Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 6,724
Truy cập hôm nay: 5,704
Lượt truy cập: 11,212,388
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
MỘ TRẠCH: LÀNG TIẾN SĨ Tô Đức Chiêu -Báo Văn nghệ

 

MỘ TRẠCH: LÀNG TIẾN SĨ

Tô Đức Chiêu (Báo Văn nghệ)

"Làng Mộ Trạch thì nặng bằng một nửa thiên hạ" (Vua Tự Đức)

Đó là làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Một làng nhỏ có tới 36 tiến sĩ, nếu kể cả ba vị do các cơ sở khoa học Trung ương và tỉnh phát hiện nhưng các cụ của làng còn đang đối chiếu với ngọc phả hương thôn và tộc phả các dòng họ thì là 39. Dường như hỏi bất cừ người dân trưởng thành nào trong huyện về làng tiến sĩ là được chỉ tới nơi đây. Vào làng hỏi bất cứ công dân trưởng thành nào cũng được kể cho nghe về xuất xứ tên gọi cũng như người khai sinh ra bờ tre ngõ lối của làng!

Kể rằng:

Vũ Công Huy là quan chức đời Đường đã sáu mươi tuổi vẫn không con cái. Quá buồn chán, Vũ Công Huy cáo từ quan và xin phép vua Đường cho du hành về phương Nam. Thấy đất Thanh Lâm nay là vùng Nam Sách, Hải Dương có nhiều gò đống rất đẹp và linh thiêng ngài bèn đem hài cốt cha sang mai táng. Rồi Vũ Công Huy gặp một người con gái nết na, thuỳ mị, xinh xắn nhất vùng tên là Nguyễn Thị Đức bèn lấy làm vợ. Họ đưa nhau trở về Trung Quốc. Năm 804 vợ chồng sinh hạ một người con trai tuấn tú đặt tên là Vũ Hồn. Năm bảy tuổi Vũ Hồn đã đọc thông viết thạo. Năm mười hai tuổi học đâu nhớ đấy. Năm mười tám tuổi thi đình đỗ cao, được bổ làm quan, rồi được vua Đường phong chức Đô Ngự xứ ở quận Giao Châu tức Việt Nam ta lúc đó còn đang trong thời kỳ Bắc thuộc.Đô Ngự xứ Vũ Hồn đi kinh lý thấy vùng đất Bách nhạn hồi sào ở vùng Bình Giang ngày nay, cho rằng nơi đây mến mộ lòng người, dân chúng có thể phát về đường khoa cử bèn lập ấp đem mẹ từ phương Bắc sang nuôi dưỡng và gọi vùng đất này là Khả Mộ. Tên có từ ngày ấy. Dần dần lưu truyền đời con đời cháu đọc chệch đi nên làng mang tên Mộ Trạch như ngày nay.

Mẹ mất. Vũ Hồn đưa về mai táng ở thôn Kiêt Đặc thuộc vùng núi Phượng Hoàng, Chí Linh bây giờ. Ngày 23 tháng Chạp năm Quý Dậu (853) Vũ Hồn 49 tuổi không bệnh mà hoá. Dân chúng khiêng đi mai táng gặp buổi chiều mưa giông sấm sét dữ dội mãi lâu không ngớt đành bỏ về. Sáng hôm sau trời quang mây tạnh họ ra để tiếp tục công việc thì không thấy thi xác đâu cả. Như là đã biến thành thần và bay vút lên trời. Dân chúng bèn bẩm tâu lên các quan cai trị. Vua Đường cho người về xem xét thấy đúng bèn ra sắc phong Dương Cảnh thành hoàng - Lâu đài cý sĩ. Nhân dân nhớ ơn rước bài vị của vua Đường ban chiếu cùng hương hồn ông vào đình ngự lẫm ngôi vị thành hoàng của làng.

Con đường đèn sách

Xứ Đông ngàỵ xưa bao cả vùng đất rộng lớn gồm Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng... sự nghiệp giáo dục phát triển mạnh vào thời Lê và truyền thống học tập đỗ đạt của con em xứ Đông ngày càng được phát huy, số người đỗ đạt từ thi hương đến thi hội ngàỵ càng nhiều. Hiện nay 82 bia tiến sĩ còn lại ở Văn Miếu, Hà Nội, ta dễ dàng tìm thấy phần khá lớn khoa bảng thành đạt thời xưa xuất thân từ xứ Đông và đặc biệt người làng Mộ Trạch có trên 18 văn bia.

Xét trên phạm vi đơn vị huyện của xứ Đông, mật độ tiến sĩ tập trung khá cao ở Văn Giang, Ân Thi, Chí Linh, Thanh Lâm, Đường An, nhưng trong phạm vi một làng xóm thì Mộ Trạch là điếm sáng rực rỡ mãi mãi toá ánh hào quang từ ngàn xưa cho tới hôm nay. Làng Mộ Trạch nhỏ bé tới tận năm 1945 mới có xấp xỉ1000 nhân khẩu và hôm nay có hơn 700 hộ với 2800 nhân khẩu. Ấy vậy mà dưới những năm tháng u tịch của mười thế kỷ trước đã lần lượt xuất hiện tới 36 vị tiến sĩ, chưa kể đến cử nhân, tú tài, đứng vào bậc nhất cả nước về trình độ học vấn. Đặc biệt có những khoa thi, những kỳ thi, sĩ tử ra đi từ làng Mộ Trạch đã giành thành tựu vẻ vang xứng danh tổ tiên dòng tộc. Ngọc phả của làng cũng như trên bia số 18 tại Văn Miếu - Hà Nội còn ghi rõ khoa thi năm Bính Thân, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ tư (1656) dưới thời Lê Thần Tôn và Trịnh Tráng có tới 3000 người dự mà chỉ được chọn đỗ sáu thì đệ tam giáp làng Mộ Trạch là Vũ Trác Lạc, Vũ Đãng Long, và Vũ Công Lượng, nghĩa là chiếm tới một nửa những con người thành đạt của cả thiên hạ. Tiếp đến là khoa thi Kỷ Hợi năm 1659 Mộ Trạch lại có tới bốn người đỗ tiến sĩ là Vũ Cầu Hối, Vũ Công Đạo, Vũ Duy Hải và Lê Công Triều.

Hầu hết danh sĩ làng Mộ Trạch đều để lại những tác phẩm văn học có giá trị cho đời sau: Lê Cánh Tuân có Vạn ngôn thư và 12 bài trong Toàn Việt thi lục. Lê Thiếu Đình có Tiệt trại thi tập. Vũ Hữu có Đại thành toàn pháp. Vũ Quỳnh có Đại Việt thông giám Lĩnh nam trích quái. Vũ Cán có Tùng niên thi tập Tứ lục bi lâm. Lê Nại có Việt sử thông giám. Vũ Phương Đề có Công dư tiếp ký 43 tập. Vũ Huy Tấn có Văn tế quân Thanh... và nhiều người có công với nước hoặc tài trí đặc biệt hơn người được dân gian lưu danh muôn thuở như: Vũ Nạp, phó tướng của Trần Quốc Bảo đã thay mặt chủ tướng khi Trần Quốc Bảo tử trận, xông pha giữa mũi tên hòn đạn, chỉ huy quân sĩ phá tan thế trận của giặc Nguyên trên sông Bạch Đằng bắt sống tướng giặt là Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp. Sau này ông được vua nhà Trần ban cho bài vị Đồng Giang hầu Vũ tướng công. Hai con trai ông là Vũ Nghiên Tá và Vũ Hán Bi cùng đỗ Thái học sinh khoa Giáp Thìn (1304) triều vua Trần Anh Tôn. Rồi Lê Thiêu Dĩnh, Lê Thúc Hiển và con trai là Lê Cảnh Tuân đã vào tận xứ Thanh phò tá Lê Lợi góp phần diệt tan giặc Minh được liệt vào hàng danh sĩ công thần nhà Lê. Rồi trạng ăn Lê Đỉnh, trạng chạy Vũ Cương Trực, trạng vật Vũ Phong, trạng cờ Vũ Huyên và trạng toán Vũ Hữu. Mỗi ông trạng đều có danh tính thật trong sử sách của làng cùng với công trạng kiệt xuất và sự thêu dệt do lòng ngưỡng mộ tôn kính đời đời.

Làng Mộ Trạch nghèo. Dân từ ngàn xưa thuần nông cầy cấy, dệt vải, nhưng vẫn hết sức chăm lo đèn sách. Các bậc già nhất của làng kể lại là làng có quán khảo văn. Hàng năm, trước khi sĩ tử trảy hội thi hương hay thi đình do Nhà nước tổ chức đều phải qua kỳ thi làng ở quán khảo văn. Tại đây các môn sinh chẳng những nâng mình lên trong tầm hiểu biết mà còn làm quen tới cách thức, thể lệ. Những quán văn ấy của thời xa xưa chắc chắn bằng tranh tre nứa lá không thể tồn tại đến ngày nay những nó được ghi mãi trong lòng người truyền tụng từ đời này qua đời khác. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Đức Dực Tôn Anh Hoàng Đế Tự Đức vốn thông minh hay chữ đã phải thốt lên Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ tức là riêng làng Mộ Trạch tài năng bằng một nửa thiên hạ.

Gia phả họ Vũ của làng còn ghi một giai thoại: Lại bộ tả thị lang Nguyễn Văn Phong lục vấn rằng người làng Mộ Trạch có tý xảo thần thế gì đó mới nhiều người đỗ đến thế. Kỳ thi hương năm Canh Trị thứ tý (1666) ông xin về xứ Đông làm đề điệu (chủ khảo). Ông cho đào mỗi thí sinh một hố, trên đắp liếp, người thì ngồi trong đó làm bài. Ông chọn những câu văn hóc hiểm làm đề thi, lại truyền cho hai ban sơ khảo và phúc khảo chỉ được chọn những quyển nào viết chữ rõ ràng, không dập xoá, sửa chữa. Quan trường chấm bài xong, tuyển được ba mươi quyển hợp cách trình quan đê điệu chấm lại. Nguyễn Văn Phong chỉ lựa được sáu quyển, còn đánh trượt. Sau khi xếp thứ bậc rồi khớp phách để yết bảng, thì người đỗ đầu là Vũ Văn Hiên, 18 tuổi, đậu ngay giải nguyên. Người thứ hai lã Vũ Bật Lại. Người thứ ba là Vũ Chấn, đều ra đi từ làng Mộ Trạch. Ba người kia là của khắp thiên hạ.

Mộ Trạch xưa nhiều người làm quan là vậy nhưng không giàu. Người dân mang hết nghị lực cho sự nghiệp học hành của con em mình. Chữ thánh hiền được nâng niu quý trọng. Đàn ông tiêu biểu của làng là làm quan hoặc làm nghề dạy học. Thầy đồ Chằm (tên nôm làng Mộ Trạch) nổi tiếng về tài nãng và trọng nhân cách, là thầy dạy dỗ từ bước đi đầu tiên của bao cử nhân, tiến sĩ. Dân gian quanh vùng có câu: Tiền làng Đọc. Thóc làng Nhữ. Chữ làng Chằm. Làng Đọc có nghề nhuộm cổ truyền mỗi năm thu hàng bồ tiền của thiên hạ. Làng Nhữ ruộng nhiều và tốt lắm thóc nhất vùng. Còn làng Chằm, như ta đã biết, nổi tiếng hay chữ, nhiều người đỗ đạt cao và thầy đồ học sâu hiểu rộng. Tại các cuộc thi thử hay quán khảo văn của làng, các bậc đại nho nghiêm khắc với bài vở và phong độ của những người ôm chữ thánh hiền là các môn sinh. Khuyến khích nhau hoc hành chuyên cần, nghiêm túc, có hệ thống đã trở thành nếp sống văn hoá mang truyền thống đặc sắc và là nguyên nhân quan trọng bậc nhất tạo sự thành đạt cho các môn sinh làng Mộ Trạch.

Nơi an toạ của các vị thần

Đó là đình! Giữa vùng địch hậu Liên khu Ba suốt thời kháng chiến chống Pháp thật hiếm thấy còn có ngôi đình đồ sộ với đây đủ tiền cung, hậu cung, các hoành phi câu đối, vững vàng hàng cột lim vòng tay người ôm mới xuể trên từng trụ đá. Đình thờ thần hoàng Vũ Hồn có công lập ra làng Khả Mộ và đem chữ thánh hiền từ phương Bắc về tận nơi đây. Tới triều Lê Mạt các cuộc khởi nghĩa nổi lên khắp nơi trong đó có cuộc khởi nghĩa vang dội của quận He Nguyễn Hữu Cầu. Đình bị tàn phá. Bà Nhữ Thị Nhuận là người rất có tâm huyết với dân, với nước, thấy vậy liền bỏ tiền ra tu chỉnh ngôi đình. Bà là người tài ba lỗi lạc thương nước thương dân nên khi có giặc cướp nổi lên ở trấn Nghệ An vua liền cử bà vào dẹp giặc. Đội quân của bà toàn nữ. Giặc cướp trông thấy cờ hiệu nữ tướng Nhữ Thị Nhuận thì lần lượt tan rã hoặc bỏ vũ khí đầu hàng. Bà còn đùng cây quế chữa bệnh cho dân nghèo nên được vua phong Quận quế phu nhân và được dân phong là hậu thần có bia ở cạnh đình.

Đình làng Mô Trạch có tới 12 sắc phong của các triều vua và hiện nay vẫn còn giữ được tám. Đình được Nhà nước ta công nhận di tích văn hoá ngày 2 tháng 4 năm 1991.

Thăm đình làng Mộ Trạch sau khi ghi nhận những bản sắc văn hoá của kiến trúc ta dễ chú ý tới những tên tuổi đã vĩnh hằng tồn tại qua năm tháng. Danh sách 36 tiến sĩ được treo trang trọng. Tiếp đến là danh sách năm vị tiến sĩ có công bảo vệ Tổ quốc. Đó là cụ Vũ Nạp như đã đề cập tới. Tiếp đến là Lê Thiêu Dĩnh tham gia khởi nghĩa Lam Sơn dưới cờ nghĩa của Lê Lợi và Nguyễn Trãi. Ông trở thành công thần nhà Lê và từng được cử cầm đầu đoàn sứ bộ sang Trung Quốc. Người thứ ba là cụ Vũ Dự dưới thời Lê Trịnh đã cùng Cường quốc công Nguyễn Xí năm 1459 trừ bọn gian thần Phạm Bàn, Phạm Đôn đưa vua Lê Thánh Tôn lên ngôi mở đầu thời kỳ Hồng Đức phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Thời Lê trung hưng có cụ Vũ Trác Oánh lãnh đạo nông dân Hải Dương nổi lên chống tham quan ô lại. Người thứ năm là cụ Vũ Tấn, đỗ phó bảng năm Ất Mùi 1778 từng phụng mệnh vua Quang Trung đi sứ nhà Thanh.

Dân Mộ Trạch say sưa kể lịch sử ngôi đình - một di tích lịch sử văn hoá đồng thời ai ai cũng có thể kể về năm tiến sĩ biệt tài được phong trạng. Trạng ăn: Lê Nại, Trạng cờ: Vũ Huyên, Trạng Vật: Vũ Phong, Trạng Toán: Vũ Hữu, Trạng chạy: Vũ Cương Trực.

Con đường hôm nay

Chúng tôi về thăm làng Mộ Trạch vào buổi chiều một ngày cuối năm. Ai cũng bận rộn. Bí thư Đảng uỷ xã Vũ Xuân Đoàn, trưởng thôn Vũ Huy Tuệ, phó Chủ tịch hội Cựu chiến binh Vũ Quốc Ái, cùng nhiều cán bộ và bà con thôn xóm vừa kế chuyện vừa đưa chúng tôi đi thăm đình, thăm miếu.

Làng hôm nay có 13 dòng họ nhưng dòng họ Vũ đông hơn cả và thành đạt hơn cả. Một ngàn năm trôi qua chi nhánh của họVũ toả đi khắp nơi, đỗ cao thành đạt khắp nơi, nhưng đâu đâu cũng nhớ về tổ tiên Vũ Hồn một thời khẩn hoang lập làng, lập xóm. Sử sách còn ghi lại thuỷ tổ họ Đặng Vũ ở làng Hành Thiện, Nam Định là Đặng Vũ Thiên Thế do làm con nuôi họ Đặng mà được mang họ như vậy. Và khi Vũ Hồn được vua Đường cử sang làm Đô hộ xứ Giao Châu ông cũng để lại một chi ở vùng Phúc Kiến, Trung Quốc. Khi ông Đặng Quốc Kiều con cháu họ Đặng Vũ, Nam Định tham gia Việt Nam Quang phục hội theo tìm cụ Phan Bội Châu ở Nhật Bản đúng lúc Chính phủ Nhật trục xuất sinh viên Việt Nam. Ông Kiều chạy sang Trung Quốc và đến Phúc Kiến tìm lai lịch con cháu Vũ Hồn tại nơi đâỵ. Bà con họ Vũ đã tiếp đón ông vô cùng niềm nở, vui mừng vì đã trên ngàn năm, con cháu dòng tộc họ Vũ ở hai chi, một chi Trung Quốc, một chi Việt Nam, mới gặp lại nhau. Biết ông còn tiếp tục sang Xiêm La (Thái Lan) hoạt động Cách mạng họ đã giúp ông khoản tiền lớn để đi đường và bố trí giúp ông vào làm bồi cho một gia đình người Âu tại Vọng Các (Băng Cốc).

Đời sống dân làng đổi thay nhanh chóng. Người đói không có và tỷ lệ gia đình nghèo chỉ còn năm phần trăm. Con cháu làng Mộ Trạch nay toả khắp nơi trong nước và ngoài nước làm ăn và khá nhiều người thành đạt. Dân Mộ Trạch có truyền thống lấy ngày 8 tháng Giêng Âm lịch hàng năm làm hội làng. Ngày hội làng vừa qua có chương trình độc đáo gọi là tôn vinh tiến sĩ. Những tiến sĩ thời nay! Những người có học hàm học vị và cả những người có thành tựu lớn lao trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội và kinh tế. Người ta nhắc đến những tên tuổi như tiến sĩ Vật lý nguyên tử ở Nhật Bản Vũ Khắc Thịnh, Giáo sý tiến sĩ Vũ Tuyên Hoàng, nhà giáo Vũ Đình Liên, cụ Vũ Đình Hoè từng làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp dưới thời Cụ Hồ, tiến sĩ Vũ Phương Nghi ở Pháp gửi thư về có đoạn viết: Có thể nói, nhờ lòng tự hào về làng Mộ Trạch mà tôi đã phấn đấu vươn lên mọi khó khăn để đạt bằng tiến sĩ văn học ở Paris.

Chúng tôi tới làng Mộ Trạch đúng vào dịp đài truyền hình vừa làm đoạn phim phóng sự về anh thương binh Vũ Hồng Quang. Anh bị cụt tay trái, cụt bốn ngón của bàn tay phải và nhiều vết khác trên mình với loại thương tật một trên bốn. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng anh Quang đã gắng hết sức nuôi nấng con cái trưởng thành. Ba con đều tốt nghiệp đại học, hai con tốt nghiệp cao đẳng và gần đây con gái Vũ Thị Đào của anh đã bay sang Pháp làm luận án tiến sĩ. Ngày nay ở làng Mộ Trạch chẳng ai ngây thơ làm việc xây lại Quán khảo văn hay Kỳ Anh Hội lão nhưng nhà nào cũng có chỗ học cho con cái, cũng động viên thế hệ trẻ noi theo truyền thống cha ông mà nắm lấy tri thức phục vụ cho đất nước, làm vẻ vang cho gia đình, họ tộc và thôn xóm. Đặc biệt họ Vũ ở Mộ Trạch xưa và nay đều chiếm đầu bảng về học hành đỗ đạt. Họ Vũ có nhiều nhà thờ. Nhưng chỉ có một nhà thờ được lấy tên là Thế Khoa Đường do vua Lê phong tặng vì có ba người nối dõi liên tiếp đều là con trưởng thi đỗ tiến sĩ. Con cháu họ Vũ nói riêng và con em làng Mộ Trạch nói chung đang say sưa lao động xây dựng thôn xóm, xây dựng cuộc sống, và gắng hết mình học hành để vươn lên tầm cao mới của trí tuệ.

T Đ C (Báo Văn nghệ)

Người đăng: huythuan