Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 5,365
Truy cập hôm nay: 7,237
Lượt truy cập: 11,298,601
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
ĂN MIẾU TRẤN BIÊN VĂN MIẾU ĐẦU TIÊN Ở NAM BỘ Bùi Quang Huy - Nguồn: Thế giới mới

 

VĂN MIẾU TRẤN BIÊN
 VĂN MIẾU ĐẦU TIÊN Ở NAM BỘ

 Bùi Quang Huy 

Nguồn: Thế giới mới

Cho đến hôm nay, vẫn có hai dòng ý kiến về thời gian ra đời của Văn miếu Trấn Biên (VMTB). Một dòng cho rằng VMTB được xây dựng từ khá sớm, năm 1715. Dòng thứ hai cho rằng mãi 60 năm sau, tức năm 1775, VMTB mới được ra đời.

Vì sao có sự chênh lệch khá lớn về thời gian xuất hiện VMTB trong các ý kiến trên? Sách Biên Hòa sử lược của Lương Văn Lựu, quyển I (Trấn Biên cổ kính, 1972) có viết: "ở Biên Trấn, "Văn miếu" được xây cất tại thôn Tân Lại (Tân Thành), huyện Phước Chính (Đức Tu), cách trấn thành 2 dặm (ngàn thước) về phía Tây Bắc. Địa điểm này do quan Trấn thủ Nguyễn Phan Long và ký lục Phạm Khánh Đức lựa đất, năm ất Mùi (1775) đời Duệ Tông hoàng đế Phúc Thuần" (trang 65). Có lẽ đây là điểm xuất phát của những ý kiến cho rằng VMTB xuất hiện năm 1775, vì trước ông Lương Văn Lựu, không ai xác định VMTB ra đời năm 1775 cả. Điều đáng lưu ý là các sách xưa (Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức và Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn) khi ghi chép các sự kiện đã dùng âm lịch. Vì thế, các sách trên khi nói về thời điểm ra đời của VMTB chỉ ghi là "năm ất Mùi". Các năm 1715 và 1775, theo âm lịch, đều là ất Mùi.

VMTB hình thành sớm nhất ở Nam Bộ. Đến năm Minh Mạng thứ 5 (tức Giáp Thân, 1824), triều Nguyễn mới cho xây dựng Văn miếu Gia Định ở thôn Phú Mỹ, huyện Bình Dương. Tại tỉnh Vĩnh Long, đến năm Tự Đức thứ 17 (1864), văn thân trong tỉnh mới họp nhau dựng Văn miếu ở thôn Long Hồ, huyện Vĩnh Bình. Đấy là 3 Văn miếu ở 6 tỉnh Nam Bộ lúc bấy giờ, nhưng cách thức xây dựng hoàn toàn khác nhau. Nhìn rộng hơn, trừ Văn miếu Hà Nội được xây dựng năm 1070, thời vua Lý Thánh Tông và một số rất ít Văn miếu có từ thời chúa Nguyễn (không rõ năm xây dựng), hầu hết các Văn miếu ở những tỉnh khác trên cả nước được xây dựng vào các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

Lý do chúa Nguyễn Phúc Chu sai trấn thủ dinh Trấn Biên và Ký lục Phạm Khánh Đức lựa thôn Tân Lại, tổng Phước Vĩnh (nay là phường Bửu Long, Biên Hòa) để xây dựng VMTB có thể hiểu là vì khi đó Biên Hòa đã là nơi dân cư ổn định, phát triển hơn nhiều vùng khác, kể cả Gia Định (đến năm 1732, chúa Nguyễn Phúc Chu mới lập dinh Long Hồ và châu Định Viễn). Việc hình thành VMTB đối với chúa Nguyễn có ý nghĩa như là sự khẳng định những giá trị văn hóa và cả chính trị ở một vùng đất mới, rộng lớn lúc bấy giờ.

Theo thuật phong thủy của người xưa, nơi dựng VMTB là chỗ đất tốt. Sách Gia Định thành thông chí chép: "Phía Nam hướng đến sông Phước, phía Bắc dựa theo núi rừng, núi sông thanh tú, cỏ cây tươi tốt". Còn Đại Nam nhất thống chí ghi rõ hơn: "Phía Nam trông ra sông Phước Giang, phía Bắc dựa vào núi Long Sơn, là một cảnh đẹp nhất ở Trấn Biên". Ban đầu, có thể VMTB còn sơ sài, hoặc sau đó bị các cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn ánh làm tổn hại. Từ đó, VMTB trải qua hai lần trùng tu lớn.

Năm Giáp Dần (1794), Nguyễn Phúc Ánh đã sai Lễ bộ Nguyễn Hồng Đô trùng tu, "giữa làm Đại Thành điện và Đại Thành môn, phía Đông làm Thần miếu, phía Tây làm Dục Thánh từ, trước xây tường ngang, phía tả có cửa Kim Thanh, phía hữu có cửa Ngọc Chấn, chính giữa sân trước dựng Khuê Văn các treo trống chuông trên đấy, phía tả có Sùng Văn đường, phía hữu có Duy Lễ đường. Chu vi bốn mặt ngoài xây thành vuông, mặt tiền làm cửa Văn miếu, phía tả phía hữu có cửa Nghi môn, rường cột chạm trổ, quy chế tinh xảo, đồ thờ có những thần bái, khám vàng, ve chén và đồ phủ quỹ biên đậu đều chỉnh nhã tinh khiết" (Trịnh Hoài Đức - Gia Định thành thông chí). Lần trùng tu này diễn ra ngay trước khi Nguyễn ánh đưa quân ra đánh chiếm Quy Nhơn. Điều ấy cho thấy đối với tập đoàn phong kiến đương thời, chí ít VMTB cũng như một tấm bình phong để Nguyễn Ánh đề cao Nho gia...

Lần trùng tu thứ hai vào năm Tự Đức thứ 5 (Nhâm Tý, 1852). Lúc này, quy mô của VMTB lớn hơn trước: "Văn miếu chính đường và tiền đường đều 5 gian, lại dựng thêm 2 dãy tả vu và hữu vu, mỗi dãy 5 gian, đền Khải Thánh, chính đường và tiền đường đều 3 gian, một tòa cửa giữa 3 gian, một tòa cửa trước 1 gian, một tòa kho đồ thờ 3 gian, một tòa Khuê Văn các 2 tầng, ba gian hai chái; phía trước, biển "Đại Thành điện" đổi làm "Văn miếu điện" và "Khải Thánh điện" đổi làm "Khải Thánh từ".

Như vậy, đến thời Tự Đức, VMTB đã được xây dựng hoàn chỉnh và to đẹp nhất. Trong bộ Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, VMTB được ghi chép đầy đủ và chi tiết nhất so với 27 Văn miếu ở các tỉnh, đạo, phủ khác, kể cả Văn miếu ở kinh sư (kinh đô). Những lần xây dựng và trùng tu VMTB đều được đích thân các quan lại phụng mệnh người đứng đầu chính quyền trung ương thời bấy giờ (Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn ánh, Tự Đức) thực hiện.

Như những Văn miếu khác, VMTB thờ Khổng Tử, vị "khai sáng" của Nho giáo và Nho học. Vì thế, ngay từ buổi đầu, VMTB trước hết là nơi tôn vinh những giá trị của nền giáo dục Nho học. Đầu đời trung hưng (trước năm 1802), đích thân chúa Nguyễn đến VMTB để hành lễ hằng năm vào ngày đinh mùa xuân và mùa thu. Từ đó về sau, khâm mạng vua, quan tổng trấn thành Gia Định đến hành lễ, cùng với trấn quan Biên Hòa và quan đốc học (vị quan xem việc học ở trấn Biên Hòa). Lệ đặt mỗi kỳ là 50 lễ sinh và 50 miếu phu.

Văn miếu ở kinh sư còn có Quốc tử giám để giảng dạy học trò. ở Biên Hòa, bên cạnh Văn miếu là Tỉnh học (trường học tỉnh Biên Hòa). Trường học lớn của cả tỉnh này mãi đến đời vua Minh Mạng mới dời về thôn Tân Lại (phường Hòa Bình, Biên Hòa). Cũng vào thời Minh Mạng, Trường phủ Phước Long đã được thành lập ở thôn Bình Lợi, tổng Phước Vĩnh (nay là huyện Vĩnh Cửu). Như vậy, VMTB đã đóng vai trò như một trung tâm văn hóa, giáo dục của tỉnh Biên Hòa xưa và của cả Nam Bộ trước khi Văn miếu Gia Định ra đời (1824).

Tái tạo Văn miếu Trấn Biên

Giá trị mang tính biểu trưng về văn hóa của VMTB không chỉ được tầng lớp quan lại và sĩ phu phong kiến tôn vinh. Nhân dân Biên Hòa rất ngưỡng vọng và gọi bằng cái tên gần gũi hơn: Văn Thánh. Cũng chính vì những lý do đó, năm 1861, ngay sau khi chiếm được tỉnh Biên Hòa, một trong những việc đầu tiên thực dân Pháp đã làm là đốt phá VMTB.

Trong dịp kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai đã giao cho thành phố Biên Hòa tái tạo VMTB, xem đây là một trong những công trình văn hóa lớn, nhằm tôn vinh những giá trị nhân văn - giáo dục truyền thống. Khu VMTB (mới) sẽ nằm trên phần đất 20.000m2 ở khu du lịch Bửu Long. 30.000m2 khác, cũng ở khu này, sẽ là vùng cảnh quan chung quanh VMTB. Công trình gồm 2 khu liền nhau: khu thờ phụng, tế lễ và khu trưng bày truyền thống, sinh hoạt văn hóa. Ranh giới 2 khu chỉ là một tường rào thấp và nối nhau bởi cổng tam quan.

Về chi tiết, khu thờ phụng có: nhà thờ chính (ba gian, hai chái), kiến trúc lối cổ thờ các bậc tiền nhân, các vị hiền triết, nhà giáo Võ Trường Toản và Gia Định tam gia (Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh); miếu gồm miếu nhỏ bên phải thờ tiên sư, miếu nhỏ bên trái thờ tiền hiền, hậu hiền; nhà bia đặt đối diện với nhà thờ chính, nêu ý nghĩa, mục đích của việc lập Văn miếu và tuyên dương công tích những vị được thờ. Khu sinh hoạt truyền thống gồm có các công trình: Khuê Văn các, nhà truyền thống, bia truyền thống, cổng và các công trình phụ cận. Bia truyền thống sẽ có bài văn khái quát về truyền thống văn hóa, giáo dục của Biên Hòa xưa và nay. Nhà truyền thống chủ yếu dùng để trưng bày và ghi danh những đơn vị, cá nhân đạt được các danh hiệu nhà nước. Toàn bộ công trình tái tạo VMTB dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2000. Khi đó, hẳn người Biên Hòa sẽ có một công trình văn hóa - giáo dục xứng đáng với truyền thống văn hiến tốt đẹp của mình.


 

 

Người đăng: huythuan