Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 90
Truy cập hôm nay: 903
Lượt truy cập: 11,522,894
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
LÀNG TIẾN SĨ XỨ ĐÔNG XƯA VÀ NAY Nguồn: Việt Nam & Đông Nam Á Ngày Nay

 

LÀNG TIẾN SĨ XỨ ĐÔNG XƯA VÀ NAY

Nguồn: Việt Nam & Đông Nam Á Ngày Nay

Người dân vùng đất Hải Dương có câu: "Tiền làng Đọc, thóc làng Nhữ, chữ làng Chằm". Đó là câu ca ca ngợi làng Đọc (làng Quan Tiền) là làng giàu nhất vùng, làng Nhữ nhiều thóc nhất vùng, còn làng Chằm (tên cúng cơm của làng Mộ Trạch) có nhiều người học giỏi đỗ cao nhất vùng còn được gọi là Làng tiến sĩ xứ Đông. Làng Mộ Trạch thuộc huyện Đường An, tỉnh Hải Dương nay là huyện Bình Giang - Hải Dương. Đây là một làng quê bình dị như bao làng quê khác vùng đồng bằng Bắc Bộ, lấy nghề nông làm trọng, ngoài ra còn có các nghề phụ như nghề mộc, dệt vải. Nhưng ở đây ta có thể tìm thấy một sự mẫu mực về tính hiếu học mà ít làng quê Việt Nam nào có được.

Tiếng thơm của làng không những đi vào dân gian mà còn được chính các bậc Đế Vương thừa nhận. Dực Anh Tôn Hoàng đế (Vua Tự Đức) từng phải thốt lên rằng: "Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ" (một làng Mộ Trạch tài bằng nửa cả nước). Không phải ngẫu nhiên mà vua Tự Đức vốn thông minh hay chữ lại phải trầm trồ khen ngợi như vậy. Khởi nguồn để vua Tự Đức phải nhả "lời vàng" ấy chính là vào khoa thi năm Bính Thân năm 1656, Triều vua Lê Thần Tôn, cả nước chỉ chọn được 6 vị đỗ tiến sĩ thì làng Mộ Trạch đã chiếm 3 vị mà tuổi chỉ từ 21 đến 23 tuổi. Đó là Vũ Trác Lạc (21), Vũ Đăng Long (23) và Vũ Công Lượng (22).

Kết quả được công bố, thấy làng Mộ Trạch đỗ nhiều, triều đình có sự ngờ vực nên bí mật rà xét lại việc thi cử. Triều đình chọn một quan giám khảo ra đề rất khó. Các thí sinh mỗi người phải ngồi trong một hố sâu làm bài thi. Trên mỗi hố úp một lồng để ngăn cách hoàn toàn giữa các thí sinh và quan giám khảo ngồi trên một lều cao quan sát. Chung cuộc các "sĩ tử" làng Mộ Trạch vẫn chiếm phân nửa số người đỗ, khiến Vua hết sức hài lòng, khâm phục và tin dùng.

Có nhiều điều ngạc nhiên về bảng vàng khoa cử của làng Mộ Trạch, bởi vì làng Mộ Trạch chính là làng văn hiến nổi tiếng, là nơi "chôn nhau cắt rốn" của Trạng Cờ Vũ Huyến (người chỉ với 10 nước cờ giúp Vua thắng Xứ thần phương Bắc bằng mẹo đánh cờ giữa trưa nắng để chỉ nước đi cho Vua qua kẽ tia nắng của chiếc lọng), của Trạng Toán Vũ Hữu (người tính toán xây thành Thăng Long không thừa không thiếu một cân nguyên vật liệu và cũng là tác giả của cuốn sách "Lập thành toán pháp"), Trạng Vật Vũ Phong, Trạng Chạy Vũ Cương Trực và Trạng Chữ Lê Nai (đỗ Trạng Nguyên). Mộ Trạch cũng là quê hương của 36 tiến sĩ đại khoa (kể từ thời nhà Trần đến thế kỷ 18).

Mở đầu trong "Bảng vàng tiến sĩ" của làng là hai anh em ruột Vũ Nghiêu Tá và Vũ Hán Bi, cùng đỗ thái học sinh năm giáp thìn (1504) triều vua Trần Anh Tôn. Cha của hai ông chính là Vũ Nạp - phó tướng của Trần Quốc Bảo. Với chiến công đánh tan quân Nguyên trong trận Bạch Đằng, bắt sống tướng Ô Mã Nhi, Vũ Nạp được Vua ban bài vị và phong "Đồng giang hầu tả tướng quân".

Có thể khẳng định trải suốt hơn 5 thế kỷ từ triều Trần qua triều Lê, Mạc đến thời Vua Lê, Chúa Trịnh, luôn luôn có các bậc anh tài làng Mộ Trạch mà trong đó đa phần là ruột thịt dòng họ Vũ, từng ra vào giáp mặt nhau như "cơm bữa" tại triều đình. Xin được đơn cử trường hợp cụ Vũ Quốc Sĩ, cụ là người có 5 con trai thì cả 5 người cùng làm quan to trong triều đình, trong đó có 3 người đỗ tiến sĩ. Trường hợp khác là Cụ Vũ Duy Chí - người đã làm quan tới chức Tể tướng qua hai triều Vua Lê. Cũng phải kể đến trường hợp 3 đời con trưởng cùng đỗ tiến sĩ và làm quan dưới triều Vua Lê Thánh Tôn, đó là Vũ Bạt Tụy (ông), Vũ Duy Đoán (cha), Vũ Duy Khuông (cháu).

Những sự lạ ở mảnh đất Mộ Trạch nhỏ bé thì còn rất nhiều mà người viết không thể kể ra hết. Nhưng chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ tôn vinh Mộ Trạch là làng tiến sĩ, là làng tài "độc nhất vô nhị" ở đất Việt mình. Sở dĩ làng Mộ Trạch có nhiều người học giỏi đỗ cao như vậy bởi vì nơi đây là mảnh đất có truyền thống hiếu học, khuyến học hơn bất cứ nơi đâu. Tất cả con trai đều chăm chỉ dùi mài kinh sử để mong có ngày đỗ đạt chốn khoa trường.

Điều thú vị là tất cả những thí sinh của làng muốn lên Kinh dự thi đều phải đăng ký vào sổ thi của làng và dứt khoát phải vượt qua kỳ thi thử tại quán Kỳ Anh nơi đầu làng. Những người có khoa bảng trong làng làm nhiệm vụ khảo xét bồi dưỡng lớp con em để họ có đủ năng lực và phẩm chất trước khi thi tài với thiên hạ. Nhờ truyền thống giáo dục tốt mà người làng Mộ Trạch đã chiếm bảng vàng rực rỡ trong các kỳ triều đình mở hội thi. Điều đặc biệt là người làng Mộ Trạch dù làm quan tới chức nào cũng không ham lo xây dựng dinh thự mà luôn một lòng phục vụ đất nước, chăm lo chúng dân.

Noi gương truyền thống cha ông, ngày nay con cháu cụ tổ họ Vũ làng Mộ Trạch cũng hết sức chăm chỉ học hành, mong thành đạt để góp phần xây dựng quê hương đất nước. Ngôi trường cấp 1 - 2 được xây dựng trong xã mà số đông học sinh là con em của làng Mộ Trạch theo học. Còn tại trường cấp 3 Bình Giang, nếu cứ học sinh của 3 xã khác hợp thành một lớp thì chỉ riêng học sinh của xã Tân Hồng (làng Mộ Trạch chiếm hơn phân nửa) cũng đủ một lớp rồi. Nếu xưa kia bảng vàng khoa cử của các thế hệ cha ông đã tôn vinh làng Mộ Trạch thành "Làng tiến sĩ" thì ngày nay truyền thống hiếu học vẫn được duy trì và thành tích học tập, đỗ đạt của thế hệ con cháu Mộ Trạch cũng ít làng quê nào sánh kịp.

Có thể kể ra đây gia đình bác Vũ Đăng Giáp - một gia đình nghèo đến mức phải ở nhờ nhà thờ họ. Vợ mất sớm bác phải nuôi 4 người con trai đi học. Mấy bố con tần tảo nuôi nhau, đến nay cả 4 người con đều tốt nghiệp đại học và cao đẳng và được nhà nước trọng dụng. Gia đình bác Vũ Xuân Phổ hết lòng chăm lo con cái học tập, nay một người là phó tiến sĩ còn 3 người khác đều đã tốt nghiệp đại học. Số người làm nghề dạy học ở Mộ Trạch thì chắc chắn nhiều hơn bất cứ một làng quê nào vì Mộ Trạch có truyền thống từ lâu làm nghề này.

Ngoài ra, có rất nhiều người con của Mộ Trạch vì những lý do khác nhau phải xa quê hương nay đã thành đạt và tìm về cội nguồn. Trong số đó có thể kể ra như Tiến sĩ vật lý nguyên tử Vũ Khắc Thinh hiện đang nghiên cứu tại Nhật Bản, Tiến sĩ văn học Đặng Vũ Phương Chi đang công tác tại Paris, Giáo sư - Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, Giáo sư Vũ Khiêu... Tất cả đều là con cháu họ Vũ làng Mộ Trạch, tìm về quê hương với lòng thành thắp nén hương tưởng niệm người đã sinh ra dòng họ của mình.

Nói về khoa cử, về tài năng của Mộ Trạch trước kia cũng như truyền thống hiếu hoc ngày nay thì còn rất nhiều điều thú vị. Nếu bạn muốn tìm hiểu rõ hơn, sâu hơn xin mời bạn xuôi quốc lộ 5 về xứ Đông - Hải Dương, đất lành Mộ Trạch luôn rộng lòng đón bạn. Ngày mồng 8 tháng giêng hàng năm là ngày hội làng, con cháu họ Vũ Mộ Trạch khắp mọi nơi sẽ tìm về với quê hương vui ngày lễ hội và thắp nén hương tưởng nhớ người đã sinh ra dòng họ Vũ và tưởng nhớ cả các thế hệ cha ông đã góp phần lưu danh thơm làng Mộ Trạch đến muôn đời sau.

(Việt Nam & Đông Nam Á Ngày Nay số 4/1999)

Người đăng: huythuan