Theo cố GS Chân, ban đầu có vài gia đình ở các làng quanh đó là họ Vũ ở bên làng Chằm Thượng, họ Phạm ở Phù Ủng (là 2 làng có từ lâu đời hơn cả) di cư đấn nơi đất hoang sơ có nhiều gò đống, khai canh, lập nghiệp và đặt tên là Ngọc Cục (có thể ban đầu chỉ là 1 xóm thôi?). Về sau, qua thời Trần, Hồ, thời Minh thuộc (1293 – 1427) dân cư các nơi tụ về nhiều hơn, nên nhân khẩu Ngọc Cục tăng dần lên. Và đến triều Lê Sơ (1428 – 1527) thì đã khá sầm uất. Vì thế, đến thời Nhà Mạc cầm quyền (1527 – 1592) đã xuất hiện một khu đất gần làng (có lẽ là đất trồng hoa cũ) của bà Phi (vợ thứ) họ Phạm làng Phù Ủng, vợ Vua Trần Minh Tông (1314 – 1329). Bà là con gái ngài Điện Soái Phạm Ngũ Lão có lập chùa ở gần con sông giáp đới ngạn Ngọc Cục, Phù Ủng. Nơi đó Bà cho gia nhân trồng hoa, có tên nôm là “trại bông” lấy hoa cúng Phật và trang trí nơi Bà cư trú. Dần dần có nhiều người đến phục dịch Bà trồng hoa. Rồi đem gia đình vào ở đó thành ấp Ủng Hoa. Sau nữa, nhân số gia tăng, đã lập ra Thôn Bông, có tên chữ là: Ủng Hoa Đường. Thôn này thời Nhà Lê Sơ và đầu thời Mạc (1428 – 1578) là một xóm trồng hoa của xã Ngọc Cục. Đến năm 1578, lúc đó ở thôn Bông đã có nhiều Nho sĩ, sĩ tử đi thi đỗ cao như Đoàn Quảng Phu, trúng Tiến sĩ từ năm 1514. Bùi Đình Kiên, Phạm Điển, Trương Hữu Phỉ gốc Ngọc Cục cũng đỗ Tiến sĩ trong thời nhà Mạc. Cho đến năm 1578, thôn Bông được tách ra thành 1 xã Ủng Hoa Đường độc lập, không thuộc xã Ngọc Cục nữa. Thời Lê Trịnh (Trung Hưng) 1593 – 1788 làng Hoa Đường đã có tên như thế (bỏ chữ Ủng có nghĩa là Ôm, tụ họp đông người) để nghe cho thanh tao.