Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 84
Truy cập hôm nay: 2,027
Lượt truy cập: 10,986,494
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
CÁC NHÀ NGOẠI GIAO NỔI TIẾNG NƯỚC TA SINH NĂM NGỌ Đinh Công Vĩ (st)

 

CÁC NHÀ NGOẠI GIAO NỔI TIẾNG NƯỚC TA SINH NĂM NGỌ

Đinh Công Vĩ (st)

Nguyễn Hiền sinh năm Giáp Ngọ (1234) ở xã Dương A, huyện Thượng Nguyên, tỉnh Nam Định. Ông đỗ Trạng nguyên dưới thời Trần Thái Tông, lúc mới 13 tuổi, cùng Bảng nhãn Lê Văn Hưu (18 tuổi), Thám hoa Đặng Ma La (14 tuổi), mở đầu học vị Tam khôi của nước ta. Sách Nam Định Dư địa chí nói ông làm quan đến Công bộ Thượng thư. Dưới con mắt dân gian, Nguyễn Hiền là nhà ngoại giao mẫn tiệp, có tài ứng đối với sứ giả Nguyên Mông, giữ vững quốc thể, phù hợp với thời rực rỡ hào khí triều Trần chiến thắng ngoại xâm.

Lý Tử Tấn sinh năm Mậu Ngọ (1378) ở làng Triều Đông, huyện Thượng Phúc, (nay là huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây) đỗ Thái học sinh đời nhà Hồ năm 1400 cùng khoa với Nguyễn Trãi. Sau khi Nguyễn Trãi rút khỏi triều chính, Lý Tử Tấn được giao soạn thảo chiếu chế biểu, thư từ ngoại giao và từng đi sứ sang Trung Quốc. Ông là tác giả của các bài phú hùng hồn như "Chí linh sơn phú"... Cũng như Nguyễn Trãi, ông chủ trương "tâm công" (đánh vào lòng người) dùng văn chương trong thư từ đối ngoại, làm nước ngoài phải yêu mến.

Đàm Thận Huy sinh năm Bính Ngọ (1426) ở làng Ông Mặc, huyện Đông Ngàn (nay là xã Hương Mặc, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh). Ông đỗ Tiến sĩ đời Lê Thánh Tông, làm tới Thượng thư bộ Hình rồi bộ lại. Năm Canh Ngọ (1510), ông đi sứ sang Trung Quốc, giữ vững quốc thể, được nước ngoài kính trọng nên về nước được gia phong Thiếu bảo, tước Lâm xuyên bá.

Bùi Xương Trạch sinh năm Canh Ngọ (1450), ở làng Định Công (nay là làng Thịnh Liệt, ngoại thành Hà Nội). Ông đỗ Tiến sĩ thời Lê Thánh Tông, làm quan tới Thượng thư bộ Binh. Ông đã theo vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, rồi về đi sứ nhà Minh (năm 1489), nổi tiếng là làm quan to mà vẫn thanh liêm, không mưu lợi riêng, có tài đối ngoại.

Vũ Can sinh năm Giáp Ngọ (1474) ở làng Mộ Trạch, huyện Đường An (nay là xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương), đỗ Hoàng giáp (năm 1499). Thời nhà Mạc, ông thăng tới Thượng thư bộ lễ, thân thiết với Nguyễn Bỉnh Khiêm. Lịch triều hiến chương loại chí ca ngợi ông là người văn chương đức hạnh, "một ngọn đèn xinh, một quyển sách vàng". Khi ông ở chức Thị thư đã đi sứ Trung Quốc, để lại ấn tượng tốt với người nước ngoài.

Lê Công Hành ra đời năm Bính Ngọ (1606) ở xã Quất Đông (nay là xã Hồng Thái), huyện Thượng Tín, Hà Tây. Ông đỗ Tiến sĩ vào thời Lê Chân Tông, được cử đi sứ Trung Quốc, học được kỹ thuật thêu và làm lọng đem về phổ biến trong nước, nên được tôn làm Tổ sư các nghề đó.

Lê Hữu Kiều người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào (nay là Mỹ Văn - Hưng Yên), sinh năm Canh Ngọ (1690), đỗ Tiến sĩ năm 1718, có tài chính sự, làm tới Tham tụng (Tể tướng). Ông từng đi sứ Trung Quốc vào năm 1727, để lại tập Bắc sứ hiệu tần nổi tiếng; đồng thời đã bàn bạc, truyền nhiều kinh nghiệm về đối ngoại cho con rể là Lê Quý Đôn.

Lê Quý Đôn sinh năm Bính Ngọ (1726) ở huyện Diên Hà, trấn sơn Nam Hạ (nay là xã Độc lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Ông đỗ Bảng nhãn năm 1752, làm thị giảng Viện Hàn lâm, dần lên tới Bồi tụng, Tham tán quân cơ Thuận Hoá, khi mất được truy tặng chức Công bộ Thượng thư, tước Dĩnh quận công. Lê Quý Đôn là nhà bác học uyên thâm, để lại một kho trước tác đồ sộ, có nhiều đóng góp về chính trị, kinh tế, nhất là trên lĩnh vực văn hóa. Về ngoại giao, ông làm Phó sứ sang Trung Quốc vào năm 1760 để lại tác phẩm Bắc sứ thông lục nổi tiếng. Tài ứng đối và kho trí tuệ tuyệt vời của ông đã làm cho quan lại Trung Quốc, các sứ giả Triều Tiên, Nhật Bản rất khâm phục.

Đoàn Nguyễn Tuấn sinh năm Canh Ngọ (1750) ở làng An Hải, huyện Quỳnh Côi (nay là Quỳnh Phụ, Thái Bình). Ông đỗ Hương cống đời Lê, không làm quan, năm 1788 ra giúp Quang Trung làm Hàn Lâm trực học sĩ. Tháng 9/1789, được cử đón tiếp sứ nhà Thanh sang phong vương. Năm 1790, ông cùng Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn đưa vua Quang Trung giả sang triều kiến vua Càn Long nhà Thanh. Ông làm quan với Tây Sơn, để lại 240 bài thơ và một bài phú trong Hải Ông thi tập hào hứng ca ngợi triều đại mới.

Cũng sinh năm 1750 còn có Phan Huy Ích (gốc người Can Lộc, Hà Tĩnh) chuyển ra Thụy Khê, Sơn Tây), đỗ Tiến sĩ năm 1775, làm quan triều Lê Trịnh. Năm 1788, ông giúp nhà Tây Sơn làm quan từ Thị lang bộ Hình đến Thượng thư bộ lễ, cùng Ngô Thì Nhậm lo việc ngoại giao với Trung Quốc. Năm 1780, ông hộ tống Quang Trung giả sang Trung Quốc, chúc thọ Càn Long, gây được tình cảm tốt đẹp, để lại tập Tinh sà kỷ hành chuyên nói về đi sứ Trung Quốc.

Nguyễn Văn Thoại, người làng Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, ra đời năm Nhâm Ngọ (1762). Ông được triều Nguyễn cử đi trấn thủ nhiều tỉnh biên giới, xử lý tốt quan hệ với các dân tộc ít người và nước lân bang (như Ai Lao, Cao Miên, Xiêm), chỉ đạo đào kênh Đông Xuyên (thông qua Rạch Giá) và kênh Vĩnh Tế (Châu Đốc), dân lấy tên ông đặt cho con kênh là Thoại Hà.

Nguyễn Trọng Hợp sinh năm Giáp Ngọ (1834) ở làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì (ngoại thành Hà Nội), đỗ Tiến sĩ năm 1865, làm quan tới chức Văn minh điện Đại học sĩ, Cơ mật viện đại thần, sung chức Bắc Kỳ Kinh lược sứ. Ông cùng nhiều quan lại triều đình thu xếp những rối ren sau khi Tự Đức mất, ngoại giao với Pháp. Các sự kiện đối ngoại đáng chú ý đó được ông ghi lại trong cuốn Kim Giang Nguyễn tướng công nhật lịch tùy ký.

Đặng Thúc Hứa, người làng Lương Điền, huyện Thanh Chương, Nghệ An, ra đời năm Canh Ngọ (1870), đỗ tú tài năm 1900, tham gia Duy Tân hội năm 1905, quyên góp tiền bạc cho thanh niên Đông du. Năm 1910, Phan Bội Châu phái ông về Xiêm xây dựng cơ sở cách mạng lâu dài trong Việt kiều. Năm 1926, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Quảng Châu liên lạc với cơ sở của ông ở Xiêm. Ông lập ra hội Thân ái trong Việt kiều, xuất bản tờ báo "Đồng Thanh" và năm 1928 liên hệ với lãnh tụ Nguyễn Aái Quốc.

Phạm Văn Đồng quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi, sinh năm Bính Ngọ (1906), tham gia cách mạng từ năm 1925. Tháng 5/1929, được cử vào Tổng bộ Việt Nam thanh thiên cách mạng đồng chí hội rồi bị Pháp đầy ra Côn Đảo, năm 1936 ra tù, năm 1940 bí mật ra nước ngoài, được lãnh tụ Nguyễn Aái Quốc cử về xây dựng căn cứ địa cách mạng ở các tỉnh biên giới Việt - Trung. Sau Cách mạng tháng 8 thành công, ông làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, tháng 6/1946 làm Trưởng phái đoàn Chính phủ Việt Nam đi dự Hội nghị Fontainebleau. Năm 1949, làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Năm 1954, làm Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ đi Hội nghị Geneva về Đông Dương. Ông là một trong những nhà ngoại giao lỗi lạc của Việt Nam trong thế kỷ 20.

ĐCV

 

Người đăng: huythuan