Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 27
Truy cập hôm nay: 681
Lượt truy cập: 11,729,621
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
NƠI HỘI TỤ TINH HOA VĂN HÓA TỈNH ĐÔNG Theo báo Hải Dương cuối tuần

 

NƠI HỘI TỤ TINH HOA VĂN HÓA TỈNH ĐÔNG

Theo báo Hải Dương cuối tuần ngày 16-3-2006

Hai năm nay, lễ hội truyền thống Văn miếu Mao Điền mùa xuân đã thu hút sự quan tâm của nhân dân và du khách trong và ngoài tỉnh.

Đây là Văn miếu trấn Hải Dương xưa, tọa lạc trên đất làng Mao Điền, nên còn được gọi là Văn miếu Mao Điền (nay thuộc xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng). Ngoài giá trị là nơi tôn thờ đạo học đứng đầu một tỉnh, được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1992, trùng tu, tôn tạo, xây dựng mới năm 2004-2005: Văn miếu Mao Điền vừa có tính kế thừa vừa mới mẻ. Trong hậu cung văn miếu có tượng thờ của nhiều bậc đại khoa Nho học, các danh nhân văn hóa tiêu biểu của tỉnh Đông và của cả nước. Ở Trung tâm hậu cung Văn miếu là tượng và khám thờ Khổng Tử (tức Khổng Khâu, sinh năm 551, mất năm 479 trước Công nguyên). Khổng Tử sáng lập trường phái Nho giáo, là nhà tư tưởng, triết lý vĩ đại của Trung Quốc thời cổ đại và sa nhân loại.

Ở Văn miếu Mao Điền còn có 4 vị đại khoa được đúc tượng thờ. Đó là Nguyễn Trãi, hiệu là Ức Trai (1380-1442), đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) cuối triều Trần, làm quan dưới triều Hồ (Hồ Quý Ly). Ông dâng kế sách ''Bình Ngô'' phò Lê Lợi lãnh đạo cuộc kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi. Ông là tác giả bài ''Cáo bình ngô'', áng văn chương bất hủ được coi như bản Tuyên ngôn Độc lập thứ hai của dân tộc. Ông bị bọn gian thần trong triều đình hãm hại. Hai mươi hai năm sau, năm 1464, vua Lê Thánh Tông minh oan cho ông, ca ngợi lòng trung nghĩa của ông sáng như sao Khuê (Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo). Ông được tôn vinh là Anh hùng dân tộc, và là danh nhân văn hóa thế giới.

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585), quê ở làng Trung Am, xưa thuộc tỉnh Hải Dương, nay thuộc xã Lý Học, huyện Vinh Bảo, TP Hải Phòng. Chính tại trường thi Văn miếu Mao Điền, khoa thi năm Ất Mùi, niên hiệu Đại chính thứ 6 (1535) đời vua Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh), ông thi đỗ hội nguyên, sau đó vào thi đình đỗ Trạng nguyên. Ông làm quan đến chức Thượng thư, Thái phó, tước Trình Quốc công. Vì thế, dân gian còn gọi ông là Trạng Trình, và coi ông là nhà tiên tri, truyền tụng nhiều giai thoại về ''Sấm Trạng''.

Chu Văn An, tự Linh Triệt (1292-1370), quê ở Thanh Liệt, Thanh Trát (Hà Nội). Do chuyên cần học tập, nghiêm khắc sửa mình, ông có tài năng xuất chúng song không màng danh lợi. Ông dạy dỗ được nhiều học trò giỏi. Vua Trần Minh Tông mời ông làm Tư nghiệp Quốc Tử giám (chức hiệu trưởng của trường đại học lớn của quốc gia thời đó), dạy thái tử học. Khi Trần Dụ Tông nối ngôi, lơ là việc nước gian thần a dua, ông dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần (Thất trảm sớ) nhưng vua không nghe, ông bèn từ quan, về núi Phượng Hoàng (nay thuộc xã Văn An, Chí Linh) dựng nhà dạy học đào tạo nhân tài cho đất nước. Bởi tài năng và đức độ, ông được suy tôn là 'Vạn thế sư  biểu'- Thầy của muôn đời.

Mạc Đĩnh Chi, tự Tiết Phu, hiệu Tốn Hạnh (1284?-1361), quê ở làng Lũng Đông  (nay là Long Động, xã Nam Tân, Nam Sách). Ông thuộc dòng dõi của Mạc Hiển Tích, người đỗ đầu khoa thi văn học năm 1088 và Mạc Kiến Quan, đỗ đầu khoa thi thủ tuyển năm 1089 dưới thời vua Lý Nhân Tông. Ông cũng là tổ 7 đời của Mạc Đăng Dung, vua sáng lập triều Mạc. Đỗ Trạng nguyên năm 1304, ông làm quan suốt trong bốn đời vua Trần. Đi sứ nhà Nguyên (Trung Quốc) hai lần, do giữ gìn được thể diện quốc gia và thông minh, ứng đối tài giỏi, ông được vua Nguyên phong ''Lưỡng quốc Trạng nguyên''.

Ngoài 4 vị đại khoa tiêu biểu cho đạo học Việt Nam, Văn miếu Mao Điền còn có khám thờ bốn vị danh nhân. Vũ Hữu, tự Ước Trai (1443-1530), đỗ tiến sĩ khoa Quý Mùi (1463) đời vua Lê Thánh Tông... là một trong số 36 tiến sĩ Nho học làng Mộ Trạch (nay thuộc xã Tân Hồng, Bình Giang). Nguyễn Thị Duệ, từng giả trai đi học, đỗ tiến sĩ, thời Mạc, từng tham gia giám khảo khoa thi tiến sĩ năm Tân Mùi (1631). Bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có học vị tiến sĩ Nho học dưới thời phong kiến. Phạm Sư Mạnh, tự Nghĩa Phu, hiệu Uý Trai, sống vào khoảng thế kỷ 14, quê ở làng Giáp Thạch (nay thuộc xã Phạm Mệnh, Kinh Môn). Ông là học trò của Chu Văn An. Đỗ tiến sĩ dưới đời vua Trần Minh Tông. Từng được cử giao thiệp với sứ phương Bắc, giữ các chức vụ ở Viện Khu mật, nhập nội hành khiển... Tuệ Tĩnh, tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, hiệu Hồng Nghĩa, quê ở làng Nghĩa Phú (nay thuộc xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng), sống vào thời Trần (chưa rõ năm sinh, năm mất). 22 tuổi đỗ tiến sĩ, ông không làm quan mà đi tu, dành cuộc đời cho y học, chữa bệnh cứu người với tư tưởng ''Nam dược trị nam nhân'' (Thuốc nam chữa bệnh cho người nước Nam) nổi tiếng.

Thời gian tới, tên tuổi của 637 tiến sĩ Nho học (gồm 486 vị quê quán tỉnh Đông và 151 vị thuộc địa bàn các tỉnh lân cận Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh) có quan hệ với Văn miếu Mao Điền sẽ được khắc bia đá thờ trong khu di tích. Với số lượng tiến sĩ chiếm tới 17% so với tổng số tiến sĩ nho học trong cả nước, tỉnh Đông xưa lừng danh là đất học, đất khoa bảng.

Các hoành phi, câu đối trong bái đường, hậu cung Văn miếu Mao Điền như 'Tại tư hiến văn'' (Văn hiến tại nơi đây), ''Giám bảo niên vạn'' (Gương báu vạn năm)... toát lên danh thơm, tiếng tốt lưu truyền đời đời của những bậc đại khoa, danh nhân văn hóa được thờ phụng. Văn miếu Mao Điền là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa tỉnh Đông.

 

 

Người đăng: huythuan