Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 25
Truy cập hôm nay: 658
Lượt truy cập: 11,729,598
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
HUYỆN BẢO YÊN-LÀO CAI Sưu tầm từ website laocai.gov.vn

 

HUYỆN BẢO YÊN-LÀO CAI

Sưu tầm từ website laocai.gov.vn

Hành trình lên Tây Bắc ngược chiều con sông Chảy bốn mùa nước trong xanh, theo quốc lộ 70, qua đất Lục Yên, khi thấy xuất hiện hai bên ven đường những vườn cam sành trĩu quả, những địu măng tươi hay gùi khoai sọ tím dẻo thơm trĩu nặng trên đôi vai những thôn nữ duyên dáng đón mời, biết đã tới đất Bảo Yên – quê hương trận Phố Ràng lịch sử, cửa ngõ phía Đông Nam mở vào vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng và thấm đẫm văn hoá đặc sắc 27 dân tộc Lào Cai.

Bảo Yên có 11 dân tộc: Kinh, Tày, Mông, Dao, Giáy, Thái, Nùng, Mường, Hoa, Phù Lá, Sán Chay. Trong đó chủ yếu là các dân tộc Kinh, Tày, Mông và Dao (người Tày đông nhất, chiếm khoảng 33% dân số toàn huyện).

Ngoài việc cung cấp nước tưới và cấp nước cho thuỷ điện Thác Bà, sông Chảy bồi đắp nên vùng đất đai màu mỡ ven sông tạo điều kiện phát triển mạnh kinh tế trang trại với nhiều loại cây ăn quả có giá trị như: Vải, nhãn, chuối, táo, cam đặc sản…Nhiều trang trại Bảo Yên phát triển theo mô hình VACR đã khẳng định được thế mạnh của mình. Điều kiện tự nhiên Bảo Yên còn thích hợp cho phát triển chăn nuôi gia súc như trâu, bò và trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản, nông sản như chè, dứa và các loại cây tinh dầu có giá trị kinh tế cao.

Được thành lập vào năm 1965, nhưng từ trong lịch sử xa xưa, Bảo Yên là mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước. Truyền thống đó gắn liền với các địa danh như thành cổ Nghị Lang, đền Bảo Hà, đồn Phố Ràng, trở thành những di tích lịch sử văn hoá, là điểm tham quan du lịch nổi tiếng được cả nước biết đến. Thành cổ Nghị Lang còn được gọi là thành Nhà Bầu, của các chúa Bầu (Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật và con cháu) được xây dựng từ khoảng thế kỷ 16 – 17. Thành cổ Nghị Lang gắn liền với truyền thống giữ nước của cha ông ta xưa chống quân Mạc. Hiện nay khu vực di tích thành Nghị Lang còn phát hiện được nhiều di tích, hiện vật có giá trị.

Đền Bảo Hà – di tích lịch sử văn hoá được Nhà nước xếp hạng, là điểm du lịch văn hoá tín ngưỡng nổi tiếng cả nước. Đền được xây dựng ở chân đồi Cấm, bên bờ sông Hồng thuộc xã Bảo Hà, khu vực Đền có phong cảnh hữu tình, trên bến dưới thuyền, kết hợp hài hoà cảnh sắc thiên nhiên, giao thông thuận tiện cả đường bộ, đường sắt, đường sông. Đền Bảo Hà thờ Thần vệ quốc Hoàng Bảy - một danh tướng thời Lê (thế kỷ 18) có công dẹp giặc, giữ nước, khai mỏ, khẩn điền bảo vệ biên cương, từng được các triều vua nhà Nguyễn tặng chữ “Trần An Hiển Liệt”, sắc phong “Thần Vệ Quốc”, được nhân dân tạc dạ ghi ơn, đã nằm xuống tại nơi đây.

Nằm ngay giữa trung tâm huyện lỵ Bảo Yên, trên đồi cao nơi ngã ba Ngòi Ràng – sông Chảy, di tích đồn Phố Ràng đã tạc vào lịch sử chiến công vang dội của Tiểu đoàn Phủ Thông (Tiểu đoàn 11) bộ đội chủ lực ta phá vỡ một mắt xích quan trọng trong phòng tuyến Nghĩa Lộ - Bảo Hà - Phố Ràng – Nghĩa Đô – Yên Bình của thực dân Pháp uy hiếp khu căn cứ địa Việt Bắc của ta. Chiến thắng Phố Ràng còn giáo dục mãi mãi truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau.

Nói đến Bảo Yên, không thể chỉ kể đến mảnh đất đã nổi tiếng qua “Trận Phố Ràng” của Trần Đăng năm xưa - Bảo Yên còn là cái nôi văn hoá của các cư dân sinh sống lâu đời, là nơi bản sắc văn hoá của các dân tộc Bảo Yên được giữ gìn, lưu truyền, đan xen hoà quyện.

Đó là các lễ hội đặc sắc của dân tộc Tày: Hôi Đình của người Tày làng Già tổ chức và mồng sáu tháng Giêng cúng Sơn thần, dâng lợn đen, tung còn, hát giao duyên; hội Cốm và rằm tháng Tám, gái trai thi giã cốm và hát giao duyên, giã cốm theo điệu nhạc “Kéng Loỏng”, múa dệt cửi, nhặt trám, hát nôm Tày và các lễ dâng Trăng, gọi Nàng Trăng xuống chơi; là lễ cấp sắc của người Dao Tuyển với những nghi lễ mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian, là làng cổ người Tày Nghĩa Đô với những sinh hoạt văn hoá còn giữ nguyên bản sắc; là kho tàng văn hoá Dao vô cùng đặc sắc và phong phú với hàng trăm cuốn sách cổ còn lưu giữ được, khẳng định nền văn hoá độc đáo và phát triển của người Dao...
Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, ngày nay bộ mặt của Bảo Yên đã có nhiều đổi thay, kinh tế ngày một tăng trưởng, đời sống nhân dân ngày một nâng cao. Năm 2000 giá trị tổng sản phẩm toàn huyện (GDP) đạt trên 124 tỷ đồng, sản lượng lương thực quy thóc đạt 23.668 tấn, các chương trình định canh định cư, xoá đói giảm nghèo được thực hiện bước đầu có hiệu quả.

Phát huy những tiềm năng và thế mạnh, Bảo Yên đang từng bước đi lên vững chắc đẩy lùi nghèo đói, xây dựng quê hương giàu đẹp phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại Hội Đảng bộ huyện lần thứ XII đã đề ra.

Người đăng: huythuan