Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 173
Truy cập hôm nay: 1,424
Lượt truy cập: 10,287,173
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Làng Đan Loan

ĐAN LOAN - HẢI DƯƠNG

Làng có truyền thống hiếu học, quê hương các Tiến sĩ Bùi Thế Vinh, Vũ Thạnh, Vũ Huy, Vũ Huyên...

Là quê hương Phạm Đình Hổ, tác giả Vũ Trung tuỳ bút.

Làng Đan Loan xa xưa thuộc Tống Minh Luân, huyện Đường An, nay thuộc xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Vốn là một làng nhỏ nằm giữa vùng châu thổ sông Hồng. Nơi đây là quê hương của danh nhân Phạm Đình Hổ, người đã để lại cho văn học nước nhà nhiều tác phẩm có giá trị, tiêu biểu như Vũ Trung tuỳ bút, Châu phong tạp khảo và nhiều tác phẩm khác.

Phạm Đình Hổ, tự là Tùng Niên, hiệu là Đông Dã Tiều. Sinh thời ông học rộng, giỏi văn thơ. Bài Tự thuật của ông trong Vũ Trung tuỳ bút có đoạn ''khi ta lên 6 tuổi, bà bảo mẫu hỏi rằng "Về sau có chí muốn gì không?". Ta nói: Làm người con trai phải lập thân hành đạo, đó là phận sự của mình rồi, khỏi phải nói nữa. Sau này trưởng thành mà được lấy văn thơ nổi tiếng ở đời để cho người ta biết là con cháu nhà nọ, nhà kia, chí tôi chỉ muốn có thế mà thôi". Và lớn lên ông đã theo đuổi cái chí của mình đến những ngày cuối cùng của cuộc đời. Mặc dù nhà nghèo, bố mất sớm, cuộc đời có nhiều lận đận, đi thi không đỗ đạt cao, nhưng ông vẫn dày công học tập và say mê viết sách. Ông là tác giả của nhiều công trình biên soạn, khảo cứu có giá trị về nhiều mặt: Triết học, lịch sử, địa lý, ngôn ngữ và văn học. Đến nay với 22 tác phẩm còn lưu trữ ở Viện nghiên cứu Hán Nôm, Phạm Đình Hổ được coi là tác gia Hán Nôm quan trọng trong lịch sử vãn hoá nước nhà. Tuy chỉ đỗ tú tài, nhýng do kiến thức rộng, hiểu biết sâu, nên ông được vua Minh Mạng 2 lần vời vào cung giao cho những trách nhiệm quan trọng: Thừa chỉ viện Hàn lâm, rồi Quốc Tử Giám tế tửu (Hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia thời bấy giờ). Cuối đời ông về trí sĩ ở quê, làng Đan Loan, lấy việc đọc sách, bình thơ làm vui, rồi mất tại đây. Hiện nay tại làng Đan Loan vẫn còn khu đất là nhà cũ của ông cùng với lầu bình thơ trên một gò đất cạnh ao sen nhìn ra cánh đồng phía bắc làng, (khu đất và lầu bình thơ hiện nay do ông Phạm Đình Trình cháu đời thứ 5 của Phạm Đình Hổ đang ở và trông nom). Ngôi mộ đơn sơ của Phạm Đình Hổ hiện còn nằm tại cánh đồng phía bắc làng. Mộ và lầu bình thơ của ông đã được Bộ Văn hoá - Thông tin cấp bằng công nhận là Di tích Lịch sử- Văn hoá từ năm 1999.

Tuy vậy nhưng đa số nhân dân biết đến làng Đan Loan là một làng nổi tiếng trong lịch sử với nghề nhuộm độc đáo, trước khi biết đây là quê hương của một danh nhân văn hoá. Từ xưa nhân dân trong vùng đã lưu truyền câu ca dao:

Hồng hồng, biếc biếc, xanh xanh
Đan Loan, Ngọc Cục thị thành vẻ vang.

Còn dân làng Đan Loan thì tự trào bằng câu đối:

Thiên hạ thanh hồng do ngã thủ
Triều đình chu tử tự ngô gia
(Sắc màu xanh đỏ trong thiên hạ đều do tay ta.
Quần áo tía hồng ở triều đình cũng từ nhà ta mà có).

Từ Hà Nội đi Hải Phòng, đến ngã tư Quán Gỏi, rẽ phải theo đường 20, qua thị trấn Kẻ Sặt chừng 10 cây số thì đến phố Lòn. Từ phố Lòn rẽ tay trái chừng 2 cây số thì đến làng Đan Loan. Đường ô tô vào đến tận trong làng, việc đi lại rất dễ dàng và thuận tiện.

Làng Đan Loan còn có tên là làng Đọc. Tương truyền cách đây khoảng hai nghìn nãm, nơi đây còn là một vùng đất hoang, lau cỏ ngập tràn. Ở Tổng Minh Luân có vợ chồng cụ Độc, tên thì thế nhưng tính nết hiền lành, thảo thơm, lại chịu thương, chịu khó nên đời sống khá giả. Hai cụ tuổi đã cao mà chưa có con. Hai cụ đi đến các làng lân cận nhận những trẻ mồ côi không nơi nương tựa về nuôi. Hai cụ đã nhận được cả thảy 7 người con nuôi đặt tên theo họ là Lê, Phạm, Đào, Bùi, Đoàn, Dương, Vũ. Các con lớn lên trở thành gia đình đông đúc, cụ Độc xin phép dân làng cho ra khai hoang, vỡ hoá vùng đất cách xa làng cũ (chừng 2 km), lập ấp, cấy lúa để nuôi nhau. Bảy người con lớn lên, xây dựng gia đình ở quây quần bên cạnh, trở thành xóm ấp, dân trong vùng gọi là ấp cụ Độc. Cụ Độc dạy các con nuôi cày bừa, cấy gặt và còn mời thầy về dạy các con học chữ. Cụ dựng ngôi nhà gỗ 5 gian để làm nơi dạy học và đọc sách. Vì vậy về sau người ta gọi là làng Đọc. Cái tên làng Đọc vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Vợ chồng cụ Độc cuối đời đã để lại hết gia sản cho các con, chỉ giành phần nhỏ để lập chùa Sùng Phúc và cắt tóc đi tu, lấy hiệu là Độc tẩu thiền sư. Khi hai cụ qua đời, con cháu nuôi thương tiếc dựng tháp an táng ngay cạnh chùa và lập miếu thờ phụng. Ngày nay miếu thờ cụ Độc và chùa Sùng Phúc vẫn còn, dân làng cử người trông nom, hương khói chu đáo. Ngày nay làng Đọc có bảy dòng họ chính khởi nguồn từ bẩy người con nuôi của cụ Độc. Ngày 14 tháng 9 âm lịch là ngày giỗ cụ Độc được coi là ngày giỗ Thuỷ tổ và được phát triển lên thành ngày hội làng để dòng tộc, anh em, nội ngoại, xa gần hội tụ hường về tiên tổ.

Làng Đọc là làng khoa bảng, có số Tiến sĩ nhiều thứ hai của huyện Bình Giang, chỉ sau làng Mộ Trạch. Tiêu biểu như các Tiến sĩ Bùi Thế Vinh, Vũ Thạnh, Vũ Huyên, Vũ Huy và nhiều Tiến sĩ khác. Theo nhiều tài liệu lịch sử thì ông Vũ Huyên là con ông Vũ Thạnh, là cháu ông Vũ Huy. Ba anh em, chú cháu cùng làm quan trong triều nên đương thời có người mừng câu đối rằng ''Đông triều tam tiến sĩ. Nhất nhật lưỡng vinh qui (cùng một tiều đại có 3 Tiến sĩ. Trong một ngày có hai người cùng về vinh qui).

Cụ Độc là Thuỷ tổ làng, nhưng thành hoàng làng lại là ông bà Triệu Xương. Lịch sử làng đã ghi: Vào thời nhà Đường cai trị nước ta, có một viên quan tên là Triệu Xương cùng vợ là Phương Dung công chúa đi qua vùng này, thấy làng quê trù phú dân làng chịu khó cấy cày, lại ham đọc sách, nên ngự lại làng, dạy cho dân biết nghề nhuộm vải và tơ lụa, là nghề gia truyền bên Trung Quốc. Từ đó dân làng Đọc có thêm nghề nhuộm, (còn gọi là nghề ruộm). Dân làng nhớ công ơn nên thờ ông bà Triệu Xương làm Thành hoàng làng. Ngày nay ở gần miếu thờ cụ Độc có ngôi đền thờ ông bà Triệu Xương, cùng bài vị 9 bậc khoa bảng và danh nhân Phạm Đình Hổ. Đền thờ này cũng được Bộ Văn hoá - Thông tin cấp Bằng Di tích Lịch sử- Văn hoá năm 1998.

Nghề nhuộm cũng như một số nghề thủ công khác, từ một vài người đầu tiên biết nghề rồi người nọ bảo người kia, cha truyền cho con, anh dạy cho em, bạn bè, hàng xóm giúp nhau để thành nghề. Có một thời, dài cả mấy trăm năm, người làng Đan Loan gánh đồ nghề đi nhuộm khắp các chợ, các làng gần, xa trong vùng, rồi phát triển ra các thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định. Thời ấy dân nước ta chỉ mới biết dệt vải bằng thủ công, khung dệt tay, và chủ yếu vải là màu trắng. Người dân chỉ biết nhuộm hai màu chính là màu nâu (nhuộm bằng củ nâu) và màu đen, thường gọi là màu thâm (nhuộm nâu rồi ngâm vào bùn hẩu sẽ thành màu đen. Người làng Đọc biết nhuộm nhiều màu sắc, nào màu đỏ, màu hồng, màu xanh, màu tía... do biết cách pha màu nên người ta có thể nhuộm các màu theo ý muốn. Nghề nhuộm đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội thời đó nên người làng Đọc đã có cơ hội làm giàu. Nhiều gia đình đã ra thành phố mở những cửa hiệu nhuộm. Những người còn ở lại làng thì với gánh đồ nghề nhẹ nhàng trên vai họ đã đi khắp chợ cùng quê để nhuộm thắm, nhuộm hồng, nhuộm tía và để tiền thiên hạ chảy về làng Đọc. Dân gian vùng này có câu ca: Tiền làng Đọc, thóc làng Nhữ, chữ làng Trằm. Vào thời Tiền Lê, những người thợ tài giỏi của làng đã được vua Lê mời vào cung nhuộm vải và tõ lụa, để làm tàn, lọng, áo mũ và nhuộm cả những sợi tơ tằm để làm tua, làm hoa gắn vào mũ áo của vua và các quan lại trong triều. Từ đó làng Đọc được gọi tên mới là làng Đan Loan. (Theo chữ Hán: Đan là màu đỏ, Loan là con chim Phượng mái màu Đỏ. Ý nói đây là nơi tạo ra nhiều màu sắc, với màu đỏ là màu rực rỡ nhất, những người thợ nhuộm của làng tần tảo, chịu thương, chịu khó như con chìm loan bay đi khắp mọi nơi làm đẹp cho đời). Không sử sách nào ghi người đặt tên cho làng, nhưng đây là cái tên vừa đẹp, vừa hợp với một làng thợ nhuộm. Chỉ nhắc đến hai từ Đan Loan, người ta đã hình dung ra những sắc màu rực rỡ, và những người thợ nhuộm tài hoa. Dù cho trong thiên hạ đã nhiều người học được nghề nhuộm, nhưng với bí quyết do cụ tổ nghề truyền lại thì màu sắc do chính tay người Đan Loan nhuộm vẫn chiếm được cảm tình của khách hàng, đáp ứng được sở thích từ vua chúa đến thứ dân.

Người dân Đan Loan đã có mặt ở Thăng Long rất sớm. Họ ngụ tại phố Hàng Đào, mở chợ nhuộm và dựng đình thờ Thành hoàng làng. Tại ngôi nhà số 90 A phố Hàng Đào hiện nay còn di tích về ngôi đình của làng Đan Loan xây dựng. Trong đình còn 4 tấm bia ghi nhận quá trình tôn tạo và trùng tu công trình. Tấm bia có niên đại sớm nhất dựng vào tháng 9 nãm Vĩnh Thịnh thứ hai (1706), nội dung bia cho biết bảy dòng họ của Đan Loan cùng góp công xây dựng đình. Hiện nay tầng dưới của ngôi nhà số 90 phố Hàng Đào đã có người ở, tầng 2 phường sử dụng làm Câu lạc bộ văn hoá. Tại đây còn bàn thờ và chuông đồng có ghi 4 chữ: Hoa - Lộc – Đan - Loan). Theo cuốn sách ''Những bàn tay tài hoa của cha ông"của tác giả Phan Đại Doãn và Nguyễn Quang Ngọc đang lưu ở thư viện Quốc gia, do ông Đào Thế Phương trích giới thiệu trong cuốn Tài liệu về dí tích đình Hàng Đào, có đoạn Phố hàng Đào từ đầu thế kỷ XV như ghi chép của Nguyễn Trãi: " Đã làm trung tâm nhuộm và buôn bán vải, lụa lớn nhất kinh đô Thăng Long. Đan Loan, một làng nghèo xứ Đông, cách Thăng Long đến 50 cây số, do có kỹ thuật nhuộm điều đã kéo về hành nghề ở Thăng Long ngày một đông. Vào cuối thế kỷ XVII người làng Đan Loan đã lập được đình ở Hàng Đào, lập được chợ riêng ở phố Hàng Đào. Phố Hàng Đào trở thành phố riêng của dân làng Đan Loan và họ giàu lên nhanh chóng". Khi thực dân Pháp đặt chân đến Hà Nội, chúng không khỏi ngỡ ngàng đặt cho phố này cái tên thật đúng với thực chất của nó: Rua de la soie, (phố tơ lụa). Đến các ngày phiên chợ hàng tơ, phố Hàng Đào bỗng trở nên lộng lẫy, rực rỡ hẳn lên như chốn hang động của Ali Ba Ba".

Từ khi nền công nghiệp hiện đại phát triển, nhiều loại vải được nhuộm, hấp hoặc in hoa trước khi xuất xưởng, thì nghề nhuộm thủ công bị thu hẹp lại. Tuy vậy người dân Đan Loan vẫn không bỏ nghề cổ truyền của mình. Người Đan Loan không muốn cái nghề độc đáo của làng mình bị thất truyền, họ đang tìm mọi cách để giữ gìn và phát triển. Trong cuốn sách Tự truyện của một nhà doanh nghiệp của tác giả Vũ Thị Lan (quê gốc ở làng Đan Loan) do Nhà xuất bản Thanh niên tái bản năm 2001, có những đoạn nói về nghề nhuộm thật hay: "Suy đi nghĩ lại, cuối cùng tôi thấy chỉ có nghề nhuộm là phù hợp với hoàn cảnh của tôi. Lúc này bà con các thành phố mới giải phóng phần đông mặc lại những quần áo đã may từ trước, để hợp với thời cuộc, hợp với y phục lao động, người ta phải nhuộm cho màu sắc bớt rực rỡ đi. Như vậy thời kỳ này nghề nhuộm là vua của mọi nghề, một nghề mà tôi nghĩ nói theo cụ Tú Xương thì "vừa nhuộm vừa la cũng đắt hàng". (trang 111). Cũng vào dịp này, trên thị trường thuốc nhuộm rất hiếm, nhất là thứ thuốc nhuộm đen. Tình hình ấy đã kích thích tôi một nỗi đam mê quyết tâm cháy bỏng là phải làm sao nhanh chóng tự pha chế ra thuốc nhuộm đen để làm chủ thị trường. Tôi cấp tốc đi khắp nơi lùng mua các loại thuốc từ xanh đậm, xanh lá cho đến vàng, đỏ, tím, hồng về mày mò cố tìm cách pha cho được ra màu đen, nâu sậm. Tôi đã thành công, đã tự chế ra những mẫu thuốc đang cần. Không ngờ sau đó tôi còn tiến thêm bước nữa là từ đây tôi có thể chế ra màu gì cũng được. Kết quả đó đã là quan trọng, song phấn khởi hơn là sau đó không lâu một số hãng nhuộm lớn của quốc doanh và nhiều lò nhuộm tư nhân đã đến tận cửa hàng của tôi mua thuốc do tôi pha chế (trang 125). Và từ đó, tức là từ một ngày tốt lành của năm 1977, cái lò nhuộm thủ công nhỏ nhoi của tôi chímh thức nâng thành một cửa hàng có bảng hiệu, nơi giao nhận hàng tử tế... Tôi cũng không ngờ thuốc nhuộm do tôi pha chế đã ngày càng có uy tín trên thị trường và bán chạy lắm. Có ai đó đã gọị tôi là "nữ hoàng thuốc nhuộm" của Thành phố Hồ Chí Minh". Hiện nay bà Lan là Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty Tân Phú Cường tại Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty của bà có 2 Xí nghiệp may, 4 cơ sở bán thuốc nhuộm, tổng số công nhân là 1600 người. Công ty đã làm ăn, buôn bán với nhiều nước trên thế giới với hai ngành nghề chính là thuốc nhuộm và may. Tôi chưa có dịp tìm hiếu để biết thêm những người thành đạt bằng nghề nhuộm của làng Đan Loan, nhưng chỉ thế thôi cũng đủ thấy đây là một làng đóng góp rất nhiều cho xã hội.

Đỗ Thị Hiền Hoà (Báo Văn nghệ)

Người đăng: admin