Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Những ông đồ Sài Gòn đi làm Gia Phả

NHỮNG ÔNG ĐỒ SÀI GÒN ĐI... LÀM GIA PHẢ

TT - Những nhà nho Sài Gòn sinh hoạt tại Trung tâm Nghiên cứu và thực hành gia phả TP.HCM đang làm một phần việc thú vị của giới sử học: sưu tầm, nghiên cứu và dựng lại gia phả của các dòng họ...

Gia phả là... phát hiện

Cư dân vùng Nam bộ ít có thói quen lập gia phả, lịch sử hình thành các họ tộc gia đình ở phương Nam gắn liền với quá trình di dân mở cõi từ thời các chúa Nguyễn. Những người nghiên cứu gia phả nhận ra đặc điểm chung là các hệ gia đình Nam bộ hiện nay thường chỉ biết có bảy đời. Thế hệ trước đó vốn xuất thân từ miền ngoài.

Trung tâm Nghiên cứu và thực hành gia phả hiện có hơn 30 hội viên. Trong đó, có hai người giỏi chữ Hán và chữ Nôm là ông Võ Văn Sổ và ông Huỳnh Văn Năm. Phần lớn các tư liệu về dòng tộc, các bộ gia phả lập từ thời xưa, những thần tích bài vị, văn bia cần thiết cho việc lập gia phả đều được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm.

Công việc sưu tầm tư liệu, phục dựng các bộ gia phả của từng dòng họ rất cần vốn Hán Nôm cổ của các “cụ đồ”. Ông Võ Văn Sổ kể rằng chính ông đã cải chính một sự nhầm lẫn về giới tính của vị tổ tộc họ Trương ở Trà Vinh. “Từ bao đời nay, ngôi mộ tổ của tộc họ Trương được xem là mộ của “bà tổ”, xuất phát từ lời kể của một người trong tộc về lịch sử định cư lập ấp của dòng họ tại đây.

Tuy nhiên, trong họ không ai đọc được chữ Hán, trong khi trên bia mộ tổ có ghi rõ ràng: “Đại Nam hiển tổ khảo tánh Trương tự Thâu... chi mộ”. Khi bia mộ dùng chữ “hiển tổ khảo”, tức là ngôi mộ này của ông nội người lập mộ. Nếu là mộ của bà nội, phải dùng chữ “hiển tổ tỉ”.

Đầu tháng ba vừa qua, bộ gia phả của dòng họ Nguyễn ở Long An được lập xong, trong đó các nhà nghiên cứu gia phả đã xác định gốc tích dòng họ Nguyễn này tại Quảng Ngãi bằng việc đi điền dã tìm hiểu cụ thể và phát hiện được một bộ gia phả bằng chữ Nôm gốc còn lưu tại Quảng Ngãi. Thế là một nhánh tộc vào Nam sau mấy trăm năm mới ráp nối được với họ hàng ở quê gốc Quảng Ngãi.

Thú vị hơn nữa là sau khi bộ gia phả họ Nguyễn hoàn thành, một nhánh họ Nguyễn ở Long An nhân nghe tin đó đã tìm được dòng họ của mình bấy lâu thất lạc không liên hệ được. Hiện nay, trung tâm gia phả đang dự định thiết kế một chuyến gặp gỡ để dòng họ Nguyễn ở Long An nhận thêm bà con.

Người nhiệt tình gầy dựng phong trào nghiên cứu phục dựng gia phả là ông Võ Ngọc An - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và thực hành gia phả. Ông An là người đã tìm ra bộ gia phả cổ của dòng họ Trương Minh Giảng còn lưu tại Thư viện Quốc gia (Hà Nội).

Từ bản sao bộ gia phả này, ông Võ Văn Sổ đã dịch ra chữ quốc ngữ và dựng lại thành tập gia phả, sau đó chuyển lại cho hậu duệ của Trương Minh Giảng hiện còn cư ngụ tại quận Gò Vấp, TP.HCM. “Gia phả của dòng họ này từ lâu đã bị thất lạc, nay mình tìm được, dịch ra chữ Việt, gửi lại cho họ, quả là như châu về Hiệp Phố, thật hay” - ông Sổ kể.

Sử liệu của... nhà gia phả học

Trong quá trình sưu tầm tư liệu về dòng họ Hồ - họ ngoại của nhà biên kịch Nguyễn Hồ, ông Huỳnh Văn Năm tìm ra dấu tích của mộ táng và nơi thờ tự của những vị khai quốc công thần thời Gia Long, khởi đầu là ông Hồ Văn Vân từ Nghệ An vào Nam lập nghiệp.

Ông Hồ Văn Vân sinh ra người con là Hồ Văn Bôi (hay còn gọi là Vui), là cha bà Hồ Thị Hoa - vợ chính thất của vua Minh Mạng. Bản thân ông Hồ Văn Bôi là cận thần tin cẩn của vua Gia Long từ khi khởi nghiệp ở đất Đàng Trong, được phong đến tước Phước Quốc Công. Đến nay, mộ tổ dòng họ này chỉ còn một ngôi mộ của ông Hồ Văn Vân tại nghĩa trang Triều Châu, tỉnh Bình Dương.

Các ngôi mộ và nhà thờ của ông Hồ Văn Bôi và vợ là Huỳnh Thị Lành đều đã thành phế tích, nằm lẫn trong khu dân cư ở Thủ Đức, TP.HCM.

Tuy vậy, ông Năm đã tìm được linh vị thờ ông Hồ Văn Vân và vợ cùng linh vị của ông Hồ Văn Bôi và vợ được dân đưa vào thờ tại đình Linh Chiểu, quận Thủ Đức. Hiện nay, hậu duệ có anh Hồ Văn Dũng đang trông coi việc thờ tự cho các vị tiên tổ tộc họ này.

Và việc xây dựng gia phả dòng họ Trương ở Đức Hòa, Long An đã làm hé lộ những cứ liệu sử học thú vị. Những người già trong tộc họ Trương nói rằng xuất xứ của họ này từ Hà Tĩnh vào Nam.

Ông Huỳnh Văn Năm cùng nhóm cộng sự đã đi điền dã ra Hà Tĩnh, theo gợi ý của những người trong họ rằng ở huyện Đức Thọ có họ Trương, nơi đây cũng có một địa danh Đức Hòa - tên xã. Trong chuyến điền dã này ông Năm đã tìm được một quyển gia phả cổ của họ Trương ở Đức Hòa, Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Trong gia phả ghi nhận có một người trong họ sau khi vào Gia Định thì “không còn tung tích, hình ảnh gì cả”. Bên cạnh việc đối chiếu với trường hợp vị tổ đầu của họ Trương ở Long An, các nhà gia phả học còn dự đoán địa danh Đức Hòa ở Long An có lẽ xuất phát từ những người con đất Hà Tĩnh sau khi vào Nam vì nhớ quê nên dùng địa danh cũ để gọi quê mới lập nghiệp trong này. Những cứ liệu về việc xuất xứ các địa danh như vậy trong sách Gia Định thành thông chí chưa ghi nhận được.

Chưa hết, ông Huỳnh Văn Năm cho biết ông vừa tìm ra dấu tích hậu duệ của đô đốc Tuyết và đô đốc Long - hai dũng tướng của vua Quang Trung. Điều bất ngờ là hậu duệ đô đốc Tuyết đang sống tại TP.HCM, và trong họ có người được nhận sắc phong dưới triều Tây Sơn và cả triều Nguyễn. “Nếu hậu duệ hai họ này yêu cầu, tôi sẽ tiếp tục công trình phục dựng gia phả cho dòng họ của hai vị đô đốc danh tiếng dưới thời Tây Sơn” - ông Năm hào hứng nói.

LAM ĐIỀN

Theo tuoitreonline