Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 217
Truy cập hôm nay: 1,583
Lượt truy cập: 10,989,565
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Một số làng có họ Vũ –Võ nổi tiếng và tiêu biểu ở vài tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ (Tháng 5/2006).

 

Báo cáo về chuyến du khảo
Một số làng có họ Vũ –Võ nổi tiếng và tiêu biểu
ở vài tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ (Tháng 5/2006).

 

Thưa bà con đồng tộc Vũ – Võ, Kính chào quý vị

Đầu tháng năm vừa qua, ông Vũ Huy Thuận và tôi đề xướng được tổ chức đi một chuyến xuyên Việt từ Nam ra Bắc để du khảo (bằng xe hơi bốn chỗ) đến một số làng xã có dòng họ Vũ – Võ nổi tiếng ở một số tỉnh phía Bắc như : Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Việt Trì, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Nghệ Tĩnh trong suốt 18 ngày, từ 12/5 đến 29/5/2006.

Đòan chúng tôi gồm có: Ông Vũ Huy Thuận, người chủ xướng, tài trợ và tổ chức, tự lái xe nhà riêng của nhà ông phục vụ cho chuyến đi; Ông Vũ Hữu Chính tháp tùng, lo hậu cần, chụp hình; Tôi, Vũ Hiệp phụ trách ghi chép tư liệu Hán Nôm ở các di tích từ đường, đình, miếu tại các địa điểm khảo sát, nghiên cứu và sưu tầm các gia phả họ Vũ. Khi ra đến Hà Nội, đòan có thêm Ông Vũ Tá Lâm đi cùng lo chụp hình, giao tế. Đặc biệt, Ông Huy Thuận còn mang theo cả camera để thu hình các địa danh mà đòan đến có dịp thăm.

Chuyến đi tuy vất vả nắng nóng của tháng 5, nhất là từ Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đang mùa gió Lào. Nhưng chuyến du khảo về các nơi có di tích họ Vũ – Võ tiêu biểu, thực hiện lần đầu, cũng thu hoạch được một số kết quả nhất định và bổ ích, thích thú.

Trong suốt 18 ngày đêm (5 giờ sáng ngày 12/5/2006 đến 21 giờ tối ngày 29/05/2006) hành trình hơn 5.000km (Tính theo đồng hồ đo đếm trong xe), chúng tôi đã đến được khoảng 25 địa danh, và khảo sát khoảng 36 di tích: Từ Đường, Miếu, Đình, Lăng Mộ, của các dòng họ Vũ – Võ ở phía Bắc. Có ngày đi khảo sát, thu thập tư liệu phả, hình ảnh từ đường dòng họ Vũ – Võ, cảnh quan tại 4 – 5 làng xã, có ngày 2 – 3 làng xã. ở làng Mộ Trạch, chúng tôi đi một buổi trong 3 giờ liền khảo sát được 7 ngôi từ đường của các Chi Phái Họ Vũ, Họ Lê (Lê Cảnh Tuân và Trạng Nguyên Lê Nại). Ở nơi nào, chúng tôi cũng được chụp hình bàn thờ, bia đá cổ và ghi lại các chữ Nho trên những bức Hoành phi, câu đối để làm tư liệu nghiên cứu.

Huyện Bình Giang, Hải Dương là nơi chúng tôi ở lâu nhất và làm khảo cứu được nhiều nhất là 3 ngày. Được sự giúp đỡ rất nhiều của ông Trưởng thôn Vũ Huy Căn và ông Quản Lý di tích làng Mộ Trạch Vũ Quốc Ái, Chúng tôi đã được đưa đến các làng phụ cận Mộ Trạch như : Làng Ngọc Cục, Lương Ngọc, Phù Ủng, Mi Thự, Phục Lễ, Hoạch Trạch, Đan Loan, Thạch Lỗi, Mạc Trạch Xá … theo yêu cầu của chúng tôi. Các làng đó phần lớn có nhiều nhà khoa bảng và danh nhân họ Vũ, cùng với các họ khác như: Lê, Nhữ, Phạm, Đoàn, Bùi, Hoàng, Trần, Nguyễn, Phan … Đa số là các bậc Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa, Hoàng Giáp, Tiến Sĩ, Phó Bảng, Hương Cống, Cử Nhân lỗi lạc, có danh tiếng trong sử sách. Tuy nhiên,  mục tiêu của nhóm chúng tôi là khảo về họ Vũ là chính.

Cảm động nhất là các cụ, các vị quản lý di tích ở làng Mộ Trạch đã cho nhóm chúng tôi được vào Miếu thờ thần thuỷ tổ Vũ Hồn, cho đọc các sắc phong và chụp hình ảnh, quay phim cả tiếng đồng hồ. Chúng tôi ghi lại các câu đối (liễn), các bức hoành phi chữ Hán cổ thờ ở đó và ở Đình. Điều này không dễ gì được phép, nếu các vị trong ban quản lý di tích không tin cậy, không trọng thị, thì khó thực hiện? Vì đó là vật quý, thiêng liêng của làng có giá trị lịch sử, văn hóa cao.

Các cụ, các ông ở hai làng Phục Lễ và Thạch Lỗi cũng đã cho xem và ghi chép từ sơ lược đến các chi tiết về hai cuốn gia phả dòng họ Vũ quí tộc của hai Bà Quốc Mẫu Thái Phi họ Vũ, là vợ và mẹ của các Chúa Trịnh Tạc (1657 – 1682), Trịnh Căn (1682 – 1709), Trịnh Cương (1709 – 1729), Trịnh Giang, Trịnh Doanh. Nhờ đó, chúng tôi biết thêm về hai dòng họ Vũ và tài năng đức độ hai Bà Quốc Mẫu Thái Phi Vũ Thị Ngọc Lễ và Vũ Thị Ngọc Quyến  đã giúp cho ông Chúa Trịnh thịnh trị một thời. Hậu duệ hai bà Chúa họ Vũ đã tiếp đón chúng tôi rất thân ái, cởi mở, nhất là họ Vũ ở làng Thạch Lỗi, Huyện Cẩm Giàng để lại trong lòng chúng tôi nhiều kỷ niệm ấn tượng.

Cũng trong chuyến đi này, chúng tôi còn có dịp được mời đến dự lễ Giỗ Tổ họ Vũ làng Ngọc Quan (Bắc Ninh) và khảo sát khu lăng mộ cụ Nghè Xuân Lan tức tiến sĩ Vũ Miên.

Nói chung, các dòng họ Vũ ở Bình Giang, Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương, Ân Thi tỉnh Hưng Yên, Bắc ninh… đã vẻ vang một thời trong Quốc sử. Nhưng đến nay, các di tích của dòng họ không còn bao nhiêu, con cháu của dòng họ còn lại trong làng xã ngày nay đều suy vi, thanh bạch. Các làng có họ Vũ lấy lừng trong lịch sử như : Đan Loan, Lương Ngọc, Mi Thự, Ngọc Cục, Phù Ủng và ở các  làng Tiên Kiều (cầu), Thổ Cầu, Vân Phương, Phố Hiến, Ông Đình ở Hưng Yên, rồi ở Dưỡng Động, Tràng Kênh (Huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) Đáp Cầu (Bắc Ninh) … đều mất hết gia phả cổ chữ Hán, câu đối Hoành Phi đều tân trang, tân thời. Đa số chữ viết trật trẹo, non nớt do tay nghề thợ mộc, thợ chạm hiện nay phục chế giả cổ quá vụng về! Hầu hết con cháu ngày nay đều không biết chữ Hán Nôm nữa. Cứ thấy đồ thờ là các Hoành Phi câu đối chữ Nho làm theo lối xưa (với sự hiểu biết ý nghĩa rất đại thể) thì mua đem thờ, chứ không hiểu ý nghĩa sâu xa của chữ Nho, chữ Nôm.

Thật xót xa là hầu hết các từ đường họ Vũ, sau nửa thế kỷ chiến tranh và thời thế thay đổi đã bị tàn phá, đổ nát. Nhưng cũng thật mừng là công trình cũng đã được dựng lại, bà con trong họ thờ cúng thành tâm, còn giữ được nề nếp truyền thống Hiếu, Lễ, Nghĩa của họ Vũ xưa. Do đó, việc phục chế, bảo tồn dù có sai sót nào đó thì âu cũng là vì hoàn cảnh của vùng nông thôn, kinh tế còn nghèo và khó khăn.

Trong chuyến đi này, Chúng tôi đã cố gắng làm sáng tỏ phần nào một số điều đang gây thắc mắc tranh luận trong ngòai dòng họ ta:

Việc thứ nhất là những thắc mắc xoay quanh lịch sử Di tích ở núi Phượng Hoàng, Tràng Kênh (Gần thị trấn Minh Đức), nơi thờ Đồng Giang Hầu Vũ Tướng Quân, không phải là cụ Vũ Nạp làng Mộ Trạch!  Ở đây có sự nhầm lẫn đáng tiếc của một số tập thể và cá nhân nghiên cứu trước đây. Do thiếu tư liệu và phương pháp nghiên cứu nên đã suy diễn thiếu căn cứ, lẫn lộn giữa cụ Vũ Nạp ở đất Mộ Trạch (Là một nhà Phật Học) được ấm phong chức Tăng Thống đời Trần (do có công nuôi dạy hai con là  hai thái học sinh Vũ Nghiêu Tá và Vũ Hán Bi (khoa thi 1304) với vị Đồng Giang Hầu Vũ Tướng Quân trên đất Tràng Kênh này.

Gia phả của làng “ Mộ Trạch -Vũ tộc thế hệ sự tích”, cũng như bia thờ 108 vị tiên hiền của huyện Đường An đặt tại thôn Hoạch Trạch (làng Vạc) không hề coi cụ Vũ Nạp là Đồng Giang Hầu Vũ Tướng Quân. Đình Mộ Trạch có thờ một vị Vũ Tướng Công (không rõ tên), không phải là cụ Vũ Nạp và không rõ có mối liên hệ gì với Đồng Giang Hầu Vũ Tướng Quân trên đất Tràng Kênh không?

Còn trên di tích núi Phượng Hòang trên đất Tràng Kênh, thờ cụ Hoàng Tôn Trần Quốc Bảo và Đồng Giang Hầu Vũ Tướng Quân chiến đấu chống giặc Nguyên Mông năm 1288. Tương truyền là, cụ Vũ Tướng Quân (có gốc từ họ Vũ Mộ Trạch (không rõ bao nhiêu đời, từ chi nào?). Còn trong hầu hết các tư liệu ở khu di tích này ( bia đá, gia phả, truyền thuyết…) không có chi tiết nào liên quan đến cụ Vũ Nạp Mộ trạch.  

Như vậy, giả thuyết cho rằng cụ Vũ Nạp Mộ trạch chính là vị  Đồng Giang Hầu Vũ Tướng Quân là không có cơ sở.

Vị Đồng Giang Hầu Vũ Tướng Quân được thờ trên di tích núi Phượng Hòang cũng không thể là cha của hai vị Vũ Đại và Vũ Huệ An, viễn tổ hai chi họ Vũ ở Minh Đức và Dưỡng Động. Bởi vì, theo phả của các chi họ ở đây còn ghi chép từ hai vị viễn tổ đó tới nay mới có 15-16 đời, tức nhiều lắm là khỏang 400 năm (16*25 = 400 năm). Còn tính từ cụ Vũ Tướng Quân tước Đồng Giang Hầu tới nay chí ít cũng phải trên 700 năm (2006-1288 =718 năm), tương đương với khỏang  28 đời.

Do vậy, có thể nói, bia khắc quốc ngữ đặt tại miếu thờ ở đấy là sản phẩm tưởng tượng, võ đoán. Việc nên di dời các tấm bia thiếu căn cứ này cần sớm được xem xét một cách nghiêm túc, khoa học. Thiết nghĩ, Ban liên lạc dòng họ Vũ Võ ở Trung ương (Hà nội) cũng như ở TP.Hải phòng, nên có hội thảo sâu rộng về vần đề này, sau khi có kết luận thì nên có ý kiến chính thức với cơ quan (sở Văn Hóa thông tin Hải phòng) nên sớm dẹp bỏ tấm bia này.

Việc thứ hai, chúng tôi khảo sát ở Từ Vũ tại phường Hàng Kênh Thành Phố Hải Phòng (Gần khu Ao sen) là một ngôi đình to, cổ kính thờ vị Tướng Vũ Chí Thắng, Tổ một chi  họ Vũ ở thôn Quán Nải gần đó,  đã có công chống giặc Nguyên. Ông là Tì Tướng của Hưng Đạo Vương nhà Trần, chứ không phải danh tướng Điện Tiền Chỉ Huy Sứ! Ngài có thể chỉ là một viênTướng nhỏ Chỉ Huy sứHàng kênh. Nếu ở chức Điện Tiền Chỉ Huy Sứ - là một chức tước lớn, thì sử sách không thể không nhắc đến.

Nên hiểu cho đúng chữ Hán, Từ Vũ nghĩa là ngôi Miếu, Đình to (Vũ là ngôi nhà lớn, Từ là đền thờ, nhà thờ tổ, chứ không phải Vũ là họ Vũ ). Do không rành chữ Hán Nôm đã hiểu sai Từ Vũ là đền thờ họ Vũ! Nếu là nơi thờ họ Vũ, thì cấu trúc Hán văn phải là Vũ Từ mới đúng.

Tham khảo các tư liệu cũ viết về nơi thờ này, đọc bia đá trong đền, chúng tôi được biết, Từ Vũ Hàng Kênh, Hải Phòng thờ Vua anh hùng Ngô Quyền, phối thờ  Thành Hoàng Vũ Chí Thắng cùng sáu vị tướng khác cùng thời nữa. Riêng Ngài  thành hoàng Vũ Chí Thắng, có Gia phả còn ghi được ông, Cha, Tiên tổ họ Vũ ở thôn Quán Nải vài đời trước Ngài (Theo tư liệu   phát cho du khách ở đó).

Việc thứ ba, chúng tôi đến Việc Trì ở Phú Thọ, Thôn Hương Lan, Xã Trưng Vương để khảo sát Thiên Cổ Miếu, nơi thờ thày giáo Vũ Thê Lang. Theo thông tin trên báo chí gần đây, thày giáo Vũ Thê Lang, vốn là người làng Mộ Trạch, nhưng lại dạy công chúa từ đời vua …Hùng Vương.

Cảnh quan đẹp và ngôi Miếu rất uy nguy. Chúng tôi được các cụ Thủ từ địa phương mở khoá cửa miếu cho vào chiêm bái. Có sự hướng dẫn của hai ông giáo Vũ Văn Viết và Vũ Kim Biên. Chúng tôi được tiếp cận với ba sắc phong thời Cảnh Hưng (Hậu Lê) và đời nhà Nguyễn. Qua đó, chúng tôi xác nhận, nơi đây thờ ông Phúc Thần Thành Hoàng làng Hương Lan là có thật. Nhưng thần tích chữ Hán là bản được sao chép lại có viết chữ non kém và nội dung khó hiểu, phi lý, phản lịch sử ở chỗ : “Ông Vũ Thê Lang từng ở làng Mộ Trạch, lên vùng Phú Thọ, nước Văn Lang, làm thầy giáo dạy chữ cho công chúa con Vua Hùng Vương thứ 18 (Thế kỷ thứ 3 trước công nguyên) …”.

Làng Mộ Trạch chỉ có tên gọi đó từ triều nhà Trần (Thế kỷ 14). Còn trước đó khoảng năm 844, ông Vũ Hồn mới lập ra ấp Khả Mộ ở Chằm Trạch (đất Hồng Châu). Tên làng và người lập làng, là Tổ họ Vũ đầu tiên ở nước ta mãi thế kỷ 9 (804 – 853 Vũ Hồn) mới có. Vậy mà hơn một ngàn năm trước Thủy  tổ Vũ Hồn, đã có ông Giáo Vũ Thê Lang từ …làng Mộ Trạch? Quả là một nghịch lý. Chúng ta có quyền nghi vấn về niên đại của ông bà Thành Hoàng Vũ Thê Lang ở Thiên Cổ Miếu.

Trong thời gian ở miền Bắc, nhóm chúng tôi có đến thăm ba văn Miếu mới trùng tu. Đáng kể là Văn Miếu Mao Điền của Hải Dương nguy nga, lộng lẫy, nhưng mới hoàn toàn, giả cổ cao cấp. Nơi nêu tên hơn 500 ông tiến sĩ của trấn Hải Dương xưa ở gần quốc lộ 5 đi Hải Dương Hải Phòng. Trong đó có ghi hơn 50 tiến sĩ họ Vũ bằng quốc ngữ trên 2 bảng lớn, quê ở tỉnh Đông này. Sau đó đi thăm Văn Miếu Hưng Yên (ở Phố Hiến) cũng thờ hơn 30 ông Tiến Sĩ gốc tỉnh này có 5 – 6 ông Nghè họ Vũ, cũng vừa trùng tùng năm 2004. Và cuối cùng là Văn Miếu Bắc Ninh ở một xóm khuất khúc, khó tìm. Cảnh vật còn ngổn ngang, do đang phục chế. Nơi đây tôn vinh gần 700 vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh có chừng 13 ông Nghè họ Vũ.

Chúng tôi cũng ghé thăm và khảo sát vài làng có họ Vũ nhưng không khoa bảng, văn học như Trạch Xá, Thường Xuyên, Khê Đầu Thượng, Xuân An, và làng Xuân Kiều (Quảng Bình). Cả 5 làng này đều có nhà thờ họ khiêm tốn hoặc quy mô, lộng lẫy. Nhưng tất thảy đều trân trọng thờ cúng tổ tiên họ Vũ. Chúng tôi cũng thu hoạch được một số gia phả chữ Hán Nôm ở đó còn giữ được đã biết thêm về lịch sử họ Vũ ở 5 làng cổ này.

Đáng kể là du khảo ở các làng Trung Hành, Huyện An Hải (An Dương cũ) ở gần đường cao tốc từ Hải Phòng ra phi trường Cát Bi. Họ Vũ này có từ thời Nhà Mạc. Đây là 1 làng to họ Vũ có từ hơn 500 năm trước, và có một dòng họ Vũ phát võ nghiệp nhiều đời. Có Từ Đường Nguy Nga và thờ Vũ Quốc Công Phò Mã nhà Mạc và nhiều Võ Tướng Cao Cấp nhà Hậu Lê, phò các Chúa Trịnh suốt 2 thế kỷ. Họ Vũ ở đây được tiến sĩ Vũ Phương Đề ca ngợi chép trong sách “Công Dư Tiệp Ký” giữa thế kỷ 18 là một vọng tộc. Nhóm chúng tôi còn được tiếp đón nồng hậu và tặng cho 1 cuốn Vũ Tộc gia phả làng Trung Hành với thái độ rất tin cậy và rất quý mến. Dòng họ này cũng có sắc phong của tiên tổ sống đời Hậu Lê, của vua Lê Cảnh Hưng ban, được trân trọng lồng trong khung kính (1m20x60cm) treo thờ trong Từ đường.

Chúng tôi say sưa đi thăm 2 làng khoa bảng tỉnh Hà Nam có họ Vũ danh vọng thời Nguyễn, đó là họ Vũ làng Lạc Tràng (Huyện Kim Bảng, nay là Xã Lam Hạ), Huyện Duy Tiên, Thị Xã Phủ Lý, Phường Quang Trung) của cụ Phó Bảng Vũ Duy Tuân. Cũng ghi lại được vài nét gia phả họ Vũ nơi đây có 4 cử nhân đời Nguyễn. Họ Vũ này còn tách một chi đến lập cư ở làng Hòa Lạc cách đó chừng 10 cây số có gốc ở chi 3 làng Mộ Trạch.

Làng thứ hai là làng Vĩnh Trụ ở huyện Lý Nhân có Nhà thờ họ Vũ, nổi tiếng nhất là cụ tiến sĩ Nho học Vũ Văn Lý (1809 – 1878) cha của một phó bảng, 1 cử nhân. Cụ nghè Vĩnh Trụ là thầy học của Hoàng Giáp Nguyễn Khuyến, Trần Bích San (là 2 ông Tam Nguyên kiệt xuất) và thầy dạy Tiến sĩ ái quốc Vũ Hữu Lợi (1836 – 1885), cùng Tiến sĩ Dương Khuê … Nơi Từ Đường cũng mới ông xây lại trang nhã. Đặc biệt có bàn thờ với nhiều bài vị quý báu về gia phả dòng họ Vũ ở Vĩnh Trụ. Một người con cháu họ Vũ này đã tặng riêng tôi một cuốn gia phả khá đầy đủ. Dòng họ Vũ này gốc ở làng Tây Lạc, tổng Sa Lung, Huyện Nam Chân (Sau là Nam Trực, Nam Định), sau 9 đời di cư về làng Vĩnh Trụ, đời Hậu Lê đến nay được 13 đời, cộng 9 đời trước là 22 thế hệ họ Vũ đã hơn 500 năm.

Điều làm tôi trân trọng là đến làng Vân Bồng (Kim Bồng), Huyện Yên Khánh ở Ninh Bình khaỏ sát về họ Vũ của ông Bảng Nhãn Chế Khoa Cát Sĩ năm 1851 là ông Vũ Duy Thanh, được nhân dân ở đó tôn vinh là Trạng Bồng. Chúng tôi được hướng dẫn rất tình cảm của cụ Vũ Xuân Đài 80 tuổi, và do ghi chép một phần gia phả họ Vũ này.

Vào Thanh hoá, làng Từ Quang, làng Từ Minh đều có họ Vũ xưa nhiều khoa bảng, quan chức đời Lê, Nguyễn đọc và chép gia phả chữ Hán Nôm ở Từ Đường họ Vũ làng Vĩnh Trị. Nay các làng này thuộc 2 xã Hoằng Quang và Hoằng Long. Rồi chúng tôi vào Nghệ An giao lưu với các cụ đại diện họ Võ ở đó. May sao, qua buổi giao lưu chúng tôi biết được chính xác địa chỉ nơi đặt bia thờ tướng công Vũ Uy ở Nông cống thanh hóa  (qua thông tin của cụVõ Văn Xứng). Hôm sau, lại quay xe ra Nông Cống Thanh Hoá (cách thành phố Vinh 150 km), tìm về di tích Khai quốc công thần Nhà Lê Sơ là Tướng Quân Vũ Uy (1390 – 1424) ở Đa Căng để xem bia đá thời Hậu Lê ghi gốc tích họ Vũ. Nhưng đã hoang tàn, còn 3 bia, 1 mòn hết chữ, 2 còn lờ mờ khắc đời Thành Thái. Còn tất cả lăng mộ đền thờ Ngài bằng đá bị đem nung vôi và tiêu huỷ hàng mấy chục khối đá chạm trổ trên khu di tích 500m2. Nay thành vườn rau, bãi cỏ hết. Tiếc thay!

Chúng tôi luyến tiếc và quay về Thành Phố Vinh, rồi sáng sớm hôm sau vào Hà Tĩnh ghé vào thị trấn đồi Nghèn thăm một Từ Đường họ Võ Tá nhỏ và xơ xác. Xong việc đi thẳng vào Thạch Hà, gần Thị Xã Hà Tĩnh, tìm ra Từ Đường họ Võ Tá tộc Đại Tông, nơi có 9 quận công, 27 tước hầu, 15 Tạo sĩ, (tức tiến sĩ võ nghệ xưa) đều là danh tướng dòng Võ Tá ở làng Hà Hoàng, Huyện Thạch Hà được tôn xưng là “Thạch Hà Thế Tướng” lẫy lừng 5 –6 thế hệ suốt 180 năm thời Hậu Lê. Nơi đây chúng tôi khám phá được nhiều thú vị bổ ích về họ Võ Tá. Người Tộc Trưởng cho xem Phả cổ chữ Hán và tặng cho chúng tôi một cuốn phả họ này dày ngót trăm trang viết bằng quốc ngữ dịch lược từ cổ phả, in năm 1999.

Sau đó vì quá mệt mỏi vì sau 18 ngày du khảo vất vả, ông Huy Thuận lại có  việc gấp phải về. Dọc đường ở Huyện Quảng Trạch có ghé thăm Võ Tộc Từ Đường làng Xuân Kiều mới xây đẹp như cung điện ở Huế, màu sắc, kiểu cách như một chùa ở Thừa Thiên. Nhưng đó là một dòng họ Võ nông dân, có 5 – 6 thế hệ trước làm Lý Trưởng ở làng ven quốc lộ A1 và đã có 12 đời. Ngày 29/5 về đến Sài Gòn. Tiếc mãi chưa thăm được 6 làng ở Huế Thừa Thiên có họ Võ lâu đờikhoa bảng lớn và 4 làng họ Võ ở Huyện Lệ Thuỷ Quảng Bình. Cũng chưa khảo sát được ở Quảng Nam, nhất là ở Quảng Ngãi, Bình Định, có gần 100 làng họ Võ đông đúc và có 1 lịch sử dài 150 năm đến 500 năm trước.

Ông Thuận an ủi tôi và hẹn dịp khác sẽ du khảo tiếp.

Tóm lại sau 18 ngày xuyên Việt (đi và về) dài hơn 5.000km chúng tôi nghiên cứu được vài trăm trang cổ phả họ Vũ, Võchụp được hơn 300 tấm hình màu, quay được 3 cuốn phim camera và video màu, suốt cuộc hành trình bổ ích cho tư liệu và kiến thức họ Vũ – Võ của người VN ở các điểm khảo sát tiêu biểu. Thật sự còn vài trăm làng đến ngót ngàn chi, ngàn họ tộc Võ, Vũ rải rác toàn quốc, chưa có thể khảo sát được, tham vọng về nghiên cứu về họ Võ các tỉnh phía Nam. Nhưng dòng tộc Vũ – Võ đến nay có mặt khắp nước ta kể cả hải Ngoại, tính ra có khoảng 3.200.000(ba triệu hai) nhân khẩu (số), trong tổng dân số người Việt kinh là 80 triệu, chiếm tỉ lệ 4,0% nhân khẩu cả nước. Họ Vũ, Võ được xếp vào 18 họ lớn và phổ thông ở VN đâu cũng thấy có. Và đứng hàng thứ năm sau các họ Nguyễn, Lê, Trần, Phạm. Vẻ vang thay và phồn vịnh thay cho họ Võ, Vũ chúng ta.

Xin dứt lời báo cáo và kính cáo quý vị.

Miền Nam, tháng 8/2006

Bài: Vũ Hiệp, người biên khảo.

                                            Ảnh: Vũ Hữu Chính

 

Người đăng: admin