Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 312
Truy cập hôm nay: 3,322
Lượt truy cập: 10,322,995
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Đến với lễ hội đền Đại Cại

ĐẾN VỚI LỄ HỘI ĐỀN ĐẠI CẠI

YBĐT - Bên dòng sông Chảy, giữa trùng trùng điệp của những dãy núi đá vôi, những dải đồi muôn hình vạn trạng, lễ hội đền Đại Cại và du lịch sinh thái ở bình nguyên xanh Khai Trung (Lục Yên) đã tạo một ấn tượng mạnh mẽ, để lại một tình cảm khó phai mờ trong lòng du khách.

Trời cũng chiều lòng người, mặc dù trong những ngày diễn ra lễ hội đền, tiết trời lạnh, nhưng không cắt da, cắt thịt mà chỉ se se làm phấn chấn những bước chân du khách đến lễ hội đền. Dãy núi Vua áo Đen, Bạch Mã chìm trong màn sương trắng càng làm cảnh vật đậm chất tâm linh huyền hoặc. Một khúc sông Chảy khu vực xã Tân Lĩnh sôi động với cơ man thuyền bè, hai bên sông rợp cờ lễ hội.

Tiếng trống khai hội rục rã càng làm rộn rã bước chân du khách thập phương. Từ Lào Cai xuống, Hà Giang sang, Tuyên Quang lên, từ các xã trong huyện của Lục Yên như Khánh Hòa, Minh Xuân, Tân Lập; từ các huyện bạn như Văn Yên, Yên Bình đến. Hòa cùng các cô gái Tày, gái Dao súng sính trong trang phục dân tộc, hàng nghìn du khách thập phương tấp nập đổ về khu vực đền Đại Cại. Con người đất "Ngọc" tình cảm và phóng khoáng được thể hiện qua những sản vật mà người Lục Yên hào phóng giới thiệu với du khách. Từ những bộ tranh đá quý tinh sảo có giá trị hàng triệu đồng, đến những sản phẩm từ đá trắng, từ nền sản xuất nông nghiệp với những giỏ cam sành tươi rói, những chiếc bánh Peéng Lăng kho (bánh chưng Tày) lưng gù, bánh gio làm từ gạo nếp thơm ngon được gói bằng lá dong rừng, những khúc cơm lam được làm từ bàn tay khéo léo của những cô gái Tày đậm đà bản sắc địa phương càng làm cho lễ hội thêm đặc sắc. Hơn thế nữa những trò chơi dân gian như đua thuyền trên sông, kéo co, đẩy gậy... càng làm lễ hội thêm sôi động, độc đáo.

Hấp dẫn hơn cả đó là ba lễ chính của đền là: lễ Thượng nguyên cầu cúng cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an; lễ dâng hương do nhân dân các xã quanh vùng tổ chức thành từng đội thắp hương tưởng niệm người có công với đất nước, báo công lên với chúa Bà; lễ rước Bà trên sông về đền chính được tái hiện bằng đội thuyền với ba thuyền lớn cùng hàng trăm thuyền nhỏ, lễ vật rước Bà là ba mâm lễ lớn gồm hoa quả, oản, những sản vật của người Lục Yên do bốn cô gái đồng trinh của bốn dân tộc Kinh, Dao, Tày, Nùng thể hiện sự đoàn kết, gắn bó của bốn dân tộc chính của Lục Yên. Đi theo rước chúa Bà là đội quân tướng nhà Trần mặc áo vàng, đội nón nhọn giáo dài, tay cầm khiên...

Theo sử sách ghi lại và được minh chứng qua những di chỉ khảo cổ mới được khai quật ở đồi Hắc Y, đình Bến Lăn... mảnh đất Lục Yên xưa chứa đựng nhiều truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước. Đền Đại Cại là nơi thờ bà Vũ Thị Ngọc Anh - một nữ tướng có công lớn cùng Gia quốc công Vũ Văn Mật phò vua Lê chống nhà Mạc giữ yên bờ cõi. Là phó tướng phụ trách quân lương ở vùng rừng núi hiểm trở, bà đã lập ấp, khai khẩn đất hoang biến một dải sông Chảy thành sơn trang sầm uất. Hơn thế nữa hầu hết dân bản xứ là người dân tộc, trình độ canh tác thấp, bà đã đem kinh nghiệm canh tác ở miền xuôi phổ biến cho dân trong vùng, trồng thảo dược để chữa bệnh. Nhờ vậy nhân dân trong vùng đã biết khai khẩn đất hoang, trồng bông dệt vải... Cảm ơn công đức của bà, sau khi bà mất nhân dân trong vùng đã lập đền thờ gọi bà là bà Bụt, hay bà Chúa Bầu, bà Chúa lương. Trải qua thời gian, đền thờ bà được xây dựng ngày càng to đẹp, đền đã nhận được ba sắc phong của vua Cảnh Hưng (1784), vua Tự Đức (1878), vua Duy Tân. Với những di tích đã phát hiện được, quần thể di tích lịch sử đền Đại Cại đã được Bộ Văn hóa thông tin cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa.

Trong khung cảnh lễ hội, hào khí Lục Yên lịch sử đã được tái hiện ở vùng đất thiêng Đại Cại hôm nay. Chẳng vậy mà khi thuyền rước bà đến giữa sông trời bỗng đổ những hạt mưa xuân bay lất phất. Mưa xuân làm cho mùa màng tốt tươi, cây trái đâm chồi nẩy lộc, dường như những bậc tiền nhân đang về chứng giám cho tấm lòng trung hiếu, đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của thế hệ con cháu hôm nay. Lớp lớp người Lục Yên hôm nay có thể tự hào về lịch sử hào hùng của mình. Từ đời Lý, Trần chống giặc ngoại xâm phương Bắc, đến cuộc chiến tranh giành độc lập tự do cho dân tộc và cuộc chiến chống đói nghèo lạc hậu hôm nay. Trên con đường đổi mới, bằng nỗ lực chung sức xây dựng quê hương, Lục Yên đang chuyển mình mạnh mẽ. Những cánh đồng lúa cao sản xanh ngát trải dài, những vườn cây ăn quả trù phú, những con đường bê tông, đường điện chạy đến từng thôn, xóm, những ngôi trường mọc lên khắp nơi... Tất cả, tất cả hiển hiện đời sống người dân Lục Yên cả vật chất và tinh thần đang không ngừng được cải thiện, nâng lên.

Nguyễn Đình

Theo www.yenbaitourism.com

Người đăng: admin