh nhu.

Tên Bính tự Ất là lấy ý mộc sanh hỏa và cương nhu giúp nhau. Tên Giáp tự Quí là lấy ý thủy sanh mộc và cương nhu giúp nhau. Các chữ Phu và Tử dùng để tỏ ý tôn trọng người mang tên tự.

5/ Theo nguyên tắc, tên tự được đặt ra là để dùng thay tên chánh cần phải cữ. Tuy nhiên, từ đời Xuân Thu Chiến Quốc đã có nhiều nhân vật được gọi bằng tên chánh với tên tự trộn vào nhau.

Tất cả các nhà viết tiểu sử Khổng Tử đều bảo rằng thân phụ ông là Thúc Lương Ngột; và hiện nay, có lẽ nhiều người đọc tiểu sử Khổng Tử rồi thì tự hỏi tại sao cha là Thúc Lương Ngột mà con không phải là Thúc Lương Khâu mà lại là Khổng Khâu?

Kỳ thật, thân phụ Khổng Tử tên chánh là Ngột, tên tự là Thúc Lương và đáng lẽ khi nói đến ông, người ta phải bảo rằng ông là Khổng Ngột tự Thúc Lương. Khi dùng tên tự là Thúc Lương đặt trước tên chánh là Ngột, các nhà viết tiểu sử Khổng Tử xưa đến nay đã làm cho chúng ta phải bỡ ngỡ.

Nhưng việc dùng tên tự trộn với tên chánh để gọi một người có lẽ là một xuất lệ đặc biệt thời Xuân Thu Chiến Quốc. Ngoài trường hợp của thân phụ Khổng Tử vốn là người nước Lỗ, ta còn có thể kể trường hợp của Nam Cung Trường Vạn người nước Tống, và Mạnh Minh Thọ người nước Tần.

Thật sự thì nhân vật được bộ Đông Châu Liệt Quốc gọi là Nam Cung Trường Vạn họ Nam Cung, tên Vạn, tự Trường; và nhân vật được gọi là Mạnh Minh Thọ là con Bá Lý Hề, tên là Thọ, tự là Mạnh Minh; ghép tên chánh và tên tự của họ với nhau và gọi là Trường Vạn hay Mạnh Minh Thọ. Các nhà viết sách thời trước đã khiến cho kẻ hậu học tò mò, nhiều lúc phải bối rối, không biết đường nào mà mò.

Cũng trong chiều hướng chọn tên chánh với tên tự người Trung Hoa thời Xuân Thu Chiến Quốc lại có kẻ đặt tên tự bằng cách thêm vào tên chánh một từ ngữ khác; như ở nước Tề có ông Công Dã Trường tự Tử Trường; nước Lỗ có ông Hữu Nhược tự Thử Nhược; nước Vệ có ông Cú Tĩnh Cương tự Tử Cương.

Từ nhà Hán trở đi tục này càng thạnh hành. Đời Hán có ông Tạ An mang tên tự là An Thạch. Đời Đường có thi sĩ Đỗ Mục tự là Mục Chi.

2. Việc đặt tên tự ở Việt Nam.

Trong việc đặt tên tự, người Việt Nam trước đây đã theo các phương pháp mà người Trung Hoa đã áp dụng. Do đó, ta có thể nhận thấy sự liên hệ giữa tên chánh và tên tự của một số danh nhân.

Tuy nhiên, hiện nay, việc tìm hiểu mối liên hệ giữa tên chánh và tên tự một người rất khó khăn vì nhiều lý do.

Trước hết, vì hiện nay tiểu sử các danh nhân đã được viết theo chữ Quốc ngữ, nên khi đọc tên chánh và tên tự của họ chúng ta khó hiểu đúng nghĩa của tên ấy, không như ta đọc các tên ấy bằng Hán văn.

Mặt khác, có khi giữa tên chánh và tên tự một người có sự liên hệ chặt chẽ rõ rệt, nên dầu có đọc các tên ấy bằng Hán văn chúng ta vẫn không biết chắc được vì sao nhân vật đó có những tên chánh và tự như vậy.

Sau đây là một số trường hợp trong đó tên chánh và tên tự có sự liên hệ rõ rệt:

a. Trường hợp tên chánh và tên tự đồng nghĩa với nhau.

Chúng tôi đã được ngoại tổ đặt cho tên tự là Trọng Minh, vì chữ Minh vốn có nghĩa là sáng cũng như chữ Huy; và Trọng dùng để cho biết rằng chúng tôi là con trai thứ chớ không phải là con trai trưởng.

Xét tên chánh và tên tự các danh nhân Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy nhiều trường hợp tương tự.

Nhà chí sĩ cuối đời Trần, Lê Cảnh Tuân, tác giả bức Vạn Ngôn Thư nổi tiếng, gởi cho ông Bùi Bá Kỳ, là người đã yêu cầu nhà Minh đánh Việt Nam, sau khi Hồ Quí Ly cướp ngôi, với hy vọng khôi phục lại nhà Trần, vốn có tên tự là Tử Mưu. Ông Nguyễn Trực (1417-1473) đỗ Trạng nguyên năm 1442 đời vua Lê Thái Tông có tên tự là Công Đĩnh. Ông Lê Quí Đôn (1726-1784) nhà bác học đời Hậu Lê, đã trước tác nhiều tác phẩm nổi tiếng, có tên tự là Doãn Hậu. Ông Phạm Huy Ôn (1755-1786) đỗ Tiến sĩ năm 1779 có tên tự là Hòa Phủ. Ông Nguyễn Đăng Tuân (?-1843) danh sĩ triều Nguyễn vốn là thầy học vua Thiệu Trị (t.v. 1841-1847) có tên tự là Tín Phu. Nhà chí sĩ thời Pháp mới đến Việt Nam là Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) có tên tự là Mạnh Trạch.

Các tên chánh và tên tự của các nhân vật trên đây đều đồng nghĩa với nhau, vì chữ Tuân trong Lê Cảnh Tuân có nghĩa là mưu kế. Trực với Đĩnh đều có nghĩa là ngay thẳng. Đôn với Hậu đều có nghĩa là dày dặn. Ôn với Hòa hàm nghĩa êm đềm, không nóng nảy, không xung đột với người khác. Chữ Tuân trong Nguyễn Đăng Tuân có nghĩa là tin thật như chữ Tín. Còn Chiểu với Trạch đều có nghĩa là ao đầm. Các chữ Từ, Công, Doãn, Phu, Phủ dùng để biểu lộ sự tôn trọng hay để làm cho tên tự được hoa mỹ.

Một trường hợp đáng lưu ý là tên tự của hai nhà học giả thời Pháp mới đến Việt Nam là Trương Vĩnh Ký (1837-1898) và Trương Minh Ký. Các sách Quốc ngữ nói về hai ông này đều ghép là ông Trương Vĩnh Ký tự là Sĩ Tải và ông Trương Minh Ký tự là Thế Tải.

Sự thật, chữ Hán đọc là Tải và có nghĩa là chuyên chở, như trong từ ngữ vận tải, khi đọc là Tái thì có nghĩa là ghi chép như chữ Ký. Bởi đó ta phải nói rằng ông Trương Vĩnh Ký có tên tự là Sĩ Tái và ông Trương Minh Ký có tên tự là Thế Tái; và các tên tự được đặt theo lối dùng chữ đồng nghĩa với tên chánh, kèm theo một chữ dùng để làm cho tên tự được hoa mỹ là Sĩ hay Thế.

b. Trường hợp tên chánh và tên tự có ý nghĩa liền nhau.

Danh thần nhà Trần, Trương Hán Siêu (?-1354) có tên tự là Thăng Phủ. Ông Đàm Văn Lễ (1451-1504) đổ Tiến sĩ năm 1469 đời vua Lê Thánh Tông và là một hội viên của hội Tao Đàn thời đó có tên là Hoằng Kính. Ông Nguyễn Thật (?-1637) đỗ Tiến sĩ năm 1594 đời vua Lê Thế Tông và là một trọng thần đời Hậu Lê Trung Hưng có tên là Phác Phủ. Ông Phan Huy Ôn (1755-1786) lúc mang tên Uông có tên tự là Trọng Dương. Ông Lê Quang Định (1760-1813), một công thần của vua Gia Long có tên tự là Tri Chỉ. Ông Nguyễn Hàm Ninh (1808-1867), danh sĩ triều Nguyễn và là thầy học vua Thiệu Trị có tên tự là Thuận Chi. Ông Đinh Nhật Thận đỗ Tiến sĩ năm 1838 đời vua Minh Mạng, tác giả bài Thu Dạ Lữ Hoài Ngâm có tên tự là Tử Úy. Ông Lê Ngô Cát (1827-1876) tác giả quyển Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca có tên tự là Bá Hanh.

Sự liên hệ ý nghĩa của các tên chánh và tên tự trên đây có thể nhận thấy rõ ràng: Siêu hàm ý vượt lên trên nên liền nghĩa với Thăng là tiến lên chỗ cao hơn; Kính là dáng điệu nghiêm chỉnh tỏ ý tôn trọng người khác nên liền nghĩa với Lễ là qui tắc cư xử của người quân tử đặt nền tảng trên sự biểu lộ sự tôn trọng đối với người khác; Phác là chơn chất, không trau chuốt, nên liền nghĩa với Thật là chơn thành, không dối trá; Dương là biển liền nghĩa với Uông là nước sâu rộng; Tri Chỉ là biết dừng lại ở chỗ phải dừng, một đức tánh của người học theo đạo quân tử, do đó hai chữ này ghép lại liền nghĩa với chữ Định là ngưng yên một chỗ; Ninh có nghĩa là thả và hàm ý chấp nhận một việc gì nên liền nghĩa với Thuận là nghe theo, đi theo; Cát là tốt đẹp, là điều phúc, điều lành nên liền nghĩa với Hạnh là may mắn được trời cho làm việc gì cũng thông suốt không bị cản trở.

Các chữ Phủ, Hoằng, Chi, Tử được thêm vào để tỏ ý tôn trọng hoặc để cho tên tự được hoa mỹ. Chữ Bá hàm ý rằng người mang tên tự là con trưởng. Chữ Trọng hàm ý rằng người mang tên tự là con thứ trong gia đình.

c. Trường hợp tên chánh và tên tự là những vật hay việc có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nên nghe chữ này thì ta liên tưởng ngay đến chữ kia.

Ông Ngô Thời Sĩ (1726-1780), một danh sĩ làm quan thời Hậu Lê Trung Hưng có tên tự là Thế Lục. Ông Phạm Quí Thích (1760-1825) một di thần nhà Hậu Lê, sau ra làm quan với nhà Nguyễn, và là tác giả bài Tựa Truyện Kiều của Nguyễn Du, có tên tự là Dữ Đạo. Ông Phạm Đình Hổ, một danh sĩ khác của nhà Hậu Lê và là tác giả quyển Vũ Trung Tùy Bút có tên tự là Tùng Niên. Nhà chí sĩ nổi danh Phan Bội Châu (1867-1940) có tên tự là Hải Thu. Và nhà chí sĩ Dương Bá Trạc (1884-1940) có tên tự là Tuyết Huy.

Các tên chánh và tên tự kể trên đây chỉ những vật hay những việc có mối quan hệ làm cho ta nghe tên này thì liên tưởng đến tên kia: Thế Lực là tiền bạc của cải vua ban cho quan suốt đời, Sĩ là làm quan, nên nghe đến hai chữ Thế Lực người ta liên tưởng đến chữ Sĩ; Dữ Đạo có nghĩa là cùng người khác nói về đạo lý, còn Thích là giảng giải, nên nghe nói đến hai chữ Dữ Đạo người ta liên tưởng đến chữ Thích; Hổ là hổ phách, còn Tùng Niên thì có nghĩa là tuổi của cây tùng, vì Hổ Phách vốn do nhựa của cây tùng lâu năm biến thành nên nghe nói đến Tùng Niên thì người ta liên tưởng đến Hổ Phách; Châu là hột ngọc sanh ở trong mình con trai sống ở biển, Hải Thu là vật thâu được từ trong biển nên nghe nói đến Hải Thu người ta liên tưởng đến Châu; Trạc có nghĩa là rửa sạch, Tuyết Huy là ánh sáng của tuyết, hàm ý trắng trẻo, trong sạch, nên nghe nói đến hai chữ Tuyết Huy người ta liên tưởng đến Trạc là việc rửa cho sạch.

d. Trường hợp tên tự viết theo chữ Hán là thành phần của tên chánh viết theo chữ Hán.

Ở Nam Việt trước đây có nhiều bộ truyện Tàu được dịch ra Việt ngữ như Phong Thần diễn nghĩa, Tây Du diễn nghĩa,... với một lời văn rất điêu luyện và những bài thơ rất hay. Dịch giả các bộ truyện này là ông Trần Phong Sắc. Theo chúng tôi được biết, Phong Sắc là tên tự của ông và tên chánh của ông là Diễm, ông sở dĩ lấy tên tự như vậy là vì chữ Diễm viết theo Hán tự ( ) gồm hai chữ Phong ( ) và Sắc ( ) ghép lại với nhau.

đ. Trường hơp tên chánh và tên tự có liên hệ nhau qua những thành ngữ hay điển tích.

Ông ngoại chúng tôi là Trần Minh Đức và có tên tự là Nhuận Thân, cậu chúng tôi là Trần Minh Giáo thì có tên tự là Kính Phu. Các tên tự trên đây đều có liên hệ với tên chánh qua kinh sách Nho gia.

Trong sách Đại Học có câu "Phú nhuận ốc đức nhuận thân", nghĩa là sự giàu có làm cho nhà ở tốt đẹp, còn đức hạnh làm cho thân người tốt đẹp. Trong kinh Thư có câu "Kính phu ngũ giáo", nghĩa là kính cẩn phô bày năm điều giáo hóa tốt cho dân theo. Người có học trước đây nghe tên tự Nhuận Thân thì nhớ đến câu "Đức nhuận thân" và suy ra tên chánh là Đức; nghe tên tự Kính Phu thì nhớ đến câu "Kính phu ngũ giáo" và suy ra tên chánh là Giáo.

Xét tên chánh và tên tự của một số nhân vật Việt Nam chúng ta có thể nhận thấy nhiều trường hợp tương tự.

Một danh thần triều Nguyễn là ông Phạm Đăng Hưng (1765-1825), thân phụ bà Thái hậu Từ Dũ, là vợ vua Thiệu Trị, có tên tự là Khiết Củ. Ông Trương Quốc Dụng (1797-1864) đỗ Tiến sĩ năm 1829 đời vua Minh Mạng và làm quan dưới đời ba vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức có tên tự là Dĩ Hành. Ông Phan Thanh Giản (1796-1867) đỗ Tiến sĩ năm 1826 đời vua Minh Mạng và là đại thần của triều Nguyễn, có tên tự là Đạm Như. Ông Phạm Phú Thứ (1820-1881) đỗ Tiến sĩ năm 1843 đời vua Thiệu Trị và làm quan dưới đời hai vua Thiệu Trị và Tự Đức có tên tự là Giáo Chi. Thời Pháp thuộc nhà học giả nổi tiếng Bùi Kỷ có tên tự là Ưu Thiên. Một học giả nổi tiếng khác là Đào Trinh Nhất có tên tự là Quán Chi.

Các tên tự kể trên đây đều được đặt theo phương pháp dựa vào kinh điển Nho giáo. Cứ theo sách Đại Học thì "Thượng lão lão nhi dân hưng hiếu, thượng trưởng nhi dân hưng để, thượng tuất cô nhi dân bất bội, thụ dĩ quân tử hưu khiết củ chi đạo dã" (Bề trên tôn trọng người già cả thì người dân ở dưới noi lên theo đạo hiếu, bề trên tôn trọng người lớn tuổi hơn mình thì người dân ở dưới noi lên theo đạo để, bề trên cứu giúp trẻ con côi cút thì dân không ăn ở bội bạc, cho nên người quân tử có cái đạo làm mẫu mực cho người khác).

Do đó, khi nghe nói tới tên tự Khiết Củ làm mẫu mực người ta nhớ đến câu trên đây và biết rằng người mang tên tự đó có tên chánh là Hưng. Trong sách ?... có câu "Dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng" (Bề trên dùng ta thì ta ra làm việc, bề trên bỏ ta thì ta đi ở ẩn). Do đó, nghe tên tự Dĩ Hành nghĩa là đã ra làm việc, người ta nghĩ đến chữ Dụng và suy ra tên chánh. Sách Trung Dung lại có câu "Quân tử chi đạo đạm nhi bất yếm, giản nhi văn ôn nhi lý" (Đạo của người quân tử lạt mà không chán, bình dị mà có văn vẻ, ôn hòa mà hợp lý); vậy Đạm (lạt) và Giản (bình dị) là hai tánh cách đặc thù của đạo người quân tử; người thuộc kinh điển Nho giáo nghe tên tự Đạm Như thì nghĩ đến câu nói trên đây trong sách Trung Dung và suy ra tên chánh của người là Giản.

Mặt khác, trong sách Luận Ngữ (Tử Lộ XIII) có chép lại rằng khi học trò sang nước Vệ, Khổng Tử đã khen nước này dân chúng đông đảo (thư). Học trò ông là Nhiệm Hữu hỏi dân đã đông rồi thì nên làm gì thêm nữa? Ông trả lời: Làm cho họ giàu (phú chi). Nhiệm Hữu lại hỏi: Dân đã giàu rồi thì nên làm gì thêm nữa? Ông trả lời: Dạy họ (giáo chi).

Vì dựa vào điển tích này mà ông Phạm Phú Thứ lấy tên tự là Giáo Chi; nghe đến tên tự Giáo Chi, người biết câu chuyện trên đây nghĩ ngay đến hai chữ Phú và Thứ và đoán ra tên chánh của ông là Phú Thứ.

Về ông Bùi Kỷ thì tên tự Ưu Thiên rút ra từ các sách Liệt Tử và Tả Truyện. Theo các sách này thì nước Kỷ có người lo xa, suốt ngày cứ sợ trời sập xuống chôn mình chết. Người thuộc kinh điển nghe đến tên tự Ưu Thiên là lo sợ trời sập thì nghĩ đến người nước Kỷ và biết rằng người mang tên tự đó có tên chánh là Kỷ.

Tên tự Quán Chi của ông Đào Trinh Nhất rút ra từ câu nói của Khổng Tử trong sách Luận Ngữ (Lý Nhân IV): "Ngô đạo nhất thôi". Nghe đến hai chữ Quán Chi thì người ta nghĩ đến câu này và suy đoán được rằng người mang tên tự Quán Chi phải có tên chánh là Nhất.

e. Trường hợp tên chánh và tên tự có liên hệ đến họ và tên của một danh nhân.

Thân phụ chúng tôi tên là Nguyễn Ngọc Hứa, và mang tên tự là Sanh Dương. Nguyên đời Đường có ông Hứa Sanh Dương là một lãnh tụ Đạo giáo.

Ngoài ra, ta còn được biết con ông Phan Đình Phùng tên Phan Đình Cừ có tên tự là Bá Ngọc. Tên chánh và tên tự này có liên hệ đến ông Cử Viện tự Bá Ngọc là một ?...

g. Trường hợp tên tự và tên chánh thêm vào một từ ngữ khác.

Đó là trường hợp ông Lý Tấn tức Nguyễn Tấn (1378-1387) đỗ Thái học sinh năm 140 đời Hồ Quí Ly; ông gốc họ Lý, nhưng vì đời Trần họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn, nên ban đầu ông được biết với tên là Nguyễn Tấn. Ông đã theo Bình Định Vương khởi nghĩa chống quân Minh; rồi làm quan cho nhà Hậu Lê dưới đời các vua Thái Tổ, Thái Tông và Nhân Tông; và trong thời kỳ này vì chữ Lý đã không còn kỵ húy nữa nên ông trở về với họ Lý và được biết dưới tên Lý Tấn.

Xét hết các cách đặt tên tự trên đây của người Việt Nam ta có thể nhận thấy rằng hầu hết các cách đặt tên tự của người Trung Hoa đã được áp dụng ở Việt Nam, trừ ra ba cách: Tên tự phản nghĩa với tên chánh; tên tự với tên chánh cùng chỉ một loại vật chung nhau; và tên tự với tên chánh dựa vào can chi và ngũ hành.

III. tên hiệu

Ngoài nhũ danh, tên chánh và tên tự, người thời trước còn có một hay nhiều tên hiệu.

Hiện nay cũng có một số người Việt Nam còn dùng tên hiệu ngoài tên chánh.

A. Lý do đặt tên hiệu.

1. Nhũ danh, tên chánh và tên tự của người vốn do người trên trước của người như cha mẹ, ông bà, thầy học hay nhà vua đặt cho người. Người có thể tự mình đổi các tên đó, nhưng không mấy khi người làm như vậy. Đối với đa số, người muốn tự do chọn lựa một cái tên cho mình, phương pháp hay nhứt là dùng tên hiệu.

Trong việc tự đặt tên hiệu, người có thể biểu lộ ý muốn, sở thích, nguyện vọng hay sự tự hào về một đức tánh hay một đặc điểm của mình. Ngoài một tên hiệu chánh, người còn có thể có thêm biệt hiệu và ngoại hiệu, bởi đó, một người có thể mang nhiều tên hiệu khác nhau.

2. Đối với những người có tên tuổi lớn, người khác có thể đặt hiệu để gọi thay cho tên chánh hay tên tự của họ.

Việc dùng hiệu như vậy thường được biểu lộ lòng tôn kính người được nói đến, vì gọi một người bằng hiệu như vậy có tánh cách long trọng hơn là gọi người ấy bằng tên tự của ông ta. Nhưng việc đặt hiệu cho người có tên tuổi cũng có thể dùng để biểu lộ sự thích mến hay trái lại, dùng để chế giễu người ấy.

Các tên hiệu biểu lộ đặc tánh của người, dầu để tôn xưng hay để chế giễu, được gọi là ngoại hiệu hay xước hiệu.

B. Phương pháp đặt tên hiệu.

1. Việc đặt tên hiệu ở Trung quốc.

Nói chung thì việc đặt tên hiệu thường thực hiện một cách tự do nên không có qui tắc gì đặc biệt. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận thấy rằng ngoài việc biểu lộ ý muốn, sở thích, nguyện vọng, một đức tánh hay một đặc điểm của một người, tên hiệu còn có thể dựa vào một vài yếu tố làm gốc và có một vài nét đặc thù.

a. Các yếu tố làm gốc cho việc đặt tên hiệu.

1/ Trước hết là quê quán hay nơi cư trú của người, hoặc một đặc điểm của nơi cư trú đó.

Ông Tôn Văn vốn là người thuộc huyện Trung Sơn nên đã lấy hiệu là Trung Sơn. Ông Khương Hữu Vi trú quán ở Nam Hải nên có hiệu là Nam Hải. Thi sĩ Đỗ Phủ đời Đường có ở đất Đỗ Lăng nên mang hiệu là Đỗ Lăng Bố Y, nghĩa là người mặc áo vải ở Đỗ Lăng. Văn hào Tô Thức đời Tống lúc ở Hoàng Châu thì làm nhà ở sườn núi phía đông nên lấy hiệu là Đông Pha cư sĩ. Nhà thi sĩ đời Tấn là Đào Tiềm có trồng năm cây liễu ở trước nhà mình nên mang hiệu là Ngũ Liễu tiên sinh(84).

2/ Quan chức hay tước của người cũng được dùng để đặt tên hiệu.

Thi sĩ Đỗ Phủ đời Đường đã làm chức Viên Ngoại Lang ở bộ Công nên được gọi là Đỗ Công Bộ; ông Gia Cát Lượng tự Khổng Minh, Thừa Tướng nước Thục được phong tước Võ Khanh Hầu nên cũng được người ta gọi là Gia Cát Võ Hầu.

3/ Về xước hiệu, chúng ta thường gặp trong các bộ truyện võ hiệp.

Các nhân vật trong bộ Thủy Hử, phần lớn đều có ngoại hiệu hay xước hiệu, như Tống Giang được đặt xước hiệu là Cập Thời Võ Nghi là Mưa Phải Lúc vì ông sẵn sàng giúp đở các bạn trong giới giang hồ những lúc họ có nhu cầu; Lý Quỳ người đen đúa mà có sức mạnh, lại nóng nảy, lỗ mãng nên có ngoại hiệu là Thiết Ngưu (bò sắt hay trâu sắt) mà cũng được gọi là Hắc Toàn Phong nghĩa là Gió Lốc Đen.

Trong các truyện võ hiệp của Kim Dung, ta cũng thấy có nhiều ngoại hiệu hay xước hiệu dùng để biểu lộ tài nghệ hay đặc tánh của một nhân vật, năm vị bá chủ trong võ lâm có xước hiệu là Trung Thần Thông, Đông Tà, Tây Độc, Bắc Cái, Nam Đế hay Nam Tăng; Bang chủ Thiết Chưởng Bang là Cừu Thiên Nhận, vì có thuật khinh công cao nên mang xước hiệu là Thủy Thượng Phiên(?).

b. Các nét đặc thù trong việc đặt tên hiệu.

1/ Người Trung quốc có thể đặt xước hiệu cho mọi người. Ngay đến các vua chúa cũng bị họ đặt cho xước hiệu, như vua Tống Nhân Tông (t.v. 1023-1064 ) vì không thích đi giày nên đã bị đặt cho xước hiệu là Xích Cước Đại Tiên, tức là ông Đại Tiên Chơn Trần.

2/ Khác với nhũ danh, tên chánh hay tên tự, tên hiệu có thể gồm rất nhiều chữ. Viên danh tướng nhà Thanh là Tăng Quốc Phiên đã có một tên hiệu rất dài là Dưỡng Đức Dưỡng Thân Miên Miên Mục Mục Chi Thất, nghĩa là cái nhà dùng làm nơi nuôi dưỡng đức tốt và thân thể một cách lâu dài và tốt đẹp.

2. Việc đặt tên hiệu ở Việt Nam.

Người Việt Nam đã theo người Trung Hoa trong việc đặt tên hiệu, và tại Việt Nam, chúng ta thấy có đủ các loại tên hiệu ở Trung quốc.

a. Tên hiệu do người tự đặt cho mình.

Các nhà nho Việt Nam trước đây phần lớn đều có tên hiệu do họ tự đặt, có khi một người mang nhiều tên hiệu khác nhau với danh nghĩa là hiệu và biệt hiệu.

Nghiên cứu tên hiệu của các danh nhân, chúng ta nhận thấy một vài yếu tố chung sau đây.

1/ Một số tên hiệu đã nói đến một địa phương, chỗ sinh quán, hay chỗ người mang tên hiệu đó thích ở.

Ông Nguyễn Phi Khanh đỗ Tiến sĩ năm 1475 đời Trần Duệ Tông và là thân phụ ông Nguyễn Trãi có hiệu là Nhị Khê vì ông đã đến ngụ cư làng Nhị Khê, thuộc huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông.

Ông Nguyễn Nghiễm đỗ Hoàng giáp năm 1731 và làm quan cho nhà Hậu Lê có biệt hiệu là Hồng Ngự cư sĩ vì ông ngụ cư ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh, và vùng ông ở có dãy núi Hồng Lãnh.

Con ông là thi hào Nguyễn Du (1765-1820) tác giả Truyện Kiều thì có biệt hiệu Hồng Sơn Liệp Hộ, có nghĩa là người săn bắn ở núi Hồng, vì trong thời kỳ chống lại nhà Tây Sơn (1788-1802) ông đã về ở quê nhà tại Tiên Điền.

2/ Một số danh nhân đã lấy nhà ở hay nơi đọc sách của mình để đặt tên hiệu.

Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), nhà lý số nổi tiếng thời ba họ Mạc, Trịnh và Nguyễn tranh quyền ở Việt Nam, có biệt hiệu là Bạch Vân cư sĩ, vì lúc trí sĩ ông gọi nhà ông là Bạch Vân am.

Trong hiệu của ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, ta không thấy có chữ am, một số nhân vật khác đã dùng thẳng chữ am trong tên hiệu của mình, một số khác thì dùng các chữ đường, hiên hay trai.

Am là cái nhà nhỏ lợp cỏ, đường là cái nhà lớn, hiên là cái mái nhà chìa ra che hành lang, còn trai là một căn phòng tĩnh mịch để cho một vị tăng ở hay để học. Các tên này đều chỉ nơi nhà ở của người mang tên hiệu.

·   Ông Nguyễn Công Hãn (1680-1732) đỗ Tiến sĩ năm 1700 và làm quan đời vua Lê Dụ Tông có tên tự là Tĩnh Am.

·   Ông Phan Huy Ôn (1755-1786) có tên hiệu là Chỉ Am, lúc còn mang tên là Phan Huy Uông, ông lại có hiệu là Nhã Hiên.

·   Ông Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) một công thần của chúa Nguyễn Võ Vương, tác giả quyển Sãi Vãi có tên hiệu là Đạm Am.

·   Ông Trần Danh Án đỗ Hoàng giáp năm 1788 có tên hiệu là Liễu Am.

·   Ông Đinh Nhựt Thận (1815-1866) có tên hiệu là Bạch Mao Am.

·   Ông Nguyễn Thông đỗ Cử nhân năm 1849 đời vua Tự Đức và làm quan dưới triều vua này có biệt hiệu là Độn Am.

·   Ông Lê Quí Đôn (1726-1784) thì có tên hiệu là Quế Đường.

·   Ông Phạm Quí Thích (1760-1825) ngoài hiệu Lạp Trai, lại có biệt hiệu Thảo Đường cư sĩ và lúc viết bài tựa Truyện Kiều lại ký tên dưới một biệt hiệu khác là Mộng Liên Đường chủ nhân.

·   Ông Phạm Phú Thứ (1820-1881) thì lấy tên hiệu là Trúc Đường.

·   Ông Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) đỗ Hoàng giáp năm 1304 đời vua Trần Anh Tông và là một danh thần của nhà Trần có tên hiệu là Giới Hiên.

·   Ông Phan Phu Tiên đỗ Thái học sinh năm 1396 đời Trần Thuận Tông và là tác giả của một phần bộ Đại Việt Sử Ký, viết đời nhà Hậu Lê, có hiệu là Mặc Hiên.

·   Ông Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên năm 1463 đời vua Lê Thánh Tông và là một danh thần nhà Hậu Lê có danh hiệu là Thụy Hiên.

·   Ông Nguyễn Nghiễm có tên hiệu là Nghị Hiên, con ông là thi hào Nguyễn Du thì có tên hiệu là Thanh Hiên.

·   Ông Phạm Sư Mạnh đỗ Thái học sinh đời Trần Minh Tông (t.v.1314-1329) và là một danh thần nhà Trần có tên hiệu Úy Trai.

·   Nhà anh hùng Nguyễn Trãi (1380-1442) giúp Lê Thái Tổ giải phóng đất nước khỏi ách quân Minh có tên hiệu là Ức Trai.

·   Ông Đàm Văn Lễ, đại thần nhà Hậu Lê, có tên hiệu là Chân Trai.

·   Ông Giáp Hải đỗ Trạng nguyên năm 1538 và làm quan cho nhà Mạc có tên hiệu là Tiết Trai.

·   Ông Phùng Khắc Khoan (1528-1613) một công thần của nhà Lê Trung Hưng có tên hiệu là Nghi Trai.

·   Ông Lê Quang Định (1760-1813) công thần của vua Gia Long có tên hiệu là Tấn Trai, bạn thân và đồng liêu với ông là Trịnh Hoài Đức (1765-1825) thì có tên hiệu là Cấn Trai.

·   Ông Nguyễn Công Trứ (1777-1858) danh thần nhà Nguyễn có danh hiệu là Ngộ Trai.

·   Ông Hoàng Diệu (1828-1882) tử tiết khi thành Hà Nội thất thủ có tên hiệu là Tĩnh Trai.

·   Nhà chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) thì mang tên hiệu Hối Trai.

3/ Một số nhân vật đã áp dụng một số phương pháp đặt tên tự để tự đặt hiệu cho mình.

Ông Châu Thượng Văn, một chiến sĩ cách mạng hồi đầu thế kỷ thứ 20, đã lấy hiệu là Thơ Đồng. Thơ Đồng là đứa trẻ hầu hạ quét dọn phòng đọc sách, còn Thượng Văn có nghĩa là ham chuộng văn học. Vậy các tên chánh và tên hiệu trên đây chỉ một người và một việc có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, và nghe đến Thơ Đồng thì người ta liên tưởng đến người ham chuộng văn học.

Một chiến sĩ cách mạng đồng thời với ông là ông Nguyễn Quang Diêu (1880-1936), đã tham dự phong trào Đông Du, thì lấy tên hiệu là Tử Ngọc. Diêu vốn là tên một thứ ngọc đẹp, và tên hiệu của nhân vật này chỉ loại vật chung trong đó vật dùng làm tên chánh thống thuộc vào.

Ông Nguyễn Văn Ngọc tác giả các bộ Đông Tây Ngụ Ngôn, Tục Ngữ Phong Dao, Cổ Học Tinh Hoa, ... có tên hiệu là Ôn Như. Ôn có nghĩa là ấm, và là một đức tánh của ngọc, nên khi nghe tên hiệu Ôn Như thì người ta nghĩ ngay đến Ngọc.

4/ Một số nhân vật đã dùng tên hiệu để biểu lộ tâm tánh, khả năng hay nguyện vọng của mình.

Ông Ngô Thì Chí (1777-1813), một danh sĩ cuối đời Hậu Lê, đã lấy tên hiệu là Uyên Mật, hàm ý thâm trầm kín đáo.

Ông Lê Hữu Quân tức Trác, nhà danh y nổi tiếng của Việt Nam hồi hậu bán thế kỷ thứ 18, đã lấy hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, có nghĩa là ông già lười biếng ở trên biển.

Ông Nguyễn Quí Tân (1814-1858) đỗ Tiến sĩ năm 1842 đời Thiệu Trị nhưng không thích làm quan mà chuộng sự tự tại thanh nhàn nên lấy hiệu là Túy Tiên tức là ông tiên say.

Ông Chu Văn An (?-1370), danh sĩ nổi tiếng đời nhà Trần, lấy hiệu là Tiều Ẩn là người kiếm củi ở ẩn.

Ông Phạm Đình Hổ (1768-1839), tác giả Vũ Trung Tùy Bút, vốn không thích làm quan nên lấy hiệu là Đông Dã Tiều, là người kiếm củi ở cánh đồng phía đông.

Ông Nguyễn Đôn Phục (1878-?), một biên tập viên của tạp chí Nam Phong, thì lấy hiệu là Tùng Vân Đạo Nhân, là người theo đạo tu tiên, và để hồn theo đám mây bay.

5/ Một số nhân vật đã dùng tên hiệu để biểu lộ lập trường chánh trị của mình.

Khi biểu lộ ý muốn ở ẩn, các nhân vật trên đây đã biểu lộ lập trường chánh trị của mình một cách kín đáo. Một số nhân vật khác đã đi xa hơn và nêu rõ hơn chủ trương hay nguyện vọng của mình.

Nhà chí sĩ Phan Bội Châu (1867-1940) đã lấy hiệu là Sào Nam. Hiệu này rút từ câu cổ văn "Việt điểu sào nam chi" nghĩa là con chim nước Việt làm ổ trên cành cây phía nam, và dùng để chỉ lòng dạ luôn luôn hướng về Tổ quốc. Chọn bút hiệu này nhà chí sĩ của chúng ta muốn biểu lộ sự trung thành tuyệt đối của mình đối với đất nước và dân tộc Việt Nam.

Trong khi đó nhà chí sĩ Phan Châu Trinh (1872-1926) đã lấy hiệu là Hy Mã, hàm ý noi theo gương nhà cách mạng nước Ý, là Mã Chí Ni (Mazzini: 1805-1872) đã tranh đấu để giải phóng và thống nhứt Tổ quốc mình.

Chúng ta có thể nhận thấy rằng các lối đặt tên hiệu trên đây cũng dựa vào thành ngữ điển tích hoặc vào sự liên hệ với một danh nhân, y như các lối đặt tên tự mà trên đây chúng ta đã xét qua.

b. Tên hiệu người khác đặt cho mình.

Một số người có tên tuổi đã được dân chúng Việt Nam gọi với những tên hiệu đặc biệt dựa vào nhiều yếu tố khác nhau.

1/ Người Việt Nam có thể gọi một người khác bằng tước hay chức mà họ nhận được của triều đình.

Khi nói đến nhà anh hùng đã đánh thắng quân Nguyên để bảo vệ đất nước ta hồi thế kỷ thứ 13, người Việt Nam thường dùng tước hiệu Hưng Đạo Vương thay vì tên họ thật là Trần Quốc Tuấn.

Hai người em của vua Minh Mạng nổi tiếng hay thơ đã được biết dưới các tước Tùng Thiện Vương và Tuy Lúy Vương nhiều hơn là dưới các tên thật của họ là Miên Thẩm và Miên Trinh.

Nhà cách mạng Cường Để thường được người Việt Nam gọi theo tước là Kỳ Ngoại Hầu.

Các tước phong của triều đình dùng để gọi một nhân vật có thể được gọi tắt: Ông Hoàng Ngũ Phúc tước Việp Quận Công đã được gọi là Quận Việp; ông Hoàng Đình Bảo tước Huy Quận Công được gọi là Quận Huy; ông Hoàng Phùng Cơ tước Thạc Quận Công thì được gọi là Quận Thạc.

Để trả lời câu hát: "Thương em anh cũng muốn vô, Sợ truông Nhà Hồ, ngại phá Tam Giang", người vùng Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, đã trả lời: "Phá Tam Giang ngày nay đã cạn, Truông Nhà Hồ Nội Tán cấm nghiêm". Trong câu hát đáp này, Nội Tán là ông Nguyễn Khoa Đăng, một công thần của chúa Nguyễn vốn được ban cho chức Nội Tán.

Ở miền nam Việt Nam thì một người Việt gốc Miên tên là Nguyễn Văn Tồn (?-1820) vì đã được chúa Nguyễn phong cho làm Điều Bát nên đã được nhân dân Việt Nam gọi là ông Điều Bát.

Phần ông Lê Văn Duyệt (1763-1832), một danh tướng của vua Gia Long, nhiều năm làm Tổng trấn Gia Định thành đã được gọi là ông Tả Quân vì ông đã từng chỉ huy đạo Tả Quân của nhà Nguyễn.

2/ Địa vị một nhân vật trong tổ chức giáo hội của mình cũng được người Việt Nam dùng để gọi nhân vật đó như là một tước phong của triều đình.

Các vị chức sắc cao cấp của Đại Đạo Tam Kỳ phổ độ, tức là đạo Cao Đài, đã được gọi bằng địa vị của mình trong giáo hội, như ông Phạm Công Tắc được gọi là Đức Hộ Pháp; ông Hồ Tấn Khoa được gọi là Ngài Bảo Đao.

3/ Ngoài ra, người ta còn dùng quê quán một nhân vật quan trọng để gọi nhân vật đó.

Ông Vũ Đức Huyên nổi tiếng về địa lý thời Hậu Lê Trung Hưng, vốn là người làng Tả Ao nên được gọi là Tả Ao tiên sinh.

Nhà chí sĩ nổi tiếng thời Tây Sơn là Nguyễn Thiếp (1723-1804) thì được người Việt Nam gọi là La Sơn Phu Tử vì ông là người ở huyện La Sơn trong tỉnh Hà Tĩnh ngày nay.

4/ Tên hiệu mà người Việt Nam dùng để gọi một nhân vật quan trọng hay nổi tiếng có thể gồm nhiều yếu tố họp lại.

Người sáng lập Phật giáo Hòa Hảo đã được cả tín đồ của đạo này và người ở trong đạo tôn xưng là Huỳnh Giáo Chủ.

Tước phong, cấp bực xã hội hay khoa bảng ghép với quê quán rất thường được dùng làm hiệu cho một nhân vật.

Ông Hoàng Trọng Phu được phong hàm Thái Tử Thiếu Bảo và có ở Hà Đông nên được gọi là ông Thiếu Hà Đông.

Thi hào Nguyễn Du vốn là con Xuân quận-công Nguyễn Nghiễm nên được tập ấm và ở làng Tiên Điền nên cũng được gọi là ông Ấm Tiên Điền.

Nhà cách mạng Nguyễn Hải Thần từng đỗ Tú tài Hán học và gốc ở làng Đại Từ nên được gọi là ông Tú Đại Từ.

Ông Nguyễn Quí Tân (1814-1858), đỗ Tiến sĩ năm 1842, gốc ở làng Thường Lộc, nên được gọi là ông Nghè Thường Lộc.

Ông Dương Khuê (1839-1902) đỗ Tiến sĩ năm 1868 thì được gọi là ông Nghè Vân Đình vì sinh quán ở làng Vân Đình.

Ông Nguyễn Khuyến (1835-1910) đậu đầu ở cả ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, và gốc ở làng Yên Đổ nên được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ.

Có khi tên làng được dùng trong tên hiệu mà dân chúng dùng để gọi một nhân vật là tên nôm chớ không phải tên chữ.

Trong câu thành ngữ Trạng Me đè Trạng Ngọt, tên hiệu Trạng Me dùng để chỉ ông Nguyễn Giản Thanh, đỗ Trạng nguyên năm 1508 quán ở làng Ông Mặc tục gọi là làng Me, còn tên hiệu Trạng Ngọt dùng để chỉ ông Hứa Tam Tỉnh đỗ Trạng nguyên năm 1508 và quán ở làng Vọng Nguyệt tục gọi là làng Ngọt.

Tước phong hay cấp bực xã hội có thể ghép với thứ bực trong gia đình trong việc đặt tên hiệu cho một nhân vật.

Hoàng tử Cảnh (1780-1801) vì là con cả vua Gia Long nên đã được dân miền Nam trước đây gọi là ông Hoàng Cả.

Thi hào Nguyễn Du (1765-1820) đứng vào hàng thứ bảy trong gia đình nên cũng được gọi là ông Chiêu Bảy.

Tước phong cũng có thể ghép với khoa bảng để dùng làm tên hiệu cho một người nổi tiếng.

Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) đỗ Trạng nguyên năm 1535 và được nhà Mạc phong tước Trình Quốc Công nên thường được nói đến dưới tên hiệu Trạng Trình.

Người ta cũng có thể dùng họ hay tên chánh của một người ghép với quan chức tước phong, cấp bực xã hội, hay cấp bực khoa bảng, để nói đến một nhân vật. Trong các trường hợp này, việc dùng họ biểu lộ một sự tôn kính hơn, trong khi việc dùng tên có tánh cách ít long trọng hơn.

Trong hệ thống tổ chức thi cử của triều đình Việt Nam ngày xưa, người đỗ đầu trong kỳ thi sát hạch tổ chức tại tỉnh mình được gọi là đầu xứ hay gọi tắt là xứ.

Vì đỗ đầu như thế, ông Đặng Thái Thân, người Ngệ An, hưởng ứng phong trào Duy Tân, lập đảng Nam Nghĩa để cùng Phan Sào Nam hoạt động chống Pháp đã được gọi là ông Xứ Đặng. Cũng đỗ đầu như ông là ông Nguyễn Khắc Nhu, một lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân đảng đã tự tử năm 1930 sau khi bị bắt lúc cuộc khởi nghĩa Yên Báy thất bại, nhưng lại được gọi bằng tên chánh là ông Xứ Nhu.

Ông Nguyễn Quỳnh người đời Hậu Lê đỗ Hương cống và nổi tiếng là người tinh nghịch thì được gọi là Cống Quỳnh. Ông Nguyễn Hữu Huân (1841-1875) đỗ thủ khoa tức là đỗ đầu kỳ thi Hương dưới triều vua Tự Đức được gọi là Thủ Khoa Huân.

Được gọi bằng quan chức nói tắt ghép với tên thì có các nhà cách mạng Hoàng Hoa Thám (1858-1913) và Nguyễn Thiện Thuật (1841-1926). Ông Hoàng Hoa Thám mang hàm Đề đốc nên được gọi là Đề Thám. Ông Nguyễn Thiện Thuật thì với chức Tán Tương Quân Vụ nên được gọi là Tán Thuật. Ông Võ Duy Dương, một nhà lãnh đạo kháng chiến ở Nam Việt lúc Pháp mới đến Việt Nam được phong tước Thiên hộ nên người ta thường gọi ông bằng tên Thiên Hộ Dương.

Một lối gọi khác gồm có thứ tự trong gia đình hay trong một tổ chức xây dựng trên tinh thần huynh đệ.

Con nhà cách mạng Hoàng Hoa Thám đã được gọi là Cả Trọng. Trong tổ chức của anh em Bình Xuyên, người cầm đầu là Ba Dương, những người được biết khác là Tư Thiên, Bảy Viễn. Thời Pháp mới đến Việt Nam, ở Bắc Việt có ông Nguyễn Văn Giai nổi tiếng là tinh nghịch và được gọi là Ba Giai.

c. Các ngoại hiệu hay xước hiệu.

Cũng như người Trung Hoa, người Việt Nam đã dùng một loại tên đặc biệt để gọi một nhân vật với lòng tôn kính hay sự chê bai chế giễu. Loại tên đặc biệt này có thể do một nhân vật tự đặt cho mình hay do người khác đặt.

1/ Ngoại hiệu hay xước hiệu có thể biểu lộ một lòng tôn kính phát xuất từ lý do tín ngưỡng.

Ông Đoàn Minh Huyên, một nhà lãnh đạo tôn giáo sống vào hậu bán thế kỷ thứ 19 ở Nam Việt rất được người địa phương kính trọng, họ tin ông là một vị Phật sống nên đã gọi ông là Đức Phật Thầy Tây An.

2/ Ngoại hiệu hay xước hiệu có thể dùng để biểu lộ lòng khâm phục hay tôn kính một nhân vật vì đức độ, thành tích hay khả năng đặc biệt.

Ông Nguyễn Hữu Dật (1603-1681) công thần của các Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (t.v. 1613-1635), Nguyễn Phúc Lan và Nguyễn Phúc Tần, đã được nhân dân Quảng Bình gọi là Phật Bồ Tát vì có công lớn đối với họ.

Ông Nguyễn Văn Cẩm, người thời Pháp mới đến chinh phục Việt Nam có ngoại hiệu Kỳ Đồng, tức là một người trẻ có tài trí phi thường, với mục đích gây lòng tin tưởng rằng ông có thể giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách đô hộ của người Pháp; ngoại hiệu này đã được người dân Việt Nam đương thời chấp nhận.

Ông Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) một danh tướng của Chúa Nguyễn Phúc Chu (t.v. 1691-1725) đã được người đương thời gọi là ông Hắc Hổ, tức là cọp đen, vì sự dũng cảm của ông.

Ông Hoàng Hoa Thám hùng cứ vùng Yên Thế để chống lại người Pháp lúc họ đặt nền bảo hộ ở Bắc Việt Nam thì được người Việt Nam tôn ông là Hùm Thiêng Yên Thế.

Ông Trương Phúc Phấn (?-?) một bầy tôi trung thành và dũng cảm của các chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tần, đã tận lực chống đối cuộc tấn công của quân lực Chúa Trịnh vào đánh lũy Trường Dục năm 1647. Do sự quyết tâm của ông, quân lực Chúa Trịnh cuối cùng phải rút lui, vì thế nhân dân Nam Hà đã gọi ông là Phấn Cố Trì, tức là Ông Phấn cương quyết bảo vệ thành lũy. Con ông là Trương Phúc Hùng đã cùng ông giữ lũy Trường Dục đã được gọi là Thiết Lũy, tức là Lũy Sắt.

Ông Vũ Huyên người đời Hậu Lê giỏi đánh cờ nên được gọi là Trạng Cờ. Ông Vũ Phong cũng người đời Hậu Lê thì giỏi đánh vật nên được gọi là Trạng Vật.

3/ Ngoại hiệu hay xước hiệu có khi biểu lộ sự thương mến nhiều hơn tôn kính và dựa vào một đặc điểm của người mang loại tên ấy.

Ông Phạm Thái (1777-1813) một bầy tôi nhà Hậu Lê đã từng tổ chức chống lại nhà Tây Sơn đã tự xưng là Chiêu Lỳ.

Nhà cách mạng Đoàn Trần Nghiệp (1910-1930), đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, bị xử tử sau cuộc khởi nghĩa Yên Báy, đã từng làm thư ký coi kho cho Việt Nam khách sạn, và hoạt động cho đảng lúc còn nhỏ tuổi, nên được gọi là Ký Con.

Một lãnh tụ của Phật giáo Hòa Hảo là ông Lê Quang Vinh vì cụt môt ngón tay nên đã được gọi là anh Ba Cụt.

Ông Ngô Đình Cẩn vì được xem là cố vấn của Tổng Thống Ngô Đình Diệm mà lại thường ăn trầu nên đã được người Việt Nam thời ấy gọi là Cố Trầu.

Bà vợ thứ của ông Phan Đình Phùng đã theo ông lên rừng núi để kháng chiến thì được người Nghệ Tĩnh gọi là cô Nguếch Rừng, ở vùng này danh từ nguếch dùng để chỉ người đàn bà đẻ con gái đầu lòng. Xước hiệu cô Nguếch Rừng biểu lộ lòng mến phục một người đàn bà đã theo hầu chồng trong chốn rừng xanh núi thẵm.

4/ Ngoại hiệu hay xước hiệu có thể hàm ý chê bai chỉ trích.

Ông Nguyễn Văn Tâm khi làm chủ quận Cai Lậy đã đàn áp những người nổi lên chống Pháp một cách dữ dội nên được người Nam Việt gọi là Cọp Cai Lậy.

Đời nhà Trần, ông ? đã thông dâm với mẹ vợ nên bị người đương thời gọi là Trư Trạng nguyên, nghĩa là ông Trạng Người Heo hay Trạng Lợn.

5/ Các vua chúa cũng có thể mang ngoại hiệu hay xước hiệu.

Phần lớn các vua nhà Hậu Lê đều có những ngoại hiệu với danh từ động chủ: Vua Lê Thái Tổ (t.v. 1428-1433) tự xưng là Lam Sơn Động Chủ; Vua Lê Thái Tông (t.v. 1433-1442) là Quế Sơn Động Chủ; Vua Lê Thánh Tông (t.v. 1460-1477) là Thiên Nam Động Chủ; Vua Lê Hiến Tông (t.v. 1497-1504) là Thượng Dương Động Chủ; Vua Lê Uy Mục (t.v. 1504-1509) là Quỳnh Đô Động Chủ; và Vua Lê Tương Dực (t.v. 1504-1516) là Nhân Hải Động Chủ.

Vua Lê Trung Tông (t.v. 1548-1556) húy là Lê Duy Huyên đã được gọi là ông Chúa Chổm, vì trước khi được rước về làm vua, ông đã mắc nợ nhiều người về những số nợ rất cao; nên dân miền Bắc Việt Nam đến ngày nay vẫn còn dùng thành ngữ nợ như Chúa Chổm.

Bà Đặng Thị Huệ, quý phi của Chúa Trịnh Sâm, lúc trẻ là cô gái hái lá chè nên được người đồng thời gọi là Bà Chúa Chè.

IV. tên thụy.

A. Nguồn gốc và ý nghĩa của tên thụy.

Từ đời nhà Châu, người Trung Hoa đã có tục đặt tên thụy để gọi người đã chết. Tục này thuộc thành phần của Lễ, là toàn thể các qui tắc chi phối đời sống một nhà quí tộc từ khi sanh đến khi chết. Trong thời phong kiến nó chỉ dành riêng cho giới quí tộc chớ không áp dụng cho người bình dân.

Từ khi Khổng Tử (551-479 tr CN) chủ trương dạy môn đệ thuộc hạng bình dân học về Lễ, tục đặt tên thụy lần lần lan rộng ra ngoài các gia đình quí tộc. Đến đời nhà Hán, chế độ quí tộc cáo chung và Lễ được mọi người Trung Hoa áp dụng. Tuy nhiên, tục đặt tên thụy ngay trong thời kỳ này cũng dành cho những người có văn học.

Thời phong kiến, chỉ có người quí tộc mới được đặt tên thụy, mà người quí tộc trong giai đoạn này đều tham dự chánh sự nên việc đặt tên thụy có tánh cách của một hành động công.

Đến thời kỳ Trung quốc theo chế độ quân chủ chuyên chế, vì tục đặt tên thụy được mở rộng ra cho người bình dân không có chức tước nên ngoài tên thụy do chính triều đình hay các quan đặt cho người có chức tước, còn có tên thụy do tư nhân đặt cho nhau.

Tên thụy do tư nhân đặt là sản phẩm của một cá nhân, nó có thể do ông cha, anh em hay con của một người sắp chết đặt cho người ấy. Tên thụy do chính quyền đặt là kết quả một cuộc thảo luận của những viên chức hữu trách cao thấp tùy địa vị xã hội của người chết.

B. Tên thụy ở Việt Nam

1. Việc đặt tên thụy ở Việt Nam.

Từ khi học theo văn hóa Trung Hoa, người Việt Nam trong giới văn học đã theo tục đặt tên thụy.

a. Trong một gia đình có học, khi có người sắp chết thì kẻ có vai vế lớn nhứt trong hàng thân thuộc kế vị người ấy phải đặt tên thụy cho người ấy và nói to lên cho người ấy nghe rõ. Sau đó, khi cúng tế người chết, gia đình người ấy chỉ dùng tên thụy đã được đặt. Do đó, tên thụy còn được gọi là tên hèm hay tên cúng cơm.

b. Đối với người có phẩm hàm chức tước thì khi họ chết, thân nhân phải báo cáo đến chánh quyền thấp nhứt là cấp làng xã, cao nhứt là triều đình và nhà vua. Các giới chức chánh quyền có nhiệm vụ đặt tên thụy phải họp nhau lại thảo luận về đức tánh và công nghiệp của người chết lúc sanh tiền để dựa vào đó mà đặt tên thụy rồi thông báo cho gia đình để gia đình dùng trong việc cúng tế.

2. Tên thụy của một vị danh nhân do triều đình hay nhà vua đặt.

Trong lịch sử Việt Nam, nhiều danh nhân đã được triều đình hay chính nhà vua đặt tên thụy cho.

a. Người thuộc giới nho sĩ.

1/ Đời nhà Trần, ông Chu Văn An là một nhà nho được mọi người tôn trọng. Khi chết, triều đình đã ban cho ông tên thụy là Văn Trinh.

2/ Một nhà nho được chọn làm thầy vua Thiệu Trị là ông Nguyễn Đăng Tuân đã được ban tên thụy là Vân Chính; hàm ý ngay thẳng, các đức tánh lớn nhứt của nhà nho này.

3/ Ông Phạm Đăng Hưng (1765-1825) thân phụ bà Từ Dũ là vợ vua Thiệu Trị thì được ban tên thụy là Trung Nhã để tỏ ý rằng ông vừa trung thành với vua vừa nho nhã.

b. Người thuộc giới quân nhân.

1/ Ông Nguyễn Hữu Dật, một công thần của các Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan và Nguyễn Phúc Tần đã được ban tên thụy là Cần Tiết hàm ý đề cao ông là người siêng năng trong việc phục vụ quốc gia và ngay thẳng, đứng đắn.

2/ Em Vua Gia Long là Nguyễn Phúc Điển được nhà vua này ban cho tên thụy là Trung Mẫn, Trung hàm ý trung thành với nhà vua, Mẫn hàm ý đáng thương, vì ông đã bị nhà Tây Sơn sát hại.

3/ Ông Tống Viết Phúc một công thần đã giúp Vua Gia Long xây dựng cơ nghiệp nhà Nguyễn được ban tên thụy Trung Liệt.

4/ Ông Nguyễn Huỳnh Đức (1748-1819) một người đã theo phò Vua Gia Long từ lúc nhà vua này còn ở trong hoàn cảnh gian nan thì được ban cho tên thụy Trung Nghị, hàm ý trung thành với vua và cương quyết làm nhiệm vụ.

5/ Một tướng khác của nhà Nguyễn là Phan Văn Thùy, phục vụ dưới đời hai Vua Gia Long và Minh Mạng thì được ban tên thụy Trung Tráng, tức là người trung thành với vua và có tinh thần chiến đấu mạnh mẽ.

Sưu tầm từ internet

Người đăng: admin