Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 67
Truy cập hôm nay: 586
Lượt truy cập: 11,581,206
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Thành tựu nho học và truyền thống đậu đạt của họ Vũ - Lê ở Mộ Trạch

THÀNH TỰU NHO HỌC VÀ TRUYỀN THỐNG ĐẬU ĐẠT
 CỦA HỌ VŨ - LÊ Ở MỘ TRẠCH

TS. Vũ Duy Mền- Viện Sử học 

Làng Mộ Trạch ngày nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Nếu du khách đến thăm quan làng thoáng qua chắc đều có chung cảm nhận Mộ Trạch cũng giống như muôn ngàn làng quê khác ở Việt Nam. Song nếu ai có ý muốn tìm hiểu nghiên cứu thì Mộ Trạch là một làng có nhiều nét văn hoá cổ truyền đặc sắc, không những thể hiện ở những di tích kiến trúc mà điều đáng ngạc nhiên là thành tựu khoa cử xưa của làng. Nơi đây từng được mệnh danh là “Tiến sĩ sào”- ổ Tiến sĩ- lò Tiến sĩ; làng Tiến sĩ nổi tiếng nhất ở xứ Đông (Hải Dương) và ở trong nước trước kia.
Có nhiều tài liệu gồm sách khoa bảng, bia ký và tài liệu hiện còn lưu giữ ở làng ghi chép về thành tựu khoa cử của Mộ Trạch. Dẫu rằng những con số về những người đậu đạt của làng qua các kỳ thi Nho học còn có sự khác nhau, chưa thống nhất. Việc tìm ra một con số chung, chính xác về thành tựu đó là công việc của các nhà nghiên cứu. Nhằm cung cấp thêm tài liệu để bạn đọc tham khảo và biết thêm thông tin về thành tựu khoa cử chúng tôi giới thiệu cuốn Đinh từ tự điển (quyển văn tế của làng Mộ Trạch).
Đinh từ tự điển viết bằng chữ Hán, do Nho sinh Vũ Tông Hải, tự là Bao Như trước thuật xong vào ngày tốt tháng 2 mùa Xuân năm Cảnh Hưng thứ 31 (1780). Lang Trung Vũ Lan Am (Vũ Phương Lan) đề tựa. Tiến sĩ, cống bộ Phó sứ, Đông các đại học sĩ, Hồng Trạch Bá Vũ Di Hiên (Vũ Huy Đĩnh) xem lại. Nhóm tác giả này đều là anh em con cháu họ Vũ ở làng Mộ Trạch.
Đinh từ tự điển hiện nay lưu ở Ban quản lý di tích Mộ Trạch có lẽ là bản sao, không rõ thuộc thế hệ thứ mấy? Sách gồm 47 trang, giấy cũ, khổ 14x27cm. Chữ Hán chân phương, mỗi trang 8 dòng, dòng nhiều nhất 23 chữ, dòng ít nhất 3 chữ; tổng cộng khoảng gần 6000 chữ.Nội dung sách như sau:- Lời tựa- Duệ hiệu Thần tổ đại vương (Vũ Hồn- Thuỷ tổ họ Vũ, thành hoàng làng Mộ Trạch).- Điều lệ (tế Xuân, Thu hàng năm).- Mẫu bài văn tế.- Văn cáo miếu. Đinh từ tự điển (ghi các bậc Tiên thánh, Tiên sư, Tiên hiền, Tiên Nho, Tiên triết đậu Hoàng bảng- đại khoa và các bậc truyền giáo, truyền đạo- Nho của x• Mộ Trạch).Các bậc Tiên triết, đậu Hoàng bảng gồm:
1. Đại học sĩ, Nhập nội hành khiển Thượng thư, Tả thị lang, Trung thư môn hạ, tặng Tả bộc xạ Vũ tướng công, huý là Hán Bi (Vũ Hán Bi).
2. Đại học sĩ, Nhập nội hành khiển, Thị lang, Đồng trung thư môn hạ, tam phẩm, trí sĩ Tạ tướng công (không rõ tên huý).
3. Đại học sĩ, Nhập nội hành khiển, Tả ty, Thị lang Đồng trung thư môn hạ Vũ tướng công, huý là Nghiêu Tá (Vũ Nghiêu Tá).
4. Đại học sĩ, Nhập nội hành khiển Vũ tướng công (không rõ tên huý).
5. Hoàng giáp khoa Quý Mùi (1463), Thượng thư bộ Hộ, tặng Thái bảo, Ước Trai Vũ tướng công, huý là Hữu (Vũ Hữu).
6. Hoàng giáp khoa Mậu Tuất (1478), Thượng thư bộ Binh, kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp, Sử quán Đô tổng tài, Nhập thị kinh diên, Đốc Trai Vũ tướng công, huý là Quỳnh (Vũ Quỳnh).
7. Hoàng giáp khoa Đinh Mùi (1487), Chiêu văn quán, Tư huấn, Lan Trai Vũ Thai công, huý là Đôn (Vũ Đôn).
8. Hoàng giáp khoa Nhâm Tuất (1502), Thượng thư bộ Lễ, Chưởng Hàn lâm viện sự, Nhập thị kinh diên, Lễ Độ Bá, thuỵ là Cung Lượng Tùng Hiên Vũ tướng công, huý là Cán (Vũ Cán).
9. Trạng Nguyên khoa ất Sửu (1505), bộ Hộ Hữu thị lang, tặng Đạo Trạch Bá, Nam Hiên Lê tướng công, huý là Nại (Lê Nại).
10. Hoàng giáp khoa Tân Mùi (1511), Lại khoa Cấp sự trung, Thông Trai Lê Thai công, huý là Đỉnh (Lê Đỉnh).
11. Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1520), Công khoa Đô cấp sự trung, Kính Trai Vũ Thai công, huý là Lân chỉ (Vũ Lân Chỉ).
12. Hoàng giáp khoa Mậu Tuất (1538), cống bộ Chánh sứ, Thượng thư bộ Lại, tặng Thiếu bảo Tô Xuyên Hầu Quận công, thuỵ là Trung Thận Mẫn Trai Lê tướng công, huý là Quang Bí (Lê Quang Bí).
13. Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1526), Lễ bộ Tả thị lang, Thuần Hiên Nhữ Thai công, huý là Mậu Tô (Nhữ Mậu Tô).
14. Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1562), cống bộ Phó sứ, Lại bộ Tả thị lang, Tây Khê Hầu tặng Binh bộ Thượng thư, thuỵ là Nhã Đạt Hưu Trai Vũ tướng công, huý là Tĩnh (Vũ Tĩnh).
15. Tiến sĩ khoa ất Sửu (1565), Hộ bộ Hữu thị lang, Tiết Trai Vũ Thai công, huý là Đường (Vũ Đường).
16. Hoàng giáp khoa Giáp Tuất (1634), Bồi tụng, Lại bộ Cấp sự trung, tặng Thượng bảo Tự Khanh, Huân Trạch Bá, Thuần Đạt Vũ Thai công, huý là Bạt Tuỵ (Vũ Bạt Tụy).
17. Tiến sĩ khoa Quý Mùi (1643), Bồi tụng, Hình bộ Hữu thị lang, trí sĩ (nghỉ hưu) tặng Binh bộ Tả thị lang, Đông Hà Bá, Trực Khanh Vũ Thai công, huý là Lương (Vũ Lương).
18. Tiến sĩ khoa Kỷ Hợi (1659), Thanh Hoa xứ Thừa ty, Tham chính, Anh Triết Vũ Thai công, huý là Cầu Hối (Vũ Cầu Hối).
19. Hội nguyên khoa Giáp Thìn (1664), nguyên Thượng thư bộ Công, tặng Công bộ Tả thị lang, Đường Xuyên Tử Tĩnh An Vũ tướng công, huý là Duy Đoán (Vũ Duy Đoán).
20. Tiến sĩ khoa Kỷ Hợi (1659) Thanh Hoa xứ Thừa ty, Tham chính, Triết Trai Lê Thai công, huý là Công Triều (Lê Công Triều).
21. Tiến sĩ khoa Kỷ Hợi (1659), cống bộ Phó sứ, Bồi tụng, Lại bộ Tả thị lang, tặng Lễ bộ Thượng thư, Thư Trạch Bá, thuỵ là Đoan Thận,  Hồ Ninh Vũ tướng công, huý là Duy Hài (Vũ Duy Hài).
22. Tiến sĩ khoa Kỷ Hợi (1659), cống bộ Phó sứ, Bồi tụng, Thượng thư bộ Công, Nhập thị kinh diên, trí sĩ tặng Lễ bộ Thượng thư, Thọ Lĩnh Bá, thuỵ là Giản Trực Thời Tẩu Vũ tướng công, huý là Công Đạo (Vũ Công Đạo).
23. Tiến sĩ khoa Bính Thân (1656), Hình khoa Cấp sự trung, Xuân Lan Nam, Tông Văn Vũ Thai công, huý là Công Lượng (Vũ Công Lượng).
24. Tiến sĩ khoa Bính Thân (1656), Giám sát Ngự sử đạo Thanh Hoa, tặng Công khoa Cấp sự trung, Dương Nham Tử, Đạt Trai Vũ Thai công, huý là Đăng Long (Vũ Đăng Long).
25. Tiến sĩ khoa Bính Thân (1656), Thừa ty, Tham chính xứ Nghệ An, Nho Lâm Nam Hoà Tuý Vũ Thai công, huý là Trác Lạc (Vũ Trác Lạc).26. Tiến sĩ khoa ất Sửu (1685), Giám sát Ngự sử đạo Tuyên Quang, Lượng Hiên Vũ Thai công, huý là Trọng Trình (Vũ Trọng Trình).
27. Hoàng giáp khoa Canh tuất (1670), Lễ khoa Cấp sự trung, Nh• Hiên Vũ Thai công, huý là Đình Lâm (Vũ Đình Lâm).
28. Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1664), Hiến sát sứ xứ Sơn Tây, Thuần Khảo Vũ Thai công, huý là Công Bình (Vũ Công Bình).
29. Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670), Bồi tụng, Lễ khoa Đô cấp sự trung, tặng Tham chính Yến Khê Nam, Du Phương Vũ Thai công, huý là Duy Khuông (Vũ Duy Khuông).
30. Tiến sĩ khoa Canh Thân (1680), Công khoa Cấp sự trung, tặng Công khoa Cấp sự trung, Hoà Khanh Vũ Thai công, huý là Đình Thiều (Vũ Đình Thiều).31. Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1712), Đông các học sĩ, tặng Hàn lâm viện Thị độc, Thuần Khanh Vũ Thai công, huý là Đình Ân (Vũ Đình Ân).
32. Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1736), Đông các học sĩ, tặng Hàn lâm viện Thị độc, lại tặng thêm Đông các đại học sĩ, Xuân Trạch Bá, Trạch Hiên Vũ Thai công, huý là Phương Đề (Vũ Phương Đề).
33. Tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1754), cống bộ Phó sứ, kiêm Gián quan đặc ban, Nhập thị Bồi tụng, Phụng thị nội giảng, Chưởng Hàn lâm viện, Tri Đông các kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, Lễ bộ Hữu thị lang, Hồng Trạch Bá, thuỵ Văn Trung Hiền Hiên Vũ Thai công, huý là Đĩnh (Vũ Huy Đĩnh) .
Ngoài danh sách 33 người đỗ đại khoa làm quan nêu trên, Đinh từ tự điển còn ghi chức danh quan tước, học vị của 183 người, trong đó 74 người làm quan ở triều đình, kinh đô và từng đảm đương, hoặc được tặng chức, tước từ chức Tả bộc xạ (Tể tướng), Thượng thư, Thị lang, Thiếu doãn, Cấp sự trung.. 83 người  làm quan đến các chức An phủ phó sứ, Giám sát ngự sử, Hiến sát sứ, Tuyên phủ phó sứ, Tri phủ, Đồng tri phủ, Tri huyện, Tri châu, Huấn đạo.. ở các lộ-đạo- thừa tuyên xứ- trấn, phủ, huyện- châu, tổng. Từ Vũ Quý công (Vũ Nạp) được tặng chức Tăng thống đời Trần đến...Hàn lâm viện Biên tu, Lượng Phủ Vũ tiên sinh, huý là Thành (Vũ Thành). Họ là những người có công học hành, thi đỗ, hoặc không ứng thi, làm quan thành đạt ở mức độ khác nhau; và có công sinh thành, nuôi dạy con cái. Làng x• gọi họ là những bậc truyền đạo- đạo Nho và truyền giáo- tham gia vào việc giáo dục con cháu nên người. Đinh từ tự điển ghi danh 40 vị Hương tiến. Đó là những Nho sinh trúng thức (những người đ• vượt qua được các kỳ thi Hương) như Cuồng Hiên Vũ công, Dị Trai Vũ công.. và các Giám sinh ở Quốc Tử Giám: Hiển Năng Lê công, huý là Công Vọng (Lê Công Vọng), Thận Hành Vũ công, huý là Hưởng (Vũ Hưởng)...   20 Nho sinh, Sinh đồ, Tú tài, Hiệu sinh: Phác Đạm, Hoà Hiên Vũ công, Cung Nhi Vũ công.. Dưỡng Chính Vũ công..
Như vậy Đinh từ tự điển ghi chức danh, học vị, quan tước của 276 người x• Mộ Trạch trong suốt thời kỳ Nho học. Đây quả thực là thành tựu khoa cử vẻ vang, hiếm có ở bất kỳ làng quê nào thời Nho học.
Để làm nên thành tựu khoa cử vẻ vang có rất nhiều yếu tố, song dân làng x• Mộ Trạch chắc chắn phải nỗ lực bền bỉ với việc học của mình. Những truyền thuyết dân gian dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu được thêm phần nào sự khổ học, tự học, thực học của người Mộ Trạch.
Nhà bác học Lê Quý Đôn từng viết trong Kiến văn tiểu lục, và nhà văn Vũ Phương Đề viết trong Công dư tiệp ký về sức ăn và sức học của Lê Nại ở Mộ Trạch. Năm 27 tuổi Lê Nại đậu Giải nguyên (thủ khoa kỳ thi Hương). Ông được Thượng thư Vũ Quỳnh gả con gái và cho gửi rể. Ban đầu khi ở nhà bố vợ, Lê Nại cũng chỉ được ăn uống bình thường nên ông biếng học, không chịu mở sách. Sau biết được sức ăn và sức học của Lê Nại nên Vũ Quỳnh bảo người nhà tăng suất ăn cho Lê Nại, định mức hai đấu gạo (gần 3kg) một bữa; lúc đó ông học thâu đêm suốt sáng. Quả nhiên nhờ sự chuyên cần khổ học nên Lê Nại đi thi Đình đỗ Trạng nguyên khoa ất Sửu (1505). Tương truyền Lê Nại tự làm bài tán rằng:
“Mộ Trạch tiên sinh
Dĩ thực vi danh
Thập bát bát phạn
Thập nhị bát canh
Khôi nguyên cập đệ
Danh quán quần anh
Súc chi dã cự
Phát chi dã hoành
Nghĩa là:
Thầy đồ Mộ Trạch
Có tiếng ăn nhiều
Mười tám bát cơm
Mười hai bát canh
Đỗ đầu khoa bảng
Danh tiếng nêu cao
Súc tích đầy đủ
Phát triển dồi dào” .
Theo Vũ Phương Đề: Em Lê Nại là Tài (Lê Đỉnh hoặc Lê Tư) cũng nổi tiếng thần đồng về việc học; cùng thi kỳ đệ nhất khoa ất Sửu với anh, Tài quên vài chỗ đến hỏi anh Lê Nại bảo rằng: “Khoa này tôi thi với chú, nếu tôi bảo chú thì còn thi với ai”
Tài tức giận ra về, sau dốc chí dùi mài đèn sách, đến khoa Tân Mùi (1511) đỗ Hoàng giáp. Ông làm quan Cấp sự trung ở bộ Lại.
Trong Công dư tiệp ký và Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích của nhóm Vũ Phương Lan, Vũ Tông Hải, Vũ Thế Nho biên soạn đều chép chuyện Tham nghị Vũ Đăng Hiển chi II đời thứ 12 họ Vũ ở Mộ Trạch: Những khoa thi từ giữa thế kỷ XVII trở đi ở Mộ Trạch nhiều người đỗ đạt cao. Danh tiếng lan truyền trong kinh ngoài trấn. Có khoa thi Hương lấy đỗ 10 người thì Mộ Trạch chiếm tới 7~8, có người nghi ngờ hẳn có mánh khoé riêng tư gì đây? Khoa thi Hương năm Bính Ngọ (1666) Thị lang bộ Lại là Nguyễn Văn Lễ xin triều đình về làm Đề điệu trường thi Hải Dương để xem xét thực hư ra sao. Đến kỳ thi thứ tư ông bắt đào hố cho sĩ tử ngồi xuống đó, đậy lồng bàn lên trên; lại chọn câu hiểm hóc ra đề; việc coi thi được canh gác nghiêm ngặt. Cuối kỳ thi lấy 30 quyển trúng cách. ở thí viện Nguyễn Văn Lễ chỉ chọn lấy 6 quyển, còn lại đều bỏ (đánh trượt). Trong số 6 người lấy đỗ, làng Mộ Trạch có 3 người: Vũ Đăng Hiển đỗ Giải nguyên (đỗ thủ khoa thi Hương), Vũ Bật Lãi, Vũ Chấn đứng thứ hai thứ ba. Còn lại 3 người thuộc các x• Ngọc Cục, Hàm Thượng và Cổ Am.
“Đồng viện đem bài thi ra xem thì thấy văn lý khác nhau không có bài nào giống nhau. Nguyễn Văn Lễ rất lấy làm thán phục và từ đó ông mới tin rằng Mộ Trạch là đất đời đời sản sinh danh Nho, mà văn chương có mực thước chung, trước kia không có tư vị gì” .
Như vậy thực học và thành tựu khoa bảng Mộ Trạch là điều hiển nhiên có cơ sở tin cậy, mối nghi ngờ của người đương thời đã được hoá giải.Gia phả họ VũCông dư tiệp ký đều chép truyện pha chút thần kỳ về việc học của Vũ Duy Đoán: Ông là con Tiến sĩ Vũ Bạt Tụy:
“Thủa bé rất tối dạ, học cả ngày không thuộc một chữ. Năm 17 tuổi vẫn chưa biết chữ, muốn đổi nghề khác. Sau ông nằm mơ thấy thần nhân từ trên trời bay xuống mổ bụng ông ra rửa sạch những nhơ bẩn, khi ông tỉnh dậy còn thấy đau... Sau cha mẹ khai tâm dạy học. Từ đó càng ngày càng thông minh, học hành tấn tới, liên tiếp đỗ đầu hai trường, nổi tiếng hay chữ khắp trong nước” .
Ông thi đỗ Hội nguyên khoa Giáp Thìn (1664).
Trên hoạn lộ, có lúc vì không tán thành với việc làm của chúa Trịnh Tạc (1657-1682), nên chúa cả giận sai người đến thu lại sắc phong và bằng Tiến sĩ của Vũ Duy Đoán. Ông không cho lấy và bảo:
“Các đạo sắc mệnh do bề trên ra ơn ban cấp, muốn lấy thì phải rước về, còn như bằng Tiến sĩ là do tài học của ta mà có không thể trả được”. Rốt cuộc sai quan phải ra về tay không ...
Những giai thoại về việc học và xung quanh việc học của người làng Mộ Trạch khá phong phú, sinh động. Tự chúng nói lên nhiều ý nghĩa nhân văn. Gạt bỏ những chi tiết thần kỳ, hoặc siêu phàm ta thấy lộ ra tố chất cốt lõi của những con người thành danh đậu đạt ở Mộ Trạch là sự ham học. Sự học- bể học rộng lớn, đầy khó khăn; trong khi cuộc đời mỗi người giữa nhiều mê lộ, nếu không ham học thì khó mà vượt qua được. Còn muốn vượt lên, tiến xa trên con đường học nghiệp, khởi đầu từ ở sự phấn đấu của mỗi gia đình, dòng tộc, làng xã; quốc gia, song quyết định chính là ở bản thân mỗi người. Những con người đó trước khi đoạt được bảng vàng khoa cử đều không thể thiếu nghị lực để vượt qua những khó khăn cám dỗ của cuộc sống thường nhật. Họ“dùi mài kinh sách”, tháng ngày tích luỹ kiến thức để vượt qua các kỳ thi Nho học không mấy dễ dàng. ở Mộ Trạch xưa, làng Mộ Trạch nay từng có nhiều những cá nhân như thế. Chính họ làm nên kỳ tích khoa bảng và truyền thống học hành nổi tiếng trong lịch sử, mà ngày nay các thế hệ con cháu vẫn nối tiếp, tự hào.  

Hội nghị thông báonhững phát hiện mới về Văn hoá dân gian

Hà Nội 11-2004.

 

Người đăng: admin