Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 67
Truy cập hôm nay: 822
Lượt truy cập: 11,522,813
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo

 

NGƯỜI PHỤ NỮ TÀI GIỎI BẬC NHẤT VỀ VĂN HOÁ GIÁO DỤC LÀNG MỘ TRẠCH XƯA:BÀ LÊ THỊ OANH, PHU NHÂN ÔNG VŨ CÔNG TƯƠNG.

Vũ Hiệp

I.       LỜI GIỚI THIỆU:

Đọc kỹ hai cuốn phả họ Vũ và họ Lê của làng Mộ Trạch ngoài các Bà Mẹ đầy phúc đức (họ Vũ) dạy con, giúp chồng vào giáo dưỡng các con trai, con gái nên người như Bà Mẹ của 5 ông Khởi Tổ 5 Chi họ Vũ. Rồi bà vợ ông Vũ Quốc Sĩ nuôi dạy 5 con trai thành 5 danh nhân: quận công Vũ Tự Khoái, Hoàng Giáp Bồi Tụng Vũ Bạt Tuỵ, Tể tướng Vũ Duy Chí, Thượng Thư Quận Công Vũ Phương Trượng và Tiến Sĩ Vũ Cầu Hối (cùng 1 con gái Vũ Thị Tuệ lấy ông Giải Nguyên Vũ Văn Hoành đẻ ra hai Tiến sĩ Vũ Công Đạo, Vũ Công Lượng và 1 Hương Cống, từng 5 lần thi Hội là Vũ Công Tương, thêm 1 gái Vũ Thị Lãng là vợ Tiến Sĩ Vũ Công Bình (phái Kỷ). Tất cả các nhân vật xuất sắc họ Vũ đó có mẹ hiền giỏi đều sống trong thế kỷ 17. Trừ ông Quốc Sĩ và Bà Vũ thị Thứ (vợ ông Quốc Sĩ) thì sinh trưởng ở nửa sau thế kỷ 16.

Chúng tôi thích thú, thấy một phụ nữ họ Lê người làng Mộ Trạch là con gái Tiến Sĩ Kỷ Hợi Lê Công Triều (đỗ năm 1659) là bà Lê Thị Oanh được cả 2 bộ cổ phả Vũ và Lê ca ngợi bà Oanh là 1 phụ nữ học giỏi, nết na, đẹp người và tài năng dạy học xuất sắc ngang nam giới (môn sinh thành đạt  nhiều, có người đỗ Tiến Sĩ, đều ra làm quan). Bà là 1 nhà giáo mô phạm, tài giỏi hơn nhiều ông thày ở làng Mộ Trạch thuở xưa. Ngay trong lịch sử giáo dục ở nước ta xưa, chỉ có bà Lễ phu Nguyễn Thị Duệ ở Chí Linh đỗ Tiến Sĩ, chấm thi Hội chọn Tiến Sĩ đầu thế kỷ 17. Và sau đó, có bà Lê Thị Oanh vợ ông Hương Cống Tham Nghị: Vũ Công Tương (1645 – 1712) cũng cùng chồng mở lớp học dạy người cùng làng, cùng tổng. Bà dạy lớp thấp ông dạy lớp cao (đại tập), nhiều môn đồ thành đạt, có người đỗ Tiến Sĩ.

Trước khi kể tiểu sử sự nghiệp bà Lê Thị Oanh, xin nói về gia thế tiểu truyện cha mẹ Bà Oanh là Cụ Tiến Sĩ Lê Công Triều và phu nhân Vũ Thị Bảng. Nhờ có bậc  phụ mẫu giỏi và đức hạnh mới sinh ra những người con học giỏi, tài năng. Đặc biệt là bà con gái Lê Thị Oanh có đủ cả Công, Dung, Ngôn, Hạnh ít ai sánh kịp. Nếu không có được Bà Mẹ họ Vũ dòng trâm anh thế phiệt ở Mộ Trạch và ông bố Tíên Sĩ giỏi như thế. Chị ruột Bà Oanh là vợ Tiến Sĩ Vũ Trọng Trình, tên là Thị Thịnh, được gọi là bà Nghè. Các em gái 2 bà đều lấy chồng họ Vũ danh giá cùng làng cả.

A: Cha: Lê Công Triều (1630 – 1695) là đời thứ 11 dòng họ Lê ở làng Mộ Trạch, cháu 10 đời cụ Tiết Nghĩa Lê Cảnh Tuân (đời Trần, Hồ, Minh, thuộc 1360 – 1413). Cháu 9 đời cụ Lê Thiếu Dĩnh và là con cụ Lê Ngạn và cụ bà Vũ Thị Chiền. Ông Công Triều thông minh, học giỏi, chưa 20 tuổi đã sớm đỗ Hương Giải (tức là Hương Cống). Năm 30 tuổi (Kỷ Hợi 1659) đỗ Tam Giáp Tiến Sĩ 1 khoa với ba ông Tiến Sĩ họ Vũ ở Mộ Trạch: Cầu Hối, Bật Hài, Công Đạo. Lúc ông Lê Công Triều đại đăng khoa (1659), cha mẹ ông còn sống đủ, thật là phúc khánh vẹn tòan. Ông làm quan trải qua trong triều đình ngoài các địa phương. Cuối cùng đến Tham Chính xứ Thanh Hoá. Lúc đến đó làm quan, ông có về quê cũ của Thuỷ Tổ (Lê Nhữ Huy) từ triều nhà Trần là làng Lão Lạt, huyện Thuần Lộc (sau là Hậu Lộc, Hà Trung, Thanh Hoá) thăm mộ tổ và xây dựng một Từ đường họ Lê ở đó để tỏ lòng không quên gốc xưa (gồm 3 dãy lợp ngói và đặt ruộng giỗ ở đó. Về sau, ông Lê Công Triều 66 tuổi mất, Mẹ ông 90 tuổi còn sống. Con ông là Lê Tố Định đặt tên thụy hiệu cho ông là Triết Trai Tiên Sinh. Mộ còn ở làng .

-         Vợ ông Công Triều là bà Vũ Thị Bảng (chi thứ 5) sẽ viết sau đây.

-         Các con ông bà Nghè Công Triều gồm có:

1)          Lê Tố Định: thông minh, giỏi Kinh sử. Mới 16 tuổi đã lĩnh Hương giải (Hương Cống) thành Nho Sinh trúng Thức. 21 tuổi đã chết sớm, có tên hiệu là Tuấn Duệ Tiên Sinh. Vợ ông là con gái tể Tướng phương Quận Công Vũ Duy Chí, tên là Vũ Thị Diệp (20 tuổi goá chồng, nuôi con đến già. Mẹ của 2 con trai họ Lê – Công thành đạt.

2)          Lê Công Phụ: con trai thứ 2 cụ Nghè Triều. 16 tuổi thi trúng tứ trường ở Huyện và thi Hương trúng Tam trường làm Nho sinh.

3)          Cụ Nghè có 4 con gái: a) Lê Thị Thịnh, b) Lê Thị Oanh, c) Lê Thị Thặng, d) Lê Thị Kiều. bà Thịnh lấy Tiến Sĩ Vũ Trọng Trình. Bà Thặng lấy ông Nho sinh Vũ Thị Chất. Bà Kiều lấy ông Tri huyện Vũ Nhật Long. Riêng bà Oanh lấy ông Tham Nghị Vũ Công Tương. Cả 4 bà này đều có học chữ nghĩa, nhưng có bà Oanh giỏi hơn cả.

B:Mẹ: bà Vũ Thị Bảng là vợ quan Nghè Lê Công Triều tức là mẹ nữ Học Sĩ Lê Thị Oanh. Cũng là mẹ 2 ông Nho sinh họ Lê đời 12 và Mẹ vợ ba ông con rể họ Vũ có Nho học cao (1 ông Tiến Sĩ, 3 ông Cống làm quan to đều họ Vũ).

Bà Vũ Thị Bảng là con gái thứ của cụ Điện Nguyên Hoàng Giáp Tiến Sĩ Vũ Bạt Tụy và cụ bà Vũ Thị Minh (ở phái Ất). Như thế bà phu nhân Lê Công triều là con nhà gia thế. Có cha, bác, chú đều làm quan rất lớn ở triều, hiển vinh nhất làng Mộ Trạch bấy giờ. Bà Bảng phải có 1 nền giáo dục tốt của cha mẹ. Lại có 2 anh em ruột là Tiến Sĩ Vũ Duy Đoán và Hương Cống Vũ Duy Thì và 1 người chị gái: Vũ Thị Chưng (vợ ông Vũ Đức Thắng).

Bà Vũ Thị Bảng là con gái nhà gia thế hiển hách và khoa bảng như vậy. Hẳn bà phải được cha, anh dạy chữ  ít nhiều nên Bà lấy được Tiến Sĩ Lê Công Triều là người học giỏi và đạo đức. Vì thế bà (Bảng) Lê Công Triều, thân danh cả làng cả tổng gọi là “Bà Nghè Lê” đã sẵn nếp nhà thi lễ. Bà đã giáo dục con trai gái nên người và nết na: 2 trai, 4 gái đều thành danh phận.

Đặc biệt có người con gái thứ 2 là Lê Thị Oanh thông minh, xinh đẹp, học giỏi, uyên bác nhất thời xưa ở giới phụ nữ làng Mộ Trạch mà sử sách cổ kim ở quê hương họ Vũ (Tiến Sĩ Sào) đều ca ngợi như sau:

Theo chúng tôi suy luận, bà Lê Thị Oanh thừa hưởng đức độ của bà Mẹ Vũ Thị Bảng, cùng ông bà Ngoại: Tiến Sĩ Vũ Bạt Tuỵ và cha là Tiến Sĩ Lê Công Triều (đã chép nhiều ở trên). Bà mẹ Vũ Thị Bảng có công lớn dạy con gái nên danh phận vậy. Đúng là phúc đức tại Mẫu thì họ Lê mới có bà giáo Lê Thị Oanh. Xin tôn vinh cụ bà Nghè Lê: Vũ Thị Bảng xứng danh 1 Bà Mẹ Hiền làng Mộ Trạch xưa. Bởi mẹ ảnh huởng lớn đến con gái rất nhiều, phải hơn cha (bận làm quan)?

II.   Tiểu Truyện Nữ Học Sĩ làng Chằm Thượng: Bà Lê Thị Oanh phu nhân ông Tham Nghị Vũ Công Tương: Đôi vợ chồng Sư phạm xưa.

(Thuở xưa, dạy học là việc của Nam giới đảm đương,
 phụ nữ cấm kỵ dạy chữ,Vậy mà..
).

Bà Oanh có lẽ tương đương tuổi chồng là ông Hương Cống Vũ Công Tương (1645 – 1712) ? Nếu có kém cũng chỉ một vài tuổi? Cổ phả họ Lê và họ Vũ ở Mộ Trạch đã chép ca ngợi bà rằng: “Bà Lê Thị Oanh (thứ nữ ông Nghè Lê Công Triều) có hiệu Là Ôn - Nhuận Phu Nhân gả cho Vũ Công Tương (tướng công) làm quan tham Nghị xứ Thanh Hoa (họ Vũ phái Đinh). Phu nhân dáng người thanh mảnh, mềm mại (đẹp thanh tú) da dẻ mịn màng, thơm tho. Lại hiểu biết  thông thạo kinh sử giỏi thơ phú, sở trường về thể văn bằng quốc âm (nghĩa là giỏi thơ Nôm). Thường mở lớp dạy học, mà học trò của phu nhân đông đến hàng trăm! Trong đó, có người về sau thì đỗ đại khoa Tiến sĩ (tức ông Cấp Sự trung, Tiến Sĩ Nguyễn Thường Thái (Thịnh), người ở thôn Chằm Hạ). Hoặc người đỗ các kỳ thi Hương, rồi ra nhận chức quan, cũng rất nhiều. Người đời tôn gọi phu nhân (Bà) là Nữ Học Sĩ. Bà lấy ông Cống Vũ Công Tương sinh được ba trai bốn gái: 3 con trai là Vũ Công Trung, là Quan Viên Tử, Vũ Công Thực và Vũ Công Dụ (trưởng nam) đều làm Nho sinh. Bốn gái là Vũ Thị Trinh gả cho Nho sinh Vũ Đăng Giai đời 13 chi 5. Thị Tông được cô ruột là Bà Vũ Thị Lãng (vợ Tiến Sĩ Vũ Công Bình phái Kỷ) nuôi làm con, gả cho Hoằng Tín Đại Phu Vũ Bật Trực (đời 12 chi 5). Vũ thị (Mỗ) gả ông Huấn Đạo Vũ Truyền, đời 7 phái Mậu, và Vũ Thị Vọng gả cho Giải Nguyên, Tri huyện Phạm Quang Anh (con Tiến Sĩ Phạm Quang Dung) quê ở làng Ngọc Cục (gần Mộ Trạch) (đọc trong gia phả họ Lê, bản dịch Nguyễn Văn Nguyên, trang 64).

Còn trong “Mộ Trạch, Vũ Tộc Thế Hệ Sự Tích” do nhóm cụ Vũ Phương Lan cùng soạn năm 1769 đã viết thêm về bà phu nhân của quan Tham Nghị Vũ Công Tường là Bà Lê Thị Oanh như sau:

“Ông và bà Vợ họ Lê cùng dạy học. Ông dạy bậc đại tập, phu nhân dạy bậc Tiểu tập. Nhiều người thành tài, đỗ Tiến Sĩ có Nguyễn Thường Thịnh (người thôn Hạ)…Bà (Lê Thị Oanh) có thân hình nhỏ nhắn, mềm mại (nhu mì), da dẻ đượm hương thơm, kinh sử uyên bác, thơ phú giỏi giang, sở trường về thơ văn Quốc Âm”.

“Khi ông (Tương) đi làm quan xa (Thanh Hóa), bà ở nhà có bài: “Khúc ca nhớ chồng” bằng quốc âm còn truyền tụng đến nay. Học trò Bà có gần trăm người, đỗ đại khoa có Tiến Sĩ Nguyễn Thường Thái…”(trang 311 – 312).

Thật là một phụ nữ  xưa tài giỏi về văn học và giáo dục hiếm thấy! Có thể nói bà Nữ Học Sĩ Lê Thị Oanh là 1 bà vợ người họ Vũ cũng là mẹ của đàn con họ Vũ rất đáng tôn kính. Tương truyền ông Vũ Công Tương, chồng bà rất yêu qúi, trọng nể tài đức bà. Hai ông anh chồng Bà đều là Tiến Sĩ, cũng khen ngợi người em dâu giỏi văn chương và nết na. Vì bà thay chồng dạy 7 con trai gái thành nhân cả trong lúc chồng đi  làm quan xa. Làng Mộ Trạch có thể hãnh diện về 1 bà giáo giỏi thời xưa đào tạo ra nhiều nhân tài thế kỷ 17 và 18. Không dễ gì làng xã nào ở trong nước ta có được. Bà có thể sánh với Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm sống sau bà Lê Thị Oanh vài chục năm. Xưa, phụ nữ hiếm ai dạy chữ nghĩa như bà.

Chồng bà là ông Vũ Công Tương là con trai thứ ba của cụ Vũ Văn Hoành (Giải Nguyên năm 1639) thầy học Tiến Sĩ Vũ Vinh Tiến làng Phù Ủng đỗ năm 1640. Cụ Hoành còn dạy 2 con trai lớn đỗ Tiến Sĩ là Vũ Công Đạo và Vũ Công Lượng (ở phái Đinh họ Vũ đời thứ 6). Ông Cống Tương học giỏi sinh năm Ất Dậu (1645). Năm 18 tuổi (1662) ông đã đỗ Hương Cống và thi Hội 5 lần đều trúng Tam Trường. Tiếc không đỗ nổi Tiến Sĩ, nhưng rất là xuất sắc. Làm quan từ Huấn Đạo phủ Khoái Châu, trải nhiều chức vụ và lên Lang Trung Bộ Hình. Cuối cùng làm chức Tham Nghị Thanh Hoa. Tính ông cương trực, trong xã cử ông làm Kinh quan để đại diện chấn chỉnh việc làng. Ông nghiêm khắc, nên người làng nể sợ. Thuần phong mỹ tục làng Mộ Trạch đã vì thế được phục hồi. Hai ông bà đều dạy học rất giỏi, đào tạo nhiều nhân tài. Ông mất, có hiệu là Ninh Hiên (giỗ 14 tháng 8) hợp táng với Bà ở Mả Rậm. Ông Tiến Sĩ Nguyễn Thường Thịnh đã làm Văn tế khóc Thầy, có câu:

“Ô hô! Phụ tử chư ân, quân thân chủ nghĩa.

Sư tham quân, phụ vi tam, đạo gian Nghĩa ân chi Nhị…”

Dịch nghĩa:

“Than ôi! Cha con cốt ở Ân, Vua tôi cốt ở Nghĩa.

Thầy là bậc thứ ba sau vua và cha, trong đạo lý có hai điều là Ân và Nghĩa”

(Văn tế thầy cô giáo của Tiến Sĩ Nguyễn Thường Thịnh soạn khóc thầy)

Có lẽ bà Lê Thị Oanh mất trước chồng ít năm? Sau con ông bà đã hợp táng (chôn chung 1 chỗ) quan tài + hài cốt ông bà ở cánh đồng quê nhà! Bà có một người chồng đạo đức, hiển vinh và cả làng cả họ đều quý trọng ông bà. Hai bên nội ngoại của ông bà đều quí hiển hết. Bà là 1 con dâu và bà mẹ nhà họ Vũ khả kính.

Bà Lê Thị Oanh là một phụ nữ tri thức, một nhà giáo dục có tài hiếm thấy thuở xưa. Bà còn giỏi văn chương thơ phú. Xưa làng Mộ Trạch không thấy có người đàn bà tứ đức vẹn toàn bằng bà. Các bậc nữ lưu trước và sau bà ở trong làng chỉ là các Bà Mẹ hiền đức, đa số không biết chữ. Bà chẳng những đạo đức, nhân hậu mà còn là một nhà Sư Phạm đáng kính. Sau này, nếu tái lập Văn Chỉ Mộ Trạch, nên khắc tên thờ ông bà./.

VH – 2007

 

Tư liệu tham khảo:

-         Mộ Trạch Vũ Tộc Thế Hệ Sự Tích (Nhóm Nho gia Hậu Lê, Vũ Phương Lan tiên sinh chủ biên – 1769)

-         Lê Thị gia phả Sự Tích ký (bản dịch của Tiến Sĩ Nguyễn Văn Nguyên nhà XB/ Thế Giới 2003)

Người đăng: huythuan