Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 5,692
Truy cập hôm nay: 4,367
Lượt truy cập: 11,211,051
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Làng xưa Nam Định

LÀNG XƯA NAM ĐỊNH

  1. Làng Vị Hoàng:

Tất cả các cuốn địa chí về Nam Định đều ghi thành tỉnh Nam Định xây trên đất Vị Hoàng và Năng Tĩnh.

Làng Vị Hoàng xưa thật lớn, giáp bờ sông Nhị, thành quân doanh của phủ Thiên Trường. Đến năm 1865, làng Vị Hoàng đổi tên thành làng Vị Xuyên. Nguyên là: khi cụ Trần Bích San thi trúng Tam nguyên được vào chầu vua. Vua Tự Đức hỏi quê quán, cụ thưa cụ người làng Vị Hoàng - Hoàng là tên ông tổ họ Nguyễn, Kiêng tên húy, vua Tự Đức cho đổi Hoàng thành Xuyên. Từ đó, dân quen gọi đất ấy là làng Vị Xuyên. Làng Vị Xuyên nhận chữ lềnh nên ở phía dưới. Chuông chùa Phù Long, các văn bia, văn tự xưa còn ghi “Cổ Lộng thôn, Vị Hoàng xã, Đông Mặc tổng, Mỹ Lộc huyện, Nam Định tỉnh” là những minh chứng làng Vị Hoàng xưa bao gồm cả làng Phụ Long.

- Làng Vị Hoàng có các thôn :

+ Thôn Khoái Đồng, ngày nay từ đường Đồng Tháp Mười ra bờ sông phía bắc đường Minh Khai, phía tây là đường Nguyễn Du, phía nam là sông Đào và một phần xóm Gốc Mít.

+ Thôn Thi Thượng gồm các khu phố cũ ra đời vào khoảng cuối thế kỉ 18 đến thế kỉ 20 từ khi quân doanh Vị Hoàng đã trở nên một nơi làm ăn sầm uất, trên bến dưới thuyền. Một số phố ven theo bờ sông Vị ra đời như Hàng Cót, Hàng Nâu, Hàng Bát, Hàng Mâm, Hàng Song, Hàng Sắt, Bến Ngự. Các đường phố Hàng Đồng, Hàng Giầy hay Hàng Thùng (phố Bắc Ninh), Hàng Tiện, Hàng Mũ, Hàng Giấy, Phố Khách (phố Hoàng Văn Thụ), Hàng Dầu xiên ngang hay chạy dọc theo các phố trên.

+ Thôn Thi Hạ: Từ khu chợ Đò Chè, chạy sang Hàng Nồi, Hàng Cau, Hàng Sũ men theo sông Đào chỉ sầm uất lên từ khi bờ sông có nhiều bến như bến đò Vạn Diệp (Giá Nứa), bến Đò Chè, bến Đò Quan...

+ Thôn Hậu Đồng: Từ sau sông Vị đến đê bao bì giáp Tức Mặc ra đến Trại Hữu, Cồn Vịt giáp Phù Nghĩa. Đây là một vùng ngoại ô, nhà ở thưa thớt còn phần lớn là bãi hoang, tha ma, nghĩa địa nay là khu Phù Long B, xí nghiệp hoa qủa.

+ Thôn Lộng Đồng ở mãi Cầu Gia (làng Gia Hòa xã Lộc An đường đi Ninh Bình), cách hẳn làng Vị Hoàng đến 5km. Tục truyền rằng: đời Trần, có bà công chúa mất con công quí. Người làng Vị Hoàng tìm được mang về dâng trả công chúa. Công chúa lấy đất Lộng Đồng ban cho.

Từ khi có dòng sòng Vị đời Trần, làng bị cắt ra làm đôi: bên kia “ngoài làng” là làng Khoái Đồng, còn bên này là “trong phố” gồm các phố Hàng Cót, Hàng Nâu, Hàng Bát... Từ “ngoài làng” vào “trong phố" người Khoái Đồng phải qua đò Bích Câu hay bến Trà Lũ. Muốn sang phố Hàng Lọng ở Cửa Đông (phố Lê Hồng Phong) phải qua đò Bến Ngự, nay là địa điểm thư viện tỉnh sang cửa hàng đặc sản.

Người làng Khoái Đồng có nghề trồng rau quanh năm cung cấp cho toàn thành. Xưa kia làng còn liền với làng Vị Khê và làng Phù Hoa (Phù Nghĩa), ba làng trồng rau hoa và cây cảnh phục vụ cho vương cung Thiên Trường.

Dân Thi Thượng buôn bán làm ăn đã lập thành đường phố, nhà xây dựng liền vách san sát thành dãy. Thôn Thi Thượng trù phú hơn cả. Đầu thôn là chợ Vị Hoàng buôn bán sầm uất. Ngày thường bán rau, hoa quả của làng, đón hàng thực phẩm rau quả từ Thái Bình sang, từ vùng Tả Hà bên kia sông, từ các huyện miền biển lên. Ngày tết là chợ hoa, cây cảnh của Vị Khê, Khoái Đồng. Mặt hàng nổi tiếng là lợn ỉ, gà ri. Sau này chợ Hoàng vẫn là một chợ lớn chỉ đứng sau chợ Rồng. Thôn Thi Thượng ở đầu làng nhưng coi như khu trung tâm của làng. Khu này có rừng trúc, rừng nứa (khu Chùa Cả hiện nay) bao quanh là một con ngòi chảy từ phía chùa Cuối lên. Con ngòi này thực chất là một đường thoát nước nối liền với con ngòi phân chia ranh giới giữa làng Vị Hoàng với làng Đông Mặc. Muốn vào xóm, người ta phải qua 5 cầu đá xây dựng bằng những tảng đá phẳng lì, nhẵn bóng. Xóm này vì thế mang cái tên Thạch Kiều thật đẹp. Ngôi đình làng ở giữa xóm Thạch Kiều là một công trình kiến trúc đẹp, phía tam quan có gác chuông đồng khánh đá. Trước mặt đình là một hồ bán nguyệt thả sen. Sau tam quan đến một sân gạch rộng thênh thang, trang nhã thêm vì nhiều chậu hoa cây cảnh, dân làng tiến cúng. Đình làng bề thế thêm vì những cây đại thụ tỏa tán lá phủ mái đình và hai hàng nhà giải vũ hai bên. Nghe nói ngôi đình làng là công trình của kiến trúc sư Nguyễn Vân Thanh, người làng. Ông đã tận dụng nền kiến trúc dân tộc cổ truyền kết hợp với cách bố trí hiện đại, tạo nên một công trình hài hòa với cảnh quan xung quanh. Nơi đây, hàng năm là nơi hội họp của dân làng sống ở bốn giáp: giáp Nhất Bắc, giáp Nhị Bắc, giáp Nhất Nam, giáp Nhị Nam. Những cuộc thi cỗ, thi múa cờ, thi võ, thi đánh cờ người…đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật, của tài hoa vào những ngày xuân thong thả, khuyến khích sản xuất, võ thuật, trí tuệ đã diễn ra ở đây, tương xứng với một làng có nhiều bậc danh nho. Cũng tại nơi đây hàng năm có cuộc thi khóa sinh chọn người đi dự thi hương.

Sát đình là chùa Cả - theo bia ở hậu cung, chùa xây dựng từ thời Trần tên chữ là “Thánh ân tự”. Bài minh trên chuông chùa mang niên hiệu Cảnh lịch thứ 6 đời Mạc Phúc Nguyên (1553) ghi lại: chùa trước đây xây ở Bến Ngự là nơi tu hành của một số hoàng phi, công chúa thời Trần. Đến thời Mạc Đăng Chính (1530 - 1539) nước sông Vị lên to bờ sông lở nhiều, người họ Trần ở đất Vị Hoàng chuyển chùa về một khoảng đất rộng, dựa vào rừng trúc, trông ra dầm sen. Chùa xây kiểu mới chữ Đinh. Chính diện thờ Phật. bên phải dựng đền thờ thần Tản Viên. Bên trái thờ Cao Mang đại vương, một vị tướng dưới trướng của Linh từ quốc mẫu thời Trần, người đã phục vụ vua Trần phản công chiến lược thắng giặc Nguyên Mông lần thứ nhất. Đến đời Khải Định (1914 - 1925) chùa mới được trùng tu lại như ngày nay.

Ngoài chùa Cả, thôn Thi Thượng còn có hai ngôi đền khác: Một là, đền thờ bà Liễu Hạnh và các vị thần theo hầu như: Vũ, Điện,Vân, Lôi. Đền còn gọi là phủ Khoái Đồng - khoảng năm 1940, nhà thờ Khoái Đồng mở rộng mua lại đất của phủ - phủ chuyển về gần chợ Vị Hoàng (nay gần địa điểm Sở Giáo dục). Hai là, đền thờ một Đức ông nào đó không phải là Trần Hưng Đạo (chưa tra cứu được). Đứng sau chùa Cả, là chùa Cuối, một ngôi chùa nhỏ. Tục truyền rằng nơi đây hàng năm, vào tháng giêng những người chuyên giết giống bốn chân như: trâu, bò, lợn, dê, chó…bán thịt lên làm lễ cầu siêu mong Trời, Phật xá tội. Xóm Thạch Kiều còn nổi tiếng lắm quan, không đời nào không có:

“Bao giờ rừng trúc tiêu điều

Vị Hoàng hết nước, Thạch Kiều hết quan”

Làng Vị Hoàng có bốn dòng họ: Trần, Phạm, Vũ, Nguyễn. Họ Trần lớn nhất có sáu dòng: Trần Lê, Trần Công, Trần Đình, Trần Doãn, Trần Thọ, Trần Văn… Hai họ Trần và Vũ công nhiều đời có người đỗ cao, làm quan to trong triều. Đời Lê Bảo Thái (1705-1729) Trần Lộ đỗ Tiến sĩ làm quan tới Tống bộ tả thị lang, anh em con cháu kế tiếp đỗ đạt làm quan đến hết thời Cảnh Thịnh (1793 - 1800) triều Tây Sơn - Vũ Công Độ, thân sinh ra nhà thơ yêu nước Vũ Công Tự (1885 - 1920) đỗ tiến sĩ thời Nguyễn năm Minh Mạng thứ 13 (1832), làm quan tới Thái bộc tự khanh, lĩnh Bố chánh Thái Nguyên - Trần Doãn Đạt, thân sinh Trần Bích San, đậu phó bảng năm Nhâm Tuất, đời Tự Đức thứ 15 (1862) làm quan đến án Sát - Hưng Hóa - Nổi tiếng hơn cả là Trần Bích San (1840 - 1877). Năm 1864, ông đỗ đầu liền 3 khoa thi Hương, thi Hội, thi Đình năm Tự Đức thứ 17. Nhà vua đổi tên là Hy Tăng, thân đề vào cột cờ 4 chữ: “Liên trúng tam nguyên” và khen:

“Nhất cử đăng khoa thiên hạ hữu

Tam nguyên liên trúng quốc triều vô”

(Nghĩa là: Một lần thi đỗ, thiên hạ thường có, đỗ đầu liền cả 3 khoa thi, trong triền không có).

Ông làm quan đến chức Tuần phủ Hà Nội, có tiếng giỏi về chính trị. Sau được triệu về kinh để cử đi sứ sang Pháp, nhưng ông đã mất ngay năm ấy thọ 37 tuổi , được truy tặng chức Lễ bộ tham tri.

Trần Dương Quang đậu cử nhân khoa Đinh Dậu năm Minh Mạng thứ 18 (1837) làm quan đến án sát tỉnh An Giang.

Võ Hoàng Phát, đậu cử nhân khoa Đinh Mão năm Tự Đức thứ 20 (1867) làm quan đến án sát Quảng Yên.

Đất Vị Hoàng còn nổi tiếng vì mảnh đất có nhiều người tài hoa. Thơ hay nổi tiếng cả nước là Trần Tế Xương. Nhà thơ yêu nước là Vũ Công Tự. Các cụ Hai Ủng (Trần Tích Phiên), cụ Cả Thuần (Phạm Úng Thuần), cụ Phạm Đức Kế tức Hai Kế cũng là những nhà thơ được nhiều người biết tiếng từ những bài thơ châm biếm những cái lố lăng của thời đại. Chữ đẹp không ai bằng chữ cụ Đô Thơm, mẫu mực, đanh gọn. Chữ của cụ Hồng Sơn (Nguyễn Hồng Dương) bay bướm, tài hoa. Không kể dân phố, nhiều người ở tỉnh xa cũng về xin chữ hai cụ. Về âm nhạc, cụ Vũ Công Tôn đánh đàn bầu thổi sáo, ít người sánh kịp . Hãng Vích-to (Victor) đã xin ghi đĩa. Con là cụ Vũ Tiến Lễ (thân sinh ra họa sĩ Nguyệt Hồ Vũ Tiến Đa) cũng vang danh có tiếng đàn nguyệt, đàn thập lục thật hay. Cụ Trần Khắc Tính nổi tiếng đánh trống thị triều. Nhờ khúc trống đón vua Thành Thái, cụ được ban thất phẩm quân nhạc. Trần Văn Mậu, một tay hát trống quân cự phách đã giành giải thưởng kim tiền (tương đương huy chương vàng) trong hội chợ đấu xảo năm 1914 ở Hà Nội. Đáng thương tiếc người đỗ đầu khoa hội họa, ngành phục chế ở Paris ông Trần Đăng Thí, tốt nghiệp xong vừa về đến nhà thì bị đầu độc. Dân làng Vị Hoàng trọng khoa bảng, ngôi thứ:

“Nên ra thì hóa tứ linh

Chẳng nên cũng hóa ông lềnh Vị Xuyên "

Vì công danh, sự nghiệp, dân làng hiếu học, luyện tài. Truyền thống tốt đẹp ấy sau này đã tạo ra những nhân tài trong khoa học, văn học, nghệ thuật hiện đại ở trong nước cũng như ngoài nước.

Lại cũng trên mảnh đất này liên tiếp diễn ra bao nhiêu sự kiện lịch sử gắn liền với vận mệnh đất nước. Nổi lên từ một “tiên châu” thời Trần, quân doanh Vị Hoàng đã có những trang sử trung cổ đẹp. Đến thời cận đại, mảnh đất này chứng kiến hai lần giặc Pháp đổ bộ đánh vào cửa đông cửa nam cướp thành Nam Định năm 1873, năm 1883. Dân phố Bến Ngự, Cửa Đông đã đốt nhà dâng lửa chặn bước tiến của quân thù. Tên quan tư Pháp Carô (Carreau) đã bị bắn què và hai tháng sau đã phải bỏ mình.

Năm 1883, thành phố rơi hẳn vào tay giặc Pháp. Năm 1913, thực dân Pháp lấy đất ở Hậu Đồng lấp đoạn sông Vị ở phố Hàng Nâu, Hàng Mâm, Hàng Song. Năm 1916, 1917, lấp đoạn sông Bến Ngự từ kho Hồng Gai đến xí nghiệp Dân Sinh). Năm 1920 lấp đoạn sông phía trường Nguyễn Khuyến hiện nay. Dần dần, sông Vị mất hẳn. Nhà thờ đạo Gia-tô mọc lên. Những trường học Việt Nam và Hoa Kiều được xây dựng. Năm 1924 trường cao đẳng tiểu học (tương đương với cấp 2) với 4 năm học hoàn chỉnh được xây dựng ở đây, ngay trên Bến Ngự. Trước cửa trường sù sù mọc lên ngôi mộ tưởng niệm Carô, nên trường tuy gọi là trưởng Thành Chung còn gọi là trường Carô. Mặc dù trước cửa trường là một "bốt" cảnh sát có tính răn đe, năm 1925, những người học sinh yêu nước ở đây đã bãi khóa đấu tranh đòi được làm làm truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Những người khởi xướng như Nguyễn Đức Cảnh, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) và hàng trăm học sinh khác đã bị đuổi ra khỏi trường. Từ đấy nhiều người đã đi tìm đường cứu nước. Cũng từ đây anh học sinh Nguyễn Văn Hoan đã dược cử sang Quảng Châu và được cụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện. Anh về nước đã ở phố Hàng Sắt. Nguyễn Văn Hoan giác ngộ anh công nhân Hồ Công Chương ở xưởng sửa chữa ô tô Phú Hòa của người Hoa ở phố Hàng Sắt và từ đó bắt mối sang anh thợ điện Trần Văn Lan và một số công nhân nhà máy sợi khác. Trần Văn Lan đã là bí thư chi bộ đầu tiên của nhà máy sợi đồng thời cũng là bí thư chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội đầu tiên của tỉnh. Nguyễn Văn Hoan cũng là người giới thiệu đồng chí Trường Chinh gia nhập VNTNCMĐCH. Có thể coi như từ phố Hàng Sắt này, đồng chí Nguyễn Văn Hoan là người đầu tiên đưa chủ nghĩa Mác - Lê Nin vào Nam Định. Nhưng trước đó phải kể ngôi nhà số 7 phố Bến Ngự, nơi các cụ trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục thường bình thơ. Cụ Lương Văn Can, người lãnh đạo phong trào Đông Kinh nghĩa thục đã về đây. Và cũng từ nơi đây, những thanh niên yêu nước được cử đi học ở nước ngoài, được cụ Nguyễn Ái Quốc huấn luyện ở Quảng Châu và sau này trở về nước đặt nền móng cho phong trào cách mạng ở địa phương. Để có tiền sinh sống, hoạt động, đồng chí Hoan đã cùng bạn mở trường tư thục Nam Khê, dạy cấp I, đặt lớp ở đền Sừu Châu. Cũng ở đầu phố Hàng Sắt dưới, sát bờ sông Vị, năm 1925 có trường tư thục Tương Lai (L' Avenir). Người học sinh giỏi Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ) đã là học sinh của trường năm 1925. Phố Hàng Sắt dưới là phố của những người dân nghèo người Việt và người Hoa. Vào cuối thập kỉ 30, có những người học sinh nghèo nhưng học giỏi ở đây như Phạm Văn Cương (Nguyễn Cơ Thạch), sớm giác ngộ cách mạng đã hoạt động và bị bắt giữa những ngày vào cuối khóa học Thành Chung 1937 - 1941. Sông Vị không còn nữa, một phần làng Khoái Đồng đã đào thành hồ từ những năm 1930. Công trình bị bỏ dở suốt cả cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954). Đến năm 1956, ta tiếp tục đào và ngày nay xây dựng thành khu công viên Vị Xuyên. Tên Vị Hoàng xưa nay chỉ còn dùng để đặt một phường ở một vùng đất cũ. Nhưng vùng văn hóa và chính trị ấy ngày nay phát triển: nào trường phổ thông trung học Lê Hông Phong, trường phổ thông cơ sở trọng điểm của thành phố Trần Đăng Ninh, hậu duệ của trường Thành Chung, trường Chính trị Trường Chinh, Sở Văn hóa thông tin, Sở Giáo dục - đào tạo, Nhà văn hóa trung tâm, khách sạn Vị Hoàng bên bờ Vị Xuyên. Đất ấy: “Nghìn thu tiếng vẫn còn”.

2. Làng Phụ Long :

"Em là con gái Phù Long

Quê em Cồn Vịt, lấy chồng vườn Dâu

Dù đi buôn đâu bán đâu

Cũng về giữ đất trồng dâu chăn tằm."

Câu ca dao cũ nhất nói đến một mảnh đất xưa, địa đầu của thành phố Nam Định. Người thành phố mỗi khi phải đi xa, làm việc gì, tìm ai thường kể công khó nhọc đi “Thượng Phụ Long, hạ Đồn Thủy”, ý nói phải đi suốt chiều dọc thành phố đường dài 7 - 8 cây số mới được việc. Cũng trên mảnh đất ấy có nhũng địa danh quen thuộc như Cồn Vịt, vườn Dâu và nghề truyền thống: trồng dâu, chăn tằm.

Việt sử lược ghi: “Năm Ất Tỵ (1065), mùa xuân tháng 2, ngày Bính Ngọ, vua Lý Thánh Tông ra hành cung Bố Hải cấy lúa tịch điền và xem đánh cá ở đầm Phù Long thấy rồng (có thể là dòng phù sa sông Hồng tụ lại thành một bãi cát nổi vào mùa cạn, nhà vua coi nó như một con rồng nổi).

Sau này làng Phù Long mảnh đất “nổi rồng” có lệ cấy tịch điền. Phải chăng làng Phù Long có từ thời Lý để sang đời Trần thành quân doanh Vị Hoàng? Chuông chùa Phù Long còn khắc chứ “Cổ Lộng thôn, Vị Hoàng xã, Đông Mặc tổng, Mỹ Lộc huyện, Nam Định tỉnh”. Cổ Lộng là tên cũ cua Phụ Long thuộc làng Vị Hoàng. Phù Long có tiếng quen gọi của dân làng. Sau này làng Vị Hoàng to quá chia ra làm hai. Như dã ghi trong bài làng Vị Hoàng, Phù Long nhận chữ “trùm” nên ở phía trên, làng Vị Hoàng nhận chữ “lềnh” nên ở phía dưới. Nhưng đến nay, các cụ nhận tên làng là Phụ Long nghĩa là có sự chung sức của hai làng, Phụ Long ngày thêm hưng thịnh.

Trước năm 1832, Minh Mạng chưa cho khai con sông Đào, Phụ Long có ba thôn và những xóm nhỏ đã đi vào ca dao như Cồn Vịt, vườn Dâu ngày nay còn quen thuộc. Đất làng còn sang đến Vị Khê, Vạn Diệp. Sau này có con sông Đào, phía bên kia gọi là Phụ Long tả hà, phía bên này gọi là Phụ Long hữu hà. Xóm Hưng Long ở ven sông gọi là Vạn Hà.

Ngày nay, con đường Đồng Tháp Mười chia ranh giới hai làng Phụ Long và Vị Hoàng.

Làng Phụ Long có tám giáp: Đông, Đoài, Bắc, Nhất, Nhì, Ba, Tứ, Năm, nhưng lại hình thành những vùng quen thuộc.

Quán bánh dầy, nơi làm ra những tấm bánh dầy, bánh chưng nặng 2 - 3 cân. Bánh thơm ngon, tinh khiết. Gạo nếp đỗ xanh được tuyển chọn. Bánh trước hết được làm lễ tế thần những ngày làng vào hội, còn thu hút dân trong thành phố ra đặt cho lễ đám cưới, đám ma. Đám cưới dùng bánh làm đồ sinh lễ rồi đem chia theo trầu cau cho họ hàng, bà con thân thuộc. Mặt bánh dầy dán một hoa văn chữ “hỉ” bằng giấy đỏ tươi, lạt buộc bánh chưng nhuộm đỏ. Đôi bánh còn kèm theo quả nem. Bánh đám ma có hoa văn chữ hiếu bằng giấy xanh, bánh chưng và qủa nem cùng buộc lạt xanh. Chủ nhà đám dùng làm quà tạ ơn những người thăm viếng, đưa đám. “Phù Long hàng xáo bụi đâu” câu ca dao cũ giới thiệu khu này còn có thêm nghề xay gạo, xay bột. Nhờ sát Mom sông. Quán bánh dầy còn đông vui vì trên bến dưới thuyền.

Quán Chuột nằm trên đường ra Tân Đệ. Đó là vùng ruộng đất tới đó thắt lại như đuôi chuột nên nôm na người ta gọi khu vực này là Quán Chuột. Đây cũng còn gọi là quán Gốc Hòe vì có năm sáu gốc hòe lớn. Cách Mom Sông đông vui không xa, còn nhiều đoàn thuyền từ miên Bắc xuống, từ miền Trung ra, nên ở đây một thời có rạp tuồng cổ nổi tiếng, đêm đêm rộn rã tiếng nhạc, tiếng trống tuồng, tấp nập người xem.

Khu Vườn Dâu, Cồn Chuối xưa người làng trồng dâu chăn tằm, trồng chuối lấy quả. Khi thực dân chiếm được thành Nam Định, chúng lợi dụng ngay, thuê người trồng dâu chăn tằm trồng chuối, lấy tơ cung cấp cho nhà máy tơ Nam Định dệt lụa xuất khẩu. Chúng giao cho hương lý trong làng trông coi. Những người con trai làng, những người thanh niên Vị Xuyên và quanh vùng từ đầu thế kỉ này đến trước ngày kháng chiến chống Pháp năm 1945 đã không quên trường Kiêm bị Vườn Dâu với ba lớp học tương đương cấp I (hai lớp nhì một lớp nhất), và các thầy Thuần, thầy Quì, thầy Lang… Nay trường đã thành trưởng phổ thông cơ sở Trần Tế Xương.

Phù Long còn hai xóm nhỏ: Xóm Dầu của một số người ép dầu Nam làm dầu thắp đèn, sau này bán dầu hỏa. Xóm Đúc đồng của khoảng 40, 50 gia đình thợ đúc, gốc ở thôn Chanh Chè (nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) ra Nam Định từ lâu đời, định cư ở đây, mua đồng nát, đúc nồi đồng, sanh đồng, đủ loại to nhỏ... Hàng bán cho các cửa hàng ở phố Hàng Đồng và các thuyền mành từ miền Nam ra. Nghề đúc đồng tinh xảo dần. Người thợ lành nghề ở đây đã có mặt ở nhiều đình, chùa, đúc những chuông lớn và sau này có thể đúc đến những bộ phận cơ khí chính xác, tinh vi thay thế các phụ tùng nước ngoài.

Khu Côn Vịt xưa đất cao như cồn, chỉ là một cánh đông hoang, dân thành phố và dân làng coi như một nghĩa trang. Chính nhà thơ Trần Tế Xương khi mất cũng được an táng tại đây trước khi rước hài cốt về công viên Vị Xuyên. Cồn Vịt nằm bên đường 10 đi Thái Bình, có một con đê gọi là “đê leo”, chạy dài qua một cái dốc ra tới quán Chuột. Dốc ấy, Pháp gọi là “Lưng lừa” (Dos d’âne). Ta cũng quen gọi là “đô đan”. Những chiều hè nóng nực, dân thành phố ra tới đây hóng mát, gần khuya mới về.

Tại khu này có chùa Phụ Long - Chùa xây dựng từ xưa là một cảnh đẹp của Châu Tiên. Tên chùa là Duyên Phúc Tự. Năm Gia Long thứ 16 (1817), chùa đúc chuông lớn và xây dựng một gác chuông đẹp. Đến năm thứ 3 thời Minh Mạng, chùa được tôn tạo, càng đẹp thêm nhờ hai pho tượng Hộ pháp, thợ giỏi đắp, sinh động như người thật. Chùa đổi tên là “Duyên Khánh tự”. Đến nay, cửa chùa vẫn còn đôi câu đối:

Cực lạc quốc trung, nhất trần bất đáo Bồ Đề địa

Thuyền môn tịch tĩnh, vạn thiệt đồng qui Bát nhã môn

(Nghĩa là: Trong nước cực lạc, chỉ mang một hạt bụi cũng không vào được đất Bồ Đề. Cửa thuyền tĩnh mịch, vạn điều thiện đều qui vào cửa Bát Nhã)

Đến thời “sát Gia tô” chùa bị phá hoại nặng. Tự Đức đã cho làm lại chùa và đến thời Khải Định, chùa được sửa sang thêm. Phía trên là đình làng Phụ Long, thờ Bố Cái đại vương. Nơi đây, trước các khoa thi hương, đã có những khoa thi khóa sinh. Những người đi học có qua được kỳ thi này mới được đi thi hương. Bên cạnh đó có một cái miếu thờ bà Chúa Kho từ sau khi có quân doanh Vị Hoàng.

Bên đình thờ thần Hoàng xưa còn có một ngôi miếu khói hương nghi ngút quanh năm. Dân làng thường kể lại những chuyện hoang đường về một ông Cống sĩ tên là Trần Văn Vọng. Ông không phải là người làng mà chỉ là con nuôi một người trong làng. Khi ông đỗ tiến sĩ về làng, không ai đón rước. Vừa xấu hổ, vừa uất ức, ông nóng nẩy gieo mình xuống giếng, trước đình làng tự vẫn. Trước khi ông chết, ông nguyện rằng: “Người làng đi thi chẳng ai giành được cái cử nhân”. Người làng Phụ Long cho dân làng mất quan từ đấy. Lại đồn rằng ông rất thiêng. Thần Hoàng là Bố Cái đại vương báo mộng cho tiên chỉ biết ông là một tôn thần. Nếu dân làng không thờ ông thì chính Thần Hoàng phải đi nơi khác. Dân làng từ đó lập miếu thờ ông. Miếu trước xây nhỏ. Sau huyện Hòe vì một chuyện hoang đường khác nhớ ơn ông lập miếu to hơn.

Xa hơn, cách hơn một cây số, về phía bờ sông có đền Cây Quế thờ một vị Tiểu Vương nhà Trần trấn ải cửa sông. Nơi đây đã diễn ra những ngày lễ hội có thi bơi chải tưng bừng.

Cũng như làng Vị Hoàng, làng Phụ Long có 4 họ Trần, Lê, Nguyễn, Vũ. Họ Trần có 6 dòng: Trần Công, Trần Lê, Trần Doãn, Trần Văn, Trần Đình, Trần Thọ. Dòng Trần Lê lập ấp đầu tiên tập trung ở Giáp Năm, từng bảy đời có người làm quan trong triều. Dân làng nổi tiếng có Hiệp quản Nguyễn Xuất Tính đỗ cử nhân võ, bạn thân của Tú Xương. Chán công danh ông về ở ẩn và mất ở quê hương.

Mảnh đất cổ Phụ Long có khá nhiều tục lệ:

- Dân làng trọng “xỉ” (tuổi cao) không trọng “tước” (làm quan có chức tước). Đầu xuân, vào lúc hương vị tết còn nóng ấm, ngày 12 tháng giêng làng tổ chức “rước bô”. Các cụ từ 60 tuổi trở lên được coi là thọ và được xếp vào hàng bô lão, 70 tuổi trở lên được coi là thượng thọ. Các cụ được rước ra đình dự “yến lão”. 80 tuổi “bất nhập đình trung”, các cụ không phải ra đình, các cụ được dân trọng vọng mang cỗ tế thần biếu tận nhà. Có ba thứ cỗ: cỗ bát (giò, nem, ninh, mọc) , cỗ đường (xôi , chè , bánh ngọt…), cỗ hoa qủa (các qủa quý và lạ), cũng vào dịp này người làng trên dưới 30 tuổi mua “lềnh”, trên dưới 50 tuổi mua “trùm” khỏi mang tiếng “bạch đinh”.

Sau đó, dân làng làm lễ hạ điền, hay tịch điền. Ngày xưa, dân làng chưa đông đúc, mỗi suất đinh được chia tới 1 mẫu 4 sào. Nghề làm ruộng là nghề chính. Sang hè khi sao mạ mọc (khoảng đầu tháng tư âm lịch) dân làng làm lễ xuống đồng. Lễ thánh xong, ông chủ tế mặc quần áo đỏ dắt trâu ra đồng, trên đầu trâu, giữa hai sừng kết bông hoa vải đỏ. Đó là một đám rước, có cờ ngũ hành đi trước, chiêng trống đi sau, cuối cùng là ông chủ tế. Ông xuống ruộng, mở đường cầy đầu tiên cho vụ mùa. Trai làng ra té nước trào ông chủ tế, tin rằng ông có ướt đẫm từ đầu tới chân thì vụ mùa mới tốt. Xong đường cầy, ông chủ tế được rước về đình làng, dân làng vui vẻ cỗ ban.

- Sang thu, cứ đến ngày 21, 22 tháng 8, làng thường tổ chức hai lễ hội lớn:

+ Lễ “tế xám” ở đình Thần Hoàng thờ Bố Cái đại vương,

+ Lễ hội ở đền cây Quế có thi bơi chải.

Cứ năm nay làng tổ chức lễ “tế xám” có thi cỗ ở đền trong thờ Thần Hoàng thì năm sau tổ chức mở hội ở bên ngoài tức đền cây Quế, có thi bơi chải. Lễ “tế xám” tổ chức ba ngày: ngày đầu rước “rửa kiệu”, ngày thứ hai “rước tập”, ngày thứ ba “tế xám”. Ngày thứ ba mới thực sự trọng thể. Đêm hôm trước, dân làng đốt đuốc ở đình tế từ bảy giờ đến mười hai giờ đêm, dân làng gọi là tế đình liệu. Tổ chức “tế xám” vào ban ngay. Đó là ngày các giáp thi cỗ. Có giáp làm cỗ tam sinh rất to: bò, lợn, dê. Có giáp làm cỗ tam sinh nhỏ nhưng là đặc sản: lợn ỉ, gà thiến, cá chép nặng hàng yến…Có giáp dâng 3 mâm xôi, mỗi mâm xôi thổi bằng 60 bơ gạo, đường kính tới một thước tây. Có giáp dùng quầy sơn son thếp vàng võng ra đình ba trăm bánh dầy, ba trăm bánh chưng, đặc biệt thơm ngon, mỗi tấm bánh nặng tới 3 cân. Có giáp muốn tinh khiết hơn dâng những mâm bồng ngũ quả, kén từ những quả phật thủ to vàng rộm, những nải chuối tiêu lớn, những quả cam, quả bưởi, quả quất thật to còn nguyên những cành lá tươi tốt, cách bày sắp xếp mĩ thuật, đẹp mắt. Dân làng làm các lễ vật dâng cúng cũng là thi tài làm ra những sản phầm quí. Cuộc thi có giá trị về nhiều mặt, tỏ lòng thành kính nhớ ơn truyền thống đấu tranh oanh liệt của ông cha, cũng động viên, tỏ rõ và kế tiếp kĩ năng, kĩ xảo gia truyền của dân tộc trong đời sống, trong sản xuất.

Lễ hội ở đền ngoài có thi bơi chải kéo dài 7 ngày. Lễ hội tưng bừng, náo nhiệt hơn vì trai làng tám giáp đều dự thi. Ba ngày đầu, các chải tập dượt, ngày thứ tư bắt đầu cuộc thi. Có ba giải: giải họ, giải giáp, giải làng. Cuộc tuyển lựa này dẫn đến giải “cuốn” tức là giải “chung kết”.

Khác với Hành Thiện bơi đứng, chải đền Cây Quế bơi ngồi. Chải đóng thấp mạn, dài khoảng 10m hình thon, thót dần về phía mũi. Khoang lái hơi cong, có dáng thanh thoát nhẹ nhàng. Chải ngăn làm 14 khoang, mỗi khoang 2 người chèo. Hai mái chèo ngắn chừng gần 1m, người lái đừng ở cuối chải, mái lái dài hơn 2m. Khi đua, theo nhịp mõ và giọng hò của người điều khiển đứng giữa thuyền, các tay chèo vận động cả toàn thân đầu nhao về phía trước, chân dận đều một nhịp, lấy đà kéo tay chèo về phía sau, mái chèo bổ sâu để có lực đẩy mạnh, lúc đưa chèo về thì mình ngả hẳn về phía sau. Đầu mình, tay, chân hoạt động nhịp nhàng uyển chuyển. Mỗi động tác của mỗi người đều ăn nhịp hòa chung, thống nhất với tất cả anh em hàng thuyền tạo thành một sức mạnh tập thể. Nhờ sức mạnh đó, các chải lao đi vun vút trong một thế đẹp, khỏe và nhanh

Ngày 22 tháng 8 là ngày kết thúc cuộc thi bơi chải. Cuộc thi diễn ra trên sông Vĩnh Giang, nhưng qua một đoạn từ cửa sông Vị ra sông Cái vào sông Vĩnh đến quán Chuột, quanh đi lại ba vòng, đường dài khoảng 8km. Sát đền ngay phía bờ sông, dân làng đã dựng một khán đài, ngày đó gọi là “Quan cư” để đón các quan tỉnh, thành và huyện về dự. Sau này cuộc thi chỉ diễn ra trên sông Đào khoảng từ đền Cây Quế đến bến Đò Quan rồi quay về.

Ngày nay, Phụ Long chia thành Phụ Long A, Phụ Long B vừa là khu dân cư vừa là khu công nghiệp. Nhiều nhà máy như nhà máy Nước, nhà máy Điện có từ thời Pháp. Sau này ta đã xây dựng xí nghiệp đồ hộp xuất khẩu, một số xí nghiệp công nghệ thực phẩm như làm bánh kẹo, bánh mì, bột dinh dưỡng cho trẻ em. Nơi đây còn có bệnh viện thành phố, nay là trường Văn hoá Nghệ thuật của tỉnh, một phòng khám bệnh của trạm chống lao, hàng năm phòng khám bệnh và dự phòng cho hàng ngàn bệnh nhân. Bên con đường đi Thái Bình hiện nay, nhà mới xây san sát, các cửa hàng buôn bán phục vụ mở ra đông vui. Nơi đây đã thành một cửa ô đẹp đón người từ Thái Bình và Hải Phòng về thành phố, Phụ Long xưa đã đổi mới và đang đi lên.

3. Làng Năng Tĩnh:

Năng Tĩnh xưa là một làng cổ. Làng ở phía tây nam thành phố. Chuông chùa Đông (nay là chùa cụ Phán Chương) của làng còn ghi: Chuông đúc từ thời Lý như vậy làng đã có một lịch sử xa xưa hơn. Đến năm Minh Mạng thứ 15 (1834), làng còn mang tên Năng Lự. Sau đó, vì kiêng tên húy, Thiệu Trị đổi tên làng thành Năng Tĩnh. Thiệu Trị lên ngôi năm 1840. Năng Lự đổi thành Năng Tĩnh vào mấy năm sau đó.

Về địa lý, từ trước năm 1832, khi chưa có sông Đào làng Năng Tĩnh rộng sang bên kia sông tới làng Phong Lộc có thôn Lương Xá. Ở bên này sông Năng Tĩnh sát tới làng Mỹ Trọng (xã Mỹ Xá) ở phía tây, làng Gia Hòa ở phía nam (xã Lộc An) bao gồm cả khu Trường Thi, Văn Miếu, nghĩa trang Hoa kiều (ta quen gọi là nghĩa địa Khách), nghĩa trang Bắc Tế nay không còn nữa. Đến đời Nguyễn, Gia Long đắp thành trên đất làng Năng Tĩnh. Sau này Minh Mạng xây thành bằng gạch đều lấy đất làng Năng Tĩnh. Một “cơ” thuỷ binh đóng trên bến sông (nay thuộc xóm Đông An) bảo vệ thành phố về phía nam gọi là Đồn Thủy. Bờ sông phía này còn có Đò Bái, Trại Sẩm (khu Đông An). Một con đường gọi là đường Sồng cùng chạy từ chợ Năng Tĩnh qua cửa nam ra đến bến sông (nay là đường xe than của nhà máy Liên hợp Dệt chạy ra bãi than ở bờ sông). Đoạn từ chợ Năng Tĩnh ra cửa nam xưa, hai bên đường trồng xoan mang tên đường Rặng Xoan nay đã mất hẳn. Một con đường khác đi từ cửa nam qua cửa tây lên cửa bắc gọi là Phúc Đường. Theo bà con địa phương, con đường ấy mang tên Phúc Đường do có nhà thương khách, một bệnh viện khám và chữa bệnh cho người Hoa nghèo, không lấy tiền. Đây là một công trình từ thiện do hàng bang Hoa kiều vì tình đồng hương và ý thức dân tộc cao, bỏ tiền ra xây dựng riêng cho người Hoa. Vào khoảng giữa hai đường Vụ Bản và đường Phan Bội Châu là xóm vườn Chay. Văn chỉ nằm giữa chợ Năng Tĩnh. Đình làng xưa ở địa điểm trường Hồ Tùng Mậu hiện nay. Năm 1903, đường sắt xuyên Đông Dương khởi công. Đến năm 1905 đoạn đường sắt Hà Nội về đến Nam Định, đi qua làng Năng Tĩnh chạy vào phía nam. Từ nơi này nổi lên ga Nam Định. Vài ba năm sau, Bôđông (Baudon) một Pháp kiều mở một khách sạn, thực chất là một quán hàng có chỗ trọ, với gần 10 cái bàn ăn, và vài phòng ngủ, chủ yếu dùng cho lính Tây. Sau này việc buôn bán giữa Bắc Nam phát triển, trên sông Đào thuyền bè lên Bắc vào Nam tấp nập bến Đò Quan, bến Đò Chè Sầm uất. Thực dân Pháp lại đặt một đường sắt dài 2.500m từ ga ra bến Đò Chè cho xe lửa vận chuyển hàng chủ yếu là thóc, gạo, gỗ cây, muối, đường các loại cho hai vùng. Các phố Hàng Nồi, Bờ sông, Hàng Cau, Hàng Sũ, Hàng Thao, Máy Tơ, Máy Chai, Bến Thóc, phố Cửa Trưởng, Cửa Nam... dần dần ra đời. Chợ cửa Trường xưa vốn là khu Tả trường, ở cửa Nam trường thi hương Nam Định. có một thời thịnh vượng sầm uất. Đó là nơi đón các sĩ tử của các khoa thi hương đi xem bảng tìm đến để vào thi. Chợ này về sau vẫn thu hút nhiều người buôn bán hơn chợ Đò Chè, chợ Năng Tĩnh. Phố Hàng Thao, nơi sản xuất quai thao cho các nón ba sầm, còn là một phố có nhiều nhà hát “ả đào”, văn nhân sĩ tử hạng phong lưu thường qua lại ăn chơi, phóng đãng. Sự kiện nổi bật nhất là sự ra đời của nhà máy Sợi trên mảnh đất này.

Cũng tại nơi đây nổi lên các công sở của bộ máy cai trị của chính quyền Pháp. Đồ sộ nhất là tòa công sứ, nơi ở và làm việc của tên quan cai trị đầu tỉnh, chiếm hết khu vực quảng trư ng hiện nay. Đến năm 1921, theo quyết định của Toàn quyền Đông Dương, tỉnh lị (Chef-lieu) của Nam Định là thành Nam Định nên thành Nam Định được coi là một thành phố (ville). Quanh dinh công sứ tỉnh là trụ sở của bộ máy đàn áp: Sở Mật thám, sở Hiến binh và cảnh sát, toà án Tây, trại lính khố đỏ với một tiểu đoàn bộ binh gồm lính lê dương và Việt Nam, trại lính khố xanh, với một tiểu đoàn bảo an binh hay giám binh. Đằng sau dinh công sứ thực chất là một quảng trường để thực dân Pháp tập trung lực lượng đàn áp dân ta khi ta nổi dậy chống lại chúng. Rồi đến các công sở phục vụ cho việc cai trị như thương chính - thuế, kho bạc, giao thông công chính, bưu điện, ngân hàng. Khoảng những năm 1930, chúng xây thêm một dinh thự vừa dùng làm tòa sứ vừa là tòa đốc lý để quản lý riêng việc thành phố (nơi công viên cây cảnh có 3 con rồng hiện nay). Ở khu vực này còn có bệnh viện với khoảng 50 giường. Một bác sĩ người Pháp phụ trách bệnh viện với 2 y sĩ và một số y tá, hộ lý người Việt. Bệnh viện cũng chia làm hai: một phần gọi là nhà thương làm phúc cho người Việt nghèo. Một phần dành cho người Pháp và người giàu có tiền trả viện phí. Sau này, ở phía Bắc, thực dân Pháp cho xây một trưởng tiểu học Pháp - Việt trên một mỏm thành còn lại. Trường có 19 lớp gọi là trường Trong. Phía đông nam có một trường nhỏ hơn (khu ngân hàng hiện nay) gọi là trường Ngoài. Lên phía Cửa Đông, có một trường dạy các nhà nho học tiếng Pháp là trường Tú sĩ. Xuống phía nam có trường Bến Củi gồm 6 lớp từ lớp đồng ấu đến lớp nhất. Học sinh ở đây không ai quên cụ Dương Thập Hy là thầy dạy lâu nhất ở trường. Sau này, những năm 1949 - 1950, trường trở thành trường trung học Nguyễn Khuyến do cụ Vũ Tam Tập làm hiệu trưởng. Trong thời Pháp thuộc, phố Bến Củi còn là nơi thực dân Pháp cho phép mở những nhà mãi dâm công khai.

Các công sở thường là nơi ở của những người phụ trách. Đó là những công trình kiến trúc theo kiểu Pháp có hai tầng đầy đủ tiện nghi, trang nhã, lịch sự nổi lên giữa một vườn hoa xinh xắn, khác hẳn với những công sở do các viên quan nam ở như dinh tổng đốc, bố chánh, án sát, đốc học. Sự sinh hoạt giữa quan chức Tây - Nam khác biệt hẳn. Để nghỉ ngơi vui chơi, bọn thực dân xây dựng một khu công viên rộng lớn để chiều chiều chúng dạo chơi giữa hoa cỏ tốt tươi. “Một nhà kèn” hình bát giác xây dựng giữa vườn hoa là nơi đội nhạc binh hòa nhạc phục vụ cho "tây - đầm" những chiều chủ nhật. Bên cạnh cái nhà “xéc” (cercle), câu lạc bộ Lạc bằng bé nhỏ dành cho các quan ta đánh tổ tôm, điếm là một “câu lạc bộ thể thao” đồ sộ của Pháp có sân khấu với 500 chỗ ngồi, có sân quần vợt, sân bóng rổ… Từ khi thực dân Pháp chiếm thành năm 1883, đến về sau này, hình thành hẳn hai khu vực Pháp - Nam. Người Nam dựng đường phố bên bờ sông Vị làm ăn buôn bán đông đúc, nhà ở chật chội tối tăm. Người Pháp cướp dần đất Năng Tĩnh, mở ra một khu vực riêng với những dinh thự đồ sộ, những công trình kiến trúc qui mô xinh xắn, khoáng đãng phục vụ họ từ ăn ở đến vui chơi, “giang sơn riêng một góc trời!…”.

Còn cư dân làng Năng Tĩnh thì bị đẩy lùi mãi vào phía tây nam. Đây là người của 4 dòng họ: Nguyễn, Đặng, Phạm, Trần. Nhưng lớn nhất là họ Trần. Họ Trần chia làm 8 giáp lấy tên đệm khác nhau để dễ phân biệt như: Trần Đăng, Trần Trọng, Trần Duy, Trần Đại, Trần Tam, Trần Viết, Trần Văn, Trần Quang. Có nhiều cách giải thích khác nhau về nguồn gốc họ Trần, những cư dân xa xưa trên mảnh đất cổ này. Phần lớn dân làng cho rằng họ Trần ở đây vốn dòng dõi nhà Trần quê hương Tức Mặc di dần về đây lập làng. Có người lại nói xưa kia người làng phần lớn họ Nguyễn, họ Đặng. Về đời Trần, dân làng có công đào sông Vị Hoàng, xây dựng Bến Ngự nên vua Trần đã “ân ban tứ tính” nghĩa là vua ban cho dân làng đặc ân được mang họ nhà vua, họ Nguyễn, họ Đặng được đổi thành họ Trần. Một thuyết khác cho rằng họ Trần trước là họ Mạc. Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê từ năm l527. Qua 10 đời vua, năm 1688, Mạc Kính Vũ đã thất thủ chạy lên Cao Bằng. Con cháu họ Mạc ẩn náu khắp nơi. Có người trốn về Năng Lự lập nghiệp đổi họ là Trần. Lại có người cho rằng: không biết từ năm tháng nào, vào thời kỳ nhà Trần mới khai sáng, ba ông có tên ông Cây, ông Cội, ông Cành đến đây khai phá lập làng. Gặp khi vua Trần chạy giặc đến đây, không may thuyền gặp rây mắc cạn. Ba ông cứu thuyền, hộ giá khỏi cạn. Giặc tan, vua trở về, nhớ tới 3 ông phong cho ba ông tước Dũng giang hầu. Khi 3 ông mất, dân làng lập đền thờ ở đền Từ Ô, phố Hàng Nồi. Sau này, nhà Nguyễn xây thành, thực dân Pháp cướp đất, dân làng chuyển dần vào phía nam lập thôn xóm, đình làng cũng chuyển đi.

Dân làng Năng Tĩnh xưa vốn lao động chuyên cần lấy nghề nông làm chính. Nhưng đây là mảnh đất phải đương đầu nhiều với sóng gió trong sự đổi thay của lịch sử nên dân thường phải luyện võ và từ đó có những lò võ nổi tiếng. Vl thời Lê - Trịnh, dân đói khổ vì vỡ đê, lụt lội. Các ông đội Châu, cai Cư, cai Roanh thuộc quân doanh Vị Hoàng đã theo Nguyễn Huệ diệt phá quân Trịnh (1786). Về đời Nguyễn, từ lò võ Năng Tĩnh đã có người đỗ cử nhân võ như cụ Trần Đăng Rĩnh, dân còn gọi là cụ cử Tuyền. Năm 1858, khi giặc Pháp đổ bộ xuống bán đảo Sơn Trà, cụ cử Rĩnh đã huấn luyện 40 nghĩa binh và dẫn đầu anh em tham gia đoàn nghĩa quân của cụ Phạm Văn Nghị đi vào Huế xin triều đình cho đánh giặc. Việc không thành, nhưng từ triều đình Huế trở về, cụ được sung chức Huấn đạo võ sư của huyện Mỹ Lộc. Nhớ công cụ, 10 năm sau, tổng đốc Nguyễn Trùng Hợp bình công đã xin đổi cụ sang Văn ban để tỏ lòng tôn trọng, biết ơn. Dân làng Năng Tĩnh đã không thiếu mặt trong hai cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Nam năm 1873 và 1883 chống thực dân Pháp xâm lược. Bà con đã cùng quan quân giữ mặt thành phía nam. Năm 1883 khi thành đã mất, giặc Pháp còn bị nghĩa quân Năng Tĩnh giữ vào làng tiêu diệt hàng chục tên, sau đó theo nghĩa quân đánh Pháp mãi tới năm 1898. Ngày 5-12-1898, giặc Pháp bất ngờ ập vào làng bắt chém một lúc 25 người. Trong thời gian đó, hai ông Trần Đăng Cương, Trần Duy Rực đã theo cụ nghè Giao Cù Vũ Hữu Lợi chống Pháp. Hai ông chỉ huy quân từ Búng Quán (Thái Bình) xuống đến Liễu Đề (Nghĩa Hưng). Cụ nghè Giao Cù bị bắt và bi xử tử. Hai ông đã đi tìm tổng đốc Đào Trọng Đủ, kẻ đồng mưu với án sát Vũ Văn Báo bắt cụ nghè Giao Cù, có ý định trả thù cho cụ Nghè. Không may, hai ông đều bị bắt và bị xử tử theo. Trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục, dân làng đã hưởng ứng cuộc vận động không đi học chữ Tây và từ năm 1906, nhiều nhà nho trong làng bỏ không đi thi hương dù trường thi ở ngay tại xã. Nhà nước bảo hộ bắt buộc mỗi xã phải có một người đi học chữ Tây. Các cụ tìm một con nhà nghèo cấp tiền cho ăn học. Sau này người đó làm thông phán cho Pháp đó là cụ Phán Chương. Có một thời bọn giáo sĩ phương Tây cậy thế lực Pháp bắt dân xây nhà thờ An Tong (Antoine) ở bờ sông. Gần ngay đấy về phía chợ là nhà thờ Kim Phò. Mặc dù bị mua chuộc, dụ dỗ, đe dọa, dân làng không mấy ai chịu theo đạo. Nhà thờ vắng con chiên, chỉ còn là nơi trú ngụ của một số người nghèo khổ, tàn tật đi hành khất. Đến kháng chiến, nhà thờ đổ xuống sông do đất lở. Nay chỗ đó là bãi than.

Dân làng Năng Tĩnh nghèo:

“Năng Tĩnh là đất có ma

Khi vào có áo, khi ra mất quần”

Ý nói người giàu cũng không bền. Đã thế, bà con còn bị khổ vì bọn cường hào như lý Chanh, chánh hội Sen, phó lý Dĩnh, trưởng phố Kỳ và Xưởng chuyên đục khoét, đàn áp nhân dân nên bà con đã kể tội:

“Bao giở Chanh cỗi, Sen tàn

Dĩnh siêu, Xưởng đổ thì làng mới yên”

Có người sửa: “Xương siêu, Kỳ nát...” Đến thời Pháp thuộc, mất ruộng đất, mất nhà, dân làng cùng đường phải vào làm nhà máy kiếm sống. Từ năm 1900 đến năm 1924, bọn chủ bắt công nhân làm mỗi ngày 14 giờ (từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối).

“Bốn giờ cắp nón đi ca

Mặt chó chẳng biết, mặt gà cũng không”

Đã thế, còn phải:

"Suốt ngày làm chẳng ngơi tay

Mà roi vẫn tới tấp bay trên đầu”

Cùng với đội ngũ công nhân nhà máy, những người thợ quê Năng Tĩnh, với truyền thống bất khuất, tham gia đấu tranh quyết liệt chống bọn chủ, giành được ngày làm 8 giờ, chống cúp phạt lương, đánh đập, đàn áp công nhân. Có người đã bỏ quê ra đi tìm đường cứu nước như Nguyễn Thành Thuyết và đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930. Những người dân Năng Tĩnh đi lên từ những cuộc đấu tranh trong trường kỳ lịch sử. Mảnh đất này lại chứng kiến những trận chiến đấu anh dũng chống thực dân Pháp vào những ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946, góp phần bao vây giặc Pháp ở trong trại Carô suốt 86 ngày đêm, và sau này đã là một vùng địch hậu kiên cường.

Trung kiên trong đấu tranh, nhưng thuần hậu nhân nghĩa trong tình làng nghĩa xóm, dân làng phần lớn theo đạo Phật. Chùa thôn Đông (nay là chùa cụ Phán Chương) to hơn cả. Chùa thôn Tây ở giữa phố Năng Tĩnh và chợ Năng Tĩnh nay đã mất, chỉ còn trơ lại 4 bia đá. Phía nam có chùa Rào (gần nhà máy đóng tàu l-5). Tương truyền: một năm lụt to có pho tượng trôi giạt vào bờ sông. Lũ trẻ chăn trâu vớt lên rồi lấy tre làm rào và chơi trò cúng lễ. Dân làng cho là thiêng, dựng chùa thờ Phật. Từ đó có chùa Rào. Đến kháng chiến chống Pháp, chùa bị lở xuống sông.

Thời nhà Nguyễn, đất làng bị chiếm xây thành. Dân làng Năng Tĩnh lui dần về phía nam dựng làng mới, xóm mới, nhưng vẫn giữ hương đẳng với tục lệ cổ truyền: tổ chức mừng thọ cho các cụ từ 50 tuổi trở lên, mùa xuân làm cỗ “yến lão” và vẫn ăn chịu đóng góp chung một đình làng. Đình làng xưa kia thờ 3 ông Dũng Giang hầu làm Thần Hoàng ở đền Từ Ô, phố Hàng Nồi. Làng lui vào phía trong lập đền mới trên nền nhà cũ của ông nghè Trần Xuân Vinh. Ông Trần Xuân Vinh hay Lịch đậu Nhị giáp tiến sĩ khoa Kỉ Vị năm Cảnh Thống thứ 2 (1499) làm quan đến Cấp sự trung, thụy là Lý Uẩn tiên sinh. Khi ông mất, dân làng tôn sùng ông, lập đền thờ.

Nay đình làng đưa Thần Hoàng về nơi mới có xây hai dải vũ hai bên, thờ tả văn hữu võ. Văn đây có thể hiểu là làng thờ ông Trần Xuân Vinh. Còn bên võ, có thể dân làng thờ bà Hậu Cháo, người đã có công bỏ gạo cứu dân trong lúc đói, dân làng nhớ ơn lập đền thờ.

Làng Năng Tĩnh xưa là như thế. Một làng cổ, dân nghèo nhưng trọng nhân nghĩa, kiên trung, bất khuất. Nay Năng Tĩnh đã thành một khu dân cư sầm uất, trù phú của thành phố. (Viết theo tư liệu cua cụ Trần Trọng Biền, công nhân và là nhà thơ, người làng Năng Tĩnh) .

(Nguồn: Thành Nam Xưa - Vũ Ngọc Lý)

Người đăng: admin